Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

Ký ức thân thương về anh bộ đội cụ Hồ

   Kỷ niệm 70 năm thành lập Lực lượng Vũ trang Hà Tĩnh 18/8/1945-18/8/2015
             Gia đình tôi thuộc diện di dời từ miền xuôi lên miền núi. Hồi đó dân cư thưa thớt lắm, đi hàng tiếng đồng hồ mới có nhà dân. Nhà tôi nằm ở xóm cuối của Xã biên giới Hương Điền, thuộc huyện Hương Khê (nay thuộc huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh). Trước ngày Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định 100/TTg  thống nhất các đơn vị bộ đội làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới với các đơn vị công an biên phòng để thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang ngày 3-3-1959; Trạm bảo vệ nội địa biên giới đóng tại thôn Kim Quang, xã Hương Quang còn do lực lượng bộ đội đảm nhiệm. Ở đó có một đơn vị bộ đội thuộc tỉnh đội phụ trách- người dân quen gọi Đồn bộ đội.
     Đo địa hình núi non hiểm trở, đường sá đi lại chỉ theo những lối mòn quen thuộc nên việc đi công tác ngược xuôi của bộ đội mất rất nhiều thời gian. Nhà tôi như một trạm dừng chân trên đường từ tỉnh về đồn và ngược lại của anh em chiến sĩ. Bộ đội đi bộ hoặc đi ngựa đều ghé qua nhà tôi nghỉ chân. Hồi trước phương tiện đi lại tối ưu của đơn vị là dùng ngựa, tôi thường mãi mê ngắm nhìn những chú ngựa khi cho nó bắp ngô, để rồi sau đó nó lại lên đường làm nhiệm vụ. Có lẽ đến bây giờ tôi mới hiểu vai trò của nó khi mình đã được ngồi trên những chiếc xe thư thái với đôi chân không mỏi. Gia đình tôi như người nhà thân thiết của đồn. Mỗi lần tết đến xuân về, chỉ huy đồn lại cho mời chúng tôi về đồn chơi để cùng vui tết. Còn nhỏ nên tôi ấn tượng nhất là được các anh cho đi xem súng đạn, quân trang quân dụng...thứ nào cũng xếp hàng ngay ngắn, gọn gàng, trật tự trông rất đẹp mắt. Các anh còn nói với tôi  rằng có làm như vậy, khi cần mới lấy nhanh được, chẳng ai còn phải đi tìm. Điều này cứ đọng mãi trong tôi trong quá trình lớn lên. Về sau làm bất cứ công việc gì tôi cũng lo đầu tư sắp xếp có quy tắc riêng. Những ngày còn đang công tác, tôi luôn là người đáp ứng nhanh nhu cầu tra cứu tài liệu khi cần cho đồng nghiệp.
        Khi còn nhỏ chúng tôi quý anh bộ đội vô cùng. Các bậc cha anh thường nói với chúng tôi rằng: các anh là bộ đội cụ Hồ, là người thường xuyên sẵn sàng đi đánh giặc bảo vệ cuộc sống bình yên cho mọi xóm làng và là chổ dựa vũng chắc chắc của chúng ta. Tôi lớn lên đi học xa nhà, đường rừng xa xôi héo lánh, lại không có bạn đi cùng. Nhiều hôm phải đi một mình trên những quảng đường trong rừng đại ngàn đêm, mưa và sợ. Biết như vậy các anh là người động viên cổ vũ có hiệu quả nhất. Hồi đó có anh bộ đội của đồn tên là Tòng đã động viên tôi: chẳng có gì phải sợ; các anh còn đi lại thường xuyên trong rừng mà. Nhưng điều làm tôi vui nhất là anh còn cho một chiếc dao găm làm bằng xác máy bay địch. Trong chặng đường rừng cây cối um tùm tôi luôn mang theo, không phải để chơi, để hù doạ ai mà để chặt cây làm gậy đi đường, làm vũ khí tự vệ khi cần thiết. Nó được xem như một thứ bảo bối về sức mạnh hộ mệnh, giúp tôi thêm vững bước. Bây giờ không còn biết anh ở đâu, chiếc dao lâu quá đã không còn, song tôi vẫn rất biết ơn anh về kỷ vật đáng quý ấy. Chính anh bộ đội là người đã sớm giúp tôi vững vàng hơn, quyết tâm hơn vượt hoàn cảnh khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.
         Lớn lên tôi càng hiểu thêm về giá trị của sự tự rèn luyện. Tôi không có thời gian trong quân ngũ nhưng tôi rất chăm lo rèn luyện tự vệ. Tôi thích nội vụ gọn gàng còn nhờ được làm sinh viên cùng bộ đội đi học. 6 anh em ở chung phòng, chỉ tôi là sinh viên trẻ. Tôi tuân thủ quy tắc các anh, chăn màn ngủ xong lúc nào cũng phải vuông thành sắc cạnh. Tư trang, quần áo, dép mũ để dúng chổ quy định.... Thời gian sinh viên sơ tán tại Yên phong Hà Bắc vào năm 1972, tôi biết bơi dài hơn là vì đã cùng tập bơi sáng ngược dòng sông Cầu với mấy anh bộ độ Hải quân cùng lớp. Tôi rất mê súng và luyện tập bắn súng nên cũng không mấy bất ngờ và thường đạt kết quả cao khi bắt súng đạn thật ở các kỳ huấn luyện tự vệ và bắn súng ngắn tại trường huấn luyện cán bộ dân sự ở  Quân khu...
        Thế hệ cao tuổi hôm nay chắc chẳng mấy ai không có những kỷ niệm đẹp về anh bộ đội. Không chỉ lúc trong quân ngũ mà ngay khi hoàn thành nhiệm vụ trở về; hình ảnh đẹp của anh bộ đội cụ Hồ vẫn luôn được toả sáng trên mọi nẻo đường,  mọi lĩnh vực với sức sống,  nghị lực và chất cứng rắn kiên cường, sẵn sàng hy sinh vì dân vì nước vì lẽ phải.
      Cũng chẳng phải nói gì nhiều về những chiến công lẫy lừng trong lịch sử, vì cuộc sống đã và đang đi về với thực tại. 70 mươi năm đi qua với nhiều thử thách và chiến công;  lực lượng vũ trang Hà Tĩnh, đã để lại biết bao kỷ niệm đẹp trong lòng người dân. Trong tôi vẫn luôn hiện về hình ảnh bình dị, thân thương của anh bộ đội, người đã tiếp sức cho tôi lớn lên trong chặng đường đời. Trong thử thách của sự nghiệp đổi mới hôm nay, tôi mong và tin các anh không bao giờ làm mờ nhạt niềm tin yêu của tổ quốc và nhân dân./.

                                                                                                                          8-2015

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

Cách mạng tháng Tám Hà Tĩnh thành công khi ý Đảng lòng dân thống nhất

    Trong mọi cuộc cách mạng trên thế giới từ xưa đến nay, người dân bao giờ cũng là động lực và là lực lượng hùng hậu đưa đến sự thành công hay thất bại. Lực lượng hùng hậu ấy họ thông minh hơn bất cứ mọi lãnh đạo thông minh nhất. Khi Lãnh đạo đã thu phục được quần chúng nhân dân đông đảo thì mọi khó khăn, trở ngại đều được tháo gỡ để đi đến mục tiêu cuối cùng.
     Ngày 18-8-1945, chính quyền cấp tỉnh đã về tay nhân dân, Hà Tĩnh trở thành một trong bốn tỉnh cả nước giành được chính quyền sớm nhất. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Hà Tĩnh được cho là đã nắm chắc tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Đảng, nhằm đúng thời cơ, tổ chức chặt chẽ sáng tạo, giành thắng lợi trọn vẹn, không có sự đổ máu và diễn ra nhanh chóng. Thế nhưng tìm hiểu việc tổ chức chỉ đạo đấu tranh giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám luôn là đề tài bổ ích và lý thú đối với mọi cán bộ nghiên cứu và chỉ đạo thực tiễn. Bởi chính cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 của Hà Tĩnh vẫn có những đặc điểm riêng không giống với nhiều địa phương khác.
       Theo nguyên lý chung, một cuộc cách mạng muốn giành thắng lợi phải được nổ ra ở nơi kẻ thù suy yếu nhất, tổ chức lãnh đạo cách mạng phải đủ mạnh và quần chúng cách mạng đã chuẩn bị sẵn sàng nhất. Phải chăng Hà Tĩnh là địa phương có tổ chức Đảng mạnh nhất, kẻ thù suy yếu nhất và là nơi đã chuẩn bị đầy đủ nhất cho việc khởi nghĩa giành chính quyền ?. Thực tế cho thấy cuộc khởi nghĩa tháng Tám tại Hà Tĩnh đã không hoàn toàn như vậy.
       Cuộc Khởi nghĩa của Hà Tĩnh bùng nổ khi Đảng bộ đang gặp khó khăn nhất; hệ thống tổ chức Đảng từ tỉnh xuống cơ sở đã bị kẻ địch phá vở nhiều lần. Hầu hết các đồng chí cán bộ, đảng viên ưu tú bị kẻ địch bắt giam giữ trong các nhà tù sau nhiều đợt vây quét khủng bố khốc liệt. Trong đó phải kể tới những thời kỳ vô cùng khó khăn như những năm sau 1930-1931, thời kỳ kẻ địch khủng bố đàn áp phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Tiếp đến là thời kỳ sau chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định giải tán các tổ chức nghiệp đoàn, cấm các hoạt động của Đảng cộng sản... Đến tháng 5 năm 1940 Tỉnh uỷ lâm thời do đồng chí Trần Quỳ,  Xứ uỷ Trung kỳ chỉ đạo mới được thành lập gồm 5 đồng chí. Sau đó một số địa phương lập lại huyện uỷ như Hương Sơn, Can Lộc, Hương Khê... Nhưng sau cuộc tập kích đồn điền Ferey và việc tổ chức ám sát tên Bang tá Hồ Dũng Tài của Chi bộ Song Con, Cẩm Lĩnh (Hương Sơn) vào tháng 5-1941, thì tổ chức Đảng lại bị kẻ địch triệt phá hoàn toàn. Gần như đến ngày khởi nghĩa hệ thống tổ chức Đảng chưa được khôi phục.
          Thời kỳ tiền khởi nghĩa, Hà Tĩnh vẫn là nơi kẻ địch tăng cường đàn áp, khủng bố và thực hiện nhiều chính sách bóc lột tàn bạo. Thực dân Pháp một mặt phát xít hoá bộ máy thống trị, thẳng tay đàn áp những người có tinh thần yêu nước. Mặt khác chúng dùng thủ đoạn dã nhân, dã nghĩa lừa phỉnh nhân dân đồng thời đẩy mạnh chính sách vơ vét sưu thuế, gia tăng sức bóc lột.. Nhiều chính cách hà khắc được thực dân Pháp triễn khai ở Hà Tĩnh như hạn chế việc đi lại, đọc sách báo, hội họp, mít tinh của nhân dân. Tuyển thêm lính kín, lính khố xanh, cho mật thám giả danh làm người buôn lợn, buôn bò, ăn xin trà tộn trong dân để dò la tin tức, điều tra hoạt động cộng sản. Các phường hội như Tương tế, Ái hữu bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Những người đứng đầu các tổ chức đều bị bắt bớ, xét hỏi, bị phạt tiền....(1).. Riêng ở Hương Sơn, chỉ sau 2 tháng sau vụ Bang tá Hồ Dũng Tài bị giết đã có 170 người bị bắt, 30 người bị xử bắn.
         Trước ngày khởi nghĩa đến gần, các tổ chức quần chúng hoạt động vẫn còn rất manh mún và bị phân tán, chịu nhiều nguồn tổ chức chỉ đạo khác nhau. Khi mặt trận Việt Minh Nghệ Tĩnh đã triễn khai kế hoạch khởi nghĩa thì các địa phương vẫn còn rất nhiều ảnh hưởng hoạt động của các tổ chức khác nhau như Đảng cộng sản, Thanh niên Phan Anh, Chính phủ Trần Trọng Kim, Lực lượng thân Pháp, thân Nhật .v.v.....Bởi vậy, trong cùng một địa phương, trong cùng một thời gian đã có lúc quần chúng chịu sự chỉ đạo của hai tổ chức cách mạng. Mặt trận Việt Minh mà nòng cốt là đảng viên cộng sản có địa phương cũng đã hình thành hai nhóm hoạt động tách rời nhau như ở Hương Sơn, Nghi Xuân...
           Thế nhưng quần chúng cách mạng sau nhiều lần diễn tập và đã có sự thử thách hy sinh qua cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939, 1939-1945, họ đã hiểu rõ giá trị của mục tiêu Độc lập tự do và con đường mà Đảng cộng sản đang nổ lực phấn đấu. Những người cộng sản bằng xương bằng thịt đã kiên cường không tiếc máu xương lăn lộn cùng nhân dân, đấu tranh anh dũng, chịu đòn roi tra tấn và đã phải hy sinh cùng trận tuyến với nhân dân. Quần chúng nhân dân đủ điều kiện để hiểu rằng mục tiêu phấn đấu của những người cộng sản lúc bấy giờ với toàn thể nhân dân là một. Vì thế mà những người cộng sản sẵn sàng hy sinh vì dân vì nước và ngược lại người dân cũng sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu của Đảng của dân tộc.
      Có thể nhận thấy rằng, từ sau Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng tháng 2-1943 và việc thành lập tổ chức mặt trận Việt Minh, gần như khắp nơi trong cả nước đã có bước chuẩn bị trong ý thức về cuộc khởi nghĩa đang đến gần. Việt Minh đóng vai trò như hệ thống tổ chức do Đảng làm nòng cốt đứng ra lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Trên địa bàn Hà Tĩnh các huyện đã được chia ra nhiều phân khu khác nhau, chịu sự chỉ đạo của nhiều tổ chức Việt Minh khác nhau. Nghi Xuân thuộc phân khu Vinh Bến thủy (Nghệ An); Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê thuộc phân khu La Hương Hương. Các huyện thị còn lại thuộc Phân khu Nam Hà. Đó là những phân khu do Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh phụ trách; ngoài ra cuộc khởi nghĩa của các huyện còn có trường hợp nắm bắt thông tin từ Việt Minh Hà Nội để khởi nghĩa giành thắng lợi. Đặc điểm trên mặc dù có xẩy ra những khúc mắc nhỏ, nhưng đã làm cho cuộc Khởi nghĩa Hà Tĩnh tăng thêm tính phong phú, sôi động và thi đua thúc đẩy việc giành chính quyền các địa phương thêm nhanh chóng.
          Trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Tĩnh cho thấy ý thức cách mạng và tính chủ động của quần chúng nhân dân rất cao. Trong khi kẻ địch ráo riết khủng bố và đàn áp khốc liệt thì nhân dân vẫn không hề nao núng quyết tâm giành chính quyền. Hàng loạt cán bộ và nhân dân bị bắt bớ tù đày, giết hại thảm khốc, song những người còn lại vẫn tin theo Đảng, quyết tâm đi theo cách mạng. Phong trào yêu nước được duy trì dưới mọi hình thức, mọi hoàn cảnh. Nhất là khi các chính trị phạm thoát ngục trở về mang theo chương trình hành động của Đảng và kinh nghiệm đấu tranh trong các nhà tù đế quốc. Mặc dù quần chúng nhân dân vừa phải lo chống đỡ nạn đói, phải thường xuyên đối phó với các thủ đoạn thâm độc của kẻ địch, nhưng vẫn luôn hướng về tiếng gọi của tổ chức, của Đảng. Phong trào cách mạng vẫn có thể thổi bùng lên làm lung lay nhanh chóng uy lực của bộ máy cai trị. Chính vì thế mà không đợi đến ngày toàn quốc khởi nghĩa, không đợi đến việc hoàn chỉnh tổ chức, thời cơ đến vẫn thống nhất được với nhau vùng dậy tước chính quyền địch về tay nhân dân. Cuộc khởi nghĩa ở Hà Tĩnh không diễn ra theo một chiều từ trên xuống hoặc dưới lên mà diễn ra nơi có khâu yếu nhất của bộ máy kẻ địch xuất hiện. Việc giành chính quyền được bắt đầu từ huyện lên tỉnh, rồi từ tỉnh xuống huyện. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh được diễn ra nhanh chóng, chỉ trong 5 ngày từ 16 đến 21-8-1945.
        Trong khi lãnh đạo của Phân khu Nam Hà đang bàn tính kế hoạch giành chính quyền trong toàn tỉnh thì tại Can Lộc một nhóm thanh niên có quan hệ với Việt Minh Hà Nội, sớm thấy được sự chuyển biến mau lẹ của tình hình đã chớp thời cơ tổ chức tấn công, tước vũ khí lính bảo an, bắt giữ tri huyện, đánh chiếm huyện đường giành thắng lợi. Đây chính là khâu đột phá, khích lệ thúc đẩy các địa phương nhanh chóng khởi nghĩa. Sau khởi nghĩa Can Lộc các Phân khu theo chỉ đạo của Việt Minh địa phương liên tục tổ chức biểu dương lực lượng tiến vào chiếm huyện đường từ tay của chính quyền thân Nhật vừa mới dựng lên. Chỉ có Hương Khê là huyện xa Trung tâm nên đã được sự chi viện của Phân khu Nam Hà cũng nhanh chóng giành thắng lợi. Cuối cùng là Cuộc khởi nghĩa ở Hà Tĩnh đã thể hiện rõ sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân khi đã được khơi dậy và tổ chức. Theo kế hoạch của Việt Minh Nam Hà, để hạ uy thế của chính quyền địch và tránh đổ máu, các địa phương tổ chức cho quần chúng nhân dân biểu tình liên tiếp 3 ngày liền trước khi khởi nghĩa. Thế nhưng trong thực tế khi thời cơ đến, hầu hết các địa phương không đợi đến 3 ngày, mà ngay khi quần chúng được phát động vùng lên đấu tranh thì bộ máy chính quyền thống trị nhanh chóng sụp đổ. Nhiều nơi binh lính mang theo vũ khí vào đội ngũ biểu tình tiến vào giành chính quyền về tay nhân dân.
            70 năm đã qua, người dân Hà Tĩnh với tinh thần cách mạng tháng Tám vẫn tiếp tục phát huy và không ngừng tỏa sáng. Với những thành tựu xuất sắc trong công cuộc đổi mới hoặc như những vụ việc nổi cộm trong từng thời gian càng làm nổi bật hơn bài học lớn về kinh nghiệm thành công của Cách mạng tháng Tám là: Ý Đảng với Lòng dân phải luôn luôn gắn quyện và hài hoà thống nhất với nhau./.


                                                                                              8-2015

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Công tác Khoa giáo bộ phận quan trọng không thể tách rời trong các cấp uỷ Đảng

     Sau 85 năm hoạt động của Đảng thì tổ chức Khoa giáo là một trong những bộ phận non trẻ nhất trong bộ máy của Đảng. Cho đến khi đất nước dồn sức vào cuộc Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa đồng loạt đầu xuân năm 1968 trên khắp chiến trường miền Nam; nghĩa là lúc chúng ta bắt đầu có thể tấn công vào sào huyệt kẻ thù và hé mở khả năng đất nước hoà bình thống nhất chuẩn bị đi vào công cuộc xây dựng mới; thì khi đó Đảng mới quyết định thành lập Ban Khoa giáo Trung ương vào ngày 30-1-1968. Nhiệm vụ rất nặng nề của Ban Khoa giáo từ những ngày đầu tiên là giúp Trung ương theo dõi, tham mưu để lãnh đạo đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, điều tra thăm dò tài nguyên phục vụ kịp thời công cuộc xây dựng lại đất nước sau chiến thắng.
        Những năm đã qua, với sự nổ lực to lớn của toàn Đảng hệ thống khoa giáo các cấp từ Trung ương đến các địa phương được hình thành và đã có những đóng góp quan trọng vào sự lãnh đạo của cấp uỷ các cấp trong việc theo dõi tham mưu cho các cấp uỷ lãnh đạo chỉ đạo các lĩnh vực chủ yếu như khoa học, giáo dục đào tạo,, thể dục thể thao, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, dân số gia đình và trẻ em.
     Là những người được công tác và hoạt động trong thời kỳ sôi động nhất của hệ thống khoa giáo của Đảng; thật vui và tự hào được chứng kiến và tham gia vào những chủ trương, chính sách của Đảng có tác dụng tích cực vào đời sống xã hội mà ảnh hưởng của nó vẫn còn in đậm tới ngày nay. Trong đó có những dấu ấn sâu sắc của hệ thống khoa giáo tham mưu về các chủ trương như:  Chăm sóc sức khoẻ nhân dân;  xoá bỏ trường chuyên lớp chọn cấp tiểu học, THCS;  xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời;  xây dựng phong trào thể thao quần chúng;  xây dựng chiến lược dân số; phát triển mạng lưới tin học .v.v....
          Để phát huy vai trò vị trí và trọng trách của nó trong tình hình mới, trước đây trong các Ban tham mưu của Tỉnh, Thành uỷ và Trung ương có Ban khoa giáo riêng, bên cạnh Ban Tuyên huấn. Nay do yêu cầu giảm bớt đầu mối nên Trung ương đã có chủ trương  sáp nhập Tuyên huấn với Khoa giáo thành Ban Tuyên giáo. Bộ phận Khoa giáo ở địa phương chỉ để lại Phòng Khoa giáo trong Ban Tuyên giáo các Tỉnh, Thành uỷ. Ở Hà Tĩnh theo Quy định số 217QĐ/TU, ngày 23-11-2001của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thì Ban Tuyên giáo là cơ quan tham mưu giúp cấp uỷ hướng dẫn, kiểm tra, chỉ đạo các lĩnh vực Tuyên giáo trong đó có Khoa giáo. Ban có nhiệm vụ giúp cấp uỷ nghiên cứu, theo dõi tổng hợp tình hình tư tưởng, hoạt động của các lĩnh vực khoa giáo; chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức học tập quán triệt, triển khai thực hiện, sơ kết tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương của trung ương và cấp uỷ địa phương; tham gia chuẩn bị các nghị quyết, quyết định của cấp uỷ; giúp cấp uỷ thẩm định các đề án, chỉ đạo một số vấn đề cụ thể thuộc lĩnh vực công tác tư tưởng, văn hoá, khoa giáo của tỉnh; tham gia công tác cán bộ, và chính sách cán bộ trong khối thuộc diện Tỉnh uỷ quản lý.
 Với chức năng và nhiệm vụ ấy, trong những năm qua nhất là từ ngày tái lập tỉnh đến nay. Công tác Khoa giáo đã tích cực hoạt động và đã có những đóng góp quan trọng và thành tích chung của tỉnh. Trong đó có những kết quả nổi bật như giúp cấp uỷ chính quyền đẩy mạnh hoạt động lĩnh vực khoa học công nghệ, đưa hoạt động khoa học công nghệ ngày càng gắn bó hơn với thực tiễn và phục vụ có hiệu quả cho việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Các hoạt động Giáo dục đào tạo, Khoa học công nghệ, Chăm sóc sức khoẻ, Thể thao... đều đã gặt hái được những kết quả bước đầu. Hà Tĩnh đã sớm hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, loại trừ được bệnh phong ra khỏi cộng đồng, xoá bỏ được  hiện tượng tử vong do sốt rét, ngăn chặn được dịch bệnh trong nhân dân, đẩy mạnh phong trào thể thao quần chúng và vươn lên thể thao thành tích cao...Để góp phần làm nên những kết quả đó công tác Khoa giáo đã giúp cấp uỷ tổ chức triển khai và sơ kết nhiều chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Khoá VII như chỉ thị số 36 về Đẩy mạnh hoạt động thể thao, chỉ thị số 38 về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em... các chỉ thị của Bộ chính trị khoá VIII như chỉ thị số 34 Về công tác Đảng trong trường học, chỉ thị số 36 về công tác mội trường, chỉ thị số 51 về đẩy mạnh công nghệ thông tin, chỉ thị số 61 về giáo dục phổ cập THCS...Ngoài ra Ban Tuyên giáo còn tham mưu cho Tỉnh uỷ tổ chức các đoàn kiểm tra thực hiện các nghị quyết, giúp cấp uỷ soạn thảo nhiều nghị quyết quan trọng trên lĩnh vực công tác Khoa giáo địa phương.
       Rất tiếc đến nay bộ phận chuyên trách khoa giáo của cấp uỷ từ Trung ương đến các địa phương chỉ còn lại rất ít cán bộ. Bởi vậy việc thực hiện chức trách nhiệm vụ theo đúng yêu cầu của nó gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn cán bộ khoa giáo chỉ mới tập trung làm công tác theo dõi phản ánh với cấp trên, chứ chưa làm được nhiều chức trách khác. Từ đó trên các lĩnh vực Khoa giáo cũng xuất hiện rất nhiều những vấn đề kiến xã hội quan tâm bức xúc. Có nơi đã phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thậm chí phải dùng cả biện pháp cứng rắn để giải quyết các vấn đề từ người dân đặt ra....
 Từ thực tiễn hoạt động công tác Khoa giáo có thể thấy một số vấn đề cần quan tâm như sau:
       1- Bản chất của công tác Khoa giáo là công tác trí thức. Khác với hoạt động bề nổi của tuyên truyền cổ động; công tác Khoa giáo thường chìm lắng và đòi hỏi chiều sâu về trí tuệ. Theo dõi, tham mưu, giúp cấp uỷ thường ngày chỉ đạo giải quyết các vấn đề cơ bản theo định hướng, quan điểm của Đảng, chứ không phải can thiệp giải quyết các vụ việc chuyên môn trong từng lĩnh vực. Có người từng nêu câu hỏi : không có Khoa giáo thì Bác sĩ có chữa bệnh không, thầy giáo có dạy học không ? Thực ra Khoa giáo không can thiệp vào công việc cụ thể trong chuyên môn kỷ thuật mà đòi hỏi bác sĩ chữa bệnh, thầy giáo dạy học theo hướng nào, ai nên khen, ai đáng chê và làm sao để kết quả, chất lượng phục vụ nhân dân được tốt hơn. Bởi vậy không quan tâm đầy đủ đến hoạt động Khoa giáo là chưa quan tâm đầy đủ đến hoạt động trí thức trên lĩnh vực này.
      2- Công tác trong lĩnh vực Khoa giáo, đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ am hiểu sâu sắc lĩnh vực phụ trách. Trước đây khoa giáo được điều động  những cán bộ ưu tú từ các lĩnh vực khoa giáo. Như vậy cán bộ Khoa giáo vừa am hiểu chuyên môn vừa có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn. Điều này giúp cán bộ khoa giáo khi đưa ra những quan điểm, nhận định đánh giá, tham mưu cho cấp uỷ không bị cản trở hoạt động chuyên môn, trái lại làm cho hoạt động chuyên môn càng thêm thuận lợi. Mặt khác chính công tác khoa giáo giúp cho cấp uỷ và các ngành chuyên môn tránh được những chủ trương kế hoạch không sát với thực tiễn, độc quyền không phù hợp với lợi ích chung. Cán bộ công tác Khoa giáo đòi hỏi phải tích cực học tập để bổ sung kiến thức các lĩnh vực phụ trách. Khi còn Ban Khoa giáo Tỉnh uỷ gần như mỗi cán bộ chỉ theo sát một lĩnh vực khoa giáo, nhưng nay một cán bộ phải theo dõi nhiều lĩnh vực. Muốn làm tốt tham mưu, cán bộ vừa phải am hiểu sâu sắc công tác chuyên môn vừa nắm vững quan điểm của Đảng. Có như vậy cán bộ Khoa giáo mới có thể tiếp cận được thực tiễn và đưa ra những ý kiến có sức thuyết phục, có thể vượt trội so với đội ngũ cán bộ chuyên môn đơn thuần.
      3-  Đội ngũ làm công tác Khoa giáo không chỉ cần có trình độ chuyên môn tốt, nắm chắc quan điểm cơ bản của Đảng mà còn rất cần bản lĩnh, dám đương đầu với những biểu hiện lệch lạc và dám nói tiếng nói trung thực của mình vơi các cấp lãnh đạo. Tôi nhớ mãi hình ảnh một Chủ tịch tỉnh không chịu ký Bằng khen cho cán bộ ngành khi chưa có ý kiến của Khoa giáo. Điều này không chỉ nâng vị thế hoạt động Khoa giáo của cấp uỷ mà còn đặt lên vai trách nhiệm và tinh thần làm việc nghiêm túc hơn cho cán bộ trong công tác theo dõi kiểm tra, nắm chắc tình hình và chất lượng công việc của lĩnh vực được giao phó. Hiện nay khi mà nhân loại đang tiến sâu vào nền kinh tế tri thức, con đường hội nhập, toàn cầu hoá với sự tiến nhanh như vũ bão của cuộc cách mạng Khoa học và công nghệ; thì lĩnh vực công tác Khoa giáo càng có vai trò to lớn trong tiến trình phát triển của đất nước nói chung mỗi địa phương nói riêng.  Bởi vậy để công tác Khoa giáo có chất lượng tốt, các cấp uỷ Đảng không chỉ cần quan tâm bố trí cán bộ có chất lượng, tạo điều kiện về phương tiện thiết bị làm việc mà điều quan trọng nhất là phải có cơ chế phát huy cao vai trò trí tuệ bản lĩnh của đội ngũ cán bộ hoạt động trên lĩnh vực đòi hỏi chiều sâu trí tuệ này.
      Kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống ngành Tư tưởng văn hoá; thiết nghĩ đây cũng là một dịp để chúng ta ngẫm nghĩ thêm những bài học từ thực tiễn công tác trên lĩnh vực này nói chung, công tác khoa giáo nói riêng. Phải chăng đây cũng là lúc chúng ta nhìn lại chính mình để xây dựng lại hệ thống tổ chức, tu sửa hành trang chuẩn bị tốt hơn cho bước tiến mạnh mẽ vững chắc trên con đường đổi mới./.


Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

Biết thêm về máy Điều hoà nhiệt độ

   Khi đời sống vật chất tinh thần được cải thiện, người dân càng ngày càng tiếp cận đến các phương tiện kỷ thuật hiện đại để có cuộc sống sung sướng hơn. Ngày nay việc sử dụng máy điều hoà nhiệt độ (ĐHNĐ) không chỉ là phương tiện phổ biến ở thành phố mà đã được sử dụng nhiều ở các thị trấn, thị tứ và xuất hiện trong các gia đình khá giả ở nông thôn.
     Tuy vậy có rất nhiều những vấn đề mà người sử dụng chưa hề biết. Sau đây là một số điều thú vị mà người sự dụng máy ĐHNĐ rất cần biết trong mùa nắng nóng mệt nhọc.
       1. Máy ĐHNĐ 9000 và 12000 là gì ?
   Quý khách cần máy điều hoà 9000 hay 12000 ? đó là câu hỏi đầu tiên của các cửa hiệu khi gặp khách hàng.  9000 hay 12.000 là phân biệt cho loại máy ĐHNĐ treo tường phổ biến thông dụng hiện nay. Nói đầy đủ đó là máy 9 ngàn hay 12 ngàn BTU/giờ (9000BTU/h hay 12000BTU/h). BTU (từ viết tắt của tiếng Anh British Thermal Unit - đơn vị nhiệt Anh) là một đơn vị năng lượng sử dụng ở Anh-Mỹ.  BTU được sử dụng để mô tả giá trị nhiệt (năng lượng) của nhiên liệu và cũng để mô tả công suất của các hệ thống sưởi ấm và làm lạnh, như lò sưởi, lò sấy, lò nướng và điều hòa nhiệt độ. BTU là đơn vị trong hệ do lường của nước Anh. 1BTU là nhiệt lượng cần thiết để làm 1 pound nước (đơn vị đo 1cân Anh = 0,454kg) nóng lên 1độ F (độ Fahrenheit là thang đo độ của Anh, tương đương 5/9 độ C).  Máy điều hoà 9000BTU còn có khái niệm tương ứng 1 mã lực (sức ngựa), 1 ngựa.  Mã lực là khái niệm đầu tiên của James Watt người Scotland sử dụng đầu tiên vào năm 1782 để so sánh sức mạnh động cơ hơi nước của ông với sức mạnh một chú ngựa trung bình có thể nâng được 33 ngàn cân Anh  lên cao 1 foot (đơn vị đo chiều dài của Anh = 30,48 cm) trong 1 phút. Máy 9000BTU tương đương 2,6KW năng suất lạnh (không phải điện năng tiêu thụ).  Còn 12000BTU lại là đơn vị nhiệt lượng cần thiết để làm tan một short ton (907KG) nước đá chia cho số giây trong một ngày.  Năng suất lạnh 12000BTU = 1tấn lạnh = 3,5 kw
          2. Nên sử dụng loại máy ĐHNĐ nào cho phù hợp ?
      Ngoài hai loại máy điều thông dụng trên đây còn có các loại công suất lạnh lớn hơn cho các hội trường lớn, hoặc một số nước có loại nhỏ 4000, 5000 BTU lắp cho các phòng nhỏ. Đối với chúng ta thông thường người ta căn cứ vào diện tích phòng, hoặc m3 phòng để bố trí máy phù hợp. Với diện tích phòng 15 - 18m2 nên lắp máy điều hòa có năng suất lạnh 9.000 BTU/h tương đương 2,6kW; Phòng từ 20- 24m2 nên lắp máy điều hoà có năng suất lạnh 12.000 BTU/h tương đương 3,5kW. Với thể tích m3 phòng thì theo công thức: số m3  phòng chia cho hệ số 40, thí dụ phòng 4.5m x 3m x cao 3m= 40,5m3 / 40=1  thích hợp với máy 9000BTU/h, phòng có chỉ số trên 1. 3 nên dùng máy 12.000BTU/h
        3. Sử dụng máy ĐHNĐ cần chú ý điều gì ?
      Phong treo máy điều hoà nên kín để tránh thoát nhiệt, phòng càng giảm thoát nhiệt thì máy càng có hiệu quả cao. Cửa kính là vật liệu dễ hấp thụ nhiệt, vì thế đối với phòng có cửa kính thì cần có rèm hoặc ri đo che để cửa kính giảm hấp thụ nhiệt vào phòng
      Máy điều hoà khi đã mát để chế độ 26-28 độ là tích hợp nhất cho cả trẻ em và người lớn; để ở nhiệt độ cao đỡ tốn điện hơn nhiều so với để chế độ rất thấp. Hiện nay máy điều hoà có loại có chế độ biến tần Inverter, là công nghệ làm thay đổi công suất vận hành thông qua việc điều chỉnh tần số. Máy điều hòa không khí Inverter tăng công suất cực đại ngay khi khởi động và đạt tới nhiệt độ cài đặt rất nhanh, làm lạnh phòng nhanh chóng.
Nếu sử dụng loại này không chỉ giúp chúng ta có chế độ cài đặt theo ý muốn mà quan trọng còn giúp tiết kiệm điện có hiệu quả.
       Máy sử dụng một thời gian, nên định kỳ hàng năm gọi thợ lau chù bảo dưỡng để máy sạch và bền. Ở môi trường bụi bẩn, nếu thấy máy ĐHNĐ giảm mát, khi chưa cần đến thợ thì phải nghĩ ngay đến bẩn lọc gió; có thể nhấc vỏ máy lên phía trên, sau đó kéo hai tấm lọc gió xuống dùng bàn chải mềm rửa sạch bụi bẩn trong chậu nước hoặc lấy bơm tay tưới cây xịt sạch bụi, lắp lại máy chạy sẽ mát liền (nhớ tắt Atomats điện trước khi tháo máy)
       Một máy điều hoà của chúng ta hàng ngày tiêu tốn trên dưới 1kw điện trong 1 giờ. Tính ra một máy dùng ít trong khoảng 14 giờ/ ngày (đêm và trưa) thì cũng đã sử dụng tới 600.000đ/tháng. Bởi vậy khi tắt máy điều hoà, hàng ngày (không phải tắt dài ngày) cần tắt Atomats điện, vì sau khi tắt bằng điều khiển máy còn ngốn thêm điện để vận hành đóng máy. Điều này cùng với những chú ý trên sẽ gúp chúng ta góp phần tiết kiệm điện đáng kể mà không mấy người đã biết.
           Rất mong được chia xẻ cùng mọi người để được tận hưởng niềm vui cùng với máy ĐHNĐ thân thiết của mình./.


Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015

Giá trị vững bền của Tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam

   Sau 30 năm lặn lội khắp chân trời góc bể, trước muôn vàn thử thách hiểm nguy để tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc mới tiếp cận, chọn lựa và đi đến một khẳng định dứt khoát : “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất, chắc chắn nhất đó là Chủ nghĩa Lê Nin”.(1)
    Tìm được con đường cách mạng, Nguyễn Aí Quốc vui đến rơi nước mắt. Ngồi một mình trong phòng mà nói to như nói với đồng bào: “Hỡi đồng bào bị đoạ đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”(2). Có trong tay con đường cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã không ngừng nghiền ngẫm học tập để thấu hiểu sâu sắc. Người đã mang nó về Việt Nam và cùng nhân dân tiến hành cách mạng làm nên những kỳ tích lịch sử. Sau hơn 60 năm phấn đấu và trãi nghiệm, Chủ nghĩa Mác Lê Nin ở việt Nam đã trở nên sống động, gần gủi, dễ hiểu, được người dân đón nhận, ngưỡng mộ một cách tự giác tin theo để làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới. Với những thành công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước trong những bước đi đầu tiên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn chặt tên mình lên học thuyết mà mình đã lựa chọn. Một bước ngoặt mới trong cách mạng nước ta đã xuất hiện bằng sự kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX khẳng định Tư tưởng Hồ Chí Minh “là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê Nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại”(3).
       Giá trị to lớn của Tư tưởng Hồ Chí Minh đó là sự bao quát phong phú mọi vấn đề lý luận về chiến lược, sách lược và phương pháp cách mạng, “là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam(4). Mỗi một vấn đề cơ bản ấy giờ đây đang là những bài học lớn cho toàn thể cán bộ đảng viên và nhân dân hàng ngày soi rọi trên từng bước đi của mình. Đảng đã có chủ trương phát động chúng ta học tập Tư tưởng Hồ Chí Minh trên một số vấn đề lớn như vấn đề Dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc; Chủ nghĩa xã hội và con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; Đảng cộng sản Việt Nam; Đại đoàn kết dân tộc; Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; Tư tưởng xây dựng nhà nước của dân, vì dân, do dân; Tư tưởng quân sự; về Đạo đức, Nhân văn, Văn hoá; Vấn đề nói đi đôi với làm; Thực hành tiết kiệm; Tận tuỵ, trung thực, gần dân, trách nhiệm trong công việc...và còn rất nhiều vấn đề quan trọng, có ý nghĩa khác các thế hệ chúng ta sẽ tiếp nối học tập và là theo tấm gương đạo đức của Người. Từ trong cuộc sống, học tập và làm theo, chúng ta thấu hiểu thêm giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
     Đôí với công cuộc xây dựng xã hội mới, theo Người đây là "cuộc cách mạng vĩ đại và vẻ vang nhất trong lịch sử loài người, nhưng đồng thời cũng là một cuộc cách mạng gay go, phức tạp và khó khăn nhất"(5).   Tuy vậy Người cũng đã phác hoạ một phần để chúng ta có cách nhìn cụ thể sát hợp với điều kiện Việt Nam.  Nếu Lê Nin cho rằng “chủ nghĩa xã hội sẽ như thế nào khi nó đạt tới những hình thức hoàn chỉnh của nó, điều đó chúng ta không thể biết, không thể nói lên được"(6). Thì chính Hồ Chí Minh đã cho chúng ta hình dung dễ hiểu về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam khi Người nói rằng: "CNXH trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc" (7). Trong xã hội ấy mọi người phải được tự chủ, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Con người được hưởng ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần, đoàn kết bình đẳng. Người còn cho rằng: “ chủ nghĩa xã hội là đoàn kết và muốn có CNXH cũng phải đoàn kết” (8) và một xã hội như vậy thì nhất thiết phải “ mọi người cùng ra sức lao động”. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng mới, Người vẫn thường xuyên nhắc nhở chúng ta bên cạnh những điều tốt đẹp đạt được chắc hẳn không tránh khỏi những trở lực, những thứ bọt bèo phải loại thải, Người ví như chúng ta "đang xây đắp ngôi lâu đài mới, thì chắc chắn không khỏi có những  mọn bào, gạch bể và những thứ ghét rác khác. Chúng ta phải quét dần dần"(9)....
      Đối với sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan niệm phải thường xuyên chăm lo và đồng hành với công cuộc xây dựng đất nước. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là hai sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong cách mạng việt Nam từ khi có Đảng. Khi chưa giành được độc lập thì mọi việc đều phải nhằm vào mục tiêu giành độc lập dân tộc. Người kêu gọi toàn dân đem sức ta mà giải phóng cho ta. Khi thời cơ đến thì Người yêu cầu “dù có phải đốt cháy cả dãy trường sơn cũng phải giành cho được độc lập”. Trong kháng chiến thực hiện tư tưởng của Người dân tộc Việt Nam đã kề vai sát cánh cùng nhau vừa kháng chiến vừa kiến quốc, hoặc tay cày tay súng; tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng. Mặc cho chiến tranh có phải kéo dài bao lâu nữa, Người vẫn khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Bảo vệ tổ quốc là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người dân yêu nước....
         Trong Tư tưởng Hồ Chí Minh chúng ta còn nhận ra giá trị to lớn ở tính nguyên tắc. Có thể khẳng định rằng đối với Hồ Chí Minh Tổ quốc, nhân dân và Đảng là trên hết. Đối với Người suốt cuộc đời chỉ muốn vì dân mà phục vụ, cống hiến, hy sinh vô điều kiện. Cái gì có lợi cho dân thì gắng sức làm cái gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Bản thân Người chỉ như người lính vâng mệnh lệnh Quốc dân ra trước mặt trận. Dân bảo làm thì làm, dân cho lui thì lui không dính líu gì đến vòng danh lợi. Bởi vậy Hồ chí Minh rất ghét thói lười biếng, thiếu trung thực, tư lợi, cục bộ, địa vị, sống xa hoa, lảng phí.... Người xem đó là thuộc Chủ nghĩa cá nhân, là giặc nội xâm cần phải loại bỏ.
          Thực hiện ước mơ cao quý của Hồ Chí Minh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp sánh vai với cường quốc năm châu; 85 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, Dân tộc ta đã viết nên những trang sử chói lọi: giành thắng lợi cả trong sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ; xây dựng thành công cơ sở vật chất trong chặng đường đầu tiên để đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước. Công cuộc đổi mới đang từng bước mang lại kết quả toàn diện cả về phát triển kinh tế văn hoá. Vị thế và uy tín của Việt Nam ngày một nâng cao trên thế giới. Đất nước đang đi vào quỹ đạo hội nhập mạnh mẽ trong xu thế toàn cầu hoá. Những đổi thay nhanh chóng của đất nước trong sự chuyển dịch từ cơ chế bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường đang được sự quan tâm và thừa nhận của các nước trên thế giới. Điều này càng khẳng định một lần nữa sức sống của chủ nghĩa Mác lê Nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh ở nước ta. Tuy vậy trong quá trình hội nhập chúng ta cũng không tránh khỏi những trở lực hay những thách thức lớn do sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường. Những “mụn bào, gạch vở, ghét rác” mà Hồ Chí Minh nhắc nhở có nơi có lúc đang trở thành những thách thức với niềm tin của nhân dân, đe doạ “sự sống còn của chế độ”. Sự xuất hiện nơi này nơi khác những vụ việc cá nhân, nhóm, bộ phận lợi dụng trách nhiệm hưởng lợi, làm thất thoát tiền của nhân dân; hay những vụ trọng án mang tầm quốc gia đều cho thấy họ đã xa rời Tư tưởng Hồ Chí Minh cả trong nhận thức và hành động thực tiễn. Học tập Tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thiết nghĩ mỗi một chúng ta hôm nay không chỉ học ở lý luận sách vở Hồ Chí Minh mà chúng ta học và làm theo đạo lý làm người của Hồ Chí Minh.
       Sắp đến ngày sinh nhật lần thứ 125 của Bác, trong mỗi người dân kính yêu Người, đâu đó lại hiện về những xử thế đầy cảm động của vị lãnh tụ mẫu mực và bình dị đời thường mà vô cùng vĩ đại. Trong chiến khu Việt Bắc xưa, một gói đường gửi tặng, Bác giành cho mọi người trong bếp ăn tập thể; sau ngày độc lập một bộ quần áo tặng Người nhân ngày lễ trọng, Bác tặng lại công nhân xuất sắc; trong xây dựng HTX, một con cá to gửi biếu, Bác xin trả tiền công chăn nuôi; ngày sắp đi xa, Bác vẫn xin bớt bác sĩ để chăm lo sức khoẻ cho dân..v.v... Nếu mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân hôm nay thực sự quyết tâm học tập và làm theo Người thì chắc chắn giá trị lý luận và thực tiễn của Tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ có ý nghĩa to lớn với sức sống mãnh liệt và trường tồn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc chúng ta./.

                                                                                       


Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh  : Toàn tập, T1, nxb CTQG, H, 1995, tr 267-268
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, HN. 2000, tập.10, tr. 127.
(3) Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX
(4) Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX
(5) Hồ Chí Minh Tuyển tập . T2. H. 1980.  Trang 88
(6) Lê Nin Toàn tập Tập 36. Nxb Mácơ va. 1977. trang 82-83
(7) Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch. Tập 6, trang 19
(8) Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh , nxb Nghệ Tĩnh 1990, Trang 347

(9) Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch. Tập 6, trang 16

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Niềm tin yêu của cử tri gửi vào người đại biểu


     Qua mỗi kỳ bầu cử, chúng ta lại cầm lá phiếu lựa chọn những người tài đức  làm đại biểu cho mình để hàng ngày đứng ra chăm lo giải quyết những vấn đề từ lớn đến nhỏ liên quan đến lợi ích cử tri. Tuy nhiên việc tiến hành bầu cử do cử tri không có điều kiện để hiểu biết tất cả mọi ứng viên nên phải thay vào đó là các cơ quan nhân sự, các cuộc hiệp thương bầu cử để có được danh sách tối ưu cho cử tri lựa chọn theo khu vực. Khi người đại biểu được bầu, thì đồng nghĩa với việc cử tri đã phó thác vận mệnh của mình vào người đại biểu. Còn người đại biểu có đáp ứng được niềm tin cậy của cử tri hay không lại phụ thuộc rất nhiều ở sự nổ lực hoạt động của họ. Cử tri có thể theo dõi hoạt động thực tiễn, nghe người khác nói lại, theo dõi sự xuất hiện trước công chúng hoặc những ứng xử tích cực trong các kỳ họp... mà gửi gắm, thể hiện mức độ tín nhiệm của mình với người đại biểu. Thông qua việc theo dõi hoạt động của người đại biểu, niềm tin, hay sự tín nhiệm sẽ tuỳ thuộc vào lợi ích từ kết quả nổ lực hoạt động của người đại biểu mang lại.  Thực tế cho thấy có nhiều đại biểu được cử tri nơi khác bầu lên, nhưng do hoạt động thực tiễn tích cực, những cử tri dù không trực tiếp bầu từ lá phiếu của mình vẫn luôn ngưỡng mộ và tin tưởng.
      Chung lại, những cử tri chân chính luôn mong muốn và gửi niềm tin yêu của mình tới người đại biểu mà họ luôn theo dõi và thấy hiện rõ một số vấn đề như sau:
     Trước hết, người đại biểu có cuộc sống lành mạnh; dù ở cương vị nào, dù có mức sống cao thấp ra sao cũng cần gắn mình vào cuộc sống thường nhật của cộng đồng. Chỉ khi người đại biểu có am hiểu tường tận và gắn mình được với cuộc sống của số đông cử tri thì khi đó mới có thể phát huy cao tinh thần trách nhiệm và phấn đấu vì lợi ích của cử tri.  Khi người đại biểu thấy được mình là người đại diện của cử tri, sẽ không còn nghĩ tới việc mình có quyền cao, chức trọng cần được quan tâm, ưu tiên và là cử tri đứng trên của mọi người. Có lẽ vì điều này mà Chủ tịch Hồ Chí Minh có lời phát biểu sâu sắc: “Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào uỷ thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui” (1). Thực tế đã không phải không có những đại biểu sau khi trúng cử đã trở thành một người hoàn toàn khác: quan cách, khó gần, khi nào cũng thấy mình là người quan trọng không muốn nghe, muốn biết những điều cụ thể. Mọi việc lớn bé đều trông chờ cán bộ tham mưu và bộ phận giúp việc giải quyết; tự cho mình có mọi quyền hành, sống cuộc sống khác và có quyền ban phát quyền lợi cho mọi người. Những vị đại biểu như vậy chắc chắn sẽ có độ tín nhiệm thấp.
      Người đại biểu hiểu được tâm tư nguyện vọng của cử tri. Dù bất luận trong hoàn cảnh nào; có thể đáp ứng hay chưa đáp ứng thì vấn đề cử tri quan tâm nhất thiết người đại biểu phải quan tâm. Quan tâm chia xẻ nguyện vọng với cộng đồng, đó mới chính là người đại biểu thực thụ của cử tri. Khi người đại biểu thờ ơ với điều cử tri đang quan tâm thì chắc chắn cử tri sẽ quay lưng với người đại biểu. Điều này cho thấy việc tổ chức tiếp xúc cử tri theo định kỳ là cần thiết nhưng chưa đủ. Người đại biểu có trách nhiệm cao cần giành thời gian thoả đáng để hiểu tường tận hơn những vấn đề cử tri đặt ra. Tận tâm chia xẻ cùng cử tri mọi vấn đề về cả đời sống vật chất lẫn tinh thần. Ngày nay trong cơ chế thị trường, sự đa dạng trong nhu cầu cuộc sống và sự bùng nổ thông tin đa chiều. Bên cạnh nguồn thông tin chuẩn mực, chính xác cao vẫn còn không ít những thông tin ảo không sát thực tiễn. Đây là những thách thức phức tạp cho người đại biểu khi tiếp nhận cần một sự sàng lọc, kiểm định tốt mới có thể xử lý hiệu quả. Khi đã nắm bắt được nguyện vọng của người dân thì phải tích cực tham gia giải quyết; kết quả xử lý thế nào cần phản hồi trở lại, Không nên để tồn đọng kéo dài tới tận những nhiệm kỳ sau. Nếu đại biểu thường xuyên “xin tiếp thu ý kiến để phản ánh lên trên” mà không có kết quả phản hồi thì cử tri sẽ mất dần niềm tin và lần sau không còn quan tâm nữa.
       Để có được sự đồng thuận và gửi gắm niềm tin từ cử tri, người đại biểu chân chính cần có bản lĩnh và trí tuệ và lòng dũng cảm. Người đại biểu dám nghe và dám mang tiếng nói của cử tri vào nghị trường, “nói tiếng nói của người dân” trong diễn đàn đại biểu; nói và làm luôn đi đôi với nhau. Đây là vấn đề hết sức quan trọng vì không phải mọi vấn đề được nêu ra, một người đại biểu có thể đáp ứng được, cũng như không phải ý kiến nào của cử tri đều bày tỏ đúng mức; trong khi cuộc sống lại đặt ra rất nhiều yêu cầu bức thiết và không loại trừ những vấn đề liên quan đến đại biểu cấp cao. Hơn thế có nhiều vấn đề chỉ diễn ra bức xúc, hay phù hợp chỗ này mà không phải ở chổ khác. Bất cứ người cử tri nào cũng đều mong muốn mọi người đại biểu phải bám sát cuộc sống, mang được yêu cầu, hơi thở cuộc sống của cử tri đến công đường, nghi sự. Số đông cử tri, người lao động không quan tâm nhiều đến chức tước, địa vị của người đại biểu mà chỉ thực sự quan tâm khi được thấy người đại biểu bàn định và giải quyết hữu ích nhất những vấn đề liên quan đến cuộc sống của người dân. Khi đó cử tri sẽ không còn nghĩ đến ai bầu ra người đại biểu nữa, mà chỉ còn biết đồng tình ủng hộ và gửi niềm tin vào người đại biểu ấy.
       Một đại biểu có tín nhiệm cao phải là một cử tri mẫu mực, trước và sau khi bầu cử, người đại biểu luôn nhớ mình còn phần trách nhiệm người cử tri trong nhiều mối quan hệ khác, chứ chưa phải đã hết mọi trách nhiệm cử tri. Điều này đòi hỏi người đại biểu luôn phải cố gắng hoàn thành tốt phần việc chuyên môn của mình và mọi công việc được giao; bởi đại biểu là nhất thời, cử tri là vĩnh viễn. Đây là sự công bằng trong một xã hội dân chủ, bởi trong xã hội ấy mọi người phải ra sức làm việc để cùng hưởng lợi. Người đại biểu hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn cũng có nghĩa người đại biểu ấy là một công dân tiêu biểu, xứng đáng là đại biểu của dân, để đứng ra lo cái lo của dân, hưởng cái dân được hưởng.
       Một đại biểu thể hiện rõ nét những tố chất trên chắc chắn sẽ quy tụ được niềm tin yêu và sự ủng hộ lớn của đại đa số cử tri.  Đây chinh là cở sở quan trọng để người đại biểu đưa ra được những quyết sách hợp lòng dân và luôn thực hiện thành công trong thực tiễn./.

                                                                                 

(1)  Hồ Chí Minh. Trả lời nhà báo nước ngoài. Tuyển tập II. nxb CTQG. H. 2002. trang 46


                                                                       

Vang mãi niềm tự hào với chiến thắng trời quê

      Nửa thế kỷ trôi qua, song mỗi người dân Hà Tĩnh vẫn chưa bao giờ quên trận đánh quyết liệt, chiến thắng lẫy lừng với không lực Hoa Kỳ trên trận chiến Núi Nài lịch sử.
     Ngày đó sau những thất bại thảm hại trong chiến lược chiến tranh cục bộ trên các chiến trường miền Nam; Đế quốc Mỹ đã mở rộng chiến tranh phá hoại ra cả miền Bắc. Sau thất bại nặng nề trong 2 chiến dịch “Mũi lao lửa”,  “sấm rền” ở trận tuyến Vĩnh Linh (Quảng Trị) và vĩ tuyến 19 trở ra; đặc biết là sau những vố thua đau từ các phi vụ đánh phá miền Bắc, giới cầm quyền Mỹ cho rằng sự tổn hại của không lực Hoa Kỳ vừa qua chính là do hệ thống Ra đa của Bắc Việt Nam. Bởi vậy Tổng thống Mỹ Giôn - Xơn quyết định mở chiến dịch, trở lại oanh tạc miền Bắc chú trọng việc phá hoại hệ thống ra đa, thần kinh điện tử đầu não Bắc Việt, trong đó có hệ thống ra đa khu vực miền Trung - nhịp cầu nối gữa hai miền Nam Bắc Việt Nam.
        Trạm ra đa Núi Nài nằm ở độ cao gần 80m so với mặt nước biển, án ngự phía Đông Nam Thị xã Hà Tĩnh cách không xa với  quốc lộ 1A, tuyến đường huyết mạch Bắc Nam và gần Cầu Phủ bắc qua Sông Phủ là vị trí chiến lược xung yếu trên tuyến giao thông huyết mạch của cả nước. Cắt đứt mạch máu giao thông là mục tiêu số một của không lực Hoa Koa Kỳ khi chúng mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Đối với Hà Tĩnh, lực lượng chủ yếu thường xuyên bảo vệ cơ quan đầu não của tỉnh và các trọng điểm quan trọng của tỉnh, có đại đội pháo 27 bộ đội chủ lực, trung đội pháo 12 ly 7 gồm cả Nam và nữ lực lượng tự vệ địa phương tuổi đời còn rất trẻ.
Trong các ngày 13,  23 và 24/3/1965, đế quốc Mỹ đã huy động hàng chục loạt máy bay chiến đấu tấn công vào Trạm quan sát Hải quân và Đồn Công an vũ trang 112 Đèo Ngang, Kỳ Anh, Trạm ra đa Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh) và ra đa Đồng Hới (Quảng Bình). Ngay sau khi  2 trạm ra đa Vĩnh Chấp, Đồng Hới bị tấn công, Bộ tổng tư lệnh Phòng không lệnh cho Trung đoàn 290 ra đa chỉ huy sở tại Nghệ An vào phối hợp cùng Ban chỉ huy tỉnh đội Hà Tĩnh xây dựng phương án tác chiến. Công tác chuẩn bị chiến đấu diễn ra rất khẩn trương. Hệ thống ra đa trên Núi Nài được kịp thời di chuyển đến nơi an toàn, nhường nguyên vị trí cũ dựng lên thay thế bằng cụm ra đa giả, nhằm nhử cho máy bay địch lao xuống oanh tạc để tiêu diệt. Từ đêm 24/3 công việc chuẩn bị làm ra đa giả ngay lập tức được triển khai dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban tác chiến, có sự tham gia tích cực của tự vệ, công nhân xí nghiệp gỗ cùng dân quân xã Đại Nài. 12 giờ trưa ngày 25/3, trạm ra đa giả đã dựng lên tại Núi Nài. Được quân khu tăng cường lực lượng, tỉnh đã tổ chức 5 cụm trực chiến trong khu vực Thị xã và 7 cụm chiến đấu ở các xã phụ cận như Thạch yên, Đại Nài, Thạch Phú, Thạch Linh, Thạch Trung, Thạch Quý, Thạch Hưng. Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân điều Tiểu đoàn 8 học viên Trường sĩ quan không quân từ Quảng Bình ra và 1 Trung đội 12ly7 từ Nghệ An vào tăng cường hoả lực chiến đấu. Ngành Bưu Điện, cùng Ban Thông tin tỉnh được giao nhiệm vụ đảm bảo công tác thông tin liên lạc và chỉ huy chiến đấu. Hệ thống thông tin chỉ huy được nối với hệ thống truyền thanh trên toàn khu vực thị xã để vừa chỉ huy chiến đấu vừa hướng dẫn nhân dân sơ tán. Công tác đảm bảo chiến đấu như tiếp đạn tải thương, hậu cần cơ động trên trận địa giao cho lực lượng dân quân tại chổ. Ngay sau khi nhận được lệnh của cấp trên về việc kẻ địch chuẩn bị đánh phá ra đa Hà Tĩnh vào ngày 26-3 tới, lệnh sẵn sàng chiến đấu từ Sở chỉ huy đặt ở Tỉnh đội được nhanh chóng phổ biến đến tận các cụm chiến đấu và các lực lượng sẵn sàng chiến đấu. Thế trận đã sẵn sàng chờ đợi địch. Đúng 12 giờ 15 phút ngày 26 -3-1965, sau hai đợt bay do thám vào trưa 25/3, phát hiện đúng mục tiêu trạm ra đa của ta, kẻ địch huy động 26 lần chiếc với các loại máy bay chiến đấu AD6, F105, F4H, F8U...mở cuộc không kích vào trận địa Núi Nài, Hà Tĩnh. Hàng trăm quả bom, đạn rốc két và liên tiếp các loạt đạn 20 ly của địch bắn xuống các trận địa. Đặc biệt khi phát hiện hoả lực của đại đội pháo 27 chúng tập trung tấn công dồn dập. Thị xã Hà Tĩnh rung chuyển trong tiếng bom rền đạn réo, khói bụi mù mịt cùng với lưới lửa đỏ trời của hệ thống phòng không của ta bao gồm súng trường, tiểu liên, đại liên và pháo cao xạ. Đại đội trưởng, chính trị viên, pháo thủ, trắc thủ của đại đội 27 bị thương, nhưng không một ai rời vị trí chiến đấu. Dưới làn đạn địch dân quân các xã, tự vệ xí nghiệp mộc, xí nghiệp bánh kẹo, các cháu thiếu nhi xóm Thành Đông, học sinh và thầy giáo trường cấp 3 Phan Đình Phùng đã nhanh chóng có mặt qua lại như những con thoi tiếp đạn, tải thương, sữa chữa, nguỵ trang công sự trận địa, phục vụ chiến đấu.
     Sau gần 4 giờ đọ sức với sự chống trả kiên cường của hoả lực chiến tranh nhân dân từ mảnh đất Hà Tĩnh, những biệt danh như Thần sấm, Con ma của không lực Hoa Kỳ phải ôm lửa bỏ xác, tả tơi rơi xuống khắp núi đồi biển cả. Kẻ địch cay cú sau thất bại đã phải chấm dứt và từ giả trận chiến núi Nài lịch sử.
 Không chỉ việc buộc địch chấp nhận thất bại, Phương tiện ra đa và binh lực chiến đấu của ta cơ bản được bảo toàn. Chiến thắng trận đầu đánh Mỹ 26-3 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cao trào chống Mỹ cứu nước của nhân dân Hà Tĩnh nói chung, thị xã Hà Tĩnh nói riêng lúc bấy giờ; giải toả được tâm lý hoang mang sợ Mỹ, ngại hy sinh gian khổ trong một ít đảng viên, quần chúng. Thắng lợi trận đầu đánh Mỹ còn minh chứng cho tinh thần sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu dũng cảm , hợp đồng chiến đấu chặt chẽ giữa quân và dân, giữa lãnh đạo với chỉ huy, cũng như việc  chuẩn bị lực lượng và thế trận, lựa chọn phương thức đánh máy bay địch phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Cùng với các lực lượng chiến đấu từ các điạ phương, quân dân Hà Tĩnh đã vui sướng tự hào bắn rơi 12 máy bay Mỹ làm nức lòng đồng bào chiến sĩ đúng như cảm nhận của nhà thơ Duy Thảo:
                     “ Quê hương ơi! chiều nay nghe náo nức
                         Đài truyền đi tin chiến thắng vang lừng
                        Hà Tĩnh quê ta trận đầu thắng Mỹ
                        Niềm tự hào nước mắt bỗng rưng rưng...”
     Giờ đây chiến tranh đã lùi xa, Núi Nài đã lành lặn vết thương do bom đạn. Thị xã đã chuyển lên Thành phố đang ngày một khởi sắc sau gần 30 năm đổi mới. Nhiều công trình hiện đại mọc lên cùng các cụm nhà dân, siêu thị, xí nghiệp, trường học, bệnh viện... khang trang bên những con đường mở rộng bằng phẳng. Hà Tĩnh đang trở thành đơn vị dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế và giành nhiều kết quả đáng mừng trên các lĩnh vực. Trong mỗi bước đường đi lên ấy, chúng ta không khỏi phải trải qua những thử thách quyết liệt trong trận chiến chống lại sự nghèo nàn lạc hậu, chống lại những lực cản về sự cố hữu, bảo thủ cùng với những tác động méo mó của cơ chế thị trường. Song dầu sao những kết quả đạt được đã cho thấy một tinh thần phấn đấu quyết liệt, sự huy động sức mạnh tổng hợp nhiều nguồn với cả hệ thống chính trị, khơi dậy được sức mạnh nội lực truyền thống địa phương. Trong đó có việc lấy sức ta để giành chiến thắng cho ta mà trận thắng 26-3 mà một minh chứng.
             Những gì đạt được hôm nay của Đảng bộ, nhân dân và nhớ lại những chiến công trong lịch sử, ta cảm thấy như có những mối liên hệ bền chặt. Chúng ta vui với niềm vui hôm nay và nhớ về niềm vui quá khứ chắc chắn sẽ còn giúp ta tăng thêm  phấn chấn để giành thêm nhiều thắng lợi. Bởi thế năm mươi năm đã qua, nhớ lại trận thắng Núi Nài oanh liệt, ta như cảm thấy niềm tự hào của chiến thắng trời quê như vẫn cùng quê hương vang mãi niềm tự hào. /.




Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

Về tín ngưỡng đi đền chùa của người Hà Tĩnh

     Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của người Việt nói chung, hàng trăm năm xây dựng và bảo vệ quê hương Hà Tĩnh nói riêng; người Hà Tĩnh trong muôn vàn những thành công góp phần bảo vệ vững chắc nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, nền văn hoá đậm nét bản sắc dân tộc, quê hương.
     Tuy vậy bên cạnh những kỳ tích đạt được con người nơi đây vẫn không khỏi có lúc phải hứng chịu những hy sinh, mất mát lớn, những thiệt thòi trong những bộ phận cộng đồng, thân phận cụ thể, những gia đình cụ thể. Cũng có khi trong sự trưởng thành đã có người gặp được những may mắn, thành công ngoài khả năng và điều kiện hiện có của mình làm cho họ phấn chấn và có những mong muốn thành công hơn... Trong những hoàn cảnh đó người ta thường tìm đến, nương tựa vào sức mạnh, chổ dựa tinh thần đó là những đấng thần linh, thánh hiền, phật tổ siêu nhiên từ các đền, chùa, đình, miếu. Có lẽ tín ngưỡng này không chỉ riêng có của người Hà Tĩnh mà là chung cho mọi người dân Việt.
       Đáng chú ý trong đó là hệ thống đền thờ do người dân dựng nên để thờ các vị thánh hiền có công lao giúp ích cho đời, nêu tấm gương trung, hiếu, trí, dũng trong việc bảo vệ biên cương bờ cõi,  răn dạy đời sau về đạo lý làm người hoặc để ghi nhớ bậc thành hoàng - người có công khai hoang lập ấp, xây nên một cộng đồng dân cư hội tụ sinh sống.  Đây là những địa chỉ thờ tự do con người dựng nên trong suốt chiều dài lịch sử. Người dân đi lễ đền để cầu xin tài lộc, chức tước, sức khoẻ, làm ăn phát đạt, sự bình an hạnh phúc trong đời sống gia đình....Con người đi đến chốn linh thiêng trở về gặp may mắn thì càng lôi cuốn nhiều người cùng đến cầu xin phù hộ, độ trì. Bởi vậy nhiều nơi hàng năm đã tổ chức thành lễ hội với sự tham gia của hàng ngàn hàng vạn người không chỉ có người địa phương mà còn lôi cuốn khách thập phương cùng về lễ hội. Trong số khoảng 8.000 lễ hội toàn quốc hàng năm có không ít lễ hội lớn trên địa bàn Hà Tĩnh. Đây là những hoạt động mang tính cộng đồng đang trở thành những hoạt động tín ngưỡng không thể thiếu của người dân mọi miền tổ quốc.
    Ở Hà Tĩnh ngoài hệ thống chùa cổ nổi tiếng như chùa Hương Tích và nhiều chùa mới được phục dựng thờ phật, còn có rất nhiều ngôi đền được truyền tụng linh thiêng như đền bà Hải, đền bà Chúa Lộc, đền ông Hoàng Mười, đền Võ miếu, Sinh từ.... Nét đặc biệt là hệ thống đền miếu Hà Tĩnh rất phong phú về sự tích nguồn cội. Có đền thờ người có công đánh giặc, hiến kế sách giữ nước như Bà Nguyễn Thị Bích Châu (Đền bà Hải, ở huyện Kỳ Anh); Đền Lộc Hoa công chúa (tam toà thánh mẫu) thờ vị tướng bà (ở huyện Thạch Hà), Đền tướng quân Lê Khôi đánh quân Minh (ở huyện Lộc Hà). Ở Hà Tĩnh có cả đền thờ thờ người tài năng đức độ, có công lớn trong việc giữ gìn sự ổn định đất nước ngay khi người đó còn sống, đó là Sinh từ thờ Tướng quân Hà Tông Mục (ở huyện Can Lộc). Trong sự giao thoa văn hoá phương Đông, đền thờ Hà Tĩnh còn có đền Võ Miếu (ở Thành phố Hà Tĩnh) thờ vị tướng đứng đầu ngũ hổ thời nhà Thục Trung Quốc đó là Quan Văn Trường, một vị tướng được ca ngợi tài ba văn võ, chính liêm, đức độ gây ảnh hưởng lớn cả trong  Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo...
        Dĩ nhiên, cũng phải nói thêm rằng sau nhiều năm chiến tranh tàn phá hệ thống đền, chùa, đình, miếu bị mất mát, hư hỏng nhiều. Trong khi hệ thống đền chùa đang từng bước được bổ sung hoàn thiện; việc tổ chức nghi lễ và điều kiện đảm bảo còn nhiều bất cập thì những kẻ hở cho kẻ xấu lợi dụng, gây lôn xộn, mất trật tự, hủ tục, mê tín, nạn “buôn thần bán thánh”  xuất hiện ở chổ này chổ khác...là điều không trảnh khỏi. Đây là những hành vi trái ngược ở chốn linh thiêng đáng trân trọng, rất cần được chấn chỉnh, tổ chức quản lý càng ngày càng chặt chẽ hơn để người dân yên tâm hành lễ, hay vãn cảnh đền chùa sau những ngày lao động mệt nhọc.
         Một điều nữa là hoạt động tâm linh tín ngưỡng của người dân trong lễ các đền chùa là sự tự do tín ngưỡng được Nhà nước cho phép. Việc tổ chức hành lễ nghiêm trang trước đức phật, thánh thần dù xuất xứ từ đâu không đồng nghĩa với việc thần phục, lệ thuộc quốc gia có xuất xứ thánh thần đó. Một vị thánh linh thiêng có thể được nhiều nơi thờ tự. Chẳng hạn quan Văn Trường, Khổng tử không chỉ có đền thờ ở Hà Tĩnh mà còn nhiều nơi khác.  Hơn nữa một vị tướng tài ba cũng không chỉ có đền thờ trước hết ở mảnh đất quê mình. Có lẽ việc tôn kính thờ tự người tài cao đức dày cũng là một truyền thống đạo lý tốt
của người Việt nói chung, người Hà Tĩnh nói riêng. Điều này hoàn toàn không có ảnh hưởng gì đến vận mệnh, Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia trên thế giới.
        Thiết nghĩ việc đi lễ đền chùa của người Hà Tĩnh là hoạt động tự do tín ngưỡng theo luật pháp của Nhà nước Việt Nam quy định. Từ xưa đến nay ngưởi dân vẫn tự hào: Hà Tĩnh là vùng đất có bề dày trưyền thống Văn hoá và cách mạng./.

                                                                                             2-2014


Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

Một số quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh đối với thanh niên

         Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng cộng sản Việt Nam đã khẳng định: Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác Lê Nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại.  Xuyên suốt trong hệ thống tư tưởng ấy vấn đề đối với thế hệ trẻ bao gồm cả đội ngũ thanh, thiếu niên và nhi đồng luôn được Người xem là lực lượng hậu bị quan trọng quyết định vận mệnh và tương lai của dân tộc. Đặc biệt đội ngũ đoàn viên và thanh niên là “cánh tay phải của Đảng”, lực lượng hậu bị trực tiếp của cách mạng. Đội ngũ hiện có là nguồn lực báo trước cho những bước phát triển của đất nước nói chung, nhân loại nói riêng. Chủ tịch đã rất tin tưởng và gửi gắm niềm tin vào thế hệ trẻ khi nói rằng: “ Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội” (1).
        Trước hết  Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò, vị thế của đoàn viên thanh niên, bởi đội ngũ này có rất nhiều thế mạnh. Thanh niên là đội ngũ đang trưởng thành ở độ sung sức nhất của cuộc đời, có thể lực sức khoẻ tốt, nhanh nhạy, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn. Thanh niên có thể dám xông pha, đảm nhiệm những công việc nặng nhọc đòi hỏi thử thách khó khăn nhất. Theo suốt chiều dài lịch sử thì thanh niên vừa được tiếp sức bởi những kinh nghiệm tinh tuý trong truyền thống cha ông vừa lại được tiếp nhận những tinh hoa văn hoá và khoa học kỷ thuật tiên tiến hiện đại của nhân loại. Số lượng thanh niên ngày một đông thêm với sự phát triển cả về trí tuệ và thể lực thì họ không những chỉ đảm đương sứ mệnh xã hội hiện tại mà còn có thể kết nối khăng khít giữa thế hệ quá khứ với tương lai. Người nói: “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách, dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai”(2). Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”, “nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên”(3).
       Tuy nhiên để phát huy được vai trò và vị thế của mình theo Hồ Chí Minh đoàn viên và thanh niên không thể chỉ ngồi đợi mà phải nổ lực không ngừng, phấn đấu không mệt mỏi. “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đòi hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã là gì cho nước nhà ?. Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn ?. Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào ? ” (4). Nói một cách đơn giản là đoàn viên thanh niên phải xác định rõ trách nhiệm phấn đấu của mình, có bước đi cụ thể để đạt được mục tiêu lý tưởng, xứng đáng chủ nhân tương lai đất nước. Theo Hồ Chí Minh tuổi trẻ trước hết phải chăm lo học tập để nâng cao trình độ hiểu biết về chính trị, văn hoá, khoa học kỷ thuật, nghiệp vụ để tiến bộ mãi, để sẵn sàng trở thành cán bộ tốt, đảng viên tốt. Có hiểu biết là rất quan trọng nhưng muốn biến được hiểu biết thành kết quả trong hành động, thanh niên cần xây dựng được kế hoạch, có bước đi phù hợp. Hồ Chí Minh khuyên thanh niên: “Chớ đặt những chương trình kế hoạch mêng mông, đọc nghe sướng tai nhưng không làm được. Việc gì cũng cần phải thiết thực: nói được, làm được. Việc gì cũng từ chổ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hiện được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được”(5). Thấu hiểu sâu sắc tâm lý tuổi trẻ Hồ Chí Minh khuyên thanh niên dầu có thành tích và thành công trong công việc tuyệt đối không được “kiêu ngạo, tự mãn, tự túc, nên nói ít, làm nhiều”. “Các sự hy sinh khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn sự sung sướng thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước (tiên thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc)”.  Thanh niên cần xác định cho mình những đam mê trong trách nhiệm: “Ham làm những công việc ích quốc lợi dân. Không ham địa vị và công danh phú quý”. “Các việc đáng làm thì có khó mấy cũng quyết tâm làm cho kỳ được”. (6)
      Nói như vậy không có nghĩa là chỉ cần xác định được trách nhiệm chính trị thanh niên có thể làm được mọi việc theo ý muốn. Trong quan niệm Hồ Chí Minh một nét biện chứng rất cần được quan tâm, đó là trách nhiệm đúng phải được đặt trong một môi trường tốt thuận lợi. Môi trường sẽ là điểm tựa, là yếu tố có tác động mạnh mẽ tới kết quả phấn đấu và trưởng thành của tuổi trẻ nói chung, đoàn viên thanh niên nói riêng. Có ba yếu tố tạo nên một môi trường tốt cho thanh niên đó là tác động của xã hội đang sống, tác động của đội ngũ những người đi trước và sự tự thân vận động trãi nghiệm qua thực tiễn của chính đội ngũ thanh niên. Vì thế để có một môi trường tốt cho thanh niên thì trước hết xã hội cần phải chăm lo giáo dục tốt. Giáo dục toàn diện bao gồm cả thể dục, trí dục, mỹ dục, đức dục. Trong đó đức dục gồm 5 cái yêu: “yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công”(7) . Phải giáo dục tốt cho thanh niên để “ Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Tuy nhiên giáo dục nhà trường cũng chỉ là là việc chuẩn bị nền tảng đầu tiên cơ bản cho thanh niên. Có một tác động giáo dục rất lớn thường xuyên diễn ra đó là tấm gương của những lớp người đi trước, của thế hệ đàn anh. “Một tá cương lĩnh không bằng một tý hành động”, vì chính hành động của những cán bộ, đảng viên đi trước sẽ thu hút việc làm theo của thế hệ trẻ. Lớp người đi trước phải là những tấm gương sáng về mọi mặt để làm mục tiêu và niềm tin vững chắc cho các thế hệ thanh niên tự rèn luyện, vượt qua thử thách chính mình mà nối bước và trưởng thành.
           Theo Hồ Chí Minh, để thanh niên có điều kiện phát huy hết tiềm năng thế mạnh của mình thì không thể không nói tới vai trò của tổ chức Đảng.  Đương thời Người thường xuyên nhắc nhở cấp uỷ Đảng các cấp phải “Phải củng cố tổ chức Đoàn, phải đoàn kết nội bộ thật chặt chẽ và phải đoàn kết rộng rãi các tầng lớp thanh niên” (8). Chủ tịch thường xuyên phê phán gay gắt tư tưởng hẹp hòi, thủ cựu đối với thanh niên. Người yêu cầu cần bồi dưỡng, bố trí, đề bạt cán bộ trẻ, vì có như vậy mới xây dựng đội ngũ kế cận lớp người đi trước,  Người từng nói: “trẻ 30 tuổi cũng đã già” . Tổ chức Đảng phải xây dựng kế hoạch để từng bước đưa cán bộ trẻ vào các vị trí quan trọng trong Đảng. Đây là bước đi quan trọng nhất để thanh niên phát huy cao nhất vai trò và thế mạnh của mình trong sự nghiệp cách mạng mới. Trong Di chúc để lại cho muôn đời sau Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “ Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.
      Hiện nay toàn Đảng đang đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với chủ đề “về trung thực, trách nhiệm; gắn bó với nhân dân; đoàn kết xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh”. Khắp nơi đang bước vào đợt sinh hoạt chính trị sôi động hướng tới Đại hội Đảng các cấp. Chắc chắn những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thanh niên đang mở cho chúng ta những chìa khoá cần thiết để dẫn thanh niên bước vào vận hội mới trên con đường xây dựng đất nước quê hương giàu đẹp./.
                                                                          

Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh về  đạo đức cách mạng, Nxb CTQG, HN, 1993, trang 195
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, T4, Nxb CTQG, HN, 1995, trang 315
(3) Hồ Chí Minh: Về giáo dục thanh niên, Nxb Thanh niên, HN, 1980, tr.82, 84.
(4) Hồ Chí Minh về  đạo đức cách mạng. Nxb CTQG. HN 1993. trang 200
(5)(6) (7)                 nt                                                            trang 197, 198, 201
(8) Hồ Chí Minh: Về giáo dục thanh niên, Nxb Thanh niên, HN, 1980, trang 165   



Xuân về khắp néo đường quê đổi mới

         Được đi cùng những đoàn chia xẻ kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của Liên hiệp các hội Khoa học & kỷ thuật, tôi mới có dịp xuống biển lên rừng khắp các miền quê nông thôn Hà Tĩnh để ngắm nhìn những đổi thay nhanh chóng của quê hương sau những năm đổi mới.
        Đã lâu rồi trong tiềm thức mỗi con người yêu mến vùng đất này thì Hà Tĩnh là một vùng đất hẹp luôn hứng chịu sự tàn phá của thiên nhiên khắc nghiệt và sự ác liệt của các cuộc chiến tranh. Biết bao người đã từng xót xa khi nghe tin hạn hán, bão lũ tàn phá vùng đất này cuốn trôi cả làng ra sông ra biển. Người dân nơi đây đã từng phải nai lưng chống trời với cái nắng như thiêu như đốt để mưu cầu cuộc sống dưới tán những chiếc áo tơi... Hay như trong chiến tranh đã có những vùng quê mà mồi mét vuông đất phải hứng chịu 3- 4 quả bom... người dân phải dỡ nhà lát đường cho xe ra tiền tuyến, hàng ngàn người con ưu tú của quê hương phải ra đi không trở lại...Lực lượng sản xuất do đó bị bào mòn, để rồi năm lại năm phải nhờ Trung ương giúp đỡ.
         Vậy mà chỉ sau gần 30 năm đổi mới, đặc biệt là sau 4 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vùng quê Hà Tĩnh đã có những đổi thay kỳ diệu. Gần như ai cũng thấy rằng muốn đi lên phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nguồn thu nhập để cải thiện sức sản xuất. Nhưng chuyển dịch thế nào, bắt đầu từ đâu là một bài toán không hề đơn giản. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2005-2010 đã có bước khởi đầu quan trọng: “ kêu gọi toàn thể đảng viên, cán bộ, công nhân, viên chức, cán bộ và chiến sỹ trong các lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà ... đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Hà Tĩnh từ một tỉnh nông nghiệp sớm trở thành một tỉnh có công nghiệp và dịch vụ phát triển ...” (1)
          Không khí thành công của Đại hội Đảng bộ như một luồng gió mới thúc đẩy sự biến động trong mỗi bộ óc con người, mỗi tầng lớp nhân dân, mỗi lĩnh vực hoạt động đến mỗi vùng quê phố phường thôn xóm. Trên tầm vĩ mô nhiều chủ trương lớn đã được triễn khai như trải thảm đỏ thu hút nhân tài, đẩy mạnh truyền thông, mở liên tục các cuộc xúc tiến kêu gọi đầu tư trên tinh thần cở mở, hợp tác và cùng có lợi. Khâu đột phá được chọn là xây dựng các khu kinh tế công nghiệp trọng điểm như Vũng Áng, Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, thuỷ lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, mỏ sắt.... Một chiến dịch lớn với sự tham gia của cả hệ thống chính trị được triễn khai để xây dựng các khu tái định cư, giải phóng mặt bằng nhường chổ cho hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng trên hàng ngàn héc ta đất. Các khu kinh tế này được xem như con chim đầu đàn về kinh tế của tỉnh dẫn đường cất cánh cho toàn bộ sự phát triển của tỉnh. Cùng với việc đẩy mạnh vùng kinh tế trọng điểm, tỉnh dồn sức chỉ đạo tập trung phát huy cao nhất sức mạnh nội lực xây dựng nông thôn mới. Có lẽ vì vậy mà giờ đây những quả ngọt đầu tiên đã ra hoa kết trái.
          Đi trên những con đường thôn bằng phẳng thêng thang ta cảm nhận ra nhiều hương vị mới. Đường thôn được mở rộng ra cho xe ô tô như nhỏ lại. Tết đến xuân về mà chẳng còn phải vội đi sắm thêm đôi ủng để đạp bùn sang thăm nhà hàng xóm. Nếu xưa kia nói đến Hà Tĩnh là nói đến kẹo Cu đơ, cá mát thì giờ đây phong phú hơn nhiều. Bạn bè gần xa đã từng được thưởng thức thú vị với đặc sản bưởi Phúc Trạch, Nhung hươu, mực nhảy, rượu trắng Hương bộc, Tuyết Mai, cam Khe Mây, cá chim trắng, ba ba, chim trĩ...và mới hơn nữa là nhiều sản phẩm thú vị từ rau sạch trồng trên cát.  Hương thơm vị ngọt đầu tiên đang làm gương mặt mọi người thêm rạng rỡ. Nếu năm 2005 toàn tỉnh thu ngân sách đạt 445 tỷ đồng thì nay đạt tới 11. 500 tỷ đồng,(2) bình quân đầu người từ 4,58 triệu đồng nay ước đạt 34 triệu đồng.  Những nguồn lực ấy đang thúc đẩy, nhân lên sức mạnh nội lực làm biến đổi quê hương từ thành thị đến các vùng quê xa xôi hẻo lánh. Phong trào xây dựng Nông thôn mới đang diễn ra sôi động, toàn tỉnh đã huy động được hơn 28. 000 tỷ đồng trong đó dân đóng góp chiếm hơn 11%. Đã có 5.649 mô hình sản xuất lớn nhỏ ra đời với nhiều nếp nghĩ cách làm hay, sảng tạo làm thay đổi tư duy nếp nghĩ của mỗi người dân. Ở xã Xuân Viên (Nghi Xuân) đã có những nông dân dám mua một con lợn giống (lợn bò) giá 14 triệu đồng. Thật là mát mắt và thú vị khi có một thôn xóm trồng tới 16 cây số hành rào mạn hảo bao quanh các tuyến đường xanh sạch đẹp, lại có những vùng quê văn hoá như ở Hương Trà (Hương Khê) dám nêu khẩu hiệu: Ai vứt rác bừa bãi ra đường người đó không phải là dân của xã...v.v.
     Dọc theo chuyến hành trình, đâu đâu cũng vậy, sau những cái bắt tay nồng ấm là sự hồ hởi giải bày về các hạng mục đạt tiêu chí quốc gia. Ban chỉ đao xây dựng nông thôn mới của tỉnh(3) cho hay toàn tỉnh đã có 95,7% số xã đạt tiêu chí bưu điện;   79,9% đạt tiêu chí điện chiếu sáng; 5,6% đạt tiêu chí quy hoạch chợ đạt chuẩn; 37,2% đạt tiêu chí trường học; 31,6% đạt tiêu chí thuỷ lợi; 29,5% đạt tiêu chí nhà ở dân cư; 15,4% đạt tiêu chí giao thông; 12,4% đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hoá...  Đến nay Hà Tĩnh đã có 11,11% số xã về đích Nông thôn mới. Hơn 62 % số xã đã đạt từ 7 đến 12 tiêu chí đây là dấu hiệu khả quan cho việc hoàn thành chỉ tiêu 20% số xã đạt nông thôn mới vào cuối nhiệm kỳ.
       Tết là vui, là xuân; có xuân là có tết; bên chén rượu nồng hương thơm lan toả từ các làng biển đến rừng và trong những vùng tái định cư mới lạ; ai đó còn phân vân, nếu không vì đạt chuẩn mà sang nợ cho con cháu mai sau, thì xin hãy cùng “dô” để đón nhận hương sắc mùa xuân đang lan toả trên khắp mọi nẻo đường quê đổi mới./.


(1)  Nghi quyết Đại hội XVI. Văn kiện Đại hội đảng bộ Khoá XVI trang 131
(2)  Báo cáo tại kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khoá XVI tháng 12 năm 2014
(3)  Báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới tháng 12 năm 2014, tổng hợp biểu 6


Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

Những điều cần biết về máy sục khí ozone

     Hiện nay một số nơi đang tổ chức truyền thông tiếp thị về việc cung cấp máy sục khí theo công nghệ máy ozone. Theo đó người chấp nhận dịch vụ được xem như một cứu cánh để giải quyết tình trạng ô nhiễm độc hại trong thực phẩm hàng ngày. Bởi vậy chúng ta cần biết một số vấn đề khi tiếp nhận tiếp thị như sau:
      Theo truyền thông tiếp thị thì máy sục khí ozone (máy ozone) là một công cụ đa năng có nhiều ưu thế tuyệt vời như: nó sẽ tạo ra được khí ozone có tác dụng phân hủy nhanh và triệt để dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, các vi khuẩn, nấm mốc có trên rau, củ, quả và  dư lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp chưa được chuyển hóa hết trong thực phẩm tươi sống như thịt, cá, tôm…làm sạch nguồn nước uống, tắm rửa …có thể giúp ích trong việc khử mùi hôi thối, chăm sóc sức khỏe…máy gọn nhẹ, dễ sử dụng, tiết kiệm điện.v.v...
     Thế nhưng theo các chuyên gia về máy ozone thì hiện nay trên thế giới có rất nhiều nước sản xuất máy ozone với các kiểu dáng kích thước, chất lượng, giá cả khác nhau như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn quốc, Đức, pháp….với giá từ 150 ngàn đồng đến 10 triệu đồng/ chiếc. Theo Tuấn Kiệt viết trên một tờ báo của Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng -Bộ Khoa học & Công nghệ Việt Nam thì thời điểm tháng 5 năm 2014 máy Việt nam sản xuất giá từ 500 - 800 ngàn đồng/chiếc.
      Máy sục khí ozone là một ứng dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng phản ứng tia lửa điện nhằm tạo ra khí ozone để phục vụ cho cuộc sống con người. Theo các nhà khoa học thì việc sử dụng khí ozone đúng quy cách, đủ lượng cần thiết có thể làm phân hủy được một số chất độc hại khi chúng ta sục vào nước để xử lý thực phẩm nhiểm độc; mà chủ yếu là lớp bám bề ngoài thực phẩm. Như thế không có nghĩa là sau khi được sục khí ozone thực phẩm đã được vô hại hoàn toàn. Bởi máy sẽ không thể xử lý hết được loại độc hại đã thẩm thấu vào bề trong của thực phẩm.
       Việc xử lý độc hại còn tùy thuộc vào các loại chất độc khác nhau, mức độ thẩm thấu của độc tố vào thực phẩm….Trong quá trình xử lý, khí ozone làm phân hủy một số độc tố gây hại, nhưng cũng không tránh khỏi việc phân hoá tạo nên những chất độc hại hơn tùy thuộc vào những loại chất độc đã được đưa vào trong thực phẩm trước đó. Để tạo được một lượng khí ozone đủ mạnh máy đồng thời làm sản sinh ra một số chất khí có hại cho sức khỏe. Đáng lưu ý là trong quá trình sử dụng, máy ozone phóng điện tạo ra oxit nitơ rất có hại cho đường hô hấp. Vì thế khi dùng khí ozone để tẩy uế môi trường, khử  mùi tủ lạnh phải hết sức chú ý đến vấn đề này. Nếu thường xuyên hít phải khí này sẽ mắc bệnh mãn tính về tai, mũi, họng: viêm mũi, hen phế quản mãn tính, viêm kết giác mạc, viêm phổi mãn tính. Để đảm bảo an toàn máy phải được cấu tạo thêm các thiết bị bảo đảm an toàn khác (máy làm khô không khí- thiết bị khử ẩm); như vậy máy phải cồng kềnh và giá thành đắt lên rất nhiều không hấp dẫn người tiêu dùng. Đối với máy gọn nhẹ chưa có chức năng này.
  Bên cạnh những lợi ích có được thì sử dụng máy ozone còn có những tác động ngược, bởi thế nhiều người đã không phát huy được tác dụng tích cực hoặc đã phải chuyển hóa vị trí, chức năng của máy khác với công năng của truyền thông dịch vụ. Người tiêu dùng trước khi mua máy nên tìm hiểu kỹ càng những thông tin mới trên các phương tiện thông tin, báo chí; tranh thủ ý kiến bộ phận khoa giáo và các tổ chức khoa học kỷ thuật địa phương để tư vấn thêm và cần cân nhắc trước khi mua máy, đừng để mua xong trả lại ngay phải mất 300 ngàn đồng/máy,  phí tuyền thông dịch vụ quá đắt và không hợp lý như có người đã hứng chịu./.


                                                                                                                      Tháng 11-2014

Để Hội thi chọn đúng Bí thư chi bộ giỏi

Hội thi Bí thư chi bộ giỏi là một sinh hoạt chính trị cần thiết trong hoạt động của Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng từ cơ sở.
Chủ tịch Hồ chí Minh đã từng nói: “Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt.” (1). Bởi vậy vai trò của người đứng đầu chi bộ càng trở nên quan trọng; vì muốn có nhiều chi bộ tốt cần thiết phải có nhiều Bí thư chi bộ giỏi. Hội thi Bí thư chi bộ giỏi “nhằm bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỷ năng, nghiệp vụ; khả năng xử lý tình huống trong thực tế cho đội ngũ bí thư, phó bí thư chi bộ, chi uỷ viên cơ sở” (2); là một dịp tốt để mọi đảng viên nói chung mà trước hết là các đồng chí Bí thư chi bộ nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về công tác Đảng, giao lưu trao đổi kinh nghiệm hoạt động lãnh đạo một cách thiết thực có hiệu quả giữa các tổ chức Đảng ở cơ sở với nhau. Yêu cầu Hội thi được đặt ra là “phải được chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ, nghiêm túc; tạo phong trào học tập, thi đua trong Đảng; hiệu quả thiết thực, tránh phô trương, hình thức, lảng phí”(3). Thế nên khi đã nói tới Hội thi thì yêu cầu đạt được cần xem xét cả phần thi và phần hội. Nếu chỉ quan tâm thi mà không quan tâm hội hoặc ngược lại thì việc tổ chức thi chỉ đạt một nửa.
 Từ một số Hội thi vừa qua cho thấy Hội thi nhiều nơi đã rất chú ý quan tâm cả về mặt nội dung và hình thức. Các Ban tổ chức Hội thi đã quan tâm chỉ đạo đưa ra được nhiều vấn đề buộc người dự thi phải dành thời gian thoả đảng cho việc nghiên cứu, tìm hiểu thậm chí phải nghiền ngẫm để nắm chắc những tư tưởng cốt lõi trong Điều lệ, Nghị quyết, chỉ thị,  quy định, hướng dẫn của Đảng. Đặc biệt qua nhiều Hội thi thí sinh phải xử lý các tình huống thực tiễn khó, những vấn đề đặt ra trong cuộc sống hiện tại, đã không chỉ giúp cho các bí thư chi bộ mà còn cho tất cả đảng viên cần nâng cao hơn nữa sự hiểu biết, trách nhiệm và vai trò của mình trong mọi lĩnh vực công tác. Một số Hội thi đã quan tâm đến việc tuyên truyền cổ động, huy động cán bộ đảng viên tham dự, bố trí địa điểm, hội trường nghiêm trang, tổ chức văn nghệ chào mừng, truyền thanh trực tiếp để tất cả mọi người có điều kiện theo dõi...làm cho Hội thi có tác động tích cực trở thanh một đợt sinh hoạt chính trị trong các cơ sở Đảng. Tuy vậy cạnh những kết quả đạt được vẫn còn “một số cấp uỷ chưa quan tâm chỉ đạo đúng mức; còn chậm tiến độ, chất lượng chưa cao, cá biệt một số nơi còn làm lướt, hình thức, chiếu lệ...”(4). Để Hội thi đạt kết quả tốt hơn, có rất nhiều điều cần được quan tâm suy nghĩ, điều chỉnh cả trên phương diện tổ chức, thực hiện phần thi lẫn phần hội.
Về phần hội: Để cuộc thi mang rõ nét tính chất hội, thì việc cổ động, tuyên truyền, văn nghệ chưa đủ. Điều quan trọng là cuộc thi có được đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân quan tâm, tham gia cổ vũ hay không ?; cuộc thi có thực sự là ngày hội hay không. Một cuộc thi mà chỉ có một ít đảng viên, nhân dân quan tâm theo dõi; một Bí thư chi bộ đi tham gia thi mà chỉ có ít thành viên chi bộ tham dự; hay đầu buổi còn đông cuối buổi còn lại mấy người với Ban giám khảo thì chưa thể gọi là Hội thi. Nên chăng các Ban tổ chức cần có sự chỉ đạo thêm để lôi cuốn nhiều hơn lượng người quan tâm cuộc thi. Chẳng hạn bố trí lại cuộc thi có phần do người dự thi thực hiện; có phần nội dung mở rộng cho cả đơn vị chi bộ tham gia tư vấn, để thu hút trí tuệ của cả đơn vị. Chẳng hạn câu hỏi tình huống cần phát động mọi người đưa ra cho Ban tổ chức lựa chọn. Ban tổ chức có thể dành thêm một vài giải thưởng cho người có câu hỏi tình huống hay, đơn vị có nhiều câu hỏi được sử dụng....Sau khi thí sinh bắt thăm trúng câu hỏi tình huống khó, có thể trao đổi lấy phương án trả lời tối ưu của cả đơn vị sau đó mới tham gia dự thi..v.v...để tránh trường hợp như có thí sinh đã trả lời: “ Câu hỏi này khó qúa tôi không trả lời được; cảm ơn Ban khám khảo, tôi xin kết thúc phần thi của tôi”(5). Như thế chắc chắn cuộc thi sẽ sôi động hơn nhiều.
          Về phần thi: Thi bí thư chi bộ giỏi là thi chọn Bí thư chi bộ có năng lực lãnh đạo giỏi. Bởi thế nội dung phần thi không thể dừng lại ở năng lực nhận thức. Một Bí thư chi bộ giỏi ngoài việc nắm chắc các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của cấp trên và đơn vị còn phải tổ chức thực hiện giỏi, có năng lực lãnh đạo, xử lý tốt các tình hống thực tiễn đặt ra, được cán bộ đảng viên nhân dân quý mến tin tưởng nghe theo. Một số cuộc thi  ở các địa phương vừa qua thấy rằng: nội dung thi còn nặng về thi Bí thư nhận thức giỏi hơn là thi chọn thí sinh làm Bí thư giỏi. Vì cả câu hỏi nhận thức lẫn câu hỏi tình huống đều có đáp án theo văn bản quy định, hướng dẫn... số, ngày, tháng, năm. Một số Ban tổ chức ban hành hệ thống câu hỏi và biểu đáp án quá nhiều, quá chi tiết. Có nơi hơn 80 câu, có nơi hơn 60 câu hỏi (cả phần nhận thức và tình huống) mà đáp án đều căn cứ văn bản số, ngày tháng năm. Điều này chưa thật phù hợp với thực tế đội ngũ Bí thư chi bộ có độ tuổi cao, đã xấp xỉ “cố lai hy”. Nên chăng Đáp án cần chú trọng hơn việc nắm chắc vấn đề cơ bản, không nên đi theo hướng học thuộc. Câu trả lời chỉ cần theo quy định hướng dẫn Ban Tổ chức, Uỷ Ban Kiểm tra Trung ương... hiện hành là đủ.
 Việc bố trí Ban Giám khảo cũng có điều cần quan tâm. Đã đành việc đánh giá lựa chọn người giỏi lãnh đạo, cấp uỷ phải chịu trách nhiệm cuối cùng. Song điều đó không đồng nghĩa với việc lãnh đạo cấp uỷ phải vào Ban giám khảo cả. Thật không hợp lý khi một ban giám khảo chọn Bí thư chi bộ giỏi, mà toàn Ban giám khảo chưa có người nào đã từng  làm Bí thư chi bộ; trong khi thí sinh có đồng chí làm Bí thư chi bộ gần 15 năm. Số lượng Ban giám khảo cũng không nên ít quá, vì như vậy sẽ không huy động được sự khách quan trí tuệ chung. Cách chấm điểm cũng nên làm thẻ giơ điểm công khai để người dự thi, cổ vũ tiện theo dõi giám sát tính khách quan, năng lực, sự công tâm của từng vị giám khảo.
Việc chọn tìm Bí thư chi bộ giỏi cũng cần suy nghĩ. Một Bí thư giỏi dĩ nhiên cũng không có nghĩa là Chi bộ đó phải xuất sắc, thế nhưng Bí thư chi bộ giỏi mà chi bộ không bình thường thì cũng không nên. Bởi vậy thi Bí thư giỏi cần gắn với thực tiễn hiện tại, gắn với năng lực xử lý tình huống tốt: những vấn đề nỏng bỏng đảng viên, nhân dân quan tâm. Càng xử lý được tình huống khó trong lãnh đạo, người Bí thư càng giỏi. Câu hỏi tình huống nên có thêm câu hỏi mở, để người thi thể hiện hết tài năng và kinh nghiệm từng trải của mình chứ không khuôn lại câu chử trong đáp án. Có như vậy người chấm thi mới cần đi qua thực tiễn. Để cuộc thi có ảnh hưởng và gây ấn tượng tốt, Ban giám khảo cũng không nên lựa chọn một Bí thư chi bộ giỏi mà người dự thi không được sự quan tâm của tập thể chi bộ. Dù có hàng trăm lý do, thì một bí thư đi thi mà không được đông đảo đảng viên tháp tùng cổ vũ thì chắc chắn uy tín lãnh đạo của Bí thư chi bộ đó còn thấp.
Một vấn đề nữa là hiện nay hầu hết các địa phương đều có những đảng viên cao tuổi Đảng, nhiều nơi có đảng viên kinh qua công tác xây dựng Đảng lâu năm, có kinh  nghiệm. Các Ban tổ chức Hội thi nên tranh thủ thêm trí tuệ của họ ở những phần việc, những khâu có thể được. Điều này chắc chắn sẽ làm cho Hội thi có thêm sự thu hút, tạo đồng thuận để có kết quả thuyết phục hơn. Như thế Hội thi sẽ hướng tới tôn vinh người lãnh đạo giỏi của Đảng và chắc chắn sẽ đi qua những việc thi cử của người học đơn thuần. Hơn thế, Hội thi cũng là một dịp tốt để chúng ta có thêm thuận lợi chuẩn bị nhân sự cho mùa Đại hội các cấp đang đến gần./.

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 12, tr.210
(2) (3) Kế hoạch Tổ chức hội thi của Tỉnh uỷ ngày 25-4-2014
(4) Công văn số 1291 của ban Thường vụ Tỉnh uỷ ngày 05-8-2014

(5)  Một bí thư chi bộ Phường Tân Giang