Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

Tư tưởng chính trị cội nguồn, nền tảng của đạo đức, lối sống
   
    Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ Tư của Đảng đã và đang được triển khai sâu rộng. Quan tâm đầy đủ hơn mối quan hệ giữa Tư tưởng chính trị với đạo đức, lối sống sẽ giúp chúng ta nhìn nhận đúng và khắc phục có hiệu quả vấn đề suy thoái cấp bách trong Đảng hiện nay.
     Theo Đại từ điển tiếng Việt(1) thì có thể hiểu rằng: Tư tưởng chính trị (TTCT) là quan điểm, ý nghĩ, suy nghĩ, niềm tin của con người vào lý tưởng, mục tiêu định hướng, sự lãnh đạo, điều hành của một chính đảng, nhà nước của giai cấp. Suy thoái TTCT trong cán bộ, đảng viên có thể hiểu cái căn bản là sự sa sút, giảm dần niềm tin, ý chí phấn đấu cho lý tưởng mục tiêu của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà mình đã từng chấp nhận. Dù ở mức độ nào, sự suy thoái đó phải được bộc lộ trong thực tiễn dưới các dạng khác nhau. Trong khi triển khai Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị thể hiện ở chỗ: phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, dao động, thiếu niềm tin, sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức sai, quan điểm lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng”(2). Như vậy có thể hiểu vắn tắt suy thoái TTCT là không còn giữ được mức độ niềm tin lý tưởng, ý chí phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng như lúc ban đầu. Đây chính là nguồn gốc sâu xa của việc biến đổi về quan niệm, hành vi đạo đức, lối sống hàng ngày. Trong kháng chiến với niềm tin và ý chí chiến thắng, chúng ta đã: "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ"(3). Lúc đó mỗi người đều thấy có trách nhiệm và vinh dự khi được ra trận, sẵn sàng được hy sinh thay cho đồng đội. "Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác"(4). "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù
(5).v.v.
.... Bước vào sự nghiệp đổi mới, mục tiêu lý tưởng của chúng ta là phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam : "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Như vậy mục tiêu đặt lên hàng đầu cho mỗi cán bộ, đảng viên là phải phấn đấu vì dân, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, làm cho dân giàu lên trong đó có bản thân mình. Trong sự nghiệp ấy cần lắm những sự hy sinh một phần lợi ích cá nhân, bộ phận trong cán bộ, đảng viên vì sự phát triển của cộng đồng, làm gương cho quần chúng. Làm được như vậy chắc chắn Đảng ta ngày càng mạnh, dân ta ngày càng giàu có, niềm tin uy tín của Đảng ngày càng cao. Thế nhưng điều đáng tiếc là sau gần 30 năm đất nước đi vào công cuộc đổi mới; bên cạnh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa; chúng ta đã không tránh khỏi những sai lầm khuyết điểm. Trong đó điều đáng quan tâm là những yếu kém khuyết điểm trong Đảng. Một vấn đề trở nên cấp bách là sự suy thoái TTCT của "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp"(6). Có thể nói rằng chính sự suy thoái này đã kéo theo sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội. Từ chổ giảm niềm tin lý tưởng dẫn đến lệch lạc phương hướng, động lực phấn đấu; cán bộ đã chạy theo lợi ích cá nhân, lối sống thực dụng, chịu sự chi phối của đồng tiền, không dám xả thân, hy sinh lợi ích vì sự nghiệp; không kiên quyết giữ gìn và bảo vệ kỷ cương của Đảng, tranh thủ hưởng thụ, tìm cách khai thác chổ hở của luật pháp, thậm chí coi thường cả luật pháp, quay lưng với lợi ích cộng đồng, của sự nghiệp; tham nhũng, tham ô, hủ hóa, tham quyền, chạy chức, vi phạm pháp luật; không dám bảo vệ lẽ phải, thấy sai không dám đấu tranh, lo nghĩ làm giàu cho mình, cho lợi ích cục bộ... Nếu không hiểu được TTCT là cội nguồn của đạo đức lối sống thì mọi cuộc tự phê bình và phê bình dù nghiêm túc đến mấy cũng không thể tìm thấy mức độ suy thoái TTCT ở chính mình, ở trong tổ chức Đảng nơi mình đang hoạt động. Không thể nói một cán bộ, đảng viên vi phạm đạo đức lối sống, vi phạm luật pháp về những hành vi không phải đột xuất, vi phạm những điều đảng viên không được làm... lại vững vàng về lập trường TTCT. Cũng như không thể chỉ chăm lo uốn nắn về đạo đức lối sống mà thiếu quan tâm bồi dưỡng, sàng lọc, xem xét nghiêm khắc, nâng cao niềm tin lý tưởng cho cán bộ, đảng viên tạo sự đồng thuận trong xã hội. Trong khi tiến hành tự phê và phê bình trong Đảng có một thực tế mâu thuẩn là: thừa nhận tình trạng suy thoái TTCT trong Đảng nhưng không hề tìm thấy và chỉ ra ở bất cứ nơi đâu. Ai cũng xin nhận phần ngọn khuyết điểm trong chức trách nhiệm vụ, trình độ năng lực, phẩm chất, lối sống... nhưng không dám nhìn tới gốc rễ, không dám quy về mức độ suy thoái TTCT. Như thế chắc chắn sự vực dậy niềm tin lý tưởng trong Đảng sẽ trở nên chậm trễ, hiệu quả thấp và mức độ suy thoái càng thêm trầm trọng.
      Toàn Đảng đang triển khai thực hiện Nghị quyết trung ương 4, mong rằng góp thêm một suy nghĩ nhỏ về mối quan hệ giữa TTCT với đạo đức lối sống để việc thực hành xây dựng và chỉnh đốn Đảng có thêm hiệu quả mới./.
                                                                                        Trần Quang Trung
                                                                                               7 - 2012
Chú thích:
(1) Xem Đại từ điển tiếng Việt. Nxb văn hóa Thông tin. HN 1999. Trang 369 và trang 1757
(2) Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng Phát biểu khai mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức tại Hà Nội vào ngày 27-2-2012
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập. tập 3. Nxb Chính trị Quốc gia. Hà nội 2000. Trang 480
(4) Trích Lời của Lý Tự Trọng
(5) Trích lời của Lê Mã lương
(6) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Khóa XI. Trang 22

Ngôi trường xây được niềm tin

Ngôi trường xây được niềm tin Trong phong trào xây dựng trường học hiện nay có rất nhiều điển hình tốt, cách làm hay; nhưng cách chăm lo cho các cháu như trường mầm non Bắc Hà là một việc làm được phụ huynh đồng tình, trân trọng. Tiếp nhận công việc Hiệu trưởng sau khi sáp nhập hai trường cũ từ năm 2007, Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Vinh ở trường Mầm non Bắc Hà đứng trước muôn vàn thử thách. Cơ sở trường là trường cũ của THCS Lê văn Thiêm để lại không phù hợp với lứa tuổi mầm non. Trường lại mới đi vào hoạt động, trong khi cả Thành phố đã có rất nhiều trường mầm non hoàn chỉnh. Có trường đã bố trí xe ô tô đưa đón các cháu hàng ngày, lắp đặt camera để phụ huynh từ xa có thể theo dõi con cháu mình....Đi lên trong hoàn cảnh ấy Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng Vinh đã dồn tất cả cho việc suy nghĩ, tìm tòi các giải pháp làm sao chăm sóc nuôi dạy các cháu một cách tốt nhất để phụ huynh an tâm tin tưởng. Trước hết là trường Mầm non thì yêu cầu hàng đầu chưa phải là chất lượng học tập mà là làm sao chăm sóc, giữ gìn sức khỏe, an toàn cho các cháu, để các cháu bước đầu làm quen với việc vui chơi, sinh hoạt, học tập tập thể trên lớp. Đây là công việc tưởng như đơn giản nhưng đòi hỏi nhiều công sức và có ý nghĩa quan trọng nhất. Xác định như vậy Hiệu trưởng đã lựa chọn hai khâu đột phá quan trọng đó là xây dựng quy chế chặt chẽ cụ thể để điều hành theo quy chế và xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường chất lượng, thống nhất, tận tình với công việc với ý thức trách nhiệm cao. Khác với nhiều nơi, ở đây quản lý chặt chẽ mọi mặt và lo cái ăn tốt cho các cháu được xem như một mục tiêu tập trung phấn đấu. Quản lý các chế độ ăn nghỉ của các cháu được tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình kín không để kẻ hở cho việc hưởng lợi cá nhân. Thực đơn ăn của các cháu được xây dựng trước hàng tuần và cứ sau hai tuần mới được phép lặp lại. Thực đơn món ăn và giờ ăn của từng lớp được công khai tại cổng trường để bất cứ ai cũng có thể tìm hiểu, kiểm tra. Các khâu khác như gọi mua thực phẩm, kiểm tra chất lượng, không giao cố định cho cán bộ, mà thay phiên nhau hàng ngày. Chất lượng thực phẩm được giám hiệu kiểm tra cuối cùng trước khi kế toán tính tiền và thủ quỹ trả tiền theo tính toán khẩu phần các cháu. Sau đó bộ phận chế biến tiếp nhận, giám hiệu kiểm tra mức độ ăn và số lượng các cháu. Các bộ phận này hoạt động độc lập với nhau. Giám hiệu chịu trách nhiệm cuối cùng. Sai sót bất cứ khâu nào đều bị phạt tiền và hạ điểm xếp loại. Hàng ngày tất cả các loại thực phẩm, số lượng mua, giá tiền, người gọi, người kiểm tra, chế biến thông báo công khai rõ ràng để phụ huynh, giáo viên nếu cần đều có thể biết. Tất cả các món ăn của các cháu trong ngày, nhà ăn phải giữ mẫu lưu đến trưa ngày hôm sau mới được tiêu hủy. Được biết với cách làm này mỗi ngày nhà trường chi phí xấp xỉ 10 triệu đồng, nhưng suốt 5 năm qua chưa có sơ suất nào gây ảnh hưởng đến sức khỏe các cháu.Toàn trường hiện có 13 lớp với 501 cháu, nhưng chỉ có 6 biên chế với 29 hợp đồng dài hạn. Trao đổi với chúng tôi cô Hiệu trưởng đưa ra một tập gồm nhiều loại sổ sách ghi tiêu chuẩn phân loại giám hiệu, giáo viên, tổ chuyên môn, các lớp học... cùng với bản Nội quy quy chế năm học 2012-2013 của trường vừa mới ban hành ngày 10-9-2012. Bản quy chế nổi lên rất rõ chế độ trách nhiệm cộng sự của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ở đây. Quy chế quy định rõ từ việc giáo viên nghỉ việc, thăm hỏi lẫn nhau; lên lớp; quản lý sổ sách; giao nhận cháu với phụ huynh; dạy trẻ lễ phép; giáo án, đồ dùng dạy học; giáo viên thay phiên chế biến thức ăn cho các cháu, lau chùi nhà cửa lớp học; trách nhiệm giám hiệu, công đoàn, tổ trưởng chuyên môn đến tiêu chí xếp loại và mức thưởng giáo viên, tổ, lớp xuất sắc.v.v...Hiệu trưởng bộc bạch: lương chúng em rất thấp bởi vậy để có thể làm việc với nhau lâu dài phải thật sự quan tâm và trách nhiệm với nhau, giúp đỡ nhau khi có việc vui chuyện buồn, làm cho mọi người có tinh thần thoải mái, quyền lợi vật chất rõ ràng công khai, từ đó ai cũng lo lắng và làm việc tốt. Hiệu phó Dương Thị Lệ còn cho biết: hàng ngày trường làm việc từ 7 giờ sáng nhưng bọn em lúc nào cũng có mặt từ 6giơ 30 để đi kiểm tra việc chuẩn bị đón cháu của các lớp. Nghe tiếng trống báo hiệu, sau đó là việc mở cổng trường đúng giờ; nhìn vào hệ thống trang bị đồ dùng, đồ chơi, dụng cụ học tập, tay vịn cầu thang mới sửa lại cho vừa tầm các cháu; cũng như sự tiếp xúc niềm nở chân tình của đội ngũ cô giáo và cán bộ trường; phụ huynh ai cũng cảm thấy yên lòng. Tuy vậy mấy ai hiểu được phía sau những kết quả ấy có công sức của đội ngũ cán bộ trường và trong đó có vai trò quyết định cuối cùng của cô Hiệu trưởng kiêm Bí thư chi bộ, từng ngày từng giờ lo nghĩ về các cháu. Bởi chính cô đã từng chia xẻ với phụ huynh: "Ngày nào cũng vậy cứ sau 8 giờ đêm không có phụ huynh nào gọi điện tới thì em mới yên tâm lo việc gia đình". Đến nay tuy trường còn bộn bề công việc, một số tiêu chí chưa đạt chuẩn đòi hỏi thời gian phấn đấu; song cứ nghĩ về những phần việc với cách làm cụ thể của trường và cảm nhận phấn khởi, yên lòng của phụ huynh khi được đưa con, cháu tới lớp; thiết nghĩ cô Hiệu trưởng và đội ngũ ở đây đã phấn đấu đạt chuẩn trong niềm tin yêu của phụ huynh- một tiêu chí không phải nhiều nơi có được./. Trần Quang Trung

Những thách thức mới của công tác Tuyên giáo trong giai đoạn hiện nay

Kỷ niệm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo 1.8.1930 - 1.8.2012 NHỮNG THÁCH THỨC MỚI CỦA CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY Công tác tư tưởng của Đảng luôn có vai trò quan trọng trong việc góp phần tạo nên sự đồng thuận trong xã hội để hướng toàn xã hội quyết tâm thực hiện những mục tiêu do Đảng đặt ra. Tuy nhiên ở mỗi thời kỳ khác nhau, công tác tư tưởng lại luôn chịu những tác động của hoàn cảnh cụ thể khác nhau.Khi chưa có chính quyền thì toàn Đảng toàn dân phỉ hướng vào mục tiêu giải phóng áp bức nô lệ giành lấy chính quyền. Trong kháng chiến chống ngoại xâm chúng ta theo lời Bác gọi “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Hòa bình lập lại mục tiêu của toàn Đảng toàn dân là xây dựng một chế độ mới: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thực hiện những mục tiêu cao cả đó công tác tư tưởng của Đảng luôn đặt ra những thách thức, luôn phải đi trước một bước. Chính vì vậy mà hơn 80 năm qua đất nước ta, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ làm công tác Tuyên Giáo luôn luôn phát huy được sức mạnh đồng thuận cao để góp phần cùng toàn Đảng làm nên nhiều chiến thắng và những kỳ tích lịch sử. Giờ đây bước vào công cuộc đổi mới, đất nước đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa. Sự đồng thuận và quyết tâm của toàn Đảng toàn dân cần được nâng lên một tầm cao mới. Bởi vậy công tác tư tưởng của Đảng đang đặt ra những yêu cầu mới, chất lượng mới trở thành những thách thức mới của đội ngũ những người làm công tác tư tưởng nói chung trong đó lực lượng xung kích là đội ngũ cán bộ Tuyên giáo các cấp. Từ thực tiễn cuộc sống và hoạt động của các bộ máy công tác Tuyên giáo của Đảng chúng ta dễ dàng nhìn thấy một số vấn đề trở ngại lớn đang đặt ra đòi hỏi công tác tư tưởng của Đảng không thể không nhận diện, đối mặt và nổ lực không ngừng để vượt qua. Một là: Nguồn thông tin đến các đối tượng của hoạt động Tư tưởng quá lớn. Cuộc cách mạng công nghệ thông tin đã và đang bùng nổ trên thế giới hàng ngày hàng giờ tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, đến các tầng lớp nhân dân khắp mọi miền dân cư. Nó đặt ra cho đội ngũ cán bộ tư tưởng cần phải gia tăng cường độ làm việc lên rất nhiều lần. Một nguồn thông tin có thể đến với báo cáo viên từ vài ba nguồn chính thống còn người nghe có thể có rất nhiều nguồn khác. Cán bộ, nhân dân với sự tăng nhanh về trình độ dân trí có thể tự chọn lọc để nắm chắc bản chất vấn đề trước khi tiếp cận báo cáo viên chính thống. Điều này đòi hỏi báo cáo viên phải có phương pháp và cách thức tiếp cận nhiều chiều, phải có nguồn vốn phong phú gấp bội so với báo cáo viên thời kỳ trước, mới có thể vượt lên được người nghe và thuyết phục người nghe tạo nên đồng thuận. Những người làm công tác tư tưởng chỉ cần một sự hời hợt hay thiếu cẩn trọng trong một số vấn đề cụ thể, thì gần như toàn bộ chương trình diễn thuyết trình bày trở nên vô nghĩa mà không hề hay biết. Hai là: Tốc độ thông tin truyền tải qúa nhanh đến với các tầng lớp nhân dân. Với những đường chuyên siêu tốc thì những vấn đề nóng mà xã hội quan tâm, sẽ được cập nhật rộng rãi. Câu chuyện tưởng như rất xa lạ là một cấp ủy chưa nhận được văn bản in ấn chính thức sau khi dự hội nghị, thì một cán bộ làm công tác báo chí có khi đã có trong tay nội dung văn bản lấy qua đường chuyền internet. Vì vậy một cán bộ tuyên giáo chỉ cần bận một vài công việc khác, chưa kịp tiếp cận thông tin đã có thể bị chậm thông tin rồi. Người nghe trong thời đại thông tin có thể phát hiện được những điều mà báo cáo viên thiếu thực tiễn, thiếu vốn hiểu biết, hoặc nói những điều chưa thật phù hợp với những phát ngôn của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nói trước đó. Ba là: Thách thức từ thực tiễn cuộc sống, cuộc sống vẫn đang tồn tại một thực trạng không bình thường là một bộ phận cán bộ và làm cho cấp dưới làm theo là nói không đi đôi với làm; cách nói và cách nghĩ không thống nhất với nhau. Đây là điều gây khó khăn không nhỏ cho những người làm công tác tư tưởng. Làm tư tưởng mà không nắm được thực chất xu hướng tư tưởng của cán bộ, nhân dân thì không thể có hiệu quả. Đặc biệt khi tiếp nhận các thông tin và phản hồi thông tin đối với đội ngũ này. Khi mà thông tin không còn phản ánh đúng bản chất thì người làm tư tưởng dù có tài giỏi mấy cũng đành bó tay. Bốn là: Do hệ thống thông tin phát triển đa chiều; rất nhiều những vấn đề cụ thể xẩy ra trên cùng một địa phương, lãnh thổ có thể có nhiều thông tin ngược chiều nhau. Thông thường thì cán bộ làm công tác tư tưởng phải có trách nhiệm làm rõ và kịp thời quan điểm định hướng. Song dưới cơ chế mới, mọi điều không đơn giản như vậy. Nhiều việc báo chí đưa ra như là một sự thực không thể chối cãi, nhưng sau đó sự việc lại vẫn có thể diễn ra theo một chiều hướng khác. Điều này có thể do cách làm của phóng viên báo chí nhưng cũng còn nhiều cách giải quyết khác nhau của các cơ quan chức năng, thẩm quyền mà bản thân những người làm tư tưởng đôi khi cũng không tự trả lời một cách thỏa mãn vì “sự việc là như vậy, nhưng không phải vậy”. Năm là: Một thực tế rất đáng quan tâm là, người nghe bạn đọc, kể các một số đồng chí lãnh đạo hiên nay chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và tăng nguồn thông tin thuận chiều tích cực. Họ rất ít có thời gian để đọc báo Đảng, xem các chương trình về xây dựng Đảng. Để rồi thấy cái được tiếp tục phát huy, đối mặt với cái yếu kém mà sữa chữa cho Đảng mạnh như quan điểm Bác Hồ. Cái mà họ quan tâm thường xuyên ở đơn vị mình là có cái gì bị báo chí chỉ trích để rồi tìm cách: “Thôi không đăng tiếp nữa nhé”. Điều này vô hình trung đã khuyến khích xu hướng báo chí viết về cái xấu ngày càng phát triển bội phần. Đội ngũ làm công tác tư tưởng do đó đã tăng thêm phần công việc để hướng dư luận đi đúng chiều thuận, cũng là một thách thức lớn trong thờì kỳ mới.... Kỷ niệm 82 năm, ngày truyền thống ngành công tác Tuyên giáo, hiểu thêm những khó khăn mới của họ, cũng là một lời tri ân với các thế hệ, chúc cho binh chủng tiên phong trong lĩnh vực công tác Tư tưởng của Đảng ngày một lớn mạnh xứng đáng niềm tin yêu của Đảng và nhân dân./. Trần Quang Trung
Mấy vấn đề cần quan tâm để viết lịch sử địa phương, đơn vị.

      Suy cho cùng, mỗi một con người chúng ta sinh ra, lớn lên và trưởng thành không ai không có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của lịch sử. Tuỳ theo vị trí và hoàn cảnh cụ thể mà mức cống hiến nhiều ít có khác nhau, song rốt cuộc đều nằm trong một phạm trù lịch sử. Dẫu công lao to lớn đến mấy, nếu không được chăm lo tốt việc giáo dục truyền thống, không có những tài liệu lịch sử để lại thì các thế hệ sau cũng chỉ biết đến các giai đoạn lịch sử trước như một sự phát triển tất yếu tự nhiên của xã hội. Chính vì vậy Đảng và Nhà nước ta bên cạch việc chăm lo phát triển kinh tế- xã hội nói chung, đã có chủ trương chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm đến việc giáo dục truyền thống, viết lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng từ Trung ương đến các địa phương. Đến nay hầu hết các địa phương cấp tỉnh đã có lịch sử đảng bộ, lịch sử cách mạng. Một số tỉnh đã biên soạn và xuất bản địa chí cấp tỉnh, biên soạn xong lịch sử cấp huyện và đã đầu tư kinh phí cho các xã, phường, thị trấn viết sử.
          Hà Tĩnh là một tỉnh đang trong quá trình phát triển, còn rất nhiều vấn đề phải tập trung giải quyết. Nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp đến nay chúng ta đã tổ chức biên soạn và xuất bản nhiều bộ lịch sử quý như: Lịch sử đảng bộ Hà Tĩnh 3 tập (từ 1930 đến năm 2010), Lịch sử Hà Tĩnh 2 tập (từ 1831 đến 2000). Nhiều sở, ban, ngành đã biên soạn và xuất bản lịch sử truyền thống.  9/12 huyện, thành, thị đã xuất bản lịch sử đảng bộ. Hơn 30% số xã, phương, thị trấn đã xuất bản lịch sử đảng bộ và lịch sử cách mạng. Một số huyện đã biên soạn được địa chí cấp huyện như Kỳ Anh, Đức Thọ, Can lộc…Mặc dù trong số sách đã được xuất bản vẫn không thể tránh khỏi những sạn cát, cá biệt có tài liệu còn thiếu thẩm định khoa học, chưa được sự đồng tình của các đọc giả đã một thời làm nên lịch sử địa phương… nhưng có thể nói việc tổ chức nhiên cứu biên soạn các loại tài liệu lịch sử địa phương vừa qua đã góp phần rất quan trọng trong việc tuyên truyền giáo dục truyền thống đối với các tầng lớp nhân dân, quảng bá hình ảnh Hà Tĩnh đối với bạn bè, đối tác trong và ngoài nước.
       Hiện nay, được biết rất nhiều địa phương, đơn vị rất muốn tổ chức biên soạn lịch sử của mình như không biết bắt đầu từ đâu và làm thế nào. Ở các địa phương thông thường chúng ta gặp phải những khó khăn như sau:
        Trước hết là xác định rõ yêu cầu: viết sử là tái hiện lại lịch sử bằng ngôn ngữ viết, là tổng kết lại lịch sử để rút ra những bài học có ý nghĩa từ lịch sử, tiếp thêm niềm tin sức mạnh giúp các thế hệ sau làm nên những trang sử mới tốt đẹp hơn. Tuy nhiên một cuốn sử dù công phu đến mấy vẫn không thể diễn tả hết lịch sử, may chăng các nhà viết sử chỉ tái hiện được những nét cơ bản nhất, xuyên suốt nhất để người đọc hiểu đúng bản chất của tiến trình lịch sử đã qua. Hơn nữa tuỳ theo tính chất từng loại sử mà mỗi sự kiện, hiện tượng lịch sử được tái hiện theo những góc độ, liều lượng khác nhau. Làm được như thế là việc không dễ, nghiên cứu biên soạn lịch sử là một công việc khoa học vì tất cả mọi lĩnh vực khác rồi cũng đi vào lịch sử. Vì thế Mác mới cho rằng: “chỉ có một khoa học duy nhất đó là khoa học lịch sử”. Trong  sử học cũng có nhiều chuyên ngành khác nhau: khảo cổ, dân tộc, bảo tàng, lịch sử Việt Nam, Lịch sử thế giới, Lịch sử Đảng v.v…Bởi vậy trước hết muốn có cuốn sử, tập thể lãnh đạo địa phương đơn vị phải xác định là viết lịch sử Đảng bộ, lịch sử cách mạng hay biên soạn ghi chép một bản tài liệu có tính lịch sử ? Mỗi loại sách có tiêu chí, yêu cầu, phương pháp trình bày và văn phong riêng.
         Về đội ngũ cán bộ làm sử: những người làm sử cũng chuyên trách theo các loại công việc khác nhau. Có đội ngũ chuyên nghiên cứu biên soạn, sưu tập, trưng bày,  giảng dạy….Do đó mỗi cán bộ lịch sử chỉ được đào tạo chuyên một lĩnh vực nhất định. Nếu chúng ta bố trí, sử dụng không đúng thì chắc chắn họ sẽ gặp nhiều khó khăn ví như thợ mộc đi làm hàn sắt, phóng viên ảnh đi viết phóng sự điều tra vậy. Hiện nay các địa phương rất thiếu cán bộ chuyên trách nghiên cứu biên soạn lịch sử. Vì thế đã thiếu tham mưu chuẩn xác cho lãnh đạo địa phương trong việc biên soạn lịch sử. Thực tế cho thấy đã có địa phương hợp đồng viết sử với cán bộ hưu trí, giáo viên, người viết văn, phóng viên báo chí…dẫn đến cuốn sử bị bế tắc, không hoàn thành, sai lệch bản chất sự kiện, ý nghĩa cuốn sách. Những người đã được đào tạo chuyên viết sử ở các trường đại học Tổng hợp sử (nay là Khoa sử của các trường đại học Khoa học xã hội nhân văn) vẫn phải thường xuyên dự tập huấn nghiệp vụ. Có như vậy mới có thể xử lý được các tình huống phức tạp trong quá trình biên soạn lịch sử. Tại Hội nghị về công tác biên soạn lịch sử tại Kỳ Anh do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức trước đây, đã có điển hình cấp xã báo cáo: để hoàn thành cuốn sử của mình, lãnh đạo xã phải qua hơn hai chục lần hội họp. Kinh nghiệm cho hay đối với những đơn vị không có cán bộ chuyên trách viết sử, muốn biên soạn lịch sử thì tốt nhất là hợp đồng lấy bản thảo với cán bộ chuyên nghiên cứu viết sử. Đơn vị cung cấp tư liệu cho đối tác nghiên cứu biên soạn bản thảo sau đó tổ chức hội thảo để điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện, gửi thẩm định, xuất bản.
         Một khó khăn khác là chúng ta thiếu nguồn kinh phí để thực hiện biên soạn. Theo sự phân công của Ban Bí thư, để thực hiện Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có Hướng dẫn số 04 ngày 15-4-2003: “Kinh phí sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử cách mạng địa phương thuộc ngân sách Nhà nước do UBND các cấp duyệt theo kế hoạch”. Vì vậy các đơn vị cần xây dựng kế hoạch hàng năm một cách chủ động. Ngoài ra còn phải phân công cụ thể để có cán bộ chăm lo khai thác nguồn tài trợ và các nguồn kinh phí khác. Có như vậy mới có thể giải quyết được khi nguồn ngân sách chưa thể đáp ứng thoả mãn.
         Tuy nhiên vẫn có những đơn vị có đầy đủ các yếu tố trên nhưng vẫn không thể tiến hành biên soạn lịch sử được chỉ vì lý do thiếu nguồn tư liệu cần thiết. Có thể nói tư liệu là yếu tố rất cơ bản quyết định đến chất lượng của cuốn sử. Bởi vậy đối với các đơn vị dù đã có hay chưa có lịch sử vẫn phải thường xuyên quan tâm đến công tác sưu tầm xây dựng nguồn tư liệu chính thống của địa phương để chuẩn bị cho việc biên soạn, tái bản lịch sử sau này.  Điều đặc biệt quan trọng là các mốc lịch sử, những thay đổi nhân sự chủ chốt, các sự kiện quan trọng có tác động lớn đến bước phát triển của địa phương, đơn vị… cần được ghi chép lưu lại trong nguồn tư liệu của mình.
        “Ôn cố nhi tri tân” – ôn cũ để biết mới, đó là lời dặn của các thế hệ đã qua; quan tâm đúng mức việc giải quyết những khó khăn trong công tác biên soạn lịch sử, làm cho việc thực hiện chỉ thị 15 của Ban Bí thư có hiệu quả hơn, đó là cách bày tỏ tấm lòng thuỷ chung của thế hệ hôm nay với các bậc tiền nhân của quê hương, đất nước./.
                                                                  Trần Quang Trung
                                                                        12 - 2011

 Bốn nguyên tắc Tự phê bình và phê bình
                           theo Tư tưởng Hồ Chí Minh

    Chúng ta vẫn thường xuyên nói “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “tự phê và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh”, nhưng gần như ai cũng thấy đó là điều không dễ. Rất nhiều người khi thực hiện tự phê bình luôn luôn bị ám ảnh bởi một sự lo sợ không khéo sẽ là “lạy ông tôi ở bụi này”...
    Thực ra theo quan điểm của Hồ Chí Minh thì tự phê và phê bình (TPB và PB) là vấn đề tất yếu của cuộc sống, là quy luật trưởng thành của Đảng. Con người sinh ra ai cũng có bản tính lương thiện. Quá trình lớn lên, trải qua các ứng xử với tự nhiên, xã hội hình thành nhân cách, cá tính khác nhau. Trong Đảng cũng vậy: “Đảng ta không phải ông thánh và cũng không phải từ trên trời rơi xuống, nó ở trong xã hội mà ra”. Vượt qua những giới hạn cụ thể, con người có thể trở thành anh hùng hoặc bộc lộ những yếu kém khuyết điểm. Khuyết điểm càng lâu càng bám vào cơ thể như bụi bẩn hàng ngày. Bởi thế theo Hồ Chí Minh tự phê bình để nhận rõ và gạt đi những bụi bẩn cũng “như công việc tắm gội, rửa mặt hàng ngày” không thể thiếu được. Hoạt động trong điều kiện càng nhiều khó khăn, đòi hỏi thử thách càng lớn, càng làm cho con người dễ sinh ra khuyết điểm. Cha đẻ của mọi thứ khuyết điểm là chủ nghĩa cá nhân. Theo Hồ Chí Minh: “Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, do đó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”. Bệnh tham lam, lười biếng, ba hoa, bè phái, địa phương chủ nghĩa, ham danh vị, quân phiệt, quan liêu, xa rời quần chúng, hẹp hòi, chuộng hình thức, lối làm việc bàn giấy, vô kỷ luật, ích kỷ, hủ hóa .... đều từ đó mà ra. Để điều trị các chứng bệnh ấy không có thuốc đặc hiệu nào hơn là tự phê bình và phê bình. Theo Hồ Chí Minh có thường xuyên TPB và PB mới giúp chúng ta thấy được khuyết điểm để sữa chữa, nhờ đó mà làm cho Đảng mạnh lên.
       Tuy nhiên trong thực tế theo Hồ Chí Minh TPB và PB là một việc làm không dễ. TPB và PB là một vấn đề rất nhạy cảm, đụng chạm đến từng cá nhân, tổ chức. Tâm lý của con người là thích được khen hơn bị chê. Mọi người dễ cho rằng tự nói ra khuyết điểm, tự nhận khuyết điểm nghĩa là tự thừa nhận sự non kém của mình. Điều này dễ liên lụy đến uy tín, vị thế chức tước, địa vị và bậc thứ nghề nghiệp, vì “người ta hay có lòng tự ái. Thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình, thì sợ mất thể diện, mất uy tín, mất địa vị”. Bởi vậy phê bình đã khó, tự phê bình càng khó khăn hơn. Trong thực tế cuộc sống đã không ít trường hợp người ta mượn cớ tự phê bình để nhân đó phê bình mạnh mẽ hơn đồng chí của mình. Đối với những tập thể yếu kém, hoặc có vấn đề đoàn kết nội bộ; những tập thể, cá nhân đang chạy theo thành tích thì việc tự phê và phê bình thường thực hiện một cách hình thức. Người cho rằng: “khuyết điểm cũng như chứng bệnh, phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà dấu bệnh không dám uống thuốc, để đến nổi bệnh ngày càng nặng... nể nang không phê bình để đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi đến nổi hỏng việc, thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm mà không chữa cho họ, nể nang không dám tự phê bình để cho khuyết điểm mình chứa chất lại, khác nào mình tự bỏ thuốc độc cho mình”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bao nhiêu năm hoạt động bí mặt, dù bị bọn thực dân khủng bố gắt gao và Đảng ta gặp nhiều khó khăn nguy hiểm, nhưng Đảng ta ngày càng phát triển, càng mạnh mẽ và đã lãnh đạo nhân dân ta làm cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi, đó là Đảng ta khéo dùng cái vũ khí sắc bén tự phê bình và phê bình”.
       Để sử dụng vũ khí TPB và PB trong Đảng một cách có hiệu quả theo Hồ Chí Minh trước hết phải nhận thức đúng vấn đề. Theo Người: “nhân vô thập toàn” nghĩa là con người thì ai cũng khó tránh khỏi sai lầm khuyết điểm; càng đảm nhiệm nhiều công việc thì càng dễ có sai lầm khuyết điểm nhiều hơn. Điều quan trọng là ở chổ có có dám tìm ra khuyết điểm để sữa chữa hay không. Theo Bác: “Một Đảng mà dấu diểm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sữa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Thế nhưng vì là một vấn đề khó nên tiến hành tự phê bình và phê bình cần nắm vững những nguyên tắc cơ bản, thể hiện tính Đảng, tính giáo dục,tính khách quan trung thực, thẳng thắn, dân chủ, đồng bộ sau đây:
      1. TPB và PB phải nhằm mục đích để giúp nhau tiến bộ nên động cơ phải trong sáng, dựa trên “tình đồng chí thương yêu nhau”; không vì phê bình mà công kích áp đặt khuyết điểm cho nhau. Khi phê bình người khác không được xoi mói “bới lông, tìm vết” để tìm cơ hội “hạ bệ’ lẫn nhau; “tránh công kích cá nhân, cãi bướng, trả thù, tiểu khí”. Thực hành TPB và PB phải dân chủ, không mệnh lệnh, áp đặt.
      2.  TPB và PB phải có thái độ kiên quyết không khoan nhượng. Hồ Chí Minh cho rằng: “Tự phê bình và sữa chữa có khi dễ, nhưng có khi cũng khó khăn, đau đớn vì tự ái, vì thói quen, hoặc vì nguyên nhân khác. Đó là một cuộc đấu tranh”. Vì thế thực hiện TPB và PB phải “Ráo riết, triệt để”, đúng mức, thật thà không nể nang, không thêm bớt. Thực hành TPB và PB mà làm hời hợt, quanh co, chiếu lệ sai đúng không rõ ràng sẽ tạo môi trường cho khuyết điểm tồn tại và phát triển nặng thêm. Bởi vậy phải có thái độ khen chê đúng mức thì mới giúp cho người có khuyết điểm sữa chữa; đồng thời có ý nghĩa giúp người khác thấy đó mà đề phòng, tránh gặp khuyết điểm tương tự. Khuyết điểm sớm được sữa chữa sẽ dễ hơn khi để trở thành căn bệnh trầm kha. Vì Người cho rằng: “Người mắc khuyết điểm hôm nay, ngày mai chưa chắc đã mắc khuyết điểm. Người hôm nay chưa mắc khuyết điểm chưa chắc ngày mai cũng không mắc khuyết điểm”.
        3. TPB và PB muốn có hiệu quả tốt cần có phương pháp tốt. TPB và PB phải “biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sữa chữa”. TPB và PB phải được tiến hành trong tổ chức, chứ không phải gặp đâu nói đó. Người đứng đầu phải rất công minh, tạo được chổ dựa tin cậy, khơi dậy được không khí dân chủ, thẳng thắn để ai cũng có thể nói rõ chính kiến của mình, không phải “thậm thà, thậm thụt” “ngồi lê mách lẻo”, “việc bé xé ra to” là nguyên nhân của sự mất đoàn kết.
       4. TPB và PB phải có thái độ chân tình cầu thị, nói đúng ưu điểm và khuyết điểm, phê bình phải đúng lúc, có hoàn cảnh thích hợp; phải biết lắng nghe và chờ đợi đồng chí tiếp thu để tránh việc làm cho người bị phê bình “nản chí, oán ghét”. Vì làm như vậy theo Hồ Chí Minh chẳng khác “bánh ngọt là một thứ ngon lành, nhưng đem bánh ngọt bắt người ta ăn, nhét vào miệng người ta thì ai cũng chán”.
      Những tư tưởng quan trọng của Hồ Chí Minh về TPB và PB trên đây, dù không có gì khó hiểu; nhưng với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật và làm theo sự thật” như tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đã đề ra, thì việc nắm vững tư tưởng Hồ Chí Minh về TPB và PB sẽ vô cùng có ý nghĩa trong việc triển khai Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” ./.
                                                                Trần Quang Trung
                                                                      7 - 2012

Tìm gặp người con của Tổng Bí thư Hà Huy Tập

          TÌM GẶP NGƯỜI CON CỦA TỔNG BÍ THƯ
                                      HÀ HUY TẬP

I-                   BUỔI GẶP GỠ BAN ĐẦU

        Thật may mắn cho tôi, ngay trong dịp chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng bí thư Hà Huy Tập; Trung ương Hội khoa học Lịch sử Việt Nam triệu tập các thành viên về Thành phố Hồ Chí Minh để kỷ niệm 40 năm thành lập Hội và dự hội nghị Ban chấp hành khóa V (lần thứ 2). Đây là dịp vô cùng thuận lợi để tôi thực hiện được ý định tìm gặp người con của Tổng bí thư Hà Huy Tập. Được lãnh đạo tỉnh đồng tình ủng hộ, tôi vui vẻ lên đường vào một ngày đẹp trời cuối tháng 3 năm 2006. Bước xuống sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, giữa chốn đô thành nhộn nhịp và đông đúc với địa chỉ đơn giản trong tay, nhưng để tranh thủ thời gian trước họp, tôi quyết định đi tìm gặp bà Hồng. Một lần nữa tôi lại được phù trợ thuận lợi: sau khi tôi trao đổi nhanh ý định đi gặp bà Hồng, Cục quản trị Trung ương T78 đã bố trí cho tôi chiếc xe sang trọng như muốn giúp tôi thực hiện công việc được trôi chảy hơn. Được giao nhiệm vụ đồng chí lại xe nhiệt tình thật sự: “anh chờ em chút xíu để hỏi đường, địa chỉ này em nhớ không rành nó ở hướng nào”. Vì có xin phép trước nên tôi càng sốt ruột, phần sợ trễ gìơ hẹn, phần muốn gặp được càng đông người càng tốt trong khi bà Hồng cho hay: nhà tôi thường vắng người, chỉ có mình tôi là thường xuyên có mặt chứ mấy đứa ít khi về họp đủ. Hồng Anh và Hồng Liên con gái tôi, người này về ca chiều, người khác lại đi ca đêm. Sau một hồi chen chúc nhau trên đường phố với tốc độ khoảng 6 km/giờ, chúng tôi cũng đã có mặt trước cổng nhà bà ở Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh trễ hẹn chừng vài chục phút. Chuông đổ, một bà cụ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn ra mở cửa mời khách vào, đó là bà Hà Thị Thúy Hồng người con gái duy nhất của cố Tổng bí thư Hà Huy Tập. Sau khi tôi tự giới thiệu và xin được thưa câu chuyện, bà Hồng vui vẻ nhưng đã giới hạn ngay từ đầu: “ tôi thật sự có ít hiểu biết và không có tư liệu, di vật nào của ba tôi để lại”. Thấy bà không được khỏe, tôi thưa luôn: Không sao bác ạ, bác cho con hỏi thăm sức khỏe thôi, không làm tư liệu gì cả. Bà Hồng tỏ ra thông cảm khi biết tôi vừa đi qua chặng đường hơn ngàn cây số tới đây. Bà kể: năm tôi còn rất bé (còn nằm trong bụng má tôi) thì ba tôi đã đi hoạt động. Tôi chưa được gặp ba thì ba tôi đã đi xa, rồi má tôi cũng đi xa. Tôi không có nhiều những hiểu biết về ba tôi, cũng như không còn được cất giữ một kỷ vật nào của ba nữa. Tôi lớn lên được đi học rồi tốt nghiệp Diplome trường Pháp (tương đương với cấp II hiện nay) nhưng lúc bấy giờ còn hiếm và học có kiến thức thực sự. Sau đó tôi theo nghề dạy học cho đến khi nghỉ hưu cách đây cũng đã gần vài chục năm rồi. Năm nay tôi đã 78 tuổi, không tham gia hoạt động được nữa.
       Lâu lắm chắc bác chưa có dịp về thăm Hà Tĩnh, kỳ này muốn mời bác về thăm quê ít hôm có được không ạ ? - tôi thưa.
       Bà Hồng nói rằng: nay ở quê tôi có quen biết ai đâu, tôi chưa về lần nào. Trước đây lãnh đạo tỉnh có đến thăm, nhưng lâu lắm rồi tôi không nhớ nữa. Gần đây có một số anh, chị em đến, có cả những người đến tìm tư liệu nữa nhưng không có gì.
      Vậy lần này bác về làm khách Tỉnh ủy có dược không ạ - tôi thưa.
       Bà Hồng nói: nay tôi  tuổi đã cao, huyết áp cao có lẽ không đi được, thuốc để cả phòng trên, phòng dưới khi cần có mà dùng. Tôi nhanh chóng mở cặp và xin phép có chút quà của lãnh đạo tỉnh gửi thăm sức khỏe bác, kỳ này các anh bận, có lẽ dịp khác sẽ đến thăm. Bà Hồng ái ngại từ chối, tôi vội vàng thưa: đây là việc tỉnh giao đưa tận tay bác chứ có phải của con đâu ạ. Bà Hồng lặng lẽ và cầm lại. Tôi vội điện ngay cho đồng chí Phó bí thư Thường trực để báo tin công việc đã hoàn thành. Đầu bên kia là đồng chí Phó bí thư, tôi đưa máy cho bà. Nhìn bà chăm chú tiếp chuyện lãnh đạo tỉnh, tôi nghĩ như phần nào bà đã thông cảm hơn. Đang dịp thuận lợi tôi ngỏ ý muốn xin bà kiểu ảnh mọi người trong gia đình. Bác cười: chúng nó thế đấy, không thích chụp hình và cho hình. Anh chụp hình tôi thì được. Tôi nhanh chóng chớp lấy tấm ảnh bà Hồng đang xem tờ báo Hà Tĩnh như sợ chậm thời cơ sẽ qua mất. Vừa hỏi chuyện bà Hồng tôi vừa quan sát căn nhà giản dị, đồ đạc khá đơn giản, có phần trống trải. Trời về chiều, ý định tìm gặp bà Hồng đã được thực hiện, tôi tính chuyện rút lui để khỏi làm ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt của bà. Chị Hồng Anh sau khi bưng chén nước mời khách đã rút lui từ lâu. Chị Hồng Liên xuống cầu thang dắt xe đi làm, tôi chào và chị nở một nụ cười chào lại rồi đi.

II-                 BIẾT THÊM VỀ GIA ĐÌNH BÀ HÀ THỊ THÚY HỒNG

      Bà Hà Thị Thúy Hồng là con gái duy nhất của Hà Huy Tập và Nguyễn Thị Giáo. Nhưng sau khi Hà Huy Tập bị bắt rồi hy sinh, bà Giáo phải lận đận đi thêm từng bước nữa. Bà mở trường dạy học, sự gắn bó với nghề đã giúp bà gặp gỡ và rồi sống tri kỷ với người chồng sau tên là Tạ Phước Lai tại Quận Phú Nhuận, Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh). Bà Hồng được sinh ra từ năm 1929, do có điều kiện của mẹ và người bố dượng, bà đã được học hành, thi đỗ và theo nghề dạy học. Sau cách mạng tháng Tám 1945, bà là giáo viên của Trường cấp 1 Chi Lăng, nay là Trường Tiểu học Cao Bá Quát số 92 đường Phan Đăng Lưu, Phường 5, Quận Phú Nhuận. Trong điều kiện Nhà trường gặp nhiều khó khăn lúc bấy giờ, bà đã xin nghỉ theo chế độ hưởng trợ cấp một lần vào năm 1987. Sau khi mẹ và người bố dượng qua đời, gia đình bà Hồng chuyển về sống ở ngôi nhà của bố mẹ để lại hiện nay. Chồng bà Hồng là ông Bùi Quang Hiên, nhiều hơn bà 6 tuổi. Ông cũng là người gắn bó với cách mạng, đã từng hoạt động trong chiến khu từ năm 1947. Về sau ông bị địch bắt và đưa đi tù ở nhà tù Côn Đảo trong suốt mười năm ròng. Năm 1965, ra tù ông Hiên trở về Thành phố hoạt động, làm công tại bể bơi Chi Lăng, rồi mất sau một thời gian nghỉ hưu ngắn ngủi. Bà Hồng cùng chồng sinh được ba người con gái là Hồng Anh, Hồng Vân và Hồng Liên. Năm 1988 ông Bùi Quang Hiên qua đời, Bà Hồng sống chung với hai người con là chị Hồng Anh và Hồng Liên. Cả hai tuy đã và đang bước sang tuổi Tri thiên mệnh, song đều chưa có gia đình riêng. Chị Hồng Anh nay làm việc ở Công ty xuất nhập khẩu Nông-Lâm -Thủy sản Thành phố còn chị Hồng Liên là công nhân, làm việc tại Xí nghiệp in Trần Phú Thành phố Hồ Chí Minh. Các chị sống kín đáo và nghị lực, riêng chị Hồng Liên gần như sáng nào cũng dậy sớm và thường đi bơi ở bể bơi Chi Lăng - nơi trước đây ông Hiên đã từng làm việc nhiều năm. Ngôi nhà 3 phòng giản dị trên mảnh đất khoảng 40 x 20m (gồm một bếp nhỏ, một phòng khách, một phòng gác dùng để ngủ và sân) tại số 45 đường Lam Sơn, khu phố 4, phường 5, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh. Đây là địa chỉ cư trú của ba mẹ con bà Hồng cùng bà con khối phố lâu nay. Sau khi nhận trọn gói chế độ trợ cấp hưu trí một lần, bà Hồng tham gia tích cực mọi hoạt động mà địa phương yêu cầu. Được biết bà đã từng tham gia nhiều tổ chức đoàn thể ở quận và ở phường như: Hội mẹ học sinh, sinh viên của quận đoàn, Hội mẹ truyền thống, Hội người cao tuổi, Mặt trận tổ quốc, Câu lạc bộ kháng chiến của Phường... Hình như để theo đuổi ý tưởng của thân sinh là ông Hà Huy Tập, bà sống vì mọi người. Ở địa phương người ta nói bà Hồng là người sống tốt bụng, thương người,  bà thường sẵn sàng giúp đỡ người nghèo, người gặp khó khăn. Có đồng tiền dành dụm được, ai cần bà cho vay, đã có người vay không trả, bà cười: biết làm sao vậy. Ngay cả khoản tiền tuất của chồng 140 ngàn đồng/ tháng bà cũng hiến luôn cho Hội phụ nữ phường làm quỹ học bổng cho học sinh nghèo. Có lần phòng Thương binh xã hội hỏi để hướng dẫn bà làm chế độ hỗ trợ nhà ở cho cán bộ trước cách mạng, bà chối bảo là các cháu ở quê nó làm rồi.
      Vậy lâu nay bác sống ra sao ạ ? - tôi hỏi.
      Bình thường thôi anh, tôi chỉ có mấy đứa con thôi, chẳng có gì hết. Mấy đứa con đi làm ca, đứa này về đứa kia đi làm, thường ngày tôi ở nhà một mình, xem sách báo cho vui. Lâu nay tôi chẳng có chế độ gì cả, cuộc sống cũng bình thường như mọi người xung quanh thôi.
      Bà Hồng ngừng lời, bất giác tôi nhìn qua cửa sổ, xa xa những tòa nhà cao ốc khổng lồ với hệ thống đèn điện bật sáng như sao sa. Sài gòn đã nhộn nhịp tấp nập về đêm. Những chiếc xe ô tô, mô tô đời mới nối đuôi nhau chạy như mắc cửi giữa thành phố nguy nga, tráng lệ. Tôi trở lại ngắm bà Hồng trong căn nhà nhỏ nhắn, thoáng đảng và vắng lặng mà cảm thấy chạnh lòng. Bởi lâu nay mình đã không có dịp được hỏi chuyện về bà, để biết thêm về bà cũng như những người thân trong gia đình người con gái duy nhất của một Tổng bí thư của Đảng hiện còn và sống tràn đầy nghị lực trong những chặng đường đã qua.
   Không thể ngồi lâu thêm, tôi xin phép chào bà không quên với lời kính chúc bà mạnh khỏe, sống lâu. Ra khỏi nhà bà Hồng tôi đã trở lại gặp lãnh đạo phường bởi còn nhiều điều day dứt mà có lẽ đó cũng là day dứt của những ai đang hướng về 100 năm ngày sinh Tổng bí thư Hà Huy Tập. Khi tôi say sưa kể chuyện với các đồng chí ở phường, các bác, các anh, các chị cũng có chung một điều suy nghĩ rằng lâu nay mình còn quá ít gần gủi với bà. Nhiều điều còn chưa biết về gia đình bà. Nếu có thời gian chắc chắn còn phải tìm hiểu và ghi lại được nhiều điều hơn nữa để phục vụ ban đọc.  Khi tôi cảm ơn và chào tạm biệt những cán bộ ở phường, trong lòng cứ nghĩ hoài về một câu nói không có ý xã giao của đồng chí Ủy viên thường trực Đảng ủy, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân phường 5: "Chính chúng tôi mới là người đáng phải cảm ơn anh" - cảm ơn việc tìm đến của anh, như một lần nhắc chúng tôi tìm đến những người thân còn sống để tỏ lòng biết ơn vong linh những người đã khuất  ./.

                                                                    3/ 2006
                                                           Trần Quang Trung
                                                       Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy
   

Biên bản hội nghị chi bộ- Bức tranh về sức chiến đấu
                              của Đảng ở cơ sở

      Chúng ta vẫn thường nói: phải thường xuyên chăm lo nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đó là phương hướng đúng vì nó quyết định sức sống của Đảng, của tổ chức đảng chúng ta. Song để nhận diện đúng vấn đề này, nên chăng hãy nhìn vào biên bản hội nghị của từng tổ chức Đảng.
    Trong lịch sử hoạt động của Đảng, dấu ấn đậm nét để lại là Đảng luôn tự rèn dũa, tôi luyện, khắc phục mọi hạn chế, khuyết điểm của mình để hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử: lãnh đạo toàn dân tộc tiến hành thắng lợi các cuộc kháng chiến thần thánh chống giặc ngoại xâm đưa đất nước đi vào công cuộc đổi mới hôm nay. Trong tiến trình lịch sử cách mạng ấy, bên cạnh những thắng lợi vĩ đại; Đảng không phải đã tránh khỏi những sai lầm khuyết điểm trong từng thời kỳ nhất định. Đó là khuyết điểm về giáo điều máy móc, nóng vội chủ quan duy ý chí; sai lầm trong chỉ đạo chiến lược…Các thế hệ mai sau biết được nhờ sự tự phê bình nghiêm túc của Đảng và nghiên cứu tìm hiểu trong các văn kiện, biên bản của Đảng hiện vẫn còn lưu giữ. Tuy nhiên ai cũng có thể hiểu được những sai lầm khuyết điểm của Đảng bên cạnh muôn vàn kỳ tích và thắng lợi thì đó cũng là lẽ thường tình, là tất yếu của lịch sử. Thừa nhận yếu kém khuyết điểm của Đảng càng làm cho Đảng có quyết tâm sữa chữa, nên càng được nhân dân tôn vinh quý trọng gọi thân thiết trong hai chữ Đảng ta.
    Đi vào công cuộc đổi mới với xu thế hội nhập, Đảng ta đứng trước thử thách quyết liệt với yêu cầu phát triển nhanh đất nước. Sự tác động mạnh mẽ của quy luật khách quan trong cơ chế kinh tế thị trường như cạnh tranh, cung cầu và giá trị, đã làm thay đổi cơ bản mọi nhận thức, hành động con người. Những gì trong cơ chế bao cấp, quan liêu bị đẩy lùi vào quá khứ. Nhận thức của mọi cán bộ, đảng viên bên cạnh việc phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng, cống hiến vẫn chịu sự tác động mạnh mẽ của quy luật về lợi ích. Chính vì các cơ sở Đảng thiếu chặt chẽ, đã không ít cán bộ đảng viên xa rời mục tiêu lý tưởng; coi nhẹ nghĩa vụ cống hiến hy sinh cho cộng đồng; biểu hiện rõ nét về thái độ cửa quyền, tư lợi, suy bì về quyền lợi địa vị, thành tích chủ nghĩa…Trong buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 7-2-2012, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Điều đáng sợ nhất bây giờ là trong một bộ phận cán bộ đảng viên, nhân dân … là sự mơ hồ, không phân biệt đúng sai, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, mất nhuệ khí đấu tranh, nặng về thu vén cá nhân”.  Tất cả đó đã dồn lại làm cho nhiều tổ chức Đảng trong tình trạng giảm sút ý chí, niềm tin; sinh hoạt, tổ chức lỏng lẽo, mất sức chiến đấu mà nhiều nhất là các cơ sở Đảng có chế độ thủ trưởng. Một số đảng viên cho rằng không dại gì có ý kiến khác với thủ trưởng. An toàn phòng thân hơn là cơ may được sự đồng tình. Vì vậy nhiều chủ trương đưa ra không được bàn bạc kỹ lưỡng, khi xẩy ra sự việc rắc rối thì tìm cách trốn trách nhiệm. Quyết mà không nghĩ nên có những nghị quyết, quy định của Đảng không được triễn khai nghiêm túc.
     Bức tranh về hoạt động, vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng không thể có nơi nào rõ nét hơn là hệ thống biên bản hội nghị của tổ chức Đảng, của các cuộc sinh hoạt chi bộ Đảng. Kiểm tra công tác Đảng hàng năm của nhiều tổ chức cho thấy: việc sinh hoạt đảng nghèo nàn về nội dung; thiếu sự thường xuyên theo quy định; thời lượng sinh hoạt đảng quá ít, nhiều nơi cho rằng sinh hoạt định kỳ càng ngắn càng quý, càng sáng tạo. Có nơi còn chọn thư ký lâu dài, uỷ thác cho người ghi biên bản thay thế sinh hoạt; quan niệm sai lệch rằng không có ý kiến bàn bạc có nghĩa là “thống nhất” cao; nội dung ghi trong biên bản hội nghị chi bộ thường kỳ chung chung, tháng này tựa theo tháng khác một cách “đầy đủ”…Thực ra một tổ chức mạnh, có sức chiến đấu cao là một tổ chức mà triển khai mọi chủ trương, công việc phải được bàn bạc kỹ, việc càng hệ trọng càng phải tính toán thấu đáo, ý kiến ngược xuôi rõ ràng. Thực tế một số cơ sở Đảng cho hay, trong một chi bộ thường xuyên không có ý kiến ngược - “ thống nhất cao” là biểu hiện của sự thờ ơ hoặc mất dân chủ, đó không hẳn đã là một chi bộ tốt. Rất tiếc đã không ít cơ sở đảng khi xem xét thành tích thi đua, phân loại cuối năm đã không quan tâm đầy đủ đến những thực trạng ấy.
     Giờ đây khi toàn Đảng đang chuẩn bị để tập trung cao độ lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết ba vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng; nên chăng cần có sự khởi đầu bằng cách rà soát lại việc tổ chức, nhìn nhận lại chất lượng sinh hoạt đảng của các cơ sở, để đánh giá đúng thực trạng và chấn chỉnh cần thiết. Có như vậy thì giải pháp hàng đầu là tự phê và phê bình mới được triển khai nghiêm túc, ba vấn đề cấp bách mới có tiền đề để giải quyết hiệu quả./.

                                                                                         Trần Quang Trung