Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

Vài nét về phát triển kinh tế ở Hà Tĩnh trong chiến tranh phá hoại

VÀI NÉT VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ Ở HÀ TĨNH
THỜI KỲ CHỐNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI

    Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra phạm vi cả nước, Hà Tĩnh với vị trí địa lý của  mình đã trở thành  một địa bàn xung yếu của cuộc kháng chiến và là một trong những trọng điểm đánh phá của kẻ thù. Cùng với Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh có trách nhiệm hết sức nặng nề trong việc làm cầu nối, chuyển tải sức mạnh của hậu phương ra tiền tuyến. Việc duy trì, kiến thiết những cơ sở kinh tế ở hậu phương nói chung, Hà Tĩnh nói riêng nhằm đáp ứng thường xuyên nhu cầu của cuộc kháng chiến là một vấn đề có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi ở chiến trường. Nhiệm vụ nói trên đặt ra cho đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh những yêu cầu lớn như sau:
      1. Bảo đảm chiến đấu vả phục vụ chiến đấu; cung cấp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến một cách đầy đủ nhất, bảo đảm mạch máu giao thông thông suốt từ  Bắc vào Nam trong bất kỳ tình huống nào.
      2. Bảo đảm mọi yêu cầu của cuộc kháng chiến tại địa phương, chống lại cuộc chiến tranh phá hoại và mọi thủ đoạn phá hoại khác của địch .
      3. Tích cực bảo vệ và kiến thiết các cơ sở kinh tế trong điều kiện để vừa phục vụ kháng chiến trước mắt, vừa chuẩn bị những nhân tố lâu dài cho công cuộc xây dựng đất nước sau khi chiến tranh kết thúc.
      Từ định hướng của những nghị quyết Trung ương và Tỉnh uỷ về việc chuyển hướng phát triển kinh tế trong điều kiện có chiến tranh, tình hình kinh tế Hà Tĩnh đã sớm có một bước chuyển đáng kể phù hợp với hoàn cảnh thời chiến trên tất cả các lĩnh vực. Trước hết, Hà Tĩnh đã chú trọng xây dựng và phát triển mạnh mẽ công nghiệp địa phương để đáp ứng những nhu cầu cấp bách do tình hình mới đặt ra như: lắp ráp tàu thuyền, cầu phà, sữa chữa xe máy, vũ khí, thiết bị kỷ thuật phục vụ chiến đấu, sản xuất các công cụ sản xuất và đồ dùng theo yêu cầu thời chiến của nhân dân, lực lượng vũ trang.v.v...
        Cùng với việc củng cố, trang bị thêm cho những cơ sở sản xuất cũ, tỉnh đã xây dựng được nhiều cơ sở công nghiệp mới . Một loạt xí nghiệp ra đời trong bối cảnh đó như xưởng cơ khí thông dụng, cơ khí sữa chữa ô tô, xí nghiệp thuỷ tinh, đóng thuyền, gạch ngói, sành sứ, đường, ép dầu lạc, xà phòng....
        Để phù hợp với thời chiến, tỉnh đã tập trung đầu tư cho các xí nghiệp, cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp có quy mô nhỏ, phân tán dựa vào dân. Các đơn vị sản xuất này yêu cầu phải có tính cơ động cao, di chuyển thuận lợi khi cần thiết, đảm bảo an toàn trong sản xuất  và phải nhằm vào khai thác  các tiềm năng tại chổ của các địa phương. Bên cạnh những cơ sở công nghiệp quốc doanh, tỉnh đã chú trọng xây dựng các hợp tác xã ở các địa bàn huyện và các tổ sản xuất nhỏ trong nông thôn.
        Trong suốt thời gian chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1964-1968), Hà Tĩnh đã bỏ ra một số vốn đáng kể để phát triển công nghiệp, bằng 149% tổng số vốn đầu tư cho công nghiệp trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Sau 4 năm chiến tranh, Hà Tĩnh đã xây dựng thêm 22 xí nghiệp mới, 9 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp huyện và 160 tổ rèn trong các thôn xóm.
      Chiến tranh càng diễn ra ác liệt, kẻ địch thường xuyên tìm cách đánh phá các cơ sở sản xuất, công việc bảo vệ và phát triển công nghiệp địa phương càng hết sức khó khăn, phức tạp. Nhờ chủ trương đúng và sự nổ lực lớn của đội ngũ cán bộ, công nhân của tỉnh, công nghiệp, thủ công nghiệp của Hà Tĩnh chẳng những không bị sa sút mà trái lại còn đứng vững và phát triển. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp địa phương đạt 28 triệu đồng năm 1964, đã tăng lên 39 triệu đồng năm năm 1974. Đặc biệt, trong những năm chiến tranh ác liệt nhất như năm 1967, tỉnh đã đạt 38.802.000 đồng, tăng 20%(1)  so với trước chiến tranh phá hoại. Từ năm 1967, ngoài việc phát triển sản xuất phục vụ yêu cầu trong nước, Hà Tĩnh đã bước đầu mở mang một số ngành nghề phục vụ xuất khẩu như làm mành, đan mây.v.v...
       Đội ngũ công nhân cũng được phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Sau chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, Hà Tĩnh đã có 8.000 công nhân, tăng 100% so với ngày đầu cuộc chiến. Năm 1969, trong toàn ngành công nghiệp, Hà Tĩnh đã có 39 người có trình độ đại học, 319 người có trình độ trung cấp kỷ thuật(2) . Nhìn chung công nghiệp và thủ công nghiệp Hà Tĩnh đã góp một phần quan trọng trong việc đáp ứng kịp thời những nhu cầu của cuộc kháng chiến, của lao động sản xuất và phục vụ đời sống của nhân dân.
        Trên mặt trận nông nghiệp, Hà Tĩnh cũng có những nổ lực phi thường để giữ vững sản xuất trong điều  kiện vừa phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, vừa phải đương đầu với bom đạn Mỹ. Kẻ địch đã đánh 1419 lần vào đồng ruộng, 118 lần vào các nông trường,1169 lần vào các công trình thuỷ lợi, phá huỷ 6500 ha diện tích sản xuất lương thực. Chỉ riêng trong 4 năm từ 1964 đến 1968 đã có 703 trong số 745 hợp tác xã bị địch đánh phá, có những Hợp tác xã bị chúng đánh tới mức độ huỷ diệt.
         Trước tình hình đó, Tỉnh uỷ đã đề ra nghị quyết khẩn cấp chỉ rõ những vấn đề lớn trước mắt và tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc phát triển nông nghiệp để đạt mục tiêu tự túc lương thực. Tỉnh uỷ nêu khẩu hiệu: " Hà Tĩnh tự túc được lương thực là đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" (2). Theo phương hướng đó, Hà Tĩnh đã dấy lên phong trào quần chúng mạnh mẽ, tập trung vào những chiến dịch lớn trong nông nghiệp như: thuỷ lợi, phân bón, xây dựng điểm cơ khí nhỏ phục vụ nông nghiệp, xây dựng điểm tăng sản, phát triển chăn nuôi, phát triển rau màu.v.v... Chỉ tính 90 ngày của chiến dịch thuỷ lợi Bồng Sơn, Hà Tĩnh đã huy động 95.000 thanh niên tham gia, đào đắp được 10.234..840 m3  đất, đưa diện tích được tưới nước lên 28.000ha, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Cùng với chiến dịch thuỷ lợi, những chiến dịch khác cũng đã mang lại hiệu quả thiết thực như chiến dịch trồng sắn năm 1967; chiến dịch sản xuất rau màu chống giáp hạt Đông - Xuân 1967-1968.v.v... Qua đó, diện tích trồng khoai đã tăng từ 18.000ha lên 20.000ha, diện tích trồng sắn  tăng từ 3.000ha lên 7.000ha....(3). Ngay trong những ngày bom đạn ác liệt, Hà Tĩnh còn khai thác được hàng chục ngàn m3 gỗ cùng hàng chục ngàn tấn muối mỗi năm. Nhiều hợp tác xã đánh cá bị địch phá hoại 80% đến 90% thuyền lưới vẫn bám biển sản xuất. Các đàn gia súc gia cầm trong tỉnh vẫn được duy trì và phát triển, cung cấp kịp thời hàng ngàn tấn thịt mỗi năm cho lực lượng vũ trang, cán bộ và nhân dân trong  tỉnh và cho các chiến trường khác.
       Phát triển kinh tế ở Hà Tĩnh trong những năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ còn rất nhiều vấn đề chưa thể phản ánh đầy đủ trong phạm vi bài viết này, như việc tổ chức di dân trong chiến tranh, vấn đề phát triển giao thông trong thời chiến, tổ chức lực lượng bán vũ trang trong các xí nghiệp, lâm trường, tổ chức cơ động sản xuất trong một số HTX nông nghiệp.v.v... Tuy vậy, với một số tìm hiểu trên đây, bước đầu chúng ta cũng có thể nêu lên một vài suy nghĩ như sau:
        1. Chủ trương phát triển kinh tế trong điều kiện có chiến tranh ở Hà Tĩnh là hoàn toàn đúng đắn và là một trong những nhân tố tạo nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở địa phương. Thực tế cho thấy, trong điều kiện kẻ địch ném hàng vạn tấn bom đạn xuống địa phương, hàng vạn thanh niên phải lên đường nhập ngũ (năm cao như 1972 có 12.417 người), nếu không có sự duy trì và phát triển về mặt kinh tế chắc chắn sẽ không có đủ lương thực, thực phẩm phục vụ chiến đấu ở địa phương, không thể một lúc gom góp huy động  hàng vạn ngày công với 5 nghìn tấn gạo, 1000 tấn thịt phục vụ chiến trường như tháng 5 năm 1966, không thể ứng cứu kịp thời cho bộ đội đường 9 khi khẩu phần bị giảm xuống chỉ còn 100g / người mỗi ngày vào tháng 9 năm 1968.
          2. Chiến tranh làm đảo lộn nhiều mặt trong đời sống xã hội, do đó để thích nghi và đáp ứng yêu cầu của thời chiến, Hà Tĩnh đã không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo tổ chức, chỉ huy của mình trong xây dựng và phát triển kinh tế địa phương.  Ngày ấy dã có những làng như Tiến Lộc (Can Lộc) viết đơn xin dời làng để  làm đường cho xe qua; đã có những lúc Hà Tĩnh huy động hàng vạn người lên công trường thuỷ lợi, đắp đê chống lũ lụt; có những đơn vị bám trụ suốt ngày đêm dưới trọng điểm đánh phá của kẻ thù mà không mảy may do dự. Qua thử thách của chiến tranh, quần chúng càng tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh của quần chúng càng được tổ chức chặt chẽ và phát huy cao hơn. Nếu năm 1965 ở Hà Tĩnh mới có 89,1% nông dân tham gia Hợp tác xã thì đến năm 1968 đã có 96% nông dân tham gia. Chính trên cơ sở giác ngộ của quần chúng, năng lực tổ chức chỉ huy của con người được nâng cao và thông qua các tổ chức kinh tế tập thể mà Hà Tĩnh làm tốt được việc huy động nhân tài vật lực cho cuộc kháng chiến, thực hiện chính sách hậu phương quân đội, xây dựng lực lượng sẵn sàng chiến đấu, nếp sống kỷ cương trong điều kiện chiến tranh.
        3. Phát triển kinh tế gắn với chiến đấu và phục vụ chiến đấu là sự phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc trong điều kiện mới. Khẩu hiệu  "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", " Tay cày tay súng, tay búa tay súng".v.v... thật sự đã biến thành hành động của quần chúng dưới thời chống Mỹ. Nhìn lại những chặng đường đã qua, Hà Tĩnh càng thấy quý trọng và tự hào về những thành quả đạt được trên lĩnh vực phát triển kinh tế, những thành quả đã từng phải đổi bằng xương máu và góp phần cùng cả nước giành thắng lợi oanh liệt trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. /.

                                                            Trần Quang Trung
                                               Tạp chí Lịch sử quân sự số 3 / 1994
    
      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét