Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Đại đoàn kết nhân lên sức mạnh nội lực

Đại đoàn kết nhân lên sức mạnh nội lực Không chỉ xuất phát từ cội nguồn con người Việt sinh ra từ một mẹ theo truyền thuyết; mà yêu cầu của sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, đã thôi thúc người Việt Nam xích lại gần nhau hơn. Sự gắn bó với nhau, thống nhất ý chí và hành động của người Việt qua các thế hệ đã tạo nên sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn thách thức bảo tồn nòi giống và xây nên một nền văn minh có tính đặc trưng không ngừng phát triển và hoàn thiện. Từ thực tiễn chống thiên tai và chống giặc ngoại xâm để bảo tồn cuộc sống đã làm cho cộng đồng dân tộc cần có một sức mạnh chung to lớn. Vì thế mọi thành viên trong cộng ấy cần thiết phải hòa hợp về mục đích, quyết tâm và hành động tích cực, điều này thúc đẩy người Việt xích lại gần nhau trong một khối đoàn kết. Sức mạnh của khối đoàn kết đã được các thế hệ truyền lại cho nhau theo một hình ảnh gần gủi trong câu ca dao sau: Một cây làm chẳng nên non Ba cây chụm lại thành hòn núi cao Chính nhờ sức mạnh đoàn kết ấy mà xưa nay trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, dân tộc ta đã làm nên chiến thắng dù phải “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh”. Tố chất thông minh, sáng tạo của người Việt kết hợp với sự đoàn kết, cộng đồng đã nhân lên sức mạnh vốn có của dân tộc, hun đúc nên truyền thống chiến đấu bất khuất, mang lại chiến thắng qua các cuộc chiến đấu hàng ngàn năm chống xâm lược phương Bắc và hàng trăm năm chống thực dân đế quốc bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Nhờ sức mạnh đoàn kết ấy cộng đồng dân tộc Việt Nam còn có thể cùng nhau vượt qua mọi sự tấn công tàn phá của thiên nhiên. Con người đã cố kết với nhau, giúp sức, cưu mang nhau trong khó khăn hoạn nạn, bão tố, lũ lụt với tinh thần tự nguyện “lá lành đùm lá rách, lá rách ít che lá rách nhiều”...cứ như vậy mà dân tộc ta ngày càng phát triển lớn mạnh. Nằm trong vị trí xung yếu của đất nước; vừa có vị trí chiến lược trong các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm đồng thời có tọa độ địa lý thiên nhiên khắc nghiệt thường xuyên phải hứng chịu thử thách của thiên nhiên nắng lửa, mưa nhiều, lũ lụt, bão tố... Hơn ai hết xứ Nghệ nói chung, Hà Tĩnh nói riêng càng thấu hiểu giá trị bền vững của sức mạnh đoàn kết, cố kết cộng đồng. Có thể nói điều này là nhân tố quan trọng đầu tiên xây nên những truyền thống tốt đẹp của con người Hà Tĩnh. Từ này có Đảng lãnh đạo, phát huy sức mạnh đoàn kết người Hà Tĩnh đã không ngừng tạo nên những đột phá mang lại nhiều kỳ tích. Hà Tĩnh là quê hương của phong trào Xô Viết, là nơi giành được chính quyền cách mạng sớm nhất, nơi sớm xóa nạn mù chữ ngay sau khi có chính quyền mới. Trong các cuộc kháng chiến chống đế quốc Hà Tĩnh là Hậu phương của tiền tuyến lớn miền nam, đồng thời cũng là tiền tiến tuyến của hậu phương miền Bắc, là địa phương mà kẻ địch không đứng chân nổi một ngày. Nơi đây đã có những kỳ tích huyền thoại: “xe chưa qua nhà không tiếc” từ việc dân dỡ nhà làm đường cho xe ra tiền tuyền. Nhiều địa danh mãi mãi đi vào lịch sử tô thắm trang sử vàng dân tộc như bến phà Linh Cảm, Địa lợi, Núi Nài, Ngả Ba Đồng Lộc... Đi vào công cuộc xây dựng mới sau chiến tranh, phát huy truyền thống quê hương, Hà Tĩnh lại viết thêm những trang sử mới mang đậm nét sức mạnh đoàn kết. Đó là những đột phá trong Phong trào giúp nhau xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 50% sau ngày tái lập tỉnh xuống còn 14%; làm giao thông nông thôn, kênh mương cứng nội đồng đảm bảo tưới tiêu chủ động trong sản xuất nông nghiệp. Hà Tĩnh còn là tỉnh đi đầu trong Phong trào xóa nhà tranh tre dột nát; xây dựng trường học cao tầng cho 100% xã, phường, thị trấn; Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư; Phong trào xây dựng nông thôn mới hay giúp nhau khắc phục hậu quả thiên tai do bão lũ gây ra..v.v... Giờ đây, thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh nhằm “ xây dựng Hà Tĩnh thành một tỉnh có công nghiệp và dịch vụ phát triển”; nhiều công trình, dự án mang tầm cở quốc gia, khu vực đang được triển khai tại Khu kinh tế Vũng Áng, Khu cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, công trình thủy điện Ngàn Trươi Cẩm Trang, nâng cấp các đường quốc lộ, tỉnh lộ .... Một lần nữa sức mạnh đoàn kết lại được thể hiện rõ nét trong việc tổ chức di dời hàng ngàn hộ dân về các khu tái định cư để giải phóng mặt bằng; trong đó có sự huy động vào cuộc, giúp đỡ của toàn bộ hệ thống chính trị. Nổi lên trong sự thành công vẫn là nhờ có sức mạnh đoàn kết. Bởi trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới bất cứ đâu cũng không thể tránh khỏi những lực cản từ tâm lý muốn ổn định, cố hữu, lợi ích cục bộ, không muốn xáo trộn nếp cũ, phá đi tất cả những gì đã có từ trước đến nay; trong khi những kết quả tốt đẹp còn là triển vọng phía trước. Thêm vào đó Hà Tĩnh còn là một tỉnh nghèo, mọi điều kiện vật chất từ nguồn vốn, phương tiện, thiết bị vẫn còn hạn chế. Việc tìm khâu đột phá đi lên không thể tách rời sự đòi hỏi những yếu tố vật chất tối thiểu ban đầu. Việc quy hoạch, bố trí tổ chức lại các khu dân cư cho hàng ngàn hộ dân cho các công trình dự án mới trong một thời gian ngắn là một vấn đề không hề đơn giản. Chính nhờ có sức mạnh đoàn kết mới tập hợp và phát huy tối đa được sức mạnh vật chất từ ý chí, trí tuệ, sự thông minh, sáng tạo của mỗi con người trong khối đoàn kết ấy. Nhìn một cách tổng quát thì bài học của Hà Tĩnh là nhờ có sự đoàn kết trên dưới một lòng mới có thể phát huy cao độ sức mạnh nội lực của địa phương từ tỉnh, huyện, xã đến các cộng đồng dân cư để giải quyết mọi vấn đề đặt ra trong tiến trình thực hiện mục tiêu, định hướng của Đảng. Kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kỷ niệm một chặng đường đấu tranh không mệt mỏi của khối đoàn kết toàn dân tộc. Nhìn lại thực tiễn của tỉnh nhà chúng ta càng thấy tầm quan trọng lớn lao của sức mạnh đoàn kết. Trong mỗi bước đi lên, dù khó khăn gian khổ đến mấy chúng ta vẫn có thể tin tưởng vào tiền đồ tươi sáng khi bên cạnh chúng ta vẫn còn văng vẳng lời hiệu triệu của Bác Hồ kính yêu: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công ./. Trần Quang Trung 10-2013

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

Tờ báo Đảng với người lãnh đạo

Xưa nay một người lãnh đạo chân chính bao giờ cũng có quan hệ mật thiết, không thể tách rời với tờ báo của mình. Bởi báo chí vừa là tiếng nói chung, vừa là công cụ điều hành của chính người lãnh đạo đối với xã hội. Để tiến hành cuộc Cách mạng vô sản Lê Nin đã trước hết xây dựng và cho ra đời tờ báo “Tia lửa”. Từ “Tia lửa” thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng Tháng Mười vĩ đại thiêu cháy hoàn toàn chế độ thống trị Nga Hoàng, mang lại một kiểu xã hội mới cho nhân loại. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc để làm một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Người đã rất tích cực phát huy lợi thế của báo chí. Trong quá trình hoạt động Người đã trải qua nhiều khâu quan trọng trong nghề báo như viết bài, làm ảnh, in ấn, phát hành đến cả việc làm chủ bút báo. Người đã chăm lo xây dựng tờ báo “Thanh niên” để truyền bá chủ nghĩa Mác Lê Nin, chủ nghĩa yêu nước cho các tầng lớp nhân dân trong những ngày đầu cách mạng. Từ ngày có Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, báo Đảng là tiếng nói của Đảng, chính quyền cách mạng và của toàn thể nhân dân. Chính nhờ có tờ báo Đảng mà làm cho tiếng nói của Đảng với tiếng nói của nhân dân ngày thêm gần gủi, mật thiết. Nơi nào tiếng nói của Đảng và nhân dân thống nhất, nơi đó có phong trào cách mạng phát triển. Chính vì lẽ đó mà Bộ chính trị (khóa VIII) của Đảng đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 28/12/1996 về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng. Nhiều địa phương đã lấy việc mua đọc báo Đảng làm một trong những chỉ tiêu để phân loại cơ sở Đảng, đảng viên cuối năm. Ngày nay trong thời đại thông tin bùng nổ, báo chí trở thành một lực lượng vô cùng mạnh mẽ với sự phong phú về hình thức, nội dung, thể loại, loại hình báo chí. Nhưng ngay cả khi báo chí của Đảng đã có những bước tiến dài cả trong nội dung và phương thức hoạt động; người lãnh đạo cũng không thể tách rời trách nhiệm, sự gắn bó với tờ báo Đảng. Bởi vì đó là biểu hiện của trách nhiệm, niềm tin vào sự nghiệp do Đảng lãnh đạo. Cũng như các báo chí cách mạng khác, báo Đảng vừa có chức năng, thông tin, tuyên truyền, phổ biến đường lối chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước, vừa phản ánh tiếng nói của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Báo Đảng vừa là công cụ tư tưởng vừa là công cụ tổ chức của Đảng. Lê Nin từng nói: “tờ báo không chỉ là người tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể mà còn là người tổ chức tập thể” (1). Những người lãnh đạo của Đảng thông qua hệ thống báo chí cách mạng nắm bắt thông tin và sử dụng báo Đảng làm nguồn thông tin định hướng chủ đạo. Qua kênh báo chí mà Đảng định hướng hoạt động, uốn nắn phong trào, củng cố hệ thống tổ chức, đội ngũ của Đảng sao cho có hiệu quả nhất. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh dù bộn bề công việc nhưng không bao giờ bỏ sót thời gian theo dõi báo chí. Nhờ đó Người không bao giờ xa rời cuộc sống người dân. Tiếng nói của Người bao giờ cũng chân thực, giản dị, thực tiễn và thấm vào lòng người. Người không cho phép ai báo cáo sai sự thật, ngược lại cũng chẳng ai muốn nói không thật lòng với Bác. Hơn nửa thế kỷ đã qua, tờ báo của Đảng bộ Hà Tĩnh đã có bước tiến dài, giờ đây đã tốt đẹp hơn lên cả nội dung và hình thức. Bên cạnh tờ báo viết truyền thống, Báo Hà Tĩnh còn có thêm trang điện tử phục vụ kịp thời cho hàng vạn người đọc trong và ngoài nước. Đội ngũ những người làm báo Đảng đã không quản khó khăn gian khổ luôn bám sát phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền. Trên tờ báo Đảng đã thể hiện khá kịp thời những nghị quyết, chủ trương, chính sách, luật pháp của Đảng và Nhà nước, những mô hình, điển hình trên mọi lĩnh vực đến những chủ trương chỉ đạo, uốn nắn, xử lý kịp thời của lãnh đạo đối với những vấn đề bức xúc đặt ra trong cuộc sống. Điều đó cho thấy tờ báo Đảng đã đứng vững trên vị trí của mình góp phần cùng đội ngũ những người lãnh đạo làm nên mọi thành quả phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tuy nhiên trong thực tiễn của nhiều đơn vị, vẫn còn tồn tại cán bộ không đọc báo Đảng, mua báo đảng theo yêu cầu cấp trên, chưa bố trí thời gian thường xuyên cho báo Đảng kể cả việc đọc và viết bài; theo dõi báo chí đang ưu tiên cho những bài có vấn đề của địa phương, đơn vị; tìm cách hạn chế phản ánh mặt xấu hơn là cổ vũ mặt tốt....những điều này trong thực tế đã làm yếu đi vị thế lãnh đạo của Đảng nói chung, sức sống của tờ báo Đảng nói riêng. Kỷ niệm 51 năm ngày phát hành tờ báo Đảng bộ Hà Tĩnh năm nay, những người làm báo Đảng khắp mọi nơi có một mong muốn cháy bỏng là làm sao để tờ báo Đảng gắn bó, thân thiết hơn với người lãnh đạo. Điều này không chỉ đòi hỏi tờ báo phải nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ bạn đọc, vượt lên trên giới hạn của Lãnh đạo Biên tập mà còn phải được các cấp lãnh đạo quan tâm soi vào đó, sử dụng nó như một thứ vũ khí sắc bén nhất cho việc giải quyết “những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Bởi chính Lê Nin đã từng căn dặn: “Tờ báo của chúng ta, đó là tấm gương soi của Đảng ta”(2). Nếu không thường xuyên soi nó, hẳn chúng ta không biết bóng dáng mình “có màu sắc biến đổi” ra sao./. Trần Quang Trung 9-2013

Một vài đặc điểm của cuộc khởi nghĩa tháng Tám 1945 tại Hà Tĩnh

Tìm hiểu việc tổ chức chỉ đạo đấu tranh giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám luôn là đề tài bổ ích và lý thú đối với mọi cán bộ nghiên cứu và chỉ đạo thực tiễn. Bởi chính cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 của Hà Tĩnh vẫn có những đặc điểm riêng không giống với nhiều địa phương khác. Trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng, Hà Tĩnh đã nắm chắc tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Đảng, nhằm đúng thời cơ, tổ chức chỉ đạo chặt chẽ sáng tạo, giành thắng lợi trọn vẹn, không có sự đổ máu và diễn ra nhanh chóng. Ngày 18-8-1945, chính quyền cấp tỉnh đã về tay nhân dân. Hà Tĩnh trở thành một trong bốn tỉnh cả nước giành được chính quyền sớm nhất. Trước hết, cuộc khởi nghĩa của Hà Tĩnh nổ ra giữa lúc Đảng bộ đang gặp khó khăn; hệ thống tổ chức Đảng từ tỉnh xuống cơ sở đã bị kẻ địch phá vở hoàn toàn. Hầu hết các đồng chí cán bộ, đảng viên ưu tú bị kẻ địch bắt giam giữ trong các nhà tù sau nhiều đợt vây quét khủng bố khốc liệt. Trong đó phải kể tới những thời kỳ vô cùng khó khăn như những năm sau 1930-1931 kẻ địch khủng bố đàn áp phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Tiếp đến là thời kỳ sau chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định giải tán các tổ chức nghiệp đoàn, cấm các hoạt động của Đảng cộng sản... Đặc biệt là thời kỳ sau cuộc tập kích đồn điền Ferey và việc tổ chức ám sát tên Bang tá Hồ Dũng Tài của Chi bộ Song Con, Cẩm Lĩnh (Hương Sơn) vào tháng 5-1941; kẻ địch càng tăng cường khủng bố. Ở Hương Sơn chỉ sau 2 tháng đã có 170 người bị bắt, 30 người bị xử bắn. Những đảng viên còn lại cùng với các đồng chí vừa thoát khỏi nhà tù đã tận dụng các hình thức hoạt động để khôi phục tổ chức dần cho đến ngày khởi nghĩa. Việc phát động quần chúng nắm bắt thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Tĩnh chịu nhiều hệ thống mặt trận Việt Minh khác nhau. Trong điều kiện hệ thống tổ chức Đảng bị phá vở. Trước ngày khởi nghĩa, Mặt trận Việt Minh được thành lập trong cả nước. Việt Minh đóng vai trò như hệ thống tổ chức do Đảng làm nòng cốt đứng ra lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Trên địa bàn Hà Tĩnh các huyện đã được chia ra nhiều phân khu khác nhau, chịu sự chỉ đạo của nhiều tổ chức Việt Minh khác nhau. Nghi Xuân thuộc phân khu Vinh Bến thủy (Nghệ An); Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê thuộc phân khu La Hương Hương. Các huyện thị còn lại thuộc Phân khu Nam Hà. Đó là những phân khu do Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh phụ trách ngoài ra cuộc khởi nghĩa của các huyện còn có trường hợp nắm bắt thông tin từ Việt Minh Hà Nội để khởi nghĩa giành thắng lợi. Đặc điểm trên mặc dù có xẩy ra những khúc mắc nhỏ, nhưng đã làm cho cuộc Khởi nghĩa Hà Tĩnh tăng thêm tính phong phú, sôi động và thi đua thúc đẩy việc giành chính quyền các địa phương thêm nhanh chóng. Trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Tĩnh cho thấy ý thức cách mạng và tính chủ động của quần chúng nhân dân rất cao. Trong khi kẻ địch ráo riết khủng bố và đàn áp khốc liệt thì nhân dân vẫn không hề nao núng quyết tâm giành chính quyền. Hàng loạt cán bộ và nhân dân bị bắt bớ tù đày, giết hại thảm khốc, song những người còn lại vẫn tin theo Đảng, quyết tâm đi theo cách mạng. Phong trào yêu nước được duy trì dưới mọi hình thức, mọi hoàn cảnh. Mặc dù quần chúng nhân dân vừa phải lo chống đỡ nạn đói, phải thường xuyên đối phó với các thủ đoạn thâm độc của kẻ địch, nhưng vẫn luôn hướng về tiếng gọi của tổ chức, của Đảng. Phong trào cách mạng vẫn có thể thổi bùng lên làm lung lay nhanh chóng uy lực của bộ máy cai trị. Chính vì thế mà không đợi đến ngày toàn quốc khởi nghĩa, không đợi đến việc hoàn chỉnh tổ chức, thời cơ đến vẫn cùng nhau vùng dậy tước chính quyền địch về tay nhân dân. Cuộc khởi nghĩa ở Hà Tĩnh không diễn ra theo một chiều từ trên xuống hoặc dưới lên mà diễn ra nơi có khâu yếu nhất của bộ máy kẻ địch xuất hiện. Việc giành chính quyền được bắt đầu từ huyện lên tỉnh, rồi từ tỉnh xuống huyện. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh được diễn ra nhanh chóng, chỉ trong 5 ngày từ 16 đến 21-8-1945. Trong khi lãnh đạo của Phân khu Nam Hà đang bàn tính kế hoạch giành chính quyền trong toàn tỉnh thì tại Can Lộc một nhóm thanh niên có quan hệ với Việt Minh Hà Nội, sớm thấy được sự chuyển biến mau lẹ của tình hình đã chớp thời cơ tổ chức tấn công, tước vũ khí lính bảo an, bắt giữ tri huyện, đánh chiếm huyện đường giành thắng lợi. Đây chính là khâu đột phá, khích lệ thúc đẩy các địa phương nhanh chóng khởi nghĩa. Sau khởi nghĩa Can Lộc các Phân khu theo chỉ đạo của Việt Minh địa phương liên tục tổ chức biểu dương lực lượng tiến vào chiếm huyện đường từ tay của chính quyền thân Nhật vừa mới dựng lên. Chỉ có Hương Khê là huyện xa Trung tâm nên đã được sự chi viện của Phân khu Nam Hà cũng nhanh chóng giành thắng lợi. Cuối cùng là Cuộc khởi nghĩa ở Hà Tĩnh đã thể hiện rõ sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân khi đã được khơi dậy và tổ chức. Theo kế hoạch của Việt Minh Nam Hà, để hạ uy thế của chính quyền địch và tránh đổ máu, các địa phương tổ chức cho quần chúng nhân dân biểu tình liên tiếp 3 ngày liền trước khi khởi nghĩa. Thế nhưng trong thực tế khi thời cơ đến, hầu hết các địa phương không đợi đến 3 ngày mà ngay khi quần chúng được tổ chức chặt chẽ vùng lên đấu tranh thì bộ máy chính quyền thống trị nhanh chóng sụp đổ. Nhiều nơi binh lính mang theo vũ khí vào đội ngũ biểu tình tiến vào giành chính quyền về tay nhân dân. 68 năm đã qua, người dân Hà Tĩnh với tinh thần cách mạng tháng Tám vẫn tiếp tục phát huy và không ngừng tỏa sáng, góp sức cùng cả nước tiến hành kháng chiến chống ngoại xâm thắng lợi, giành nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới, phấn đấu để Hà Tĩnh sớm trở thành một tỉnh có công nghiệp và dịch vụ phát triển./. Trần Quang Trung 8-2013

Giá như sếp mình.......

Nhâm là người mới về cơ quan sau Nhi nhiều năm, song là cùng cánh trợ lý với nhau nên cũng chẳng mấy chốc đã trở thành người cùng hội. Vì bận việc nên Nhâm hẹn với Nhi đi uống ly cà phê để trao đổi tý kinh nghiệm nghề, vậy mà phải lỡ hẹn nhiều lần. Hôm nay vừa thấy bóng Nhâm, Nhi đã vội lên lời trách móc: “bận gì thì bận vẫn phải giành chút thời gian thư giản chứ, nếu không chẳng mấy chốc mà già đấy”. Vừa vào bàn Nhâm đã phân bua thì vẫn chuyện chuẩn bị nội dung cho sếp đấy mà. Nhi nói luôn: có gì mà phải vất vả thế! tớ thì cứ cóp luôn một loạt bài diễn văn, các kiểu bài phát biểu cho vào Láptốp. Khi sếp gọi chỉ cần thay đổi chức danh, điạ chỉ; thêm vào đó một số nét chủ trương, nghị quyết mới cho có tính thời sự để sếp có bài đọc là xong thôi. Lúc nào tớ cũng sẵn sàng và chóng vánh với sếp, để “ Khi sếp gọi là ta cứ đi”. Nghe xong trao đổi của Nhi, Nhâm vuốt vuốt lại mái đầu: không được cậu ơi, sếp tớ không như vậy được đâu. Sự thể là thế này: hồi mới về nhận nhiệm vụ trợ lý cho sếp; một lần sếp bảo: “Nhâm ơi mai ta đi huyện nhé, nhưng cậu phải chuẩn bị trước cho mình một ít nội dung đấy”. Nhâm vâng ạ thật rõ rồi thưa: em phải làm bài diễn văn cho sếp mấy trang ạ ? Sếp bảo không phải làm diễn văn đâu, tớ chỉ nói mươi lăm phút thôi. Thế em làm đề cương cho sếp nhé ? Sếp lại bảo không cần vì phải tùy hoàn cảnh cụ thể. Vậy em liên hệ trước với đơn vị để họ chủ động công việc? Sếp bảo khỏi lo vì làm việc theo kế hoạch, hôm trước lãnh đạo đơn vị còn nhắc tôi anh nhớ thu xếp công việc và đến nhé. Vậy thì em gạch mấy ý đầu dòng nhé? Sếp đồng ý nhưng dặn là cần nêu được những cái riêng cái mới của đơn vị và điều quan trọng là ở đó đã làm tốt cái gì, còn cái gì đang hạn chế, yếu kém và cách tháo gỡ thế nào để thời gian tới tốt hơn ? May thay vừa nhận được mấy báo cáo gần đây của đơn vị tôi vâng, rồi còn vội vàng nói thêm thế thì em sẽ làm xong sớm cho sếp ạ. Về phòng Nhâm đưa luôn đoạn đánh giá trong báo cáo của đơn vị vào trang chuẩn bị: “Tình hình mọi mặt của đơn vị phát triển tốt; các chỉ thị nghị quyết của cấp trên được triển khai sớm và đồng đều ở cơ sở. Các vụ tai nạn giao thông giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Xây dựng nông thôn mới đang được triển khai quyết liệt....” Trước khi lên đường sếp lấy tờ chuẩn bị của tôi, đưa mắt lướt qua rồi lặng lẽ cho vào cặp. Đến nơi sếp vào phòng lãnh đạo huyện, tôi tế nhị đi loanh quanh xem kế hoạch làm việc thế nào. Tôi không hay việc sếp đi thẩm định tình hình, trước khi có ý kiến với đơn vị. Vốn có nhiều kinh nghiệm nên sếp đã hỏi thẳng cấp dưới về kết quả triển khai nghị quyết, tiến độ xây dựng nông thôn mới, tai nạn giao thông..v.v.. Dĩ nhiên là ông có cách để cấp dưới không thể dối ông được. Đến khi ngồi nghe sếp phát biểu, ông nói: triển khai nghị quyết mới được 41% cơ sở là quá chậm; nông thôn mới nhiều cấp ủy chưa vào cuộc quyết liệt; tai nạn giao thông tăng một vụ, với số người chết nhiều hơn cùng kỳ năm ngoái là chưa tốt.v.v.. Sếp còn gắn thông báo tình hình chung và đưa ra những ý kiến sát hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị. Tôi ngồi nghe mà thấy ướt mồ hôi, như có lửa đâu đó gần tai mình. Bởi cứ nghĩ khi về sẽ được sếp cho một bài học thấu đáo. Nhưng rồi sự việc lại không như vậy, sếp bảo cách làm của cậu là đúng rồi nhưng lần sau nhớ kiểm tra chuẩn xác thông tin. Bây giờ vẫn còn những đơn vị báo cáo thổi phồng thành tích đấy. Nếu không chịu khó thẩm định lại mà cứ nói theo cấp dưới thì cốt cán cơ sở sẽ cười quan liêu, ông ấy nói “mười voi, nhưng....”, mất uy tín lắm. Chỉ có vậy thôi mà từ đó đến nay làm gì cho sếp tôi cũng lo kiểm tra đi, kiểm tra lại thật kỹ, nhiều hôm chậm cả giờ về. Uống nốt tý cà phê trong cốc, nghe Nhâm giải bày xong; Nhi mới thốt lên lời hưởng ứng từ đáy lòng: “Tớ vừa nghe nói hình như cậu sắp được đề bạt mới, mình chúc mừng cậu. Giá như sếp mình như sếp cậu”. Trần Quang Trung 8-2013

Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

Vì sao Phong trào Cần Vương của Phan Đình Phùng kéo dài...

        VÌ SAO PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG CHỐNG PHÁP CỦA PHAN ĐÌNH PHÙNG CÓ THỂ KÉO DÀI HƠN MỘT 
                                            THẬP KỶ

                        ( Hội thảo kỷ niệm 160 năm ngày sinh Phan Đình Phùng 4-6-2007) tại Hà Tĩnh

       Phong trào Cần Vương chống Pháp được khởi xướng từ sau vụ tấn công thất bại của quân kháng chiến vào căn cứ Pháp tại kinh thành Huế ngày 5-7-1885. Vua Hàm Nghi tự thấy: “ Trẫm đức mỏng để cho thần dân lầm than là lỗi của Trẫm” nên đã phải cùng thuộc hạ di dời về Tân Sở (Cam Lộ, Quảng Trị) và chiếu Cần Vương lần thứ nhất được ban hành vào ngày 18 tháng 7 năm 1885.  Ý nguyện của Đức vua được nêu lên trong chiếu như sau: “Trẫm tuổi trẻ nối ngôi, không lúc nào không nghĩ tới tự cường, tự trị...phúc của tôn xã tức là của thần dân, cùng lo với nhau thì cùng nghĩ với nhau...nghiến răng và dựng tóc, thề giết hết giặc”, “văn thân sĩ phu các nơi, hào mục các làng và dân chúng cùng binh sĩ, tất cả đều tề tựu Cần vương”. Tinh thần Cần Vương cứu nước ấy nhanh chóng được truyền bá rộng rãi với những lời lẽ thống thiết và kiên quyết trong dân chúng: “mong các vị lượng xét, người nào củng một lòng, xin nội trong tháng nay hạ cố tới...cùng bàn bạc cử sự, hoặc vị nào không chịu cùng làm việc với làng chúng tôi xin cũng tuân theo lời vua dự mở một đạo quân nghĩa riêng dẫn đến hành tại bảo vệ xa giá Vua cũng được. Còn dân trong xứ ai vui lòng ứng mộ thì cầm lây giấy chứng nhận thực của Lý trưởng thôn mình đem đến nơi đóng quân ở làng tôi lĩnh thưởng theo từng mức ( nếu Lý trưởng nào không chịu nhận thực tức là ngăn cản lòng trung nghĩa, việc phát giác ra quyết không dung thứ” (1). Đó là lời lẽ của Hàn lâm viện điện tích phán báo của Phan Cát Tưu, hiệu triệu Cần Vương chống Pháp. Tuy vậy Phong trào Cần Vương thực sự được ứng mộ phải sau khi Vua Hàm Nghi xuống chiếu lần 2 tại Sơn phòng, Phú Gia, Hương Khê, Hà Tĩnh vào ngày 20 tháng 9 năm 1885. Bởi tại đây các văn thân, sĩ phu yêu nước như Phan Đình Phùng, Nguỵ Khắc Kiều, Hoàng Xuân Phong, Phan Trọng Mưu, Lê Ninh... đã đến bái yết và nhậm chức do Vua Hàm Nghi ban phong. Trong số đó Phan Đình Phùng là một con người đã vì khí khái yêu nước  mà chịu tội triều đình về quê ngày trước. Ông được phong làm Tán lý quân vụ đại thần, thống lĩnh các nghĩa quân Cần Vương. Được giao trọng trách lớn, Phan Đình Phùng như muốn lập công chuộc tội rằng: “ Để cho thành tan, nước mất, thánh thượng mông trần (nhuốm cát bụi) là tội của lũ hạ thần. Xin thánh thượng yên lòng, dẫu chết cũng không từ, miễn sớm để thánh thượng hồi cung”(2). Một  phong trào sau đó ngùn ngụt bốc cao do thủ lĩnh của các địa phương đã chia nhau lập căn cứ, chiêu tập lực lượng, gương cao ngọn cờ Cần Vương cứu nước. Khắp vùng đất Hà Tĩnh quê hương của lãnh tụ Phan Đình phùng lúc bấy giờ, nhiều trận tập kích quân Pháp đã diễn ra làm cho ke thù lo sợ. Quân lính của Thực dân Pháp đã dùng rất nhiều thủ đoạn, kế sách để  tìm cách tiêu diệt lực lượng của nghĩa quân. Chúng lập đồn binh, điếm canh, ngày đêm lùng sục gắt gao để phát hiện lực lượng ủng hộ nghĩa quân; kể cả việc bắt dân “hàng rào phân li” tách dân chúng với lực lượng kháng chiến. Thế nhưng cuộc chiến đấu của nghĩa quân Cần Vương Phán Đình Phùng vẫn tồn tại với khí thế hùng mạnh và kéo dài hơn chục năm trời từ 1885 đến cuối năm 1896 mới chấm dứt.
     Cuộc chiến đấu không cân sức giữa lực lượng Cần vương mà lãnh tụ tối cao Là Đình nguyên tiến sĩ Phan Đình Phùng lãnh đạo với một đội quân thực dân chính quy, hiện đại, rốt cuộc tất yếu sẽ không thể chiến thắng  vì điều kiện lịch sử quy định. Thế nhưng trong cuộc chiến chống Thực dân Pháp suốt 27 năm, từ khi chúng nổ súng xâm lược nước ta 1858, cho đến lúc này chưa có một cuộc kháng chiến nào có thể kéo dài được như vậy. Chính đặc điểm này, cho phép có thể hiểu thêm bản chất của cuộc kháng chiến, nhưng mặt khác đòi hỏi chúng ta  phải đi tìm lời giải vì sao một phong trào bùng nổ trong điều kiện kẻ thù còn mạnh, sức lực, phương tiện dồi dào vẫn có thể duy trì được trên chục năm ròng ?.
     Đi tìm câu trả lời, dĩ nhiên chúng ta không nghĩ tới những nguyên nhân khách quan có tính chất cốt lõi truyền thống, đó là cuộc kháng chiến của nghĩa quân Phan Đình Phùng bắt nguồn từ sức mạnh chính nghĩa, bảo vệ chủ quyền đất nước chống lại thế lực ngoại xâm; đây là sự tiếp nối của truyền thống bất khuất chống giặc ngoại xâm mà ông cha chúng ta đã tiến hành qua hàng ngàn năm lịch sử chống phong kiến phương Bắc; là sự vùng dậy của dân chúng muốn thoát khỏi gông cùm nô lệ; cần vương và cứu nước hoà quyện với nhau..v.v... Thế nhưng về phía chủ quan của phong trào Cần Vương Phan Đình Phùng không phải không có những nguyên nhân đặc trưng, thể hiện một năng lực sáng tạo, một sự huy động và phát huy nội lực rất lớn của nghĩa quân nói chung và lãnh tụ phong trào nói riêng.
        Trước hết Phong trào Cần vương Phan Đình Phùng được đẩy lên từ ý chí đồng thuận của quảng đại nhân dân  mà nòng cốt là các lãnh tụ của phong trào quần chúng khắp các địa bàn dân cư. Hẳn là dân chúng chưa đủ điều kiện để nắm bắt thông tin đầy đủ về một sự đầu hàng nhục nhã của kẻ đứng đầu triều đình đã dâng đất cho Pháp. Nhưng khi tiếp nhận lời khẩn cầu của vua về việc hệ trọng cần kíp giúp vua cứu nước, thì nó được coi như một mệnh lệnh chính đáng đối với bầy tôi trung thành với quốc gia đại sự; thêm vào đó là những bậc sĩ phu hiểu rộng, tài cao đã trực tiếp đứng ra chiêu tập quân sĩ đứng lên giúp vua cứu nước, nên được đông đảo dân chúng tham gia tích cực. Nghĩa quân của phong trào Cần Vương trước hết là nghĩa quân từ các địa phương. Quân sĩ của phong trào bao gồm phần lớn là những người chân lấm tay bùn, lao động từ các thôn xã tự nguyện tham gia nghĩa quân để cứu nước, cứu nhà. Chính sức mạnh tự nguyện của dân chúng đã mang vào nghĩa quân đầy đủ những nhân tài vật lực, tiền của, thóc gạo, trâu bò... và tất cả những hiểu biết từ bách nghệ của đời sống. Nó làm cho nghĩa quân Cần Vương thê hiện nổi trội tính chất của một cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện. Qua những tư liệu mà chúng ta có được có thể thấy rằng người dân tham gia phong trào với một ý thức rất cao, coi công việc của nghĩa quân như công việc của chính mình. Vì thế người dân đã không từ chối bất kỳ một khả năng đóng góp nào cho nghĩa quân.Ở Thạch Hà có có gia đình Phó bảng Bùi Thố cả 6 cha con trai, gái tham gia nghĩa quân.Ở làng Uy viễn, Nghi Xuân có gia đình họ Đặng cả 5 anh em ruột đều gia nhập nghĩa quân.Ở quê hương cụ Phan: “có bà mẹ dắt người con trai độc nhất của mình đến cửa đồn Đông Thái gửi cho cụ Đình”. Chỉ riêng ở Trường Lưu (Can Lộc) hàng trăm gia đình từ xóm Độ, xóm Đình, xóm Mới, xóm Mác lúc bấy giờ kẻ ít, người nhiều góp tiền, gạo, rau, quả, cà, muối... giúp nghĩa quân. Có gia đình một lúc ủng hộ 30 thúng thóc (tương đương 5 tạ) (3). Chị em phụ nữ động viên chồng gia nhập nghĩa quân như một nghĩa vụ thiêng liêng:
                                             “Tổ tiên để lại em thờ
                                    Anh ra ngoài ải cầm cờ theo Vua”
         Tham gia hoạt động cho nghĩa quân Cần Vương còn có cả vợ Cai Hợp, vận động chồng tự nguyện mang binh lính, đồn trại ở Rú Đồn, Trường Lưu (Can Lộc) gia nhập vào nghĩa quân kháng chiến...Rõ ràng là Cuộc vận động Cần Vương  chống Pháp của Phan Đình Phùng không chỉ chăm lo về lực lượng vũ trang mà còn chú trọng cả về phương diện tuyên truyền chính trị, khuyến khích binh vận, xây dựng nguồn lực tiếp tế lương thảo....
       Một nét rất nổi trội và độc đáo là Phong trào Cần Vương Phan Đình Phùng đã khá thành công trong việc lựa chọn, tiến cử, bổ nhiệm người tài cầm quân chỉ huy chiến đấu. Sử dụng người tài là một nhân tố quyết định để phát huy hiệu quả của nghĩa quân trong bất kỳ tình huống nào. Sau khi Phan Đình Phùng được đức Vua tấn phong thống lĩnh các đạo nghĩa binh, thì lập tức các bậc anh tài tìm về tụ nghĩa trong đó nổi lên như Cao Thắng, Lê Ninh, Phan Cát Tưu, Nguyễn Cao Đôn, Nguyễn Chanh, Nguyễn Trạch, Đề Châu....Chẳng bao lâu trong số đó, Cao Thắng đã được lãnh tụ Phan Đình Phùng giao toàn quyền chỉ huy lực lượng. Sau 2 năm tụ nghĩa, lực lượng nghĩa quân đã phát triển khá mạnh, Phan Đình Phùng lên đường ra Bắc tìm kiếm, phối hợp lực lượng chống Pháp. Cao Thắng trong cương vị toàn quyền tổng chỉ huy lực lượng, ông là thủ lĩnh của đội quân gồm rất nhiều quan thứ, đã chủ động tấn công địch. Chiến thắng trong các trận chiến với địch, ông đã cùng với Lê Phất (Trung Lễ), Lê Quyên (Yên Hồ), Đặng Duy Truy (Uy Viễn) có sáng kiến nghiên cứu vũ khí địch để chế tạo thành công súng trường theo kiểu 1874 của Pháp mà hiệu quả của nó không thua kém là bao. Đây thực sự là tài năng của nhà quân sự lỗi lạc đã giúp cho nghĩa quân kháng chiến có thêm thế mạnh mới. Không chỉ có vũ khí mới, Cao Thắng còn xây dựng một đội quân có chất lượng chiến đấu cao, có kỷ luật nghiêm để làm nòng cốt. Rõ ràng cụ Phan đã không nhầm khi giao toàn quyền chỉ huy cho Cao Thắng. Cao Thắng một trụ cột thực sự của nghĩa quân, một người “quả cảm, thiện chiến”. Ông chỉ huy đánh đâu thắng đó làm cho kẻ thù thực sự khiếp sợ. “Đánh nhau với Pháp, ông đã chém được đầu những quan Một, quan Hai của Pháp. Quân Pháp đã khuyên nhau hễ gặp Thắng là phải tránh đi”. Có được người đứng đầu tài giỏi là điều vô cùng quan trọng, bởi đây là điều kiện tiên quyết cho việc xây dựng đội ngũ thực tài dưới quyền. Bên cạnh Cao Thắng đã có nhiều chỉ huy tài giỏi khác như Phan Cát Tưu, Lê Ninh (Đức THọ), Nguyễn Chanh (Can Lộc), Nguyễn Cao Đôn (Thạch Hà), Hoàng Bá Xuyên (Cẩm Xuyên), Trần Hữu Châu (Hương Khê).....là những vị chỉ huy đã góp phần quyết định, tạo nên nhiều chiến thắng vang dội của nghĩa quân.
       Để phong trào được duy trì và phát triển lâu dài, có một nguyên nhân khá quan trọng là nghĩa quân đã từ rất sơm  biết khai thác tối đa yếu tố “địa lợi” để bí mật bảo toàn lực lượng. Trong chiến tranh “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà” là ba yếu tố gắn chặt với nhau để chiến thắng. Nghĩa quân Phan Đình Phùng mặc dù đã được nhân dân khắp mọi nơi nhiệt tình ủng hộ, song Bộ chỉ huy nghĩa quân vẫn không quên khai thác yếu tố địa hình núi non hiểm yếu của Hà Tĩnh để tránh sự truy lùng của địch. Nghĩa quân đã thường xuyên di chuyển, xây dựng cắn cứ mới. Ngay từ khi còn là nghĩa quân  Đại đồn Đông Thái, hoạt động một thời gian đã chuyển về núi Mồng Gà (Hương Sơn), rồi Cồn Chùa (Sơn Giang, Hương Sơn), sau đó chuyển sang xây dựng căn cứ tại Thượng Bồng - Hạ Bồng (Đức Thọ) và tiếp tục mở rộng căn cứ ra phần lớn khu vực này thuộc huyện mới Vũ Quang (Hà Tĩnh). Có căn cứ bí mật, nghĩa quân luôn phát huy lợi thế sử dụng chiến thuật đánh đồn diệt viện, bí mật, bất ngờ, tập kích tiêu diệt đồn binh của địch, là cách đánh phù hợp với lối “lấy ít địch nhiêu, lấy yếu đánh mạnh” trong cuộc kháng chiến không ngang sức buổi đầu. Nhờ hoạt động có hiệu quả như vậy nên nghĩa quân càng đánh càng mạnh, càng được bổ sung nhân tài, vật lực thường xuyên. Chẳng bao lâu lực lượng nghĩa quân đã lên tới hàng ngàn người. Nhiều người dân đã hiến thóc gạo, lợn, gà, muối, rèn đúc giáo mác... cho nghĩa quân kháng chiến. Đây cũng là yếu tố quan trọng để cho cuộc dấy nghĩa Cần Vương được tồn tại lâu dài mà kẻ địch không dễ gì chống cự được.
          Một nguyên nhân khác phải kể tới là việc nghĩa quân sớm chăm lo xây dựng căn cứ địa kháng chiến. Phong trào Cần Vương Phan Đình Phùng có bước chuyển mới sau khi ông ra Bắc trở về vào tháng 9 năm 1889. Từ đây toàn bộ các lực lượng kháng chiến trong 4 tỉnh từ Thanh Hoá đến Quảng Bình được chia thành 15 quân thứ, đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của Phan Đình Phùng- Cao Thắng. Nắm giữ và chỉ huy một đạo quân khá lớn, uy tín và ảnh hưởng của nghĩa quân đang lan rộng khắp nơi. Một tình huống chắc chắn xẩy ra đó là kẻ thù sớm muộn sẽ tập trung lực lượng để tiêu diệt nghĩa quân kháng chiến. Bởi vậy Phan Đình Phùng đã cho xây dựng khu căn cứ, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Từ Căn cứ Thượng Bồng-Hạ Bồng nghĩa quân đã phát triển sang tả ngạn sông Ngàn Sâu, xây dựng căn cứ Hói Trùng-Hói Trí và đi sâu vào thượng nguồn sông Ngàn Trươi xây dựng Đại bản doanh Vũ Quang vùng có địa thế rất hiểm trở. Tại đây nghĩa quân đã cho xây dựng hệ thống đồn trại, bãi tập, xưởng rèn đúc vũ khí, kho tàng liên hoàn khá hoàn chỉnh. Trong các căn cứ nghĩa quân có những khu lò rèn có tới 30 gian lán trại, thường xuyên có từ 200 đến 300 thợ, thay nhau làm việc suốt ngày đêm để rèn đúc vũ khí. Nhiều kho dự trử lương thảo, nghĩa quân cho đào sâu xuống đất, lấy củi đốt thật cháy như sành để vũ khí, lương thảo không bị ẩm ướt, mối mọt. Tại khu trung tâm có một đội quân chủ lực gồm 300 quân tinh nhuệ, ăn mặc đồng phục, trang bị gươm giáo, súng hoả mai, súng tây, luyện tập kỷ càng, kỷ luật nghiêm minh. Bên cạnh cụ Phan luôn có 20 vệ sĩ túc trực do tướng Nguyễn Mục chỉ huy....Như vậy có thể thấy khu hậu cứ kháng chiến được nghĩa quân xây dựng khá vững chắc, có thể đảm bảo cho mọi hoạt động chỉ huy, chiến đấu của nghĩa quân. Mà điều đáng nói là kẻ địch hoàn toàn không hay biết, mãi về sau một đại uý Pháp thừa nhận: “té ra là từ trước tới nay, chúng ta không hay Phan Đình Phùng biết sắp đặt, tập rèn quân lính theo như kỷ luật nhà binh Pháp châu Âu, cho quân lính mặc y phục giống hệt một thứ lính tập bản xứ của ta, lại mang súng kiểu 1874 do ông bí mật chế tạo lấy rất nhiều, nhưng chế tạo ở chổ nào thì không ai biết”(4).   Nếu xét theo quan điểm hiện đại: “Hậu phương là nhân tố thương xuyên quyết định thắng lợi trên chiến trường” thì rõ ràng nghĩa quân Phan Đình Phùng đã chăm lo xây dựng một vùng hậu cứ có ý nghĩa tương tự. Một yếu tố đảm bảo cho cuộc kháng chiến có thể còn dài lâu hơn, nếu chưa có những rủi ro đáng tiếc- Lãnh tụ tối cao của nghĩa quân hy sinh vào cuối năm 1895.
       Tóm lại phong trào Cần Vương Phan Đình Phùng khép lại sau hơn 10 năm hoạt động sôi nổi, rộng khắp và có tiếng vang lớn trong cả nước. Có thể coi đây như một cuộc kháng chiến chống Pháp lâu dài nhất, quyết liệt nhất kể từ khi quân Pháp mở cuộc tấn công vào nước ta. Với hàng trăm tướng lĩnh tài ba, hàng ngàn binh sĩ trung thành với ngọn cờ Cần Vương, dân tộc rốt cuộc phải chịu thất bại. Song những gì phong trào để lại cho hậu thế quả thực có giá trị trường tồn. Đi tìm nguyên nhân kéo dài cuộc kháng chiến trong điều kiện nghĩa quân duy trì và phát triển qua muôn vàn khó khăn thử thách, thấy được những cốt cách tốt đẹp của các anh hùng xả thân vì ngọn cờ Cần Vương cứu nước, những đóng góp to lớn của nghĩa quân nói chung, lãnh tụ tối cao của phong trào nói riêng, là một việc làm cần thiết nhằm khơi dậy và phát huy những giá trị to lớn ấy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay. Kỷ niệm 160 năm ngày sinh Phan Đình Phùng, kỷ niệm một con người tài ba, hiến trọn đời cho một lời thề hy sinh vì sự bình yên của đất nước./.


  Chú thích:
(1)  Xem Võ Kim Hậu. Văn hoá Hà Tĩnh số 105+106 năm 2007, trang 30
(2) Trường Phan Đình Phùng Hà Tĩnh...nxb CTQG, H,2005, trang 144
(3) Xem Văn hoá Hà Tĩnh số 98 tháng 9-2006, trang 3- 4
(4) Xem Thái Kim Đỉnh, Tạp chí Hồng Lĩnh số 26-2005, trang 77

                                                         Th.s Trần Quang Trung
                                                                     6- 2007

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

Công tác Tư tưởng cua Hà Tĩnh cuối XX

MẤY VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG
CỦA ĐẢNG BỘ HÀ TĨNH 5 NĂM CUỐI THẾ KỶ XX

         Công tác tư tưởng, suy cho cùng là hướng tất cả mọi người vào một mục tiêu chung, nhằm tạo ra một sự thống nhất về ý chí và hành động, để hoàn thành các chương trình, kế hoạch công tác mà chúng ta định trước. Như thế, công tác tư tưởng không phải là cái chung chung trừu tượng.
         Năm năm qua, kể từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, đây là thời kỳ có ý nghĩa bàn lề để bước vào thiên niên kỷ mới. Với những tác động mạnh mẽ của thế giới và trong nước, Đảng bộ chúng ta đã phấn đấu tích cực xoá dần nghèo nàn, lạc hậu; tích cực xây dựng hạ tầng cơ sở, cải biến từng bước bộ mặt tỉnh nhà để tiến lên theo quỹ đạo chung.
        Trong sự phát triển ấy, công tác tư tưởng của đảng bộ đã đóng góp một phần quan trọng. Điều đó được thể hiện qua một số vấn đề cụ thể trong lĩnh vực hoạt động của công tác Tuyên giáo như sau:
        Trước hết, công tác tư tưởng thời gian qua đã chú ý đúng đến việc tăng cường giáo dục lý luận chính trị, đường lối chính sách của Đảng, làm cho cán bộ, đảng viên nâng cao một bước về trình độ nhận thức, bồi dưỡng thế giới quan, phương pháp luận cho cán bộ, làm chổ dựa căn bản cho việc lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng và các phong trào quần chúng thu được kết quả. Từ trong khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, công tác giáo dục chính trị đã có nhiều sáng tạo về hình thức tổ chức trường lớp, phong phú về chương trình. Chúng ta đã vừa khẩn trương xây dựng trường sở để đào tạo chính quy, tranh thủ gửi đào tạo ở các trường Trung ương, vừa tận dụng và phát huy cơ sở vật chất của các huyện, thị, đảng uỷ trực thuộc, các ngành....Nhờ đó sau một thời gian đã mở được 2 lớp cao cấp lý luận chính trị với hơn 200 học viên; mở 12 lớp trung học chính trị với hơn 1000 học viên, nâng tỷ lệ đảng viên có trình độ cao cấp lý luận lên 0,04% và có trình độ trung cấp lý luận chiếm 30%. Ngoài ra chúng ta còn mở được 73 lớp lý luận phổ thông cho 6.667 đảng viên mới; 146 lớp đối tượng đảng với hơn 14.000 cán bộ, đoàn viên, thanh niên ưu tú.v.v...
        Các nghị quyết Đại hội, nghị quyết Trung ương, pháp luật của Nhà nước, cùng các nghị quyết Đảng, chính quyền địa phương được triển khai nghiêm túc. Việc tổ chức học tập nghị quyết đường lối chính sách đã được hệ thống báo cáo viên, cấp uỷ triển khai từ tỉnh đến cơ sở theo kế hoạch hướng dẫn của các cấp uỷ đảng.
         Hoạt động báo cáo viên, thông tin tuyên truyền được chỉ đạo chặt chẽ, thông tin định hướng kịp thời giúp cán bộ, đảng viên nắm được những nét cơ bản của tình hình thế giới, trong nước, những kết quả đạt được đáng phấn khởi của công cuộc đổi mới đất nước, địa phương. Để giúp đội ngũ báo cáo viên thường xuyên hoạt động đúng định hướng, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã duy trì đều đặn chế độ họp báo cáo viên cấp tỉnh mỗi tháng một lần, ra Bản tin Thông tin tư tưởng mỗi tháng một số, phát hành bản tin tham khảo thường xuyên.v.v...Ngoài ra Ban còn hướng dẫn kịp thời việc tổ chức các ngày lễ lớn, các dịp sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng bộ. Đây là những mặt mạnh và là sự thành công của" binh chủng" tư tưởng của tỉnh ta trong thời gian qua.
        Để làm tốt hơn công tác chính trị tư tưởng trong đảng bộ, hàng năm tỉnh còn tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ và tranh thủ sự giúp đỡ của Ban tư tưởng Văn hoá, để bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ báo cáo viên của tỉnh.
        Đi vào thời kỳ CNH, HĐH, hoạt động của lĩnh vực khoa giáo có ý nghĩa quyết định tới hiệu quả của sự nghiệp đổi mới. Thực hiện nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII) về giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, Thường vụ Tỉnh uỷ đã ra nghị quyết số 05, 06 về phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ của tỉnh đến năm 2000, nhằm dẩy tới một bước phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, chuẩn bị lực lượng lao động cho thế kỷ XXI. Nghị quyết đi vào cuộc sống đã tạo ra những bước chuyển lớn về xây dựng cơ sở vật chất, giáo dục đào tạo; từng bước phổ cập giáo dục THCS, đa dạng hoá loại hình trường lớp. Trong đó phải kể tới việc nâng cao tỷ lệ số xã  có trường học cao tầng từ 30% (năm 1996) lên hơn 70% (năm 2000) . Các tiến bộ kỷ thuật được ứng dụng có hiệu quả như công nghệ luyện quặng Ti tan, công nghệ chế biến bia, sản xuất tấm lợp... Các giống chăn nuôi như bò lai sin, lợn nạc tăng trọng, gà, vịt năng suất cao, các giống  lúa, lạc cao sản.v.v.. thực sự góp phần làm ổn định và phát triển nền kinh tế tỉnh nhà trong mấy năm qua, đưa thu nhập GDP tăng từ 120 USD (năm 1996) lên 220 USD (năm 2000) .
       Một nét đáng chú ý nữa của công tác chính trị tư tưởng đó là giáo dục truyền thống. Năm năm qua tỉnh đã hoàn thành 2 tập sách Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh, xuất bản tập I Lịch sử Hà Tĩnh cùng nhiều sách tài liệu quý khác. Hầu hết các huyện, thị, ngành đã khẩn trương biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử địa phương và đơn vị mình. Tỉnh cũng đã tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu truyền thống có tác dụng giáo dục tốt. Nhân những ngày lịch sử trọng đại, các cấp uỷ Đảng đã tổ chức kỷ niệm trọng thể theo hướng dẫn của Trung ương và Tỉnh uỷ.
         Đương nhiên công tác chính trị tư tưởng của Đảng không thể là một loại hình hoạt động riêng lẻ, trái lại mọi thành công của lĩnh vực này đều gắn chặt với các hoạt động kinh tế-xã hội. Bởi vậy trong những năm qua, các cấp uỷ Đảng đã biết chỉ đạo phối hợp chặt chẽ công tác chính trị tư tưởng với việc giải quyết tốt các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng cải thiện dời sống nhân dân, đồng thời giải quyết những vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Chính nhờ giải quyết tốt những vấn đề nổi cộm trong Đảng như xử lý nghiêm các đảng viên, cán bộ vi phạm kỷ luật đảng, cùng với những vụ việc mà nhân dân quan tâm như giải thể công ty GETRADIMEX, giải phóng đường IA.v.v... Tất cả đã tạo nên sự ổn định tình hình, nội bộ Đảng ngày càng thống nhất hơn. Đó là bài học vô cùng quý giá làm tăng thêm giá trị của hoạt động lĩnh vực chính trị tư tưởng trong Đảng bộ, góp phần thúc đẩy tỉnh nhà phát triển.
          Mặc dù công tác chính trị tư tưởng của Đảng bộ không phải không còn những vấn đề cần được tiếp tục giải quyết như: tư tưởng bảo thủ, ỷ lại, chưa mạnh dạn đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỷ thuật, giống mới, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch dịch vụ... Nhưng từ những kết quả đạt được bước đầu, chúng ta có thể nhận rõ mấy vấn đề căn bản của sự thành công trong công tác chính trị tư tưởng thời gian qua như sau:
        1. Công tác chính tri tư tưởng đã thực sự trở thành một lĩnh vực quan trọng hàng đầu của các cấp uỷ Đảng. Nơi nào đồng chí Bí thư, Thường trực cấp uỷ quan tâm chỉ đạo tốt, nơi đó tạo được sự thống nhất cao và huy động được nguồn lực vào phong trào cách mạng. Thực tế cho thấy, nếu vừa qua chúng ta không hướng toàn Đảng bộ vào khai thác thế mạnh nông nghiệp, không dốc sức vào thuỷ lợi, thâm canh, giống mới, tăng mùa vụ, thay đổi cơ cấu, thì chúng ta không thể giải quyết tốt được vấn đề lương thực, để đưa sản lượng từ 24 vạn tấn (năm 1992) lên 45 vạn tấn (năm 2000).
       2. Để làm tốt công tác chính trị tư tưởng, không thể không quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu cho các cấp uỷ Đảng đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác tư tưởng. Đến nay toàn tỉnh có 1550 báo cáo viên  là lực lượng xung kích của các cấp uỷ Đảng trong lĩnh vực công tác tư tưởng. Cùng với đội ngũ là sự đầu tư thoả đáng về điều kiện vật chất cần thiết. Chính vì thấy được vị trí quan trọng của nó mà hàng năm tỉnh đã đầu tư thích đáng cho việc mua sắm thiết bị, phương tiện phát thanh truyền hình, báo đảng, Thông tin tư tưởng cùng các báo chí, bản tin khác. Nhờ sự quan tâm đúng mức của các cấp uỷ Đảng mà đội ngũ những người làm công tác tư tưởng có những điều kiện cần thiết để hoạt động có hiệu quả, tạo được niềm tin cho cán bộ nhân dân.
         3. Để công tác chính trị tư tưởng giành được kết quả hoạt động trên lĩnh vực này phải hết sức nhạy bén, linh hoạt trong phương thức hoạt động, nắm chắc diễn biến tư tưởng và dự báo tốt những vấn đề có thể xẩy ra, nếu không có những dự báo chính xác, sẽ không có những quyết sách đúng đắn để định hướng cho phong trào, sẽ không có những nổ lực lớn đi tắt đón đầu của thời đại, tạo ra những đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Vì vậy muốn làm tốt công tác tư tưởng càng phải thực sự dân chủ, để dân biết, dân bàn, dân làm...Đó là phương châm có tính nguyên tắc trong quá trình thực hiên Đảng cầm quyền.
        4. Hoạt động trên lĩnh vực chính trị tư tưởng nhất thiết phải có sự phối hợp đồng bộ các binh chủng, tận dụng mọi điều kiện, cơ hội, từ diễn đàn hội nghị tập huấn, tuyên truyền qua hệ thống thông tin đại chúng, sách báo, cổ động, sinh hoạt văn hoá, thể thao... đến mọi hoạt động của các tổ chức, đoàn thể nhân dân cần có sự định hướng, lãnh đạo của Đảng làm cho các hoạt động của quần chúng có thêm ý nghĩa. Thực tế thời gian qua chúng ta đã làm như vậy nên chúng ta mới tạo được những văn hoá lành mạnh, khắc phục dần những tập tục lạc hậu để tiến đến văn minh, hiện đại.
                                                    Thạc sĩ Trần Quang Trung
                                                    Báo Hà Tĩnh 21 / 2 / 2001
                          

Công tác Tư tưởng

CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG TRONG HOẠT ĐỘNG LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG

          Hiện nay, hoạt động Tuyên Giáo bao gồm cả hoạt động Tuyên huấn, khoa giáo và nghiên cứu biên soạn Lịch sử Đảng. Trong đó công tác Tuyên huấn là một trong những bộ phận chủ yếu trong công tác tư tưởng của Đảng. Mỗi lĩnh vực của công tác xây dựng Đảng đều có vị trí và tính chất quan trọng riêng . Song có một điều từ trước đến nay Đảng ta vẫn quan niệm thống nhất là: công tác tư tưởng luôn luôn phải đi đầu. Vì sao vậy?
         Từ xa xưa, khi loài người còn ở thời kỳ mông muội-dã man, lịch sử tiến hoá của nhân loại phát triển tự nhiên chẳng ai quan tâm đến công tác tư tưởng. Những nhà tư tưởng vĩ đại nhất cũng chỉ hoạt động để tìm kiếm, đấu tranh cho những trường phái quan niệm khác nhau xung quanh những vấn đề cơ bản của triết học.
        Khi loài người chuyển sang thời đại văn minh, giai cấp và nhà nước xuất hiện thì con người mới chăm lo hơn việc đấu tranh để duy trì quyền lợi của mình. Đấu tranh giữa ý thức hệ khác nhau trở thành một vấn đề lớn của xã hội.
         Khái niệm công tác tư tưởng là một phạm trù lich sử, được xuất hiện khi đảng của giai cấp vô sản ra đời nhằm duy trì sự lãnh đạo của đảng với quần chúng nhân dân. Muốn cho quần chúng đi theo đảng thì trước hết công tác tư tưởng phải làm rõ được ý tưởng, mục tiêu cao cả của sự nghiệp cách mạng của đảng. Để đạt được mục tiêu ấy: đường lối, chủ trương của đảng như thế nào?  Đảng tổ chức thực hiện trên các mặt hoạt động (kể cả công tác xây dựng đảng) ra sao? Những bài học thành công, chưa thành công trong từng chặng đường lịch sử... và cuối cùng là để làm được những diều này phải xây dựng một đội ngũ chuyên trách làm công tác tư tưởng cùng với những cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện phù hợp với từng hoàn cảnh lịch sử. Lịch sử cho thấy: để chuẩn bị cho cuộc cách mạng vô sản Nga, trước hết Lê Nin đã chăm lo tuyên truyền giác ngộ cán bộ nhân dân về một cuộc cách mạng do giai cấp vô sản lãnh đạo. Để chuẩn bị cho cuộc cách mạng vô sản Việt nam, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trước tiên đã tìm kiếm một lý luận cách mạng và tuyên truyền giáo dục cho đội ngũ cốt cán thông suốt ý tưởng của mình và tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng. Đây là yêu cầu hàng đầu, thường xuyên của Đảng, vì thế công tác tư tưởng phải đặt lên hàng đầu. Nếu không làm được như vậy thì sự lãnh đạo của Đảng trở nên hạn chế. Công tác tổ chức, kiểm tra, dân vận là những lĩnh vực riêng nhưng đều có quan hệ gắn bó chặt chẽ với với công tác tư tưởng và tạo ra những điều kiện cần thiết để giải quyết tốt vấn đề tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
        Sự nghiệp cách mạng những năm qua của Đảng, với những chặng đường vẻ vang, oanh liệt, đã đưa công tác tư tưởng của Đảng nhiều giai đoạn đạt tới đỉnh cao. Công tác tư tưởng đã làm cho ý chí của muôn người như một, góp phần đưa cách mạng giành những thắng lợi vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Công tác tư tưởng thực sự có vai trò to lớn tạo nên sức mạnh vật chất của cả dân tộc.
          Trong công cuộc đổi mới hôm nay, công tác tư tưởng của Đảng càng có trách nhiệm nặng nề hơn. Bởi xây dựng đất nước trong điều kiện cơ chế thị trường với sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế. Để tất cả đi đúng định hướng XHCN là một cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng cực kỳ khó khăn, gian khổ và ác liệt. Âm mưu diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch đang nhằm vào những kẻ  muốn xa rời sự lãnh đạo của Đảng, phủ nhận thành quả đổi mới cùng với những tệ nạn tham nhũng, quan liêu của cán bộ, sự xuất hiện các băng nhóm  tội phạm và xu hướng chạy theo lợi ích vật chất, thực dụng ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, đang làm cho công tác tư tưởng của Đảng ngày một nặng nề. Trong hoạt động thực tiễn, gần như không có một lĩnh vực nào, hoạt động nào, lại không có những vấn dề tư tưởng nẩy sinh. Giải quyết tốt tư tưởng là yếu tố quyết định thành bại cho vai trò lãnh đạo của Đảng. Ban chấp hành Trung ương đã có nghị quyết về những nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới, là chổ dựa cơ bản để các cấp ủy Đảng có điều kiện kiểm tra lại mình và tiến lên phía trước.
         Lịch sử nhân loại đã bỏ xa thời đại dã man, đang đi nhanh vào thời đại văn minh, kinh tế tri thức với những khối lượng thông tin khổng lồ và nhạy cảm. Những đảng viên chân chính của đảng đã có những bài học thực tiễn quý giá trong lĩnh vực  hoạt động tư tưởng, đó là vốn quý để chúng ta tạo thêm động lực phát huy sức mạnh toàn dân tộc đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá thành công.
        Kỷ niệm 72 năm ngày truyền thống ngành tư tưởng văn hoá, thiết nghĩ nêu lại những vấn đề đơn giản trên đây vẫn còn rất bổ ích.

                                                                    T.Q.T
                                                 Thông tin Tư tưởng số 7 / /2002

Một đơn vị chọn đúng hướng đi

MỘT ĐƠN VỊ CHỌN ĐÚNG HƯỚNG ĐI


           Được Sở Thuỷ sản cho tách riêng hoạt động và hạch toán độc lập từ năm 1991, Công ty xuất nhập khẩu thuỷ sản Đò Điệm lúc đầu chỉ có 130 công nhân, vốn liếng nhỏ, giá trị tài sản cố định 1,2 tỷ đồng trong đó còn nợ ngân hàng 750 triệu. Với điều kiện ấy, để duy trì mọi hoạt động của đơn vị đã rất khó khăn chưa nói đến việc mở mang sự nghiệp.
          Thế nhưng sau 5 năm vật lộn với cơ chế mới, Công ty chẳng những không bị bỏ lại phía sau mà còn tìm được hướng đi để ngày một xác lập vị trí xứng đáng của mình trong các đơn vị kinh tế Nhà nước ở Hà Tĩnh.
          Kể từ năm 1991 đến nay, Công ty liên tục hoàn thành kế hoạch. Giá trị sản phẩm của công ty ngày một tăng. Năm 1991 toàn công ty mới sản xuất được 800 USĐ thì đến cuối năm 1995 đã sản xuất được 1,7 triệu USD. Đến hết tháng 10 năm 1996, Công ty đã hoàn thành 100,4% kế hoạch- là năm Công ty về đích sớm nhất từ trước đến nay. Giờ đây với 320 công nhân trong đó 80% là nữ, Công ty đã tạo lập cho mình một cơ ngơi khang trang. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được xây dựng đáng kể. Vốn tài sản cố định đã lên đến gần 5 tỷ đồng bao gồm văn phòng công ty, nhà xưởng, máy móc, phương tiện quản lý, trang thiết bị sản xuất, chế biến.v.v.. Vốn lưu động từ 14 triệu đã tăng lên1,2 tỷ đồng. Lương công nhân đã đạt bình quân 400 ngàn đồng / tháng. Trong khi nhiều đơn vị kinh tế tỉnh nhà gặp khó khăn trong sản xuất, , cả nước mất mùa về khai thác thuỷ sản, thì công ty vẫn đảm bảo phát triển, đó là điều đáng quý. Nhưng  vì sao công ty xuất nhập khẩu thuỷ sản Đò Điệm gặt hái được kết quả như vậy? Chúng ta có thể nhận thấy ở đây trên một số vấn đề sau:
       Trước hết Công ty đã quan tâm đúng mức đến người bạn hàng của mình, lấy việc đảm bảo uy tín với “ thượng đế ” làm nguyên tắc số một của đơn vị . Các mặt hàng chủ yếu của Công ty là mực lột da, mực ống, ngoài ra còn có tôm cua, ốc hương.v.v...Bạn hàng của Công ty chủ yếu là các nước Nhật, Mỹ, Đài Loan, thỉnh thoảng còn quan hệ với Thái Lan, Pháp. Để có chữ “ tín” với bạn hàng và làm ăn lâu dài , Công ty luôn theo dõi chặt chẽ sản phẩm, thông báo kịp thời định lượng hàng của Công ty với bạn, để trán những lô hàng lạm dụng nhẫn hiệu của Công ty mà không đảm bảo chất lượng.
       Công ty còn thường xuyên chăm lo đảm bảo quyền lợi mọi mặt của người lao động. Những  công nhân trực tiếp sản xuất đem lại giá trị cao, có khi được hưởng thu nhập từ 700.000 đến 3 triệu đồng / tháng. Đối với công nhân chế biến - dễ nhiểm bệnh nghề nghiệp, Công ty luôn chú ý công tác bảo hiểm, trả vượt ngày lương bình quân giúp họ có điều kiện chăm sóc sức khoẻ. Công ty còn thực hiện bao cấp cho nhà tre các khoản như ăn ca, điện, nước, nhà ở... Công nhân làm nhà, mua xe. Công ty khuyến khích cho vay không lãi 30% ssó tiền để họ có điều kiện cải thiện cuộc sống. Ngoài việc chăm lo đời sống vật chất , công ty đã chú ý chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân. Công ty có phòng sinh hoạt văn hoá, công nhân có thể vui hát karaokê sau ngày làm việc đến tận 22 giờ trong ngày. Ngoài ra công ty còn có đội bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông... Các đội có thể tham gia tranh giải hàng năm giữa các phân xưởng, khu gia đình với nhau, tạo nên một không khí phấn khởi, đoàn kết gắn bó.
          Một điều đáng nói đến là đảng uỷ và Ban giám đóc công ty luôn luôn phối hợp chặt chẽ, giúp giám đốc quản lý điều hành tốt nhất . Bộ máy quản lý của công ty giảm nhẹ tối đa. Toàn công ty không quá 4% gián tiếp. Giám đốc theo dõi sản xuất thông qua một hệ thống vô tuyến có thể quan sát, uốn nắn trực tiếp từng hoạt động của công nhân trong các phân xưởng.
         Công ty còn rất quan tâm đến công tác đối ngoại nhằm xác lập những mối quan hệ tốt với các cơ quan, đơn vị, địa phương tạo nên một môi trường thuận lợi cho mình yên tâm sản xuất. Hàng năm công ty còn bỏ ra hành trăm triệu đồng để góp vào quý phúc lợi chung cho xã hội, làm từ thiện nhân đạo, góp phần vào việc xây dựng cơ sở vật chất, phúc lợi, qũy tình nghĩa với các địa phương; chẳng hạn đóng góp cho quỹ Hội chữ thập đỏ, ủng hộ Cu Ba, đồng bào bị bão lụt, giúp các xã lân cận sữa chữa đường sá, nghĩa trang, xây dựng trường học, đền thờ...
       Những vấn đề nêu trên hẳn chưa phản ánh hết những điều đáng nói, song dù sao đó cũng là những nét đáng chú ý, giúp chúng ta hiểu thêm về một công ty đang vươn dần lên, trở thành một điểm nhỏ đáng tự hào của quê hương.

                                                                  Trần Quang Trung
                                                         Báo Hà Tĩnh 24 / 12 / 1996

Con đường cách mạng của Nguyễn Sỹ Sách

TRƯỜNG TIỂU HỌC PHÁP-VIỆT, NƠI KHẲNG ĐỊNH QUYẾT TÂM ĐI THEO CON ĐƯỜNG CÁCH MẠNG CỦA NGUYỄN SĨ SÁCH
                                                         ---------
                                                                     
                                                                  

        Sinh ra trong một  gia đình nhà nho nghèo ở làng Tú Viên, xã Thanh Lương,  huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Nguyễn Sĩ Sách chịu ảnh hưởng lớn của truyền thống gia đình và quê hương cách mạng. Thân sinh của Nguyễn Sĩ Sách là một nhà nho cương trực, không bao giờ chịu khuất phục trước cường quyền, uy vũ của các quan lại thực dân và chính quyền phong kiến Nam triều. Hai lần đi thi Hương ông chỉ đỗ tú tài. Từ đó ông quyết tâm mở trường dạy học để có điều kiện rèn cặp con cái nên người. Nguyễn Sĩ Sách là con đầu lòng nên được cha chăm sóc, kèm cặp chu đáo. Ngay từ khi một tuổi anh đã được cha dạy học chữ hán và chữ Quốc ngữ.
      Nghệ An quê hương anh là nơi có nhiều người nổi tiếng, ham học, hay chữ với những tấm lòng nhiệt huyết cách mạng. Khi  trưởng thành anh đã không khỏi không chịu ảnh hưởng truyền thống nho học yêu nước, bất hợp tác với giặc. Những bậc thầy, bậc đàn anh của Nguyễn Sĩ sách như Phan bội Châu, Nguyễn Ái Quốc…mà tên tuổi của họ đã từng gắn bó hoà nhập với lịch sử dân tộc, luôn được Nguyễn Sĩ Sách trân trọng, ngưỡng mộ phấn đấu như những đệ tử trung thành.
      Nguyễn Sĩ Sách sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh một đất nước nô lệ; hàng ngày phải chứng kiến những cảnh bất công, tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc dã nung nấu thêm trong anh lòng nhiệt huyết cách mạng. Lúc anh ở độ tuổi thanh niên cũng là lúc có thể chứng kiến được những phong trào yêu nước mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân từ phong trào công nhân, nông dân đến phong trào trí thức học sinh đang phát triển mạnh mẽ nhất là vào những năm đầu của thế kỷ XX.
       Vốn có tư chất thông minh, lại được thân sinh quan tâm chăm sóc; Nguyễn Sĩ Sách đã sớm thể hiện năng khiếu cứng rắn, nhạy cảm về chính trị của mình. Năm mười một tuổi anh đã đỗ đầu kỳ thi tuyển sinh, mười ba tuổi đỗ thứ hai kỳ thi tiểu học, mười bảy tuổi đã thi đỗ Thành chung khoá đầu tiên của Trường trung học Thành phố Vinh, Nghệ An. Đây là tiền đề quan trọng giúp anh thấy rõ hơn con đường đang đi phía trước.
        Tuy nhiên, cũng phải đợi đến lúc anh tự lập vào đời, rời xa bố mẹ thì Nguyễn Sĩ Sách mới thể hiện được đầy đủ bản lĩnh của mình. Giữa năm 1924, sau khi thi đỗ Thành chung, Nguyễn Sĩ Sách được bổ dụng làm trợ giáo tại Trường tiểu học Pháp-Việt, Thị xã Hà Tĩnh. Có thể nói đây là bước ngoặt hết sức quan trọng trong cuộc đời hoạt động của anh. Bởi chính nơi đây với công việc của một trợ giáo anh vừa có điều kiện thuận lợi tiếp cận sách báo bổ sung kiến thức, tiếp nhận thông tin trong nước và thế giới, tiếp cận với các tổ chức yêu nước vừa có môi trường thầy giáo, học sinh đông đảo để tiếp xúc, đón nhận và truyền bá những quan điểm tiến bộ của mình. Cũng ở thời điểm này có 3 sự kiện tác động mạnh đến tình cảm và hành động của Nguyễn Sĩ Sách cũng như những thanh niên
đương thời đó là:
                 Từ sau cuộc cách mạng tháng mười Nga năm 1917 thành công, tiếp đến là sự ra đời của Quốc tế cộng sản, phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của các dân tộc bị áp bức trên thế giới dâng lên một cách mạnh mẽ, tạo nên sự chấn động và có sức thu hút lớn các chính trị gia của các nước đang đấu tranh chống áp bức bóc lột để giành độc lập dân tộc.
                 Trong nước phong trào yêu nước phát triển, đặc biệt là phong trào đấu tranh của công nhân Việt Nam đang có những bước chuyển về chất, sau cuộc đấu tranh của hàng ngàn công nhân Ba Son, yếu tố đấu tranh tự giác đang ngày một rõ nét. Các tổ chức cách mạng của thanh niên từng bước được nhen nhóm đang có sức thu hút mạnh mẽ tầng lớp thanh niên trong nước.
                 Sau sự kiện vang dội của tiếng bom Phạm Hồng Thái- người thanh niên yêu nước Việt Nam bất chấp hiểm nguy ném tạc đạn vào tên Toàn quyền Đông Dương Méc-Lanh ở Sa Diện Trung Quốc, “báo hiệu bắt đầu thời kỳ đấu tranh dân tộc”(1). Trong các trường học ở Việt Nam, những quan đốc học thời Pháp hết sức miệt thị người Việt, thường xuyên răn đe, doạ nạt trấn áp thầy giáo học sinh có tư tưởng yêu nước, chống lại người Pháp càng giúp cho những trí thức có xu hướng tiến bộ có thêm điều kiện để nhận diện đúng hơn về cái gọi là “khai hoá văn minh” của chế độ thuộc địa của Pháp.
                Những tác động trên đã khiến cho Nguyễn Sĩ Sách càng thêm quyết tâm chọn lựa con đường cách mạng của mình. Trước hết anh ra sức tìm hiểu các biến động về chính trị xã hội, háo hức bí mật tìm đọc sách báo tiến bộ, thăm dò hoạt động cứu nước và quan hệ mật thiết với các bậc sĩ phu yêu nước đương thời. Thông qua việc tiếp xúc, tìm hiểu sách báo, anh dần dần có ý thức về những gì đang diễn ra trong xã hội Việt Nam. Từ đó anh hăng hái tham gia mọi hoạt động cách mạng. Tháng 7 năm 1925 Nguyễn Sĩ Sách được gia nhập Hội Phục Việt, đây là tổ chức cách mạng đầu tiên mà anh được tham gia do các phần tử trí thức yêu nước sáng lập. Nguyễn Sĩ Sách vốn là một con người bộc trực, như cụ Đặng Thai Mai đã từng nhận xét: “lời nói cũng như tâm hồn anh là cả một khối lửa, anh ít nói nhưng suy nghĩ nhiều, bởi vậy tiếng nói của anh có sức nặng”. Được đoàn thể giao nhiệm vụ xây dựng tổ chức và truyền bá tư tưởng yêu nước trong trường học và địa bàn thị xã Hà Tĩnh; anh hăng hái lao vào hoạt động một cách tích cực. Anh chọn trường Tiểu học Pháp Việt làm vườn ươm những nhân tố tích cực cách mạng đầu tiên; bí mật tìm đọc sách báo tiến bộ từ Pháp gửi sang và dịch ra tiếng Việt những bài  quan trọng để tuyên truyền rộng rãi trong đội ngũ học sinh và                     -------------------------------
(1) Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb ST, H, 1975, trang 62


  thầy giáo có tinh thần yêu nước. Chẳng bao lâu anh đã xây dựng được một số hội viên tích cực trong đó có có cả những thầy giáo như Nguyễn Trí Tư, Hoàng Đức Thi và học sinh như Trần Tích Thiện, Nguyễn Công Hoạch, Lê Bá Cảnh, Nguyễn Huy Lung, Nguyễn Đình Chuyên…
          Từng bước lao vào hoạt động anh dần dần phân tích những hành động, quan điểm của các nhà cách mạng tiền bối. Anh đã tìm gặp và chất vấn cụ Phan Bội Châu về bài luận : “Pháp Việt đề huề “ của cụ. Dẫu rất kính trọng cụ Phan,
 Nhưng anh vẫn khẳng định “Pháp Việt đề huề” là mâu thuẩn  với tư tưởng chống Pháp của Cụ Phan Bội Châu. Từ những bài học đầu tiên, Nguyễn Sĩ Sách càng trở nên cứng rắn và dứt khoát trong thái độ của mình. Anh quyết tâm đấu tranh đòi một sự bình đẳng, công bằng; phản đối những điều bất công, những hành động ngang ngược, thô bạo, bỉ ổi của quan chức và binh lính người Pháp đối với người Việt nam. Nguyễn Sĩ Sách đã kích sâu cay chiêu bài “bảo hộ”, chính sách “ khai hoá văn minh” của Thực dân Pháp và thái độ đê hèn của bọn vua quan phong kiến tay sai. Anh vận động thân sinh đốt đạo sắc “Hàn lâm đại chiếu” của chính vua Khải Định ban cho để tỏ nổi bất bình đối với tên vua “đớn hèn, bất lực và ngu dốt”. Những thái độ phản kháng đầu tiên trên đây đã thể hiện rõ một lập trường dứt khoát bất hợp tác với chế độ thuộc địa phong kiến đương thời của Nguyễn Sĩ Sách.
                  Cao hơn nữa đó là thái độ chống trả những sự đe doạ, quát nạt của bọn đại diện cho bộ máy thống trị thực dân từ Hiệu trưởng nhà trường,  Đốc học, Nha học chính Trung kỳ đến Công sứ Trung kỳ… Khi biết được những hoạt động yêu nước của Nguyễn Sĩ Sách, Hiệu trưởng Trường tiểu học Pháp-Việt thị xã Hà Tĩnh Tôn Thất Cổn đã tìm cách đưa anh vào “khuôn phép” như những giáo viên khác; hăm doạ anh phải theo sự sai khiến của y. Anh cự tuyệt mọi sự ràng buộc vô lý đó. Tên Đốc học và Công sứ Hà Tĩnh đã nhiều lần gặp anh, khuyên anh là thầy giáo còn non trẻ, hãy dẹp bầu nhiệt huyết ấy lại và nên đi theo hướng chăm lo trau dồi nghề nghiệp. Chúng ve vuốt anh về những tiền đồ phía trước đang rộng mở, chờ đón anh. Anh từ chối tất cả và tiếp tục hành động theo suy nghĩ của mình. Giám đốc Nha học chính Trung kỳ Đề-lê-xi phải gọi anh vào Huế và lên mặt kẻ cả:
       - Anh là đứa con được nước mẹ đại Pháp đào tạo, tại sao anh dám vô lễ cãi lại các bậc quan trên và có những hành động phản bội?
       Nguyễn Sĩ Sách thẳng thừng bác bỏ những buộc tội vô lý của Đề-lê-xi:
-         Tôi làm việc nghĩa. Tôi chống lại những những người làm việc thiếu đạo
đức. Sao các ông lại bảo tôi phản bội?
       Tức giận, Đề-lê-xi định giở thói hành hung, Nguyễn Sĩ Sách vớ chiếc ghế đang ngồi giơ lên chống đỡ rồi rời khỏi phòng làm việc của hắn.
       Thuyết phục, đe doạ không được; Nha học chính Trung kỳ đã buộc phải điều Nguyễn Sĩ Sách chuyển vào làm trợ giáo tại Trường tiểu học Pháp-Việt Phú Vang
gần Kinh đô Huế. Không chịu nổi trước những bất công trái ngược và cam chịu trói mình dưới sự khống chế của bọn thực dân đế quốc, chỉ một thời gian  Nguyễn Sĩ Sách đã từ bỏ nghề dạy học về quê tham gia hoạt động cách mạng. Bị bọn mật tham theo dõi, anh phải xin thi vào ngành đường sắt rồi làm thư ký xe lửa Đà nẵng. Căm phẩn thái độ hống hách của viên kiểm soát xe lửa người Pháp, anh lại bỏ việc về Vinh tham gia mở hiệu “ Tam kỳ thư quán” phát hành sách báo tiến bộ và tìm cách liên lạc với ban lãnh đạo Hội Hưng Nam để tham gia hoạt động cách mạng. Từ đây anh mới có cơ hội để xuất dương đi dự huấn luyện ở Quảng Châu và trở thành Bí thư Kỳ bộ thanh niên cách mạng đồng chí Hội Trung kỳ vào cuối năm 1927. Sau khi được đảm nhận trọng trách của đoàn thể giao cho, Nguyễn Sĩ Sách nhanh chóng trở thành đầu mối của đoàn thể. Anh liên lạc tiếp xúc với các tổ chức thanh niên cách mạng xúc tiến việc thảo luận để tiến tới việc hợp nhất thành lập Tổng hội trong nước. Đến tháng 7 năm 1929 Anh bị sa vào tay giặc, kẻ thù đã tra tấn anh một cách dã man nhưng anh vẫn giữ vững được khí tiết của một người cộng sản chân chính. Trong nhà tù đế quốc Nguyễn Sĩ Sách tiếp tục tổ chức anh chị em tù nhân đấu tranh, đòi yêu sách đảm bảo quyền lợi chính đáng cho tù nhân. Trước hành động phản kháng dữ dội của anh đối với tên chúa ngục, bọn tay sai đã sát hại anh khi anh chưa đầy 23 tuổi.
           Cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Sĩ Sách vẫn còn quá ngắn ngủi, song chỉ với 5 năm bước vào cuộc tranh đấu cho mục tiêu lý tưởng cách mạng, Nguyên Sĩ Sách đã để lại cho chúng ta một tấm gương sáng về ý chí quyết tâm, tinh thần quả cảm trước mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù. Từ một thầy giáo trẻ với những kiến thức, vốn sống ban đầu còn ít ỏi, bước vào hoạt động cách mạng anh đã sớm trưởng thành, tiêu biểu cho một thế hệ thanh niên nhiệt huyết cách mạng. Tuy nhiên  tìm hiểu quá trình hoạt động, trưởng thành và sự chuyển biến căn bản trong tư tưởng của Nguyễn Sĩ Sách ta không thể không nhấn mạnh mốc lịch sử quan trọng về những ngày anh làm trợ giáo tại trường tiểu học Pháp-Việt thị xã Hà Tĩnh. Bởi chính nơi đây đã giúp Nguyễn Sĩ Sách nhận thức đúng  về bản chất của nhà trường dưới sự thống trị của người Pháp, được tận mắt chứng kiến những bất công, tàn ngược dưới chế độ thống trị của thực dân, được tiếp cận những tổ chức, cá nhân có tinh thần yêu nước chân chính… tất cả đó như những chất xúc tác hữu hiệu cuốn hút, thúc dục anh từ bỏ con đường dạy học để  hiến thân cho một sự nghiệp cao cả. Trường Tiểu học Pháp-Việt đã trở thành nơi quyết định, khẳng định quyết tâm đi theo con đường cách mạng của Nguyễn Sĩ Sách; đồng thời đánh dấu bước chuyển quan trọng về tư tưởng chính trị của Nguyễn Sĩ Sách: Từ một giáo chức trở thành hạt nhân của phong trào cách mạng, một đầu mối tập hợp lực lượng của các tầng lớp thanh niên trí thức, học sinh yêu nước tiến bộ lúc bấy giờ tại khu vực miền Trung nước ta   ./.

                                                          Th.S  Trần Quang Trung
                                                                       2009

Phụ nữ-hiện thân của hạnh phúc gia đình

PHỤ NỮ - HIỆN THÂN CỦA HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH
TRONG THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ.

     Phụ nữ là lực lượng đông đảo hơn nửa phần của xã hội. Năng lực làm việc và trí thông minh " Không thua kém đàn ông". Ngoài ra phụ nữ còn có thiên chức mà người đàn ông không có, cho nên vị trí của người phụ nữ rất lớn.
      Trong thời đại mới một xã hội tốt phải được xây dựng trên cơ sở các tế bào tốt.- các gia đình văn minh hạnh phúc.; thì người phụ nữ càng có vai trò quan trọng. Xã hội ngày một phát triển, tuổi thọ bình quân tăng lên, gia đình trở thành một đơn vị kinh tế đã đặt ra yêu cầu cho mỗi gia đình phải có sự phân công điều hành và tổ chức chặt chẽ. Đã có một bộ phận, người phụ nữ quyết định toàn bộ những vấn đề trong gia đình. Song phần lớn gia đình còn lại, phụ nữ đóng vai trò như người tham mưu quan trọng nhất. Họ vừa hiến kế, vừa động viên, chuẩn bị điều kiện cho mọi thành viên tham gia thực hiện công việc gia đình. Lúc đó người đàn ông như là trụ cột chính để chủ trì và quyết định những khâu then chốt nhất. Những gia đình như vậy thường đảm bảo hạnh phúc, ổn định. Nếu mỗi thành viên không xác định rõ vị trí của mình thì ít nhiều có ảnh hưởng trở ngại đến tốc độ phát triển và sự bền vững của nó.
        Trong thời kỳ công nghiệp hoá, yếu tố vật chất tinh thần đều rất quan trọng và gắn bó mật thiết với nhau trong mọi gia đình. Vật chất quá thiếu thốn sẽ không có sự thoải mái tinh thần, ngược lại nếu điều kiện tinh thần không được chăm lo thoả đáng thì vật chất sẽ không còn có ý nghĩa. Hạnh phúc của mỗi gia đình không phát triển cùng chiều với sự giàu có. Trong thực tế có những gia đình khi điều kiện vật chất khấm khá đã học đòi hoang phí, dẫn đến sa sút về đời sống tinh thần, khủng hoảng và mệt mỏi. Không ít những gia đình cha mẹ có vị trí trong xã hội, vẫn không toại nguyện hoặc cô đơn khi con cái hư hỏng không thành đạt. Thậm chí có gia đình, chính thành viên này làm hỏng sự nghiệp của những thành viên khác do không giữ được giới hạn cần thiết. Phụ nữ chính là con người có vai trò lớn trong việc điều tiết giới hạn đó. Họ còn là người có vai trò bảo vệ vững chắc nhất thành quả của từng thành viên trong gia đình, để các thành viên phát huy  thế mạnh và vị trí của mình tránh được những nông nổi không cần thiết.
        Phụ nữ là người đầu tiên ủng hộ về mặt tinh thần các ý tưởng, ước mơ của người đàn ông trong gia đình. Những ý định của người chồng, con cái, không ai khác, trước hết được bày tỏ với người mẹ trong gia đình và người mẹ thường là người có thái độ đầu tiên. Sau đó họ còn phải tham gia quyết định kế hoạch, quy mô, bước đi v.v... của mỗi công việc lớn bé trong gia đình. Phụ nữ dù ở mọi cương vị khác nhau đều lo lắng theo dõi sát đến sự thành đạt, bước tiến của mọi thành viên. Bởi đó là mục tiêu cuộc đời của họ, kể từ khi tuyên bố khai sinh ra " một tế bào" mới của xã hội. Đây chính là một đặc điểm lớn của nền văn minh phương Đông - nền văn minh nông nghiệp lúa nước, mang đậm sự cấu kết chặt chẽ cả các thành viên trong cộng đồng xã hội nói chung, từng gia đình nói riêng.
         Trong mỗi gia đình nét đặc trưng văn hoá thường biểu hiện rất rõ dấu ấn bàn tay người phụ nữ. Sự gọn gàng, ngăn nắp, sự kín đáo trong phô trương, sự ấm cúng trong lạnh lùng...  tuỳ thuộc lớn ở người phụ nữ. Vì thế phụ nữ trở thành tấm gương tần tảo, hay lam hay làm, tận tuỵ chịu thương chịu khó để lại ấn tượng sâu sắc trong mỗi thành viên. Sự thiếu vắng người mẹ dù chỉ trong một thời gian, mỗi gia đình như cảm thấy hẩng hụt trống vắng không ai có thể thay thế được. Ở mỗi gia đình mối quan hệ hoà thuận giữa người bố và người mẹ là yếu tố căn bản nhất. Hạnh phúc hay bất hạnh đều bắt nguồn từ quan hệ vợ chồng. Mọi trục trặc xẩy ra trong cuộc sống thường ngày, người vợ có vai trò lớn trong việc điều tiết quỹ đạo của nó. Ngay cả khi sự việc xẩy ra từ phía người chồng thì chính người vợ, chứ không ai khác sẽ là người dẫn dắt, an ủi, tha thứ bằng sự độ lượng đặc biệt. Tục ngữ có câu:
                          " Chồng dận thì vợ bớt lời,
                           Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê"
      Trong quan hệ với con cái cũng vậy, tính trội của người cha là sự nghiêm khắc, tính trội của người mẹ là sự hiền từ bao dung, vì người con là một phần máu thịt của họ. Xưa các cụ vẫn bảo: " Con hư tại mẹ", "Con dại cái mang" . Sợi dây ràng buộc ấy là cơ sở để người mẹ có tiếng nói mãnh liệt đối với con cái. Ngay cả với trường hợp con cái có dấu hiệu tội lỗi, thì sự nghiêm khắc của người bố đôi khi chưa hẳn đã có hiệu quả bằng tiếng gọi của người mẹ để đưa chúng trở về với lẽ phải.
        Hiện nay trong công cuộc xây dựng đất nước, vị trí truyền thống của người phụ nữ chẳng những được duy trì mà còn được phát huy hơn do vị thế của người phụ nữ được nâng cao trong xã hội . Với 20% trong Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, hơn 5% trong số các trí thức lớn - Giáo sư, phó giáo sư, phụ nữ nước ta không những có vị trí lớn trong xã hội mà càng được khẳng định mình trong những gia đình hiện đại. Điều đó cho thấy phụ nữ thật xứng đáng là hiện thân của hạnh phúc gia đình- hạt nhân của các tế bào xã hội trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

                                                          Trần Quang Trung
                                            Đặc san Phụ nữ Hà Tĩnh số 3/1999