Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Nguyễn Công Trứ với việc xây dựng làng, ấp

NGUYỄN CÔNG TRỨ VỚI VIỆC XÂY DƯNG LÀNG, ẤP

        Đầu thế kỷ XIX, trong số những người đi tiên phong xây dựng làng, ấp mới phải kể đến Nguyễn Công Trứ- một con người tâm huyết , trí tuệ. Tên tuổi ông mãi mãi gắn bó với chiến công khai hoang, mở mang bờ cõi, xây dựng làng, ấp mới. Trong sự nghiệp ấy, ông chẳng những lo được cái lo của dân mà còn tính được cả những điều người dân cần tính. Từ đó ông đã cùng với những người dân" chân lấm tay bùn" xây dựng thêm được những vùng quê giúp cho dân thực sự " an cư để lạc nghiệp".
        Là một đơn vị hành chính mới, Nguyễn Công Trứ đã nghĩ đến việc đầu tiên là định lượng  đơn vị dân cư phù hợp với việc tổ chức quản lý của dân. Theo ông, cứ 600 mẫu đất cùng với 50 đinh được lập một làng; 400 mẫu đất cùng 30 đinh được lập một ấp và cứ 200 mẫu đất với 15 đinh được lập một trại. Ông cho rằng làng, ấp, trại là những đơn vị dân cư bền chặt gắn bó với nhau trong một điều kiện sinh sống tương đồng. Bởi vậy lo tính cho cho sự tồn tại của một làng, chẳng những phải lo về mặt hành chính, kinh tế mà còn phải lo về mặt văn hoá xã hội. Ông đã không hề bỏ qua những quy hoạch hết sức thiết yếu trong một vùng dân cư. Làng của Nguyễn Công Trứ được hoạch định rõ những khu vực sinh hoạt vật chất, tinh thần. Xuất phát từ nhu cầu con người, làng của ông có khu vực xây cất nhà ở, xây đình, chùa, nhà thờ họ. Ông còn quy  định giành đất làm bãi tha ma, khu xây dựng trường học, bãi chăn trâu, bãi đá bóng.v.v..
         Một làng dân cư nông nghiệp bao giờ cũng khác hẳn những khu dân cư của công nghiệp lớn. Do phương thức sản xuất của mình tạo nên, những người tiểu nông thường ít chịu dừng lại trưởctước chỉ giới cuối cùng của mảnh vườn, thửa ruộng.
         Để tránh sự xâm canh, lấn chiếm bờ cõi của nhau, ông đã phân chia ô, vùng theo kiểu bàn cờ. Giữa nhà này nhà nọ ông cho đào mương thẳng tắp. Điều này vừa giải quyết được việc thoát nước, hợp vệ sinh vừa triệt tiêu điều kiện cơ bản nhất luôn làm nẩy sinh những yếu tố mất đoàn kết giữa các hộ ggia đình dân cư với nhau. Nhờ đó công cuộc khai hoang mở vùng kinh tế mới đầu thế kỷ XIX thu được thành công, được xem như " một trong những thời kỳ khai hoang lớn nhất của dân tộc ta kể từ sau thế kỷ XV" . Nhân dân an tâm lập nghiệp ở vùng kinh tế mới mà không hề phải lo tính đến việc trở về chốn cũ.
         Giờ đây sau gần ha thế kỷ, chúng ta đang xây dựng làng xã trong trình độ mới. Mặc dù đã có nhiều chính sách và quy định hết sức chặt chẽ của Nhà nước được ban hành nhưng không ít nơi vẫn nẩy sinh những vấn đề, những xích mích, đụng độ với nhau. Ngay cả chốn thị, thành, việc tổ chức các khu dân cư cũng không ít  những vấn đề đang được mọi người phân vân lo lắng. Thiết nghĩ những điều quan trọng trong việc xây dựng làng, ấp, trại của Nguyễn Công Trứ vẫn còn là những bài học bổ ích. Trước hết nó làm sáng tỏ những vấn đề then chốt cho những người quản lý Nhà nước thực sự có tâm huyết, để xây dựng những làng quê, trấn, kỵ thuận hoà, văn minh, hạnh phúc cho dân./.

                                                                   Trần Quang Trung
                                                             Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ
                                                           Báo Hà Tĩnh  8 / 7 / 1995

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét