Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Công tác Khoa giáo bộ phận quan trọng không thể tách rời trong các cấp uỷ Đảng

     Sau 85 năm hoạt động của Đảng thì tổ chức Khoa giáo là một trong những bộ phận non trẻ nhất trong bộ máy của Đảng. Cho đến khi đất nước dồn sức vào cuộc Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa đồng loạt đầu xuân năm 1968 trên khắp chiến trường miền Nam; nghĩa là lúc chúng ta bắt đầu có thể tấn công vào sào huyệt kẻ thù và hé mở khả năng đất nước hoà bình thống nhất chuẩn bị đi vào công cuộc xây dựng mới; thì khi đó Đảng mới quyết định thành lập Ban Khoa giáo Trung ương vào ngày 30-1-1968. Nhiệm vụ rất nặng nề của Ban Khoa giáo từ những ngày đầu tiên là giúp Trung ương theo dõi, tham mưu để lãnh đạo đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, điều tra thăm dò tài nguyên phục vụ kịp thời công cuộc xây dựng lại đất nước sau chiến thắng.
        Những năm đã qua, với sự nổ lực to lớn của toàn Đảng hệ thống khoa giáo các cấp từ Trung ương đến các địa phương được hình thành và đã có những đóng góp quan trọng vào sự lãnh đạo của cấp uỷ các cấp trong việc theo dõi tham mưu cho các cấp uỷ lãnh đạo chỉ đạo các lĩnh vực chủ yếu như khoa học, giáo dục đào tạo,, thể dục thể thao, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, dân số gia đình và trẻ em.
     Là những người được công tác và hoạt động trong thời kỳ sôi động nhất của hệ thống khoa giáo của Đảng; thật vui và tự hào được chứng kiến và tham gia vào những chủ trương, chính sách của Đảng có tác dụng tích cực vào đời sống xã hội mà ảnh hưởng của nó vẫn còn in đậm tới ngày nay. Trong đó có những dấu ấn sâu sắc của hệ thống khoa giáo tham mưu về các chủ trương như:  Chăm sóc sức khoẻ nhân dân;  xoá bỏ trường chuyên lớp chọn cấp tiểu học, THCS;  xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời;  xây dựng phong trào thể thao quần chúng;  xây dựng chiến lược dân số; phát triển mạng lưới tin học .v.v....
          Để phát huy vai trò vị trí và trọng trách của nó trong tình hình mới, trước đây trong các Ban tham mưu của Tỉnh, Thành uỷ và Trung ương có Ban khoa giáo riêng, bên cạnh Ban Tuyên huấn. Nay do yêu cầu giảm bớt đầu mối nên Trung ương đã có chủ trương  sáp nhập Tuyên huấn với Khoa giáo thành Ban Tuyên giáo. Bộ phận Khoa giáo ở địa phương chỉ để lại Phòng Khoa giáo trong Ban Tuyên giáo các Tỉnh, Thành uỷ. Ở Hà Tĩnh theo Quy định số 217QĐ/TU, ngày 23-11-2001của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thì Ban Tuyên giáo là cơ quan tham mưu giúp cấp uỷ hướng dẫn, kiểm tra, chỉ đạo các lĩnh vực Tuyên giáo trong đó có Khoa giáo. Ban có nhiệm vụ giúp cấp uỷ nghiên cứu, theo dõi tổng hợp tình hình tư tưởng, hoạt động của các lĩnh vực khoa giáo; chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức học tập quán triệt, triển khai thực hiện, sơ kết tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương của trung ương và cấp uỷ địa phương; tham gia chuẩn bị các nghị quyết, quyết định của cấp uỷ; giúp cấp uỷ thẩm định các đề án, chỉ đạo một số vấn đề cụ thể thuộc lĩnh vực công tác tư tưởng, văn hoá, khoa giáo của tỉnh; tham gia công tác cán bộ, và chính sách cán bộ trong khối thuộc diện Tỉnh uỷ quản lý.
 Với chức năng và nhiệm vụ ấy, trong những năm qua nhất là từ ngày tái lập tỉnh đến nay. Công tác Khoa giáo đã tích cực hoạt động và đã có những đóng góp quan trọng và thành tích chung của tỉnh. Trong đó có những kết quả nổi bật như giúp cấp uỷ chính quyền đẩy mạnh hoạt động lĩnh vực khoa học công nghệ, đưa hoạt động khoa học công nghệ ngày càng gắn bó hơn với thực tiễn và phục vụ có hiệu quả cho việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Các hoạt động Giáo dục đào tạo, Khoa học công nghệ, Chăm sóc sức khoẻ, Thể thao... đều đã gặt hái được những kết quả bước đầu. Hà Tĩnh đã sớm hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, loại trừ được bệnh phong ra khỏi cộng đồng, xoá bỏ được  hiện tượng tử vong do sốt rét, ngăn chặn được dịch bệnh trong nhân dân, đẩy mạnh phong trào thể thao quần chúng và vươn lên thể thao thành tích cao...Để góp phần làm nên những kết quả đó công tác Khoa giáo đã giúp cấp uỷ tổ chức triển khai và sơ kết nhiều chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Khoá VII như chỉ thị số 36 về Đẩy mạnh hoạt động thể thao, chỉ thị số 38 về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em... các chỉ thị của Bộ chính trị khoá VIII như chỉ thị số 34 Về công tác Đảng trong trường học, chỉ thị số 36 về công tác mội trường, chỉ thị số 51 về đẩy mạnh công nghệ thông tin, chỉ thị số 61 về giáo dục phổ cập THCS...Ngoài ra Ban Tuyên giáo còn tham mưu cho Tỉnh uỷ tổ chức các đoàn kiểm tra thực hiện các nghị quyết, giúp cấp uỷ soạn thảo nhiều nghị quyết quan trọng trên lĩnh vực công tác Khoa giáo địa phương.
       Rất tiếc đến nay bộ phận chuyên trách khoa giáo của cấp uỷ từ Trung ương đến các địa phương chỉ còn lại rất ít cán bộ. Bởi vậy việc thực hiện chức trách nhiệm vụ theo đúng yêu cầu của nó gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn cán bộ khoa giáo chỉ mới tập trung làm công tác theo dõi phản ánh với cấp trên, chứ chưa làm được nhiều chức trách khác. Từ đó trên các lĩnh vực Khoa giáo cũng xuất hiện rất nhiều những vấn đề kiến xã hội quan tâm bức xúc. Có nơi đã phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thậm chí phải dùng cả biện pháp cứng rắn để giải quyết các vấn đề từ người dân đặt ra....
 Từ thực tiễn hoạt động công tác Khoa giáo có thể thấy một số vấn đề cần quan tâm như sau:
       1- Bản chất của công tác Khoa giáo là công tác trí thức. Khác với hoạt động bề nổi của tuyên truyền cổ động; công tác Khoa giáo thường chìm lắng và đòi hỏi chiều sâu về trí tuệ. Theo dõi, tham mưu, giúp cấp uỷ thường ngày chỉ đạo giải quyết các vấn đề cơ bản theo định hướng, quan điểm của Đảng, chứ không phải can thiệp giải quyết các vụ việc chuyên môn trong từng lĩnh vực. Có người từng nêu câu hỏi : không có Khoa giáo thì Bác sĩ có chữa bệnh không, thầy giáo có dạy học không ? Thực ra Khoa giáo không can thiệp vào công việc cụ thể trong chuyên môn kỷ thuật mà đòi hỏi bác sĩ chữa bệnh, thầy giáo dạy học theo hướng nào, ai nên khen, ai đáng chê và làm sao để kết quả, chất lượng phục vụ nhân dân được tốt hơn. Bởi vậy không quan tâm đầy đủ đến hoạt động Khoa giáo là chưa quan tâm đầy đủ đến hoạt động trí thức trên lĩnh vực này.
      2- Công tác trong lĩnh vực Khoa giáo, đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ am hiểu sâu sắc lĩnh vực phụ trách. Trước đây khoa giáo được điều động  những cán bộ ưu tú từ các lĩnh vực khoa giáo. Như vậy cán bộ Khoa giáo vừa am hiểu chuyên môn vừa có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn. Điều này giúp cán bộ khoa giáo khi đưa ra những quan điểm, nhận định đánh giá, tham mưu cho cấp uỷ không bị cản trở hoạt động chuyên môn, trái lại làm cho hoạt động chuyên môn càng thêm thuận lợi. Mặt khác chính công tác khoa giáo giúp cho cấp uỷ và các ngành chuyên môn tránh được những chủ trương kế hoạch không sát với thực tiễn, độc quyền không phù hợp với lợi ích chung. Cán bộ công tác Khoa giáo đòi hỏi phải tích cực học tập để bổ sung kiến thức các lĩnh vực phụ trách. Khi còn Ban Khoa giáo Tỉnh uỷ gần như mỗi cán bộ chỉ theo sát một lĩnh vực khoa giáo, nhưng nay một cán bộ phải theo dõi nhiều lĩnh vực. Muốn làm tốt tham mưu, cán bộ vừa phải am hiểu sâu sắc công tác chuyên môn vừa nắm vững quan điểm của Đảng. Có như vậy cán bộ Khoa giáo mới có thể tiếp cận được thực tiễn và đưa ra những ý kiến có sức thuyết phục, có thể vượt trội so với đội ngũ cán bộ chuyên môn đơn thuần.
      3-  Đội ngũ làm công tác Khoa giáo không chỉ cần có trình độ chuyên môn tốt, nắm chắc quan điểm cơ bản của Đảng mà còn rất cần bản lĩnh, dám đương đầu với những biểu hiện lệch lạc và dám nói tiếng nói trung thực của mình vơi các cấp lãnh đạo. Tôi nhớ mãi hình ảnh một Chủ tịch tỉnh không chịu ký Bằng khen cho cán bộ ngành khi chưa có ý kiến của Khoa giáo. Điều này không chỉ nâng vị thế hoạt động Khoa giáo của cấp uỷ mà còn đặt lên vai trách nhiệm và tinh thần làm việc nghiêm túc hơn cho cán bộ trong công tác theo dõi kiểm tra, nắm chắc tình hình và chất lượng công việc của lĩnh vực được giao phó. Hiện nay khi mà nhân loại đang tiến sâu vào nền kinh tế tri thức, con đường hội nhập, toàn cầu hoá với sự tiến nhanh như vũ bão của cuộc cách mạng Khoa học và công nghệ; thì lĩnh vực công tác Khoa giáo càng có vai trò to lớn trong tiến trình phát triển của đất nước nói chung mỗi địa phương nói riêng.  Bởi vậy để công tác Khoa giáo có chất lượng tốt, các cấp uỷ Đảng không chỉ cần quan tâm bố trí cán bộ có chất lượng, tạo điều kiện về phương tiện thiết bị làm việc mà điều quan trọng nhất là phải có cơ chế phát huy cao vai trò trí tuệ bản lĩnh của đội ngũ cán bộ hoạt động trên lĩnh vực đòi hỏi chiều sâu trí tuệ này.
      Kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống ngành Tư tưởng văn hoá; thiết nghĩ đây cũng là một dịp để chúng ta ngẫm nghĩ thêm những bài học từ thực tiễn công tác trên lĩnh vực này nói chung, công tác khoa giáo nói riêng. Phải chăng đây cũng là lúc chúng ta nhìn lại chính mình để xây dựng lại hệ thống tổ chức, tu sửa hành trang chuẩn bị tốt hơn cho bước tiến mạnh mẽ vững chắc trên con đường đổi mới./.