Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

Vì sao Phong trào Cần Vương của Phan Đình Phùng kéo dài...

        VÌ SAO PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG CHỐNG PHÁP CỦA PHAN ĐÌNH PHÙNG CÓ THỂ KÉO DÀI HƠN MỘT 
                                            THẬP KỶ

                        ( Hội thảo kỷ niệm 160 năm ngày sinh Phan Đình Phùng 4-6-2007) tại Hà Tĩnh

       Phong trào Cần Vương chống Pháp được khởi xướng từ sau vụ tấn công thất bại của quân kháng chiến vào căn cứ Pháp tại kinh thành Huế ngày 5-7-1885. Vua Hàm Nghi tự thấy: “ Trẫm đức mỏng để cho thần dân lầm than là lỗi của Trẫm” nên đã phải cùng thuộc hạ di dời về Tân Sở (Cam Lộ, Quảng Trị) và chiếu Cần Vương lần thứ nhất được ban hành vào ngày 18 tháng 7 năm 1885.  Ý nguyện của Đức vua được nêu lên trong chiếu như sau: “Trẫm tuổi trẻ nối ngôi, không lúc nào không nghĩ tới tự cường, tự trị...phúc của tôn xã tức là của thần dân, cùng lo với nhau thì cùng nghĩ với nhau...nghiến răng và dựng tóc, thề giết hết giặc”, “văn thân sĩ phu các nơi, hào mục các làng và dân chúng cùng binh sĩ, tất cả đều tề tựu Cần vương”. Tinh thần Cần Vương cứu nước ấy nhanh chóng được truyền bá rộng rãi với những lời lẽ thống thiết và kiên quyết trong dân chúng: “mong các vị lượng xét, người nào củng một lòng, xin nội trong tháng nay hạ cố tới...cùng bàn bạc cử sự, hoặc vị nào không chịu cùng làm việc với làng chúng tôi xin cũng tuân theo lời vua dự mở một đạo quân nghĩa riêng dẫn đến hành tại bảo vệ xa giá Vua cũng được. Còn dân trong xứ ai vui lòng ứng mộ thì cầm lây giấy chứng nhận thực của Lý trưởng thôn mình đem đến nơi đóng quân ở làng tôi lĩnh thưởng theo từng mức ( nếu Lý trưởng nào không chịu nhận thực tức là ngăn cản lòng trung nghĩa, việc phát giác ra quyết không dung thứ” (1). Đó là lời lẽ của Hàn lâm viện điện tích phán báo của Phan Cát Tưu, hiệu triệu Cần Vương chống Pháp. Tuy vậy Phong trào Cần Vương thực sự được ứng mộ phải sau khi Vua Hàm Nghi xuống chiếu lần 2 tại Sơn phòng, Phú Gia, Hương Khê, Hà Tĩnh vào ngày 20 tháng 9 năm 1885. Bởi tại đây các văn thân, sĩ phu yêu nước như Phan Đình Phùng, Nguỵ Khắc Kiều, Hoàng Xuân Phong, Phan Trọng Mưu, Lê Ninh... đã đến bái yết và nhậm chức do Vua Hàm Nghi ban phong. Trong số đó Phan Đình Phùng là một con người đã vì khí khái yêu nước  mà chịu tội triều đình về quê ngày trước. Ông được phong làm Tán lý quân vụ đại thần, thống lĩnh các nghĩa quân Cần Vương. Được giao trọng trách lớn, Phan Đình Phùng như muốn lập công chuộc tội rằng: “ Để cho thành tan, nước mất, thánh thượng mông trần (nhuốm cát bụi) là tội của lũ hạ thần. Xin thánh thượng yên lòng, dẫu chết cũng không từ, miễn sớm để thánh thượng hồi cung”(2). Một  phong trào sau đó ngùn ngụt bốc cao do thủ lĩnh của các địa phương đã chia nhau lập căn cứ, chiêu tập lực lượng, gương cao ngọn cờ Cần Vương cứu nước. Khắp vùng đất Hà Tĩnh quê hương của lãnh tụ Phan Đình phùng lúc bấy giờ, nhiều trận tập kích quân Pháp đã diễn ra làm cho ke thù lo sợ. Quân lính của Thực dân Pháp đã dùng rất nhiều thủ đoạn, kế sách để  tìm cách tiêu diệt lực lượng của nghĩa quân. Chúng lập đồn binh, điếm canh, ngày đêm lùng sục gắt gao để phát hiện lực lượng ủng hộ nghĩa quân; kể cả việc bắt dân “hàng rào phân li” tách dân chúng với lực lượng kháng chiến. Thế nhưng cuộc chiến đấu của nghĩa quân Cần Vương Phán Đình Phùng vẫn tồn tại với khí thế hùng mạnh và kéo dài hơn chục năm trời từ 1885 đến cuối năm 1896 mới chấm dứt.
     Cuộc chiến đấu không cân sức giữa lực lượng Cần vương mà lãnh tụ tối cao Là Đình nguyên tiến sĩ Phan Đình Phùng lãnh đạo với một đội quân thực dân chính quy, hiện đại, rốt cuộc tất yếu sẽ không thể chiến thắng  vì điều kiện lịch sử quy định. Thế nhưng trong cuộc chiến chống Thực dân Pháp suốt 27 năm, từ khi chúng nổ súng xâm lược nước ta 1858, cho đến lúc này chưa có một cuộc kháng chiến nào có thể kéo dài được như vậy. Chính đặc điểm này, cho phép có thể hiểu thêm bản chất của cuộc kháng chiến, nhưng mặt khác đòi hỏi chúng ta  phải đi tìm lời giải vì sao một phong trào bùng nổ trong điều kiện kẻ thù còn mạnh, sức lực, phương tiện dồi dào vẫn có thể duy trì được trên chục năm ròng ?.
     Đi tìm câu trả lời, dĩ nhiên chúng ta không nghĩ tới những nguyên nhân khách quan có tính chất cốt lõi truyền thống, đó là cuộc kháng chiến của nghĩa quân Phan Đình Phùng bắt nguồn từ sức mạnh chính nghĩa, bảo vệ chủ quyền đất nước chống lại thế lực ngoại xâm; đây là sự tiếp nối của truyền thống bất khuất chống giặc ngoại xâm mà ông cha chúng ta đã tiến hành qua hàng ngàn năm lịch sử chống phong kiến phương Bắc; là sự vùng dậy của dân chúng muốn thoát khỏi gông cùm nô lệ; cần vương và cứu nước hoà quyện với nhau..v.v... Thế nhưng về phía chủ quan của phong trào Cần Vương Phan Đình Phùng không phải không có những nguyên nhân đặc trưng, thể hiện một năng lực sáng tạo, một sự huy động và phát huy nội lực rất lớn của nghĩa quân nói chung và lãnh tụ phong trào nói riêng.
        Trước hết Phong trào Cần vương Phan Đình Phùng được đẩy lên từ ý chí đồng thuận của quảng đại nhân dân  mà nòng cốt là các lãnh tụ của phong trào quần chúng khắp các địa bàn dân cư. Hẳn là dân chúng chưa đủ điều kiện để nắm bắt thông tin đầy đủ về một sự đầu hàng nhục nhã của kẻ đứng đầu triều đình đã dâng đất cho Pháp. Nhưng khi tiếp nhận lời khẩn cầu của vua về việc hệ trọng cần kíp giúp vua cứu nước, thì nó được coi như một mệnh lệnh chính đáng đối với bầy tôi trung thành với quốc gia đại sự; thêm vào đó là những bậc sĩ phu hiểu rộng, tài cao đã trực tiếp đứng ra chiêu tập quân sĩ đứng lên giúp vua cứu nước, nên được đông đảo dân chúng tham gia tích cực. Nghĩa quân của phong trào Cần Vương trước hết là nghĩa quân từ các địa phương. Quân sĩ của phong trào bao gồm phần lớn là những người chân lấm tay bùn, lao động từ các thôn xã tự nguyện tham gia nghĩa quân để cứu nước, cứu nhà. Chính sức mạnh tự nguyện của dân chúng đã mang vào nghĩa quân đầy đủ những nhân tài vật lực, tiền của, thóc gạo, trâu bò... và tất cả những hiểu biết từ bách nghệ của đời sống. Nó làm cho nghĩa quân Cần Vương thê hiện nổi trội tính chất của một cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện. Qua những tư liệu mà chúng ta có được có thể thấy rằng người dân tham gia phong trào với một ý thức rất cao, coi công việc của nghĩa quân như công việc của chính mình. Vì thế người dân đã không từ chối bất kỳ một khả năng đóng góp nào cho nghĩa quân.Ở Thạch Hà có có gia đình Phó bảng Bùi Thố cả 6 cha con trai, gái tham gia nghĩa quân.Ở làng Uy viễn, Nghi Xuân có gia đình họ Đặng cả 5 anh em ruột đều gia nhập nghĩa quân.Ở quê hương cụ Phan: “có bà mẹ dắt người con trai độc nhất của mình đến cửa đồn Đông Thái gửi cho cụ Đình”. Chỉ riêng ở Trường Lưu (Can Lộc) hàng trăm gia đình từ xóm Độ, xóm Đình, xóm Mới, xóm Mác lúc bấy giờ kẻ ít, người nhiều góp tiền, gạo, rau, quả, cà, muối... giúp nghĩa quân. Có gia đình một lúc ủng hộ 30 thúng thóc (tương đương 5 tạ) (3). Chị em phụ nữ động viên chồng gia nhập nghĩa quân như một nghĩa vụ thiêng liêng:
                                             “Tổ tiên để lại em thờ
                                    Anh ra ngoài ải cầm cờ theo Vua”
         Tham gia hoạt động cho nghĩa quân Cần Vương còn có cả vợ Cai Hợp, vận động chồng tự nguyện mang binh lính, đồn trại ở Rú Đồn, Trường Lưu (Can Lộc) gia nhập vào nghĩa quân kháng chiến...Rõ ràng là Cuộc vận động Cần Vương  chống Pháp của Phan Đình Phùng không chỉ chăm lo về lực lượng vũ trang mà còn chú trọng cả về phương diện tuyên truyền chính trị, khuyến khích binh vận, xây dựng nguồn lực tiếp tế lương thảo....
       Một nét rất nổi trội và độc đáo là Phong trào Cần Vương Phan Đình Phùng đã khá thành công trong việc lựa chọn, tiến cử, bổ nhiệm người tài cầm quân chỉ huy chiến đấu. Sử dụng người tài là một nhân tố quyết định để phát huy hiệu quả của nghĩa quân trong bất kỳ tình huống nào. Sau khi Phan Đình Phùng được đức Vua tấn phong thống lĩnh các đạo nghĩa binh, thì lập tức các bậc anh tài tìm về tụ nghĩa trong đó nổi lên như Cao Thắng, Lê Ninh, Phan Cát Tưu, Nguyễn Cao Đôn, Nguyễn Chanh, Nguyễn Trạch, Đề Châu....Chẳng bao lâu trong số đó, Cao Thắng đã được lãnh tụ Phan Đình Phùng giao toàn quyền chỉ huy lực lượng. Sau 2 năm tụ nghĩa, lực lượng nghĩa quân đã phát triển khá mạnh, Phan Đình Phùng lên đường ra Bắc tìm kiếm, phối hợp lực lượng chống Pháp. Cao Thắng trong cương vị toàn quyền tổng chỉ huy lực lượng, ông là thủ lĩnh của đội quân gồm rất nhiều quan thứ, đã chủ động tấn công địch. Chiến thắng trong các trận chiến với địch, ông đã cùng với Lê Phất (Trung Lễ), Lê Quyên (Yên Hồ), Đặng Duy Truy (Uy Viễn) có sáng kiến nghiên cứu vũ khí địch để chế tạo thành công súng trường theo kiểu 1874 của Pháp mà hiệu quả của nó không thua kém là bao. Đây thực sự là tài năng của nhà quân sự lỗi lạc đã giúp cho nghĩa quân kháng chiến có thêm thế mạnh mới. Không chỉ có vũ khí mới, Cao Thắng còn xây dựng một đội quân có chất lượng chiến đấu cao, có kỷ luật nghiêm để làm nòng cốt. Rõ ràng cụ Phan đã không nhầm khi giao toàn quyền chỉ huy cho Cao Thắng. Cao Thắng một trụ cột thực sự của nghĩa quân, một người “quả cảm, thiện chiến”. Ông chỉ huy đánh đâu thắng đó làm cho kẻ thù thực sự khiếp sợ. “Đánh nhau với Pháp, ông đã chém được đầu những quan Một, quan Hai của Pháp. Quân Pháp đã khuyên nhau hễ gặp Thắng là phải tránh đi”. Có được người đứng đầu tài giỏi là điều vô cùng quan trọng, bởi đây là điều kiện tiên quyết cho việc xây dựng đội ngũ thực tài dưới quyền. Bên cạnh Cao Thắng đã có nhiều chỉ huy tài giỏi khác như Phan Cát Tưu, Lê Ninh (Đức THọ), Nguyễn Chanh (Can Lộc), Nguyễn Cao Đôn (Thạch Hà), Hoàng Bá Xuyên (Cẩm Xuyên), Trần Hữu Châu (Hương Khê).....là những vị chỉ huy đã góp phần quyết định, tạo nên nhiều chiến thắng vang dội của nghĩa quân.
       Để phong trào được duy trì và phát triển lâu dài, có một nguyên nhân khá quan trọng là nghĩa quân đã từ rất sơm  biết khai thác tối đa yếu tố “địa lợi” để bí mật bảo toàn lực lượng. Trong chiến tranh “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà” là ba yếu tố gắn chặt với nhau để chiến thắng. Nghĩa quân Phan Đình Phùng mặc dù đã được nhân dân khắp mọi nơi nhiệt tình ủng hộ, song Bộ chỉ huy nghĩa quân vẫn không quên khai thác yếu tố địa hình núi non hiểm yếu của Hà Tĩnh để tránh sự truy lùng của địch. Nghĩa quân đã thường xuyên di chuyển, xây dựng cắn cứ mới. Ngay từ khi còn là nghĩa quân  Đại đồn Đông Thái, hoạt động một thời gian đã chuyển về núi Mồng Gà (Hương Sơn), rồi Cồn Chùa (Sơn Giang, Hương Sơn), sau đó chuyển sang xây dựng căn cứ tại Thượng Bồng - Hạ Bồng (Đức Thọ) và tiếp tục mở rộng căn cứ ra phần lớn khu vực này thuộc huyện mới Vũ Quang (Hà Tĩnh). Có căn cứ bí mật, nghĩa quân luôn phát huy lợi thế sử dụng chiến thuật đánh đồn diệt viện, bí mật, bất ngờ, tập kích tiêu diệt đồn binh của địch, là cách đánh phù hợp với lối “lấy ít địch nhiêu, lấy yếu đánh mạnh” trong cuộc kháng chiến không ngang sức buổi đầu. Nhờ hoạt động có hiệu quả như vậy nên nghĩa quân càng đánh càng mạnh, càng được bổ sung nhân tài, vật lực thường xuyên. Chẳng bao lâu lực lượng nghĩa quân đã lên tới hàng ngàn người. Nhiều người dân đã hiến thóc gạo, lợn, gà, muối, rèn đúc giáo mác... cho nghĩa quân kháng chiến. Đây cũng là yếu tố quan trọng để cho cuộc dấy nghĩa Cần Vương được tồn tại lâu dài mà kẻ địch không dễ gì chống cự được.
          Một nguyên nhân khác phải kể tới là việc nghĩa quân sớm chăm lo xây dựng căn cứ địa kháng chiến. Phong trào Cần Vương Phan Đình Phùng có bước chuyển mới sau khi ông ra Bắc trở về vào tháng 9 năm 1889. Từ đây toàn bộ các lực lượng kháng chiến trong 4 tỉnh từ Thanh Hoá đến Quảng Bình được chia thành 15 quân thứ, đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của Phan Đình Phùng- Cao Thắng. Nắm giữ và chỉ huy một đạo quân khá lớn, uy tín và ảnh hưởng của nghĩa quân đang lan rộng khắp nơi. Một tình huống chắc chắn xẩy ra đó là kẻ thù sớm muộn sẽ tập trung lực lượng để tiêu diệt nghĩa quân kháng chiến. Bởi vậy Phan Đình Phùng đã cho xây dựng khu căn cứ, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Từ Căn cứ Thượng Bồng-Hạ Bồng nghĩa quân đã phát triển sang tả ngạn sông Ngàn Sâu, xây dựng căn cứ Hói Trùng-Hói Trí và đi sâu vào thượng nguồn sông Ngàn Trươi xây dựng Đại bản doanh Vũ Quang vùng có địa thế rất hiểm trở. Tại đây nghĩa quân đã cho xây dựng hệ thống đồn trại, bãi tập, xưởng rèn đúc vũ khí, kho tàng liên hoàn khá hoàn chỉnh. Trong các căn cứ nghĩa quân có những khu lò rèn có tới 30 gian lán trại, thường xuyên có từ 200 đến 300 thợ, thay nhau làm việc suốt ngày đêm để rèn đúc vũ khí. Nhiều kho dự trử lương thảo, nghĩa quân cho đào sâu xuống đất, lấy củi đốt thật cháy như sành để vũ khí, lương thảo không bị ẩm ướt, mối mọt. Tại khu trung tâm có một đội quân chủ lực gồm 300 quân tinh nhuệ, ăn mặc đồng phục, trang bị gươm giáo, súng hoả mai, súng tây, luyện tập kỷ càng, kỷ luật nghiêm minh. Bên cạnh cụ Phan luôn có 20 vệ sĩ túc trực do tướng Nguyễn Mục chỉ huy....Như vậy có thể thấy khu hậu cứ kháng chiến được nghĩa quân xây dựng khá vững chắc, có thể đảm bảo cho mọi hoạt động chỉ huy, chiến đấu của nghĩa quân. Mà điều đáng nói là kẻ địch hoàn toàn không hay biết, mãi về sau một đại uý Pháp thừa nhận: “té ra là từ trước tới nay, chúng ta không hay Phan Đình Phùng biết sắp đặt, tập rèn quân lính theo như kỷ luật nhà binh Pháp châu Âu, cho quân lính mặc y phục giống hệt một thứ lính tập bản xứ của ta, lại mang súng kiểu 1874 do ông bí mật chế tạo lấy rất nhiều, nhưng chế tạo ở chổ nào thì không ai biết”(4).   Nếu xét theo quan điểm hiện đại: “Hậu phương là nhân tố thương xuyên quyết định thắng lợi trên chiến trường” thì rõ ràng nghĩa quân Phan Đình Phùng đã chăm lo xây dựng một vùng hậu cứ có ý nghĩa tương tự. Một yếu tố đảm bảo cho cuộc kháng chiến có thể còn dài lâu hơn, nếu chưa có những rủi ro đáng tiếc- Lãnh tụ tối cao của nghĩa quân hy sinh vào cuối năm 1895.
       Tóm lại phong trào Cần Vương Phan Đình Phùng khép lại sau hơn 10 năm hoạt động sôi nổi, rộng khắp và có tiếng vang lớn trong cả nước. Có thể coi đây như một cuộc kháng chiến chống Pháp lâu dài nhất, quyết liệt nhất kể từ khi quân Pháp mở cuộc tấn công vào nước ta. Với hàng trăm tướng lĩnh tài ba, hàng ngàn binh sĩ trung thành với ngọn cờ Cần Vương, dân tộc rốt cuộc phải chịu thất bại. Song những gì phong trào để lại cho hậu thế quả thực có giá trị trường tồn. Đi tìm nguyên nhân kéo dài cuộc kháng chiến trong điều kiện nghĩa quân duy trì và phát triển qua muôn vàn khó khăn thử thách, thấy được những cốt cách tốt đẹp của các anh hùng xả thân vì ngọn cờ Cần Vương cứu nước, những đóng góp to lớn của nghĩa quân nói chung, lãnh tụ tối cao của phong trào nói riêng, là một việc làm cần thiết nhằm khơi dậy và phát huy những giá trị to lớn ấy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay. Kỷ niệm 160 năm ngày sinh Phan Đình Phùng, kỷ niệm một con người tài ba, hiến trọn đời cho một lời thề hy sinh vì sự bình yên của đất nước./.


  Chú thích:
(1)  Xem Võ Kim Hậu. Văn hoá Hà Tĩnh số 105+106 năm 2007, trang 30
(2) Trường Phan Đình Phùng Hà Tĩnh...nxb CTQG, H,2005, trang 144
(3) Xem Văn hoá Hà Tĩnh số 98 tháng 9-2006, trang 3- 4
(4) Xem Thái Kim Đỉnh, Tạp chí Hồng Lĩnh số 26-2005, trang 77

                                                         Th.s Trần Quang Trung
                                                                     6- 2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét