Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

Đảng bộ đồng hành cùng nhân dân làm nên chiến thắng



                                                                                  
         72 năm đã qua, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã không ngừng phấn đấu, gặt hái nhiều thành tựu trong một chế độ mới dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Khắc sâu bài học từ cách mạng tháng Tám, trong suốt mọi chặng đường lịch sử, Đảng bộ luôn sát cánh cùng nhân dân đã trở thành một dấu ấn sâu sắc tiếp nối nhiều thế hệ, là cội nguồn sức mạnh đem đến thành công.
      Những ngày sôi động của Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã dệt thêu nên bức tranh đẹp về sự đồng hành quyết tâm làm nên chiến thắng.  Theo nguyên lý chung, một cuộc cách mạng muốn giành thắng lợi phải được nổ ra ở nơi kẻ thù suy yếu nhất, tổ chức lãnh đạo cách mạng phải đủ mạnh và quần chúng cách mạng đã chuẩn bị sẵn sàng nhất. Thực tế cho thấy cuộc khởi nghĩa tháng Tám tại Hà Tĩnh đã không hoàn toàn như vậy.
      Cuộc Khởi nghĩa của Hà Tĩnh bùng nổ khi Đảng bộ đang gặp khó khăn nhất; hệ thống tổ chức Đảng từ tỉnh xuống cơ sở đã bị kẻ địch phá vở nhiều lần. Hầu hết các đồng chí cán bộ, đảng viên ưu tú bị kẻ địch bắt giam giữ trong các nhà tù sau nhiều đợt vây quét khủng bố khốc liệt. Trong đó phải kể tới những thời kỳ vô cùng khó khăn như những năm sau 1930-1931, thời kỳ kẻ địch khủng bố đàn áp phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Tiếp đến là thời kỳ sau chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định giải tán các tổ chức nghiệp đoàn, cấm các hoạt động của Đảng cộng sản... Đến tháng 5 năm 1940 Tỉnh uỷ lâm thời do đồng chí Trần Quỳ,  Xứ uỷ Trung kỳ chỉ đạo mới được thành lập gồm 5 đồng chí. Sau đó một số địa phương lập lại huyện uỷ như Hương Sơn, Can Lộc, Hương Khê... Nhưng sau cuộc tập kích đồn điền Ferey và việc tổ chức ám sát tên Bang tá Hồ Dũng Tài của Chi bộ Song Con, Cẩm Lĩnh (Hương Sơn) vào tháng 5-1941, thì tổ chức Đảng lại bị kẻ địch triệt phá hoàn toàn. Gần như đến ngày khởi nghĩa hệ thống tổ chức Đảng chưa được khôi phục.
          Thời kỳ tiền khởi nghĩa, Hà Tĩnh vẫn là nơi kẻ địch tăng cường đàn áp, khủng bố và thực hiện nhiều chính sách bóc lột tàn bạo. Thực dân Pháp một mặt phát xít hoá bộ máy thống trị, thẳng tay đàn áp những người có tinh thần yêu nước. Mặt khác chúng dùng thủ đoạn dã nhân, dã nghĩa lừa phỉnh nhân dân đồng thời đẩy mạnh chính sách vơ vét sưu thuế, gia tăng sức bóc lột.. Nhiều chính cách hà khắc được thực dân Pháp triễn khai ở Hà Tĩnh như hạn chế việc đi lại, đọc sách báo, hội họp, mít tinh của nhân dân. Tuyển thêm lính kín, lính khố xanh, cho mật thám giả danh làm người buôn lợn, buôn bò, ăn xin trà tộn trong dân để dò la tin tức, điều tra hoạt động cộng sản. Các phường hội như Tương tế, Ái hữu bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Những người đứng đầu các tổ chức đều bị bắt bớ, xét hỏi, bị phạt tiền....(1).và cao hơn là bị xử bắn.
         Trước ngày khởi nghĩa đến gần, các tổ chức quần chúng hoạt động vẫn còn rất manh mún và bị phân tán, chịu nhiều nguồn tổ chức chỉ đạo khác nhau. Khi mặt trận Việt Minh Nghệ Tĩnh đã triễn khai kế hoạch khởi nghĩa thì các địa phương vẫn còn rất nhiều ảnh hưởng hoạt động của các tổ chức khác nhau như Đảng cộng sản, Thanh niên Phan Anh, Chính phủ Trần Trọng Kim, Lực lượng thân Pháp, thân Nhật .v.v.....Bởi vậy, trong cùng một địa phương, trong cùng một thời gian đã có lúc quần chúng chịu sự chỉ đạo của hai tổ chức cách mạng. Mặt trận Việt Minh mà nòng cốt là đảng viên cộng sản; có địa phương cũng đã hình thành hai nhóm hoạt động tách rời nhau như ở Hương Sơn, Nghi Xuân...
              Thế nhưng quần chúng cách mạng sau nhiều lần diễn tập sát cánh đồng hành những người cộng sản cùng chịu thử thách hy sinh qua cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939, 1939-1945, họ đã hiểu rõ giá trị của mục tiêu Độc lập tự do và con đường mà Đảng cộng sản đang nổ lực phấn đấu. Những người cộng sản bằng xương bằng thịt đã kiên cường không tiếc máu xương lăn lộn cùng nhân dân, đấu tranh anh dũng, chịu đòn roi tra tấn và đã phải hy sinh cùng trận tuyến với nhân dân. Quần chúng nhân dân đủ điều kiện để hiểu rằng mục tiêu phấn đấu của những người cộng sản lúc bấy giờ với toàn thể nhân dân là một. Vì thế mà những người cộng sản sẵn sàng hy sinh vì dân vì nước và ngược lại người dân cũng sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu của Đảng của dân tộc mà không có một mảy may tính toán nào..
      Từ sau Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng tháng 2-1943 và việc thành lập tổ chức mặt trận Việt Minh khắp nơi trong cả nước đã chuẩn bị cho người dân trong ý thức về cuộc khởi nghĩa đang đến gần. Việt Minh đóng vai trò như hệ thống tổ chức do Đảng làm nòng cốt đứng ra lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Trên địa bàn Hà Tĩnh các huyện đã được chia ra nhiều phân khu khác nhau, chịu sự chỉ đạo của nhiều tổ chức Việt Minh khác nhau. Nghi Xuân thuộc phân khu Vinh Bến thủy (Nghệ An); Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê thuộc phân khu La Hương Hương. Các huyện thị còn lại thuộc Phân khu Nam Hà. Đó là những phân khu do Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh phụ trách; ngoài ra cuộc khởi nghĩa của các huyện còn có trường hợp nắm bắt thông tin từ Việt Minh Hà Nội để khởi nghĩa giành thắng lợi. Đặc điểm trên mặc dù có xẩy ra những khúc mắc nhỏ, nhưng đã làm cho cuộc Khởi nghĩa Hà Tĩnh tăng thêm tính phong phú, sôi động và thi đua thúc đẩy việc giành chính quyền các địa phương thêm nhanh chóng.
          Trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Tĩnh cho thấy ý thức cách mạng và tính chủ động của quần chúng nhân dân rất cao. Trong khi kẻ địch ráo riết khủng bố và đàn áp khốc liệt thì nhân dân vẫn không hề nao núng quyết tâm giành chính quyền. Hàng loạt cán bộ và nhân dân bị bắt bớ tù đày, giết hại thảm khốc, song những người còn lại vẫn tin theo Đảng, quyết tâm đi theo cách mạng. Phong trào yêu nước được duy trì dưới mọi hình thức, mọi hoàn cảnh. Nhất là khi các chính trị phạm thoát ngục trở về mang theo chương trình hành động của Đảng và kinh nghiệm đấu tranh trong các nhà tù đế quốc. Mặc dù quần chúng nhân dân vừa phải lo chống đỡ nạn đói, phải thường xuyên đối phó với các thủ đoạn thâm độc của kẻ địch, nhưng vẫn luôn hướng về tiếng gọi của tổ chức, của Đảng. Phong trào cách mạng vẫn có thể thổi bùng lên làm lung lay nhanh chóng uy lực của bộ máy cai trị. Chính vì thế mà không đợi đến ngày toàn quốc khởi nghĩa, không đợi đến việc hoàn chỉnh tổ chức, thời cơ đến vẫn thống nhất được với nhau vùng dậy tước chính quyền địch về tay nhân dân. Cuộc khởi nghĩa ở Hà Tĩnh không diễn ra theo một chiều từ trên xuống hoặc dưới lên mà diễn ra nơi có điều kiện xuất hiện. Việc giành chính quyền được bắt đầu từ huyện lên tỉnh, rồi từ tỉnh xuống huyện và đã diễn ra nhanh chóng, chỉ trong 5 ngày từ 16 đến 21-8-1945, Chính quyền trong toàn tỉnh đã về tay nhân dân trong niềm vui khôn xiết.
        Như vậy, trong cuộc Cách mạng tháng Tám Năm 1945, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh cho thấy, không nhất thiết phải có một Đảng bộ lớn, số lượng Đảng viên đông mới giành được thắng lợi. Điều quan trọng là ở chổ Đảng có định hướng đúng; ý Đảng và lòng dân phù hợp; mục tiêu và quyền lợi của Đảng và nhân dân thống nhất. Nhân dân luôn đồng hành cùng Đảng, làm theo ý Đảng cả trong những thời điểm Đảng gặp khó khăn nhất vẫn có thể hoàn thành được mục tiêu do Đảng đề ra./.
                                                                                             8-207

Bài học lớn từ Chính quyền Xô viết Nghệ Tĩnh




        Trong cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản thế giới, mục tiêu cơ bản nhất là làm sao giành được chính quyền. Thế nhưng chính quyền ấy có giữ được lâu dài hay không là một vấn đề còn tùy thuộc vào điều kiện lịch sử cụ thể.  Chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng hình ảnh và ý nghĩa của nó mãi mãi không phai nhạt trong trái tim của những người cách mạng.
       Vào đầu thế kỷ XX, phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân Việt Nam chịu những tác động sâu sắc của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Thực dân Pháp đẩy mạnh cuộc khai thác thuộc địa làm cho người dân chịu cảnh khốn cùng vì sưu cao thuế nặng. Thêm vào đó là sau cuộc bạo động của Việt Nam quốc dân Đảng ở Yên Bái kẻ địch dồn sức tấn công tìm diệt những nhân tố khởi nghĩa đã thúc đẩy làn sóng cách mạng của người dân Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng lên cao. Trong bối cảnh ấy Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, như một sự đáp ứng nhu cầu định hướng lãnh đạo cuộc đấu tranh yêu nước trong hoàn cảnh mới. Nhân ngày Quốc tế lao động, Đảng đã phát động một phong trào đấu tranh trên quy mô toàn quốc. Từ quê hương cách mạng của các bậc tiền bối như Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, nắm bắt được trào lưu cách mạng mới, các tầng lớp công nhân, nông dân, trí thức... đã nhanh chóng xây dựng lực lượng và tổ chức đấu tranh hưởng ứng cuộc đấu tranh do Đảng phát động một cách quyết liệt nhất. Chỉ riêng trong tháng 5/1930 ở Bắc kỳ có 4 cuộc đấu tranh, Nam Kỳ có 12 cuộc thì Trung kỳ có tới 21 cuộc. Rất nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân  có quy mô lớn lôi cuốn hàng ngàn người tham gia như cuộc bài công của 4.000 công nhân khuôn vác cảng Bến Thủy; cuộc biểu tình của 3.000 nông dân và học sinh Thanh Chương tháng 6/1930; cuộc biểu tình của 5000 nông dân Anh Sơn, 500 nông dân Can Lộc vào tháng 8/1930. Phong trào phát triển mạnh sang tháng 9/1930, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn như 3000 nông dân Can Lộc ngày 7/9; 1000 nông dân Thạch Hà, 1000 nông dân Cẩm Xuyên ngày 8/9; 1000 nông dân Kỳ Anh ngày 9/9.... Đặc biệt là cuộc biểu tình có quy mô lớn tới hàng vạn người của Hưng Nguyên, Nam Đàn ngày 12/9 đã bị kẻ thù dùng vũ khí, máy bay ném bom đàn áp đẩm máu làm 174 người thiệt mạng, 300 người bị thương. Khơi dậy lòng căm thù và quyết tâm cách mạng Xứ ủy Trung kỳ đã kịp thời phát động một phong trào rộng lớn vạch trần tội ác kẻ thù và kêu gọi công nông  nổi dậy mạnh liệt hơn nữa. Chính trong ngọn lửa rục sôi cách mạng ấy nhiều nơi đã làm vô hiệu hóa bộ máy cai trị của hào lý, chánh phó tổng, người dân tuân theo chỉ đạo của thôn, xã Bộ nông. Nhiều Lý trưởng bỏ trống nhiệm sở, đem con dấu đến nộp cho xã Bộ nông hoặc trả cho Tri phủ, Tri huyện. Một số tri phủ, Tri huyện nằm im không dám hoạt động; một số có cảm tình với cách mạng, thậm chí ở Can Lộc có Lý trưởng đứng ra dẫn đầu đoàn biểu tình cùng với nhân dân. Những địa phương bộ máy cai trị tan rã; Thôn, xã Bộ nông đứng ra điều hành công việc. Môt bộ máy nhà nước kiểu mới theo mô hình Xô Viết ra đời. Phong trào cách mạng 1930-1931 đã đạt tới đỉnh cao của nó. Sau 10 tháng hiện diện, Hà Tĩnh đã có 170 làng xô viết; xô viết ra đời đầu tiên ở Đỉnh lự (nay là Tân lộc huyện Can lộc).
      Mặc dù ngọn lửa của phong trào cách mạng đã bùng lên mạnh mẽ, nhưng do điều kiện lịch sử chưa chín muồi. Kẻ địch đã đưa ra kế hoạch khá toàn diện để xóa bỏ thành quả cách mạng. Chính quyền cách mạng non trẻ bị kẻ thù bóp chết sau đợt khủng bố khốc liệt; song hình ảnh tốt đẹp của một chính quyền cách mạng mới vẫn in đậm trong niềm tin những người cộng sản và người dân bị áp bức. Chính niềm tin vững chắc ấy đã giúp người dân chúng ta giành lại chính quyền khi điều kiện lịch sử cho phép, tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa thành công vào tháng Tám năm 1945
       Tám mươi bảy năm đã qua, cao trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh vẫn là một mốc son sáng chói trong pho sử vàng của Đảng. Sự tồn tại của chính quyền Xô Viết trong cao trào cách mạng những ngày đầu có Đảng đã để lại cho chúng ta không chỉ là niềm tự hào về niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng mà còn cho chúng ta một bài học lớn về xây dựng một nhà nước kiểu mới tiến bộ.
    Xô Viết là một kiểu Nhà nước của dân do người dân thiết lập. Ngay khi bộ máy thống trị rệu rã, chính những tổ chức nông dân đã đứng ra nắm lấy quyền điều hành dân chúng. Năng lực điều hành của các Xô viết rất đa dạng. Nói chung việc nắm quyền của những Ban chấp hành nông hội đỏ đều có sự lãnh đạo của chi bộ Đảng. Thế nhưng có nơi chi bộ chỉ có ít đảng viên, có nơi chưa có đảng viên  nên cần có đảng viên của Xô viết bên cạnh đến giúp sức hướng dẫn hoạt động. Hình thức hoạt động điều hành của các Xô viết cũng còn khác nhau. Có nơi Xô viết được tổ chức bầu cử công khai tại đình làng, nhưng có nơi còn do nông hội chỉ định.
      Công lao to lớn đầu tiên của Xô viết là ngay khi ra đời đã chăm lo mưu cầu hạnh phúc cho người dân. Ban bố quyền tự do dân chủ, nam nữ bình đẳng. Xô viết đứng ra tổ chức việc chia lại ruộng công, tuyên bố xóa thuế chợ, thuế đò, hòa giải các vụ tranh chấp; tổ chức việc “vay” thóc địa chủ để cứu đói cho dân; tổ chức tuyên truyền, đọc sách báo cách mạng, bài trừ tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống mới, xây dựng tình làng nghĩa xóm; dạy chữ quốc ngữ cho những người hăng hái theo học.
      Các Xô viết nhờ đó tồn tại trong sự bảo vệ của người dân khi bị địch khủng bố. Bởi vậy có nơi khi bị địch khủng bố thì tan luôn, nhưng cũng có nơi chỉ tạm lắng xuống rồi khôi phục trở lại.
      Trong cuộc đấu tranh để thiết lập các Xô viết thì công lao to lớn, tiên phong  của những người công sản đã được thể hiện rõ nét nhất và có sức lôi cuốn mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân. Những người cộng sản đã khởi xướng, đưa ra khẩu hiệu, dẫn đầu và diễn thuyết trong các cuộc bãi công biểu tình. Họ là những cốt cán trong các đội cảm tử, những người hy sinh hàng đầu và trở về sau cùng sau mỗi cuộc đấu

tranh.  “Chỉ những sự kiện ấy cũng đủ nói lên tinh thần anh dũng của các đồng chí chúng ta trong cuộc đấu tranh” (1) thiết lập các Xô viết.
       Xô Viết Nghệ Tĩnh đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930-1931, dù thời gian đã lùi sâu vào quá khứ; song trong mỗi trái tim của người dân xứ Nghệ nói chung Hà Tĩnh nói riêng vẫn khắc sâu hình ảnh đẹp về một kiểu nhà nước mới. Một Nhà nước đơn sơ, ngắn ngủi nhưng phán ánh đầy đủ tính chất của một nhà nước tiến bộ của dân, do dân và vì dân. Một hình ảnh luôn được tỏa sáng trên con đường đổi mới của sự nghiệp cách mạng nước ta do Đảng lãnh đạo./.


(1) Hà Huy Tập  Bước ngoặt vĩ đại của lịch sử Cách mạng Việt Nam. HN. 1961. trang 92

                                                                                    9-2017

Thứ Tư, 7 tháng 6, 2017

Thành phố Hà Tĩnh- Bước tiến dài sau hơn một phần tư thế kỷ

       Từ ngày tái lập tỉnh, Trung tâm tỉnh lỵ Hà Tĩnh mới được xác định trở lại và bước vào chặng đường xây dựng mới, giờ đây Thành phố Hà Tĩnh đã có một bước tiến dài và không ngừng đổi thay kỳ diệu.
        Do có sự biến đổi về tổ chức hành chính trong lịch sử; địa giới hành chính cũng như vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh lỵ Hà Tĩnh - mảnh đất Thành phố hôm nay đã có nhiều lần biến đổi. Từ một lỵ sở ngày lập tỉnh 1831, Thị xã được thành lập dưới sự chuẩn y của Toàn quyền Đông Dương Méclanh (Merlin) vào năm 1924. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công Thị xã Hà Tĩnh chỉ vẻn vẹn 2,5km2,, dân số hơn 4.400 người. Cuộc kháng chiến chống thực dân bùng nổ toàn dân chăm lo công tác tiêu thổ kháng chiến để bảo toàn lực lượng đánh giặc lâu dài. Thị xã chỉ còn lại là một đơn vị hành chính ngang xã, thuộc huyện Thạch Hà. Cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp kết thúc; Thị xã mới được lập lại trở thành đơn vị hành chính cấp huyện, trực thuộc tỉnh. Tên gọi Thị xã được tồn tại suốt thời gian cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và thời kỳ sáp nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh (1976-1991). Kỳ họp thứ 9, Quốc Hội khóa VIII năm 1991, quyết định tách tỉnh Nghệ Tĩnh thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Thị xã Hà Tĩnh chính thức được chọn làm Trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Hà Tĩnh mới, đây là tiền đề quan trọng để Thị xã không ngừng phát triển.
       Hai mươi sáu năm đã qua, một quảng thời gian chưa dài, nhưng dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của cấp ủy chính quyền, đoàn thể cấp tỉnh và sự nổ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ, nhân dân, Trung tâm tỉnh lỵ Hà Tĩnh (Trung tâm) đã có bước trưởng thành vượt bậc. Trên một số lĩnh vực cơ bản chúng ta có thể thấy rõ sự đổi thay  nhanh chóng ấy:
       Trên bản đồ hành chính, Trung tâm tỉnh lỵ không còn bóng dáng của một thị xã xưa. Sau khi trở lại tỉnh mới năm 1991, Thị xã Hà Tĩnh chỉ mới có 2 phường 6 xã khoảng hơn 4 vạn người với diện tích 30km2 . Sau nhiều lần sáp nhập mở rộng, năm 1993 lập thêm 2 phường để có 4 phường 6 xã và vào năm 2004 thêm 6 phường mới để có 10 phường, 6 xã. Đến nay Thành phố Trung tâm đã có diện tích 56,5 km2 , dân số đạt gần 10 vạn người. Như vậy cả quy mô và dân số đều tăng cao so với  ngày tái lập tỉnh. Đây chính là điều kiện tiên quyết để có thể phát triển Thị xã trở thành Thành phố theo hướng văn minh hiện đại.
        Không chỉ về diện tích dân số, cái chuyển mình lớn nhất mà chúng ta có thể tự hào là sự đổi thay và phát triển nhanh chóng của Trung tâm, đó là sự phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội. Có thể nói sau nhiều năm bị chiến tranh tàn phá, sau đó có 15 năm nhập tỉnh Nghệ Tĩnh, cơ sở vật chất hạ tầng của Thị xã rất thấp kém vì chưa được đầu tư. Những thế hệ lớn tuổi gần như ai cũng không thể quên: cả Trung tâm trước đây chỉ có 1,4 km đường cứng trên trục đường Phan Đình Phùng và khoảng 10km đường Quốc lộ 1A là đường có rải nhựa nham nhở từ thời thuộc Pháp để lại, còn lại là những tuyến đường đất bùn lầy sau những cơn mưa. Nói là Trung tâm nhưng gần như người dân đều sử dụng giếng nước tự đào, giếng nước máy công cộng chỉ được một số chổ nhưng ít khi đầy nước. Đêm đêm người dân í ới gọi nhau đi gánh nước máy từ giếng công cộng về dùng. Thông thường người dân phải đợi hàng giờ, có khi cả ngày mới lấy được nước đem về phục vụ sinh hoạt gia đình....Vậy mà giờ đây, Nhà máy nước đã đảm bảo nước sạch cung cấp 30.000m3/mỗi ngày đêm, phục vụ nhu cầu của người dân trong thành phố. Cả thành phố đang được dệt thêu với mạng lưới điện đường rực sáng. Trung tâm  không còn đường đất nhỏ mà thay vào đó là hệ thống đường nhựa, đường bê tông thông thương, tiện lợi kết nối các phường xã trên địa bàn dân cư; hơn thế còn có cả đường nhựa lớn, đường một chiều hiện đại. Hệ thống trường học, trạm xá đều được xây dựng mới khang trang. Bệnh viện thành phố được xây dựng theo mô hình hiện đại, phục vụ ngày một hiệu quả hơn cho bệnh nhân, đang trở thành điểm sáng cho mô hình bệnh viện cấp huyện trong toàn tỉnh. Lúc mới tách tỉnh, hệ thống trường, lớp học của Thị xã còn rất đơn sơ. Phòng học chủ yếu ở nhà cấp bốn, hay phòng lợp lá cọ. Trường còn phải tổ chức liên cấp 1 và 2. Đến nay trong tổng số 45 trường học của Thành phố thì 100% trường học có nhà cao tầng. Một số trường đã có phòng học đa chức năng bề thế với nhiều phương tiện, đồ dùng dạy học hiện đại như hệ thống máy vi tính, đèn chiếu, cơ sở bán trú, các trung tâm ngoại ngữ, tin học, sách vở tài liệu đảm bảo yêu cầu phục vụ việc giảng dạy và học tập. Thành phố đã có nhà nhiều tầng, nay đang xây dựng Trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp hiện đại với những ngôi nhà chọc trời đã và đang ra đời. Người dân Thị xã trước đây chủ yếu làm nông, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như dệt vải, nghề gốm, nghề mộc, chế biến đồ dùng bằng tre...cũng như các ngành nghề kinh doanh buôn bán thương nghiệp đều nhỏ lẻ. Cuối năm 1991 Thị xã chỉ mới có xấp xỉ 700 lao động công nghiệp ngoài quốc doanh. Giá trị Tổng sản lượng công nghiệp  Thị xã quản lý đến cuối năm là 1.417 triệu đồng (1). Mỗi ngày sau 20 giờ, Thị xã đã về đêm yên tỉnh bởi ánh điện chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Cả Thị xã chỉ mới được cung cấp 15 triệu kwh/năm. Giờ đây Thành phố rực sáng về đêm với nguồn điện khá dồi dào trên tổng mức được cấp xấp xỉ 10 triệu kwh/ tháng. Điện và giao thông thuận lợi đang là động lực thúc đẩy nhanh việc phát triển kinh tế đa dạng phong phú. Nhiều ngành nghề mới ra đời như nuôi cá lồng bè, phát tiển trang trại, gia trại, trồng hoa, cây cảnh... Thành phố đang chuyển dich cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực tạo đà cho Thành phố không ngừng phát triển. Tổng thu ngân sách xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt hơn 41 triệu đồng /người năm, là sự chuyển mình đáng tự hào của người dân Thành phố Hà Tĩnh.
        Khi Trung tâm được công nhận là thành phố thuộc tỉnh, mọi nếp sống sinh hoạt của người dân đều đặt ra yêu cầu mới. Thành phố đã không chỉ chăm lo phát triển kinh tế văn hóa mà đã chú trọng việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Thực hiện cuộc vận động về “Xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”;  Thành phố đã xây dựng chương trình hành động cho các địa phương triễn khai xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội và  phong trào xây dựng các khu dân cư xanh, sạch, đẹp. Đến nay Thành phố đã có 100% tổ dân phố, thôn xóm có nhà văn hóa; nhiều tuyến phố tự quản ra đời. Hoạt động dịch vụ thu gom rác thải đã đi vào nề nếp. Nhiều loại hình hoạt động văn nghệ, thể thao lành mạnh đã được các cấp quan tâm khôi phục và xây dựng mới. Nhiều câu lạc bộ dưỡng sinh, trợ giúp chữa bệnh, các loại hình thể thao khắp thành phố được khơi dậy sôi nổi, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các đối tượng tham gia. Điều đáng nói là để đảm bảo thuận lợi cho hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của người dân, bên cạnh việc hình thành các khu sinh thái, khu vui chơi giải trí; nhiều công trình lịch sử, văn hóa đã được  tiến hành tôn tạo xây dựng mới trong đó có những công trình có ý nghĩa như Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, tượng đài Trần Phú, Lý Tự Trọng, Văn miếu, Bia chứng tích nhà Lao Hà Tĩnh, Chùa Cảm Sơn.v.v.... Có thể nói tất cả những hoạt động này đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần ngày càng cao của người dân làm cân bằng thêm những sinh hoạt lành mạnh khắp địa bàn thành phố.
      Một nét đổi thay quan trong khác của Thành phố trung tâm là việc xây dựng nguồn nhân lực. Bởi rốt cuộc sau khi đã xác định đựơc phương hướng phát triển thì con người là yếu tố quyết định sự thành bại. Trong tiến trình đi lên, Thành phố đã rất quan tâm xây dựng nguồn nhân lực mà trước hết đội ngũ cốt cán. Lúc mới tách tỉnh, nguồn nhân lực nói chung của toàn tỉnh rất thấp. Nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế; bởi vậy lao động phổ thông vẫn là chủ yếu trong các địa bàn dân cư. Trình độ học vấn và lao động kỷ thuật toàn tỉnh nói chung, Thị xã nói riêng còn rất ít ỏi. Không chỉ ở Thị xã Trung tâm mà trên địa bàn toàn tỉnh, đội ngũ cán bộ có học vị thạc sĩ trở lên chưa đầy vài chục người. Vậy mà giờ đây trong quá trình tiếp cận nền kinh tế tri thức với cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển, Thành phố đã đi tiên phong trong việc xây dựng nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ. Rất nhiều cán bộ từ Thành phố đã trưởng thành, được điều động giữ các vị trí trọng trách tronng các cơ quan ban ngành cấp tỉnh. Chỉ riêng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức các phòng ban, đơn vị sự nghiệp và UBND các phường xã thuộc thành phố đã có 83% có trình độ từ Đại học cao đẳng trở lên; trong đó số có học vị từ thạc sĩ trở lên chiếm 3,4%....
     Như vậy, sau hơn một phần tư thế kỷ, từ một địa bàn nhỏ bé của thị xã Hà Tĩnh, có lúc là đơn vị ngang cấp xã, Trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh đã có bước đổi thay kỳ diệu trên tất cả các lĩnh vực. Diện mạo mới của thành phố hôm nay là kết quả của một quá trình phấn dấu không mệt mỏi của mỗi cán bộ, đảng viên, và quần chúng nhân dân. Mặc dù phía trước vẫn còn nhiều thử thách, nhiều tiêu chí còn phải nổ lực phấn đấu; song những thành quả đạt được của Thành phố thời gian qua không chỉ là niềm tự hào chính đáng của địa phương mà là điều kiện căn bản để thành phố cất cánh vươn mình, xứng đáng trở thành đô thị loại hai vào năm 2018 như mục tiêu của Thành phố đặt ra./.
                                                                                                                      6-2017


(1) Niên giám thống kê  1991-1994  Cục Thống kê Hà Tĩnh    trang 110

Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

Xuân về nhớ Bác xiết bao !



     Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn của nước ta. Khác với nhiều anh hùng dân tộc Việt Nam khác, Hồ Chí Minh còn là người sáng lập ra Đảng ta, lãnh đạo nhân dân ta tiến hành nhiều cuộc kháng chiến chống xâm lược làm nên những chiến thắng lẫy lừng năm châu bốn biển. Đất nước được hoàn toàn độc lập, thống nhất cùng nhau tiến lên thực hiện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
     Công lao to lớn của Hồ Chí Minh được Đảng và nhân dân biết ơn, ghi nhận. Tên tuổi và cống hiến của Người sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta. Hơn thế, cuộc đời riêng của Người lại hết sức bình dị làm cho Người trở thành con người vĩ đại, tấm gương sáng cho mọi thế hệ noi theo. Suốt cuộc đời Người “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(1). Theo đuổi mục tiêu đó, Người đã “quên đi tất cả của riêng mình” để rồi “đau cái đau trước thiên hạ, vui cái vui sau mọi người”. Người cho rằng “nếu đem tất cả nỗi đau của mọi người dân lại thì đó là nỗi đau của tôi”. Bởi vậy Người luôn phấn đấu tìm những niềm vui cho mọi người và không bao giờ cho phép bản thân mình được tìm đến niềm hạnh phúc riêng hay cuộc sống hưởng thụ cho cá nhân mình. Mỗi khi được người dân đem biếu quả cam, con cá, tấm đường, hay bộ quần áo... Người đều nghỉ đến công sức mồ hôi của người biếu tặng để rồi sử dụng nó một cách có ích nhất và chia xẻ cùng mọi người. Chính vì cuộc sống bình dị như vậy nên đi đến đâu cũng được mọi người yêu mến kính trọng một cách chân thành nhất. Người dân Việt Nam coi vị Chủ tịch nước như người thân yêu, đáng kính nhất của mình. Người dân Việt Nam coi Hồ Chí Minh thân thiết như là cha, là bác, là anh, để rồi ai cũng trân trọng gọi Người một cách thân thương trong hai chữ Bác Hồ. Mọi người dân chân chính của Việt Nam ai cũng muốn được gần gủi Bác, được nhìn thấy Bác. Được gặp Bác một đôi lần trong đời là một niềm vinh hạnh lớn và là niềm tự hào không bao giờ quên được. Khi Bác đã đi xa, người dân mọi miền đất nước lại cùng nhau nối gót vào lăng viếng Bác; hành hương về quê Bác để tận hưởng niềm hạnh phúc khi thấy bóng dáng Người hay được gần gủi bên những di vật của Người để lại. Đến được với Bác là niềm vui dù có phải trải qua đường xa cách trở hay gặp thời tiết khắc nghiệt:
                      Sang xuân con đến Nam Đàn
                      Con được thăm làng, nhà Bác, Bác ơi !
                      Dẫu mưa kín hạt khắp nơi
                      Vẫn vui vì đến quê Người kính yêu ....
        Gắn tình cảm với Bác với hình bóng Bác là tình cảm với Đảng với mùa xuân dân tộc. Từ mùa xuân 1930, Đảng ta ra đời trong sự vận động tìm kiếm lâu dài đầy gian khổ, hy sinh của Bác. Đảng ra đời đất nước mở sang trang mới. Cũng từ đây với Đảng, Bác Hồ, mùa xuân như được gắn quyện hài hòa hơn trong mỗi niềm vui hạnh phúc của lòng người. Cứ mỗi dịp xuân về, người dân Việt từ núi rừng làng bản, hải đảo xa xôi đến thành phố đô thị. Suốt chiều dài đất nước từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước đâu đâu cũng háo hức đợi chờ để được đón Người về thăm, được nghe những lời Người dặn dò chúc tết đồng bào. Bởi đó là tiếng nói của vị cha già dân tộc và cũng là tiếng gọi từ ý Đảng lòng dân hòa quyện. Trong mỗi lời chúc tết đầu xuân của Bác, các nhà lãnh đạo xem đó như là những định hướng chiến lược, mỗi người dân, người lính xem đó như những mệnh lệnh tối cao để cùng nhau quyết tâm thực hiện cho một năm toàn thắng.
        Mùa xuân năm 1946 khi đất nước còn lo kháng chiến chống ngoại xâm, Bác có thơ chúc tết rằng:
                  Trong nǎm Bính Tuất mới,
                    Muôn việc đều tiến tới.
                    Kiến quốc mau thành công,
                    Kháng chiến mau thắng lợi...”
     Mùa xuân Kỷ Sửu năm 1949 để khích lệ cuộc kháng chiến phát triển mạnh mẽ hơn nữa cho mau giành thắng lợi Người lại chúc cho cả nước:
                   “Người người thi đua.
                     Ngành ngành thi đua.
                     Ngày ngày thi đua.
                    Ta nhất định thắng.
                    Địch nhất định thua”.
          Không chỉ là việc động viên toàn dân toàn quân đánh giặc giành thắng lợi, mà Người còn lưu ý đến việc chọn lựa thời cơ để giành chiến thắng trọn vẹn. Trong bài thơ chúc tết cuối cùng mùa xuân năm 1969 Người viết:
                     “Năm qua thắng lợi vẻ vang
                      Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
                      Vì độc lập, vì tự do
                      Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
                      Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào.
                      Bắc – Nam sum họp xuân nào vui hơn”
          Với Bác Hồ, ngày xuân rất quan trọng là sự khởi đầu của một năm cũng như sự nghiệp của đời người bắt đầu từ tuổi trẻ. Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp đón xuân 1946 người khẳng định: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Vì thế xã hội cần chăm lo để thế hệ trẻ lớn lên gánh vác sự nghiệp cách mạng; sánh vai các nước trên thế giới. Khi tuổi đã về già Người lại khuyên góp thêm sức mình có ích cho xã hội. Mừng tuổi các cụ phụ lão đầu xuân 1962 Người bày tỏ chân tình:
                   “Tuổi già nhưng chí không già
              Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh”
   Trong mười năm từ 1959 đến 1969 để có thêm cây xanh bóng mát, mang đến lợi ích cho môi trường cuộc sống, Bác Hồ đã viết 7 bài về tết trồng cây và khởi xướng tết trồng cây. Người nói : “Chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày Tết trồng cây. Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều". "Đó là cuộc thi đua dài hạn, nhưng nhẹ nhàng, mà tất cả mọi người từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng có thể tham gia"
              Từ đó theo Bác : “Mùa xuân là tết trồng cây
                                          Làm cho đât nước càng ngày càng xuân”.
         Để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giành thắng lợi Người nhấn mạnh đội ngũ cán bộ có đức có tài là điều có ý nghĩa quyết định nhất. Cán bộ có tài thì mới lãnh đạo được sáng suốt, cán bộ có đức thì dân chúng mới tin tưởng đi theo. Người cán bộ phải nghiêm với chính mình và cấp dưới; với người dân thì phải thương yêu giúp đỡ, không được “tự cho là quan cách mạng”, tư lợi, cục bộ mưu cầu lợi ích cá nhân. Trả lời các nhà Báo quốc tế đầu xuân 1946, Người bộc bạch: “Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui.....Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá trồng hoa, sớm chiều làm bạn với cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”(2)
         Mùa xuân này toàn Đảng đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đẩy mạnh công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; thực hiện chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Với những chuyển động và kết quả bước đầu mỗi người đại biểu nhân dân, Đảng viên của Đảng và mọi người dân nghĩ về Đảng về những lời dặn dò và hình ảnh của vị lãnh tụ kính yêu, trong sâu thẳm lòng mình càng nhớ Bác xiết bao./.

----------------------------------
(1)(2) Hồ Chí Minh    Tuyển tập , Tập 2, nxb CTQG 2002, trang 46

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

Năm Dậu nói chuyện gà



                      
                        
 Gà liên quan mật thiết và ảnh hưởng sâu rộng tới những giá trị tinh thần của nhân loại. Đối với người Việt Nam, những năm Gà (năm Dậu) cũng là những mốc son rực rỡ, ghi dấu nhiều sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc.
         Dưới tán cây đào phai cổ thụ, hai người bạn già tỏ ra thư thái hài lòng với cuộc sống ngồi nhàn đàm việc xuân. Ông bạn cao rót hai ly rượu màu tuyên bố: Đây là loại rượu đầu bảng của Hà Tĩnh, ta cứ nhâm nhi hàn huyên vì thời gian không hạn chế. Ông bạn thấp mở đầu: bây giờ ta phải xem từ chuyện con gà vì năm nay là năm con gà mà. Rồi ông bắt đầu một bài dài dài.
Con gà là một trong 12 con giáp mà xưa nay người phương Đông vẫn dùng để tính lịch. Gà là loại gia cầm sống gần gũi với con người đã từ lâu, gắn với nền văn minh lúa nước. Ở miền thôn quê xưa con gà là được xem như là chiếc đồng hồ báo thức tuyệt vời, bà con nông dân cứ nghe tiếng gà gáy sáng là biết giờ giấc để ra đồng . Ở nhiều địa phương, nhất là các tỉnh phía Nam vẫn có  thú tiêu khiển đó là môn đá gà,  gà bắt cặp đá với nhau, hơn thua nhau chủ yếu để mua vui, dần dà thú vui này được các tay ” cờ bạc” biến thành cuộc sát phạt ăn tiền của nhau. 
         Gà cũng có nhiều loại: gà nuôi từ thức ăn do con người chế biến sẵn thường gọi là “Gà công nghiệp” . Loại gà này to con thịt nhiều, sống quanh quẩn trên cái chuồng, chỉ có ăn và ngủ nên trọng lượng tăng lên rất nhanh; nhưng khi nấu lên thịt bở người ăn không chuộng lắm. Cao cấp hơn là loại gà Đông Tảo, gà này đặt biệt có đôi chân to xấu da xù xì, đây là loại gà theo người dân cho là quý và hiếm, vì loại gà này chỉ có ở xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên ngoài miền bắc Việt Nam. Gà này còn có tên là “Gà tiến vua” vì ngày trước chuyên dành cho các bậc vua chúa, còn dân thường thì chắc có lẽ chỉ được phép nhìn thôi, vì loại gà này rất đắt tiền… Có loại gà nhỏ con gọi là gà tre, loại này có bộ lông đẹp đầy màu sắc, và đặc biệt loại này có tinh thần chiến đấu mãnh liệt , trong đá gà có nhiều con chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, gục chết tại chổ chứ không hề bỏ chạy.
       Dòng họ nhà gà còn được chia làm nhiều loại: gà ác là gà đen gà này da thịt mang một một màu đen, nhìn miếng thịt gà ác không hấp dẫn, nhưng được cái bên đông y chế biến thành món “Gà ác hầm thuốc bắc”, món này có nhiều cách chế biến, tùy nơi họ thêm bớt gia giảm, đại khái có đậu đen, nấm hương, táo tàu, một ít lá ngải cứu. Chế biến cách nào cũng ngon, khi húp nước và ăn thịt gà nó giúp ta sảng khoái tinh thần và có tác dụng chữa bệnh.
Gà cỏ thường được nuôi thả vùng thôn quê, thức ăn phần nhiều tự tìm kiếm. Gà phải chạy nhảy nhiều, tối đến mới về chuồng nên chân nhỏ thịt săn, thơm ngon hấp dẫn. Lại có loại gà sống tự do thành đàn trong rừng, dân săn gọi là “gà ri”. Người ta có thể đi săn, đánh bẩy, đánh nhựa. Ái chà lúc còn trẻ có lần tôi mượn được khẩu súng săn của ông già mang đi vừa đến cánh rừng thấy một đàn là vàng rực đang xúm lại ăn mồi. Mừng quá tôi trườn lặng qua bụi gai chân tay bị cứa rách nhiều chổ, lấy tọa độ chỉa súng xuống bầy gà chẳng nhằm con nào vì tin chắc sẽ có vài ba con trúng đạn. Tôi bấm cò tiếng súng dội lên khói mù mịt che cả đường bay dạt vội của đàn gà. Tất cả đều thoát chết vì sai lầm của tôi. Còn nhiều loại gà lắm như gà lôi, gà tây, gà nòi, gà sao, gà hồ, gà mía, gà lương phượng...v.v....
        Tuy nhiên khi nói tới gà người đời vẫn tôn thờ con gà trống và lấy nó làm vật báu cúng tế gia thần gia tiên, bởi con gà trống có 5 cái tượng trưng cho 5 phẩm chất quý của gà đó là văn, võ, dũng, nhân, tín. Chiếc mào đẹp với dòng máu đỏ tươi đó là VĂN; chiếc cựa sắc nhọn biểu tượng của vũ khí là VÕ; tinh thần chiến đấu bảo vệ lãnh thổ cộng đồng là DŨNG; chờ bầy đàn không ăn một mình khi có mồi là NHÂN và tiếng gáy luôn đúng giờ là TÍN.
         Cũng có nhiều quan niệm dân gian liên quan đến gà: anh nào xui vì một nửa của mình không may “Khuất núi” sớm để lại đàn con thơ dại cho mình nuôi thì bà con gọi là “Gà trống nuôi con”. Trong giao tiếp hàng ngày, anh chàng nào khù khờ thì bị gán là dân “gà mờ”, rồi gặp việc khó vướng víu không tìm lối ra được thì bảo lúng túng “như gà mắc tóc”.....
        Ông bạn cao sau khi nhấp xong chén rượu củng thủng thẳng mà rằng : đấy là nói con gà  nhưng tôi cứ tâm đắc những sự kiện gây ấn tượng của những năm gà. Các nhà phong thủy cho rằng năm gà thường thế giới xung khắc nhưng làm ăn kinh doanh thuận lợi. Còn với chúng ta thì năm gà thường gây dấu ấn đẹp và thuận lợi. Năm Kỷ Dậu 1789 Quang Trung tổ chức hành quân cấp tốc từ Bình Định ra Bắc Hà đánh tan 29 vạn quân nhà Thanh hùng mạnh, giành độc lập thống nhất tổ quốc. Năm Ất Dậu 1945 cá nước trong nạn đói ghê gớm nhưng chúng ta đã giành được độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Năm Kỷ Dậu 1969, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đi xa; nhưng chúng ta đã biến đau thương thành hành động để cả nước học tập và làm theo Di chúc của Bác đưa đất nước đi đến hòa bình thống nhất cùng nhau đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong khó khăn của cuộc cách mạng mới năm Tân Dậu 1981, Đảng ra chỉ thị 100 CT/TW thực hiện khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp giúp đất nước vượt qua khó khăn từng bước tiến lên trên chặng đường đổi mới. Ở Hà Tĩnh chúng ta năm Ất Dậu 2005 cũng được xem là năm gây bước ngoặt mới bước đẩy mạnh công nghiệp hóa tạo diện mạo mới cho quê hương “đưa Hà Tĩnh từ một tỉnh nông nghiệp sớm trở thành tỉnh có công nghiệp-dịch vụ phát triển” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI xác định. Điều đáng nói là nghề chăn nuôi gà đang được nhiều người bội thu tại Hà Tĩnh. Nhiều trang trại gà có tới hàng ngàn con như ở Thạch Trung, có trại gà Đông Tảo Thạch Bình hàng năm cho thu nhập tiền tỷ.v.v....
        Hai ông bạn già như gặp nhau về ý nghĩ; năm Định Dậu lại về, sấm Trạng Trình còn đó: “ Thân Dậu niên lại kiến thái bình” – năm Dậu về ta sẽ thấy niềm vui. Với quyết tâm của toàn Đảng thực hiện thành công nghị quyết Trung ương Bốn của Đảng chống tự diễn biến tự chuyển hóa trong mọi cán bộ Đảng viên và với những động thái bước đầu của các đồng chí lãnh đạo Đảng Nhà nước chắc chắn chúng ta sẽ tạo thêm được đấu ấn mạnh mẽ như những năm Dậu đã qua với nhiều thành công rạng rỡ. Thôi chuyện gà là vậy giờ ta làm thêm vài nước cờ nữa chào đón xuân sang./.