Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015

Giá trị vững bền của Tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam

   Sau 30 năm lặn lội khắp chân trời góc bể, trước muôn vàn thử thách hiểm nguy để tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc mới tiếp cận, chọn lựa và đi đến một khẳng định dứt khoát : “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất, chắc chắn nhất đó là Chủ nghĩa Lê Nin”.(1)
    Tìm được con đường cách mạng, Nguyễn Aí Quốc vui đến rơi nước mắt. Ngồi một mình trong phòng mà nói to như nói với đồng bào: “Hỡi đồng bào bị đoạ đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”(2). Có trong tay con đường cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã không ngừng nghiền ngẫm học tập để thấu hiểu sâu sắc. Người đã mang nó về Việt Nam và cùng nhân dân tiến hành cách mạng làm nên những kỳ tích lịch sử. Sau hơn 60 năm phấn đấu và trãi nghiệm, Chủ nghĩa Mác Lê Nin ở việt Nam đã trở nên sống động, gần gủi, dễ hiểu, được người dân đón nhận, ngưỡng mộ một cách tự giác tin theo để làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới. Với những thành công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước trong những bước đi đầu tiên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn chặt tên mình lên học thuyết mà mình đã lựa chọn. Một bước ngoặt mới trong cách mạng nước ta đã xuất hiện bằng sự kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX khẳng định Tư tưởng Hồ Chí Minh “là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê Nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại”(3).
       Giá trị to lớn của Tư tưởng Hồ Chí Minh đó là sự bao quát phong phú mọi vấn đề lý luận về chiến lược, sách lược và phương pháp cách mạng, “là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam(4). Mỗi một vấn đề cơ bản ấy giờ đây đang là những bài học lớn cho toàn thể cán bộ đảng viên và nhân dân hàng ngày soi rọi trên từng bước đi của mình. Đảng đã có chủ trương phát động chúng ta học tập Tư tưởng Hồ Chí Minh trên một số vấn đề lớn như vấn đề Dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc; Chủ nghĩa xã hội và con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; Đảng cộng sản Việt Nam; Đại đoàn kết dân tộc; Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; Tư tưởng xây dựng nhà nước của dân, vì dân, do dân; Tư tưởng quân sự; về Đạo đức, Nhân văn, Văn hoá; Vấn đề nói đi đôi với làm; Thực hành tiết kiệm; Tận tuỵ, trung thực, gần dân, trách nhiệm trong công việc...và còn rất nhiều vấn đề quan trọng, có ý nghĩa khác các thế hệ chúng ta sẽ tiếp nối học tập và là theo tấm gương đạo đức của Người. Từ trong cuộc sống, học tập và làm theo, chúng ta thấu hiểu thêm giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
     Đôí với công cuộc xây dựng xã hội mới, theo Người đây là "cuộc cách mạng vĩ đại và vẻ vang nhất trong lịch sử loài người, nhưng đồng thời cũng là một cuộc cách mạng gay go, phức tạp và khó khăn nhất"(5).   Tuy vậy Người cũng đã phác hoạ một phần để chúng ta có cách nhìn cụ thể sát hợp với điều kiện Việt Nam.  Nếu Lê Nin cho rằng “chủ nghĩa xã hội sẽ như thế nào khi nó đạt tới những hình thức hoàn chỉnh của nó, điều đó chúng ta không thể biết, không thể nói lên được"(6). Thì chính Hồ Chí Minh đã cho chúng ta hình dung dễ hiểu về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam khi Người nói rằng: "CNXH trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc" (7). Trong xã hội ấy mọi người phải được tự chủ, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Con người được hưởng ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần, đoàn kết bình đẳng. Người còn cho rằng: “ chủ nghĩa xã hội là đoàn kết và muốn có CNXH cũng phải đoàn kết” (8) và một xã hội như vậy thì nhất thiết phải “ mọi người cùng ra sức lao động”. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng mới, Người vẫn thường xuyên nhắc nhở chúng ta bên cạnh những điều tốt đẹp đạt được chắc hẳn không tránh khỏi những trở lực, những thứ bọt bèo phải loại thải, Người ví như chúng ta "đang xây đắp ngôi lâu đài mới, thì chắc chắn không khỏi có những  mọn bào, gạch bể và những thứ ghét rác khác. Chúng ta phải quét dần dần"(9)....
      Đối với sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan niệm phải thường xuyên chăm lo và đồng hành với công cuộc xây dựng đất nước. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là hai sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong cách mạng việt Nam từ khi có Đảng. Khi chưa giành được độc lập thì mọi việc đều phải nhằm vào mục tiêu giành độc lập dân tộc. Người kêu gọi toàn dân đem sức ta mà giải phóng cho ta. Khi thời cơ đến thì Người yêu cầu “dù có phải đốt cháy cả dãy trường sơn cũng phải giành cho được độc lập”. Trong kháng chiến thực hiện tư tưởng của Người dân tộc Việt Nam đã kề vai sát cánh cùng nhau vừa kháng chiến vừa kiến quốc, hoặc tay cày tay súng; tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng. Mặc cho chiến tranh có phải kéo dài bao lâu nữa, Người vẫn khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Bảo vệ tổ quốc là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người dân yêu nước....
         Trong Tư tưởng Hồ Chí Minh chúng ta còn nhận ra giá trị to lớn ở tính nguyên tắc. Có thể khẳng định rằng đối với Hồ Chí Minh Tổ quốc, nhân dân và Đảng là trên hết. Đối với Người suốt cuộc đời chỉ muốn vì dân mà phục vụ, cống hiến, hy sinh vô điều kiện. Cái gì có lợi cho dân thì gắng sức làm cái gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Bản thân Người chỉ như người lính vâng mệnh lệnh Quốc dân ra trước mặt trận. Dân bảo làm thì làm, dân cho lui thì lui không dính líu gì đến vòng danh lợi. Bởi vậy Hồ chí Minh rất ghét thói lười biếng, thiếu trung thực, tư lợi, cục bộ, địa vị, sống xa hoa, lảng phí.... Người xem đó là thuộc Chủ nghĩa cá nhân, là giặc nội xâm cần phải loại bỏ.
          Thực hiện ước mơ cao quý của Hồ Chí Minh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp sánh vai với cường quốc năm châu; 85 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, Dân tộc ta đã viết nên những trang sử chói lọi: giành thắng lợi cả trong sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ; xây dựng thành công cơ sở vật chất trong chặng đường đầu tiên để đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước. Công cuộc đổi mới đang từng bước mang lại kết quả toàn diện cả về phát triển kinh tế văn hoá. Vị thế và uy tín của Việt Nam ngày một nâng cao trên thế giới. Đất nước đang đi vào quỹ đạo hội nhập mạnh mẽ trong xu thế toàn cầu hoá. Những đổi thay nhanh chóng của đất nước trong sự chuyển dịch từ cơ chế bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường đang được sự quan tâm và thừa nhận của các nước trên thế giới. Điều này càng khẳng định một lần nữa sức sống của chủ nghĩa Mác lê Nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh ở nước ta. Tuy vậy trong quá trình hội nhập chúng ta cũng không tránh khỏi những trở lực hay những thách thức lớn do sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường. Những “mụn bào, gạch vở, ghét rác” mà Hồ Chí Minh nhắc nhở có nơi có lúc đang trở thành những thách thức với niềm tin của nhân dân, đe doạ “sự sống còn của chế độ”. Sự xuất hiện nơi này nơi khác những vụ việc cá nhân, nhóm, bộ phận lợi dụng trách nhiệm hưởng lợi, làm thất thoát tiền của nhân dân; hay những vụ trọng án mang tầm quốc gia đều cho thấy họ đã xa rời Tư tưởng Hồ Chí Minh cả trong nhận thức và hành động thực tiễn. Học tập Tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thiết nghĩ mỗi một chúng ta hôm nay không chỉ học ở lý luận sách vở Hồ Chí Minh mà chúng ta học và làm theo đạo lý làm người của Hồ Chí Minh.
       Sắp đến ngày sinh nhật lần thứ 125 của Bác, trong mỗi người dân kính yêu Người, đâu đó lại hiện về những xử thế đầy cảm động của vị lãnh tụ mẫu mực và bình dị đời thường mà vô cùng vĩ đại. Trong chiến khu Việt Bắc xưa, một gói đường gửi tặng, Bác giành cho mọi người trong bếp ăn tập thể; sau ngày độc lập một bộ quần áo tặng Người nhân ngày lễ trọng, Bác tặng lại công nhân xuất sắc; trong xây dựng HTX, một con cá to gửi biếu, Bác xin trả tiền công chăn nuôi; ngày sắp đi xa, Bác vẫn xin bớt bác sĩ để chăm lo sức khoẻ cho dân..v.v... Nếu mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân hôm nay thực sự quyết tâm học tập và làm theo Người thì chắc chắn giá trị lý luận và thực tiễn của Tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ có ý nghĩa to lớn với sức sống mãnh liệt và trường tồn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc chúng ta./.

                                                                                       


Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh  : Toàn tập, T1, nxb CTQG, H, 1995, tr 267-268
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, HN. 2000, tập.10, tr. 127.
(3) Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX
(4) Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX
(5) Hồ Chí Minh Tuyển tập . T2. H. 1980.  Trang 88
(6) Lê Nin Toàn tập Tập 36. Nxb Mácơ va. 1977. trang 82-83
(7) Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch. Tập 6, trang 19
(8) Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh , nxb Nghệ Tĩnh 1990, Trang 347

(9) Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch. Tập 6, trang 16