Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

Chuyển dịch cơ cấu Kinh tế Ở Hà Tĩnh

TẬP TRUNG CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ LÀ YẾU TỐ QUAN TRỌNG ĐỂ PHÁT HUY VAI TRÒ LIÊN MINH
CÔNG-NÔNG-TRÍ THỨC TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH
CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ Ở HÀ TĨNH
                                                              ----
      Ăng ghen đã từng nói: “Lịch sử tất cả các xã hội cho đến nay (lịch sử thành văn) chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp”(1). Mỗi giai cấp muốn giành chiến thắng phải tìm cách liên minh với mọi lực lượng, lôi kéo họ về phía mình. Đó là điều hiển nhiên của lịch sử. Cuộc đấu tranh của Đảng và nhân dân ta trong suốt 75 năm qua đã chứng minh điều đó.
       Đối với Hà Tĩnh, một vùng đất phên dậu phía Nam đất nước xa xưa, là cầu nối 2 miền Nam Bắc trong thời hiện đại. Trong mọi cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và công cuộc xây dựng quê hương đất nước, người Hà Tĩnh vẫn luôn gắn kết với nhau, nêu cao ý thức cộng đồng để làm nên những sự nghiệp lớn. Biểu hiện cao nhất của ý thức cộng đồng ấy là : liên minh công-nông-trí thức bao giờ cũng được cộng đồng trân trọng, coi đó là lực lượng chủ yếu của địa phương. Chẳng hạn trong kháng chiến chống Pháp rất nhiều trí thức Hà Tĩnh đã có đóng góp lớn cùng công nhân trong các An toàn khu. Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước nhiều trí thức văn nghệ sĩ đã cùng công nông ra mặt trận. Trong công cuộc đổi mới trí thức Hà Tĩnh đã nắm giữ hầu hết các trọng trách ở địa phương. Nhiều người đã có sáng tạo trong lao động sản xuất, mang lại lợi ích cho địa phương, cùng với công nhân, nông dân đưa quê hương từng bước phát triển. Nhờ đó thu nhập GDP của tỉnh đã tăng từ chổ bình quân 90 USD/ người (1992) lên hơn 200 USD (2002).
       Sự liên minh gắn kết giữa công-nông-trí thức Hà Tĩnh có nguồn gốc lịch sử lâu đời: đó là sự gắn kết giữa các lực lượng có cùng nguồn gốc xuất thân, hay nói cách khác công nhân và trí thức Hà Tĩnh có nguồn gốc từ nông dân. Hơn nữa họ từng  có cùng kẻ thù chung là đế quốc và phong kiến; cùng sinh ra và lớn lên trong một vùng đất thiên nhiên khắc nghiệt , lại thường xuyên phải chống chọi với giặc ngoại xâm. Hoàn cảnh ấy đã làm cho họ xây đắp được truyền thống anh dũng ngoan cường trong chiến đấu, cần cù nhẫn nại trong lao động sản xuất; dần dần hình thành nên những tố chất gắn kết của các lực lượng trong cộng đồng, mà trước hết là sự liên minh giữa công- nông-trí thức.
            Tuy nhiên, lịch sử đã chuyển sang giai đoạn mới, mỗi giai cấp bên cạnh quyền lợi chung, đều phải chăm lo xây dựng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Liên minh cũng đặt  ra nhiều vấn đề mới cả về nội dung, hình thức và điều  kiện.Nội dung liên minh lúc này là để cùng nhau chống lại mọi bất công xã hội, xoá bỏ nghèo nàn lạc hậu, thực hiện công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hình thức liên minh không  còn  chỉ   sự  tập

 trung lực lượng mà là sự phối hợp với nhau, hợp tác với nhau, hỗ trợ nhau để cùng phát triển. Điều kiện mới là có sự lãnh đạo của Đảng, có sự quản lý Nhà nước trong cơ chế thị trường sản xuất hàng hoá nhiều thành phần. Do đó để các giai cấp cùng phát huy sức lực, giải phóng được sức lao động của mình, thì yếu tố Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo và sự quản lý của Nhà nước có ý nghĩa quyết định nhất. Đảng và Nhà nước phải đảm bảo định hướng và mở ra  những cơ hội mới cho việc phát huy cao nhất vai trò của liên minh công-nông-trí thức trong giai đoạn mới. Cũng như các địa phương khác, trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá yêu cầu cơ bản đối với chúng ta là phải kiên quyết làm chuyển biến 2 vấn đề cơ bản: đó là cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động. Phải thay đổi cơ cấu kinh tế từ kinh tế tiểu nông sản xuất nhỏ, tự cung, tự cấp sang cơ cấu kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, từng bước chuyển dần sang nền kinh tế công nghiệp, để nước ta cơ bản là nước công nghiệp vào năm 2020; đồng thời phải chuyển cơ cấu lao động giản đơn, thủ công sang lao động có kỷ thuật và hiện đại. Trong 2 vấn đề đó thì vấn đề có ý nghĩa then chốt là phải nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Vì suy cho cùng thì công nghiệp hoá là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ. Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế sẽ thúc đẩy các lực lượng đi đến gắn kết nhau hơn, gần gủi nhau hơn, liên minh chặt chẽ hơn. Lê Nin đã từng chỉ ra rằng: “Nhiệm vụ của CNXH là làm cho công nghiệp và nông nghiệp gần gủi nhau và thống nhất với nhau”(2).
     Trên phương hướng tiếp cận ấy chúng ta có thể nhận thấy bản chất của vấn đề, nội hàm của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế như sau:
     1. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trước hết làm thay đổi cơ cấu kinh tế, làm biến đổi các thành phần kinh tế. Khi lực lượng sản xuất, các thành phần kinh tế thay đổi  sẽ kéo theo sự thay đổi cơ cấu giai cấp. Nông dân có thể chuyển thành công nhân và một bộ phận sẽ gia nhập đội ngũ trí thức. Đó là biểu hiện đầu tiên của sự gắn bó không thể tách rời giữa các giai cấp công-nông- trí thức.
    2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chắc chắn sẽ dẫn đến sự thay đổi tỷ trọng trong thu nhập kinh tế quốc dân. Từ một nền kinh tế nông nghiệp như Hà Tĩnh thì sự chuyển dịch đó tất yếu sẽ làm tăng công nghiệp. Khi công nghiệp có vị trí, chắc hẳn sẽ kéo theo vai trò của công nhân áo trắng, đó là sự thúc đẩy vai trò của trí thức trong công nghiệp.
     3. Chuyển dich cơ cấu kinh tế tất yếu đòi hỏi cao ở lao động kỷ thuật. Một lực lượng mới sẽ xuất hiện đó là đội ngũ quy hoạch, quản lý sản xuất, lao động kỷ thuật, chế biến, xuất khẩu sản phẩm…Theo đó đội ngũ trí thức có cơ hội để phát triển và phát huy vai trò to lớn của mình.
     4. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế điều quan trọng là sẽ tạo ra môi trường kinh tế xã hội để các giai cấp phát huy cao độ năng lực lao động của mình. Lao động thủ công sẽ từng bước được trang bị, trở thành lao động kỷ thuật. Công nhân ngày một phát triển trong các cơ sở công nghiệp. Yêu cầu nhiên cứu, đào tạo ngày một cao, trí thức

ngày càng có điều kiện để gắn kết với lao động sản xuất, nhất là khi khoa học công nghệ đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.
      Sau hơn 14 năm tái lập tỉnh đến nay, dưới sự lãnh đạo của đảng bộ tỉnh, Hà Tĩnh đã bước đầu tạo được những bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Tỷ trọng thu nhập GDP đã có những thay đổi căn bản. Chỉ tính trong 5 năm từ 1996 đến năm 2001: nông nghiệp giảm từ 63,5% xuống còn 51%, công nghiệp và xây dựng tăng từ 10,7% lên 14%; dịch vụ thương mại tăng từ 25,8% lên 30%. Cùng với nó cơ cấu giai cấp đã có sự thay đổi bước đầu: nông dân từ 95% xuống còn 91%; trí thức từ 6.000 người (năm 1996) đã tăng lên 16.000 người (năm 2002); công nhân tăng từ  3 vạn (1992) lên 5 vạn (2002). Đặc biệt trong những năm gần đây, khi bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tình hình kinh tế của Hà Tĩnh lại càng có những bước chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm tăng 8,6 %. Cơ cấu GDP đang chuyển dịch theo hướng tăng trưởng trong các ngành công nghiệp dịch vụ. Đến cuối năm 2004, tỷ trọng Nông, Lâm, Ngư nghiệp chỉ còn 43,9%. Công nghiệp xây dựng đạt 20,26% và thương mại, dịch vụ đạt 35,8%. Đó là những nhân tố cơ bản làm biến đổi nhanh hơn cơ cấu các thành phần xã hội, làm gắn kết ngày càng chặt chẽ hơn giữa các giai cấp công, nông và trí thức của Hà Tĩnh.
       Trong những năm tới, chúng ta đang phấn đấu tích cực để làm chuyển biến cơ cấu kinh tế một cách mạnh mẽ hơn, chắc chắn trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế ấy, công nhân và trí thức chúng ta sẽ có những bước phát triển nhanh chóng, ngày càng hướng vào việc phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương.
       Như vậy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ làm thay đổi cơ cấu ngành nghề, cơ cấu vùng kinh tế và thành phần kinh tế. Những thay đổi đó sẽ kéo theo sự thay đổi  cơ cấu thành phần giai cấp. Đồng thời việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ làm cho nền kinh tế địa phương có cơ cấu hợp lý hơn, kinh tế phát triển hơn và do đó sẽ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của toàn xã hội, trong đó trước hết là công nhân, nông dân, trí thức- những người lao động trực tiếp. Vì vậy, sẽ làm cho các giai cấp này càng ra sức phấn đấu một cách tích cực hơn. Đó chính là cội nguồn của vấn đề gắn kết công nhân, nông dân, trí thức với nhau. Tập trung chuyển dịch cơ cấu kính tế sẽ là yếu tố quan trọng để phát huy vai trò liên minh công- nông- trí thức trong thời kỳ Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá nói chung, ở Hà Tĩnh nói riêng.
________________________
(1) Mác- Ăng ghen Tuyển tập, tập I, NXB Hà Nội 1962, trang 18.
(2) Lê Nin toàn tập, tập 42, NXB Mátcơva 1977, trang 18.
               
                                                          Th. S  Trần Quang Trung
                                               
              Thông tin khoa học và cuộc sống số đặc biệt kỷ niệm 10 năm thành lập
                     Liên hiệp các hội KH&KT Hà Tĩnh (27/5/1995 – 27/5/2005)



       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét