Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

Con đường cách mạng của Nguyễn Sỹ Sách

TRƯỜNG TIỂU HỌC PHÁP-VIỆT, NƠI KHẲNG ĐỊNH QUYẾT TÂM ĐI THEO CON ĐƯỜNG CÁCH MẠNG CỦA NGUYỄN SĨ SÁCH
                                                         ---------
                                                                     
                                                                  

        Sinh ra trong một  gia đình nhà nho nghèo ở làng Tú Viên, xã Thanh Lương,  huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Nguyễn Sĩ Sách chịu ảnh hưởng lớn của truyền thống gia đình và quê hương cách mạng. Thân sinh của Nguyễn Sĩ Sách là một nhà nho cương trực, không bao giờ chịu khuất phục trước cường quyền, uy vũ của các quan lại thực dân và chính quyền phong kiến Nam triều. Hai lần đi thi Hương ông chỉ đỗ tú tài. Từ đó ông quyết tâm mở trường dạy học để có điều kiện rèn cặp con cái nên người. Nguyễn Sĩ Sách là con đầu lòng nên được cha chăm sóc, kèm cặp chu đáo. Ngay từ khi một tuổi anh đã được cha dạy học chữ hán và chữ Quốc ngữ.
      Nghệ An quê hương anh là nơi có nhiều người nổi tiếng, ham học, hay chữ với những tấm lòng nhiệt huyết cách mạng. Khi  trưởng thành anh đã không khỏi không chịu ảnh hưởng truyền thống nho học yêu nước, bất hợp tác với giặc. Những bậc thầy, bậc đàn anh của Nguyễn Sĩ sách như Phan bội Châu, Nguyễn Ái Quốc…mà tên tuổi của họ đã từng gắn bó hoà nhập với lịch sử dân tộc, luôn được Nguyễn Sĩ Sách trân trọng, ngưỡng mộ phấn đấu như những đệ tử trung thành.
      Nguyễn Sĩ Sách sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh một đất nước nô lệ; hàng ngày phải chứng kiến những cảnh bất công, tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc dã nung nấu thêm trong anh lòng nhiệt huyết cách mạng. Lúc anh ở độ tuổi thanh niên cũng là lúc có thể chứng kiến được những phong trào yêu nước mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân từ phong trào công nhân, nông dân đến phong trào trí thức học sinh đang phát triển mạnh mẽ nhất là vào những năm đầu của thế kỷ XX.
       Vốn có tư chất thông minh, lại được thân sinh quan tâm chăm sóc; Nguyễn Sĩ Sách đã sớm thể hiện năng khiếu cứng rắn, nhạy cảm về chính trị của mình. Năm mười một tuổi anh đã đỗ đầu kỳ thi tuyển sinh, mười ba tuổi đỗ thứ hai kỳ thi tiểu học, mười bảy tuổi đã thi đỗ Thành chung khoá đầu tiên của Trường trung học Thành phố Vinh, Nghệ An. Đây là tiền đề quan trọng giúp anh thấy rõ hơn con đường đang đi phía trước.
        Tuy nhiên, cũng phải đợi đến lúc anh tự lập vào đời, rời xa bố mẹ thì Nguyễn Sĩ Sách mới thể hiện được đầy đủ bản lĩnh của mình. Giữa năm 1924, sau khi thi đỗ Thành chung, Nguyễn Sĩ Sách được bổ dụng làm trợ giáo tại Trường tiểu học Pháp-Việt, Thị xã Hà Tĩnh. Có thể nói đây là bước ngoặt hết sức quan trọng trong cuộc đời hoạt động của anh. Bởi chính nơi đây với công việc của một trợ giáo anh vừa có điều kiện thuận lợi tiếp cận sách báo bổ sung kiến thức, tiếp nhận thông tin trong nước và thế giới, tiếp cận với các tổ chức yêu nước vừa có môi trường thầy giáo, học sinh đông đảo để tiếp xúc, đón nhận và truyền bá những quan điểm tiến bộ của mình. Cũng ở thời điểm này có 3 sự kiện tác động mạnh đến tình cảm và hành động của Nguyễn Sĩ Sách cũng như những thanh niên
đương thời đó là:
                 Từ sau cuộc cách mạng tháng mười Nga năm 1917 thành công, tiếp đến là sự ra đời của Quốc tế cộng sản, phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của các dân tộc bị áp bức trên thế giới dâng lên một cách mạnh mẽ, tạo nên sự chấn động và có sức thu hút lớn các chính trị gia của các nước đang đấu tranh chống áp bức bóc lột để giành độc lập dân tộc.
                 Trong nước phong trào yêu nước phát triển, đặc biệt là phong trào đấu tranh của công nhân Việt Nam đang có những bước chuyển về chất, sau cuộc đấu tranh của hàng ngàn công nhân Ba Son, yếu tố đấu tranh tự giác đang ngày một rõ nét. Các tổ chức cách mạng của thanh niên từng bước được nhen nhóm đang có sức thu hút mạnh mẽ tầng lớp thanh niên trong nước.
                 Sau sự kiện vang dội của tiếng bom Phạm Hồng Thái- người thanh niên yêu nước Việt Nam bất chấp hiểm nguy ném tạc đạn vào tên Toàn quyền Đông Dương Méc-Lanh ở Sa Diện Trung Quốc, “báo hiệu bắt đầu thời kỳ đấu tranh dân tộc”(1). Trong các trường học ở Việt Nam, những quan đốc học thời Pháp hết sức miệt thị người Việt, thường xuyên răn đe, doạ nạt trấn áp thầy giáo học sinh có tư tưởng yêu nước, chống lại người Pháp càng giúp cho những trí thức có xu hướng tiến bộ có thêm điều kiện để nhận diện đúng hơn về cái gọi là “khai hoá văn minh” của chế độ thuộc địa của Pháp.
                Những tác động trên đã khiến cho Nguyễn Sĩ Sách càng thêm quyết tâm chọn lựa con đường cách mạng của mình. Trước hết anh ra sức tìm hiểu các biến động về chính trị xã hội, háo hức bí mật tìm đọc sách báo tiến bộ, thăm dò hoạt động cứu nước và quan hệ mật thiết với các bậc sĩ phu yêu nước đương thời. Thông qua việc tiếp xúc, tìm hiểu sách báo, anh dần dần có ý thức về những gì đang diễn ra trong xã hội Việt Nam. Từ đó anh hăng hái tham gia mọi hoạt động cách mạng. Tháng 7 năm 1925 Nguyễn Sĩ Sách được gia nhập Hội Phục Việt, đây là tổ chức cách mạng đầu tiên mà anh được tham gia do các phần tử trí thức yêu nước sáng lập. Nguyễn Sĩ Sách vốn là một con người bộc trực, như cụ Đặng Thai Mai đã từng nhận xét: “lời nói cũng như tâm hồn anh là cả một khối lửa, anh ít nói nhưng suy nghĩ nhiều, bởi vậy tiếng nói của anh có sức nặng”. Được đoàn thể giao nhiệm vụ xây dựng tổ chức và truyền bá tư tưởng yêu nước trong trường học và địa bàn thị xã Hà Tĩnh; anh hăng hái lao vào hoạt động một cách tích cực. Anh chọn trường Tiểu học Pháp Việt làm vườn ươm những nhân tố tích cực cách mạng đầu tiên; bí mật tìm đọc sách báo tiến bộ từ Pháp gửi sang và dịch ra tiếng Việt những bài  quan trọng để tuyên truyền rộng rãi trong đội ngũ học sinh và                     -------------------------------
(1) Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb ST, H, 1975, trang 62


  thầy giáo có tinh thần yêu nước. Chẳng bao lâu anh đã xây dựng được một số hội viên tích cực trong đó có có cả những thầy giáo như Nguyễn Trí Tư, Hoàng Đức Thi và học sinh như Trần Tích Thiện, Nguyễn Công Hoạch, Lê Bá Cảnh, Nguyễn Huy Lung, Nguyễn Đình Chuyên…
          Từng bước lao vào hoạt động anh dần dần phân tích những hành động, quan điểm của các nhà cách mạng tiền bối. Anh đã tìm gặp và chất vấn cụ Phan Bội Châu về bài luận : “Pháp Việt đề huề “ của cụ. Dẫu rất kính trọng cụ Phan,
 Nhưng anh vẫn khẳng định “Pháp Việt đề huề” là mâu thuẩn  với tư tưởng chống Pháp của Cụ Phan Bội Châu. Từ những bài học đầu tiên, Nguyễn Sĩ Sách càng trở nên cứng rắn và dứt khoát trong thái độ của mình. Anh quyết tâm đấu tranh đòi một sự bình đẳng, công bằng; phản đối những điều bất công, những hành động ngang ngược, thô bạo, bỉ ổi của quan chức và binh lính người Pháp đối với người Việt nam. Nguyễn Sĩ Sách đã kích sâu cay chiêu bài “bảo hộ”, chính sách “ khai hoá văn minh” của Thực dân Pháp và thái độ đê hèn của bọn vua quan phong kiến tay sai. Anh vận động thân sinh đốt đạo sắc “Hàn lâm đại chiếu” của chính vua Khải Định ban cho để tỏ nổi bất bình đối với tên vua “đớn hèn, bất lực và ngu dốt”. Những thái độ phản kháng đầu tiên trên đây đã thể hiện rõ một lập trường dứt khoát bất hợp tác với chế độ thuộc địa phong kiến đương thời của Nguyễn Sĩ Sách.
                  Cao hơn nữa đó là thái độ chống trả những sự đe doạ, quát nạt của bọn đại diện cho bộ máy thống trị thực dân từ Hiệu trưởng nhà trường,  Đốc học, Nha học chính Trung kỳ đến Công sứ Trung kỳ… Khi biết được những hoạt động yêu nước của Nguyễn Sĩ Sách, Hiệu trưởng Trường tiểu học Pháp-Việt thị xã Hà Tĩnh Tôn Thất Cổn đã tìm cách đưa anh vào “khuôn phép” như những giáo viên khác; hăm doạ anh phải theo sự sai khiến của y. Anh cự tuyệt mọi sự ràng buộc vô lý đó. Tên Đốc học và Công sứ Hà Tĩnh đã nhiều lần gặp anh, khuyên anh là thầy giáo còn non trẻ, hãy dẹp bầu nhiệt huyết ấy lại và nên đi theo hướng chăm lo trau dồi nghề nghiệp. Chúng ve vuốt anh về những tiền đồ phía trước đang rộng mở, chờ đón anh. Anh từ chối tất cả và tiếp tục hành động theo suy nghĩ của mình. Giám đốc Nha học chính Trung kỳ Đề-lê-xi phải gọi anh vào Huế và lên mặt kẻ cả:
       - Anh là đứa con được nước mẹ đại Pháp đào tạo, tại sao anh dám vô lễ cãi lại các bậc quan trên và có những hành động phản bội?
       Nguyễn Sĩ Sách thẳng thừng bác bỏ những buộc tội vô lý của Đề-lê-xi:
-         Tôi làm việc nghĩa. Tôi chống lại những những người làm việc thiếu đạo
đức. Sao các ông lại bảo tôi phản bội?
       Tức giận, Đề-lê-xi định giở thói hành hung, Nguyễn Sĩ Sách vớ chiếc ghế đang ngồi giơ lên chống đỡ rồi rời khỏi phòng làm việc của hắn.
       Thuyết phục, đe doạ không được; Nha học chính Trung kỳ đã buộc phải điều Nguyễn Sĩ Sách chuyển vào làm trợ giáo tại Trường tiểu học Pháp-Việt Phú Vang
gần Kinh đô Huế. Không chịu nổi trước những bất công trái ngược và cam chịu trói mình dưới sự khống chế của bọn thực dân đế quốc, chỉ một thời gian  Nguyễn Sĩ Sách đã từ bỏ nghề dạy học về quê tham gia hoạt động cách mạng. Bị bọn mật tham theo dõi, anh phải xin thi vào ngành đường sắt rồi làm thư ký xe lửa Đà nẵng. Căm phẩn thái độ hống hách của viên kiểm soát xe lửa người Pháp, anh lại bỏ việc về Vinh tham gia mở hiệu “ Tam kỳ thư quán” phát hành sách báo tiến bộ và tìm cách liên lạc với ban lãnh đạo Hội Hưng Nam để tham gia hoạt động cách mạng. Từ đây anh mới có cơ hội để xuất dương đi dự huấn luyện ở Quảng Châu và trở thành Bí thư Kỳ bộ thanh niên cách mạng đồng chí Hội Trung kỳ vào cuối năm 1927. Sau khi được đảm nhận trọng trách của đoàn thể giao cho, Nguyễn Sĩ Sách nhanh chóng trở thành đầu mối của đoàn thể. Anh liên lạc tiếp xúc với các tổ chức thanh niên cách mạng xúc tiến việc thảo luận để tiến tới việc hợp nhất thành lập Tổng hội trong nước. Đến tháng 7 năm 1929 Anh bị sa vào tay giặc, kẻ thù đã tra tấn anh một cách dã man nhưng anh vẫn giữ vững được khí tiết của một người cộng sản chân chính. Trong nhà tù đế quốc Nguyễn Sĩ Sách tiếp tục tổ chức anh chị em tù nhân đấu tranh, đòi yêu sách đảm bảo quyền lợi chính đáng cho tù nhân. Trước hành động phản kháng dữ dội của anh đối với tên chúa ngục, bọn tay sai đã sát hại anh khi anh chưa đầy 23 tuổi.
           Cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Sĩ Sách vẫn còn quá ngắn ngủi, song chỉ với 5 năm bước vào cuộc tranh đấu cho mục tiêu lý tưởng cách mạng, Nguyên Sĩ Sách đã để lại cho chúng ta một tấm gương sáng về ý chí quyết tâm, tinh thần quả cảm trước mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù. Từ một thầy giáo trẻ với những kiến thức, vốn sống ban đầu còn ít ỏi, bước vào hoạt động cách mạng anh đã sớm trưởng thành, tiêu biểu cho một thế hệ thanh niên nhiệt huyết cách mạng. Tuy nhiên  tìm hiểu quá trình hoạt động, trưởng thành và sự chuyển biến căn bản trong tư tưởng của Nguyễn Sĩ Sách ta không thể không nhấn mạnh mốc lịch sử quan trọng về những ngày anh làm trợ giáo tại trường tiểu học Pháp-Việt thị xã Hà Tĩnh. Bởi chính nơi đây đã giúp Nguyễn Sĩ Sách nhận thức đúng  về bản chất của nhà trường dưới sự thống trị của người Pháp, được tận mắt chứng kiến những bất công, tàn ngược dưới chế độ thống trị của thực dân, được tiếp cận những tổ chức, cá nhân có tinh thần yêu nước chân chính… tất cả đó như những chất xúc tác hữu hiệu cuốn hút, thúc dục anh từ bỏ con đường dạy học để  hiến thân cho một sự nghiệp cao cả. Trường Tiểu học Pháp-Việt đã trở thành nơi quyết định, khẳng định quyết tâm đi theo con đường cách mạng của Nguyễn Sĩ Sách; đồng thời đánh dấu bước chuyển quan trọng về tư tưởng chính trị của Nguyễn Sĩ Sách: Từ một giáo chức trở thành hạt nhân của phong trào cách mạng, một đầu mối tập hợp lực lượng của các tầng lớp thanh niên trí thức, học sinh yêu nước tiến bộ lúc bấy giờ tại khu vực miền Trung nước ta   ./.

                                                          Th.S  Trần Quang Trung
                                                                       2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét