Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2019

Con lợn trong đời sống người Việt


    Tùy phong tục và tập quán mỗi vùng miền, con lợn được người dân gọi bằng những tên gọi khác nhau như lợn, ỉn, heo, trư hợi… Con lợn là vật nuôi phổ biến, gần gủi và gắn bó lâu đời với đời sống người Việt.
   Mặc dù Hợi là con vật biểu tượng cuối cùng trong bảng 12 con giáp, nhưng lợn lại là một trong những gia súc có quan hệ mật thiết với con người cùng chó, mèo trong mỗi gia đình. Đối với cuộc sống người Việt, mỗi một loại vật nuôi đều có một mục đích riêng. Mặc dù chăn nuôi gắn liền với trồng trọt và sự tác động qua lại giữa chăn nuôi với trồng trọt là hai mặt không tách rời nhau trong mọi cộng đồng dân cư. Thế nhưng ngày xưa mọi vật nuôi đều có nhu cầu giết thịt làm các món ăn cho người. Lâu dần tạo thành thói quen, mỗi loại vật đều gắn với những gia vị quen thuộc như:
                     Con gà cục tác lá chanh
                     Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
                     Con chó khóc đứng khóc ngồi
                     Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng (1)
      Khác hẳn với chó, mèo là những con vật nuôi còn có phận sự giúp việc cho người. Chó để giữ nhà, dẫn đường, săn thú…; mèo để bắt chuột bảo vệ mùa màng, lương thực… còn lợn chỉ biết ăn, ngủ, sinh sản và hưởng thụ sự phục vụ của con người. Vì thế lợn được xem là vật nuôi lười và kém thông minh nhất. Khái niệm  “ngu như lợn” được ra đời từ đó để người ta ám chỉ những người không biết tư duy, linh hoạt, chủ động sáng tạo trong cuộc sống. Nhưng ngược lại cũng vì thế con lợn được xem là biểu tưởng của cuộc sống an nhàn, hưởng thụ, no đủ và sự sinh sôi nẩy nở một cách sung mãn nhất. Người Việt còn có quan niệm rằng: người được sinh ra vào năm Hợi là người có được vận may, sống nhàn hạ, không cần làm lụng vất vả-“Tuổi hợi ngồi đợi mà ăn”. Mặc dù việc nuôi lợn ở mỗi vùng miền có những nét khác nhau như lợn chuồng, lợn thả rông tự kiếm ăn, lợn tạ miền xuôi, lợn cặp nách vùng cao và ngày nay là lợn trại … Trong cộng đồng người Việt từ xa xưa, lợn  được xem là một loài vật linh thiêng, mơ ước của cuộc đời người lao động. Lợn được chọn là một loài vật dùng để tế thần, cống nạp và không thể thiếu vắng trong các ngày lễ trọng đại vui, buồn của mọi cộng đồng. Lợn được đi vào thơ ca, tạo nên những tuyệt tác trong dòng tranh Đông Hồ nổi tiếng. Trước đây ở nhiều gia đình người Việt để chuẩn bị cho việc đón tết cổ truyền, người ta tìm mua và treo tranh Đông Hồ bên cạnh những câu đối đỏ, lấy đó làm niềm vui là biểu hiện của ước mơ an lành, thịnh vượng trong cuộc sống
     Trong quá trình tiến hóa của lịch sử, có người chuyên nuôi lợn đực phủ giống, lại có người chuyên nuôi lợn nái bán lợn con; tuy vậy việc nuôi lợn phổ biến vẫn là  để lấy thịt làm thực phẩm. Từ một con lợn thịt,  người ta có thế chế biến được rất nhiều món ăn ngon miệng, ưa thích, hay làm thực phẩm để dùng lâu dài. Những món ăn thời hiện đại như lạp sườn, ba tê, xúc xích, ruốc bông, bột nêm… đã xuất hiện. Con lợn có thể cung cấp nguồn thịt lớn, nên thịt lợn là nguồn thực phẩm dồi dào, có thể phục vụ được nhu cầu của số đông người. Mọi vùng thôn quê, nuôi lợn còn là một nghề quen thuộc giúp người dân tạo nên nguồn thu nhập kinh tế đáng kể để phục vụ mọi nhu cầu chi tiêu trong đời sống thường ngày.
     Trong các cuộc kháng chiến, từ việc phát triển chăn nuôi lợn, người dân các vùng hậu phương còn tạo ra một lượng thực phẩm đáng kể phục vụ cho quân đội đánh giặc ngoài mặt trận. Phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, mặc dù xa mặt trận nhưng người dân Hà Tĩnh đã huy động gần 2 ngàn tấn thực phẩm phục vụ chiến trường. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chỉ tính riêng năm 1967, tỉnh Hà Tĩnh đã huy động đột xuất trong dân được một ngàn tấn thịt lợn(2) để phục vụ nhu cầu thực phẩm cho bộ đội chiến đấu.
    Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ; đất nước đi vào thời kỳ xây dựng mới trong điều kiện phục hồi sau chiến tranh. Đời sống của mọi tầng lớp nhân dân còn gặp nhiều khó khăn thì việc nuôi lợn được người dân xem như một cứu cánh giải quyết tình thế. Đã không ít người dân thành phố đưa lợn vào chăn nuôi ngay cả trong những khu chung cư cao tầng để tăng thêm nguồn thu nhập. Đây không phải là việc làm đáng khuyến khích, thế nhưng trong thực tế nhiều người qua đó đã tạo được tiền đề, phấn đấu trưởng thành. Nhiều người nhờ nuôi lợn, nấu rượu mà có nguồn kinh phí cho con ăn học đỗ đạt qua các kỳ thi, giành được những học vị cao trong khoa cử.  Đã có cả những cán bộ nghiên cứu đưa lợn vào chăn nuôi và khái niệm “lợn nuôi tiến sĩ” được ra đời từ đó. Từ việc chăn nuôi lợn, con người đã nghĩ đến việc tận dụng phế thải,  người ta đã tìm đến việc xử lý phế thải bằng những hố khí Biogas và việc sử dụng chất đốt khí đã một thời phát triển.
         Giờ đây lịch sử đã sang trang, đất nước đang trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa. Trong cơ chế thị trường con lợn đã vượt qua biên giới trở thành hàng hóa xuất khẩu làm giàu cho đất nước. Bám theo thị hiếu người tiêu dùng và kế thừa kết quả khảo nghiệm khoa học con người đã bắt đầu nuôi lơn quy mô lớn. Những trại lợn siêu nạc ra đời đáp ứng ngày càng cao nhu cầu tiêu dùng và mang về nguồn lợi đáng kể cho các chủ nuôi. Con lợn không còn chỉ là biểu tượng mơ ước mà đang tham gia vào quá trình phát triển; giải quyết việc làm cho người lao động. Mới đây tập đoàn Masan đã làm lễ khánh thành Nhà máy chế biến thịt lợn có quy mô lớn ở Hà Nam. Với diện tích gần 50 ha, tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, tổ hợp nhà máy có công suất chế biến 1,4 triệu con lợn tương đương 140.000 tấn/năm.  Trong tương lai không xa; việc chăn nuôi lợn nhỏ lẻ đang được cuốn hút trở thành dịch vụ vệ tinh cho các trung tâm. Con lợn sẽ không dừng lại ở biểu tượng an nhàn, no đủ mà chắc hẳn sẽ là một bước đột phá cho sự giàu có, mang thương hiệu Việt bước vào thị trường hội nhập quốc tế.
         Năm mới đang cận kề, mùa xuân đang về khắp mọi ngã. Mùa xuân của đất trời, mùa xuân của những vùng nông thôn mới, làng mẫu vườn mẫu hòa quyện với những khu đô thị văn minh. Xuân này lại là mùa xuân của năm Hợi, hy vọng nó không chỉ mang lại một năm an lành hạnh phúc cho những người có tuổi Hợi, mà còn đưa đến cho mỗi con người Việt những niềm vui, tận hưởng những đổi thay kỳ diệu do vận hội mới, thời đại mới từ năm Hợi ban tặng, khi chúng ta đang quyết tâm đột phá vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của nhân loại. /.
--------------------------
(1)  Xem Tục ngữ và ca dao Việt Nam, NXB Giáo dục, 1999 (tái bản lần thứ 5)
(2)  Lịch sử Đảng bộ Tỉnh Hà Tĩnh Tập 2, nxb CTQG-ST, H, 2014 trang 123