Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2021

Cờ Tổ quốc những điều nên biết

 

          Cờ Tổ quốc (quốc kỳ) - lá cờ đỏ sao vảng biểu tượng của Quốc gia Việt Nam là báu vật thiêng liêng, cao quý của mỗi người dân nước Việt. Bởi vậy hiểu biết sâu sắc về lá cờ Tổ quốc là việc rất cần thiết với mỗi chúng ta.

      Từ năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng, trong các cuộc đấu tranh đã xuất hiện lá cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh nhưng được lồng trên hình búa liềm. Năm 1940, Xứ uỷ Đảng Cộng sản Đông Dương ở Nam Kỳ họp quyết định khởi nghĩa, đã thực hiện di huấn của đồng chí Trần Phú lấy cờ đỏ sao vàng làm lá cờ khởi nghĩa.

    Cho đến nay vẫn chưa có tài liệu xác thực về người mang hình mẫu lá cờ từ nước ngoài về nước. Nhưng theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thì người được tổ chức giao nhiệm vụ vẽ lá cờ đỏ có sao vàng 5 cánh để làm lá cờ hướng lệnh trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ chống thực dân Pháp vào ngày 23 tháng 11 năm 1940 là đồng chí Nguyễn Hữu Tiến. Sau đó đồng chí bị địch bắt và xử bắn cùng các chiến sĩ Nam Kỳ khởi nghĩa trong đó có cả Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần và Hà Huy Tập…Như vậy lá cờ đỏ sao vàng chính thức xuất hiện và được tung bay lần đầu tiên trên đất nước ta vào cuối năm 1940. Ý tưởng của lá cờ được đồng chí Nguyễn Hữu Tiến Khắc họa rõ nét trong bài thơ do ông để lại:

“Hỡi những ai máu đỏ da vàng
Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc
Nền cờ thắm máu đào vì nước
Sao vàng tươi, da của giống nòi
Đứng lên mau hồn nước gọi ta rồi
Hỡi sỹ, nông, công, thương, binh
Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh…”

Giáo sư Trần Văn Giàu khẳng định: “Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 dù thất bại, nhưng nó đã để lại cho toàn thể dân tộc ta một báu vật tiêu biểu cho truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng, cho hy vọng tràn đầy của nhân dân vào tương lai xán lạn của dân tộc. Đó là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh – lá cờ của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và sau này là quốc kỳ Việt Nam”.

    Tháng  5/1941 tại Cao Bằng, Lãnh tụ Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Trung ương VIII quyết định thành lập tổ chức Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) - Đoạn mở đầu trong Chương trình Việt Minh ghi rõ: “Sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp, Nhật, sẽ lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, lấy cờ đỏ sao vàng 5 cánh làm Quốc kỳ”. Đây là văn bản đầu tiên viết về lá quốc kỳ ở nước ta.

    Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào, Tuyên Quang đã quyết định Quốc kỳ Việt Nam là nền đỏ, ở giữa có một ngôi sao vàng năm cánh.

 

 Thực hiện nghiêm chương trình Việt Minh, và quyết nghị của Đại hội Quốc dân Tân Trào, ngay sau khi cách mạng tháng Tám thành công, ngày 5 tháng 9 năm 1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký ban hành Sắc lệnh số 5 về việc ban hành Quốc kỳ Việt Nam, trong đó Quốc kỳ có “hình chữ nhật, bề ngang hai phần ba bề dài; nền màu đỏ tươi, ở dữa (giữa) có sao năm cánh màu vàng tươi.” (1)

Quốc kỳ đã được Quốc hội khóa đầu tiên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946 ghi vào Hiến pháp: "Quốc kỳ Việt Nam dân chủ cộng hòa hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh". Trong cuộc họp Quốc hội khóa I ngày 2 tháng 3 năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh:  “Lá cờ đỏ sao vàng đã thấm máu đồng bào ta trong Nam Kỳ khởi nghĩa 1940. Chính lá cờ này đã cùng phái đoàn Chính phủ đi từ châu Á sang châu Âu, từ châu Âu về châu Á; cờ đã có mặt trên khắp đất nước Việt Nam. Vậy thì trừ 25 triệu đồng bào, còn không ai có quyền thay đổi quốc kỳ  quốc ca”…

     Từ  năm 1955, vẫn những màu sắc chủ đạo (màu đỏ, màu vàng), vẫn hình tượng quen thuộc – lá cờ và ngôi sao vàng năm cánh mập mạp, Quốc hội Việt Nam đã thống nhất thông qua việc sửa ngôi sao vàng bên trong lá cờ để phù hợp với thời đại và hình ngôi sao ấy trở nên thon gọn, nhẹ nhàng, thanh thoát, vững chãi hơn cho mãi đến hôm nay.

      Như vậy có được lá cờ tổ quốc hôm nay để làm biểu tượng cho quốc gia Việt Nam, là thành quả của một quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài gian khổ và sự hy sinh xương máu của biết bao anh hùng liệt sĩ đất nướcc ta. Chủ tịch Hồ chí Minh đã nói: “Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói”. Với ý nghĩa cao đẹp đó, khác với tất cả mọi lá cờ khác như cờ hiệu, cờ vui, cờ các đoàn thể .v.v…cờ tổ quốc là linh thiêng và cao quý nhất. Trong cuộc chiến đấu với kẻ thù xâm lược người dân luôn trung thành gìn giữ và bảo vệ lá cờ; thà chết chứ nhất định không chịu bước qua lá cờ tổ quốc. Ngày nay trong quan hệ quốc tế ai xúc phạm lá cờ tổ quốc khác là xúc phạm danh dự quốc gia, không thể nhân nhượng. Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, Cờ tổ quốc được Hiến pháp quy định kích cở, màu sắc và quy cách sử dụng.

    Chẳng hạn:  Khi lá quốc kỳ được treo cùng với các quốc kỳ của quốc gia khác, tất cả các lá cờ phải có kích thước xấp xỉ bằng nhau và phải được treo ở cùng độ cao, mặc dù quốc kỳ của quốc gia chủ nhà có thể được đặt ở vị trí danh dự (ở trung tâm của số lẻ các cột cờ hoặc ở ngoài cùng bên phải của số chẵn các cột cờ).  Khi lá quốc kỳ được treo cùng với những lá cờ khác, nó phải được kéo lên đầu tiên và hạ xuống cuối cùng….

     Rất tiếc, ở một số vùng dân cư, địa phương chưa hiểu rõ giá trị thiêng liêng của cờ tổ quốc. Thậm chí cho rằng treo cờ Tổ quốc chỉ là để làm đẹp phố phường nên thông báo yêu cầu người dân treo liền nhiều dịp lễ, nhiều ngày. Hàng cờ bạc màu, thủng rách, xoắn cột, người dân không còn biết treo cờ ngày gì nữa thì thật phản cảm và không còn ý nghĩa.

    Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch nước ta đã có  Hướng dẫn 3420/HD-BVHTTDL ngày 2-10-2012 về việc sử dụng quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hướng dẫn cụ thể về hình dáng, tỷ lệ kích cở chiều ngang chiều rộng, cách treo và thời gian treo chờ Tổ quốc. Trong đó: Trụ sở Phủ Chủ tịch, trụ sở Quốc hội, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trụ sở Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước, cột cờ Hà Nội, trụ sở UBND các cấp (trừ UBND phường ở thành phố, thị xã), các cửa khẩu và cảng quốc tế treo quốc kỳ 24/24 giờ hàng ngày. Trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, các đơn vị vũ trang, nhà trường treo quốc kỳ từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày.  Cờ treo phải đúng  quy định về kích cở màu sắc có độ nghiêng 35 hoặc 45 độ so với điểm treo để lá cờ buông phẳng. …Trong các khu dân cư chỉ treo vào dịp các ngày lễ trọng của đất nước và do chính quyền địa phương quy định. Thêm vào đó năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2017/NĐ-CP để xử phạt các hành vi treo cờ không đúng quy định: Mức xử phạt 3 - 5 triệu đồng ….

         Như vậy Nhà nước ta đã có một thái độ tôn trọng rất rõ ràng về lá cờ Tổ quốc bởi nó không chỉ là biểu tượng đơn thuần của một quốc gia mà chính sự tung bay của lá cờ còn cho thấy sức sống, niềm tự hào, sự vinh quang của cả dân tộc trước thời đại mới. Mọi người dân chúng ta luôn hướng tới việc đem sức lực trí tuệ để cống hiến cho đất nước, góp phần làm cho lá cờ tổ quốc luôn rạng rỡ sắc màu mà không bị phai nhạt trước mọi thử thách. Hơn thế mỗi khi sử dụng lá cờ Tổ quốc phải biết trân trọng, không vì thành tích hình thức mà làm cho lá cờ phai màu, rách nát, cuốn xoắn vo tròn…để khỏi chạnh lòng với các bậc tiền nhân./.

 

                                                                                             9-2021

--------------------------------------

(1)  Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, hồ sơ 01, tờ 5.)