Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Tìm về cội nguồn nhân cách người cộng sản Trần Phú

Đồng chí Trần Phú- Tổng bí thư đầu tiên của Đảng ta là một tấm gương sáng chói về khí tiết người cộng sản. Thời gian đảm nhận trọng trách chưa đầy một năm, hy sinh khi tuổi còn rất trẻ, nhưng những công lao và cống hiến của đồng chí đối với Đảng và cách mạng Việt nam là rất to lớn. Nghiên cứu tiểu sử và sự nghiệp của đồng chí chắc chắn phải là những đề tài khoa học công phu. Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí, bài viết này chỉ trình bày đôi điều suy ngẫm về cội nguồn của nhân cách người cộng sản Trần Phú. 1. Trần Phú sinh ra trong một gia đình trí thức phong kiến. Cả ông nội và thân phụ của đồng chí đều là những người theo Nho học và đỗ đạt. Cụ Trần Viết Tiến-ông nội của Trần Phú là người từng đỗ Tú tài kép. Cụ Trần Văn Phổ- thân phụ của Trần Phú là người thi đỗ Giải nguyên năm 1898, được bổ nhiệm làm Giáo thụ- chức quan trông coi việc học hành tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; sau đó cụ được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm làm Tri huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Cụ bà Hoàng Thị Cát- thân mẫu Trần Phú là con một nhà nho ở Châu Dương, Nghi Lộc, Nghệ An. Có thể nói, cả họ nội và họ ngoại của đồng chí Trần Phú đều là những gia đình có học, có nền nếp. Đây là những nhân tố đầu tiên tác động tới Trần Phú và các anh, chị, em trong gia đình; là môi trường giáo dục tốt giúp họ sớm ý thức được việc gắng sức học hành để sau này lập nghiệp, giúp ích cho người, cho đời. Anh em Trần Phú (ông Trần Đường, Trần Ngọc Danh...) đều là những người thông minh, có học đã minh chứng cho nhận định này. Trần Phú là người phải bươn trải từ khi còn thơ ấu. Năm 1908, quan Tri huyện Trần Văn Phổ đã quyên sinh vì bất lực trước cảnh dân tộc bị ngoại xâm giày xéo, vì không tìm ra biện pháp để giúp đỡ đồng bào mình đang bị đoạ đày đau khổ do sưu cao, thuế nặng. Cụ quyên sinh còn là để thể hiện sự bất hợp tác của mình với chính quyền thực dân phong kiến. Bà Hoàng Thị Cát- thân mầu Trần Phú sớm bị đuổi khỏi huyện đường sau khi quan Tri huyện Trần Văn Phổ qua đời. Mẹ con sống qua ngày nhờ quán nước hoặc gánh hàng rong. Bà qua đời trong nghèo khó khi Trần Phú mới 6 tuổi (1910). Tuổi thơ của Trần Phú sống nhờ sự cưu mang đùm bọc của anh chị em và những người thân. Hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, buộc họ sớm có ý thức chịu đựng gian khổ, cần cù, tự lực. Nhưng điều lớn hơn là trong tâm thức họ càng nhận rõ sự áp bức bất công của chế độ thực dân phong kiến; sớm ý thức được tinh thần đoàn kết cộng đồng trong cuộc đấu tranh đòi quyền sống, tự do, bình đẳng. 2. Thủa nhỏ, Trần Phú ít có điều kiện gắn bó với quê cha đất tổ - xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh; nhưng không phải vì thế mà quê hương không ảnh hưởng gì tới quá trình hình thành nhân cách của đồng chí. Một số vị lão thành cách mạng và bậc cao niên ở Hà Tĩnh và Nghệ An cho biết: thời gian Trần Phú làm thầy giáo ở Trường tiểu học Cao Xuân Dục, Vinh những năm 1922-1925 là thời gian Trần Phú rất gắn bó không chỉ với Đức Thọ quê hương mà cả Thành phố Vinh và vùng phụ cận, vùng “địa linh”, nơi sản sinh và hội tụ của nhiều nhân tài trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của người dân nước Việt. Quê hương Trần Phú- Tùng Ảnh, xưa thuộc thôn Yên Hạ là nơi có ngã ba sông (Tam soa), hội tụ của hai con sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố, nơi dừng chân của một trong 99 con chim phượng hoàng bay qua. Có lẽ cũng rất ít nơi có nhà thờ Khổng Tử(1) như làng Tùng Ảnh. Theo “Phong thổ chí” của Bùi Dương Lịch nửa đầu thế kỷ XVII thì đây là nơi tụ hội của khí đất khí trời, mạch nước, con người. Đây là nơi con người sinh ra được hưởng mạch nước trong, khí hậu tốt, “khí chung đức rất trong”, cho nên ở đây “con trai thông minh, con gái thì trinh tiết, đôn hậu, chuộng thi, thư, trọng lễ tiết, giao tiếp lịch sự, khiêm tốn, trên dưới vui vẻ, ai nấy đều đối xử với nhau bằng lễ nghĩa....đáng gọi là đất văn nhã của Hoan châu”(2). Nói rộng hơn, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh một vùng đất hẹp, dốc thoải từ Tây sang Đông, là cầu nối giữa hai miền Nam Bắc nước ta. Điều kiện địa lý đã đặt ra cho con người ở đây luôn phải đương đầu với thiên tai, địch hoạ. Muốn tồn tại con người phải ý thức được trách nhiệm cộng đồng, có chí vươn lên. Chính đặc điểm này qua quá trình tiến hoá của lịch sử đã vun đắp, hình thành nên những nét đẹp truyền thống của quê hương Trần Phú. Con người ở đây luôn thích hành động, làm việc cần mẫn, chịu khó, cần cù trong lao động sản xuất. Quá trình chống thiên tai và chống ngoại xâm còn hun đúc cho con người nơi đây truyền thống yêu quê hương đất nước, kiên cường dũng cảm, không chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược. Hà Tĩnh là quê hương của Mai Thúc Loan, Đặng Tất, Đặng Dung; là nơi có căn cứ Sơn phòng của Vua Hàm Nghi; có cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng- Cao Thắng; nơi Lê Ninh, Nguyễn Biểu, Nguyễn Thiếp...một lòng lo việc nước. Đặc biệt con người vùng đất này thường đặt việc đại sự quốc gia lên trên hết. Bùi Dương Lịch dù một thời hầu hạ Lê Chiêu Thống, nhưng khi ông này bỏ nước ra đi theo giặc, ông đã tìm cách lẫn trốn để về quê làm nghề dạy học. Nguyễn Thiếp tài ba cũng đi sống ẩn giật chờ thời giúp Quang Trung đánh giặc. Quê hương Trần Phú cũng là nơi nổi tiếng về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Nhiều người học hành thành đạt, danh tiếng lẫy lừng trên nhiều lĩnh vực. Nhà nghiên cứu người Pháp Raulan Bulato đã từng viết trong cuốn Tỉnh Hà Tĩnh (La Province de Ha Tinh) xuất bản năm 1925 như sau: “ nhân dân Hà Tĩnh cũng như Nghệ An có tiếng hiếu học. Nhiều nơi, đặc biệt là vùng Đức Thọ, Nghi Xuân đã sinh ra nhiều bậc học giả, trí thức có tiếng tăm, có danh vị lớn được cả nước biết tiếng”(3). Hà Tĩnh còn là quê hương của nhiều danh nhân, bác học như: Nguyễn Huy Tự, Phan Huy Ích, Phan Kính, Đại thi hào Nguyễn Du, Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác, Nhà quân sự , nhà thơ, nhà kinh tế Nguyễn Công Trứ... Từ trong cuộc sống và mưu cầu sự trường tồn, từ những nhu cầu bức thiết của cuộc chiến đấu chống thiên tai địch hoạ, con người nơi đây đã xích gần lại với nhau, gắn kết với nhau chặt chẽ. Bởi vậy con người Hà Tĩnh rất trọng đạo lý, lẽ phải, sống thuỷ chung tình nghĩa. Có thể nói truyền thống quê hương, chất người Hà Tĩnh và những tấm gương anh hùng bất khuất trong các cuộc đấu tranh chống xâm lược trên mảnh đất này đã có những tác động rất to lớn trong quá trình hình thành tinh thần yêu nước của Trần Phú. Trong những ngày dạy học ở Trường Cao Xuân Dục, ngoài việc dạy học trò học chữ, học làm người, Trần Phú còn đưa học trò của mình đi thăm di tích Đại bản doanh của Phan Đình Phùng trên núi Vụ Quang, thăm núi Lam Thành nơi Nguyễn Biểu “ăn cổ đầu người” để tỏ rõ khí phách, không chịu khuất phục tướng nhà Minh là Trương Phụ, thăm núi Dũng Quyết nơi Hoàng đế Quang Trung đặt Phượng Hoàng Trung đô chuẩn bị chống quân xâm lược Mãn Thanh...những lần đi thăm này đã thấm sâu vào tâm thức cả thầy lẫn trò tinh thần yêu nước, anh dũng chống ngoại xâm của các bậc tiền bối, trên mảnh đất quê hương. Một số học trò của Trần Phú sau này dã trưởng thành, tiêu biểu là đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai.... người phụ nữ anh hùng của cách mạng Việt Nam. 3. Xem xét quá trình hình thành quan điểm, tư tưởng, nhân cách của một nhà chính trị thì điều không thể không nói tới là những yếu tố của thời đại. Trần Phú sinh ra và lớn lên khi Chủ nghĩa Tư bản đã bước vào giai đoạn phát triển sang Chủ nghĩa Đế quốc. Những thủ đoạn bóc lột của đế quốc thực dân đã làm dấy lên phong trào đấu tranh mạnh mẽ của những người lao động bị áp bức. Những cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và phong trào cách mạng vô sản đã bùng nổ khắp nơi. Thắng lợi của Cuộc cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại là sự mở đầu một thời đại mới trong lịch sử nhân loại. Sự ra đời của Quốc tế Cộng sản tháng 3 năm 1919 sau đó là sự xuất hiện các Đảng cộng sản của một số nước trên thế giới trong đó có sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam càng thúc đẩy phong trào cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ. Khi Trần Phú đang còn là một thanh niên yêu nước, một thầy giáo thì Nguyễn Ái Quốc đã là một chiến sĩ cộng sản hoạt động từng trải và đang thực hiện một công việc cực kỳ trọng đại- truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lê Nin vào trong nước. Những sách báo cách mạng do Người và Quốc tế cộng sản gửi về đã thức tỉnh và lôi cuốn một bộ phận thanh niên yêu nước Việt nam theo lý tưởng thời đại. Trần Phú là một người trong số đó. Đồng chí tham gia sáng lập Hội Phục Việt- một tổ chức của thanh niên trí thức cấp tiến, sau này chịu ảnh hưởng tư tưởng quan điểm của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên- một tổ chức có xu hướng cộng sản do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và lãnh đạo. Trần Phú đã trở thành học trò của Nguyễn Ái Quốc tại lớp huấn luyện chính trị do Người tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) năm 1926. Tại lớp huấn luyện này, Trần Phú đã được truyền thụ những bài học sơ giản về Chủ nghĩa Mác – Lê Nin, về cách mạng vô sản và con đường cứu nước, giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Năm 1927, Trần Phú được Hội Việt nam Cách mạng Thanh niên và Nguyễn Ái Quốc giới thiệu sang học tại Trường Đại học Phương Đông ở Matxcơva. Đồng chí đã có điều kiện học tập, nghiên cứu lý luận Mác –Lê Nin một cách chính quy, bài bản; càng củng cố lòng tin vào con đường mà người thầy cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn và truyền thụ. Đây là nhân tố quyết định trực tiếp để Trần Phú từ một người yêu nước trở thành một chiến sĩ cộng sản. 4. Điều sau cùng chúng tôi muốn nói là yếu tố nội tại trong con người Trần Phú đã góp phần quan trọng trong việc hình thành nhân cách người chiến sĩ cộng sản kiên cường. Trước hết, ở Trần Phú thể hiện rõ nét một con người thông minh, say mê học tập, một thầy giáo tận tuỵ, sớm nuôi chí lớn giúp dân giúp nước. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho học, nhưng từ nhỏ Trần Phú đã gặp nhiều bất hạnh. Cha mất sớm, mẹ con tần tảo nuôi nhau, rồi tiếp đến mẹ qua đời, cuộc sống khổ cực dưới chế độ Thực dân, đế quốc càng tạo cho Anh ý chí tự lập. Được sự giúp đỡ của những người thân, những ngày được cắp sách đến trường Trần Phú đã miệt mài học tập. Mùa hè năm 1922 Trần Phú đỗ đầu kỳ thi Thành chung tại trường Quốc học Huế. Anh đã từ chối việc làm quan mong “vinh thân tề gia” để bước vào đời với nghề dạy học. Đây cũng là con đường mà những người thân trong gia đình Anh đã đi. Vì thế Anh đã biết kế thừa và vươn lên những tầm hiểu biết mới. Thầy giáo Võ Liêm Sơn, người rất quý mến Anh đã khuyên: “ Thầy mãi 25 tuổi mới đỗ Thành chung. Con đã đỗ sớm hơn thầy nhiều. Nhưng thầy hy vọng con sẽ có con đường đi khác với con đường mà lớp người như thân sinh con đã đi” (4). Từ trong hoạt động thực tiễn, Anh được tổ chức cử đi học nước ngoài. Đây là cơ hội tốt để Trần Phú thực hiện ước mơ cao cả của mình. Trước khi lên đường Trần Phú đã bày tỏ với người anh trai một điều hệ trọng: “Em đi tìm “vàng”, khi nào có kết quả em sẽ về thăm anh chị”(5). Trần Phú được tham dự lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu do Nguyễn Aí Quốc tổ chức, sau đó được cử đi học ở Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản. Đến đây dù vào học muộn, Anh vẫn tỏ rõ là một học viên xuất sắc, được tổ chức tin tưởng giao làm Bí thư nhóm học viên Việt Nam ở trường. Như vậy có thể thấy rằng ở đâu Trần Phú cũng thể hiện rõ tư chất một con người thông minh, hiếu học, nuôi chí lớn để lập thân lập nghiệp. Hai là: Trần Phú sớm tiếp thu tinh thần yêu nước, căm thù giặc, phát huy truyền thống bất khuất, đấu tranh chống ngoại xâm của quê hương. Là người con của quê hương có truyền thống yêu nước, lại thêm chứng kiến cảnh uất ức của gia đình, chứng kiến cuộc sống cơ cực hàng ngày của người dân, Trần Phú đã sớm nuôi dưỡng tinh thần yêu nước căm thù giặc. Theo gương truyền thống gia đình và những bậc tiền bối quê hương, Trần Phú càng nung nấu quyết tâm “trả thù nhà, đền nợ nước”. Những người thân trong gia đình cũng nhận thấy điều đó ở Anh từ rất sơm.: “Trần Phú tuy còn ít tuổi, nhưng đã có chí hướng trả thù nhà, đền nợ nước, thể hiện tư cách con của một gia đình có nền nếp, một con người có chí lớn, tiếp thu truyền thống của gia đình” (6). Thời gian làm thầy giáo Trần Phú không chỉ dạy chữ mà còn chăm lo dạy người. Anh lăn lộn trong đội ngũ những người lao động, tuyên truyền vận động trong các xóm thợ ở Trường Thi, Bến Thuỷ. Anh truyền cảm tâm huyết cho học sinh về đạo làm người, về lòng nhiệt thành cách mạng, tinh thần yêu nước, truyền thống chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc. Một số học sinh của Anh đã trở thành những cán bộ lãnh đạo, những bậc tiền bối của Đảng. Công việc dạy học đã giúp Anh có thêm điều kiện tiếp xúc và tham gia hoạt động xã hội. Những ngày còn đi học, rồi đến khi đi dạy học, Trần Phú luôn hăng hái tham gia các tổ chức chính trị: Thanh niên Tu tiến Hội, Hội Phục Việt...Vốn có thực tiễn từ phong trào đấu tranh, lại được thêm lý luận cách mạng soi sáng, Trần Phú đã nhanh chóng trở thành một chiến sĩ cách mạng xuất sắc. Mặc dù biết kẻ thù đã kết án tử hình vắng mặt, sau khi học xong Anh vẫn tình nguyện xin về nước để hoạt động cách mạng bất chấp hiểm nguy. Chính đức tính cần cù, chịu khó, không ngại gian khổ hiểm nguy, phát huy truyền thống quê hương đã giúp Anh sớm trưởng thành. Được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng là sự kiện quan trọng thể hiện bước trưởng thành lớn trong cuộc đời Trần Phú và phía trước biết bao khó khăn nguy hiểm đang chờ đợi. Song Trần Phú không đắn đo suy tính, bởi mục đích cao nhất của Anh là làm cách mạng. Kiên định con đường cách mạng, Anh sẵn sàng cống hiến sức mình cho Đảng. Ngay từ những ngày Đảng mới ra đời, Trần Phú đã cùng Trung ương lãnh đạo cao trào cách mạng rộng lớn trong cả nước. Kết quả phong trào ấy là vùng Nghệ Tĩnh đã thiết lập nên một kiểu Nhà nước Vô sản đầu tiên ở Đông Nam Á. Giữa lúc cách mạng đang phát triển, biết Anh là người giữ cương vị cao nhất của Đảng, kẻ thù đã lùng tìm ráo riết và bắt được Anh. Chúng đã dùng mọi thủ đoạn và cự hình tra tấn để mong sao khuất phục được Anh. Đối mặt với những tên thực dân khét tiếng, Trần Phú hiên ngang thừa nhận mình là Tổng bí thư của Đảng. Mặc đòn roi, cùng các thủ đoạn thâm độc và bệnh tật hiểm ngèo, những bí mật của Đảng vẫn được Anh kiên cường bảo vệ. Trước giờ phút lâm chung Anh chỉ mong sao các đồng chí của mình “Hãy giữ vừng chí khí chiến đấu”. Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú và 83 năm Anh về chốn vĩnh hằng; một lần nữa chúng ta càng thấy rõ sức sống lý tưởng của Trần Phú vẫn mãi mãi trường tồn cùng non sông đất nước. Ngày nay trong bộn bề của công cuộc đổi mới, nghĩ tới hình ảnh cao đẹp về đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, chúng ta càng thấy tự hào; bởi không chỉ sự nghiệp cách mạng Anh để lại đang ngày càng ra hoa kết trái mà còn thấy trong nhân cách của Anh đã kết tinh trọn vẹn những tinh hoa của truyền thống gia đình, quê hương, hài hoà trong bối cảnh chung của thời đại ./. ----------------- (1) Xem Làng cổ Hà Tĩnh. Hội LH Văn học NT và Sở Văn hoá TT Hà Tĩnh, 2000, trang 380 (2) Bùi Dương Lịch. Yên Hội thôn chí, Bản dịch của Bùi Thanh Hà, Sở Văn hoá TT Hà Tĩnh, 2000, trang 25 (3) Raulan Bulato, Tỉnh Hà Tĩnh, năm 1925, bản dịch của Ban Tuyên giáo Hà Tĩnh (4) Xem Địa chí Huyện Đức Thọ, nxb Lao động, Hà nội 2004, trang 638 (5) Tổng Bí thư Trần Phú với quê hương Đức Thọ. Huyện uỷ Đức Thọ. 2004. Trang 151 (6) Sđd trang 149

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

Trần phú - một cuộc đời giắn liền với đấu tranh cách mạng

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1-5-1904 tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Nhưng quê hương lâu đời của gia đình đồng chí lại thuộc về một xóm nhỏ trù phú ôm sát bờ đê La Giang về phía Đông Nam, nay thuộc xã Tùng ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Quê hương Anh một là vùng đất ngèo, khí hậu khắc nghiệt, địa thế xung yếu qua nhiều cuộc chiến tranh đã hun đúc nên những phẩm chất tốt đẹp cho nhiều thế hệ khoa cử đỗ đạt, khiên trung bất khuất trước mọi sự đè nén của các thế lực thống trị và giặc ngoại xâm. Trần Phú sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo. Thân sinh là cụ Trần Văn Phổ, từng dự thi Hương, đỗ giải nguyên được bổ làm tri huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi. Tuy làm quan nhưng cụ Trần Văn Phổ vẫn giữ được đức tính thanh liêm, khí khái. Cụ đã nhiều lần vì nghĩa lớn mà chống lệnh đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân. Phẫn uất trước lệnh bòn rút sức dân của viên quan thống trị người Pháp, đầu tháng 3 năm 1938 cụ đã tự vẫn để tỏ rõ ý chí bất hợp tác với giặc. Thân mẫu Trần Phú là cụ Hoàng Thị Cát, một phụ nữ nông thôn cần cù, chịu thương, chịu khó. Sau khi cụ ông qua đời đã tần tảo nuôi 8 người con trong hoàn cảnh thiếu thốn, cơ cực. Không thể chống đỡ được hoàn cảnh ấy, một thời gian sau cụ đã lâm bệnh và qua đời. Sớm xa cha lìa mẹ, lớn lên trong hoàn cảnh khốn cùng gian khó dưới chế độ thực dân phong kiến; Trần Phú người con thứ 7 của gia đình đã chứng kiến và gánh chịu một sự mất mát không gì bù đắp được. Nhờ sự cưu mang của gia đình anh chị, 15 tuổi đầu Trần phú mới được cắp sách đến trường. Sóng gió cuộc đời đã nhanh chóng cuốn đi tính cách tươi trẻ của Anh. Trong tim Anh luôn thổn thức một ý chí sục sôi cách mạng. Lúc còn là học sinh, Anh đã đem hết sức mình để tu chí học hành. Ở Trường Quốc học Huế, Anh cùng những học sinh lớn tuổi lập ra “Thanh niên tu tiến Hội”. Một mặt là để cùng giúp nhau học tập, nhưng mặt khác là để cùng nhau trao đổi những trào lưu tư tưởng tiến bộ, đang thu hút thanh niên thời đó. Năm 1922, sau khi đỗ đầu kỳ thi Thành chung ở Huế, Anh được bổ nhiệm làm giáo học ở Trường Cao Xuân Dục (Vinh, Nghệ An). Đây là thời kỳ anh bộc lộ khá rõ lý tưởng của một người thanh niên tiến bộ. Anh tỏ ra rất hiền từ, chăm sóc tận tình, chu đáo những học sinh của mình. Thông qua đó Anh tìm mọi cách để truyền thụ tâm huyết và chí hướng của mình cho những bạn trẻ. Lúc giảng bài, lúc hướng dẫn học sinh đi tham quan di tích lịch sử hay những ngày hè gặp gỡ bạn bè trên quê nhà... đâu đâu Anh cũng truyền bá tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm và quý trọng truyền thống lịch sử dân tộc cho các bạn trẻ. Nhờ đó nhiều học sinh của Anh đã sớm giác ngộ cách mạng, cùng anh bước vào con đường đấu tranh và đã trưởng thành. Năm 1925 Trần Phú tham gia Hội phục Việt tại Vinh. Anh là người được Hội phân công làm đơn, lấy chữ ký đòi Thực dân Pháp trả lại tự do cho cụ Phan Bội Châu và tổ chức Lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh, mở lớp học chữ Quốc ngữ ban đêm cho công nhân và nhân dân lao động trong thành phố. Chẳng bao lâu hoạt động của Hội bị lộ, Hội đổi tên thành Hội Hưng Nam, rồi lại đổi tên thành Việt Nam cách mạng Đảng. Lấy lý do không thống nhất được với viên quan đốc học Nghệ An về nội dung và chương trình dạy lớp nhất, Anh xin thôi dạy học để sang Lào làm nhiệm vụ vận động công nhân vùng Pác Hin Pun theo sự phân công của tổ chức. Được tin Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội do Nguyễn Ái Quốc tổ chức đã ra đời ở Quảng Châu (Trung Quốc), Ban Lãnh đạo Việt nam cách mạng Đảng đã cử Trần Phú cùng 9 người khác sang Quảng Châu để bàn việc hợp nhất. Tổng bộ Việt nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội đã đón tiếp và làm việc với Trần Phú với tư cách là đại diện của Phái đoàn Việt nam cách mạng Đảng. Tại đây, Trần Phú đã được dự lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng bài. Qua lớp huấn luyện, những những kinh nghiệm quý của các cuộc cách mạng thế giới đã soi tỏ nhận thức của anh. Anh đã hiểu được vì sao các phong trào cách mạng Việt Nam do các sĩ phu yêu nước lãnh đạo trước đây đều bị thất bại. Mùa xuân năm 1927, Trần Phú được nguyễn Ái Quốc giới thiệu sang học ở Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản. Mặc dù vào trường chậm một năm, thể lực gầy yếu lại hay bị đau ốm, nhưng Trần Phú vẫn trở thành một học viên xuất sắc, được bầu làm Bí thư nhóm cộng sản Việt Nam tại trường. Năm 1928 đồng chí còn được cử làm đại diện cho những người cộng sản việt nam đi dự Đại hội VI Quốc tế cộng sản. Sau hai năm học tập, Trần Phú đã tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông. Mặc dù biết được ngày 11-10-1929 toà án Nam triều Nghệ An đã xử tử vắng mặt một số đảng viên của Đảng trong đó có Anh và Nguyễn Ái Quốc. Sở Liêm phóng Trung kỳ còn treo giải 200 đồng thưởng cho ai bắt được Trần Phú. Thế nhưng đầu năm 1930, bất chấp mọi hiểm nguy, anh vẫn xin tổ chức được về nước hoạt động. Tháng 4 năm 1930 về đến Hà Nội, anh được cử vào Ban chấp hành trung ương lâm thời của Đảng, được giao trong trách khởi thảo Luận cương chính trị của Đảng. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Anh vừa phải tiếp tục nghiên cứu những tác phẩm lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lê Nin, của Bác và khảo sát phong trào công nhân ở một số vùng công nghiệp. Tháng 10-1930, Hội nghị lần thứ nhất BCHTƯ lâm thời họp ở Hương Cảng đã thông qua bản Luận cương chính trị, một văn kiện quan trọng của Đảng do đồng chí Trần Phú khởi thảo. Hội nghị cũng quyết định đổi tên Đảng thành Đảng cộng sản Đông Dương và Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Từ đó cho đến tháng 4 năm 1931 là quảng thời gian hoạt động rất khẩn trương và sôi động của đồng chí trong lãnh đạo và chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam, đặc biệt là phong trào công nhân. Tháng 3-1931, BCHTƯ họp tại Sài Gòn, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú để bàn việc chấn chỉnh các tổ chức Đảng và đoàn thể quần chúng sau đợt khủng bố của địch. Sau hội nghị một số đồng chí bị bắt. Kẻ địch dò mối, khai thác bọn phản bội nên đến ngày 19-4-1931 chúng đã bắt được Trần Phú tại số nhà 66 đường Sampanhơ Sài Gòn. Trong suốt 5 tháng liền, cơ quan mật thám Pháp với những tên khét tiếng gian ác, tàn bạo đã dùng mọi thủ đoạn cực hình tra tấn Anh một cách dã man như: tra điện, lộn mề gà, cắt gan bàn chân nhét bông tẩm xăng vào rồi đốt... Nhưng chúng vẫn không thể khuất phục được ý chí gang thếp của Trần Phú. Mỗi lời nói của anh luôn luôn thể hiện chí khí của người cộng sản. Với kẻ thù, Anh dứt khoát: “Đừng hỏi làm gì nữa vô ích, ta không thể đem công việc của Đảng ra để nói cho các người nghe”. Với Đảng, với đồng chí thân yêu của mình, Anh dặn dò: “Không có gì nhắn cả, tôi chỉ nhắc anh em hãy ráng mà giữ vững chí khí chiến đấu” Cuối cùng chúng buộc phải đưa Anh ra toà án sài Gòn xét xử. Tại đây Anh đã biến phiên toà thành nơi lên án chủ nghĩa đế quốc thực dân và nêu cao uy tín của Đảng cộng sản Đông Dương. Bị bất lực, chúng lại giam anh vào hầm tối và tra tấn Anh rất tàn ác. Tuy bị bệnh, sức khoẻ giảm sút nhanh chóng nhưng Trần Phú vẫn cùng anh em đấu tranh và nêu tấm gương cho các đồng chí khác trong đấu tranh; tranh thủ những ngày còn lại của cuộc đời mình để bồi dưỡng lý luận cách mạng và kinh nghiệm công tác cho các đồng chí, động viên họ giữ vững ý chí trước kẻ thù. Sau lần tham gia đấu tranh, cùng anh em tuyệt thực 5 ngày, bệnh tình của Anh ngày càng thêm trầm trọng. Tháng 8 năm 1931 kẻ thù buộc phải đưa Anh về nhà Thương Chợ Quán. Ngày 6-9-1931 Trần Phú đã qua đời ở tuổi 27. Trần Phú đã từ giã chúng ta sau một quảng đời hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Song lý tưởng và tinh thần của Anh vẫn sống mãi cùng chúng ta. Bản Luận cương Chính trị- di sản mà đồng chí để lại vẫn có giá trị trường tồn. Trong khi các thế lực thù địch đang muốn chúng ta xem xét lại con đường đã chọn, muốn phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản, thì những tư tưởng lớn mang tính nguyên tắc, có cơ sở lý luận và thực tiễn trong bản luận cương vẫn còn có ý nghĩa dẫn đường cho Đảng trong sự nghiệp cách mạng hôm nay./. Th.s Trần Quang Trung 3-2014

Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

Những đóng góp quan trọng của đồng chí Nguyễn Thiếp với Đảng bộ và nhân dân trong thời kỳ cách mạng 1930-1931 ở Hà Tĩnh

Trong pho sử vàng truyền thống của Đảng bộ Hà Tĩnh có không ít những đồng chí cán bộ, đảng viên trung kiên của Đảng đã để lại công lao to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân. Mặc dù trước chính sách thống trị tàn bạo của kẻ thù họ không có được nhiều thời gian để cùng nhân dân làm nên sự nghiệp lớn; song những đóng góp của quan trọng vào sự nghiệp cách mạng để làm nên chiến thắng thì lịch sử mãi mãi không bao giờ phai nhạt. Đồng chí Nguyễn Thiếp là một trong số tấm gương tiêu biểu đó. I- Bối cảnh xuất thân Đồng chí Nguyễn Thiếp (bí danh là Nguyễn Châu, Kim Đơn, Nguyễn Cầu, Nguyễn Hữu Diên) sinh ngày 01- 6 -1894 tại làng Phù Việt (nay là xã Thạch Việt) huyện Thạch Hà, Tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước và học hành khoa cử. Ông nội Nguyễn Thiếp là Nguyễn Nhân (1826-1889) từng là Ấm sinh Quốc Tử Giám ở Huế và sau trở thành danh y. Cha của đồng chí là cụ Nguyễn Xác (1860- 1897), một người thông thạo “tứ thư”, “ngũ kinh”, đậu hai kỳ thi Hương, nhưng đã tạ thế lúc đang độ phát triển chín muồi ở tuổi 38. Mẹ ông, cụ bà Lê Thị Bình (1857- 1937) là con thứ năm cụ Lê Văn Kích, quê Thạch Minh, Thạch Hà, là cô ruột của Ông Lê Hữu Đạt (tức Lê Khoan) thân sinh anh hùng Lý Tự Trọng. Sinh ra trong một gia đình như vậy trên một vùng đất được gọi là “địa linh nhân kiệt”; Nguyễn Thiếp sớm tiếp cận với nhiều tấm gương sáng về tinh thân hiếu học và tinh thần cách mạng bất khuất kiên trung của các bậc tiền nhân như La Sơn phu tử, Nguyễn Biểu, Lê Ninh, Phan Đình phùng, Cao Thắng .... Đặc biệt là tiếng vang của các bậc đàn anh đầu thế kỷ như Phan Bội châu, Phan Chu Trinh ở xứ Nghệ với những phong trào cách mạng sôi nổi tìm đường khai hóa cho đất nước thoát khỏi sự thống trị của thực dân đế quốc, đã khơi dậy trong ông một tinh thân yêu nước dám xả thân vì sự nghiệp cách mạng vì vận mệnh của đất nước và nhân dân. Bản thân Nguyễn Thiếp thuở nhỏ đã tỏ ra là một cậu bé thông minh, ham học; bố mất từ lúc lên 3 tuối, được mẹ nuôi dưỡng và sớm tiếp cận cuộc sống kham khổ nên Nguyễn Thiếp sớm có tinh thần tự lập, sống khí khái, thương yêu người ngèo khổ và có nhiều khát vọng lớn. Tiếp thế hệ và cùng thời với Nguyền Thiếp trên quê hương Ngệ Tĩnh đã có nhiều người tham gia sôi nổi các hoạt động yêu nước tiến bộ như Nguyễn Tất Thành, Trần Phú, Hà Huy Tập ... đã thôi thúc Nguyễn Thiếp sớm bước vào con đường cách mạng. Chính vì vậy mà ở độ tuổi 20 đầy nhiệt huyết, ngay sau khi đậu sơ học, Nguyễn Thiếp đã trở về quê nhà dạy học để có điều kiện tham gia hoạt động yêu nước. Tuy nhiên do sự tàn bạo của chính sách thực dân, trong điều kiện ảnh hưởng của luồng gió cách mạng mới còn đang nhỏ bé; những nổ lực phấn đấu và cống hiến cho sự ngiệp cách mạng và khát vọng, mơ ước của tuổi trẻ Nguyễn Thiếp cũng như nhiều đồng chí đồng nghiệp; anh đã sớm bị kẻ thù tìm cách đàn áp. Nguyễn Thiếp đã vĩnh viễn ra đi ở đội tuổi sung sức nhất, để lại phí sau những hoài bão lớn lao và những đóng góp quan trọng, vô cùng có ý nghĩa cho phong trào cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đầu thế kỷ XX. II- Một số đóng góp quan trọng: Nguyễn Thiếp là nhân tố tích cực giác ngộ cách mạng trong thanh niên. Vơí tư chất thông minh, lại được tiếp nối tri thức của quê hương, gia đình đặc biệt là ảnh hưởng của tư tưởng mới - cách mạng vô sản theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin thông qua việc truyền bá của các nhà yêu nước. Đặc biệt là sự tác động sâu sắc sau khi được tham dự lớp huấn luyện bồi dưỡng lý luận cộng sản do đồng chí Trần Hữu Thiều tổ chức tại làng Phù Việt cùng với các thanh niên tiên tiến khác trong tổ chức Tân Việt như Mai Kính, Võ Quê, Trần Hưng...Nguyễn Thiếp trở thành nhân tố tích cực truyền bá tinh thần yêu nước trong thanh niên. Có thể nói đây là hoạt động có sức thu hút thanh niên mạnh mẽ nhất vì chỉ sau khi có những hiểu biết về lý luận cách mạng thì mới có thể tạo nên được phong trào cách mạng, Nhờ có những hoạt động tích cực ban đầu này mà Nguyễn Thiếp đã cùng với các thanh niên nòng cốt sớm tập hợp được đông đảo thanh niên ưu tú cùng tham gia hoạt động cách mạng. Trong số đó ta thấy có rất nhiều những người bạn của ông đã sát cánh trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù như Hà Huy Tập, Nguyễn Sỹ sách, Nguyễn Huy Lung... Không chỉ tích cực vận động và truyền bá tinh thần yêu nước, Nguyễn Thiếp còn là tấm gương hoạt động xuất sắc trong các tổ chức đầu thế kỷ XX. Nguyễn Thiếp là người tham gia Hội Phục Việt do cụ Lê Huân tổ chức tại núi Con mèo, Bến Thủy, sau đó đổi tên là Hội Hưng Nam, Đảng Tân việt. Trong tổ chức, Nguyễn Thiếp đã cùng các Hội viên tham gia ra truyền đơn đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu; kêu gọi nhân dân đấu tranh chống ách đô hộ của thực dân phong kiến. Vừa là một thầy giáo, vừa là người tham gia hoạt động, Thầy giáo Nguyễn Thiếp còn hướng dẫn bà con nhân dân, tìm cách dây dưa, khất lần, hoãn việc đóng thuế; viết đơn tố cáo bọn quan lại hào lý nhũng nhiều, đục khoét tiền của, đồng bào. Vì công việc đòi hỏi nhiều thời gian vắng nhà, Nguyễn Thiếp đã phải bỏ việc day học để tham gia hoạt động. Ngay cả khi bọn quan lại và Chánh Tổng làng Phù Việt bố trí người theo dõi và ngăn cấm, Nguyễn Thiếp vẫn không hề sợ hãi càng tích cực hoạt động và ví trí của Nguyễn Thiếp càng ngày càng lớn trong tổ chức của mình. Sau một thời gian hoạt động, đồng chí Nguyễn Thiếp đã được phân công phụ trách Đại tổ Tân việt huyện, rồi Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tân Việt tỉnh Hà Tĩnh. Khi Đảng Tân Việt chuyển thành Đông Dương cộng sản liên đoàn, đồng chí là thành viên tích cực hoạt động để xây dựng tổ chức yêu nước chân chính ở địa phương. Tháng 3-1930 Đại hội thành lập Đảng bộ Lâm thời Hà Tĩnh, đồng chí đã được bầu vào Ban chấp hành lâm thời, phụ trách các huyện phía Nam của tỉnh. Với uy tín của mình, Đồng chí Nguyễn Thiếp đã được Đại hội chính thức của Đảng bộ Hà Tĩnh 9-1930 bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy; đây là tiền đề quan trọng để đồng chí tiếp tục tham gia Ban Chấp hành xứ ủy, rồi Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung kỳ của Đảng cộng sản Việt Nam. Nguyễn Thiếp là một tấm gương xây dựng tổ chức của Đảng. Khi nói đến hiệu quả hoạt động của Đảng trước hết phải nhìn vào hệ thống tổ chức cơ sở của Đảng. Hơn ai hết với cương vị Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Thiếp thấy rõ sự cần thiết việc mở rộng mạng lưới cơ sở Đảng. Bất chấp sự ngăn cấm của kẻ thù, đồng chí đã tích cực lăn lộn trong phong trào quần chúng để xây dựng cơ sở Đảng. Bằng vốn hiểu biết và kinh nghiệm hoạt động của mình, đồng chí đã sử dụng nhiều bí danh khác nhau với nhiều hình thức phong phú để có thể che mắt địch như việc dạy học, cho thuốc chữa bệnh...Đồng chí đã xuống tận các cơ sở quần chúng, vận động nhân dân tham gia các tổ chức quần chúng, tổ chức biểu tình, đấu tranh; vì đây chính là nguồn bổ sung nguồn nhân tố tích cực cho nòng cốt của Đảng. Để tập hợp quần chúng đồng chí còn hướng dẫn nhân dân “vay” thóc lúa của nhà giàu chia cho dân nghèo cứu đói; khi có điều kiện thì tước ấn tín của bọn Lý trưởng, Chánh tổng để lập nên các Xô viết...Tuy nhiên muốn làm cho hoạt động của nhân dân có hiệu quả, trước hết cần có những nòng cốt lãnh đạo đó là các cơ sở Đảng. Việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng là công việc không tách rời với việc xây dựng các tổ chức quần chúng. Bằng những nổ lực phấn đấu của mình, chỉ sau 7 tháng phụ trách, các huyện phía Nam đã xây dựng được 30 chi bộ Đảng cộng sản với hơn 100 đảng viên; một số phủ ủy, huyện ủy được thành lập đây là nhân tố quan trọng để thúc đẩy phong trào cách mạng phía Nam Hà Tĩnh ngày càng phát triển. Chính nhờ những nổ lực của Nguyễn Thiếp và các đồng chí của mình mà đến thời điểm điễn ra Đại hội, Đảng bộ đã có số đảng viên lên tới gần 500 đảng viên cùng hàng ngàn hội viên các tổ chức quần chúng cách mạng khác.Với kết quả này đồng chí Nguyễn Thiếp đã cung cấp cho Đảng những kinh nghiệm thành công trong việc xây dựng tổ chức cơ sở của Đảng ngay trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Về chỉ đạo phát tiển kinh tế: Nguyễn Thiếp là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, anh vốn rất gần gủi với các tổ chức phường nghề, thủ công truyền thống của địa phương, đây chính là những nhân tố đầu tiên cho Nguyễn Thiếp hình thành ý thức hoạt động tập thể. Từ thực tiễn địa phương Nguyễn Thiếp đã bỏ công nghiên cứu và vận động nhân dân xây dựng và triển khai tổ chức dưới hình thức lao động tập thể. Các thôn xã Bộ nông sau khi ra đời được sự chỉ đạo mới một mặt duy trì và phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống như làm nón, làm chiếu, đánh cá...mặt khác tích cực mở mang việc dạy thêm nghề mới như nghề may, làm thuốc chữa bệnh; xây dựng các công trình có tính cộng đồng cao hơn để phát triển hiệu quả lâu dài. Từ đó các địa phương đã dấy lên phong trào chung sức lao động; tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, giúp đỡ nhau làm mùa; sữa sang đường làng ngõ xóm; cùng nhau đào mương, đắp đập chống hạn. Từ chỉ đạo của đồng chí một số công trình của địa phương đã phát huy hiệu quả như đập Hói Dát, đập Khố Nội, đường lên núi Mô... thực sự đã giúp nhân dân có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế văn hóa của địa phương. Về xây dựng đời sống văn hóa mới tiến bộ: một đóng góp quan trọng khác rất có ý nghĩa của Nguyễn Thiếp đối với nhân dân là việc truyền bá và tổ chức xây dựng cuộc sống mới văn minh, tiến bộ. Lớn lên ở một vùng quê nghèo, Nguyễn Thiếp hiểu rõ sự cần thiết thúc đẩy phát triển kinh tế luôn gắn liền với việc xây dựng cuộc sống văn hóa, văn minh, tiến bộ. Trên cương vị của người Bí thư Cấp ủy Nguyễn Thiếp là người đưa ra nhiều chủ trương được các thôn xã đồng tình cao. Trong điều kiện các xô viết của công nông mới ra đời, Nguyễn Thiếp là một trong những người tích cực đưa ra các chủ trương cải cách đời sống văn hóa, bài trừ hủ tục ở địa phương. Thực hiện chỉ đạo của đồng chí nhiều nơi bên cạnh việc tổ chức học chữ quốc ngữ nâng cao hiểu biết, đã thực hiện việc bài trừ các hủ tục như ma chay, đồng bóng; thực hiện việc cưới việc tang do các đoàn thể quần chúng đứng ra lo liệu; các hoạt động vui chơi tập thể, cá loại hình văn nghệ như tuồng, chèo, kịch gắn với nội dung giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng được khuyến khích. Để giúp dân có điều kiện phòng chống dịch bệnh Đồng chí Nguyễn Thiếp còn phát động nhân dân đào giếng để dùng nước sạch, đắp đập, đào mương, làm đường sá phong quang sạch sẽ để nhân dân đi lại sinh hoạt tốt hơn. Những đổi mới trong đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư càng thúc đẩy nhân dân tăng thêm niềm phấn khởi và tin tưởng vào con đường cách mạng do Đảng lãnh đạo. Trong những đóng góp của Nguyễn Thiếp có một điều quan trọng nữa là đồng chí đã nêu một tấm gương sáng về sự kiên trung, lòng dũng cảm của một người chiến sĩ cách mạng, một cán bộ đảng viên trung thành tuyệt đối với Đảng với nhân dân. Cả cuộc đời hoạt động của Nguyễn Thiếp từ khi lớn lên đến phút hy sinh ông luôn thể hiện một con người kiên nghị vì nước vì dân. Dù kẻ thù đã không cho ông có nhiều thời gian hơn để ông còn cống hiến được nhiều hơn nữa; song chừng ấy cũng cho thấy ông sống vì dân vì sự nghiệp mà không có một phút tính toán cá nhân nào. Ông tham gia tổ chức yêu nước chống lại kẻ thù là vì dân. Ông làn cán bộ, tham gia cấp uỷ là do sự phấn đấu và kết quả hoạt động của ông được đồng chí nhân dân tôn vinh tín nhiệm. Vì mục tiêu lớn chống lại ách áp bức bóc lột của kẻ thù, giải phóng xiềng xích nô lệ, ông không sợ hy sinh, bất chấp mọi đe xọa, ngăn cấm của chính quyền địch. Khi sa vào tay địch và trước những ngón đòn tra tấn dã man của chúng ông không hề run sợ; cho đến lúc kẻ thù đã làm cho thân thể của ông tiều tụy, đôi chân không còn nâng nổi cơ thể, ông vẫn một mực trung thành với Đảng với đồng chí của mình. Không thể sống nổi trước sự tàn bạo của các thế lực thống trị, Nguyễn Thiếp đã trút hơi thở cuối cùng để lại tấm gương sáng chói và niềm tiếc thưng vô hạn với đồng chí và nhân dân về một cuộc đời cống hiến trọn vẹn của một người con quê hương, người Bí thư Đảng bộ những ngày đầu tiên của Đảng. 120 năm đã qua, Nguyễn Thiếp đã về nơi an nghỉ vĩnh hằng; tiếp nối mục tiêu và lý tưởng của đồng chí, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã không ngừng phát triển và lớn mạnh. Trong từng chặng đường đi lên ấy chúng ta càng thấu hiểu những giá trị to lớn về những đóng góp trên nhiều mặt của đồng chí đối với đảng bộ. Tấm gương Bí thư Nguyễn Thiếp sẽ sống mãi trong lòng cán bộ nhân dân Hà Tĩnh về một con người tận tụy hy sinh, kiên cường dũng cảm, luôn luôn gắn bó mật thiết với nhân dân vì nhân dân mà trọn đời suy tư trăn trở, hoạt động, cống hiến cho sự ngiệp cách mạng./. Trần Quang Trung