Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

Quan tâm hơn công tác Biên soạn Lịch sử trong lĩnh vực tư tưởng

QUAN TÂM HƠN CÔNG TÁC BIÊN SOẠN LỊCH SỬ
TRONG LĨNH VỰC TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

       Mỗi người chúng ta ai cũng có một niềm tự hào chính đáng, những kỷ niệm về quê hương, đất nước - mảnh đất nơi mình đã được sinh ra và lớn lên; chắp cánh cho mỗi người trưởng thành, vươn tới những đỉnh cao của cuộc sống. Làm tốt công tác lịch sử sẽ giúp cho chúng ta có được những niềm tự hào chính đáng, tăng thêm những nhân tố bồi đắp cho nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để chiến thắng mọi trở lực trên con đường vươn tới mục tiêu lý tưởng.
        Công tác lịch sử hiểu một cách đầy đủ hơn bao gồm cả việc sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn và giáo dục truyền thống. Đây là một lĩnh vực rất quan trọng trong  công tác tư tưởng của Đảng. Người xưa vẫn dạy rằng: "Ôn cố nhi tri tân"- nghĩa là ôn cái cũ để biết mới. Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm đầy đủ đến công tác lịch sử; coi đó là một bộ phận không thể tách rời trong công tác tư tưởng của Đảng và như một trong những yếu tố tạo nên nguồn sức mạnh to lớn để chiến thắng mọi kẻ thù.
       Không phải ngẫu nhiên mà các đồng chí lãnh tụ Đảng ta phần lớn đều am hiểu tường tận lịch sử dân tộc. Lúc còn sống, Bác Hồ rất quan tâm đến việc giáo dục truyền thống. Người còn sáng tác ra văn vần để giới thiệu về lịch sử nước ta. Bởi lịch sử vốn có sức mạnh to lớn trong công tác tư tưởng của Đảng. Thông qua lịch sử, chúng ta thấy được niềm tự hào chính đáng về Đảng ta, dân tộc ta. Suốt 75 năm phấn đấu trưởng thành, Đảng và nhân dân ta đã vượt qua biết bao chông gai thử thách mới có được thắng lợi vẻ vang. Một trong những nguyên nhân rất quan trọng để dân tộc ta chiến thắng, chính là nhờ chúng ta có truyền thống hàng ngàn năm lịch sử với những bài học kinh nghiệm quý giá được đúc kết trong quá trình dựng nước và giữ nước
       Ngày nay trong công cuộc xây dựng CNXH, mà trước mắt đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; chúng ta nhận thức rõ rằng việc phát huy tiềm năng, sức mạnh vốn có hiện tại luôn luôn gắn liền với việc khơi dậy nguồn sức mạnh của quá khứ. Bởi vì quá khứ, hiện tai, tương lai chỉ là một dòng chảy xuyên suốt, tuy biểu hiện có lúc khác nhau nhưng bản chất chỉ là một. Thực tế cho thấy rất nhiều cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đã chăm lo đến công tác lịch sử trên tất cả các phương diện, từ việc chăm lo giáo dục cho thế hệ trẻ những truyền thống tốt đẹp của địa phương, xây dựng quy ước, hương ước của làng xã, phát huy truyền thống của các dòng họ, đến việc chăm lo khôi phục lại các giá trị văn hoá phi vật thể.v.v… nhưng trong đó đặc biệt phải nói tới việc tổ chức biên soạn lịch sử các Đảng bộ, lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng, lịch sử ngành, đoàn thể ở các địa phương.
        Trong những năm vừa qua, dưới sự chỉ đạo của các cấp uỷ đảng và chính quyền, công tác lịch sử ở Hà Tĩnh chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tốt. Những bộ lịch sử có giá trị lớn như Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh  2 tập, Lịch sử Hà Tĩnh 2 tập, Hà Tĩnh 30 năm kháng chiến, Một số trận đánh tiêu biểu của lực lượng vũ trang Hà Tĩnh, Làng cổ Hà Tĩnh, Di tích danh thắng Hà Tĩnh.v.v… là những bộ sách được các nhà nghiên cứu trong nước và địa phương trân trọng. Cho đến nay hầu hết các huyện thị trong tỉnh đã tổ chức biên soạn và xuất bản Lịch sử đảng bộ đến năm 2000. Một số ngành đã và đang tổ chức biên soạn lịch sử ngành, đoàn thể. Hầu hết các xã phường đang tổ chức sưu tầm, nghiên cứu biên soạn lịch sử địa phương. Tuy nhiên để có những cuốn sử có chất lượng, người viết phải có những hiểu biết cần thiết về phương pháp nghiên cứu biên soạn lịch sử; trả lời được viết sử là viết cái gì, viết sử khác với viết văn, viết báo, ghi chép sự kiện như thế nào, phải dùng phương pháp gì và ai có thể làm được việc đó …. Trong khi việc tổ chức biên soạn lịch sử đang được các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội quan tâm, công tác lịch sử nói chung đang ngày một tác động tích cực đến tâm tư tình cảm, sức mạnh của cộng đồng, thì đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề cần được quan tâm giải quyết tốt.
         Từ thế kỷ 19, Các Mác đã nói một câu sâu sắc: "chỉ có một khoa học duy nhất đó là khoa học lịch sử". Từ đó chúng ta có thể hiểu được rằng làm sử là một công việc khoa học, đòi hỏi phải được đối xử khoa học. Muốn có một cuốn sử tốt nhất thiết cần phải được những người có hiểu biết về khoa học lịch sử tham gia. Viết sử là dựng lại lịch sử một cách chân thực để các thế hệ sau hiểu đúng bản chất của lịch sử đã diễn ra, giúp người đọc nhận ra được chổ đứng của mình để nhìn lại lịch sử một cách đúng đắn. Qua lịch sử người đọc không phải chỉ hiểu các sự kiện lịch sử đã diễn ra  như một sự liệt kê chắp nối  những sự kiện, mà điều quan trọng là chổ có thể  hiểu
được vì sao có được những sự kiện như vậy, bản chất của những sự kiện đó là gì và giữa các sự kiện lịch sử có mối quan hệ với nhau như thế nào; để từ đó rút ra cho mình những điều bổ ích nhất cho cuộc sống hiện tại. Để có thể dựng lại lịch sử một cách chân thực người viết cần có những hiểu biết cơ bản, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực khoa học; có phương pháp xem xét, chọn lựa và thể hiện của bộ môn khoa học lịch sử, không mảy may vì danh, lợi cá nhân trong khi nghiên cứu biên soạn lịch sử. Một cuốn sử viết sai bản chất vấn đề có thể gây nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ của cả một dân tộc; ngược lại một cuốn sử tốt có thể khơi dậy sức mạnh và niềm tự hào của một cộng đồng, hoặc cả dân tộc. Vì thế những người làm sử chân chính thường có bản chất trung thực, có bản lĩnh và lòng dũng cảm trong quá trình tái tạo lại lịch sử.
         Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta, vô cùng biết ơn những người đã góp phần làm nên lịch sử, nhưng không phải bất cứ người nào đã góp phần làm nên lịch sử đều có thể viết được lịch sử. Nhiều đơn vị đã phải bỏ dở công trình chỉ vì người viết sử không có đủ những điều cần thiết, do vậy đã không xử lý được những phức tạp trong quá trình biên soạn, không thể vượt qua những đòi hỏi của thực tiễn, để chấp nhận sự tốn kém và lảng phí. Mặc dù những cuốn sử sau khi ra đời nó có thể tồn tại lâu dài, nhưng một cuốn sử không phản ánh đúng bản chất lịch sử, viết thiếu chính xác sẽ không có giá trị giáo dục truyền thống, vì vậy việc tổ chức nghiên cứu, biên soạn lịch sử phải được các cấp uỷ, chính quyền chỉ đạo chặt chẽ.
         Một điều cần quan tâm nữa là: làm sử cần có kinh phí cần thiết. Không thể hoàn tất một cuốn sử chỉ bằng sự quyết tâm và lòng nhiệt tình. Để viết một cuốn sử nhất thiết cần có nguồn tư liệu phong phú. Thời gian càng lùi xa nguồn tư liệu càng trở nên hiếm và quý, vì vậy người viết sử phải tổ chức đi sưu tầm, khai thác, xác minh, thẩm định tư liệu. Tư liệu càng chính xác thì việc thể hiện vào sử mới có sức thuyết phục cao. Việc khai thác tư liệu, sử dụng tư liệu các nguồn khác nhau, sử dụng tư liệu hồi ký, đưa tên các nhân vật vào lịch sử thế nào để cho một cuốn sử ra đời có giá trị lâu dài… đều có bộ môn khoa học lịch sử giải quyết, chứ không thể theo ý chủ quan của người viết. Hiện nay nhiều địa phương trong cả nước đã có những cách giải quyết khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đơn vị tổ chức viết sử. Điển hình như Hà Tây mỗi bản thảo lịch sử của cơ sở đưa về thẩm định ở tỉnh đều được cấp thêm mười triệu đồng cho việc xuất bản.
        Để cho các cuốn sử xuất bản có chất lượng tốt, tránh bớt những sai sót cần được tổ chức thẩm định chu đáo. Ban Bí thư trung ương Đảng đã có chỉ thị số 15 - CT/TW ngày 28/8/2002 yêu cầu các địa phương "nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng phải bảo đảm tính đảng, tính khoa học và phục vụ đắc lực đường lối, nhiệm vụ chính trị hiện nay của Đảng". Trung ương đã có quy định về việc giao cho Ban Tuyên giáo các cấp giúp cấp uỷ tổ chức thẩm định các bản thảo lịch sử các Đảng bộ, ngành và đoàn thể. Bởi trong ban tuyên giáo các cấp có bộ phận chuyên trách công tác lịch sử theo quy định.  Tuy vậy vẫn còn một số đơn vị chưa chú ý thực hiện tốt. Nhiều cấp uỷ chưa chú ý đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác lịch sử theo quy  định của Ban Bí thư Trung ương, thậm chí có nơi còn bố trí cán bộ phụ trách công tác lịch sử nhưng chưa có những kiến thức đào tạo, bồi dưỡng cần thiết về lịch sử, vì thế ít nhiều đã ảnh hưởng hạn chế đến công tác giáo dục truyền thống của địa phương.
         Để góp phần làm tốt hơn công  tác    tưởng trong Đảng bộ và nhân dân ta, không  thể không quan tâm đầu tư đúng mức về mọi mặt cho công tác lịch sử, bởi đó là một bộ phận không thể thiếu trong các binh chủng tư tưởng của Đảng. Làm tốt công tác lịch sử sẽ giúp chúng ta có điều kiện để tăng cường giáo dục truyền thống tốt đẹp của Đảng, quê hương và dân tộc; khơi dậy niềm tự hào, sức mạnh truyền thống to lớn vốn có của chúng ta. Làm tốt công tác lịch sử còn giúp cho mỗi người tăng thêm bản lĩnh tự tin trước mọi thử thách của cuộc sống. Quan tâm đúng mức công tác lịch sử là biểu hiện của lòng thuỷ chung với dân tộc, với sự nghiệp các bậc tiền bối của Đảng, là nhân tố quan trọng góp phần tạo nên sức mạnh của cả cộng  đồng quê hương, dân tộc trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay ./.

                                                                    Trần Quang Trung
                                                                                                                                                                              2007
                                                                            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét