Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

Xuân về nhớ Bác xiết bao !



     Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn của nước ta. Khác với nhiều anh hùng dân tộc Việt Nam khác, Hồ Chí Minh còn là người sáng lập ra Đảng ta, lãnh đạo nhân dân ta tiến hành nhiều cuộc kháng chiến chống xâm lược làm nên những chiến thắng lẫy lừng năm châu bốn biển. Đất nước được hoàn toàn độc lập, thống nhất cùng nhau tiến lên thực hiện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
     Công lao to lớn của Hồ Chí Minh được Đảng và nhân dân biết ơn, ghi nhận. Tên tuổi và cống hiến của Người sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta. Hơn thế, cuộc đời riêng của Người lại hết sức bình dị làm cho Người trở thành con người vĩ đại, tấm gương sáng cho mọi thế hệ noi theo. Suốt cuộc đời Người “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(1). Theo đuổi mục tiêu đó, Người đã “quên đi tất cả của riêng mình” để rồi “đau cái đau trước thiên hạ, vui cái vui sau mọi người”. Người cho rằng “nếu đem tất cả nỗi đau của mọi người dân lại thì đó là nỗi đau của tôi”. Bởi vậy Người luôn phấn đấu tìm những niềm vui cho mọi người và không bao giờ cho phép bản thân mình được tìm đến niềm hạnh phúc riêng hay cuộc sống hưởng thụ cho cá nhân mình. Mỗi khi được người dân đem biếu quả cam, con cá, tấm đường, hay bộ quần áo... Người đều nghỉ đến công sức mồ hôi của người biếu tặng để rồi sử dụng nó một cách có ích nhất và chia xẻ cùng mọi người. Chính vì cuộc sống bình dị như vậy nên đi đến đâu cũng được mọi người yêu mến kính trọng một cách chân thành nhất. Người dân Việt Nam coi vị Chủ tịch nước như người thân yêu, đáng kính nhất của mình. Người dân Việt Nam coi Hồ Chí Minh thân thiết như là cha, là bác, là anh, để rồi ai cũng trân trọng gọi Người một cách thân thương trong hai chữ Bác Hồ. Mọi người dân chân chính của Việt Nam ai cũng muốn được gần gủi Bác, được nhìn thấy Bác. Được gặp Bác một đôi lần trong đời là một niềm vinh hạnh lớn và là niềm tự hào không bao giờ quên được. Khi Bác đã đi xa, người dân mọi miền đất nước lại cùng nhau nối gót vào lăng viếng Bác; hành hương về quê Bác để tận hưởng niềm hạnh phúc khi thấy bóng dáng Người hay được gần gủi bên những di vật của Người để lại. Đến được với Bác là niềm vui dù có phải trải qua đường xa cách trở hay gặp thời tiết khắc nghiệt:
                      Sang xuân con đến Nam Đàn
                      Con được thăm làng, nhà Bác, Bác ơi !
                      Dẫu mưa kín hạt khắp nơi
                      Vẫn vui vì đến quê Người kính yêu ....
        Gắn tình cảm với Bác với hình bóng Bác là tình cảm với Đảng với mùa xuân dân tộc. Từ mùa xuân 1930, Đảng ta ra đời trong sự vận động tìm kiếm lâu dài đầy gian khổ, hy sinh của Bác. Đảng ra đời đất nước mở sang trang mới. Cũng từ đây với Đảng, Bác Hồ, mùa xuân như được gắn quyện hài hòa hơn trong mỗi niềm vui hạnh phúc của lòng người. Cứ mỗi dịp xuân về, người dân Việt từ núi rừng làng bản, hải đảo xa xôi đến thành phố đô thị. Suốt chiều dài đất nước từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước đâu đâu cũng háo hức đợi chờ để được đón Người về thăm, được nghe những lời Người dặn dò chúc tết đồng bào. Bởi đó là tiếng nói của vị cha già dân tộc và cũng là tiếng gọi từ ý Đảng lòng dân hòa quyện. Trong mỗi lời chúc tết đầu xuân của Bác, các nhà lãnh đạo xem đó như là những định hướng chiến lược, mỗi người dân, người lính xem đó như những mệnh lệnh tối cao để cùng nhau quyết tâm thực hiện cho một năm toàn thắng.
        Mùa xuân năm 1946 khi đất nước còn lo kháng chiến chống ngoại xâm, Bác có thơ chúc tết rằng:
                  Trong nǎm Bính Tuất mới,
                    Muôn việc đều tiến tới.
                    Kiến quốc mau thành công,
                    Kháng chiến mau thắng lợi...”
     Mùa xuân Kỷ Sửu năm 1949 để khích lệ cuộc kháng chiến phát triển mạnh mẽ hơn nữa cho mau giành thắng lợi Người lại chúc cho cả nước:
                   “Người người thi đua.
                     Ngành ngành thi đua.
                     Ngày ngày thi đua.
                    Ta nhất định thắng.
                    Địch nhất định thua”.
          Không chỉ là việc động viên toàn dân toàn quân đánh giặc giành thắng lợi, mà Người còn lưu ý đến việc chọn lựa thời cơ để giành chiến thắng trọn vẹn. Trong bài thơ chúc tết cuối cùng mùa xuân năm 1969 Người viết:
                     “Năm qua thắng lợi vẻ vang
                      Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
                      Vì độc lập, vì tự do
                      Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
                      Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào.
                      Bắc – Nam sum họp xuân nào vui hơn”
          Với Bác Hồ, ngày xuân rất quan trọng là sự khởi đầu của một năm cũng như sự nghiệp của đời người bắt đầu từ tuổi trẻ. Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp đón xuân 1946 người khẳng định: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Vì thế xã hội cần chăm lo để thế hệ trẻ lớn lên gánh vác sự nghiệp cách mạng; sánh vai các nước trên thế giới. Khi tuổi đã về già Người lại khuyên góp thêm sức mình có ích cho xã hội. Mừng tuổi các cụ phụ lão đầu xuân 1962 Người bày tỏ chân tình:
                   “Tuổi già nhưng chí không già
              Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh”
   Trong mười năm từ 1959 đến 1969 để có thêm cây xanh bóng mát, mang đến lợi ích cho môi trường cuộc sống, Bác Hồ đã viết 7 bài về tết trồng cây và khởi xướng tết trồng cây. Người nói : “Chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày Tết trồng cây. Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều". "Đó là cuộc thi đua dài hạn, nhưng nhẹ nhàng, mà tất cả mọi người từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng có thể tham gia"
              Từ đó theo Bác : “Mùa xuân là tết trồng cây
                                          Làm cho đât nước càng ngày càng xuân”.
         Để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giành thắng lợi Người nhấn mạnh đội ngũ cán bộ có đức có tài là điều có ý nghĩa quyết định nhất. Cán bộ có tài thì mới lãnh đạo được sáng suốt, cán bộ có đức thì dân chúng mới tin tưởng đi theo. Người cán bộ phải nghiêm với chính mình và cấp dưới; với người dân thì phải thương yêu giúp đỡ, không được “tự cho là quan cách mạng”, tư lợi, cục bộ mưu cầu lợi ích cá nhân. Trả lời các nhà Báo quốc tế đầu xuân 1946, Người bộc bạch: “Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui.....Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá trồng hoa, sớm chiều làm bạn với cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”(2)
         Mùa xuân này toàn Đảng đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đẩy mạnh công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; thực hiện chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Với những chuyển động và kết quả bước đầu mỗi người đại biểu nhân dân, Đảng viên của Đảng và mọi người dân nghĩ về Đảng về những lời dặn dò và hình ảnh của vị lãnh tụ kính yêu, trong sâu thẳm lòng mình càng nhớ Bác xiết bao./.

----------------------------------
(1)(2) Hồ Chí Minh    Tuyển tập , Tập 2, nxb CTQG 2002, trang 46