Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

Đảng bộ đồng hành cùng nhân dân làm nên chiến thắng



                                                                                  
         72 năm đã qua, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã không ngừng phấn đấu, gặt hái nhiều thành tựu trong một chế độ mới dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Khắc sâu bài học từ cách mạng tháng Tám, trong suốt mọi chặng đường lịch sử, Đảng bộ luôn sát cánh cùng nhân dân đã trở thành một dấu ấn sâu sắc tiếp nối nhiều thế hệ, là cội nguồn sức mạnh đem đến thành công.
      Những ngày sôi động của Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã dệt thêu nên bức tranh đẹp về sự đồng hành quyết tâm làm nên chiến thắng.  Theo nguyên lý chung, một cuộc cách mạng muốn giành thắng lợi phải được nổ ra ở nơi kẻ thù suy yếu nhất, tổ chức lãnh đạo cách mạng phải đủ mạnh và quần chúng cách mạng đã chuẩn bị sẵn sàng nhất. Thực tế cho thấy cuộc khởi nghĩa tháng Tám tại Hà Tĩnh đã không hoàn toàn như vậy.
      Cuộc Khởi nghĩa của Hà Tĩnh bùng nổ khi Đảng bộ đang gặp khó khăn nhất; hệ thống tổ chức Đảng từ tỉnh xuống cơ sở đã bị kẻ địch phá vở nhiều lần. Hầu hết các đồng chí cán bộ, đảng viên ưu tú bị kẻ địch bắt giam giữ trong các nhà tù sau nhiều đợt vây quét khủng bố khốc liệt. Trong đó phải kể tới những thời kỳ vô cùng khó khăn như những năm sau 1930-1931, thời kỳ kẻ địch khủng bố đàn áp phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Tiếp đến là thời kỳ sau chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định giải tán các tổ chức nghiệp đoàn, cấm các hoạt động của Đảng cộng sản... Đến tháng 5 năm 1940 Tỉnh uỷ lâm thời do đồng chí Trần Quỳ,  Xứ uỷ Trung kỳ chỉ đạo mới được thành lập gồm 5 đồng chí. Sau đó một số địa phương lập lại huyện uỷ như Hương Sơn, Can Lộc, Hương Khê... Nhưng sau cuộc tập kích đồn điền Ferey và việc tổ chức ám sát tên Bang tá Hồ Dũng Tài của Chi bộ Song Con, Cẩm Lĩnh (Hương Sơn) vào tháng 5-1941, thì tổ chức Đảng lại bị kẻ địch triệt phá hoàn toàn. Gần như đến ngày khởi nghĩa hệ thống tổ chức Đảng chưa được khôi phục.
          Thời kỳ tiền khởi nghĩa, Hà Tĩnh vẫn là nơi kẻ địch tăng cường đàn áp, khủng bố và thực hiện nhiều chính sách bóc lột tàn bạo. Thực dân Pháp một mặt phát xít hoá bộ máy thống trị, thẳng tay đàn áp những người có tinh thần yêu nước. Mặt khác chúng dùng thủ đoạn dã nhân, dã nghĩa lừa phỉnh nhân dân đồng thời đẩy mạnh chính sách vơ vét sưu thuế, gia tăng sức bóc lột.. Nhiều chính cách hà khắc được thực dân Pháp triễn khai ở Hà Tĩnh như hạn chế việc đi lại, đọc sách báo, hội họp, mít tinh của nhân dân. Tuyển thêm lính kín, lính khố xanh, cho mật thám giả danh làm người buôn lợn, buôn bò, ăn xin trà tộn trong dân để dò la tin tức, điều tra hoạt động cộng sản. Các phường hội như Tương tế, Ái hữu bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Những người đứng đầu các tổ chức đều bị bắt bớ, xét hỏi, bị phạt tiền....(1).và cao hơn là bị xử bắn.
         Trước ngày khởi nghĩa đến gần, các tổ chức quần chúng hoạt động vẫn còn rất manh mún và bị phân tán, chịu nhiều nguồn tổ chức chỉ đạo khác nhau. Khi mặt trận Việt Minh Nghệ Tĩnh đã triễn khai kế hoạch khởi nghĩa thì các địa phương vẫn còn rất nhiều ảnh hưởng hoạt động của các tổ chức khác nhau như Đảng cộng sản, Thanh niên Phan Anh, Chính phủ Trần Trọng Kim, Lực lượng thân Pháp, thân Nhật .v.v.....Bởi vậy, trong cùng một địa phương, trong cùng một thời gian đã có lúc quần chúng chịu sự chỉ đạo của hai tổ chức cách mạng. Mặt trận Việt Minh mà nòng cốt là đảng viên cộng sản; có địa phương cũng đã hình thành hai nhóm hoạt động tách rời nhau như ở Hương Sơn, Nghi Xuân...
              Thế nhưng quần chúng cách mạng sau nhiều lần diễn tập sát cánh đồng hành những người cộng sản cùng chịu thử thách hy sinh qua cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939, 1939-1945, họ đã hiểu rõ giá trị của mục tiêu Độc lập tự do và con đường mà Đảng cộng sản đang nổ lực phấn đấu. Những người cộng sản bằng xương bằng thịt đã kiên cường không tiếc máu xương lăn lộn cùng nhân dân, đấu tranh anh dũng, chịu đòn roi tra tấn và đã phải hy sinh cùng trận tuyến với nhân dân. Quần chúng nhân dân đủ điều kiện để hiểu rằng mục tiêu phấn đấu của những người cộng sản lúc bấy giờ với toàn thể nhân dân là một. Vì thế mà những người cộng sản sẵn sàng hy sinh vì dân vì nước và ngược lại người dân cũng sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu của Đảng của dân tộc mà không có một mảy may tính toán nào..
      Từ sau Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng tháng 2-1943 và việc thành lập tổ chức mặt trận Việt Minh khắp nơi trong cả nước đã chuẩn bị cho người dân trong ý thức về cuộc khởi nghĩa đang đến gần. Việt Minh đóng vai trò như hệ thống tổ chức do Đảng làm nòng cốt đứng ra lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Trên địa bàn Hà Tĩnh các huyện đã được chia ra nhiều phân khu khác nhau, chịu sự chỉ đạo của nhiều tổ chức Việt Minh khác nhau. Nghi Xuân thuộc phân khu Vinh Bến thủy (Nghệ An); Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê thuộc phân khu La Hương Hương. Các huyện thị còn lại thuộc Phân khu Nam Hà. Đó là những phân khu do Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh phụ trách; ngoài ra cuộc khởi nghĩa của các huyện còn có trường hợp nắm bắt thông tin từ Việt Minh Hà Nội để khởi nghĩa giành thắng lợi. Đặc điểm trên mặc dù có xẩy ra những khúc mắc nhỏ, nhưng đã làm cho cuộc Khởi nghĩa Hà Tĩnh tăng thêm tính phong phú, sôi động và thi đua thúc đẩy việc giành chính quyền các địa phương thêm nhanh chóng.
          Trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Tĩnh cho thấy ý thức cách mạng và tính chủ động của quần chúng nhân dân rất cao. Trong khi kẻ địch ráo riết khủng bố và đàn áp khốc liệt thì nhân dân vẫn không hề nao núng quyết tâm giành chính quyền. Hàng loạt cán bộ và nhân dân bị bắt bớ tù đày, giết hại thảm khốc, song những người còn lại vẫn tin theo Đảng, quyết tâm đi theo cách mạng. Phong trào yêu nước được duy trì dưới mọi hình thức, mọi hoàn cảnh. Nhất là khi các chính trị phạm thoát ngục trở về mang theo chương trình hành động của Đảng và kinh nghiệm đấu tranh trong các nhà tù đế quốc. Mặc dù quần chúng nhân dân vừa phải lo chống đỡ nạn đói, phải thường xuyên đối phó với các thủ đoạn thâm độc của kẻ địch, nhưng vẫn luôn hướng về tiếng gọi của tổ chức, của Đảng. Phong trào cách mạng vẫn có thể thổi bùng lên làm lung lay nhanh chóng uy lực của bộ máy cai trị. Chính vì thế mà không đợi đến ngày toàn quốc khởi nghĩa, không đợi đến việc hoàn chỉnh tổ chức, thời cơ đến vẫn thống nhất được với nhau vùng dậy tước chính quyền địch về tay nhân dân. Cuộc khởi nghĩa ở Hà Tĩnh không diễn ra theo một chiều từ trên xuống hoặc dưới lên mà diễn ra nơi có điều kiện xuất hiện. Việc giành chính quyền được bắt đầu từ huyện lên tỉnh, rồi từ tỉnh xuống huyện và đã diễn ra nhanh chóng, chỉ trong 5 ngày từ 16 đến 21-8-1945, Chính quyền trong toàn tỉnh đã về tay nhân dân trong niềm vui khôn xiết.
        Như vậy, trong cuộc Cách mạng tháng Tám Năm 1945, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh cho thấy, không nhất thiết phải có một Đảng bộ lớn, số lượng Đảng viên đông mới giành được thắng lợi. Điều quan trọng là ở chổ Đảng có định hướng đúng; ý Đảng và lòng dân phù hợp; mục tiêu và quyền lợi của Đảng và nhân dân thống nhất. Nhân dân luôn đồng hành cùng Đảng, làm theo ý Đảng cả trong những thời điểm Đảng gặp khó khăn nhất vẫn có thể hoàn thành được mục tiêu do Đảng đề ra./.
                                                                                             8-207

Bài học lớn từ Chính quyền Xô viết Nghệ Tĩnh




        Trong cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản thế giới, mục tiêu cơ bản nhất là làm sao giành được chính quyền. Thế nhưng chính quyền ấy có giữ được lâu dài hay không là một vấn đề còn tùy thuộc vào điều kiện lịch sử cụ thể.  Chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng hình ảnh và ý nghĩa của nó mãi mãi không phai nhạt trong trái tim của những người cách mạng.
       Vào đầu thế kỷ XX, phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân Việt Nam chịu những tác động sâu sắc của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Thực dân Pháp đẩy mạnh cuộc khai thác thuộc địa làm cho người dân chịu cảnh khốn cùng vì sưu cao thuế nặng. Thêm vào đó là sau cuộc bạo động của Việt Nam quốc dân Đảng ở Yên Bái kẻ địch dồn sức tấn công tìm diệt những nhân tố khởi nghĩa đã thúc đẩy làn sóng cách mạng của người dân Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng lên cao. Trong bối cảnh ấy Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, như một sự đáp ứng nhu cầu định hướng lãnh đạo cuộc đấu tranh yêu nước trong hoàn cảnh mới. Nhân ngày Quốc tế lao động, Đảng đã phát động một phong trào đấu tranh trên quy mô toàn quốc. Từ quê hương cách mạng của các bậc tiền bối như Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, nắm bắt được trào lưu cách mạng mới, các tầng lớp công nhân, nông dân, trí thức... đã nhanh chóng xây dựng lực lượng và tổ chức đấu tranh hưởng ứng cuộc đấu tranh do Đảng phát động một cách quyết liệt nhất. Chỉ riêng trong tháng 5/1930 ở Bắc kỳ có 4 cuộc đấu tranh, Nam Kỳ có 12 cuộc thì Trung kỳ có tới 21 cuộc. Rất nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân  có quy mô lớn lôi cuốn hàng ngàn người tham gia như cuộc bài công của 4.000 công nhân khuôn vác cảng Bến Thủy; cuộc biểu tình của 3.000 nông dân và học sinh Thanh Chương tháng 6/1930; cuộc biểu tình của 5000 nông dân Anh Sơn, 500 nông dân Can Lộc vào tháng 8/1930. Phong trào phát triển mạnh sang tháng 9/1930, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn như 3000 nông dân Can Lộc ngày 7/9; 1000 nông dân Thạch Hà, 1000 nông dân Cẩm Xuyên ngày 8/9; 1000 nông dân Kỳ Anh ngày 9/9.... Đặc biệt là cuộc biểu tình có quy mô lớn tới hàng vạn người của Hưng Nguyên, Nam Đàn ngày 12/9 đã bị kẻ thù dùng vũ khí, máy bay ném bom đàn áp đẩm máu làm 174 người thiệt mạng, 300 người bị thương. Khơi dậy lòng căm thù và quyết tâm cách mạng Xứ ủy Trung kỳ đã kịp thời phát động một phong trào rộng lớn vạch trần tội ác kẻ thù và kêu gọi công nông  nổi dậy mạnh liệt hơn nữa. Chính trong ngọn lửa rục sôi cách mạng ấy nhiều nơi đã làm vô hiệu hóa bộ máy cai trị của hào lý, chánh phó tổng, người dân tuân theo chỉ đạo của thôn, xã Bộ nông. Nhiều Lý trưởng bỏ trống nhiệm sở, đem con dấu đến nộp cho xã Bộ nông hoặc trả cho Tri phủ, Tri huyện. Một số tri phủ, Tri huyện nằm im không dám hoạt động; một số có cảm tình với cách mạng, thậm chí ở Can Lộc có Lý trưởng đứng ra dẫn đầu đoàn biểu tình cùng với nhân dân. Những địa phương bộ máy cai trị tan rã; Thôn, xã Bộ nông đứng ra điều hành công việc. Môt bộ máy nhà nước kiểu mới theo mô hình Xô Viết ra đời. Phong trào cách mạng 1930-1931 đã đạt tới đỉnh cao của nó. Sau 10 tháng hiện diện, Hà Tĩnh đã có 170 làng xô viết; xô viết ra đời đầu tiên ở Đỉnh lự (nay là Tân lộc huyện Can lộc).
      Mặc dù ngọn lửa của phong trào cách mạng đã bùng lên mạnh mẽ, nhưng do điều kiện lịch sử chưa chín muồi. Kẻ địch đã đưa ra kế hoạch khá toàn diện để xóa bỏ thành quả cách mạng. Chính quyền cách mạng non trẻ bị kẻ thù bóp chết sau đợt khủng bố khốc liệt; song hình ảnh tốt đẹp của một chính quyền cách mạng mới vẫn in đậm trong niềm tin những người cộng sản và người dân bị áp bức. Chính niềm tin vững chắc ấy đã giúp người dân chúng ta giành lại chính quyền khi điều kiện lịch sử cho phép, tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa thành công vào tháng Tám năm 1945
       Tám mươi bảy năm đã qua, cao trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh vẫn là một mốc son sáng chói trong pho sử vàng của Đảng. Sự tồn tại của chính quyền Xô Viết trong cao trào cách mạng những ngày đầu có Đảng đã để lại cho chúng ta không chỉ là niềm tự hào về niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng mà còn cho chúng ta một bài học lớn về xây dựng một nhà nước kiểu mới tiến bộ.
    Xô Viết là một kiểu Nhà nước của dân do người dân thiết lập. Ngay khi bộ máy thống trị rệu rã, chính những tổ chức nông dân đã đứng ra nắm lấy quyền điều hành dân chúng. Năng lực điều hành của các Xô viết rất đa dạng. Nói chung việc nắm quyền của những Ban chấp hành nông hội đỏ đều có sự lãnh đạo của chi bộ Đảng. Thế nhưng có nơi chi bộ chỉ có ít đảng viên, có nơi chưa có đảng viên  nên cần có đảng viên của Xô viết bên cạnh đến giúp sức hướng dẫn hoạt động. Hình thức hoạt động điều hành của các Xô viết cũng còn khác nhau. Có nơi Xô viết được tổ chức bầu cử công khai tại đình làng, nhưng có nơi còn do nông hội chỉ định.
      Công lao to lớn đầu tiên của Xô viết là ngay khi ra đời đã chăm lo mưu cầu hạnh phúc cho người dân. Ban bố quyền tự do dân chủ, nam nữ bình đẳng. Xô viết đứng ra tổ chức việc chia lại ruộng công, tuyên bố xóa thuế chợ, thuế đò, hòa giải các vụ tranh chấp; tổ chức việc “vay” thóc địa chủ để cứu đói cho dân; tổ chức tuyên truyền, đọc sách báo cách mạng, bài trừ tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống mới, xây dựng tình làng nghĩa xóm; dạy chữ quốc ngữ cho những người hăng hái theo học.
      Các Xô viết nhờ đó tồn tại trong sự bảo vệ của người dân khi bị địch khủng bố. Bởi vậy có nơi khi bị địch khủng bố thì tan luôn, nhưng cũng có nơi chỉ tạm lắng xuống rồi khôi phục trở lại.
      Trong cuộc đấu tranh để thiết lập các Xô viết thì công lao to lớn, tiên phong  của những người công sản đã được thể hiện rõ nét nhất và có sức lôi cuốn mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân. Những người cộng sản đã khởi xướng, đưa ra khẩu hiệu, dẫn đầu và diễn thuyết trong các cuộc bãi công biểu tình. Họ là những cốt cán trong các đội cảm tử, những người hy sinh hàng đầu và trở về sau cùng sau mỗi cuộc đấu

tranh.  “Chỉ những sự kiện ấy cũng đủ nói lên tinh thần anh dũng của các đồng chí chúng ta trong cuộc đấu tranh” (1) thiết lập các Xô viết.
       Xô Viết Nghệ Tĩnh đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930-1931, dù thời gian đã lùi sâu vào quá khứ; song trong mỗi trái tim của người dân xứ Nghệ nói chung Hà Tĩnh nói riêng vẫn khắc sâu hình ảnh đẹp về một kiểu nhà nước mới. Một Nhà nước đơn sơ, ngắn ngủi nhưng phán ánh đầy đủ tính chất của một nhà nước tiến bộ của dân, do dân và vì dân. Một hình ảnh luôn được tỏa sáng trên con đường đổi mới của sự nghiệp cách mạng nước ta do Đảng lãnh đạo./.


(1) Hà Huy Tập  Bước ngoặt vĩ đại của lịch sử Cách mạng Việt Nam. HN. 1961. trang 92

                                                                                    9-2017