Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2021

Công tác tham mưu nhân tố quyết định vai trò lãnh đạo của cấp uỷ Đảng.

 

      Trong suốt chiều dài lịch sử của mọi triều đại, mặc dù có nhiều tên gọi, cấp độ khác nhau; song đều cho thấy vai trò quan trọng của đội ngũ làm công tác tham mưu. Công tác tham mưu tốt thì triều chính bền vững; ngược lại không sử dụng tốt tham mưu đôi khi dẫn đến sự sụp đổ một chế độ thống trị.

      Dưới các triều đại phong kiến có Quân sư là khái niệm dùng cho người bày đặt mưu kế, vạch lối dùng binh cho người chỉ huy. Là người vạch ra cách tiến hành công việc cho người khác. Gián nghị, gián quan là quan giữ việc can ngăn nhà vua nếu vua làm việc sai trái…Sự thành công hay thất bại liên quan đến công việc tham mưu trong lịch sử, còn để lại nhiều bài học sâu sắc cho các thế hệ mai sau. Chúng ta không thể quên hình ảnh một vị quan đại thần đầu thời Lý là Tô Hiến Thành khi lâm bệnh nặng, hoàng thái hậu đến hỏi ai là người sau này có thể thay thế ông. Tô Hiến Thành đã khẳng định: nếu chọn người lo việc nước thì chọn Trần Trung Tá còn chọn người hầu hạ thì không ai hơn là Vũ Tán Đường. Rất tiếc Nhà vua không nghe nên đã để đất nước bước vào thời kỳ suy vong. Hoặc như ở đời Trần Duệ Tông 1377 khi đi đánh Chiêm Thành đã không nghe lời can ngăn tham mưu của Tướng Đỗ Lễ dẫn đến bị phục kích Nhà vua và tướng quân bỏ xác ngoài mặt trận….

  Ngày nay trong sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo, Đảng đã rất coi trọng công tác tham mưu. Trên mỗi lĩnh vực công tác đều có các Ban, bộ phận tham mưu chuyên trách từ Tư tưởng, Tổ chức, Kiểm tra, Dân vận, Nội chính đến Văn phòng cấp ủy.

Theo từ điển Tiếng Việt, tham mưu là “hiến kế, kiến nghị, đề xuất, đưa ra các ý tưởng độc đáo, sáng tạo, có cơ sở khoa học, các sáng kiến, các phương án tối ưu, những chiến lược, sách lược và các giải pháp hữu hiệu cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc đặt ra và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác ngắn hạn, dài hạn, hàng năm của cơ quan, đơn vị nhằm đạt kết quả cao nhất”. Như vậy phạm vi khái niệm tham mưu đã được mở rộng hơn nhiều so với các triều đại cũ. Các ban tham mưu của Đảng vừa có chức năng tham mưu chiến lược vừa có tham mưu sự vụ cụ thể. Ban tham mưu không chỉ làm nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy mà còn chịu trách nhiệm trước cấp ủy xây dựng kế hoạch, hướng dẫn triễn khai, tổ chức thực hiện, theo dõi kết quả, sơ kết tổng kết đúc rút kinh nghiệm, quản lý hướng dẫn các đơn vị trong khối phụ trách, các tổ chức tham mưu cấp dưới thực hiện các chủ trương, kế hoạch, nhiệm vụ do cấp ủy triễn khai. Tùy theo tính chất công việc Ban tham mưu còn có cả chức năng thay mặt cấp ủy chỉ đạo hoạt động trên một số lĩnh vực nhất định như trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền, báo chí… Hiểu và làm được như vậy quả là một vấn đề không hề đơn giản. Trong thực tiễn không ít các cấp ủy viên không nhận thức đúng nên đã không phát huy hết năng lực và trách nhiệm các ban tham mưu, ban hành chủ trương không sát đúng thực tiễn, dẫn đến việc triễn khai thực hiện gặp khó khăn, có khi phải quay trở lại ban đầu. Như vậy nếu công tác tham mưu tốt thì mọi hoạt động lãnh đạo của cấp ủy thành công, trôi chảy. Nếu tham mưu không tốt thì hoạt động cấp ủy gặp khó khăn, thậm chí gây hậu qủa nghiêm trọng làm giảm sút niềm tin của quần chúng với Đảng.

 Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở: Tham mưu mà làm việc theo kiểu dĩ hòa vi quý, cố làm đẹp lòng cấp trên bằng bất cứ giá nào thì chỉ có hại cho quốc kế dân sinh”. Chỉ riêng đầu mối công tác Văn phòng Bác Hồ cũng đã hết sức coi trọng về chế độ thông tin: Tết Nguyên đán năm 1950 khi Người đến thăm Văn phòng Trung ương Đảng tại Chiến khu Việt Bắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Công tác Văn phòng có tầm quan trọng đặc biệt, giúp cho cán bộ lãnh đạo nắm được tình hình. Cán bộ Văn phòng nắm tình hình sai thì lãnh đạo sẽ giải quyết công việc không đúng....cho nên phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác và giữ bí mật, để phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”. 

 Sau ngày giải phóng miền Nam, cả nước thống nhất cùng đi lên con đường xây dựng xã hội mới. Đảng ta lại càng coi trọng công tác tham mưu. Mỗi lĩnh vực công tác đều có các Ban tham mưu của Đảng chuyên trách theo dõi để giúp các cấp ủy Đảng làm tốt công việc lãnh đạo phong trào cách mạng. Chỉ riêng lĩnh vực tư tưởng (Ban Tuyên giáo hiện nay) đã có ba ban phụ trách đó là Ban Tuyên huấn, Ban Khoa giáo và Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng. Các cán bộ của Ban hầu hết là những người được đào tạo và có kinh nghiệm thực tiễn.

Trong thời kỳ đổi mới hôm nay, khi đội ngũ cán bộ công chức viên chức đã quá lớn , thực hiện chủ trương tinh giảm biên chế, xây dựng bộ máy gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả thì các ban của Đảng cũng được rút gọn tối đa. Tuy vậy nhìn vào thực tiễn cuộc sống với hoạt động tham mưu cho cấp ủy chúng ta không thể không nhận thấy những điều bất cập. Trong đó đáng chú ý nhất là chất lượng tham mưu, đội ngũ cán bộ và cơ chế tham mưu giữa các ban của Đảng.

    Về chất lượng công tác tham mưu: Dưới tác động của cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, điều đáng quan tâm nhất là hệ thống thông tin chính xác kịp thời đến cấp ủy. Đảng đã có nhiều hình thức hoạt động thông tin như chế độ báo cáo định kỳ, hệ thống báo cáo viên, dư luận xã hội, báo chí truyền thông…tuy vậy vẫn không tránh khỏi sự chi phối của bệnh thành tích, lợi ích cục bộ, lối làm việc hời hợt qua báo cáo thiếu chiều sâu thực tiễn. Do đó nhiều vụ việc chỉ khi báo chí lên tiếng mới được làm sáng tỏ, hoặc như khi triễn khai thực hiện mới phát hiên được không hợp lý của chương trinh, mục tiêu do cấp ủy thông qua. Đã có những loại việc cấp trên hướng dẫn một đàng cấp dưới triễn khai một nẻo, không tuân thủ nguyên tắc chung; gọi là sáng tạo nhưng thực chất là thiếu nghiêm túc…

 Về đội ngũ cán bộ tham mưu: Cán bộ tham mưu của Đảng cần thiết phải có bản lĩnh  vững vàng, trung thực; ít tham muốn về vật chất, tâm huyết và có trách nhiệm cao với với công việc; tuyệt đối trung thành với Đảng với nhân dân; có trình độ và năng lực, với tầm nhìn xa trông rộng; phương pháp làm việc khoa học, có thể phân tích, phát hiện dự báo tình hình, từ đó hiến kế chủ trương cho cấp ủy. Trước đây cán bộ tham mưu của các ban Đảng thường được điều động từ những cán bộ có chuyên môn giỏi, cán bộ đầu ngành có năng lực thực tiễn. Đây là điều kiện tiên quyết để cán bộ tham mưu không chỉ nắm chắc tình hình, mà không bị chủ nghĩa thành tích làm khuynh đảo khi báo cáo phán ánh với cấp trên. Có một vấn đề hết sức quan trọng mà cán bộ tham mưu cần quan tâm đó là tinh thân miệt mài tích lũy, cần mẫn trong học tập nghiên cứu lý luận chính trị, đường lối chính sách của Đảng và kiến thức cơ bản đa ngành. Có như vậy người cán bộ tham mưu mới có thể tiếp cận được mọi mặt cuộc sống. Giờ đây khi mà cuộc cách mạng công nghệ phát triển, nhiều cán bộ đã miệt mài trên từng trang mạng với nhiều ham muốn mà quên đi việc cần thiết nắm vững những cốt lõi những vấn đề quan điểm đường lối của Đảng và những vấn đề thực tiễn đang đặt ra với phận sự của mình. Điều này dẫn đến cán bộ có tuổi tác cao nhưng không từng trãi. Không đưa ra được những kế sách tham mưu có giá trị cao.

 Về cơ chế tham mưu giữa các ban Đảng: Một cấp ủy mạnh nhất thiết phải có bộ máy tham mưu giỏi. Mọi việc cuối cùng do cấp ủy quyết định nhưng nếu có ban tham mưu tốt thì ý kiến thẩm định cuối cùng phải từ ban tham mưu đồng thuận đệ trình. Như thế mọi phần việc trước khi đưa ra trình cấp ủy đã phải qua ban tham mưu chuyên môn xem xét thẩm định. Khi còn ý kiến khác nhau thì chủ trì cấp ủy quyết định cuối cùng. Điều này không những giúp cho cấp ủy sử dụng tối đa trí tuệ tập thể của ban tham mưu mà còn thúc đấy ban tham mưu không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình để không phải từ ban tham mưu trở thành ban giúp việc và chạy theo phục vụ ý định của cấp ủy. Trong thực tế đã có nhừng cấp ủy do không tập trung xây dựng chất lượng ban tham mưu nên mọi công việc từ các ban tham mưu đều chuyển về văn phòng cấp ủy thẩm định sữa chữa. Ban tham mưu trở thành ban giúp việc cho Văn phòng cấp ủy là một cơ chế làm thui chột trí tuệ và trách nhiệm tham mưu cho Đảng….

       Cổ nhân xưa có dạy: “Thần thiêng nhờ bộ hạ”. Một cấp ủy dù có năng lực đến mấy cũng không thế nắm bắt và am hiểu tường tận mọi lĩnh vực bằng đội ngũ những người tham mưu chuyên môn các lĩnh vực ấy. Bởi vậy hơn lúc nào hết để nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng thì việc quan trọng hàng đầu là chăm lo củng cố các ban tham mưu của Đảng. Bởi chính các ban tham mưu của Đảng là nhân tố quyết định vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng./.

 

                                                                                      10 - 2021