Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

Bác di chúc Vấn đề đoàn kết

       Bốn mươi lăm năm đã trôi qua, đất nước ta, dân tộc ta, non sông đất nước ta  vắng bóng Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu suốt một đời vì dân vì Đảng. Người là vị Lãnh tụ vĩ đại, là anh hùng giải phóng  dân tộc.  Nét riêng mong muốn ở Người là suốt cuộc đời “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành...”, còn phần mình thì “không dính gì đến vòng danh lợi”.  Người là hiện thân của mọi người vừa là cha, là bác, là anh của người Việt;  là biểu tượng, là trung tâm có sức thu hút, hội tụ được sự đoàn kết toàn dân tộc. Ra đi về cõi vĩnh hằng người không chỉ “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng” cùng bạn bè khắp năm châu, mà còn để lại những di huấn bất hủ cho toàn Đảng toàn dân nhằm chăm lo vun trồng sự nghiệp cách mạng. Trong kho tàng vô giá ấy ta nhận thấy có vấn đề mà Người đã xây dựng thành công đó là vấn đề đoàn kết. Hơn ai hết lúc còn sống Người hiểu rõ giá trị, sức mạnh của sự đoàn kết là cội nguồn của mọi thành công, nên theo Người:
                          “Đoàn kết, đoàn kết, Đại đoàn kết
                      Thành công, thành công, đại thành công”
Có thể nói suốt quảng đời làm lãnh tụ, Chủ tịch Hồ chí Minh luôn quan tâm xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc, coi đó như một nguyên tắc sống còn của cách mạng. Bất cứ ở đâu, trong hoàn cảnh nào Người luôn có được sự đồng cảm, chở che, ủng hộ. Không chỉ là người dân trong nước, hay ở nước ngoài; bất kể trong cương vị lãnh tụ hay chính khách; Người luôn được sống trong sự yêu thương kính trọng của đông đảo người dân chân chính. Không chỉ mọi người dân Việt nam mà còn rất nhiều người dân các nước trên thế giới yêu quý người Việt vẫn rất thích được gọi hai chữ Bác Hồ.
Thế nhưng trong Di chúc, vấn đề  được Người quan tâm đầu tiên  sau khi qua đời lại là vấn đề đoàn kết trong Đảng.
        Trong sự lãnh đạo của Đảng, điều tối kỵ nhất là tiếng nói không nhất quán; Bác cho đó là hiện tượng “Trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. Một chủ trương lúc đưa ra, hay lúc triễn khai thực hiện vội vàng, không được bàn bạc thấu đáo, tính khả thi không cao; hoặc như do kèn cựa địa vị, địa phương cục bộ.... thì khi đó hiệu quả của sự lãnh đạo sẽ rất thấp.  Trong di chúc của Bác, Đoàn kết chặt chẽ trong Đảng là yếu tố đầu tiên đảm bảo cho sự lãnh đạo của Đảng thành công, Người căn dặn:  từ này có Đảng đến nay nhờ có sự đoàn kết chặt chẽ ....cho nên “Đảng đã lãnh đạo nhân dân tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
       Chính vì đoàn kết là chổ dựa, nguồn sức mạnh, là cội nguồn thắng lợi nên Đảng ta rất quan tâm xây dựng và gìn giữ. Đoàn kết trở thành truyền thống quý báu của Đảng và nhân dân ta. Tuy nhiên chưa phải ai ai cũng đã thấu hiểu nó, biết quý trọng nó một cách đúng mức; vì thế Bác căn dặn các đồng chí của mình từ Trung ương đến các chi bộ “cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
      Từ thực tế lịch sử cho thấy vì nhiều yếu tố tác động  khác nhau nên thấu hiểu và việc xây dựng khối đoàn kết trong Đảng không phải là điều đơn giản và đều được mọi người nhận thức, thực hành đầy đủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn rằng cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng là phải  thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình một cách vừa có lý có tình.
       Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vấn đề đoàn kết trong Đảng được Người đưa ra thành vấn đề đầu tiên trong vấn đề trước hết để dặn lại đời sau. Có lẽ rất ít người đã đặt câu hỏi tại sao vậy ?
58 năm kể từ ngày ra đi tìm đường cứu nước cho đến phút cuối đời, từ việc phải lặn lội khắp năm châu bốn biển, người càng am hiểu tường tận muốn làm cách mạng thì càng phải chăm lo xây dựng khối đoàn kết. Bởi thế sau khi sáng lập ra Đảng cộng sản Việt nam thì Người đã chú ý ngay đến việc xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng. Người coi đây là yếu tố tiên quyết để đảm bảo thành công cho sự lãnh đạo của Đảng.  Ngay từ những văn kiện vắn tắt đầu tiên như chính cương vắn tắt của đảng, sách lược vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo đưa ra trong Đại hội thành lập Đảng đã thể hiện bao quát tính ưu việt ấy. Trong quá trình cùng Đảng chèo lái con thuyền cách mạng đi đến thành công đã có biết bao lần Người giải quyết thành công vấn đề đoàn kết, để rồi đưa đất nước vượt qua giông bão. Đó là thời kỳ sau khi giành được chính quyền, vận mệnh đất nước đứng trước nguy cơ ngàn cân treo sợi tóc, rồi đến những lúc Đảng gặp sai lầm trong tiến hành cải cách ruộng đất; cách mạng gặp thử thách trước sức tàn phá của chiến tranh cục bộ, chiến tranh phá hoại...
Tất cả đều cho thấy đoàn kết sẽ gặp khó khăn trước những bước ngoặt lịch sử. Vấn đề đoàn kết  trong Đảng sẽ xuất hiện như một hiệu ứng của vấn đề tư tưởng con người. Vì vậy nếu không dự báo trước, không tính trước thì cách mạng sẽ gặp khó khăn và hậu quả khó lường. Bởi thế Bác đã dự tính trước: Cuộc kháng chiến chống Mỹ chắc chắn sẽ chiến thắng, nhưng khi kết thúc chiến tranh thì bước ngoặt cách mạng mới sẽ mở ra và do đó theo quy luật thì vấn đề đoàn kết lại sẽ bị thử thách.
Sau chiến tranh đất nước sẽ chuyển mình sang nhiệm vụ mới. Tất cả mọi tư duy, cơ chế điều hành thực hiện theo mệnh lệnh chỉ huy bao cấp trong chiến tranh sẽ buộc phải huỷ bỏ thay vào đó là việc vận hành theo chế độ kinh tế mới, tính toán, xây dựng, dân chủ....
Trong chiến tranh chúng ta “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Mọi người lấy mục tiêu được chiến đấu cống hiến, hy sinh làm cao quý, tự hào. Sau chiến tranh mục tiêu ấy đã hoàn thành. Con người bắt đầu với tư duy mới tính toán lợi ích và thành quả hưởng thụ.
Sau chiến tranh mối quan hệ con người có điều kiện mở rộng hơn; đặc biệt là trong xu thế hội nhập và toàn cầu hoá. Cán bộ đảng viên không chỉ được tiếp xúc, chứng kiến  những thành tựu tiến bộ của nhân loại mà còn phải đối mặt với những cám dỗ lợi ích, thiệt hơn và không loại trừ cả những thủ đoạn tha hoá mua chuộc của thế lực đồng tiền... Chức tước, địa vị, đồng tiền đang là những chất xúc tác dẫn tới tệ nạn đặc quyền đặc lợi, tham nhũng....làm thay đổi màu sắc của sự đoàn kết trong cộng đồng nói chung, trong Đảng nói riêng. Nếu không giải quyết tốt các mối quan hệ ấy thì sức mạnh của khối đoàn kết có thể bị bào mòn và vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ bị phai nhạt.  Vì vậy để giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng nhất thiết phải gắn liền với việc chăm lo giữ vững khối đoàn kết mà đầu tiên là sự đoàn kết trong Đảng.
         Chắc chắn rằng, tất cả những bài học thực tiễn cuộc đời sẽ đọng lại ở những suy tư, trăn trở sâu sắc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh chắt lọc kết tinh thành những gì tinh tuý nhất để di chúc lại cho con cháu thế hệ mai sau trong đó vấn đề quan trọng hàng đầu là đoàn kết trong Đảng. Phải chăng sau 45 năm thực hiện Di chúc của Bác, mỗi một cán bộ, đảng viên hãy góp phần điều chỉnh chính mình để cho sự đoàn kết trong Đảng ngày một thêm hoàn thiện, kính dâng linh hồn Người yên giấc ngàn thu./.


                                                                                            10-2014

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

Nâng cao chất lượng sinh hoạt theo QĐ 76

     Ngày 15-6-2000 Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 76 “ về việc đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với Chi uỷ, Đảng uỷ cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú”.  Theo đó Bộ Chính trị xác định rõ trách nhiệm của đảng viên đang công tác phải có quan hệ mật thiết với nơi cư trú, gần gũi nhân dân, góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân; khắc phục những biểu hiện sống xa dân, thiếu trách nhiệm trong các công việc của dân nơi cư trú. Quy định cũng xác định trách nhiệm phối hợp giữa các tổ chức đảng nơi đảng viên đang công tác và nơi cư trú trong việc quản lý, kiểm tra đảng viên thực hiện nhiệm vụ đảng viên và nghĩa vụ công dân ở nơi cư trú.
Bộ Chính trị cũng  xác định rõ nhiệm vụ của đảng viên, của các cấp uỷ đảng nơi đảng viên đang công tác và nơi cư trú trong việc thực hiện quy định này. Có thể nói đây là một chủ trương rất đúng để tăng cường quản lý đảng viên của Đảng trong thời kỳ mới; đặc biệt là dưới tác động nhiều chiều của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Thực hiện tốt quy định 76 là khâu quan trọng để Đảng ta có thêm điều kiện thuân lợi trong việc giải quyết có hiệu quả những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Bởi vậy sau khi Bộ Chính tri ban hành Quy định đã tạo được sự đồng tình cao, nên hầu hết các cấp uỷ Đảng từ Trung ương đến địa phương đã triển khai nhanh chóng và bước đầu mang lại kết quả. Ở Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, đến nay 100% tổ chức đảng đã tiến hành giới thiệu đảng viên về sinh hoạt nơi cư trú và tiếp nhận đánh giá nhận xét của cấp uỷ nơi cư trú gắn với việc sinh hoạt phân loại chất lượng đảng viên cuối năm. Thông qua việc quản lý đảng viên sinh hoạt nơi cư trú nhiều đảng viên đã quan tâm hơn hoạt động, sinh hoạt của bản thân và gia đình nơi cư trú; chú ý phấn đấu, giữ gìn phẩm chất đạo đức, phong cách, lối sống lành mạnh và có mối quan hệ gần gủi mật thiết hơn với cộng đồng khối phố, thôn xóm. Do làm tốt việc quản lý đảng viên, nhiều cơ quan, đơn vị đã phối hợp có hiệu quả với cơ quan tổ chức của Đảng làm tốt hơn trong việc xây dựng quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, tránh được những sai sót không đáng có...
       Tuy vậy, phần lớn các tổ đảng sinh hoạt theo Quy định 76, cán bộ, đảng viên nơi cư trú vẫn còn nhiều băn khoăn về chất lượng, hiệu quả thiết thực, tính hấp dẫn trong việc tổ chức hoạt động theo quy định này. Bởi một số nơi việc sinh hoạt đảng nơi cư trú còn mang tính hình thức, theo kiểu thủ tục “Xuân Thu nhị kỳ”, mỗi năm hai lần, mỗi lần một vài giờ; chủ yếu gặp nhau, thu hội phí vui vẻ; còn nghe gì và nói gì với nơi cư trú chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều người còn lo về sự có mặt ghi tên để cuối năm có giấy xác nhận tốt của cấp uỷ cư trú mang về cơ quan, hơn là việc quan tâm đến những vấn đề người dân địa phương cư trú đang cần đến mình. Để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các tổ đảng 76 có lẽ còn rất nhiều điều cần làm.
       Ở tầm vĩ mô, các Ban tham mưu của Đảng cũng cần có những cuộc khảo sát đánh giá lại kết quả sau gần 15 năm Bộ Chính trị ban hành quy định, xem những gì là tốt những gì chưa được để có những hướng dẫn bổ sung kíp thời giúp các cấp uỷ có những điều chỉnh cần thiết trong chỉ đạo thực hiện.  Ví như có nên mở rộng thêm đảng viên đương nhiệm giữ mối liên hệ với khối phố, thôn xóm, các đoàn thể quần chúng gần gủi với công việc mà đảng viên đương nhiệm phụ trách... hay chỉ quan hệ với cấp uỷ địa phương ?. Bởi nếu chỉ giữ mối quan hệ với cấp uỷ thì vẫn còn chổ hở, chưa thể thắt chặt và gắn kết được với với cộng đồng dân cư. Tuy nhiên mọi tổng kết đều phải bắt nguồn từ điều kiện cho phép và thực tiễn phong phú, đa dạng. Thực tế ở các địa phương đã có những kinh nghiệm quý bước đầu.
    Về thủ tục giới thiệu: đã là quy định của Bộ Chính trị thì mọi đảng viên cần được giới thiệu kịp thời. Cán bộ cấp cao lại càng phải sớm giới thiệu để tăng kịp thời chất lượng cho các tổ đảng nơi cư trú. Các cấp uỷ của đảng viên đương nhiệm không nên cho rằng vì bận nhiều việc, lãnh đạo hay thay đổi phân công nên giới thiệu muộn. Hoặc như đảng viên hay vắng sinh hoạt;  đảng viên lãnh đạo cư trú trong các khu tập thể cơ quan chưa quan tâm thực hiện quy định của khu dân cư.... nhưng cấp uỷ nơi cư trú vẫn e ngại trong việc tham gia ý kiến.
     Về nội dung sinh hoạt: đối với đảng viên đương nhiệm sẽ không thể tổ chức sinh hoạt với nhiều thời gian. Thế nên trong thời gian quy định cấp uỷ địa phương cần chuẩn bị kỹ càng, có bàn định tập thể lựa chọn những vấn đề rất cụ thể thiết thực để báo cáo gọn trong sinh hoạt đảng viên nơi cư trú. Tránh dài dòng, ôm đồm theo kiểu báo cáo học tập nghị quyết, báo cáo tất cả mọi vấn đề kinh tế xã hội địa phương mà thực ra rất nhiều đảng viên đã biết quá rõ. Nên chăng cấp uỷ cần lựa chọn báo cáo thêm những vấn đề chủ yếu nhất mà cán bộ nhân dân quan tâm; những vướng mắc trong tư tưởng, một vài dự án tiêu biểu đang có những vấn đề cần tranh thủ ý kiến đảng viên đương nhiệm...và bố trí thời gian phù hợp để tiếp nhận phản hồi.
      Đối với việc phối hợp quản lý đảng viên: hiện nay số đảng viên được giới thiệu sinh hoạt nơi cư trú rất đông và còn được bổ sung thường xuyên. Nên việc triệu tập đảng viên đương nhiệm tham dự sinh hoạt đầy đủ về số lượng là điều rất khó. Tổ trưởng 76 nên chủ động phối hợp để cấp uỷ địa phương để lựa chọn thời gian thích hợp khi triệu tập họp đảng viên sinh hoạt nơi cư trú. Nên ưu tiên thời gian để đảng viên có trọng trách cao có điều kiện tham gia sinh hoạt. Tổ đảng 76 nên phân công đảng viên thi thoảng tiếp xúc cán bộ nhân dân địa bàn mình cư trú để trực tiếp nghe thêm những điều nhân dân quan tâm đến cán bộ đảng viên đương nhiệm mà nhiều khi do tế nhị đã bị bỏ sót trong những sinh hoạt thường kỳ...
       Việc nhận xét đảng viên tham gia sinh hoạt nơi cư trú rất dễ hình thức, vì cấp uỷ nơi đương nhiệm không thể có đủ điều kiện đi về cơ sở để nắm tình hình đảng viên nơi cư trú. Nhiều đảng uỷ ký nhận xét đóng dấu trước và giao quyền cho bí thư chi bộ cơ sở ghi theo mẫu có sẵn. Tuy nhiên một số cấp uỷ đã có cách làm hay là phân công cấp uỷ viên phụ trách số lượng đảng viên nhất định. Trong quá trình theo dõi đảng viên về nơi cư trú đã biết bám vào những mặt mạnh yếu của gia đình. Hàng năm phân loại ra những nhóm đảng viên còn có vấn đề và đảng viên tham gia tốt ở cơ sở. Trước khi nhận xét để gửi về cấp uỷ đương nhiệm ở cơ quan đơn vị; tập thể cấp uỷ họp mở rộng xin ý kiến về những đảng viên còn có vấn đề làm căn cứ cho cấp uỷ nhận xét cụ thể. Điều này không chỉ tránh được thành kiến cá nhân mà còn thể hiện được sự công khai, dân chủ, khách quan hơn nên thực sự có tác động tích cực đến hoạt động của đảng viên và gia đình đảng viên nơi cư trú.
          Nói tóm lại Quy định của Bộ Chính trị nhằm để cán bộ đảng viên gắn bó hơn mối quan hệ cán bộ, đảng viên giữa các cấp, giữa Đảng với dân để nhằm tăng cường vài trò lãnh đạo của Đảng, phát huy trách nhiệm của từng đảng viên, từ đó khắc phục những biểu hiện “quan cách mạng”, quan liêu xa dân, thiếu thực tiễn khi đề ra mọi chủ trương chính sách và chỉ đạo thực tiễn. Bởi vậy thiết nghĩ Quy định này không nên hiểu chỉ là giới hạn bởi việc thường xuyên giữ mối liên hệ giữa đảng viên đương nhiệm với cấp cấp uỷ nơi cư trú và gương mẫu thực hiện thực hiện nghĩa vụ công dân; mà quan trọng hơn là việc buộc đảng viên đương nhiệm phải sống gần dân hơn, nghe được tiếng nói từ đáy lòng nhân dân để góp thêm nội lực làm cho mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đều mang trong mình hơi thở cuộc sống . Đây là điều quan trong và rất có ý nghĩa để góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay./.
                                                                                             8-2014


Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

Tướng quân Hà Mại tấm gương trung, hiếu, trí, dũng của hậu duệ họ Hà xứ Nghệ

Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, tấm gương của các bậc tiền nhân là vô cùng quan trọng. Đó là niềm tự hào, tài sản tinh thần vô giá để lại cho các bậc hậu thế làm nguồn vốn sức mạnh nhân lên ý chí quyết tâm phấn đấu nối gót cha anh góp sức xây dựng và bảo vệ đất nước. Đòng họ Hà xứ Nghệ mà thuỷ tổ Hà Mại là một điển hình như thế. Hà Mại tự là Hà Tông Hiếu, sinh ngày mồng 8 tháng 4 năm Giáp tuất (1334) trong một gia đình hào trưởng phía bắc kinh kỳ Thăng Long. Được cha mẹ có điều kiện cho ăn học thấu đáo, Hà Mại đã sớm ý thức được thời cuộc nên ra sức rèn chí luyện tài để giúp ích cho đời. Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh triều đình có những biến cố đặc biệt, Hà Mại được chứng kiến những biến động lớn của đất nước mà nổi lên trong đó là phía bắc nhà Minh đang lăm le xâm chiếm nước ta. Chúng nhiều lần đem quân xuống gần Thăng Long để thăm dò nội triều Đại Viêt. Trong những năm Đại Việt bị hạn hán, lũ lụt lớn, dân tình đói kém, chúng vẫn thường xuyên yêu cầu cống nộp nhiều nhà sư, cây ăn quả để trồng (như mít, hồng, vải, nhãn), lương thảo, nhân lực, thớt voi để dẹp loạn... Đây là sự báo trước một nguy cơ bị tấn công quân sự lâu dài. Phía Nam của đất nước, giặc Chiêm Thành thường xuyên quấy phá, xâm lấn, càn quét cướp bóc của cải dân lành, nhiều lần vào tới kinh đô. Đặc biệt là tình hình trong nước cuối những năm 80 của thế kỷ XIV; trải qua chặng đường đầy vinh quang sau khi đánh bại quân Nguyên Mông, xây dựng và phát triển nền văn minh Đại Việt rực rỡ. Với hào khí Đông A đã kéo dài hơn 100 năm; triều Trần bước vào giai đoạn mạt kỳ đang trên đường suy yếu, mục nát. Các quyền bính trong triều dần dần chuyển vào tay thế lực ngoại triều. Đáng chú ý là vây cánh của Lê Quý Ly (sau lấy lại họ gốc là Hồ Quý Ly) - một người đã biết bám vào vị thế có hai người cô ruột là thân mẫu của 2 vị vua Trần Minh Tông và Trần Nghệ Tông; có cháu gái lấy vua Trần Duệ Tông được phong là Gia Từ hoàng hậu; lại có vợ là công chúa Huy Ninh em vua Trần Nghệ Tông nên được nhà Trần tin dùng giao cho nhiều trọng trách quyền bính. Thế lực Lê Quý Ly ngày một lớn mạnh đang từng bước tiếm quyền nhà Trần vì những quan hệ thân thích đó. Kẻ thù ngoại bang phía Bắc, phía Nam cùng với triều đình như vậy khiến cho tình hình trong nước thêm khó khăn, mất ổn định. Yêu cầu huy động sức người sức của trong dân ngày một cao. Đời sống người dân bị tác động lớn còn do nạn trộm cướp, tội phạm nổi lên khắp nơi buộc triều đình phải thường xuyên điều quân dẹp loạn. Nội triều như vậy đã tác động mạnh mẽ vào hàng ngũ quan chức cận thần vốn một thời trung quân ái quốc đi theo phục vụ triều đình, buộc nhiều tướng lĩnh cận thần có tên tuổi tài năng ly tán, từ bỏ áo quan lui về tìm nơi ẩn dật. Trong số đó có Tư nghiệp Quốc tử Giám Chu Văn An dâng sớ đề nghị “Thất trảm” lên Vua không được trả lời đã treo mũ, áo quan bỏ về; Chương túc quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán nghỉ quan về Côn Sơn Hải Dương, Hà Mại về xứ Tĩnh Thạch phía Nam Thị xã Hồng Lĩnh ngày nay .... Một sự kiện đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong triều Trần là sau khi nhà vua Trần Duệ Tông đại bại vì bất chấp mọi can ngăn của bề tôi, mang quân trực tiếp đi đánh Chiêm Thành. Sử sách còn chép lại rất rõ: khi quân Chiêm thành trá hàng Đại tướng Đỗ Lễ đã can nhà vua rằng: "Nó đã chịu hàng, là muốn bảo toàn đất nước làm đầu. Quan quân vào sâu đánh phá thành giặc là việc bất đắc dĩ. Xin hãy sai một biện sĩ cầm mảnh thư đến hỏi tội, để xem tình hình hư thực của giặc, như kế sách của Hàn Tín phá nước Yên ngày trước, không phải khó nhọc mà thành công. Cổ nhân có nói: "Lòng giặc khó lường". Thần xin bệ hạ hãy xét kỷ lại" (1). Hoặc như: "Chiêm Thành chống lệnh, tội cũng chưa đáng phải giết. Song nó ở tận cõi tây xa xôi, núi sông hiểm trở. Nay bệ hạ vừa mới lên ngôi, đức chính, giáo hóa chưa thấm nhuần được tới phương xa, nên sửa sang văn đức khiến nó tự đến thuần phục. Nếu nó không theo, sẽ sai tướng đi đánh cũng chưa muộn". (2) Mặc dù vậy vua Trần Duệ Tông vẫn quyết không nghe: "Ta mình mặc giáp cứng, tay mang gươm sắc, dãi gió dầm mưa, lội sông trèo núi, vào sâu trong đất giặc, không ai dám đương đầu với ta. Thế là cái cơ trời giúp cho ta đó. Huống chi nay chúa giặc nghe tin đã chạy trốn, không còn lòng dạ đánh nhau. Cổ nhân nói: "Dùng binh quý thần tốc". Nay nếu dừng lại không tiến, thì thực là trời cho mà không lấy, để nó lại cơ mưu khác thì hối sao kịp. Ngươi chính là hạng đàn bà". (3) Nhà vua ra lệnh tấn công, Vua quan Nhà Trần bị Vua Chiêm Chế Bồng Nga liệu kế phục kích, cả Vua và nhiều tướng lĩnh tài ba thân cận bị giết chết. Từ đó gần như cơ đồ, quyền bính Nhà Trần chuyển sang tay Phụ chính Thái sư Lê Quý Ly. Chứng kiến và xẻ chia hoàn cảnh đất nước đã từng bước tạo dựng cho Hà Mại những bước lựa chọn cuộc đời. Do có vốn hiểu biết ban đầu, lại có thêm tư chất thông minh từ gia đình hun đúc; anh hiểu rõ hơn vận nước có thể đi đến đâu. Đây là những tiền đề hết sức quan trọng giúp anh có những quyết định sáng suốt để rèn chí làm người. Nhìn tổng thể cho thấy Hà Mại đã có nhiều sự lựa chọn sáng suốt, làm nổi bật một điển hình về trung, hiếu, trí, dũng: Trước hết đó là việc chuẩn bị cho mình hành trang giữa thời loạn lạc. Sau khi được cha mẹ cho học hành khá chu đáo Anh đã sớm xây dựng niềm đam mê và bước vào tu luyện võ thuật. Năm 17 tuổi, anh dự thi đỗ hạng ưu khoa thi quan võ, được nhà vua bổ nhiệm huấn luyện và chỉ huy đội quân cấm vệ bảo vệ Triều đình. Với tài năng và ưu thế võ nghệ, chỉ 5 năm sau Anh được bổ nhiệm chỉ huy đơn vị bảo vệ Thái thượng hoàng Trần Minh Tông và Thượng hoàng Trần Dụ Tông đi kinh lý biên giới phía Nam nước Đại Việt. Để đảm bảo biên cương vững chắc; Hà Mại đã được giao trú lại Trấn Nghệ An (bao gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay) để xây dựng phòng tuyến biên giới phía Nam Đại Việt chống lại sự quấy phá của quân Chiêm Thành. Cuộc đời cầm quân cái quan trọng hàng đầu là phải trung thành với Vua, với nước, đây là yếu tố tiên quyết để tồn tại và thăng tiến. Được triều đình giao trọng trách, trong mọi hoàn cảnh Hà Mại vẫn quyết tâm, tận tuỵ tìm mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ. Ngay cả khi đất nước gặp khó khăn, nhà Vua và nhiều tướng sĩ tử trận; Hà Mại vẫn quyết chí vận động nhân dân, tổ chức lực lượng xây dựng phòng tuyến vệ quốc vững chắc. Mặc dù trong điều kiện phía Bắc nhiều lần quân địch đánh vào tận kinh đô, quan quân Nhà Trần phải rút chạy để kẻ địch phá phách kinh thành sau đó rút lui; thế nhưng trong hơn 13 năm từ 1376 đến 1389 tướng quân Hà Mại đã cùng quân sĩ đánh bại 6 đợt tấn công mãnh liệt của đội quân Chiêm Thành. Đội quân phòng thủ của Hà Mại đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc biên giới phía Nam của đất nước. Với công lao và sự cống hiến cho đất nước của Hà Mại triều đình nhà Trần đã phong tước cho ông: Phụ Quốc, Thượng tướng quân, Thượng vị hầu và bổ làm Trấn thủ Nghệ An Một điều nói lên lòng trung thành với nhà vua và tài năng dũng khí của Hà Mại, là sự đoán biết diễn biến trước của thời cuộc để quyết tâm xây dựng hậu cứ vững mạnh khi có điều kiện tham gia chống gặc lớn phương Bắc. Cuối những năm 80 của thế kỷ XIV, triều đình nhà Trần xảy ra nhiều biến cố phức tạp: Lê Quý Ly từng bước loại bỏ Nhà Trần, tìm cách buộc vua Trần uỷ thác việc triều chính, đến những hành động hèn hạ bố trí giết hại Vua Trần Phế Đế (tháng 12-1388); sau đó là Trần Thuận Tông 1399, chính sự của nhà Trần bắt đầu bị Quý Ly nắm quyền. Đoán trước được sự thanh trừng nội bộ bi thảm do Hồ Quý Ly lộng quyền, trung thành với vua Trần mà một đời mình phụng sự; thấy không thể tiếp nối hầu hạ một vị vua với lòng dạ như thế; tướng quân Hà Mại xin từ quan, về ở ẩn ở vùng núi Hồng lĩnh. Sau này, nơi đây đã trở thành căn cứ địa của cụ Hà Mại và con trai Hà Tông Chính (lúc nhỏ là Hà Dư) cùng nhà Hậu Trần chiến đấu anh dũng chống giặc Minh xâm lược (1407-1413). Lịch sử ghi lại rằng, cuối cùng, toàn bộ vua tôi nhà Hậu Trần đều tử tiết oanh liệt chứ quyết không đầu hàng quân Minh. Có lẽ người đời ngưỡng mộ tướng quân Hà Mại cũng không chỉ sự tài năng thao lược chỉ huy chiến đấu của ông, mà ở ông còn nổi lên một sự nhìn xa trông rộng. Trong khi lo hoàn thành tốt công việc Triều đình, ông còn dày công rèn luyện con trai để lo nối nghiệp làm tướng theo ông. Mối tơ duyên của ông với Lê Thị Quý Yên người con gái một xã trưởng vùng Trấn ải đã cho ông người con trai đầu là Hà Tông Chính (Hà Dư). Ông xem nơi đây là quê hương thứ hai nên cùng vợ sớm lo cho con học hành chu đáo. Ông đặc biệt quan tâm việc rèn đức luyện tài cho con của mình, nên Hà Tông Chính và cháu thứ hai là Hà Sản (con thứ Hà Tông Chính) sớm trưởng thành trở thành cánh tay đắc lực cùng ông xây dựng hậu cứ, tích cực chiến đấu chống quân xâm lược. Được gần gủi và rèn luyện bên cạnh người cha thân yêu, Hà Tông Chính đã sớm bộc lộ tài cầm quân và khí phách hiên ngang của một tướng quân chiến đấu chống quân Chiêm Thành giữ gìn biên cương phía Nam của đất nước Đại việt. Bởi vậy, năm 1396; lúc mới 30 tuổi Hà Tông Chính đã có nhiều thành tích trong chiến đấu và xây dựng lực lượng nên đã được triều Trần phong Hoàng Bảng Đại tướng quân. Trong cuộc chiến chống quân Minh, Hà Tông Chính còn tham gia trận đánh lớn và chiến thắng vang dội ở Bồ Cô tiêu diệt 10 vạn quân địch… Mùa hè năm Quý Tỵ 1413 quân Nhà Minh ồ ạt tấn công Đại Việt. Tướng quân Hà Tông Chính đã là một trong những vị tướng cuối cùng của triều Trần trên mặt trận Nghệ An, dũng cảm ngoan cường chiến đấu chống quân Minh đến giọt máu cuối cùng. Ông đã để lại hình ảnh đẹp trong lòng dân xứ Nghệ về một vị tướng dũng mạnh, trung kiên, không sợ hy sinh vì dân vì nước. Như vậy xét trên tài năng bẩm sinh, năng lực hoàn thành trọng trách của triều đình giao phó, lòng trung thành với nhà vua, sự nhạy cảm thời cuộc đến việc rèn cặp con cháu thì tướng quân Hà Mại không chỉ là thuỷ tổ, người khai sinh ra dòng họ Hà ở đây, mà còn là một tấm gương chuẩn mực cho các thế hệ mai sau. Đây cũng là nhân lõi quan trọng trong khối di sản quý báu mà hậu duệ họ Hà xứ Nghệ mãi mãi lấy làm niềm tự hào nhân lên ý chí sức mạnh nối gót tướng quân xây nên nhiều bậc nhân tài có vị trí lớn qua các triều đại về sau. Thực tế lịch sử đã để lại cho chúng ta những bậc công thần đầy tài năng, cống hiến lớn cho đất nước trên nhiều lĩnh vực được người đời ngưỡng mộ và tôn kính. Tuy nhiên, chiến tranh có quy luật khắc nghiệt của nó; sau khi giặc Minh đặt được ách thống trị lên đất nước ta, cháu chắt Hà Mại phải mai danh ẩn tích đi nhiều nơi tránh sự truy lùng của giặc. Theo quy luật của sự phát triển, con cháu của Hà Mại vẫn sinh sôi nẫy nở cho tới nay đã trên 25 đời; sinh sống hầu hết ở các huyện, thành, thị của tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước và một số nước trên thế giới. Đối với vùng đất xứ Nghệ nói chung, Hà Tĩnh nói riêng rất nhiều người con các thế hệ họ Hà trên từng vùng đất khác nhau, trên mỗi lĩnh vực khác nhau đã làm rạng danh quê hương từ đời này qua đời khác. Có thể kể tới một số danh nhân tiêu biểu mà người đời ngưỡng mộ danh thơm lừng lẩy các bậc tài năng họ Hà sau đây: Hà Công Trình (1434-1511) hậu duệ đời thứ tư của tướng quân Hà Mại thuộc dòng gốc họ Hà ở xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, đây là chiếc nôi họ Hà đầu tiên của Hà Tĩnh. Sau khi Tướng quân Hà Tông Chính tử trận, Hà Nho là con cả Hà Tông Chính, cháu đích tôn Hà Mại về lánh nạn tại vùng bưng biền phía tả ngạn sông Nghèn (xưa là xã Tỉnh Thạch, huyện Thiên Lộc) nay là xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh rồi định cư ở đó cho tới ngày nay. Noi gương các bậc tiên tổ Hà Công Trình hậu duệ đời thứ tư của tướng quân Hà Mại đã học hành thành đạt. Năm Bính Tuất 1466 dưới triều vua Lê Thánh Tông, Hà Công Trình đã thi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ được bổ làm Tri huyện, Tri phủ, Tham chính sứ sau đó được điều về triều nhận chức Thái thường tự khanh, tiêp đến là Nhập thị Kinh Diên với trọng trách giảng sách cho Vua và các Hoàng tử. Với tài năng của mình, Hà Công Trình đã được triều đình giao phó nhiều trong trách lớn như: Thượng thư Bộ Hình, Bộ Binh, Bộ Công và sau cùng là Tế tửu Quốc Tử Giám trông coi việc đào tạo nhân tài cho đất nước một thời hưng thịnh dưới triều Lê. Một nhân tài khác của dòng họ Hà Can Lộc là Tiến sĩ Hà Tông Mục (1653-1707); ông là cháu trùc hệ đời thứ 7 của Hoàng giáp Hà Công Trình. Khi mới sinh ra đã có thiên tư dĩnh ngộ, dáng vẻ khoáng đạt, thông tuệ hơn người. Mới 7, 8 tuổi đã thông thi lễ; 13 tuổi đã thạo văn từ, Hà Tông Mục sớm tỏ ra là người có chí lớn, say me học hành, nên 22 tuổi đã thi đỗ giải thi Hương và 36 tuổi đỗ tiến sĩ. Từ đây, ông trải qua đời làm quan  ở Viện Hàn lâm, làm Đốc đồng ở Tuyên Quang và Hưng hoá, làm Tuần phủ ở tỉnh An Biên. Năm Chính Hoà 14 ông nhậm chức Lại khoa, Nội tán, Thuỷ sư rồi tham gia biên soạn sách Đại Việt sử ký tục biên. Năm 1797 ông giữ chức Phủ doãn Phủ Phụng Thiên. Năm1699 ông được giao đi kinh lý Bảo Lạc dàn xếp chuyện Biên giới với quân Thanh. Tướng quân nhà Thanh Trì Phượng buộc phải hổ thẹn, tạ lỗi và xin rút quân về, biên giới bình yên trở lại. Ông được vua Khang Hy trọng nể và tặng bức Đại tự mang dòng chữ “ Nhược Xung Hiên” biểu thị việc tôn vinh ông là người tài đức trọn vẹn. Vì tài đức như thế, nên ông đã trở thành một hiện tượng hiếm có trong lịch sử là khi còn sống được nhân dân quý trọng yêu thương mà lập đền thờ gọi là Sinh từ. Trong tấm bia Sùng chỉ ở đền thờ có đoạn viết: “Công (tức Hà Tông Mục) đối với quê hương ơn sâu, đức dày, có nhiều công ngăn trừ tai hoạ, xóm làng đều bội phục, xin tôn thờ Công và phu nhân làm hương tổ phụ mẫu...”. Đáp lại thịnh tình này, Hà Tông Mục nói: « Việc trung cần đối với nước, việc hiếu thuận đối với nhà, ăn ở hoà mục với dân làng là chức phận đương nhiên của tôi vậy ». Vào đầu thế kỷ XX, dòng họ Hà xứ Kim Nặc, Tổng Thổ Ngoạ (nay là xã Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên Hà Tĩnh) xuất hiện một nhân vật có tên tuổi lớn đó là Hà Huy Tập (1906-1941). Ông là hậu duệ thứ 21 của tướng quân Hà Mại, sinh ra trong một gia đình nhà nho, thân phụ là Hà Huy Tường từng đỗ Cử nhân nhưng không ra làm quan mà chỉ dạy học kiêm bốc thuốc chữa bệnh ở địa phương. Chứng kiến cảnh đời của người dân nô lệ thực dân phong kiến, khiến Hà Huy Tập mơ ước được dấn thân vào con đường cứu dân cứu nước. Là một người thông minh nên sớm nhận thức được thời cuộc, sau khi tốt nghiệp trường Quốc học Huế, Hà Huy Tập đã theo nghề dạy học để vừa có chổ nương thân hoạt động, đồng thời có điều kiện để giáo dục giác ngộ học sinh theo hướng yêu nước, chống áp bước, bất công. Năm 19 tuổi ông đã tham gia tổ chức Hội Phục việt, một tổ chức yêu nước, sau này là Tân việt cách mạng Đảng và là một bộ phận tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam. Do hoạt động tích cực Hà Huy Tập được tổ chức cách mạng ở nước ngoài chọn đưa đi học tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản. Sau khi học xong Hà Huy Tập đã được bố trí tham gia Thư ký Ban Hải ngoại của Đảng. Đồng chí là người trực tiếp chuẩn bị và tổ chức Đại hội lần thứ nhất của Đảng (27/3 đến 31/3/1935) . Được tổ chức phân công Hà Huy Tập đã về nước khôi phục Ban Trung ương lâm thời và đã chính thức đảm nhiệm chức vụ Tổng Bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam vào tháng 3 năm 1936. Với trọng trách của mình, Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã có quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược quan trọng cho Đảng trong thời kỳ đấu tranh dân chủ (1936-1939). Đồng chí còn để lại nhiều tác phẩm có giá trị lý luận và thực tiễn cho Đảng như Sơ thảo Lịch sử của Đảng cộng sản Đông Dương ; Vì sao cần ủng hộ Mặt trận Bình dân bên Pháp; Thư ngõ về Đại hội Đông Dương....Khi sa vào tay giặc đồng chí đã giữ trọn khí tiết người cộng sản và trả lời dứt khoát với trạng sư bào chữa trước khi bị kẻ thù kết án tử hình: «Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống tôi sẽ tiếp tục hoạt động!» Do cuộc sống mưu sinh và nhiều lý do khác nhau dòng họ Hà Tùng Lộc còn thiên di đi nhiều nơi trong tỉnh như Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Hương Sơn, Đức Thọ, ngoại tỉnh như Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương, tp Vinh thuộc Nghệ An, xa hơn như Thanh hóa, Hà Nội, Quảng Ninh, một số tỉnh thành phía Nam nước Việt và một số vùng miền trên thế giới. Tiếp nối truyền thống cha ông con cháu hậu duệ họ Hà khắp mọi miền đều có người thành đạt rạng danh tên tuổi trên các lĩnh vực. Có thể kể đến như Bảng nhãn Hà Tông Huân (1697 – 1765), đỗ đầu khoa thi Tiến sĩ năm 1724 là người nổi tiếng vào thời bấy giờ ở tài năng và đức độ. Ông đã từng gữ chức Thượng thư bộ Binh, Tham tụng (Tể tướng), được phong hàm Đại tướng đi đánh giặc dẹp loạn thắng lợi. Hà Tông Huân là tác giả nhiều bộ sách giáo khoa thời bấy giờ. Cháu của ông là Hà Tông Quyền (1798 – 1839), Tiến sĩ khoa thi năm 1822 thời Nguyễn. Thời Cần vương có Hà Văn Mỹ (Hà Văn Côn) là tướng quân thuộc quyền Phan Đình Phùng, chỉ huy đội quân Xuân thứ (bao gồm toàn bộ lực lượng nghĩa quân và nhân dân vùng Nghi Xuân Hà Tĩnh). Về học hành khoa cử còn có nhiều người đỗ đạt như Hà Tông Tuấn, Hà Tông Giao, Hà Nguyễn Tiến, Hà Bảo, Hà Văn Gia (Hà Văn Gia là tác giả một số bản Gia phả họ Hà đang được lưu giữ tại viện Hán – Nôm), Tiêu biểu thời trước trước cách mạng tháng 8 năm 1945 có Hương cống Hà Huy Sào, Hà Huy Quang, Hà Huy Kiểu, Hà Huy Phẩm, Hà Huy Nhiếp, Hà Học Văn. Hà Học Hải, Hà Từ. Khi có Đảng Cộng sản sau Cố TBT Hà Huy Tập còn có Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hà Quang Tập (1941), Hà Uyên (1949), các UVTW Đảng Hà Huy Giáp, Hà Xuân Trường, Hà Học Trạc; Nhiều người nổi tiếng đã có những đóng góp đáng kể vào sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ tổ quốc tiêu biểu như Hà Học Hợi, Hà Văn Tấn, Hà Huy Khoái, Hà Huy Khôi, Hà Huy Vui, Hà Học Ngô, Hà Huy Kế, Hà Huy Cương, Hà Huy Tâm, Hà Huy Tiến, Hà Huy Thông, Hà Huy Tuấn, Hà Huy Tài, Hà Văn Hạp, Hà Văn Mạo, Hà Văn Ngạc, Hà Văn Quyết, Hà Văn Hùng, Hà Thị Mỹ Hương, Hà Anh Đào, Hà Mai Hiên, Hà Minh Hùng … Con cháu hậu duệ các đời tiếp theo, dù ở đâu cũng đều cố gắng học hành, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, nhiều người có công với nước làm rạng danh họ Hà noi theo tấm gương trung, hiếu, trí, dũng của Tướng quân Hà Mại kính yêu./. -------------------------------------------- (1) Xem Đại Việt Sử ký toàn thư-Bản kỷ-quyển VII trang 269 (2) Xem Đại Việt Sử ký toàn thư-Bản kỷ-quyển VII trang 270 (3) Xem Khâm Định Việt sử thông giám cương mục- Chính biên – Quyển X- trang 298

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

Nghĩ về nghề báo hôm nay

Nghề báo - nghề đang được trọng dụng, nhưng mấy ai đã biết sẽ chia những những niềm vui xen với những gian truân, thử thách. Cứ mỗi cuộc hội ngộ bất cứ đâu khi có thêm nhà báo xuất hiện, hẳn không khí sắc nét nhiều thêm. “Xin chào nhà báo” đó là câu chào cửa miệng dành riêng cho những người làm báo. Câu chào nhẹ về xã giao mà gần như cũng thể hiện chút trân trọng. Bởi cuộc sống hôm nay nhờ sự bùng nổ thông tin đã không ít những hiểu biết nhanh chóng đa chiều của mọi người có được nhờ những nhà báo. Đã có không ít những trường hợp nhờ được báo chí phát hiện mà cuộc đời từ chốn thâm sơn cùng cốc bổng chốc nổi như cồn, nhiều người biết đến. Lại có nhiều người nhờ báo chí đã giúp cho cơ quan tổ chức tìm đến và đưa lên cao. Đó là chưa nói trong cơ chế thị trường nhiều nhà kinh doanh đã nhờ báo chí mà làm ăn ngày càng phát đạt. Tuy nhiên cũng phải nói thêm rằng rất nhiều trường hợp chính do báo chí tiếp cận chính xác, đã phanh phui trước dư luận những điều khuất tất. Có những cá nhân, tổ chức do báo chí phát hiện đã dính vào vòng lao lý. Khi các cơ quan chức năng vào cuộc họ đã phải đối diện với pháp luật và rồi từ những thần tượng của xã hội trở thành những tội phạm buộc xã hội phải cách ly.v.v...Những người làm được báo như vậy không thể không được xã hội trân trọng. Vì thế nghề báo đang là một trong nhưng nghề ngày càng có vị trí lớn trong xã hội. Thế nhưng cũng phải nghĩ tới rằng nghề báo ngày nay đang đứng trước nhiều gian truân thử thách. Làm báo cần sự dũng cảm. Gần như ở bất cớ nơi đâu, bất cứ lĩnh vực và trận địa nào nhà báo cũng có mặt. Chúng ta có được những thông tin kịp thời về chiến sự xung đột; những nơi bom rơi, đạn lạc; những cuộc đối đầu tranh chấp quyết liệt khắp nơi trên toàn thế giới ...là nhờ những nhà báo. Nhà báo phải có mặt tại những hang ổ của tội phạm mới viết lên được những dòng hữu ích. Đó là điều bạn đọc dễ dàng nhận thấy. Nhà báo ngày nay còn phải chịu nhiều áp lực về tốc độ, cường độ, sự định hướng theo tôn chỉ mục đích. Mọi vấn đề trước sau bạn đọc sẽ được thông tin; nhưng thông tin đến sớm nhất mới là điều quan trọng. Vì thế nhà báo khi có vấn đề phải làm việc quên mệt mỏi để thông tin kịp thời nhất. Thông tin càng nhiều cường độ càng lớn nhưng phải đảm bảo tôn chỉ mục đích của báo quy định. Xa rời điều này đã không ít tờ báo thông tin kiểu xào nấu vật liệu của người khác làm cho bạn đọc nhàm chán và cho đó là ‘thông tin từ phòng lạnh”. Trước yêu cầu công việc đội ngũ người làm báo nhất là “lực lượng nữ giới- người đạo diễn niềm vui và hạnh phúc gia đình” đã không khỏi hy sinh một phần đáng lẽ giành thêm cho chồng con, cuộc sống và quyền lợi cá nhân. Cái khó của nghề báo ngày nay là sự cám dỗ của lợi ích. Không ít người hiểu được thế mạnh của báo chí đã tìm cách chèo kéo thông tin. Tìm đến với báo chí không phải trên sự thân thiện và trân trọng bình thường mà vì động cơ tránh sự phiền toái. Có người dùng chiêu mua chuộc báo chí, cổ suý cho báo chí phanh phui hạ bệ kẻ khác để dọn đường độc quyền làm ăn; hoặc cùng làm ăn với nhau. Chính vì lợi ích mà có khi họ đã nhờ báo chí bịt dấu thông tin....Vì vậy đã có những người lấy danh nghĩa báo chí mà vi phạm pháp luật. Một trở ngại lớn cho báo chí ngày nay là cung cấp thông tin sai lệch. Vì những lý do khác nhau người làm báo rất dễ tiếp nhận thông tin không chính xác. Đây là một trở ngại rất lớn cho báo chí. Thông tin sai lệch do sự ước tính, đó cũng là lẽ bình thường. Ví như quả bộc phá 950 kg với một tấn thì bản chất không thay đổi. Thế nhưng tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam lại nói tàu Việt Nam đâm tàu trung Quốc thì thật nguy hại. Khi những cá nhân, đơn vị vì thành tích đã cung cấp cho báo chí thông tin sai lệch thì người đọc quay lưng lại với phóng viên và báo chí. Đây là thử thách và trở ngại lớn mà báo chí phải bỏ thêm thời gian xác minh thẩm định nếu muốn người đọc quý mến báo chí.... Đi trên xe, ngồi trên máy bay hay từ quan cà phê, giải khát....đâu đâu chúng ta cũng thấy những người mải mê với báo chí, thông tin, giải trí... Báo chí ngày nay đang là món ăn không thể thiếu trong cuộc sống chúng ta. Âý vậy nhưng ít khi chúng ta biết về cuộc sống và công việc của họ. Nhân ngày báo chí Việt Nam xin gửi ít dòng nghĩ về nghề báo để chia xẻ cùng bạn đọc; mong cho đội ngũ báo chí cách mạng không ngừng lớn mạnh xứng đáng với niềm tin yêu của cán bộ và nhân dân cùng toàn thể bạn đọc./. Trần Quang Trung

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

Đồng chí Trần Phú, người thầy giáo tài năng, tiêu biểu của Đảng

Đồng chí Trần Phú thuộc thế hệ lãnh tụ tiền bối của Đảng. Trong những ngày đầu vừa mới thành lập; dưới chế độ thống trị của bọn Thực dân phong kiến, Đảng cộng sản Việt Nam đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách sống còn. Trên cương vị là người đứng đầu của Đảng, trọng trách vô cùng nặng nề đối với đồng chí Trần Phú là làm sao để có thể duy trì ảnh hưởng và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Chính sự thành công trong việc đưa đất nước vượt qua bao gềnh thác giành thắng lợi từng bước cho đến thắng lợi hoàn toàn; xoá bỏ chế độ thực dân phong kiến xây dựng chế độ mới từng bước đi lên CNXH đã thể hiện rõ nét sự lãnh đạo tài năng uy tín lớn của Đảng ta nói chung, Tổng bí thư của Đảng nói riêng. Nghiên cứu về Tổng bí thư Trần Phú là một vấn đề rộng lớn trên nhiều phương diện. Tôi chỉ xin trình bày một góc nhỏ trong cuộc đời Trần Phú gần gủi với công việc hàng ngày của chúng ta, đó là việc tìm hiểu một số nét tiêu biểu về tấm gương người thầy giáo của Đảng. 1. Trần Phú là một người thầy luôn biết quan tâm tự học tự tích luỹ. Chúng ta đều biết làm một thầy giáo thì yêu cầu đầu tiên là tích luỹ kiến thức. Các cụ xưa đã dạy “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” nghĩa là dạy một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Ngày xưa chúng ta đã tôn trọng thầy là vậy; bởi vì người thầy muốn dạy được cần phải có chữ. Muốn dạy được tốt thầy càng cần có nhiều chữ, hiểu đầy đủ có nghĩa là muốn làm một thầy giáo tốt, người thầy cần hiểu nhiều biết rộng. Vì thế việc dạy học càng phải gắn liền với tự học, tự tích luỹ vốn kiến thức cho mình. Trần Phú trên phương diện là người thầy đã làm như vậy một cách tiêu biểu. Khi đã xác định được việc học của mình không phải là để làm quan; dù là làm quan lấy chổ nương thân như thân sinh của mình; thì Trần Phú đã sớm chuẩn bị hành trang cho mình làm thầy giáo từ rất sớm. Đó là việc đồng chí cần mẫn tìm tòi tài liệu sách vở để tăng thêm vốn kiến thức và sự hiểu biết. Tìm hiểu về cuộc đời Trần Phú chúng ta được biết mặc dù dưới chế độ thực dân phong kiến hà khắc; đặc biệt chúng kiểm tra chặt chẽ với những học sinh có xu hướng yêu nước. Thế nhưng ngoài thời gian học tập trên ghế nhà trường, Trần Phú đã tự tìm hiểu thêm các loại sách báo khác; đặc biệt là sách báo tiến bộ được truyền bá từ nước ngoài vào Việt nam. Thời gian học tập ở Huế Trần Phú đã tiếp cận sách báo của Mác-Lê nin, sách Người cùng khổ và những bài viết của Nguyễn Ái Quốc được công nhân đem từ nước ngoài về nước. Kết thúc khoá học Trần Phú đã đỗ đầu kỳ thi Thành chung do Trường Quốc học Huế tổ chức. Với kết quả đó con đường làm quan đã rộng mở phía trước. Thế nhưng bằng vốn hiểu biết và những gì tai nghe, mắt thấy ở chốn phồn hoa cung cấm ấy của Triều đình và cảnh cơ cực của người dân lao động đã làm nhen nhóm lên tinh thần yêu nước thương dân trong con người Trần Phú. Anh đã chọn lựa nghề thầy giáo để bước những bước đầu tiên trên con đường đấu tranh cách mạng. Trần Phú được bổ làm giáo học và trở thành thầy giáo dạy học thực thụ tại Trường Cao Xuân Dục, Vinh, Nghệ An. Tại đây Trần Phú vừa dạy học vừa tiếp xúc các bậc đàn anh, bạn bè có xu hướng tiến bộ để tích luỹ kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh; vừa dạy học vừa tham gia hoạt động thực tiễn; để dạy học có hiệu quả hơn. Đến khi được tổ chức chọn đi học trường Đại học Phương Đông của Quốc tễ cộng sản, dù rằng Trần Phú vào học chậm một năm so với bạn học của mình; song Trần Phú vẫn cố gắng tự học để không những theo kịp bạn bè mà còn phấn đấu đạt được học sinh xuất sắc. 2. Trần Phú là một người thầy luôn biết trau dồi và gắn kết kiến thức cả lý thuyết và thực hành. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy chúng ta: “Lý luận mà không có thực hành là lý luận suông, nhưng thực hành mà không có lý luận là thực hành mù quáng”. Chân lý đơn giản ấy giúp cho chúng ta trong quá trình dạy học cảm thụ rõ rệt độ sâu nông khi nghe thuyết trình bài giảng. Một bài giảng nghe hay hữu ích khi thấy giảng viên trình bày dễ hiểu vấn đề lý luận và càng thấm thía hơn khi thấy người trình bày gắn được những thực tiễn cuộc sống đang đặt ra. Một bài giảng thiếu thực tiễn, không gắn được với thực tiễn chắc chắn sẽ làm người nghe sớm mệt mỏi và thiếu sức hấp dẫn thuyết phục. Thấy rõ điều này Trần Phú luôn tìm cách kết hợp giảng dạy cho học sinh cả kiến thức sách vở lẫn kiến thức thực tiễn ngoài đời. Trần Phú là thầy giáo không chỉ chăm lo dạy chữ mà còn biết tìm mọi cách để dạy người; dạy học sinh yêu quê hương đất nước, chống giặc ngoại xâm giành độc lập dân tộc. Để truyền thụ tinh thần yêu nước cho học sinh, trong những ngày dạy học ở Trường Cao Xuân Dục, ngoài việc dạy học trò học chữ, học làm người, Trần Phú còn đưa học trò của mình đi thăm di tích Đại bản doanh của Phan Đình Phùng trên núi Vụ Quang, thăm núi Lam Thành nơi Nguyễn Biểu “ăn cổ đầu người” để tỏ rõ khí phách, không chịu khuất phục tướng nhà Minh là Trương Phụ, thăm núi Dũng Quyết nơi Hoàng đế Quang Trung đặt Phượng Hoàng Trung đô chuẩn bị chống quân xâm lược Mãn Thanh...những lần đi thăm này đã thấm sâu vào tâm thức cả thầy lẫn trò tinh thần yêu nước, anh dũng chống ngoại xâm của các bậc tiền bối, trên mảnh đất quê hương. Điều này được các đồng chí của mình khẳng định trên tờ báo Vô sản ngay khi đồng chí vừa từ trần: “Đồng chí là một người chiến sĩ rất lão luyện về lý thuyết và thực hành cách mạng” (1). 3. Trần Phú là một thầy giáo mẫu mực tận tuỵ với sự nghiệp dạy học. Không chỉ biết chăm lo dạy trò cả lý thuyết và thực hành; bản thân thầy giáo Trần Phú còn là tấm gương mẫu mực đối với học sinh. Trong những năm làm giáo viên ở Vinh, Trần Phú nổi tiếng là một giáo viên dạy giỏi, yêu trò, đoàn kết các đồng nghiệp, khơi đậy trong thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, yêu quê hương và lòng căm thù giặc sâu sắc. Mục tiêu lớn nhất của cuộc đời Trần Phú là hoạt động cách mạng nhằm mang lại quyền lợi độc lập cho đất nước, tự do hạnh phúc cho nhân dân. Bởi vậy dạy học chỉ là phương tiện tạm thời để phục vụ mục tiêu cao cả. Trong quảng đời dạy học Trần Phú không hề có mưu cầu riêng mà chỉ dạy được càng nhiều người, càng nhiều học sinh hiểu biết lẽ sống làm người càng tốt. Trần Phú là một thầy giáo hiền từ, tận tâm, hết mực thương yêu học sinh của mình. Không chỉ lo dạy chữ trên lớp, trong mọi hoàn cảnh Trần phú tìm cách để truyền thụ tinh thần yêu nước, thương dân, biết xả thân vì độc lập dân tộc chọ học sinh. Đêm đêm Trần Phú phải lặn lội trong các xóm thợ, công nhân, nông dân, những người lao động nghèo khổ để tổ chức lớp học dạy chữ quốc ngữ cho họ. Đồng chí sống gần gũi với học sinh và nhân dân lao động, sớm thấu hiểu nỗi cơ cực của công nhân và nông dân. Chính điều này đã làm cho cuộc đời Anh với người lao động nghèo khổ gắn bó với nhau, thấu hiểu nhau hơn. Người học càng trở nên yêu quý và nghe theo những lời giáo huấn của thầy. Biết ơn công lao dạy dỗ của thấy nhiều học sinh đã quyết tâm đi theo chí hướng của thầy. Một số học sinh đã trưởng thành, trở thành những cán bộ xuất sắc của Đảng như Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Châu, Nguyễn Ngọc Ba (người đã cùng Trần Phú xuất dương sang Trung quốc năm 1926). 4. Trần Phú còn là một thầy giáo luôn gắn cuộc đời hoạt động của mình với các tổ chức yêu nước, cách mạng. Từ ảnh hưởng quê hương, gia đình, thời cuộc và chính ngay hoàn cảnh bất hạnh của bản thân từ nhỏ đã sớm thúc đẩy Trần phú trong sự chọn lựa và dấn thân vào con đường tranh đấu. Ngay trong khi còn là học sinh trường Quốc học Huế, Trần Phú đã từng dám phản đối giáo sư người Pháp Dobois khi vị thầy này xúc phạm lòng tự trọng của con người Việt Nam rằng: “A Nam là giống người hạ đẳng”, để ông ta phải thốt lên rằng: “Trò là người đầu tiên làm ta kính nể và e ngại”. Thời gian này Trần Phú còn tham gia xây dựng Tu tiến Hội để giúp nhau học tập và mở mang thêm trí tuệ. Khi đã là thầy giáo Trần Phú tích cực hơn trong các hoạt động yêu nước như tham gia Hội phục Việt-Hội Hưng Nam rồi Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Trần Phú là người làm đơn lấy chữ ký đòi Thực dân Pháp ân xá cho Phan Bội Châu; tổ chức lễ truy điệu Phan Chu Trinh...Trần Phú còn tìm lý do để thôi dạy học ở Vinh sang Lào hoạt động cách mạng theo sự phân công của tổ chức. Từ đây cuộc đời thầy giáo Trần Phú đã có bước chuyển quan trọng trên con đường cách mạng mới. Trần Phú được tổ chức tin cậy chọn lựa đi đào tạo chuẩn bị hành trang cho cuộc chiến đấu mới trên cương vị cán bộ cốt cán của Đảng. Chặng đường mới càng thúc đẩy thêm niềm tin và nghị lực của Trần Phú gắn hặt hơn với tổ chức cách mạng của Đảng cộng sản. Một mặt chính quá trình hoạt động trong các tổ chức đã giúp Trần Phú có thêm rất nhiều hiểu biết thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng tổ chức cách mạng nói chung, xây dựng Đảng nói riêng. Mặt khác có lẽ vì quá trình nổ lực và rèn luyện liên tục trong các hoạt động và tổ chức cách mạng của mình đã cho Trần Phú một ý chí sắt đá khi sa vào tay địch. Trước mọi thủ đoạn kẻ thù từ việc dùng cực hình tra tấn đến dụ dỗ; Trần Phú đã có một câu trả lời sắt đá: “Đừng hỏi làm gì nữa vô ích, ta không thể đem công việc của Đảng ra để nói cho các người nghe”. 5. Một điểm rất quan trọng khác là từ qúa trình làm thầy dạy học, Trần Phú đã chuẩn bị đầy đủ cho mình để trở thành lãnh tụ xuất sắc của Đảng. Một thầy giáo yêu nước nhiệt thành, được tôi luyện trong đấu tranh, hiểu rõ nhu cầu cuộc sống cấp bách của người dân một nước thuộc địa nửa phong kiến, lại được tổ chức tạo điều kiện để tiếp cận đầy đủ học thuyết cách mạng; thêm vào đó là bản thân vốn có tố chất thông minh, cần cù chịu khó và từng trải... đã nâng Trần Phú lên một tầm hiếu biết mới về hoạch định chiến lược cách mạng. Chỉ sau 6 tháng sau khi trở về đất nước, được tổ chức phân công giao nhiệm vụ soạn thảo cương lĩnh của Đảng, Trần Phú đã không quản ngại khó khăn, thử thách. Trần Phú đã không quên tiếp tục nghiên cứu miệt mài các nguyên lý cách mạng theo học thuyết Mác –Lê Nin, những bài học được nghe Nguyễn Ái Quốc trực tiếp truyền thụ đồng thời sắp xếp thời gian để đi nghiên cứu thực tế một số địa phương miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hòn Gai... Trần Phú đã sớm hoàn thành bản thảo Luận cương chính trị của Đảng. Bản Luận cương đã nhanh chóng được Hội nghị Trung ương Đảng thống nhất thông qua và đồng chí đã được Hội nghị Ban chấp hành Trung ương bầu giữ chức Tổng bí thư đầu tiên của Đảng vào tháng 10 năm 1930. Một điều đáng tự hào về thầy giáo Trần Phú là mặc dù 84 năm đã trôi qua nhưng những luận điểm cách mạng cơ bản trong bản Luận cương vẫn mài toả sáng soi rọi cho Đảng ta từng bước trưởng thành và không ngừng lớn mạnh. Như vậy trên phương diện của một thầy giáo đồng chí Trần Phú đã thể hiện rõ việc chuẩn bị cho mình những hành trang quan trọng cần thiết như vốn kiến thức vững chắc; quan tâm việc dạy cho học sinh đồng đều cả về phương diện lý thuyết và thực hành, một người thầy yêu nghề tận tuỵ hôm sớm để truyền thụ kiến thức và lòng yêu quê hương đất nước cho học sinh; tự mình luôn phấn đấu trong tổ chức cách mạng của Đảng để khi trở thành một lãnh tụ của Đảng có đầy đủ những hiểu biết cần thiết làm trụ cột cho Đảng và đồng chí của mình vượt qua gian nan thử thách. Đồng chí Trần phú không chỉ là tấm gương sáng chói về một lãnh tụ tài ba mà còn là một người thấy giáo tiêu biểu của Đảng. Rõ ràng đồng chí “Là một người rất thông minh, hăng hái và cần cù, đồng chí Trần Phú đã làm được nhiều việc quan trọng cho Đảng”(2) như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về Anh. Ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, sự nghiệp cách mạng và đất nước đang bước vào một vận hội mới với xu thế hội nhập và toàn cầu hoá. Đội ngũ cán bộ của Đảng đang đứng trước những thời cơ và thách thức. Yêu cầu mới của công tác đào tạo cán bộ của Đảng đang đòi hỏi rất nhiều ở những người thầy của Đảng. Nhìn vào tấm gương thầy giáo Trần Phú chắc hẳn trong đội ngũ chúng ta không thể không nghĩ tới trách nhiệm của mình trước yêu cầu mới. Cuộc hội thảo khoa học hôm nay sẽ vô cùng có ý nghĩa khi mỗi chúng ta soi vào hình ảnh người thầy giáo Trần Phú- tấm gương sáng chói về một người thầy tiêu biểu của Đảng./. ------------------------------ (1) Võ Bá Quang, Báo Vô sản số 13 , tháng 6,7 năm 1932 (2) T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr. 56-57 Trần Quang Trung 4-2014

Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Tìm về cội nguồn nhân cách người cộng sản Trần Phú

Đồng chí Trần Phú- Tổng bí thư đầu tiên của Đảng ta là một tấm gương sáng chói về khí tiết người cộng sản. Thời gian đảm nhận trọng trách chưa đầy một năm, hy sinh khi tuổi còn rất trẻ, nhưng những công lao và cống hiến của đồng chí đối với Đảng và cách mạng Việt nam là rất to lớn. Nghiên cứu tiểu sử và sự nghiệp của đồng chí chắc chắn phải là những đề tài khoa học công phu. Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí, bài viết này chỉ trình bày đôi điều suy ngẫm về cội nguồn của nhân cách người cộng sản Trần Phú. 1. Trần Phú sinh ra trong một gia đình trí thức phong kiến. Cả ông nội và thân phụ của đồng chí đều là những người theo Nho học và đỗ đạt. Cụ Trần Viết Tiến-ông nội của Trần Phú là người từng đỗ Tú tài kép. Cụ Trần Văn Phổ- thân phụ của Trần Phú là người thi đỗ Giải nguyên năm 1898, được bổ nhiệm làm Giáo thụ- chức quan trông coi việc học hành tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; sau đó cụ được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm làm Tri huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Cụ bà Hoàng Thị Cát- thân mẫu Trần Phú là con một nhà nho ở Châu Dương, Nghi Lộc, Nghệ An. Có thể nói, cả họ nội và họ ngoại của đồng chí Trần Phú đều là những gia đình có học, có nền nếp. Đây là những nhân tố đầu tiên tác động tới Trần Phú và các anh, chị, em trong gia đình; là môi trường giáo dục tốt giúp họ sớm ý thức được việc gắng sức học hành để sau này lập nghiệp, giúp ích cho người, cho đời. Anh em Trần Phú (ông Trần Đường, Trần Ngọc Danh...) đều là những người thông minh, có học đã minh chứng cho nhận định này. Trần Phú là người phải bươn trải từ khi còn thơ ấu. Năm 1908, quan Tri huyện Trần Văn Phổ đã quyên sinh vì bất lực trước cảnh dân tộc bị ngoại xâm giày xéo, vì không tìm ra biện pháp để giúp đỡ đồng bào mình đang bị đoạ đày đau khổ do sưu cao, thuế nặng. Cụ quyên sinh còn là để thể hiện sự bất hợp tác của mình với chính quyền thực dân phong kiến. Bà Hoàng Thị Cát- thân mầu Trần Phú sớm bị đuổi khỏi huyện đường sau khi quan Tri huyện Trần Văn Phổ qua đời. Mẹ con sống qua ngày nhờ quán nước hoặc gánh hàng rong. Bà qua đời trong nghèo khó khi Trần Phú mới 6 tuổi (1910). Tuổi thơ của Trần Phú sống nhờ sự cưu mang đùm bọc của anh chị em và những người thân. Hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, buộc họ sớm có ý thức chịu đựng gian khổ, cần cù, tự lực. Nhưng điều lớn hơn là trong tâm thức họ càng nhận rõ sự áp bức bất công của chế độ thực dân phong kiến; sớm ý thức được tinh thần đoàn kết cộng đồng trong cuộc đấu tranh đòi quyền sống, tự do, bình đẳng. 2. Thủa nhỏ, Trần Phú ít có điều kiện gắn bó với quê cha đất tổ - xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh; nhưng không phải vì thế mà quê hương không ảnh hưởng gì tới quá trình hình thành nhân cách của đồng chí. Một số vị lão thành cách mạng và bậc cao niên ở Hà Tĩnh và Nghệ An cho biết: thời gian Trần Phú làm thầy giáo ở Trường tiểu học Cao Xuân Dục, Vinh những năm 1922-1925 là thời gian Trần Phú rất gắn bó không chỉ với Đức Thọ quê hương mà cả Thành phố Vinh và vùng phụ cận, vùng “địa linh”, nơi sản sinh và hội tụ của nhiều nhân tài trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của người dân nước Việt. Quê hương Trần Phú- Tùng Ảnh, xưa thuộc thôn Yên Hạ là nơi có ngã ba sông (Tam soa), hội tụ của hai con sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố, nơi dừng chân của một trong 99 con chim phượng hoàng bay qua. Có lẽ cũng rất ít nơi có nhà thờ Khổng Tử(1) như làng Tùng Ảnh. Theo “Phong thổ chí” của Bùi Dương Lịch nửa đầu thế kỷ XVII thì đây là nơi tụ hội của khí đất khí trời, mạch nước, con người. Đây là nơi con người sinh ra được hưởng mạch nước trong, khí hậu tốt, “khí chung đức rất trong”, cho nên ở đây “con trai thông minh, con gái thì trinh tiết, đôn hậu, chuộng thi, thư, trọng lễ tiết, giao tiếp lịch sự, khiêm tốn, trên dưới vui vẻ, ai nấy đều đối xử với nhau bằng lễ nghĩa....đáng gọi là đất văn nhã của Hoan châu”(2). Nói rộng hơn, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh một vùng đất hẹp, dốc thoải từ Tây sang Đông, là cầu nối giữa hai miền Nam Bắc nước ta. Điều kiện địa lý đã đặt ra cho con người ở đây luôn phải đương đầu với thiên tai, địch hoạ. Muốn tồn tại con người phải ý thức được trách nhiệm cộng đồng, có chí vươn lên. Chính đặc điểm này qua quá trình tiến hoá của lịch sử đã vun đắp, hình thành nên những nét đẹp truyền thống của quê hương Trần Phú. Con người ở đây luôn thích hành động, làm việc cần mẫn, chịu khó, cần cù trong lao động sản xuất. Quá trình chống thiên tai và chống ngoại xâm còn hun đúc cho con người nơi đây truyền thống yêu quê hương đất nước, kiên cường dũng cảm, không chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược. Hà Tĩnh là quê hương của Mai Thúc Loan, Đặng Tất, Đặng Dung; là nơi có căn cứ Sơn phòng của Vua Hàm Nghi; có cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng- Cao Thắng; nơi Lê Ninh, Nguyễn Biểu, Nguyễn Thiếp...một lòng lo việc nước. Đặc biệt con người vùng đất này thường đặt việc đại sự quốc gia lên trên hết. Bùi Dương Lịch dù một thời hầu hạ Lê Chiêu Thống, nhưng khi ông này bỏ nước ra đi theo giặc, ông đã tìm cách lẫn trốn để về quê làm nghề dạy học. Nguyễn Thiếp tài ba cũng đi sống ẩn giật chờ thời giúp Quang Trung đánh giặc. Quê hương Trần Phú cũng là nơi nổi tiếng về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Nhiều người học hành thành đạt, danh tiếng lẫy lừng trên nhiều lĩnh vực. Nhà nghiên cứu người Pháp Raulan Bulato đã từng viết trong cuốn Tỉnh Hà Tĩnh (La Province de Ha Tinh) xuất bản năm 1925 như sau: “ nhân dân Hà Tĩnh cũng như Nghệ An có tiếng hiếu học. Nhiều nơi, đặc biệt là vùng Đức Thọ, Nghi Xuân đã sinh ra nhiều bậc học giả, trí thức có tiếng tăm, có danh vị lớn được cả nước biết tiếng”(3). Hà Tĩnh còn là quê hương của nhiều danh nhân, bác học như: Nguyễn Huy Tự, Phan Huy Ích, Phan Kính, Đại thi hào Nguyễn Du, Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác, Nhà quân sự , nhà thơ, nhà kinh tế Nguyễn Công Trứ... Từ trong cuộc sống và mưu cầu sự trường tồn, từ những nhu cầu bức thiết của cuộc chiến đấu chống thiên tai địch hoạ, con người nơi đây đã xích gần lại với nhau, gắn kết với nhau chặt chẽ. Bởi vậy con người Hà Tĩnh rất trọng đạo lý, lẽ phải, sống thuỷ chung tình nghĩa. Có thể nói truyền thống quê hương, chất người Hà Tĩnh và những tấm gương anh hùng bất khuất trong các cuộc đấu tranh chống xâm lược trên mảnh đất này đã có những tác động rất to lớn trong quá trình hình thành tinh thần yêu nước của Trần Phú. Trong những ngày dạy học ở Trường Cao Xuân Dục, ngoài việc dạy học trò học chữ, học làm người, Trần Phú còn đưa học trò của mình đi thăm di tích Đại bản doanh của Phan Đình Phùng trên núi Vụ Quang, thăm núi Lam Thành nơi Nguyễn Biểu “ăn cổ đầu người” để tỏ rõ khí phách, không chịu khuất phục tướng nhà Minh là Trương Phụ, thăm núi Dũng Quyết nơi Hoàng đế Quang Trung đặt Phượng Hoàng Trung đô chuẩn bị chống quân xâm lược Mãn Thanh...những lần đi thăm này đã thấm sâu vào tâm thức cả thầy lẫn trò tinh thần yêu nước, anh dũng chống ngoại xâm của các bậc tiền bối, trên mảnh đất quê hương. Một số học trò của Trần Phú sau này dã trưởng thành, tiêu biểu là đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai.... người phụ nữ anh hùng của cách mạng Việt Nam. 3. Xem xét quá trình hình thành quan điểm, tư tưởng, nhân cách của một nhà chính trị thì điều không thể không nói tới là những yếu tố của thời đại. Trần Phú sinh ra và lớn lên khi Chủ nghĩa Tư bản đã bước vào giai đoạn phát triển sang Chủ nghĩa Đế quốc. Những thủ đoạn bóc lột của đế quốc thực dân đã làm dấy lên phong trào đấu tranh mạnh mẽ của những người lao động bị áp bức. Những cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và phong trào cách mạng vô sản đã bùng nổ khắp nơi. Thắng lợi của Cuộc cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại là sự mở đầu một thời đại mới trong lịch sử nhân loại. Sự ra đời của Quốc tế Cộng sản tháng 3 năm 1919 sau đó là sự xuất hiện các Đảng cộng sản của một số nước trên thế giới trong đó có sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam càng thúc đẩy phong trào cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ. Khi Trần Phú đang còn là một thanh niên yêu nước, một thầy giáo thì Nguyễn Ái Quốc đã là một chiến sĩ cộng sản hoạt động từng trải và đang thực hiện một công việc cực kỳ trọng đại- truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lê Nin vào trong nước. Những sách báo cách mạng do Người và Quốc tế cộng sản gửi về đã thức tỉnh và lôi cuốn một bộ phận thanh niên yêu nước Việt nam theo lý tưởng thời đại. Trần Phú là một người trong số đó. Đồng chí tham gia sáng lập Hội Phục Việt- một tổ chức của thanh niên trí thức cấp tiến, sau này chịu ảnh hưởng tư tưởng quan điểm của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên- một tổ chức có xu hướng cộng sản do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và lãnh đạo. Trần Phú đã trở thành học trò của Nguyễn Ái Quốc tại lớp huấn luyện chính trị do Người tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) năm 1926. Tại lớp huấn luyện này, Trần Phú đã được truyền thụ những bài học sơ giản về Chủ nghĩa Mác – Lê Nin, về cách mạng vô sản và con đường cứu nước, giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Năm 1927, Trần Phú được Hội Việt nam Cách mạng Thanh niên và Nguyễn Ái Quốc giới thiệu sang học tại Trường Đại học Phương Đông ở Matxcơva. Đồng chí đã có điều kiện học tập, nghiên cứu lý luận Mác –Lê Nin một cách chính quy, bài bản; càng củng cố lòng tin vào con đường mà người thầy cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn và truyền thụ. Đây là nhân tố quyết định trực tiếp để Trần Phú từ một người yêu nước trở thành một chiến sĩ cộng sản. 4. Điều sau cùng chúng tôi muốn nói là yếu tố nội tại trong con người Trần Phú đã góp phần quan trọng trong việc hình thành nhân cách người chiến sĩ cộng sản kiên cường. Trước hết, ở Trần Phú thể hiện rõ nét một con người thông minh, say mê học tập, một thầy giáo tận tuỵ, sớm nuôi chí lớn giúp dân giúp nước. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho học, nhưng từ nhỏ Trần Phú đã gặp nhiều bất hạnh. Cha mất sớm, mẹ con tần tảo nuôi nhau, rồi tiếp đến mẹ qua đời, cuộc sống khổ cực dưới chế độ Thực dân, đế quốc càng tạo cho Anh ý chí tự lập. Được sự giúp đỡ của những người thân, những ngày được cắp sách đến trường Trần Phú đã miệt mài học tập. Mùa hè năm 1922 Trần Phú đỗ đầu kỳ thi Thành chung tại trường Quốc học Huế. Anh đã từ chối việc làm quan mong “vinh thân tề gia” để bước vào đời với nghề dạy học. Đây cũng là con đường mà những người thân trong gia đình Anh đã đi. Vì thế Anh đã biết kế thừa và vươn lên những tầm hiểu biết mới. Thầy giáo Võ Liêm Sơn, người rất quý mến Anh đã khuyên: “ Thầy mãi 25 tuổi mới đỗ Thành chung. Con đã đỗ sớm hơn thầy nhiều. Nhưng thầy hy vọng con sẽ có con đường đi khác với con đường mà lớp người như thân sinh con đã đi” (4). Từ trong hoạt động thực tiễn, Anh được tổ chức cử đi học nước ngoài. Đây là cơ hội tốt để Trần Phú thực hiện ước mơ cao cả của mình. Trước khi lên đường Trần Phú đã bày tỏ với người anh trai một điều hệ trọng: “Em đi tìm “vàng”, khi nào có kết quả em sẽ về thăm anh chị”(5). Trần Phú được tham dự lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu do Nguyễn Aí Quốc tổ chức, sau đó được cử đi học ở Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản. Đến đây dù vào học muộn, Anh vẫn tỏ rõ là một học viên xuất sắc, được tổ chức tin tưởng giao làm Bí thư nhóm học viên Việt Nam ở trường. Như vậy có thể thấy rằng ở đâu Trần Phú cũng thể hiện rõ tư chất một con người thông minh, hiếu học, nuôi chí lớn để lập thân lập nghiệp. Hai là: Trần Phú sớm tiếp thu tinh thần yêu nước, căm thù giặc, phát huy truyền thống bất khuất, đấu tranh chống ngoại xâm của quê hương. Là người con của quê hương có truyền thống yêu nước, lại thêm chứng kiến cảnh uất ức của gia đình, chứng kiến cuộc sống cơ cực hàng ngày của người dân, Trần Phú đã sớm nuôi dưỡng tinh thần yêu nước căm thù giặc. Theo gương truyền thống gia đình và những bậc tiền bối quê hương, Trần Phú càng nung nấu quyết tâm “trả thù nhà, đền nợ nước”. Những người thân trong gia đình cũng nhận thấy điều đó ở Anh từ rất sơm.: “Trần Phú tuy còn ít tuổi, nhưng đã có chí hướng trả thù nhà, đền nợ nước, thể hiện tư cách con của một gia đình có nền nếp, một con người có chí lớn, tiếp thu truyền thống của gia đình” (6). Thời gian làm thầy giáo Trần Phú không chỉ dạy chữ mà còn chăm lo dạy người. Anh lăn lộn trong đội ngũ những người lao động, tuyên truyền vận động trong các xóm thợ ở Trường Thi, Bến Thuỷ. Anh truyền cảm tâm huyết cho học sinh về đạo làm người, về lòng nhiệt thành cách mạng, tinh thần yêu nước, truyền thống chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc. Một số học sinh của Anh đã trở thành những cán bộ lãnh đạo, những bậc tiền bối của Đảng. Công việc dạy học đã giúp Anh có thêm điều kiện tiếp xúc và tham gia hoạt động xã hội. Những ngày còn đi học, rồi đến khi đi dạy học, Trần Phú luôn hăng hái tham gia các tổ chức chính trị: Thanh niên Tu tiến Hội, Hội Phục Việt...Vốn có thực tiễn từ phong trào đấu tranh, lại được thêm lý luận cách mạng soi sáng, Trần Phú đã nhanh chóng trở thành một chiến sĩ cách mạng xuất sắc. Mặc dù biết kẻ thù đã kết án tử hình vắng mặt, sau khi học xong Anh vẫn tình nguyện xin về nước để hoạt động cách mạng bất chấp hiểm nguy. Chính đức tính cần cù, chịu khó, không ngại gian khổ hiểm nguy, phát huy truyền thống quê hương đã giúp Anh sớm trưởng thành. Được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng là sự kiện quan trọng thể hiện bước trưởng thành lớn trong cuộc đời Trần Phú và phía trước biết bao khó khăn nguy hiểm đang chờ đợi. Song Trần Phú không đắn đo suy tính, bởi mục đích cao nhất của Anh là làm cách mạng. Kiên định con đường cách mạng, Anh sẵn sàng cống hiến sức mình cho Đảng. Ngay từ những ngày Đảng mới ra đời, Trần Phú đã cùng Trung ương lãnh đạo cao trào cách mạng rộng lớn trong cả nước. Kết quả phong trào ấy là vùng Nghệ Tĩnh đã thiết lập nên một kiểu Nhà nước Vô sản đầu tiên ở Đông Nam Á. Giữa lúc cách mạng đang phát triển, biết Anh là người giữ cương vị cao nhất của Đảng, kẻ thù đã lùng tìm ráo riết và bắt được Anh. Chúng đã dùng mọi thủ đoạn và cự hình tra tấn để mong sao khuất phục được Anh. Đối mặt với những tên thực dân khét tiếng, Trần Phú hiên ngang thừa nhận mình là Tổng bí thư của Đảng. Mặc đòn roi, cùng các thủ đoạn thâm độc và bệnh tật hiểm ngèo, những bí mật của Đảng vẫn được Anh kiên cường bảo vệ. Trước giờ phút lâm chung Anh chỉ mong sao các đồng chí của mình “Hãy giữ vừng chí khí chiến đấu”. Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú và 83 năm Anh về chốn vĩnh hằng; một lần nữa chúng ta càng thấy rõ sức sống lý tưởng của Trần Phú vẫn mãi mãi trường tồn cùng non sông đất nước. Ngày nay trong bộn bề của công cuộc đổi mới, nghĩ tới hình ảnh cao đẹp về đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, chúng ta càng thấy tự hào; bởi không chỉ sự nghiệp cách mạng Anh để lại đang ngày càng ra hoa kết trái mà còn thấy trong nhân cách của Anh đã kết tinh trọn vẹn những tinh hoa của truyền thống gia đình, quê hương, hài hoà trong bối cảnh chung của thời đại ./. ----------------- (1) Xem Làng cổ Hà Tĩnh. Hội LH Văn học NT và Sở Văn hoá TT Hà Tĩnh, 2000, trang 380 (2) Bùi Dương Lịch. Yên Hội thôn chí, Bản dịch của Bùi Thanh Hà, Sở Văn hoá TT Hà Tĩnh, 2000, trang 25 (3) Raulan Bulato, Tỉnh Hà Tĩnh, năm 1925, bản dịch của Ban Tuyên giáo Hà Tĩnh (4) Xem Địa chí Huyện Đức Thọ, nxb Lao động, Hà nội 2004, trang 638 (5) Tổng Bí thư Trần Phú với quê hương Đức Thọ. Huyện uỷ Đức Thọ. 2004. Trang 151 (6) Sđd trang 149

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

Trần phú - một cuộc đời giắn liền với đấu tranh cách mạng

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1-5-1904 tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Nhưng quê hương lâu đời của gia đình đồng chí lại thuộc về một xóm nhỏ trù phú ôm sát bờ đê La Giang về phía Đông Nam, nay thuộc xã Tùng ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Quê hương Anh một là vùng đất ngèo, khí hậu khắc nghiệt, địa thế xung yếu qua nhiều cuộc chiến tranh đã hun đúc nên những phẩm chất tốt đẹp cho nhiều thế hệ khoa cử đỗ đạt, khiên trung bất khuất trước mọi sự đè nén của các thế lực thống trị và giặc ngoại xâm. Trần Phú sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo. Thân sinh là cụ Trần Văn Phổ, từng dự thi Hương, đỗ giải nguyên được bổ làm tri huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi. Tuy làm quan nhưng cụ Trần Văn Phổ vẫn giữ được đức tính thanh liêm, khí khái. Cụ đã nhiều lần vì nghĩa lớn mà chống lệnh đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân. Phẫn uất trước lệnh bòn rút sức dân của viên quan thống trị người Pháp, đầu tháng 3 năm 1938 cụ đã tự vẫn để tỏ rõ ý chí bất hợp tác với giặc. Thân mẫu Trần Phú là cụ Hoàng Thị Cát, một phụ nữ nông thôn cần cù, chịu thương, chịu khó. Sau khi cụ ông qua đời đã tần tảo nuôi 8 người con trong hoàn cảnh thiếu thốn, cơ cực. Không thể chống đỡ được hoàn cảnh ấy, một thời gian sau cụ đã lâm bệnh và qua đời. Sớm xa cha lìa mẹ, lớn lên trong hoàn cảnh khốn cùng gian khó dưới chế độ thực dân phong kiến; Trần Phú người con thứ 7 của gia đình đã chứng kiến và gánh chịu một sự mất mát không gì bù đắp được. Nhờ sự cưu mang của gia đình anh chị, 15 tuổi đầu Trần phú mới được cắp sách đến trường. Sóng gió cuộc đời đã nhanh chóng cuốn đi tính cách tươi trẻ của Anh. Trong tim Anh luôn thổn thức một ý chí sục sôi cách mạng. Lúc còn là học sinh, Anh đã đem hết sức mình để tu chí học hành. Ở Trường Quốc học Huế, Anh cùng những học sinh lớn tuổi lập ra “Thanh niên tu tiến Hội”. Một mặt là để cùng giúp nhau học tập, nhưng mặt khác là để cùng nhau trao đổi những trào lưu tư tưởng tiến bộ, đang thu hút thanh niên thời đó. Năm 1922, sau khi đỗ đầu kỳ thi Thành chung ở Huế, Anh được bổ nhiệm làm giáo học ở Trường Cao Xuân Dục (Vinh, Nghệ An). Đây là thời kỳ anh bộc lộ khá rõ lý tưởng của một người thanh niên tiến bộ. Anh tỏ ra rất hiền từ, chăm sóc tận tình, chu đáo những học sinh của mình. Thông qua đó Anh tìm mọi cách để truyền thụ tâm huyết và chí hướng của mình cho những bạn trẻ. Lúc giảng bài, lúc hướng dẫn học sinh đi tham quan di tích lịch sử hay những ngày hè gặp gỡ bạn bè trên quê nhà... đâu đâu Anh cũng truyền bá tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm và quý trọng truyền thống lịch sử dân tộc cho các bạn trẻ. Nhờ đó nhiều học sinh của Anh đã sớm giác ngộ cách mạng, cùng anh bước vào con đường đấu tranh và đã trưởng thành. Năm 1925 Trần Phú tham gia Hội phục Việt tại Vinh. Anh là người được Hội phân công làm đơn, lấy chữ ký đòi Thực dân Pháp trả lại tự do cho cụ Phan Bội Châu và tổ chức Lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh, mở lớp học chữ Quốc ngữ ban đêm cho công nhân và nhân dân lao động trong thành phố. Chẳng bao lâu hoạt động của Hội bị lộ, Hội đổi tên thành Hội Hưng Nam, rồi lại đổi tên thành Việt Nam cách mạng Đảng. Lấy lý do không thống nhất được với viên quan đốc học Nghệ An về nội dung và chương trình dạy lớp nhất, Anh xin thôi dạy học để sang Lào làm nhiệm vụ vận động công nhân vùng Pác Hin Pun theo sự phân công của tổ chức. Được tin Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội do Nguyễn Ái Quốc tổ chức đã ra đời ở Quảng Châu (Trung Quốc), Ban Lãnh đạo Việt nam cách mạng Đảng đã cử Trần Phú cùng 9 người khác sang Quảng Châu để bàn việc hợp nhất. Tổng bộ Việt nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội đã đón tiếp và làm việc với Trần Phú với tư cách là đại diện của Phái đoàn Việt nam cách mạng Đảng. Tại đây, Trần Phú đã được dự lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng bài. Qua lớp huấn luyện, những những kinh nghiệm quý của các cuộc cách mạng thế giới đã soi tỏ nhận thức của anh. Anh đã hiểu được vì sao các phong trào cách mạng Việt Nam do các sĩ phu yêu nước lãnh đạo trước đây đều bị thất bại. Mùa xuân năm 1927, Trần Phú được nguyễn Ái Quốc giới thiệu sang học ở Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản. Mặc dù vào trường chậm một năm, thể lực gầy yếu lại hay bị đau ốm, nhưng Trần Phú vẫn trở thành một học viên xuất sắc, được bầu làm Bí thư nhóm cộng sản Việt Nam tại trường. Năm 1928 đồng chí còn được cử làm đại diện cho những người cộng sản việt nam đi dự Đại hội VI Quốc tế cộng sản. Sau hai năm học tập, Trần Phú đã tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông. Mặc dù biết được ngày 11-10-1929 toà án Nam triều Nghệ An đã xử tử vắng mặt một số đảng viên của Đảng trong đó có Anh và Nguyễn Ái Quốc. Sở Liêm phóng Trung kỳ còn treo giải 200 đồng thưởng cho ai bắt được Trần Phú. Thế nhưng đầu năm 1930, bất chấp mọi hiểm nguy, anh vẫn xin tổ chức được về nước hoạt động. Tháng 4 năm 1930 về đến Hà Nội, anh được cử vào Ban chấp hành trung ương lâm thời của Đảng, được giao trong trách khởi thảo Luận cương chính trị của Đảng. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Anh vừa phải tiếp tục nghiên cứu những tác phẩm lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lê Nin, của Bác và khảo sát phong trào công nhân ở một số vùng công nghiệp. Tháng 10-1930, Hội nghị lần thứ nhất BCHTƯ lâm thời họp ở Hương Cảng đã thông qua bản Luận cương chính trị, một văn kiện quan trọng của Đảng do đồng chí Trần Phú khởi thảo. Hội nghị cũng quyết định đổi tên Đảng thành Đảng cộng sản Đông Dương và Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Từ đó cho đến tháng 4 năm 1931 là quảng thời gian hoạt động rất khẩn trương và sôi động của đồng chí trong lãnh đạo và chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam, đặc biệt là phong trào công nhân. Tháng 3-1931, BCHTƯ họp tại Sài Gòn, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú để bàn việc chấn chỉnh các tổ chức Đảng và đoàn thể quần chúng sau đợt khủng bố của địch. Sau hội nghị một số đồng chí bị bắt. Kẻ địch dò mối, khai thác bọn phản bội nên đến ngày 19-4-1931 chúng đã bắt được Trần Phú tại số nhà 66 đường Sampanhơ Sài Gòn. Trong suốt 5 tháng liền, cơ quan mật thám Pháp với những tên khét tiếng gian ác, tàn bạo đã dùng mọi thủ đoạn cực hình tra tấn Anh một cách dã man như: tra điện, lộn mề gà, cắt gan bàn chân nhét bông tẩm xăng vào rồi đốt... Nhưng chúng vẫn không thể khuất phục được ý chí gang thếp của Trần Phú. Mỗi lời nói của anh luôn luôn thể hiện chí khí của người cộng sản. Với kẻ thù, Anh dứt khoát: “Đừng hỏi làm gì nữa vô ích, ta không thể đem công việc của Đảng ra để nói cho các người nghe”. Với Đảng, với đồng chí thân yêu của mình, Anh dặn dò: “Không có gì nhắn cả, tôi chỉ nhắc anh em hãy ráng mà giữ vững chí khí chiến đấu” Cuối cùng chúng buộc phải đưa Anh ra toà án sài Gòn xét xử. Tại đây Anh đã biến phiên toà thành nơi lên án chủ nghĩa đế quốc thực dân và nêu cao uy tín của Đảng cộng sản Đông Dương. Bị bất lực, chúng lại giam anh vào hầm tối và tra tấn Anh rất tàn ác. Tuy bị bệnh, sức khoẻ giảm sút nhanh chóng nhưng Trần Phú vẫn cùng anh em đấu tranh và nêu tấm gương cho các đồng chí khác trong đấu tranh; tranh thủ những ngày còn lại của cuộc đời mình để bồi dưỡng lý luận cách mạng và kinh nghiệm công tác cho các đồng chí, động viên họ giữ vững ý chí trước kẻ thù. Sau lần tham gia đấu tranh, cùng anh em tuyệt thực 5 ngày, bệnh tình của Anh ngày càng thêm trầm trọng. Tháng 8 năm 1931 kẻ thù buộc phải đưa Anh về nhà Thương Chợ Quán. Ngày 6-9-1931 Trần Phú đã qua đời ở tuổi 27. Trần Phú đã từ giã chúng ta sau một quảng đời hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Song lý tưởng và tinh thần của Anh vẫn sống mãi cùng chúng ta. Bản Luận cương Chính trị- di sản mà đồng chí để lại vẫn có giá trị trường tồn. Trong khi các thế lực thù địch đang muốn chúng ta xem xét lại con đường đã chọn, muốn phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản, thì những tư tưởng lớn mang tính nguyên tắc, có cơ sở lý luận và thực tiễn trong bản luận cương vẫn còn có ý nghĩa dẫn đường cho Đảng trong sự nghiệp cách mạng hôm nay./. Th.s Trần Quang Trung 3-2014

Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

Những đóng góp quan trọng của đồng chí Nguyễn Thiếp với Đảng bộ và nhân dân trong thời kỳ cách mạng 1930-1931 ở Hà Tĩnh

Trong pho sử vàng truyền thống của Đảng bộ Hà Tĩnh có không ít những đồng chí cán bộ, đảng viên trung kiên của Đảng đã để lại công lao to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân. Mặc dù trước chính sách thống trị tàn bạo của kẻ thù họ không có được nhiều thời gian để cùng nhân dân làm nên sự nghiệp lớn; song những đóng góp của quan trọng vào sự nghiệp cách mạng để làm nên chiến thắng thì lịch sử mãi mãi không bao giờ phai nhạt. Đồng chí Nguyễn Thiếp là một trong số tấm gương tiêu biểu đó. I- Bối cảnh xuất thân Đồng chí Nguyễn Thiếp (bí danh là Nguyễn Châu, Kim Đơn, Nguyễn Cầu, Nguyễn Hữu Diên) sinh ngày 01- 6 -1894 tại làng Phù Việt (nay là xã Thạch Việt) huyện Thạch Hà, Tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước và học hành khoa cử. Ông nội Nguyễn Thiếp là Nguyễn Nhân (1826-1889) từng là Ấm sinh Quốc Tử Giám ở Huế và sau trở thành danh y. Cha của đồng chí là cụ Nguyễn Xác (1860- 1897), một người thông thạo “tứ thư”, “ngũ kinh”, đậu hai kỳ thi Hương, nhưng đã tạ thế lúc đang độ phát triển chín muồi ở tuổi 38. Mẹ ông, cụ bà Lê Thị Bình (1857- 1937) là con thứ năm cụ Lê Văn Kích, quê Thạch Minh, Thạch Hà, là cô ruột của Ông Lê Hữu Đạt (tức Lê Khoan) thân sinh anh hùng Lý Tự Trọng. Sinh ra trong một gia đình như vậy trên một vùng đất được gọi là “địa linh nhân kiệt”; Nguyễn Thiếp sớm tiếp cận với nhiều tấm gương sáng về tinh thân hiếu học và tinh thần cách mạng bất khuất kiên trung của các bậc tiền nhân như La Sơn phu tử, Nguyễn Biểu, Lê Ninh, Phan Đình phùng, Cao Thắng .... Đặc biệt là tiếng vang của các bậc đàn anh đầu thế kỷ như Phan Bội châu, Phan Chu Trinh ở xứ Nghệ với những phong trào cách mạng sôi nổi tìm đường khai hóa cho đất nước thoát khỏi sự thống trị của thực dân đế quốc, đã khơi dậy trong ông một tinh thân yêu nước dám xả thân vì sự nghiệp cách mạng vì vận mệnh của đất nước và nhân dân. Bản thân Nguyễn Thiếp thuở nhỏ đã tỏ ra là một cậu bé thông minh, ham học; bố mất từ lúc lên 3 tuối, được mẹ nuôi dưỡng và sớm tiếp cận cuộc sống kham khổ nên Nguyễn Thiếp sớm có tinh thần tự lập, sống khí khái, thương yêu người ngèo khổ và có nhiều khát vọng lớn. Tiếp thế hệ và cùng thời với Nguyền Thiếp trên quê hương Ngệ Tĩnh đã có nhiều người tham gia sôi nổi các hoạt động yêu nước tiến bộ như Nguyễn Tất Thành, Trần Phú, Hà Huy Tập ... đã thôi thúc Nguyễn Thiếp sớm bước vào con đường cách mạng. Chính vì vậy mà ở độ tuổi 20 đầy nhiệt huyết, ngay sau khi đậu sơ học, Nguyễn Thiếp đã trở về quê nhà dạy học để có điều kiện tham gia hoạt động yêu nước. Tuy nhiên do sự tàn bạo của chính sách thực dân, trong điều kiện ảnh hưởng của luồng gió cách mạng mới còn đang nhỏ bé; những nổ lực phấn đấu và cống hiến cho sự ngiệp cách mạng và khát vọng, mơ ước của tuổi trẻ Nguyễn Thiếp cũng như nhiều đồng chí đồng nghiệp; anh đã sớm bị kẻ thù tìm cách đàn áp. Nguyễn Thiếp đã vĩnh viễn ra đi ở đội tuổi sung sức nhất, để lại phí sau những hoài bão lớn lao và những đóng góp quan trọng, vô cùng có ý nghĩa cho phong trào cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đầu thế kỷ XX. II- Một số đóng góp quan trọng: Nguyễn Thiếp là nhân tố tích cực giác ngộ cách mạng trong thanh niên. Vơí tư chất thông minh, lại được tiếp nối tri thức của quê hương, gia đình đặc biệt là ảnh hưởng của tư tưởng mới - cách mạng vô sản theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin thông qua việc truyền bá của các nhà yêu nước. Đặc biệt là sự tác động sâu sắc sau khi được tham dự lớp huấn luyện bồi dưỡng lý luận cộng sản do đồng chí Trần Hữu Thiều tổ chức tại làng Phù Việt cùng với các thanh niên tiên tiến khác trong tổ chức Tân Việt như Mai Kính, Võ Quê, Trần Hưng...Nguyễn Thiếp trở thành nhân tố tích cực truyền bá tinh thần yêu nước trong thanh niên. Có thể nói đây là hoạt động có sức thu hút thanh niên mạnh mẽ nhất vì chỉ sau khi có những hiểu biết về lý luận cách mạng thì mới có thể tạo nên được phong trào cách mạng, Nhờ có những hoạt động tích cực ban đầu này mà Nguyễn Thiếp đã cùng với các thanh niên nòng cốt sớm tập hợp được đông đảo thanh niên ưu tú cùng tham gia hoạt động cách mạng. Trong số đó ta thấy có rất nhiều những người bạn của ông đã sát cánh trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù như Hà Huy Tập, Nguyễn Sỹ sách, Nguyễn Huy Lung... Không chỉ tích cực vận động và truyền bá tinh thần yêu nước, Nguyễn Thiếp còn là tấm gương hoạt động xuất sắc trong các tổ chức đầu thế kỷ XX. Nguyễn Thiếp là người tham gia Hội Phục Việt do cụ Lê Huân tổ chức tại núi Con mèo, Bến Thủy, sau đó đổi tên là Hội Hưng Nam, Đảng Tân việt. Trong tổ chức, Nguyễn Thiếp đã cùng các Hội viên tham gia ra truyền đơn đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu; kêu gọi nhân dân đấu tranh chống ách đô hộ của thực dân phong kiến. Vừa là một thầy giáo, vừa là người tham gia hoạt động, Thầy giáo Nguyễn Thiếp còn hướng dẫn bà con nhân dân, tìm cách dây dưa, khất lần, hoãn việc đóng thuế; viết đơn tố cáo bọn quan lại hào lý nhũng nhiều, đục khoét tiền của, đồng bào. Vì công việc đòi hỏi nhiều thời gian vắng nhà, Nguyễn Thiếp đã phải bỏ việc day học để tham gia hoạt động. Ngay cả khi bọn quan lại và Chánh Tổng làng Phù Việt bố trí người theo dõi và ngăn cấm, Nguyễn Thiếp vẫn không hề sợ hãi càng tích cực hoạt động và ví trí của Nguyễn Thiếp càng ngày càng lớn trong tổ chức của mình. Sau một thời gian hoạt động, đồng chí Nguyễn Thiếp đã được phân công phụ trách Đại tổ Tân việt huyện, rồi Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tân Việt tỉnh Hà Tĩnh. Khi Đảng Tân Việt chuyển thành Đông Dương cộng sản liên đoàn, đồng chí là thành viên tích cực hoạt động để xây dựng tổ chức yêu nước chân chính ở địa phương. Tháng 3-1930 Đại hội thành lập Đảng bộ Lâm thời Hà Tĩnh, đồng chí đã được bầu vào Ban chấp hành lâm thời, phụ trách các huyện phía Nam của tỉnh. Với uy tín của mình, Đồng chí Nguyễn Thiếp đã được Đại hội chính thức của Đảng bộ Hà Tĩnh 9-1930 bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy; đây là tiền đề quan trọng để đồng chí tiếp tục tham gia Ban Chấp hành xứ ủy, rồi Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung kỳ của Đảng cộng sản Việt Nam. Nguyễn Thiếp là một tấm gương xây dựng tổ chức của Đảng. Khi nói đến hiệu quả hoạt động của Đảng trước hết phải nhìn vào hệ thống tổ chức cơ sở của Đảng. Hơn ai hết với cương vị Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Thiếp thấy rõ sự cần thiết việc mở rộng mạng lưới cơ sở Đảng. Bất chấp sự ngăn cấm của kẻ thù, đồng chí đã tích cực lăn lộn trong phong trào quần chúng để xây dựng cơ sở Đảng. Bằng vốn hiểu biết và kinh nghiệm hoạt động của mình, đồng chí đã sử dụng nhiều bí danh khác nhau với nhiều hình thức phong phú để có thể che mắt địch như việc dạy học, cho thuốc chữa bệnh...Đồng chí đã xuống tận các cơ sở quần chúng, vận động nhân dân tham gia các tổ chức quần chúng, tổ chức biểu tình, đấu tranh; vì đây chính là nguồn bổ sung nguồn nhân tố tích cực cho nòng cốt của Đảng. Để tập hợp quần chúng đồng chí còn hướng dẫn nhân dân “vay” thóc lúa của nhà giàu chia cho dân nghèo cứu đói; khi có điều kiện thì tước ấn tín của bọn Lý trưởng, Chánh tổng để lập nên các Xô viết...Tuy nhiên muốn làm cho hoạt động của nhân dân có hiệu quả, trước hết cần có những nòng cốt lãnh đạo đó là các cơ sở Đảng. Việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng là công việc không tách rời với việc xây dựng các tổ chức quần chúng. Bằng những nổ lực phấn đấu của mình, chỉ sau 7 tháng phụ trách, các huyện phía Nam đã xây dựng được 30 chi bộ Đảng cộng sản với hơn 100 đảng viên; một số phủ ủy, huyện ủy được thành lập đây là nhân tố quan trọng để thúc đẩy phong trào cách mạng phía Nam Hà Tĩnh ngày càng phát triển. Chính nhờ những nổ lực của Nguyễn Thiếp và các đồng chí của mình mà đến thời điểm điễn ra Đại hội, Đảng bộ đã có số đảng viên lên tới gần 500 đảng viên cùng hàng ngàn hội viên các tổ chức quần chúng cách mạng khác.Với kết quả này đồng chí Nguyễn Thiếp đã cung cấp cho Đảng những kinh nghiệm thành công trong việc xây dựng tổ chức cơ sở của Đảng ngay trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Về chỉ đạo phát tiển kinh tế: Nguyễn Thiếp là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, anh vốn rất gần gủi với các tổ chức phường nghề, thủ công truyền thống của địa phương, đây chính là những nhân tố đầu tiên cho Nguyễn Thiếp hình thành ý thức hoạt động tập thể. Từ thực tiễn địa phương Nguyễn Thiếp đã bỏ công nghiên cứu và vận động nhân dân xây dựng và triển khai tổ chức dưới hình thức lao động tập thể. Các thôn xã Bộ nông sau khi ra đời được sự chỉ đạo mới một mặt duy trì và phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống như làm nón, làm chiếu, đánh cá...mặt khác tích cực mở mang việc dạy thêm nghề mới như nghề may, làm thuốc chữa bệnh; xây dựng các công trình có tính cộng đồng cao hơn để phát triển hiệu quả lâu dài. Từ đó các địa phương đã dấy lên phong trào chung sức lao động; tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, giúp đỡ nhau làm mùa; sữa sang đường làng ngõ xóm; cùng nhau đào mương, đắp đập chống hạn. Từ chỉ đạo của đồng chí một số công trình của địa phương đã phát huy hiệu quả như đập Hói Dát, đập Khố Nội, đường lên núi Mô... thực sự đã giúp nhân dân có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế văn hóa của địa phương. Về xây dựng đời sống văn hóa mới tiến bộ: một đóng góp quan trọng khác rất có ý nghĩa của Nguyễn Thiếp đối với nhân dân là việc truyền bá và tổ chức xây dựng cuộc sống mới văn minh, tiến bộ. Lớn lên ở một vùng quê nghèo, Nguyễn Thiếp hiểu rõ sự cần thiết thúc đẩy phát triển kinh tế luôn gắn liền với việc xây dựng cuộc sống văn hóa, văn minh, tiến bộ. Trên cương vị của người Bí thư Cấp ủy Nguyễn Thiếp là người đưa ra nhiều chủ trương được các thôn xã đồng tình cao. Trong điều kiện các xô viết của công nông mới ra đời, Nguyễn Thiếp là một trong những người tích cực đưa ra các chủ trương cải cách đời sống văn hóa, bài trừ hủ tục ở địa phương. Thực hiện chỉ đạo của đồng chí nhiều nơi bên cạnh việc tổ chức học chữ quốc ngữ nâng cao hiểu biết, đã thực hiện việc bài trừ các hủ tục như ma chay, đồng bóng; thực hiện việc cưới việc tang do các đoàn thể quần chúng đứng ra lo liệu; các hoạt động vui chơi tập thể, cá loại hình văn nghệ như tuồng, chèo, kịch gắn với nội dung giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng được khuyến khích. Để giúp dân có điều kiện phòng chống dịch bệnh Đồng chí Nguyễn Thiếp còn phát động nhân dân đào giếng để dùng nước sạch, đắp đập, đào mương, làm đường sá phong quang sạch sẽ để nhân dân đi lại sinh hoạt tốt hơn. Những đổi mới trong đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư càng thúc đẩy nhân dân tăng thêm niềm phấn khởi và tin tưởng vào con đường cách mạng do Đảng lãnh đạo. Trong những đóng góp của Nguyễn Thiếp có một điều quan trọng nữa là đồng chí đã nêu một tấm gương sáng về sự kiên trung, lòng dũng cảm của một người chiến sĩ cách mạng, một cán bộ đảng viên trung thành tuyệt đối với Đảng với nhân dân. Cả cuộc đời hoạt động của Nguyễn Thiếp từ khi lớn lên đến phút hy sinh ông luôn thể hiện một con người kiên nghị vì nước vì dân. Dù kẻ thù đã không cho ông có nhiều thời gian hơn để ông còn cống hiến được nhiều hơn nữa; song chừng ấy cũng cho thấy ông sống vì dân vì sự nghiệp mà không có một phút tính toán cá nhân nào. Ông tham gia tổ chức yêu nước chống lại kẻ thù là vì dân. Ông làn cán bộ, tham gia cấp uỷ là do sự phấn đấu và kết quả hoạt động của ông được đồng chí nhân dân tôn vinh tín nhiệm. Vì mục tiêu lớn chống lại ách áp bức bóc lột của kẻ thù, giải phóng xiềng xích nô lệ, ông không sợ hy sinh, bất chấp mọi đe xọa, ngăn cấm của chính quyền địch. Khi sa vào tay địch và trước những ngón đòn tra tấn dã man của chúng ông không hề run sợ; cho đến lúc kẻ thù đã làm cho thân thể của ông tiều tụy, đôi chân không còn nâng nổi cơ thể, ông vẫn một mực trung thành với Đảng với đồng chí của mình. Không thể sống nổi trước sự tàn bạo của các thế lực thống trị, Nguyễn Thiếp đã trút hơi thở cuối cùng để lại tấm gương sáng chói và niềm tiếc thưng vô hạn với đồng chí và nhân dân về một cuộc đời cống hiến trọn vẹn của một người con quê hương, người Bí thư Đảng bộ những ngày đầu tiên của Đảng. 120 năm đã qua, Nguyễn Thiếp đã về nơi an nghỉ vĩnh hằng; tiếp nối mục tiêu và lý tưởng của đồng chí, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã không ngừng phát triển và lớn mạnh. Trong từng chặng đường đi lên ấy chúng ta càng thấu hiểu những giá trị to lớn về những đóng góp trên nhiều mặt của đồng chí đối với đảng bộ. Tấm gương Bí thư Nguyễn Thiếp sẽ sống mãi trong lòng cán bộ nhân dân Hà Tĩnh về một con người tận tụy hy sinh, kiên cường dũng cảm, luôn luôn gắn bó mật thiết với nhân dân vì nhân dân mà trọn đời suy tư trăn trở, hoạt động, cống hiến cho sự ngiệp cách mạng./. Trần Quang Trung