Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Tìm hiểu Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ nữ

        TÌM HIỂU TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
                        VỀ CÁN BỘ NỮ               

          Trong Tư tưởng Hồ Chí Minh, một chế độ  dân chủ thực sự là một chế độ  tự do, bình đẳng  giữa mọi thành viên xã hội, không phân biệt dân tộc, tuổi tác, giới tính. Người nói: “Tất cả mọi quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam không phân biệt nòi giống, gái trai...”. Mọi thành viên trong Nhà nước ấy phải cùng gánh vác trách nhiệm để chăm lo sự nghiệp cách mạng và kết quả mạng lại đều thuộc về nhân dân. Suốt cuộc đời hoạt động của mình người chỉ có một ham muốn tột bậc là “ làm sao để ai củng có cơm ăn, áo mặc, được học hành”. Tuy nhiên theo Hồ Chí Minh để tiến hành sự nghiệp cách mạng nói chung, mọi công việc cụ thể nói riêng không thể có ai trọn vẹn. Trái lại ai củng có cái hay cái dở; đó là lẽ thường tình. Người khoẻ làm việc nặng, người yếu làm việc nhẹ không nên phân biệt đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ. Người nói: “ Chủ nghĩa xã hội là do quần chúng nhân dân tự mình xây dựng nên”, “Tất cả mọi người đều được phát triển hết khả năng của mình”. Trong quan niệm chi phối ấy, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến lực lượng phụ nữ. Người cho rằng: phụ nữ là lực lượng chịu nhiều thiệt thòi nhất, “đã lâu chị em bị kìm hãm” trong xã hội cũ. Xây dựng chế độ mới cần phải giải phóng mọi áp bức bất công cho phụ nữ. “Nếu không giải phóng được phụ nữ thì không giải phóng được một nửa loài người. Nếu không giải phóng được phụ nữ thì xây dựng Chủ nghĩa  xã hội chỉ một nửa”. Như thế muốn giải phóng xã hội, muốn xây dựng CNXH phải quan tâm đúng mức vấn đề phụ nữ và do đó cần phải xây dựng một đội ngũ cán bộ nữ.
        Điều đáng chú ý là Hồ Chí Minh đánh giá đúng phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ nữ. Người cho rằng: trong quá trình đấu tranh cách mạng nói chung, trong những cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc nói riêng “phụ nữ ta gánh một phần quan trọng”. “thành tích không thua kém đàn ông”. Người còn viết: “Xem trong lịch sử kách mạng chẳng có lần nào là không có đàn bà, con gái tham gia”.
                                   “Mấy phen tranh đấu xông pha
                                 Lòng vàng, gan sắt nào đà kém ai”
Có thể nói rằng công lao đóng góp của phụ nữ vào sự nghiệp chung của đất nước là vô cùng to lớn. “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu, mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Trên mọi phương diện phụ nữ đều không thua kém đàn ông. Điều này đã được nhiều nhà khoa học nghiên cứu và kết luận từ chỉ số thông minh, chỉ số tình cảm đến chỉ số ứng xử. Người còn cho rằng: cả những công việc nặng nhọc như đi chặt gỗ, đi đắp đường chổ núi non hiểm trở chị em củng làm được. Chẳng những thế trong Tư tưởng Hồ Chí Minh còn cho thấy Người đánh giá rất cao năng lực của người phụ nữ. Đối với những cán bộ lãnh đạo quản lý, phụ nữ còn có những đức tính ưu thế hơn nam giới.
Trước hết phụ nữ vốn mang trong mình bản tính tốt đẹp là “hay lam hay làm”, nên phụ nữ thường biết chi tiêu đúng mức, không hoang phí, bừa bãi; cho nên phụ nữ là lực lượng biết thực hành tiết kiệm có hiệu quả. Người cho rằng phụ nữ: “không hay chè chén”, “ít tham ô, lảng phí”. Đây là một chuẩn mực hết sức quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của Đảng và Nhà nước ta hiện nay; nhất là trong thời kỳ chúng ta đang thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thực hành đấu tranh chống tham nhũng để làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước.
Phụ nữ còn là biểu tượng của nền văn minh. Chính Ăng Ghen đã từng khẳng định rằng: “ Trình độ giải phóng phụ nữ là thước do trình độ văn minh và phát triển của xã hội”. Do cấu tạo tự nhiên, phụ nữ thường được coi là “lực lượng chân yếu tay mềm”. Phụ nữ thường không ưa “đao to, búa lớn”, không thích căng thẳng, nặng nề. Đây là tư chất quý để khi điều hành, quản lý dễ đạt  đến thuyết phục và hiệu quả. Trong xử lý công việc, Hồ Chí Minh vẫn thường khuyên cán bộ nên giải quyết sao cho vừa có lý, có tình. Nhưng để đạt được điều đó đòi hỏi người cán bộ phải xử lý mọi việc nhuần nhuyễn; biết cương, biết nhu đúng lúc. Về điều này Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng cán bộ nữ “ít hóng hách, mệnh lệnh” hơn nam giới. Đây là đặc tính quý để chúng ta xây dựng và phát huy tốt nhất sức mạnh của khối Đại đoàn kết toàn dân, thực hiện rộng rãi Quy chế dân chủ trong khắp cả nước.
Trong những năm đổi mới vừa qua, phụ nữ nước ta ngày càng có vị trí xứng đáng nhờ có sự đổi mới trong nhận thức và sự nổ lực phấn đấu của chị em. Nếu như trong cơ cấu đại biểu Quốc hội khoá IX phụ nữ chỉ chiếm 18,48%, thì Quốc hội khoá X đã có 26%.Ở tỉnh ta hoạt động trong phong trào phụ nữ được Đảng, Nhà nước cũng như các cấp uỷ, chính quyền địa phương đánh giá cao. Nhiều chị em đã phấn đấu tốt, đảm nhiệm các chức vụ cao trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể. Nhiều phong trào của phụ nữ triển khai có hiệu quả. Chính vì vậy mà nhiều năm liền phụ nữ Hà Tĩnh được Trung ương tặng cờ thi đua xuất sắc, năm 2000 được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba...Tuy vậy theo Tư tưởng Hồ Chí Minh thì “nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến hẹp hòi. Như vậy là rất sai”. Trong nhiệm kỳ cấp uỷ 2001-2005, Tỉnh uỷ viên là nữ chỉ chiếm 8,5%; Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XIV của tỉnh, đại biểu nữ chỉ chiếm 18,3%, đặc biệt ở nhiều xã miền núi số đại biểu này chỉ chiếm xấp xỉ 2%...Từ rất lâu Người nhắc nhở rằng: “cán bộ nữ ít như vậy là một thiếu sót”. Để có được đội ngũ cán bộ nữ đông đảo và vững mạnh hơn thì các tổ chức phải quan tâm xây dựng, Đảng cần có chủ trương và chính sách phù hợp, “đặc biệt phải chú ý cân nhắc cán bộ nữ vào các cơ quan lãnh đạo, nhất là các ngành hoạt động thích hợp với phụ nữ”. Song điều đó chưa đủ, bản thân chị em phụ nữ phải ra sức phấn đấu để tự khẳng định mình. Người nói: “Phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải tranh đấu” làm cho mọi người nhận thức được “phụ nữ cũng là người chủ nước nhà”, “ nhận rõ địa vị người làm chủ và nhiệm vụ người làm chủ”. Thấy địa vị làm chủ để phấn đấu vươn lên trong học tập, công tác, “để kịp nam giới, để xứng đáng với mình”. Thấy được nhiệm vụ người làm chủ để tham gia mọi lĩnh vực hoạt động, tham gia bộ máy Đảng và Nhà nước. Để đáp ứng mong muốn của Người dĩ nhiên không đơn giản. Trước hết chị em phụ nữ phải biết sắp xếp tốt công việc chung, riêng; vượt qua được chính mình; “cố gắng học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hoá và kỷ thuật để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân” như Người hằng mong muốn./.
                                                     Trần Quang Trung
                                          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét