Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2021

Công tác tham mưu nhân tố quyết định vai trò lãnh đạo của cấp uỷ Đảng.

 

      Trong suốt chiều dài lịch sử của mọi triều đại, mặc dù có nhiều tên gọi, cấp độ khác nhau; song đều cho thấy vai trò quan trọng của đội ngũ làm công tác tham mưu. Công tác tham mưu tốt thì triều chính bền vững; ngược lại không sử dụng tốt tham mưu đôi khi dẫn đến sự sụp đổ một chế độ thống trị.

      Dưới các triều đại phong kiến có Quân sư là khái niệm dùng cho người bày đặt mưu kế, vạch lối dùng binh cho người chỉ huy. Là người vạch ra cách tiến hành công việc cho người khác. Gián nghị, gián quan là quan giữ việc can ngăn nhà vua nếu vua làm việc sai trái…Sự thành công hay thất bại liên quan đến công việc tham mưu trong lịch sử, còn để lại nhiều bài học sâu sắc cho các thế hệ mai sau. Chúng ta không thể quên hình ảnh một vị quan đại thần đầu thời Lý là Tô Hiến Thành khi lâm bệnh nặng, hoàng thái hậu đến hỏi ai là người sau này có thể thay thế ông. Tô Hiến Thành đã khẳng định: nếu chọn người lo việc nước thì chọn Trần Trung Tá còn chọn người hầu hạ thì không ai hơn là Vũ Tán Đường. Rất tiếc Nhà vua không nghe nên đã để đất nước bước vào thời kỳ suy vong. Hoặc như ở đời Trần Duệ Tông 1377 khi đi đánh Chiêm Thành đã không nghe lời can ngăn tham mưu của Tướng Đỗ Lễ dẫn đến bị phục kích Nhà vua và tướng quân bỏ xác ngoài mặt trận….

  Ngày nay trong sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo, Đảng đã rất coi trọng công tác tham mưu. Trên mỗi lĩnh vực công tác đều có các Ban, bộ phận tham mưu chuyên trách từ Tư tưởng, Tổ chức, Kiểm tra, Dân vận, Nội chính đến Văn phòng cấp ủy.

Theo từ điển Tiếng Việt, tham mưu là “hiến kế, kiến nghị, đề xuất, đưa ra các ý tưởng độc đáo, sáng tạo, có cơ sở khoa học, các sáng kiến, các phương án tối ưu, những chiến lược, sách lược và các giải pháp hữu hiệu cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc đặt ra và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác ngắn hạn, dài hạn, hàng năm của cơ quan, đơn vị nhằm đạt kết quả cao nhất”. Như vậy phạm vi khái niệm tham mưu đã được mở rộng hơn nhiều so với các triều đại cũ. Các ban tham mưu của Đảng vừa có chức năng tham mưu chiến lược vừa có tham mưu sự vụ cụ thể. Ban tham mưu không chỉ làm nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy mà còn chịu trách nhiệm trước cấp ủy xây dựng kế hoạch, hướng dẫn triễn khai, tổ chức thực hiện, theo dõi kết quả, sơ kết tổng kết đúc rút kinh nghiệm, quản lý hướng dẫn các đơn vị trong khối phụ trách, các tổ chức tham mưu cấp dưới thực hiện các chủ trương, kế hoạch, nhiệm vụ do cấp ủy triễn khai. Tùy theo tính chất công việc Ban tham mưu còn có cả chức năng thay mặt cấp ủy chỉ đạo hoạt động trên một số lĩnh vực nhất định như trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền, báo chí… Hiểu và làm được như vậy quả là một vấn đề không hề đơn giản. Trong thực tiễn không ít các cấp ủy viên không nhận thức đúng nên đã không phát huy hết năng lực và trách nhiệm các ban tham mưu, ban hành chủ trương không sát đúng thực tiễn, dẫn đến việc triễn khai thực hiện gặp khó khăn, có khi phải quay trở lại ban đầu. Như vậy nếu công tác tham mưu tốt thì mọi hoạt động lãnh đạo của cấp ủy thành công, trôi chảy. Nếu tham mưu không tốt thì hoạt động cấp ủy gặp khó khăn, thậm chí gây hậu qủa nghiêm trọng làm giảm sút niềm tin của quần chúng với Đảng.

 Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở: Tham mưu mà làm việc theo kiểu dĩ hòa vi quý, cố làm đẹp lòng cấp trên bằng bất cứ giá nào thì chỉ có hại cho quốc kế dân sinh”. Chỉ riêng đầu mối công tác Văn phòng Bác Hồ cũng đã hết sức coi trọng về chế độ thông tin: Tết Nguyên đán năm 1950 khi Người đến thăm Văn phòng Trung ương Đảng tại Chiến khu Việt Bắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Công tác Văn phòng có tầm quan trọng đặc biệt, giúp cho cán bộ lãnh đạo nắm được tình hình. Cán bộ Văn phòng nắm tình hình sai thì lãnh đạo sẽ giải quyết công việc không đúng....cho nên phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác và giữ bí mật, để phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”. 

 Sau ngày giải phóng miền Nam, cả nước thống nhất cùng đi lên con đường xây dựng xã hội mới. Đảng ta lại càng coi trọng công tác tham mưu. Mỗi lĩnh vực công tác đều có các Ban tham mưu của Đảng chuyên trách theo dõi để giúp các cấp ủy Đảng làm tốt công việc lãnh đạo phong trào cách mạng. Chỉ riêng lĩnh vực tư tưởng (Ban Tuyên giáo hiện nay) đã có ba ban phụ trách đó là Ban Tuyên huấn, Ban Khoa giáo và Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng. Các cán bộ của Ban hầu hết là những người được đào tạo và có kinh nghiệm thực tiễn.

Trong thời kỳ đổi mới hôm nay, khi đội ngũ cán bộ công chức viên chức đã quá lớn , thực hiện chủ trương tinh giảm biên chế, xây dựng bộ máy gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả thì các ban của Đảng cũng được rút gọn tối đa. Tuy vậy nhìn vào thực tiễn cuộc sống với hoạt động tham mưu cho cấp ủy chúng ta không thể không nhận thấy những điều bất cập. Trong đó đáng chú ý nhất là chất lượng tham mưu, đội ngũ cán bộ và cơ chế tham mưu giữa các ban của Đảng.

    Về chất lượng công tác tham mưu: Dưới tác động của cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, điều đáng quan tâm nhất là hệ thống thông tin chính xác kịp thời đến cấp ủy. Đảng đã có nhiều hình thức hoạt động thông tin như chế độ báo cáo định kỳ, hệ thống báo cáo viên, dư luận xã hội, báo chí truyền thông…tuy vậy vẫn không tránh khỏi sự chi phối của bệnh thành tích, lợi ích cục bộ, lối làm việc hời hợt qua báo cáo thiếu chiều sâu thực tiễn. Do đó nhiều vụ việc chỉ khi báo chí lên tiếng mới được làm sáng tỏ, hoặc như khi triễn khai thực hiện mới phát hiên được không hợp lý của chương trinh, mục tiêu do cấp ủy thông qua. Đã có những loại việc cấp trên hướng dẫn một đàng cấp dưới triễn khai một nẻo, không tuân thủ nguyên tắc chung; gọi là sáng tạo nhưng thực chất là thiếu nghiêm túc…

 Về đội ngũ cán bộ tham mưu: Cán bộ tham mưu của Đảng cần thiết phải có bản lĩnh  vững vàng, trung thực; ít tham muốn về vật chất, tâm huyết và có trách nhiệm cao với với công việc; tuyệt đối trung thành với Đảng với nhân dân; có trình độ và năng lực, với tầm nhìn xa trông rộng; phương pháp làm việc khoa học, có thể phân tích, phát hiện dự báo tình hình, từ đó hiến kế chủ trương cho cấp ủy. Trước đây cán bộ tham mưu của các ban Đảng thường được điều động từ những cán bộ có chuyên môn giỏi, cán bộ đầu ngành có năng lực thực tiễn. Đây là điều kiện tiên quyết để cán bộ tham mưu không chỉ nắm chắc tình hình, mà không bị chủ nghĩa thành tích làm khuynh đảo khi báo cáo phán ánh với cấp trên. Có một vấn đề hết sức quan trọng mà cán bộ tham mưu cần quan tâm đó là tinh thân miệt mài tích lũy, cần mẫn trong học tập nghiên cứu lý luận chính trị, đường lối chính sách của Đảng và kiến thức cơ bản đa ngành. Có như vậy người cán bộ tham mưu mới có thể tiếp cận được mọi mặt cuộc sống. Giờ đây khi mà cuộc cách mạng công nghệ phát triển, nhiều cán bộ đã miệt mài trên từng trang mạng với nhiều ham muốn mà quên đi việc cần thiết nắm vững những cốt lõi những vấn đề quan điểm đường lối của Đảng và những vấn đề thực tiễn đang đặt ra với phận sự của mình. Điều này dẫn đến cán bộ có tuổi tác cao nhưng không từng trãi. Không đưa ra được những kế sách tham mưu có giá trị cao.

 Về cơ chế tham mưu giữa các ban Đảng: Một cấp ủy mạnh nhất thiết phải có bộ máy tham mưu giỏi. Mọi việc cuối cùng do cấp ủy quyết định nhưng nếu có ban tham mưu tốt thì ý kiến thẩm định cuối cùng phải từ ban tham mưu đồng thuận đệ trình. Như thế mọi phần việc trước khi đưa ra trình cấp ủy đã phải qua ban tham mưu chuyên môn xem xét thẩm định. Khi còn ý kiến khác nhau thì chủ trì cấp ủy quyết định cuối cùng. Điều này không những giúp cho cấp ủy sử dụng tối đa trí tuệ tập thể của ban tham mưu mà còn thúc đấy ban tham mưu không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình để không phải từ ban tham mưu trở thành ban giúp việc và chạy theo phục vụ ý định của cấp ủy. Trong thực tế đã có nhừng cấp ủy do không tập trung xây dựng chất lượng ban tham mưu nên mọi công việc từ các ban tham mưu đều chuyển về văn phòng cấp ủy thẩm định sữa chữa. Ban tham mưu trở thành ban giúp việc cho Văn phòng cấp ủy là một cơ chế làm thui chột trí tuệ và trách nhiệm tham mưu cho Đảng….

       Cổ nhân xưa có dạy: “Thần thiêng nhờ bộ hạ”. Một cấp ủy dù có năng lực đến mấy cũng không thế nắm bắt và am hiểu tường tận mọi lĩnh vực bằng đội ngũ những người tham mưu chuyên môn các lĩnh vực ấy. Bởi vậy hơn lúc nào hết để nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng thì việc quan trọng hàng đầu là chăm lo củng cố các ban tham mưu của Đảng. Bởi chính các ban tham mưu của Đảng là nhân tố quyết định vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng./.

 

                                                                                      10 - 2021

 

 

Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2021

Cờ Tổ quốc những điều nên biết

 

          Cờ Tổ quốc (quốc kỳ) - lá cờ đỏ sao vảng biểu tượng của Quốc gia Việt Nam là báu vật thiêng liêng, cao quý của mỗi người dân nước Việt. Bởi vậy hiểu biết sâu sắc về lá cờ Tổ quốc là việc rất cần thiết với mỗi chúng ta.

      Từ năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng, trong các cuộc đấu tranh đã xuất hiện lá cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh nhưng được lồng trên hình búa liềm. Năm 1940, Xứ uỷ Đảng Cộng sản Đông Dương ở Nam Kỳ họp quyết định khởi nghĩa, đã thực hiện di huấn của đồng chí Trần Phú lấy cờ đỏ sao vàng làm lá cờ khởi nghĩa.

    Cho đến nay vẫn chưa có tài liệu xác thực về người mang hình mẫu lá cờ từ nước ngoài về nước. Nhưng theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thì người được tổ chức giao nhiệm vụ vẽ lá cờ đỏ có sao vàng 5 cánh để làm lá cờ hướng lệnh trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ chống thực dân Pháp vào ngày 23 tháng 11 năm 1940 là đồng chí Nguyễn Hữu Tiến. Sau đó đồng chí bị địch bắt và xử bắn cùng các chiến sĩ Nam Kỳ khởi nghĩa trong đó có cả Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần và Hà Huy Tập…Như vậy lá cờ đỏ sao vàng chính thức xuất hiện và được tung bay lần đầu tiên trên đất nước ta vào cuối năm 1940. Ý tưởng của lá cờ được đồng chí Nguyễn Hữu Tiến Khắc họa rõ nét trong bài thơ do ông để lại:

“Hỡi những ai máu đỏ da vàng
Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc
Nền cờ thắm máu đào vì nước
Sao vàng tươi, da của giống nòi
Đứng lên mau hồn nước gọi ta rồi
Hỡi sỹ, nông, công, thương, binh
Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh…”

Giáo sư Trần Văn Giàu khẳng định: “Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 dù thất bại, nhưng nó đã để lại cho toàn thể dân tộc ta một báu vật tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, cho hy vọng tràn đầy của nhân dân vào tương lai xán lạn của dân tộc. Đó là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh – lá cờ của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và sau này là quốc kỳ Việt Nam”.

    Tháng  5/1941 tại Cao Bằng, Lãnh tụ Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Trung ương VIII quyết định thành lập tổ chức Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) - Đoạn mở đầu trong Chương trình Việt Minh ghi rõ: “Sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp, Nhật, sẽ lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, lấy cờ đỏ sao vàng 5 cánh làm Quốc kỳ”. Đây là văn bản đầu tiên viết về lá quốc kỳ ở nước ta.

    Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào, Tuyên Quang đã quyết định Quốc kỳ Việt Nam là nền đỏ, ở giữa có một ngôi sao vàng năm cánh.

 

 Thực hiện nghiêm chương trình Việt Minh, và quyết nghị của Đại hội Quốc dân Tân Trào, ngay sau khi cách mạng tháng Tám thành công, ngày 5 tháng 9 năm 1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký ban hành Sắc lệnh số 5 về việc ban hành Quốc kỳ Việt Nam, trong đó Quốc kỳ có “hình chữ nhật, bề ngang hai phần ba bề dài; nền màu đỏ tươi, ở dữa (giữa) có sao năm cánh màu vàng tươi.” (1)

Quốc kỳ đã được Quốc hội khóa đầu tiên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946 ghi vào Hiến pháp: "Quốc kỳ Việt Nam dân chủ cộng hòa hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh". Trong cuộc họp Quốc hội khóa I ngày 2 tháng 3 năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh:  “Lá cờ đỏ sao vàng đã thấm máu đồng bào ta trong Nam Kỳ khởi nghĩa 1940. Chính lá cờ này đã cùng phái đoàn Chính phủ đi từ châu Á sang châu Âu, từ châu Âu về châu Á; cờ đã có mặt trên khắp đất nước Việt Nam. Vậy thì trừ 25 triệu đồng bào, còn không ai có quyền thay đổi quốc kỳ  quốc ca”…

     Từ  năm 1955, vẫn những màu sắc chủ đạo (màu đỏ, màu vàng), vẫn hình tượng quen thuộc – lá cờ và ngôi sao vàng năm cánh mập mạp, Quốc hội Việt Nam đã thống nhất thông qua việc sửa ngôi sao vàng bên trong lá cờ để phù hợp với thời đại và hình ngôi sao ấy trở nên thon gọn, nhẹ nhàng, thanh thoát, vững chãi hơn cho mãi đến hôm nay.

      Như vậy có được lá cờ tổ quốc hôm nay để làm biểu tượng cho quốc gia Việt Nam, là thành quả của một quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài gian khổ và sự hy sinh xương máu của biết bao anh hùng liệt sĩ đất nướcc ta. Chủ tịch Hồ chí Minh đã nói: “Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói”. Với ý nghĩa cao đẹp đó, khác với tất cả mọi lá cờ khác như cờ hiệu, cờ vui, cờ các đoàn thể .v.v…cờ tổ quốc là linh thiêng và cao quý nhất. Trong cuộc chiến đấu với kẻ thù xâm lược người dân luôn trung thành gìn giữ và bảo vệ lá cờ; thà chết chứ nhất định không chịu bước qua lá cờ tổ quốc. Ngày nay trong quan hệ quốc tế ai xúc phạm lá cờ tổ quốc khác là xúc phạm danh dự quốc gia, không thể nhân nhượng. Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, Cờ tổ quốc được Hiến pháp quy định kích cở, màu sắc và quy cách sử dụng.

    Chẳng hạn:  Khi lá quốc kỳ được treo cùng với các quốc kỳ của quốc gia khác, tất cả các lá cờ phải có kích thước xấp xỉ bằng nhau và phải được treo ở cùng độ cao, mặc dù quốc kỳ của quốc gia chủ nhà có thể được đặt ở vị trí danh dự (ở trung tâm của số lẻ các cột cờ hoặc ở ngoài cùng bên phải của số chẵn các cột cờ).  Khi lá quốc kỳ được treo cùng với những lá cờ khác, nó phải được kéo lên đầu tiên và hạ xuống cuối cùng….

     Rất tiếc, ở một số vùng dân cư, địa phương chưa hiểu rõ giá trị thiêng liêng của cờ tổ quốc. Thậm chí cho rằng treo cờ Tổ quốc chỉ là để làm đẹp phố phường nên thông báo yêu cầu người dân treo liền nhiều dịp lễ, nhiều ngày. Hàng cờ bạc màu, thủng rách, xoắn cột, người dân không còn biết treo cờ ngày gì nữa thì thật phản cảm và không còn ý nghĩa.

    Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch nước ta đã có  Hướng dẫn 3420/HD-BVHTTDL ngày 2-10-2012 về việc sử dụng quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hướng dẫn cụ thể về hình dáng, tỷ lệ kích cở chiều ngang chiều rộng, cách treo và thời gian treo chờ Tổ quốc. Trong đó: Trụ sở Phủ Chủ tịch, trụ sở Quốc hội, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trụ sở Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước, cột cờ Hà Nội, trụ sở UBND các cấp (trừ UBND phường ở thành phố, thị xã), các cửa khẩu và cảng quốc tế treo quốc kỳ 24/24 giờ hàng ngày. Trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, các đơn vị vũ trang, nhà trường treo quốc kỳ từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày.  Cờ treo phải đúng  quy định về kích cở màu sắc có độ nghiêng 35 hoặc 45 độ so với điểm treo để lá cờ buông phẳng. …Trong các khu dân cư chỉ treo vào dịp các ngày lễ trọng của đất nước và do chính quyền địa phương quy định. Thêm vào đó năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2017/NĐ-CP để xử phạt các hành vi treo cờ không đúng quy định: Mức xử phạt 3 - 5 triệu đồng ….

         Như vậy Nhà nước ta đã có một thái độ tôn trọng rất rõ ràng về lá cờ Tổ quốc bởi nó không chỉ là biểu tượng đơn thuần của một quốc gia mà chính sự tung bay của lá cờ còn cho thấy sức sống, niềm tự hào, sự vinh quang của cả dân tộc trước thời đại mới. Mọi người dân chúng ta luôn hướng tới việc đem sức lực trí tuệ để cống hiến cho đất nước, góp phần làm cho lá cờ tổ quốc luôn rạng rỡ sắc màu mà không bị phai nhạt trước mọi thử thách. Hơn thế mỗi khi sử dụng lá cờ Tổ quốc phải biết trân trọng, không vì thành tích hình thức mà làm cho lá cờ phai màu, rách nát, cuốn xoắn vo tròn…để khỏi chạnh lòng với các bậc tiền nhân./.

 

                                                                                             9-2021

--------------------------------------

(1)  Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, hồ sơ 01, tờ 5.)