Thứ Năm, 7 tháng 6, 2018

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ để lại những bài học sống mãi với thời gian


   Ngay sau khi cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi; được sự giúp sức của đế quốc Mỹ, Thực dân pháp đã trở lại đứng chân trên đất Đông Dương. Nhân dân Việt Nam ta phải tiếp tục đương đầu với cuộc chiến đấu mới trường kỳ gian khổ.
    Thực hiện lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc lại đi vào cuộc kháng chiến mới. Sau 7 năm nổ lực phấn đấu, quân đội và nhân dân ta đã từng bước làm chủ chiến trường. Để cứu nguy cho sự thất bại sớm, Thực dân Pháp đã quyết định tập trung xây dựng Trung tâm cứ điểm Điện Biên Phủ với một lực lượng quân đội vũ khí phương tiện chiến tranh hiện đại. Ở đây tập trung 16.200 quân gồm 21 tiểu đoàn trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội không quân, 1 đại đội vận tải cơ giới. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được bố trí thành 3 phân khu Bắc, Trung, Nam với 49 cứ điểm, huy động toàn bộ lính dù và 40% lực lượng cơ động tinh nhuệ nhất của Pháp ở Đông Dương. Hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm mỗi ngày có thể vận chuyển khoảng 200 đến 300 tấn hàng và thả dù từ 100 đến 150 quân, đảm bảo nguồn tiếp viện trong quá trình tác chiến. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ, như “ một pháo đài không thể công phá”, là nơi thu hút để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta và là quyết chiến điểm của Kế hoạch Nava. Muốn giành thắng lợi hoàn toàn quân đội ta phải tiêu diệt được cứ điểm quan trọng này. Điện Biên Phủ trở thành điểm quyết chiến chiến lược trong cuộc đọ sức cuối cùng của ta với địch.
  Nắm được âm mưu và thủ đoạn của địch, đưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, quân đội nhân dân Việt nam đã xây dựng kế hoạch tác chiến hợp lý, để sau 56 ngày đêm (13-3-1954 đến 7-5-1954) từ ngày nổ súng tấn công đến 17 giờ 30 phút ngày 7/5, lá cờ chiến thắng được cắm lên hầm chỉ huy của địch. Quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng của địch. Ngày 7/5/1954 trở thành ngày kỷ niệm kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
     Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, kỳ tích vẻ vang và vĩ đại nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Nó đã tạo bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Chiến thắng đã củng cố niềm tin tưởng của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hoà bình, tiến bộ của nhân loại.
    Lịch sử sang trang, đất nước đã bước vào thời kỳ xây dựng mới, hội nhập quốc tế; nhưng rất nhiều những bài học to lớn từ chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn còn theo sát, sống mãi với chúng ta trong sự nghiệp đổi mới.
     1. Trước hết, đó là bài học về tiến hành chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, vừa chống giặc đói, giặc dốt, vừa chống giặc ngoại xâm, tạo nên sức mạnh tổng hợp- sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong cuộc chiến đấu không cân sức như vậy, chúng ta không thể chiến thắng nếu chỉ đánh địch bằng nghị lực, ý chí quyết tâm mà còn phải bằng cả những điều kiện đảm bảo về vật chất.  Chúng ta không chỉ đánh địch bằng 50.000 quân chính quy mà còn có cả sức mạnh toàn dân đánh giặc trong cả nước. Trong chiến dịch này chúng ta đã huy động tới hơn 26 vạn lượt dân công;  21 ngàn xe đạp thồ, 914 con ngựa thồ; 3130 chiếc thuyền; 1.800 mảng nứa  với 25.560 tấn gạo; 226 tấn muối; 1.909 thực phẩm. Chỉ tính sau 4 đợt huy động từ 10/1953-4/1954, một địa phương xa như Hà Tĩnh cũng đã huy động gần 3 vạn dân công hỏa tuyến phục vụ chiến trường. Đây là điều kiện rất quan trọng đảm bảo cho cuộc chiến đấu của chúng ta có thể duy trì được nhiều ngày tiêu diệt từng bộ phận quân địch tiến tới chiến thắng hoàn toàn.
     2. Bài học về sự kiên định mục tiêu nhưng linh hoạt và sáng tạo trong từng bước đi và cách làm cụ thể. Sau khi cục diện chiến trường thay đổi, Thực dân Pháp dồn quân xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.  Bộ chính trị Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy hạ quyết tâm; “Mở chiến dịch tiến công tiêu diệt những lực lượng tinh nhuệ nhất của địch trong tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của chúng trên chiến trường Đông Dương”. Để thực hiện mục tiêu to lớn ấy, Phương án tác chiến của chúng ta được thống nhất là “đánh nhanh, giải quyết nhanh”: tập trung binh lực, ấn định ngày nổ súng và bằng những cuộc tấn công ồ ạt để tiêu diệt địch trong 3 ngày 2 đêm. Thế nhưng, với tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”.  Từ thực tiễn chiến trường, Bộ đội chưa quen đánh công sự trên địa hình bằng phẳng; chưa có sự tập dượt phối hợp binh chủng; chưa quen với lối đánh ban ngày; đã sớm cho chúng ta thấy được rằng không thể chỉ tập trung dồn quân đánh úp một trận vào pháo đài địch để giành chiến thắng. Bộ chỉ huy chiến dịch đã quyết định chuyến kế hoạch tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh” sang đánh dài ngày, “đánh chắc, thắng chắc”. Đây là bài học linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo chiến dịch để bảm bảo chiến thắng mà chính ngay tướng Pháp Na Va trong hồi ký của mình củng phải thừa nhận: nếu tướng Giáp tấn công như ý định ban đầu “thì chắc chắn ông ta đã thất bại, nhưng không may cho chúng ta, ông ấy đã nhận ra…”
          3.  Bài học về tinh thần chịu trách nhiệm của người cán bộ. Bước vào chiến dịch lớn có ý nghĩa quyết định chiến trường, cho thấy Đảng và Bác Hồ rất coi trọng công tác cán bộ. Xét thấy không thể chỉ huy chiến dịch từ tầm xa Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định đưa Tổng chỉ huy ra mặt trận và giao quyền hạn cụ thể. Trước khi đi vào chiến dịch Người nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chiến trường của ta hẹp, người của ta không nhiều, cho nên ta chỉ được thắng, không được bại, vì bại thì hết vốn”.. “Tổng tư lệnh ra mặt trận. Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định”(1). Như vậy phương hướng chiến dịch đã rõ ràng,  người chỉ huy đã được trao quyền cụ thể. Nhưng chính yếu tố này đã đặt ra cho chiến dịch những chuyển biến quan trọng có ý nghĩa quyết định. Ngay sau khi bộ chỉ huy chiến dịch họp để thống nhất phương án tác chiến, rất nhiều tướng lĩnh đã có ý kiến khác nhau; có điều không ai dám khẳng định tổ chức đánh nhanh thắng nhanh là chắc chắn giành thắng lợi. Điều này buộc Tổng tư lệnh phải thay đổi phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” sang phương án “đánh chắc, thắng chắc”.  Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng đây là một “Quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân”. Với quyết định sáng suốt, bản lĩnh và đầy trách nhiệm này đã giúp chúng ta tránh được sự tổn hại lực lượng, góp phần làm nên sức mạnh áp đảo quân Pháp trong trận tiến công mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ  giành chiến thắng vang dội lừng lẫy năm châu.
      4. Bài học về phát huy sức mạnh nội lực kết hợp với ngoại lực. Chiến thắng Điện Biên Phủ còn cho chúng ta thấy rõ một sự phối hợp tuyệt đẹp giữa sức mạnh nội lực và sức mạnh ngoại lực được phát huy hiệu quả cao độ. Điên Biên Phủ một cứ điểm nằm tận sâu biên giới Tây Bắc, cách xa hậu phương hàng trăm cây số đường rừng hiểm trở. Để có thể chiến thắng được địch chúng ta đã huy động sức mạnh tổng hợp nội lực từ sức người, sức của, phương tiện vận tải, vũ khí… không chỉ từ bộ đội, mà từ trong nhân dân của tất cả mọi vùng miền đất nước từ vùng hỏa tuyến, vùng tạm chiếm của địch, vùng hậu phương của mặt trận phía Bắc đến cả vùng chiến trường Nam bộ rộng lớn. Tuy nhiên nếu chỉ có sức mạnh nội lực chúng ta không thể giành thắng lợi quyết định. Bởi thế Trung ương Đảng đã ra chỉ thị “Toàn dân kháng chiến”, chủ trương Liên hiệp với dân tộc Pháp, chống bọn phản động thực dân Pháp, đoàn kết với Miên, Lào; thân thiện với Tàu, Xiêm, ấn Độ, Nam Dương…Coi Đông Dương là một chiến trường. Đồng thời với chiến dịch Đông Xuân Việt Nam, phối hợp tấn công địch cả mặt trận Thượng và hạ Lào. Nhờ chủ trương đúng, chúng ta đã phát huy cao hiệu quả sức mạnh từ ngoại lực. Chỉ từ tháng 12-1950 đến tháng 6-1954 các nước anh em đã viện trợ cho ta 21.517 tấn vũ khí, nguyên liệu lương thực thực phẩm; 136 khẩu pháo các loại, 715 xe ô tô vận tải…(2). Nhờ làm tốt công tác địch vận đã có hàng ngàn người lính mang quốc tịch các nước trong quân đội Pháp bỏ hàng ngũ về với lực lượng kháng chiến Việt Nam. Có thể khẳng định rằng chính việc phát huy đồng bộ sức mạnh nội và ngoại lực đã làm quân đội viễn chinh Pháp nhanh chóng thất bại, chấm dứt chiến tranh xâm lược Đông Dương. ….
       Vẫn còn nhiều bài học có ý nghĩa khác được rút ra từ chiến thắng Điện Biên Phủ; song chừng ấy đã cho thấy giá trị trong thực tiễn công cuộc xây dựng mới của chúng ta hôm nay. Ở bất cứ địa phương nào mà ở đó phát huy được sức mạnh tổng hợp của công đồng; phát huy được sức mạnh nội lực và ngoại lực; những người đứng đầu địa phương, đơn vị dám chịu trách nhiệm trước vận mệnh đất nước và đời sống nhân dân; linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực tiễn… thì nơi đó sẽ thành công và là điểm sáng điển hình trong thời kỳ mới.
       Hơn 60 năm đã qua, niềm tự hào và dư âm của chiến thắng Điện Biên Phủ còn đọng mãi trong lòng người dân nước Việt.  Việt Nam, Hồ Chí Minh, Điện Biên Phủ là những tên gọi trân trọng vang vọng khắp năm châu, bốn biển. Đặc biệt là dấu ấn của những bài học từ chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn tỏa sáng và là nhân tố đưa đến mọi thành công trong công cuộc Đổi mới hôm nay./.

------------------------------------
(1) Võ Nguyên Giáp. Thế giới còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi. Ban KLHXH Thành ủy Tp Hồ Chí Minh, 1991. trang 91
(2) 50 năm chiến thắng Điện Biên phủ. nxb Lý luận chính trị. HN 2004. trang 160

                                                                           7-5-2018






Các Mác sống mãi cùng học thuyết về một xã hội mới gắn liền vận mệnh của giai cấp vô sản



   Hai trăm năm đã qua với biết bao biến động của lịch sử, song tên tuổi của Mác- người sáng lập và khai sinh ra học thuyết về một xã hội mới vẫn luôn được người đời ngưỡng mộ. Những nguyên lý cơ bản về học thuyết mác sống mãi với thời gian.
    Các Mác (Karl Marx) sinh ngày 5 tháng 5 năm 1818 ở thành phố Trier - một thành phố cổ của Đức. Lúc bấy giờ nơi đây là thủ đô của một công quốc tôn giáo lớn, nhưng cũng là nơi có phong trào xã hội sôi động làm bộc lộ những mâu thuẫn xã hội sâu sắc giữa dân nghèo thành thị với thiểu số tầng lớp thị dân giàu có.
    Sinh ra trong một gia đình luật sư, có người cha Henrich Mác, một người học rộng, hiểu biết nhiều, nhất là các tác phẩm của các nhà tư tưởng Pháp đương thời. Mẹ của Mác là bà Henrietta Poretbot, sinh ra được 9 người con (bốn trai, năm gái); Mác là người có đầu óc sáng tạo, thông minh hơn người, là linh hồn của đám trẻ, luôn biết bày ra các trò chơi hấp dẫn và sáng tác ra mọi thứ chuyện tưởng tượng.
   Lúc còn là học sinh trung học, Mác học giỏi đặc biệt ở những lĩnh vự đòi hỏi tính sáng tạo cao. Mác lại may mắn được học với những người thầy tốt về các lĩnh vực như toán học, vật lý, lịch sử và triết học…
  Môi trường gia đình và xã hội đã tác động rất lớn đến tình cảm tư tưởng và những bước đi đầu tiên của Mác.
   Năm 17 tuổi Mác tốt nghiệp trung học phổ thông và bước chân vào trường Đại học Tổng hợp Bonn để học luật; một thời gian sau Mác chuyển đến trường Đại học Tổng hợp Berlin, ở đây ngoài việc học luật Ông còn được học sử, ngoại ngữ và triết học. Bước sang năm 21 tuổi Mác đã bắt đầu dồn sức và nghiên cứu triết học cổ đại. Năm 1841 Mác bảo vệ thành công luận án tiến sĩ triết học Về sự khác nhau giữa triết học tự nhiên của Đêmôcrit (Démocrite) và triết học tự nhiên của Êpiquơ (Épicure) lúc vừa tròn 23 tuổi.
     Như một sự sắp đặt của lịch sử, mặc dù bị gia đình phản đối quyết liệt, Mác đã làm lễ thành ôn với Gianny.  Cuối  tháng Mười  năm 1943 hai vợ chồng đã đi  Paris thủ đô nước Pháp. Trong thời gian hơn một năm rưỡi lưu lại ở Pháp,  Mác đã gặp lại Ăng ghen người bạn đã gặp nhau sau một năm trước đó. Từ cuộc gặp gỡ này, hai ông đã có nhiều cuộc nói chuyện cởi mở, tâm đầu ý hợp, trở thành những người bạn cùng chung lý tưởng và quan điểm trong tất cả vấn đề lý luận và thực tiễn. Hai ông đã cùng nhau thể hiện quan điểm của mình trên các tờ báo có tên tuổi. Trên các bài báo của mình hai ông đã kịch liệt chống mê tín dị đoan, chống quan diểm nghiên cứu khoa học phải phục tùng lợi ích tôn giáo, chống lại sự kiểm duyệt báo chí của nhà nước Phổ không cho tuyên truyền cách mạng. Điều đặc biệt là từ đây Mác đã quan tâm vấn đề cách mạng, bản chất, nguyên nhân và động lực của nó, làm thay đổi cơ bản thế giới quan của Mác từ chủ nghĩa Duy tâm sang chủ nghĩa Duy vật và từ chủ nghĩa Dân chủ - cách mạng sang chủ nghĩa Cộng sản.
      Với tư cách là nhà khoa học thiên tài, Trên cơ sở tổng kết lịch sử thế giới, đặc biệt là sự nghiên cứu công phu về chủ nghĩa tư bản và thực tiễn phong trào công nhân quốc tế, đồng thời kế thừa những giá trị tinh hoa của nhân loại trong các lĩnh vực khoa học và tư tưởng, Mác cùng với Ăng-ghen đã sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, học thuyết giá trị thặng dư và học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Trong tất cả các công trình nghiên cứu lý luận, hai ông đã vạch rõ những quy luật chủ yếu của cuộc cách mạng vô sản, trong đó bước đầu tiên của cuộc cách mạng là “biến giai cấp vô sản thành giai cấp thống trị, là giành lấy dân chủ”. Đó là tư tưởng xác lập “chuyên chính của giai cấp vô sản”. Đồng thời Mác cũng khẳng định rõ đấu tranh giai cấp là động lực thúc đẩy xã hội phát triển và quy luật bạo lực cách mạng trong việc giành lấy chính quyền về tay giai cấp vô sản…..
 Ðây là những cống hiến có ý nghĩa thời đại, hình thành một thế giới quan và một phương pháp luận khoa học và cách mạng, đem lại cho nhân loại và cho giai cấp công nhân một công cụ vĩ đại để nhận thức và cải tạo thế giới.
        Không chỉ là một nhà tư tưởng, nhà bác học thiên tài, Mác đồng thời là nhà cách mạng vĩ đại. Sinh thành tại nước Ðức giàu truyền thống cách mạng và bôn ba hoạt động ở nhiều nước Tây Âu; Mác từng chứng kiến sự bần cùng của những người lao động làm thuê và sự bất công của xã hội tư bản. Với trái tim nhân hậu thấm đượm tinh thần nhân văn cộng sản và bầu nhiệt huyết cách mạng, Ông đã hiến dâng trọn cuộc đời mình đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Thông qua hoạt động trực tiếp trong phong trào công nhân, Mác đưa lý luận thâm nhập vào phong trào, biến lý luận thành lực lượng vật chất to lớn, thúc đẩy cách mạng và sự phát triển của xã hội. Kiên định một cách nhất quán lập trường cách mạng, Mác không bao giờ lùi bước, khuất phục trước sức ép của chính quyền tư sản, đồng thời cũng kiên quyết chống lại mọi biểu hiện giáo điều, cơ hội, xét lại phản bội lý tưởng, mục tiêu cách mạng, đi ngược lại nguyên tắc, quyền lợi của phong trào công nhân. Các Mác là người tổ chức và là lãnh tụ của Quốc tế cộng sản I thành lập ngày 28 Tháng 9 năm 1864 ở London. Mác dốc toàn bộ tâm sức của mình để thống nhất phong trào công nhân các nước liên hợp lại.  Người chỉ rõ, phải căn cứ vào điều kiện thực tiễn cụ thể mà đề ra mục tiêu cách mạng phù hợp, giữ vững nguyên tắc nhưng mềm dẻo về phương pháp và linh hoạt về hình thức đấu tranh.
     Hai thế kỷ đã qua kể từ ngày sinh của Các Mác; thế giới đã chứng kiến những sự biến đổi kỳ diệu về sự sụp đổ của một mảng lớn chủ nghĩa đế quốc, thực dân, kéo theo sự ra đời và thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa trên một loạt nước; cũng như sự đổ vở đầu tiên của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa có nhiều khiếm khuyết. Thế nhưng không có nghĩa là những nguyên lý của học thuyết Mác về một xã hội mới đã sụp đổ hoàn toàn; trái lại chủ nghĩa xã hội vẫn tồn tại và tiếp tục phát triển ở nhiều nước, chiếm gần một phần ba dân số thế giới thông qua cải cách, mở cửa và đổi mới.
      Một sự thật hiển nhiên là cuộc cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, lấy chủ nghĩa Mác –Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, đã liên tục giành được nhiều thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Ngày nay trong sự nghiệp đổi mới, với xu thế hội nhập, toàn cầu hóa; không những chúng ta đang đứng vững trước mọi thử thách để tự khẳng định mình mà uy tín và vị thế của nước ta đang ngày một nâng cao trên trường quốc tế. Những nguyên lý cơ bản của học thuyết Mác đang là chìa khóa để giải mã những vấn đề đặt ra trong thời đại mới, tên tuổi cũng như những tư tưởng vĩ đại của học thuyết Mác đang sống mãi trong sự nghiệp chúng ta./.

                                                                                 5-5-2018