Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

Một số điểm cần biết về Luật mới bóng chuyền hơi


     Mặc dù mới phát triển, nhưng bộ môn thể thao bóng chuyền hơi đang có sức lôi cuốn mạnh mẽ người chơi ở khắp cả nước. Bởi vậy hiểu biết về bóng chuyền hơi, thống nhất luật chơi là rất cần thiết để tạo sự đồng thuận trong mọi cuộc chơi, giao lưu, thi đấu làm cho hoạt động của bộ môn này thêm có ý nghĩa.
     Theo sự nhiểu biết của những người khởi xướng, bóng chuyền hơi đầu tiên được tổ chức tại Phường Dịch Vọng, Thành phố Hà nội vào năm 2006. Đối tượng chơi thích hợp loại bóng này là của lớp người cao tuổi. Chỉ mới 10 năm, vậy mà đến nay bóng chuyền hơi đang có sức thu hút mạnh mẽ người chơi trong cả nước; trong đó đông đảo nhất là đối tượng người trung, cao tuổi cả nam và nữ.
      Trên mạng internet lâu nay tràn ngập đăng tải luật bóng chuyền hơi và phương pháp trọng tài. Tuy vậy bộ luật này đã quá cũ, nhiều chổ chưa phù hợp với đội tượng người cao tuổi; nhiều nơi sân chơi, bóng tập còn sơ sài, tận dụng sân cầu lông, vẽ sai kích thước, trọng lượng kích cở bóng chơi nặng nhẹ, to nhỏ không thống nhất và có nơi còn sữa đổi theo yêu cầu của người chơi....gây ra rất nhiều trở ngại cho việc tổ chức giao lưu, thi đấu của các địa phương. Từ yêu cầu thực tiễn của phong trào, Tổng cục Thể dục thể thao đã ra Quyết định số 1646/QĐ-TCTDTT và ban hành kèm theo Luật thi đấu bóng chuyền hơi thống nhất trong cả nước vào ngày 24 tháng 12 năm 2014. Năm 2015, Nhà xuất bản Thể dục Thể thao đã xuất bản cuốn Luật Bóng chuyền hơi 79 trang gồm 2 phần, Phần I. Thi đấu  có 20 điều và Phần II. Trọng tài  có 6 điều (từ điều 21 đến điều 26)
       Trong khi nhiều địa phương chưa tổ chức được việc hướng dẫn lối chơi thống nhất; chúng tôi xin nêu một số điểm cần biết về Luật thi đấu bóng chuyền hơi để người chơi cùng nhau áp dụng tạo thêm sự hài hoà trong vui chơi luyện tập, giao lưu, thi đấu ở khắp mọi nơi.
       Trước hết bóng chuyền hơi là bộ môn phù hợp với đối tượng trung, cao tuổi. Bóng chuyền hơi giúp người chơi có “tinh thần thoải mái, cải thiện chức năng hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hoá và tính linh hoạt trong hệ thống xương khớp, cơ bắp”. Vì vậy mọi quy định, điều luật phải xuất phát từ sự phù hợp với đối tượng này. Trong chừng mực nhất định ở nhiều điều luật thể hiện trái ngược với cách chơi của bóng chuyền da thông thường dành cho người trẻ tuổi.
       Luật quy định sân có kích thước chiều dài 12m, chiều rộng 6m, dưới lưới có đường giữa sân chia sân 2 phần bằng nhau. Lưới có một độ cao thống nhất: nam 2,2m, lưới nữ 2m. Song song với luới có vạch cách lưới 2m, gọi là vạch tấn công. Khu vực gần lưới này gọi là khu tấn công. Vạch tấn công được kẻ dài thêm ngoài sân mỗi bên 105 cm bằng 3 vạch ngắt quảng mỗi vạch 15cm cách nhau 20cm. Quả bóng cũng quy định thống nhất có chu vi từ 78cm đến 80cm; trọng lượng của quả bóng cũng nhẹ hơn từ 180g đến 200g.
     Trên sân, mỗi bên có 5 cầu thủ. Nhìn lên lưới, phía dưới bên phải, nơi phát bóng là vị trí số 1, hàng trên bên phải là vị trí số 2, giữa là vị trí số 3, bên trái là số 4 và hàng dưới bên trái là số 5. Mỗi cầu thủ chỉ được phát bóng một lần, sau đó phải dịch chuyển theo chiều kim đồng hồ để số 2 xuống vị trí số 1 phát bóng. Nếu cầu thủ đã tung bóng mà đánh không trúng bóng coi như phát bóng hỏng không được đánh lại. Khi cầu thủ phát bóng, chân chạm vạch cuối sân hoặc đứng ngoài vạch giới hạn bên phải của sân đều bị phạm lỗi và mất quyền phát bóng. Trong bóng chuyền hơi, nếu cầu thủ di chuyển sai vị trí khi trọng tài thổi còi phát bóng bị phạt điểm, thậm chí xoá điểm của đội từ lúc sai vị trí đến thời điểm phát hiện được.
     Trong thi đấu, để phù hợp với người cao tuổi, ở khu vực tấn công cầu thủ không được nhảy đánh bóng tấn công như bóng chuyền khác. Vạch tấn công này không quy định bắt buộc các cầu thủ đứng trên hoặc dưới vạch, kể cả khi sắp có tiếng còi phát bóng.
     Khi thi đấu trên sân, tất cả mọi quả bóng trực tiếp đưa sang sân đối phương được gọi là bóng tấn công (trừ quả phát bóng và chắn bóng). Cầu thủ được quyền đệm, đánh trở lại quả phát bóng của đối phương không cần phải qua một lần chạm trước; nhưng  không được chắn quả phát bóng đó. Cầu thủ đối phương không được chắn mọi quả bóng hợp lệ của đối phương đánh từ khu tấn công mà chỉ được chắn những quả bóng của đối phương sau khu tấn công đánh sang. Quả bóng tấn công có thể là đánh nhẹ, bỏ nhỏ nhưng đường bóng qua sân đối phương phải có độ vồng hoặc ngang bằng mép trên của lưới. Quả bóng tấn công nếu có đường đi xiên từ trên lưới xuống sân đối phương là hông hợp lệ.
     Cầu thủ thi đấu có thể nhảy tấn công, đập quả bóng sang sân đối phương ở bất cứ độ cao nào nhưng phải thực hiện sau vạch 2m và không được chạm chân vào vạch, khu tấn công khi quả bóng chưa được đập rời tay.
     Trong lúc thi đấu, mỗi quả đánh bóng được chạm tối đa ba lần cầu thủ trong đội. Nếu là quả chắn bóng bật lại thì được phép chạm thêm 3 lần nữa. Cầu thủ chạm lưới, cướp bóng bên sân đối phương, sang chân đều phạm lỗi; sang chân qua vạch giữa sân thì chỉ bắt lỗi khi sang hết cả bàn chân của cầu thủ.
      Luật quy định mỗi trận thi đấu chỉ 3 hiệp, mỗi hiệp chỉ đấu đến 21 quả; nếu 2 hiệp hoà nhau thì hiệp 3 đấu đến 15 quả. Bên thắng hiệp phải hơn bên thua 2 quả. Hiệp1 và hiệp 3 hai đội bắt thăm phát bóng trước. Ở hiệp 2 bên phát bóng trước là bên không phát bóng trước ở hiệp thứ nhất.
           Vui chơi luyện tập, cùng giao lưu xẻ chia, là nguyện vọng chính đáng của người cao tuổi. Có thêm bộ luật thống nhất càng làm cho mọi người chơi gắn bó, đam mê hơn bộ môn mới có sức thu hút mạnh mẽ này, để quê hương vui cùng bạn bè khắp mọi miền đất nước.


                                                                                  10 - 2016 

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

Trao Huy hiệu Đảng sao cho có ý nghĩa

Tấm Huy hiệu Đảng là sự ghi nhận của Đảng với công lao, đóng góp của đảng viên đã có những cống hiến cho Đảng, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Huy hiệu Đảng còn là biểu tượng cao quý về sự phấn đấu, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành của các đảng viên với Đảng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Vì thế việc tổ chức trao Huy hiệu Đảng rất có ý nghĩa, thể hiện được sự tôn trọng những người đã xứng đáng được Đảng tôn vinh.


Ban Tổ chức Trung ương đã có Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW  ngày 17 tháng 5 năm 2012 Hướng dẫn một số vấn đề cụ thể về nghiệp vụ công tác đảng viên và lập biểu thống kê cơ bản trong hệ thống tổ chức đảng. Trong đó đã có hướng dẫn rất cụ thể về nghi thức trao Huy hiệu Đảng cho đảng viên như sau: Lễ trao tặng Huy hiệu Đảng do đảng bộ cơ sở thực hiện, hình thức trang trí buổi lễ như buổi lễ kết nạp đảng viên với tiêu đề “Lễ trao tặng Huy hiệu Đảng”. Văn bản cũng hướng dẫn rất rõ về chương trình một buổi lễ từ việc chào cờ, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu đến dự; đại diện đảng uỷ cơ sở đọc quyết định tặng Huy hiệu Đảng; đại biểu thay mặt BCH đảng bộ cấp trên trao tặng Huy hiệu Đảng cho đảng viên và phát biểu ý kiến; đảng viên được tặng Huy hiệu Đảng phát biểu ý kiến và ký vào sổ tặng Huy hiệu Đảng của đảng bộ, chi bộ cơ sở; chào cờ, bế mạc đến việc mời thành phần tham dự gồm toàn thể đảng viên của đảng bộ; nếu đảng bộ có đông đảng viên thì mời các đảng viên của chi bộ có đảng viên được tặng Huy hiệu Đảng và đại diện của các chi bộ khác.v.v...
Qua thực hiện, đến nay việc tổ chức trao tặng Huy hiệu Đảng cho đảng viên đủ tiêu chuẩn đã và đang trở thành một nét đẹp, nhân thêm niềm tự hào về Đảng. Từ những hướng dẫn chung đó, nhiều cấp uỷ đã có những cách làm sáng tạo làm tăng ý nghĩa của việc trao Huy hiệu Đảng, xem đây là một dịp để nêu gương những đảng viên đã có nhiều cống hiến, khơi dậy niềm tự hào và quyết tâm phấn đấu cho các thế hệ sau. Có cấp uỷ trong chương trình lễ còn thêm nội dung báo cáo tóm tắt những thành tích đóng góp đảng viên được nhận Huy hiệu Đảng; có cấp uỷ còn quy định bổ sung: "Từ 30 đến 40 tuổi Đảng sẽ do ban thường vụ cấp ủy huyện và tương đương tổ chức; từ 50 tuổi đảng trở lên sẽ do ban thường vụ tỉnh ủy chủ trì tổ chức việc trao tặng, nhằm để tôn vinh đúng mức những đảng viên có quá trình cống hiến lâu dài cho sự nghiệp cách mạng”.
Tuy vậy, vẫn còn những cấp uỷ xem việc trao Huy hiệu Đảng như một việc làm có tính thủ tục: không tổ chức lễ mà trao Huy hiệu Đảng nhân dịp học chuyên đề, nghị quyết, đảng viên 60 năm tuổi đảng, đảng viên 30 năm tuổi đảng đều do bí thư cơ sở đảng trao tặng, đảng viên được nhận huy hiệu không ký vào sổ tặng Huy hiệu Đảng....
Để việc trao Huy hiệu Đảng thực sự có ý nghĩa nên chăng cần quan tâm một số vấn đề sau đây:
Về nghi thức lễ: Các cấp uỷ đảng nên tổ chức riêng “Lễ trao tặng Huy hiệu Đảng” trang trọng và nghiêm túc theo hướng dẫn của Trung ương. Theo hướng dẫn có 4 đợt trao huy hiệu trong năm vào các dịp kỷ niệm 3-2; 19-5; 2-9 và 7-11, nhưng tùy điều kiện cụ thể của cơ sở đảng có thể tổ chức ít đợt hơn để có thời gian và chuẩn bị chu đáo cho buổi lễ. Nên có kế hoạch và bố trí lãnh đạo cấp uỷ cấp trên đến dự và trao tặng Huy hiệu Đảng. Trong trường hợp không có lãnh đạo cấp uỷ cấp trên thì nên tổ chức theo cụm hoặc khu vực để tạo không khí phấn khởi cho đảng viên.
Về người trao Huy hiệu Đảng: Có đại diện cấp uỷ cấp trên trao và phát biểu là cần thiết vì điều này không chỉ phù hợp với hướng dẫn của Trung ương mà còn làm cho buổi lễ thêm trang trọng. Nên chăng cấp uỷ có thể lựa chọn và mời một đồng chí có uy tín đã có Huy hiệu Đảng nhiều năm hơn trong đảng bộ cùng tham gia gắn Huy hiệu Đảng cho đảng viên ít tuổi đảng hơn. Điều này không chỉ có ý nghĩa với người nhận Huy hiệu Đảng để tiếp nối truyền thống mà còn khích lệ đảng viên có tuổi đảng cao tiếp tục phấn đấu, gương mẫu, nêu gương tốt cho các đảng viên trong đảng bộ noi theo.
Đối với người nhận Huy hiệu Đảng: Được nhận Huy hiệu Đảng là vinh dự và tự hào của mỗi đảng viên. Trong trường hợp có nhiều đảng viên cùng nhận Huy hiệu Đảng nên có một người đại diện phát biểu nêu rõ niềm vinh dự được nhận Huy hiệu Đảng và lời hứa tiếp tục phấn đấu nêu tấm gương sáng cho đảng viên trong đảng bộ thời gian tới. Bó hoa tặng người nhận Huy hiệu Đảng không cần phải to, nhưng nếu có thì sẽ thêm nhiều ý nghĩa. Nếu có thể mời thêm đại diện tổ chức đoàn thanh niên đến dự; các đảng viên có thể gửi tặng thêm những vần thơ, bài hát... tạo thêm dấu ấn cho sự kiện ý nghĩa này.
Việc tổ chức trao Huy hiệu Đảng - sự tôn vinh những tấm gương cống hiến cho Đảng, cho sự nghiệp cách mạng một cách trang trọng và nhiều ý nghĩa cũng là một cách thể hiện sự thuỷ chung với lý tưởng của Đảng, chung sức phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.


                                                                                                9-2016

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2016

Tạo niềm tin với cử tri bằng sự nhiệt thành, tận tâm của người đại biểu


   Cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã thành công tốt đẹp. Những người trúng cử đã được phân công nhiệm vụ và đi vào hoạt động với tư cách mới là người đại biểu của nhân dân.
   Như vậy, công dân của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau bầu cử đã làm tròn nhiệm vụ dùng lá phiếu tín nhiệm của mình để chọn lựa, gửi gắm niềm tin cho người đại biểu đứng ra điều hành bộ máy Nhà nước từ Trung ương xuống đến các cấp ở địa phương. Cử tri đã hoàn thành một phần việc quan trọng: thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân để xây dựng bộ máy nhà nước của mình, vì mình và do mình sáng lập ra. Giờ đây cử tri còn phải lo một phần công việc rất nặng nề khác, dài hơi hơn là vừa phải hoàn thành phần công việc nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước đồng thời phải thường xuyên giám sát mọi hoạt động của người đại biểu, để nếu có đại biểu không đủ tín nhiệm thì kịp thời kiến nghị bãi nhiệm. Việc tưởng như rất đơn giản thế nhưng kết quả cụ thể lại tuỳ thuộc rất nhiều không chỉ phía nghĩa vụ của cử tri mà còn ở sự vận hành của Nhà nước ấy với sự hoạt động hữu hiệu của từng người đại biểu.
     Xưa nay, một Nhà nước mạnh không chỉ là chổ bộ máy Nhà nước ấy được tổ chức đồ sộ, có hệ thống công sở uy nghi, tráng lệ, với những mệnh lệnh có sức nặng lớn để rồi cử tri cứ thế thi hành. Ngược lại một Nhà nước mạnh thì điều rất cần lại là chổ Nhà nước ấy thực sự phát huy cao sức mạnh của cộng đồng cử tri; hay nói cách khác sức mạnh của Nhà nước chính là sức mạnh của nhân dân làm ra Nhà nước ấy. Đó chính là cội nguồn tạo nên sức mạnh của một Nhà nước kiểu mới “của dân, do dân và vì dân  ”.
       Nguyên lý giản đơn tưởng chừng như ai cũng hiểu; thế nhưng từ ngày ra đời đến nay, trong Nhà nước kiểu mới không ít những người đại biểu trong quá trình thực hành công vụ điều hành, đã không nhuần nhuyễn nguyên lý ấy. Bởi vậy họ dần đánh rơi niềm tin yêu của cử tri khi họ tự cảm nhận vai trò của mình trong Nhà nước này quá lớn. Họ đã tự mình “đánh rơi quyền lực”, vi phạm kỷ luật và phải rời bỏ cương vị người đại biểu trước khi hết nhiệm kỳ.
      Như thế một người đại biểu chân chính trước hết phải là người có đủ đức, đủ tài để hoàn thành nhiệm vụ và hơn thế người đại biểu phải được cử tri tin cậy. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ người đại biểu phải làm sao cho nhân dân tin tưởng để rồi mỗi lần tiếp xúc cử tri, người đại biểu nghe hiểu được tiếng nói của dân; dám nói lên tiếng nói của dân, dám bỏ sức bỏ công để mang lại lợi ích thiết thực chính đáng cho chính những người đã bỏ lá phiếu cho mình làm người đại biểu. Trong cơ chế kinh tế bao cấp việc làm này có yêu cầu và điều kiện khác, còn trong cơ chế kinh tế thị trường đây là vấn đề không dễ. Những quy luật cơ bản trong cơ chế thị trường như lợi ích, cạnh tranh, giá cả hoạt động một cách khách quan. Những người đại biểu không thể phủ nhận nó mà chỉ có thể tìm cách hạn chế những tác động xấu mà thôi. Bởi vậy dưới những tác động của các quy luật đó niềm tin của cử tri cũng bị chi phối rất nhiều. Đây là điều mà người đại biểu luôn luôn cần nhớ để tìm cách phát huy dân chủ cao và hạn chế tối đa việc điều hành theo kiểu mệnh lệnh hay chỉ huy theo chiều trên xuống như thời cơ chế cũ. Nơi nào đó còn rơi rớt kiểu vận hành theo cơ chế cũ trong bộ máy Nhà nước, nơi đó sẽ làm mất niềm tin của tri và hệ quả là mất hiệu lực trong vai trò điều hành của Nhà nước. Trong thời kỳ thông tin bùng nổ, mọi chủ trương, việc làm, lời nói của người đại biểu được cử tri trao đổi rất nhanh cả những ưu điểm lẫn hạn chế khuyết điểm. Điều này tạo ra nhiều thuận lợi nhưng cũng đồng thời làm xuất hiện thêm những khó khăn, thách thức cho người đại biểu. Buộc người đại biểu không chỉ lo công việc điều hành trước mắt của từng địa phương mà cần phảỉ có một sự đầu tư cần thiết cho việc thu lượm thông tin đa chiều và không chỉ lo phần hành tại chổ mà còn phải bao quát tình hình chung với tầm nhìn rộng lớn hơn. Mọi tác động của người đại biểu dù xẩy ra bất cứ nơi đâu đều được muôn vàn cử tri chia xẻ, xem xét, đánh giá, bình luận một cách kịp thời và được dừng lại ở nơi cử tri có trí tuệ.
       Người đại biểu phải luôn nhớ và thực hiện tốt những điều đã hứa với cử tri trước khi bầu cử. Khi đã trúng cử chớ vội lên mặt “làm quan cách mạng”, để rồi tất cả những tuyên ngôn ứng cử chỉ còn là nghi thức, nay xong rồi như gió thoảng mây bay. Hứa mười làm một; nói không đi đôi vơí làm là tiền đề của sự tha hoá, xa rời sức sống của cộng đồng tự mình đánh mất niềm tin yêu của cử tri.
       Thực tế cho thấy mọi đại biểu nhiệt thành, tận tâm với nhiệm vụ; đặc biệt là thái độ sốt sắng với những gì gắn với lợi ích thiết thực của người dân đang đặt ra trong cuộc sống thì cử tri luôn yêu mến tin tưởng. Cử tri sẽ dồn tình cảm và sự ngưỡng mộ với người đại biểu ấy. Nếu không may đại biểu có những sai sót nhỏ biết tiếp thu sữa chữa thì luôn được cử tri lượng thứ. Đã đến lúc cử tri quan tâm đến thái độ, hành động, việc làm của đại biểu chứ không cần nhiều những lời hoa mỹ hay chấp hành thuận chiều như trong thời kỳ chiến tranh chống giặc ngoại xâm. Người đại biểu trước hết phải thể hiện được lòng nhiệt thành, niềm tin cao độ vào định hướng việc làm của mình để nổ lực phấn đấu, cống hiến. Lời nói việc làm cần rõ ràng trong sáng; nói và làm luôn đi đôi với nhau nhằm đem lại lợi ích chung trong đó có mình. Cử tri sẽ không tin tưởng nếu có những đại biểu dùng thủ pháp, mưu mẹo để thuyết phục dân thay cho sự tận tâm, tân lực phấn đấu. Đại biểu luôn tin dân, dựa vào dân, lo cái lo của dân thì cử tri cũng sẽ tin yêu sát cánh cùng đại biểu phấn đấu hoàn thành mọi mục tiêu đã định. Đây là mối quan hệ biện chứng trong mọi Nhà nước, còn khi mối quan hệ biện chứng ấy không còn thì người đại biểu vô hình trung đã đánh mất vai trò đại biểu của mình trong thực tiễn.
        Thực tế cho thấy, từ một chủ trương cụ thể trong cùng một điều kiện, một chương trình dự án như nhau có nơi triển khai nhanh chóng, có nơi không thực hiện được; bởi ở đó có hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, cán bộ không công tâm, nặng tính toán lợi ích riêng, không tạo điều kiện để người dân được quyền làm chủ... niềm tin của cử tri vào người đại biểu bị giảm sút. Cử tri không còn mặn nồng với những gì đại biểu đưa ra; đó là dấu hiệu của sự suy yếu trong dây chuyền của bộ máy chính quyền Nhà nước cần được chấn chỉnh.
        Để làm tròn vai trò của mình, người đại biểu nhất thiết phải xây dựng được niềm tin của quần chúng. Một trong những giải pháp quan trọng không thể bỏ qua đó là Người đại biểu phải biết tạo niềm tin với cử tri bằng hành động cụ thể, sự phấn đấu nhiệt thành, tận tâm với công việc mọi lúc mọi nơi ./.



                                                                                         6-2016

Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2016

Một số kinh nghiệm về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ

Viết sử là tái hiện lại lịch sử bằng ngôn ngữ viết, là tổng kết lại lịch sử để rút ra những bài học có ý nghĩa, tiếp thêm niềm tin sức mạnh giúp các thế hệ sau làm nên những trang sử mới tốt đẹp hơn.
      Tuy nhiên một cuốn sử dù công phu đến mấy vẫn không thể diễn tả hết lịch sử và không thể thoát khỏi dấu ấn phong cách, quan điểm, sự nhìn nhận của người cầm bút cũng như sự chi phối Ban chỉ đạo biên soạn cuốn sách. May chăng các nhà viết sử chỉ tái hiện được những nét cơ bản nhất, xuyên suốt chiều dài lịch sử để người đọc hiểu đúng bản chất của tiến trình lịch sử đã qua. Hơn nữa tuỳ theo tính chất từng loại sử mà mỗi sự kiện, hiện tượng lịch sử được tái hiện theo những góc độ, liều lượng khác nhau. Tất cả mọi cuộc tập huấn nghiệp vụ Biên soạn lịch sử bổ ích cũng chỉ là sự cung cấp những nguyên lý chung, phương pháp chung nhất chứ không thể nào làm thay được những người cầm bút trong những môi trường, điều kiện cụ thể của mỗi địa phương. Chẳng hạn: mọi người nghiên cứu biên soạn lịch sử đều phải theo phương pháp logich và phương pháp lịch sử. Nhưng logich những vấn đề gì, lịch sử đến mức độ nào của những sự kiện thì chỉ có những nhà chuyên môn mới có thể định liệu được...
      Hiện nay Hà Tĩnh đã có 61% số xã biên soạn và xuất bản được cuốn lịch sử Đảng bộ. Số còn lại chưa tổ chức biên soạn được chủ yếu tập trung vào ba nhóm đặc thù. Thứ nhất là thiếu đội ngũ cán bộ có hiểu biết chuyên môn nghiệp vụ biên soạn lịch sử Đảng. Thứ hai là thiếu nguồn tài chính cần thiết để tổ chức biên soạn và thứ ba là nhóm Đảng bộ mới ra đời do sự biến động về mặt tổ chức.
     Để giải quyết cụ thể cho từng loại hình Đảng bộ này, thực ra không phải không thể nào làm được. Chúng ta có thể tìm đến cơ quan chuyên môn thuê người viết, tạo nguồn kinh phải bằng cách xã hội hoá, tìm nguồn tài trợ kết hợp với xây dựng kế hoạch tài chính từ đầu năm. Đối với những Đảng bộ còn ít thời gian thì có thể viết theo các thể loại khác như mấy năm hoạt động của Đảng bộ; sự kiện chủ yếu của Đảng bộ thay cho cuốn lịch sử Đảng bộ.....Cuốn Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh tập III, được thành lập Ban chỉ đạo từ năm 2002, phải qua thêm 2 lần thành lập Ban chỉ đạo nữa đến tháng 4 năm 2009 mới quyết định được việc giao người đi tìm thuê chuyên gia nghiên cứu biên soạn và xuất bản được sách vào năm 2011.
     Từ thực tế theo dõi và trực tiếp thanm gia biên soạn nhiều cuốn sách Lịch sử Đảng bộ chúng tôi xin nêu một số kinh nghiệm về công tác nghiên cứu biên soạn như sau:
     1. Muốn tổ chức Biên soạn được Lịch sử Đảng bộ đúng nghĩa và đảm bảo yêu cầu thì việc làm cần thiết đầu tiên là làm tốt công tác tư liệu. Đây là khâu có ý nghĩa quyết định đến chất lượng cuốn sách. Bới nếu chúng ta có đội ngũ cán bộ có chuyên môn viết lịch sử Đảng bộ nhưng không có nguồn tư liệu cần thiết thì người viết giỏi mấy củng đành bó tay. Tư liệu Lịch sử Đảng cần có là gì ? Đó là toàn bộ Các tài liệu báo cáo, nghị quyết, văn bản đệ trình, kết quả các kỳ Đại hội Đảng bộ. Các loại Báo cáo hàng năm gửi cấp trên; Sổ ghi biên bản các nhiệm kỳ; tài liệu ghi chép một số sự kiện tiêu biểu, cách giải quyết bằng sự lãnh đạo của Đảng bộ, cấp uỷ địa phương; sự kiện tạo ra bước ngoặt của Đảng bộ; Văn bản những ý kiến đánh giá chỉ đạo của cấp uỷ cấp trên với Đảng bộ; Báo cáo hàng năm của chính quyền, các đoàn thể, tổ chức quần chúng trong Đảng bộ; Danh hiệu đạt được, thành tích khen thưởng các loại...... Nhìn vào danh mục đó chúng ta sẽ thấy sự khác biệt cuốn Lịch sử Đảng với mọi cuốn sách có dạng sử thông thường.
   Đối với những Đại hội đã quá lâu không còn tài liệu chúng ta cần đi sưu tầm, thu nhận hồi ký, tổ chức thẩm định tài liệu; sau đó cấp uỷ xác thực đóng dấu niêm phong . Viết Lịch sử Đảng phải theo tài liệu của Đảng tuyệt đối không dựa vào hồi ký, nhớ lại, theo tài liệu của địch, tài liệu không được thẩm định, suy diền.... làm căn cứ gốc để viết. Đây là điều đáng tiếc cho những cuốn sử đã xuất bản không được tổ chức thẩm định khoa học.
     2. Đối với cán bộ biên soạn: Hiện nay đội ngũ cán bộ sử học của Hà Tĩnh khá đông. Tuy nhiên đội ngũ này có rất nhiều chuyên ngành khác nhau ngoài chuyên ngành Lịch sử Đảng của Đại học KHHNV (được đào tạo để nghiên cứu biên soạn Lịch sử Đảng); Như thế không phải cán bộ nào cũng đều có sở trường nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng kể cả giảng viên Lịch sử Đảng. Do đó khi chọn lựa người viết nên chọn đúng chuyên ngành hoặc là những người đã có kinh nghiệm tham gia viết Sử Đảng. Một thực tế ở địa phương là không thể làm theo quy trình chính quy như: xây dựng ý tưởng, xây dựng đề cương sơ lược, đề cương chi tiết, hội thảo đề cương, viết bản thảo, tổ chức hội thảo nhiều lần.....Có một kinh nghiệm quan trọng là khi có đủ tài liệu cần thiết, hợp đồng khoán trọn gói cho người chuyên trách viết Lịch sử Đảng hoặc tìm người viết thảo chi tiết, sau đó thuê chuyên ngành biên tập và nâng cấp. Khi đã có bản thảo nếu có thể được thì tổ chức hội thảo sữa chữa bổ sung để bỏ qua được rất nhiều thời gian quá độ, đây là khâu then chốt quyết định chất lượng bản thảo.
     3. Về mốc thời gian: Viết Lịch sử Đảng Bộ là viết lại quá trình Hoạt động Lãnh đạo của Đảng bộ bao gồm các chủ trương của Đảng qua các nghị quyết; việc tổ chức thức hiện các chủ trương ấy đúng sai thế nào; kết quả được thể hiện ở các tổ chức đoàn thể nhân dân và những bài học thành công hay chưa thành công của Đảng bộ. Vì thế mộc thời gian của từng thời kỳ có phần gần nhau tương đối giữa các Đảng bộ, nhưng không có nghĩa là Lịch sử của các Đảng bộ phân chia thời gian giống hệt nhau. Mỗi Đảng bộ tuỳ mốc Lịch sử tạo bước ngoặt mà phân chia cho phù hợp. Thời gian dừng lại của mỗi cuốn sử củng là vấn đề cần quan tâm; vì Lịch sử Đảng mang tính Đảng và do cấp uỷ chịu trách nhiệm xuất bản. Cuốn sử viết ra thường  gắn liền với dấu ấn của các cấp lãnh đạo vì thế không nên viết đến tận ngày hôm nay để đảm bảo tính khách quan khoa học và có giá tri lâu dài..........

      Còn rất nhiều kinh nghiệm khác, có dịp chúng tôi sẽ trở lại. Vì ý nghĩa của nó rất mong các tổ chức Đảng luôn có sự phân công tạo thuận lợi cho công việc biên soạn về sau./.                                                                               
                                                                        
                                                                                           7-2016

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2016

Làm gì để cử tri thực hiện nghiêm quyền và nghĩa vụ bầu cử

  
        ĐCSVN  Quyền bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp - đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật của Nhà nước.  Điều 27,  Hiến pháp năm 2013 của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã xác định: “Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND. Việc thực hiện các quyền này do luật định”. Bản hiến pháp cũng xác định một cách dứt khoát tại khoản 1, điều 15 trong chương Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân rằng: “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân”.
         Luật là vậy, tuy nhiên để mọi người dân chấp hành nghiêm mọi điều luật định là công việc không hề đơn giản. Bởi nó tuỳ thuộc rất nhiều yếu tố như trình độ hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân; năng lực điều hành của của bộ máy nhà nước ở từng địa phương; môi trường và điều kiện đảm bảo việc thực thi pháp luật...Tất cả những điều này có mối quan hệ ràng buộc với nhau. Nếu  thiếu bất cứ khâu nào thì mọi nổ lực và việc tuyên ngôn của luật pháp chỉ là điều sáo rỗng. Hiệu lực của luật pháp sẽ rất ít hiệu quả.
        Hiện nay sau sự kết thúc rất thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; đặc biệt là sự chỉ đạo của Trung ương về công tác bầu cử đã được các cơ quan truyền thông đưa đến mọi người dân. Khi mà chỉ thị số 51 của Ban chấp hành Trung ương chỉ rõ những việc cần làm:
  Giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
  Không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; đã bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận không trung thực; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng.
  Lãnh đạo bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, đặc biệt coi trọng chất lượng đại biểu.
  Giảm hợp lý số đại biểu công tác tại cơ quan hành chính; tăng số lượng đại biểu chuyên trách; bảo đảm tỉ lệ người ứng cử là phụ nữ, người dân tộc thiểu số theo đúng quy định của Luật Bầu cử.
   Bổ sung tỉ lệ hợp lý đại biểu đại diện các hiệp hội, nghiệp đoàn về các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
   Phát huy quyền làm chủ của nhân dân không chỉ trong việc lựa chọn, giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân mà còn trong công tác bầu cử.
        Có thể nói rằng những điều trên đây đang nhân lên niềm tin tưởng với nhiều kỳ vọng của người dân vào nhiệm kỳ tới bao nhiêu, thì sự kiện bầu cử cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương sắp tới lại càng được người dân quan tâm bấy nhiêu. Hiện nay cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đang được triển khai khẩn trương tích cực. Việc tổ chức hiệp thương lựa chọn những người xứng đáng đại biểu cho người dân trong tổ chức Quốc Hội và Hội đồng nhân dân ở các địa phương đang tạo sự quan tâm của cộng đồng dân cư và ngày hội lớn của mọi miền đất nước đang đến rất gần.
       Để cử tri thực hiện nghiêm quyền và nghĩa vụ công dân trong cuộc bầu cử đang mở ra cơ hội và rất nhiều điều kiện thuận lợi; tuy nhiên cũng rất cần những công việc cụ thể. Trước hết, toàn Đảng, toàn dân đang rất cần phát huy cao độ những thành công của Đại hội Đảng bằng những việc làm thiết thực vì cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân. Theo tinh thần quyết tâm đổi mới của Đại hội Đảng, mỗi địa phương đơn vị cần soát xét lại những vấn đề nổi cộm đang được người dân quan tâm và tập trung giải quyết dứt điểm. Chắc chắn rằng đây là điều mà mọi cử tri mong muốn nhất. Làm như vậy sẽ có sức lan toả và thu hút lòng tin của mọi người dân trước sự kiện lớn của đất nước quê hương.  Bởi “Một tý hành động còn hơn một tá cương lĩnh”.
      Cùng với việc thực hiện và chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm là việc đẩy mạnh tuyên truyền công tác bầu cử để mọi người hiểu rõ hơn và có trách nhiệm đầy đủ hơn với quyền và nghĩa vụ của chính mình trong cuộc bầu cử quan trọng này. Việc tuyên truyền bầu cử phải luôn gắn với việc tuyên truyền kết quả sự lãnh đạo chỉ đạo hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, kết quả của cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, công cuộc cải cách hành chính... Rốt cuộc mọi cử tri vẫn không thể không nghĩ rằng xong bầu cử cuộc sống vật chất và tinh thần của mình có gì đổi mới.
      Để cử tri thực sự tự giác thực hiện nghiêm quyền và nghĩa vụ bầu cử, trong quá trình chuẩn bị bầu cử; các cấp, các ngành phải thực hiện tốt công tác tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, bảo đảm việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử chặt chẽ, đúng tiêu chuẩn, đảm bảo cơ cấu, đúng quy trình và làm đúng theo chỉ thị của Đảng; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu; tạo điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình thực hiện cuộc  bầu cử.
      Xưa nay công việc chuẩn bị cho một cuộc bầu cử phần nhiều là do các cơ quan bầu cử và các bộ phân liên quan; nhất là việc chuẩn bị nhân sự cho cuộc hiệp thương đầu tiên. Tuy nhiên để cử tri thực hiện nghiêm quyền và nghĩa vụ bầu cử thì việc lựa chọn người đại biểu cần được để cử tri tiếp cận càng sớm càng tốt, không nhất thiết chỉ cần đủ số ngày theo luật định; đồng thời không nên can thiệp bằng tổ chức để rồi  thay đổi đại biểu ứng cử từ vùng này sang vùng khác khi nhận thấy sự phản ứng và tín nhiệm không cao của cư tri nơi đại biểu ứng cử.
       Tất cả những thông tin liên quan đến đại biểu như hoàn cảnh gia đình, người thân, quá trình phấn đấu rèn luyện và việc minh bạch về tài sản cần phải làm thật tốt trước ngày niêm yết danh sách đại biểu với khu vực ứng cử để giải quyết thoả đáng mọi điều băn khoăn của cử tri.
        Cuối cùng là việc bố trí địa điểm bầu cử phải được chuẩn bị chu đáo. Nơi cử tri thể hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mình trong việc chọn lựa người đại biểu không chỉ cần có không gian trang trí đẹp, thuận tiện trong việc tiến hành bầu cử mà còn phải có chổ phù hợp đảm bảo quyền lựa chọn độc lập về sự tín nhiệm trong lá phiếu của mình mà không chịu sự chi phối của bàn tư vấn cho các cử tri khi có yêu cầu.
        Làm tốt những việc trên đây sẽ mang đến cho cử tri một sự tin tưởng vào người đại biểu cho mình tham gia bộ máy quản lý nhà nước. Cử tri sẽ hoàn toàn yên tâm đi lựa chọn người đại biểu chân chính của mình; đồng thời thấy được giá trị thực của chế độ dân chủ mà thực hiện nghĩa vụ công dân của mình một cách đầy đủ nhất trong cuộc bầu cử quan trọng này./.

                                                                                                3-2016