Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

Những điều cần biết về máy sục khí ozone

     Hiện nay một số nơi đang tổ chức truyền thông tiếp thị về việc cung cấp máy sục khí theo công nghệ máy ozone. Theo đó người chấp nhận dịch vụ được xem như một cứu cánh để giải quyết tình trạng ô nhiễm độc hại trong thực phẩm hàng ngày. Bởi vậy chúng ta cần biết một số vấn đề khi tiếp nhận tiếp thị như sau:
      Theo truyền thông tiếp thị thì máy sục khí ozone (máy ozone) là một công cụ đa năng có nhiều ưu thế tuyệt vời như: nó sẽ tạo ra được khí ozone có tác dụng phân hủy nhanh và triệt để dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, các vi khuẩn, nấm mốc có trên rau, củ, quả và  dư lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp chưa được chuyển hóa hết trong thực phẩm tươi sống như thịt, cá, tôm…làm sạch nguồn nước uống, tắm rửa …có thể giúp ích trong việc khử mùi hôi thối, chăm sóc sức khỏe…máy gọn nhẹ, dễ sử dụng, tiết kiệm điện.v.v...
     Thế nhưng theo các chuyên gia về máy ozone thì hiện nay trên thế giới có rất nhiều nước sản xuất máy ozone với các kiểu dáng kích thước, chất lượng, giá cả khác nhau như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn quốc, Đức, pháp….với giá từ 150 ngàn đồng đến 10 triệu đồng/ chiếc. Theo Tuấn Kiệt viết trên một tờ báo của Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng -Bộ Khoa học & Công nghệ Việt Nam thì thời điểm tháng 5 năm 2014 máy Việt nam sản xuất giá từ 500 - 800 ngàn đồng/chiếc.
      Máy sục khí ozone là một ứng dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng phản ứng tia lửa điện nhằm tạo ra khí ozone để phục vụ cho cuộc sống con người. Theo các nhà khoa học thì việc sử dụng khí ozone đúng quy cách, đủ lượng cần thiết có thể làm phân hủy được một số chất độc hại khi chúng ta sục vào nước để xử lý thực phẩm nhiểm độc; mà chủ yếu là lớp bám bề ngoài thực phẩm. Như thế không có nghĩa là sau khi được sục khí ozone thực phẩm đã được vô hại hoàn toàn. Bởi máy sẽ không thể xử lý hết được loại độc hại đã thẩm thấu vào bề trong của thực phẩm.
       Việc xử lý độc hại còn tùy thuộc vào các loại chất độc khác nhau, mức độ thẩm thấu của độc tố vào thực phẩm….Trong quá trình xử lý, khí ozone làm phân hủy một số độc tố gây hại, nhưng cũng không tránh khỏi việc phân hoá tạo nên những chất độc hại hơn tùy thuộc vào những loại chất độc đã được đưa vào trong thực phẩm trước đó. Để tạo được một lượng khí ozone đủ mạnh máy đồng thời làm sản sinh ra một số chất khí có hại cho sức khỏe. Đáng lưu ý là trong quá trình sử dụng, máy ozone phóng điện tạo ra oxit nitơ rất có hại cho đường hô hấp. Vì thế khi dùng khí ozone để tẩy uế môi trường, khử  mùi tủ lạnh phải hết sức chú ý đến vấn đề này. Nếu thường xuyên hít phải khí này sẽ mắc bệnh mãn tính về tai, mũi, họng: viêm mũi, hen phế quản mãn tính, viêm kết giác mạc, viêm phổi mãn tính. Để đảm bảo an toàn máy phải được cấu tạo thêm các thiết bị bảo đảm an toàn khác (máy làm khô không khí- thiết bị khử ẩm); như vậy máy phải cồng kềnh và giá thành đắt lên rất nhiều không hấp dẫn người tiêu dùng. Đối với máy gọn nhẹ chưa có chức năng này.
  Bên cạnh những lợi ích có được thì sử dụng máy ozone còn có những tác động ngược, bởi thế nhiều người đã không phát huy được tác dụng tích cực hoặc đã phải chuyển hóa vị trí, chức năng của máy khác với công năng của truyền thông dịch vụ. Người tiêu dùng trước khi mua máy nên tìm hiểu kỹ càng những thông tin mới trên các phương tiện thông tin, báo chí; tranh thủ ý kiến bộ phận khoa giáo và các tổ chức khoa học kỷ thuật địa phương để tư vấn thêm và cần cân nhắc trước khi mua máy, đừng để mua xong trả lại ngay phải mất 300 ngàn đồng/máy,  phí tuyền thông dịch vụ quá đắt và không hợp lý như có người đã hứng chịu./.


                                                                                                                      Tháng 11-2014

Để Hội thi chọn đúng Bí thư chi bộ giỏi

Hội thi Bí thư chi bộ giỏi là một sinh hoạt chính trị cần thiết trong hoạt động của Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng từ cơ sở.
Chủ tịch Hồ chí Minh đã từng nói: “Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt.” (1). Bởi vậy vai trò của người đứng đầu chi bộ càng trở nên quan trọng; vì muốn có nhiều chi bộ tốt cần thiết phải có nhiều Bí thư chi bộ giỏi. Hội thi Bí thư chi bộ giỏi “nhằm bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỷ năng, nghiệp vụ; khả năng xử lý tình huống trong thực tế cho đội ngũ bí thư, phó bí thư chi bộ, chi uỷ viên cơ sở” (2); là một dịp tốt để mọi đảng viên nói chung mà trước hết là các đồng chí Bí thư chi bộ nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về công tác Đảng, giao lưu trao đổi kinh nghiệm hoạt động lãnh đạo một cách thiết thực có hiệu quả giữa các tổ chức Đảng ở cơ sở với nhau. Yêu cầu Hội thi được đặt ra là “phải được chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ, nghiêm túc; tạo phong trào học tập, thi đua trong Đảng; hiệu quả thiết thực, tránh phô trương, hình thức, lảng phí”(3). Thế nên khi đã nói tới Hội thi thì yêu cầu đạt được cần xem xét cả phần thi và phần hội. Nếu chỉ quan tâm thi mà không quan tâm hội hoặc ngược lại thì việc tổ chức thi chỉ đạt một nửa.
 Từ một số Hội thi vừa qua cho thấy Hội thi nhiều nơi đã rất chú ý quan tâm cả về mặt nội dung và hình thức. Các Ban tổ chức Hội thi đã quan tâm chỉ đạo đưa ra được nhiều vấn đề buộc người dự thi phải dành thời gian thoả đảng cho việc nghiên cứu, tìm hiểu thậm chí phải nghiền ngẫm để nắm chắc những tư tưởng cốt lõi trong Điều lệ, Nghị quyết, chỉ thị,  quy định, hướng dẫn của Đảng. Đặc biệt qua nhiều Hội thi thí sinh phải xử lý các tình huống thực tiễn khó, những vấn đề đặt ra trong cuộc sống hiện tại, đã không chỉ giúp cho các bí thư chi bộ mà còn cho tất cả đảng viên cần nâng cao hơn nữa sự hiểu biết, trách nhiệm và vai trò của mình trong mọi lĩnh vực công tác. Một số Hội thi đã quan tâm đến việc tuyên truyền cổ động, huy động cán bộ đảng viên tham dự, bố trí địa điểm, hội trường nghiêm trang, tổ chức văn nghệ chào mừng, truyền thanh trực tiếp để tất cả mọi người có điều kiện theo dõi...làm cho Hội thi có tác động tích cực trở thanh một đợt sinh hoạt chính trị trong các cơ sở Đảng. Tuy vậy cạnh những kết quả đạt được vẫn còn “một số cấp uỷ chưa quan tâm chỉ đạo đúng mức; còn chậm tiến độ, chất lượng chưa cao, cá biệt một số nơi còn làm lướt, hình thức, chiếu lệ...”(4). Để Hội thi đạt kết quả tốt hơn, có rất nhiều điều cần được quan tâm suy nghĩ, điều chỉnh cả trên phương diện tổ chức, thực hiện phần thi lẫn phần hội.
Về phần hội: Để cuộc thi mang rõ nét tính chất hội, thì việc cổ động, tuyên truyền, văn nghệ chưa đủ. Điều quan trọng là cuộc thi có được đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân quan tâm, tham gia cổ vũ hay không ?; cuộc thi có thực sự là ngày hội hay không. Một cuộc thi mà chỉ có một ít đảng viên, nhân dân quan tâm theo dõi; một Bí thư chi bộ đi tham gia thi mà chỉ có ít thành viên chi bộ tham dự; hay đầu buổi còn đông cuối buổi còn lại mấy người với Ban giám khảo thì chưa thể gọi là Hội thi. Nên chăng các Ban tổ chức cần có sự chỉ đạo thêm để lôi cuốn nhiều hơn lượng người quan tâm cuộc thi. Chẳng hạn bố trí lại cuộc thi có phần do người dự thi thực hiện; có phần nội dung mở rộng cho cả đơn vị chi bộ tham gia tư vấn, để thu hút trí tuệ của cả đơn vị. Chẳng hạn câu hỏi tình huống cần phát động mọi người đưa ra cho Ban tổ chức lựa chọn. Ban tổ chức có thể dành thêm một vài giải thưởng cho người có câu hỏi tình huống hay, đơn vị có nhiều câu hỏi được sử dụng....Sau khi thí sinh bắt thăm trúng câu hỏi tình huống khó, có thể trao đổi lấy phương án trả lời tối ưu của cả đơn vị sau đó mới tham gia dự thi..v.v...để tránh trường hợp như có thí sinh đã trả lời: “ Câu hỏi này khó qúa tôi không trả lời được; cảm ơn Ban khám khảo, tôi xin kết thúc phần thi của tôi”(5). Như thế chắc chắn cuộc thi sẽ sôi động hơn nhiều.
          Về phần thi: Thi bí thư chi bộ giỏi là thi chọn Bí thư chi bộ có năng lực lãnh đạo giỏi. Bởi thế nội dung phần thi không thể dừng lại ở năng lực nhận thức. Một Bí thư chi bộ giỏi ngoài việc nắm chắc các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của cấp trên và đơn vị còn phải tổ chức thực hiện giỏi, có năng lực lãnh đạo, xử lý tốt các tình hống thực tiễn đặt ra, được cán bộ đảng viên nhân dân quý mến tin tưởng nghe theo. Một số cuộc thi  ở các địa phương vừa qua thấy rằng: nội dung thi còn nặng về thi Bí thư nhận thức giỏi hơn là thi chọn thí sinh làm Bí thư giỏi. Vì cả câu hỏi nhận thức lẫn câu hỏi tình huống đều có đáp án theo văn bản quy định, hướng dẫn... số, ngày, tháng, năm. Một số Ban tổ chức ban hành hệ thống câu hỏi và biểu đáp án quá nhiều, quá chi tiết. Có nơi hơn 80 câu, có nơi hơn 60 câu hỏi (cả phần nhận thức và tình huống) mà đáp án đều căn cứ văn bản số, ngày tháng năm. Điều này chưa thật phù hợp với thực tế đội ngũ Bí thư chi bộ có độ tuổi cao, đã xấp xỉ “cố lai hy”. Nên chăng Đáp án cần chú trọng hơn việc nắm chắc vấn đề cơ bản, không nên đi theo hướng học thuộc. Câu trả lời chỉ cần theo quy định hướng dẫn Ban Tổ chức, Uỷ Ban Kiểm tra Trung ương... hiện hành là đủ.
 Việc bố trí Ban Giám khảo cũng có điều cần quan tâm. Đã đành việc đánh giá lựa chọn người giỏi lãnh đạo, cấp uỷ phải chịu trách nhiệm cuối cùng. Song điều đó không đồng nghĩa với việc lãnh đạo cấp uỷ phải vào Ban giám khảo cả. Thật không hợp lý khi một ban giám khảo chọn Bí thư chi bộ giỏi, mà toàn Ban giám khảo chưa có người nào đã từng  làm Bí thư chi bộ; trong khi thí sinh có đồng chí làm Bí thư chi bộ gần 15 năm. Số lượng Ban giám khảo cũng không nên ít quá, vì như vậy sẽ không huy động được sự khách quan trí tuệ chung. Cách chấm điểm cũng nên làm thẻ giơ điểm công khai để người dự thi, cổ vũ tiện theo dõi giám sát tính khách quan, năng lực, sự công tâm của từng vị giám khảo.
Việc chọn tìm Bí thư chi bộ giỏi cũng cần suy nghĩ. Một Bí thư giỏi dĩ nhiên cũng không có nghĩa là Chi bộ đó phải xuất sắc, thế nhưng Bí thư chi bộ giỏi mà chi bộ không bình thường thì cũng không nên. Bởi vậy thi Bí thư giỏi cần gắn với thực tiễn hiện tại, gắn với năng lực xử lý tình huống tốt: những vấn đề nỏng bỏng đảng viên, nhân dân quan tâm. Càng xử lý được tình huống khó trong lãnh đạo, người Bí thư càng giỏi. Câu hỏi tình huống nên có thêm câu hỏi mở, để người thi thể hiện hết tài năng và kinh nghiệm từng trải của mình chứ không khuôn lại câu chử trong đáp án. Có như vậy người chấm thi mới cần đi qua thực tiễn. Để cuộc thi có ảnh hưởng và gây ấn tượng tốt, Ban giám khảo cũng không nên lựa chọn một Bí thư chi bộ giỏi mà người dự thi không được sự quan tâm của tập thể chi bộ. Dù có hàng trăm lý do, thì một bí thư đi thi mà không được đông đảo đảng viên tháp tùng cổ vũ thì chắc chắn uy tín lãnh đạo của Bí thư chi bộ đó còn thấp.
Một vấn đề nữa là hiện nay hầu hết các địa phương đều có những đảng viên cao tuổi Đảng, nhiều nơi có đảng viên kinh qua công tác xây dựng Đảng lâu năm, có kinh  nghiệm. Các Ban tổ chức Hội thi nên tranh thủ thêm trí tuệ của họ ở những phần việc, những khâu có thể được. Điều này chắc chắn sẽ làm cho Hội thi có thêm sự thu hút, tạo đồng thuận để có kết quả thuyết phục hơn. Như thế Hội thi sẽ hướng tới tôn vinh người lãnh đạo giỏi của Đảng và chắc chắn sẽ đi qua những việc thi cử của người học đơn thuần. Hơn thế, Hội thi cũng là một dịp tốt để chúng ta có thêm thuận lợi chuẩn bị nhân sự cho mùa Đại hội các cấp đang đến gần./.

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 12, tr.210
(2) (3) Kế hoạch Tổ chức hội thi của Tỉnh uỷ ngày 25-4-2014
(4) Công văn số 1291 của ban Thường vụ Tỉnh uỷ ngày 05-8-2014

(5)  Một bí thư chi bộ Phường Tân Giang