Thứ Tư, 7 tháng 6, 2017

Thành phố Hà Tĩnh- Bước tiến dài sau hơn một phần tư thế kỷ

       Từ ngày tái lập tỉnh, Trung tâm tỉnh lỵ Hà Tĩnh mới được xác định trở lại và bước vào chặng đường xây dựng mới, giờ đây Thành phố Hà Tĩnh đã có một bước tiến dài và không ngừng đổi thay kỳ diệu.
        Do có sự biến đổi về tổ chức hành chính trong lịch sử; địa giới hành chính cũng như vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh lỵ Hà Tĩnh - mảnh đất Thành phố hôm nay đã có nhiều lần biến đổi. Từ một lỵ sở ngày lập tỉnh 1831, Thị xã được thành lập dưới sự chuẩn y của Toàn quyền Đông Dương Méclanh (Merlin) vào năm 1924. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công Thị xã Hà Tĩnh chỉ vẻn vẹn 2,5km2,, dân số hơn 4.400 người. Cuộc kháng chiến chống thực dân bùng nổ toàn dân chăm lo công tác tiêu thổ kháng chiến để bảo toàn lực lượng đánh giặc lâu dài. Thị xã chỉ còn lại là một đơn vị hành chính ngang xã, thuộc huyện Thạch Hà. Cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp kết thúc; Thị xã mới được lập lại trở thành đơn vị hành chính cấp huyện, trực thuộc tỉnh. Tên gọi Thị xã được tồn tại suốt thời gian cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và thời kỳ sáp nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh (1976-1991). Kỳ họp thứ 9, Quốc Hội khóa VIII năm 1991, quyết định tách tỉnh Nghệ Tĩnh thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Thị xã Hà Tĩnh chính thức được chọn làm Trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Hà Tĩnh mới, đây là tiền đề quan trọng để Thị xã không ngừng phát triển.
       Hai mươi sáu năm đã qua, một quảng thời gian chưa dài, nhưng dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của cấp ủy chính quyền, đoàn thể cấp tỉnh và sự nổ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ, nhân dân, Trung tâm tỉnh lỵ Hà Tĩnh (Trung tâm) đã có bước trưởng thành vượt bậc. Trên một số lĩnh vực cơ bản chúng ta có thể thấy rõ sự đổi thay  nhanh chóng ấy:
       Trên bản đồ hành chính, Trung tâm tỉnh lỵ không còn bóng dáng của một thị xã xưa. Sau khi trở lại tỉnh mới năm 1991, Thị xã Hà Tĩnh chỉ mới có 2 phường 6 xã khoảng hơn 4 vạn người với diện tích 30km2 . Sau nhiều lần sáp nhập mở rộng, năm 1993 lập thêm 2 phường để có 4 phường 6 xã và vào năm 2004 thêm 6 phường mới để có 10 phường, 6 xã. Đến nay Thành phố Trung tâm đã có diện tích 56,5 km2 , dân số đạt gần 10 vạn người. Như vậy cả quy mô và dân số đều tăng cao so với  ngày tái lập tỉnh. Đây chính là điều kiện tiên quyết để có thể phát triển Thị xã trở thành Thành phố theo hướng văn minh hiện đại.
        Không chỉ về diện tích dân số, cái chuyển mình lớn nhất mà chúng ta có thể tự hào là sự đổi thay và phát triển nhanh chóng của Trung tâm, đó là sự phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội. Có thể nói sau nhiều năm bị chiến tranh tàn phá, sau đó có 15 năm nhập tỉnh Nghệ Tĩnh, cơ sở vật chất hạ tầng của Thị xã rất thấp kém vì chưa được đầu tư. Những thế hệ lớn tuổi gần như ai cũng không thể quên: cả Trung tâm trước đây chỉ có 1,4 km đường cứng trên trục đường Phan Đình Phùng và khoảng 10km đường Quốc lộ 1A là đường có rải nhựa nham nhở từ thời thuộc Pháp để lại, còn lại là những tuyến đường đất bùn lầy sau những cơn mưa. Nói là Trung tâm nhưng gần như người dân đều sử dụng giếng nước tự đào, giếng nước máy công cộng chỉ được một số chổ nhưng ít khi đầy nước. Đêm đêm người dân í ới gọi nhau đi gánh nước máy từ giếng công cộng về dùng. Thông thường người dân phải đợi hàng giờ, có khi cả ngày mới lấy được nước đem về phục vụ sinh hoạt gia đình....Vậy mà giờ đây, Nhà máy nước đã đảm bảo nước sạch cung cấp 30.000m3/mỗi ngày đêm, phục vụ nhu cầu của người dân trong thành phố. Cả thành phố đang được dệt thêu với mạng lưới điện đường rực sáng. Trung tâm  không còn đường đất nhỏ mà thay vào đó là hệ thống đường nhựa, đường bê tông thông thương, tiện lợi kết nối các phường xã trên địa bàn dân cư; hơn thế còn có cả đường nhựa lớn, đường một chiều hiện đại. Hệ thống trường học, trạm xá đều được xây dựng mới khang trang. Bệnh viện thành phố được xây dựng theo mô hình hiện đại, phục vụ ngày một hiệu quả hơn cho bệnh nhân, đang trở thành điểm sáng cho mô hình bệnh viện cấp huyện trong toàn tỉnh. Lúc mới tách tỉnh, hệ thống trường, lớp học của Thị xã còn rất đơn sơ. Phòng học chủ yếu ở nhà cấp bốn, hay phòng lợp lá cọ. Trường còn phải tổ chức liên cấp 1 và 2. Đến nay trong tổng số 45 trường học của Thành phố thì 100% trường học có nhà cao tầng. Một số trường đã có phòng học đa chức năng bề thế với nhiều phương tiện, đồ dùng dạy học hiện đại như hệ thống máy vi tính, đèn chiếu, cơ sở bán trú, các trung tâm ngoại ngữ, tin học, sách vở tài liệu đảm bảo yêu cầu phục vụ việc giảng dạy và học tập. Thành phố đã có nhà nhiều tầng, nay đang xây dựng Trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp hiện đại với những ngôi nhà chọc trời đã và đang ra đời. Người dân Thị xã trước đây chủ yếu làm nông, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như dệt vải, nghề gốm, nghề mộc, chế biến đồ dùng bằng tre...cũng như các ngành nghề kinh doanh buôn bán thương nghiệp đều nhỏ lẻ. Cuối năm 1991 Thị xã chỉ mới có xấp xỉ 700 lao động công nghiệp ngoài quốc doanh. Giá trị Tổng sản lượng công nghiệp  Thị xã quản lý đến cuối năm là 1.417 triệu đồng (1). Mỗi ngày sau 20 giờ, Thị xã đã về đêm yên tỉnh bởi ánh điện chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Cả Thị xã chỉ mới được cung cấp 15 triệu kwh/năm. Giờ đây Thành phố rực sáng về đêm với nguồn điện khá dồi dào trên tổng mức được cấp xấp xỉ 10 triệu kwh/ tháng. Điện và giao thông thuận lợi đang là động lực thúc đẩy nhanh việc phát triển kinh tế đa dạng phong phú. Nhiều ngành nghề mới ra đời như nuôi cá lồng bè, phát tiển trang trại, gia trại, trồng hoa, cây cảnh... Thành phố đang chuyển dich cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực tạo đà cho Thành phố không ngừng phát triển. Tổng thu ngân sách xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt hơn 41 triệu đồng /người năm, là sự chuyển mình đáng tự hào của người dân Thành phố Hà Tĩnh.
        Khi Trung tâm được công nhận là thành phố thuộc tỉnh, mọi nếp sống sinh hoạt của người dân đều đặt ra yêu cầu mới. Thành phố đã không chỉ chăm lo phát triển kinh tế văn hóa mà đã chú trọng việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Thực hiện cuộc vận động về “Xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”;  Thành phố đã xây dựng chương trình hành động cho các địa phương triễn khai xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội và  phong trào xây dựng các khu dân cư xanh, sạch, đẹp. Đến nay Thành phố đã có 100% tổ dân phố, thôn xóm có nhà văn hóa; nhiều tuyến phố tự quản ra đời. Hoạt động dịch vụ thu gom rác thải đã đi vào nề nếp. Nhiều loại hình hoạt động văn nghệ, thể thao lành mạnh đã được các cấp quan tâm khôi phục và xây dựng mới. Nhiều câu lạc bộ dưỡng sinh, trợ giúp chữa bệnh, các loại hình thể thao khắp thành phố được khơi dậy sôi nổi, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các đối tượng tham gia. Điều đáng nói là để đảm bảo thuận lợi cho hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của người dân, bên cạnh việc hình thành các khu sinh thái, khu vui chơi giải trí; nhiều công trình lịch sử, văn hóa đã được  tiến hành tôn tạo xây dựng mới trong đó có những công trình có ý nghĩa như Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, tượng đài Trần Phú, Lý Tự Trọng, Văn miếu, Bia chứng tích nhà Lao Hà Tĩnh, Chùa Cảm Sơn.v.v.... Có thể nói tất cả những hoạt động này đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần ngày càng cao của người dân làm cân bằng thêm những sinh hoạt lành mạnh khắp địa bàn thành phố.
      Một nét đổi thay quan trong khác của Thành phố trung tâm là việc xây dựng nguồn nhân lực. Bởi rốt cuộc sau khi đã xác định đựơc phương hướng phát triển thì con người là yếu tố quyết định sự thành bại. Trong tiến trình đi lên, Thành phố đã rất quan tâm xây dựng nguồn nhân lực mà trước hết đội ngũ cốt cán. Lúc mới tách tỉnh, nguồn nhân lực nói chung của toàn tỉnh rất thấp. Nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế; bởi vậy lao động phổ thông vẫn là chủ yếu trong các địa bàn dân cư. Trình độ học vấn và lao động kỷ thuật toàn tỉnh nói chung, Thị xã nói riêng còn rất ít ỏi. Không chỉ ở Thị xã Trung tâm mà trên địa bàn toàn tỉnh, đội ngũ cán bộ có học vị thạc sĩ trở lên chưa đầy vài chục người. Vậy mà giờ đây trong quá trình tiếp cận nền kinh tế tri thức với cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển, Thành phố đã đi tiên phong trong việc xây dựng nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ. Rất nhiều cán bộ từ Thành phố đã trưởng thành, được điều động giữ các vị trí trọng trách tronng các cơ quan ban ngành cấp tỉnh. Chỉ riêng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức các phòng ban, đơn vị sự nghiệp và UBND các phường xã thuộc thành phố đã có 83% có trình độ từ Đại học cao đẳng trở lên; trong đó số có học vị từ thạc sĩ trở lên chiếm 3,4%....
     Như vậy, sau hơn một phần tư thế kỷ, từ một địa bàn nhỏ bé của thị xã Hà Tĩnh, có lúc là đơn vị ngang cấp xã, Trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh đã có bước đổi thay kỳ diệu trên tất cả các lĩnh vực. Diện mạo mới của thành phố hôm nay là kết quả của một quá trình phấn dấu không mệt mỏi của mỗi cán bộ, đảng viên, và quần chúng nhân dân. Mặc dù phía trước vẫn còn nhiều thử thách, nhiều tiêu chí còn phải nổ lực phấn đấu; song những thành quả đạt được của Thành phố thời gian qua không chỉ là niềm tự hào chính đáng của địa phương mà là điều kiện căn bản để thành phố cất cánh vươn mình, xứng đáng trở thành đô thị loại hai vào năm 2018 như mục tiêu của Thành phố đặt ra./.
                                                                                                                      6-2017


(1) Niên giám thống kê  1991-1994  Cục Thống kê Hà Tĩnh    trang 110