Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Nguyễn Huy Oánh một nhà giáo đa tài

NGUYỄN HUY OÁNH MỘT NHÀ GIÁO ĐA TÀI

     Mỗi người đều có nơi chôn nhau cắt rốn của mình, nhưng trở lại làm rạng danh cho xứ sở quê hương không phải mấy ai làm được. Nguyễn Huy Oánh nằm trong số hiếm hoi ấy.
      Nguyễn Huy Oánh sinh ngày 17-9-1913 (năm Quý Tỵ, hiệu Vĩnh Thụy thứ 9 tại làng Tràng Lưu, xã Lai Thạch, huyện La Sơn; nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Làng Trường Lưu quê ông được xem là một vùng “địa linh, nhân kiệt”, một trong những cái nôi của “Văn phái Hồng Sơn”. Dòng họ Nguyễn Huy của ông xưa nay vẫn giữ được sự lưu truyền rạng danh cho con cháu. Cuộc đời và sự nghiệp của ông mãi mãi là tấm gương và ngọn đèn toả sáng cho các thế hệ mai sau, bởi chính ông là một nhà giáo đa tài.
      19 tuổi đầu Nguyễn Huy Oánh đã đỗ đầu kỳ thi Hương tại trường thi Nghệ An. 35 tuổi đỗ kỳ thi Hội rồi đỗ đầu kỳ thi Đình: tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh (Đình nguyên Thám Hoa). Ông được bổ làm Hàn lâm viện chí, từng được thăng Đông các đại học sĩ, làm giám khảo kỳ thi Hội, sau đó được điều về kinh làm nội giảng kiêm tư nghiệp Quốc Tử giám... .
      Nguyễn Huy Oánh trước hết là một Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo, dày đức hy sinh và thành đạt. Ông là bậc hiền triết thông tuệ, vì thế khi  lập ra Thạc Đình học hiệu thì lập tức trong nam ngoài Bắc, kể cả ở đất Kinh kỳ, các sĩ tử kéo nhau về trường ông để học. Ông đã từng dạy cho chúa Trịnh Sâm và vua Lê Dục Tông thủa thiếu thời. Học trò của ông ngoài những người đã thành vua, thành chúa, đã có 30 người đỗ tiến sĩ, hàng trăm người đỗ tú tài cử nhân. Nhiều người đã để lại tiếng thơm trong sử sách nước nhà. Để phục vụ việc dạy học ông còn lập ra Phúc Giang thư viện với hàng ngàn pho sách có giá trị. Ba mươi lăm năm sau ngày ông mất, triều đình nhà Nguyễn vẫn sắc phong cho ông là “Phúc Giang thư viện uyên bác chi thần”(Vị thần uyên bác của thư viện Phúc Giang). Có thể nói thư viện thờ một vị thần học vấn là một việc làm hiếm có trong lịch sử Việt Nam. Để có được sách Nguyễn Huy Oánh còn chăm lo làm cơ sở in ấn mà ngày nay còn lưu giữ hơn 200 bản khắc gỗ của ông. Nguyễn Huy Oánh cũng là người xây dựng sớm chế độ học điền. Ông đã bỏ tiền ra tậu gần 20 mẫu ruộng loại tốt để khuyến khích con em trò giỏi theo đòi khoa cử, học hành đỗ đạt. Bởi thế học trò của ông đã kính trọng và quý ông như phu tử; triều đình xem ông là bậc “Lấy văn trồng người mở kế trăm năm”. Với những nổ lực của Nguyễn Huy Oánh, Tràng Lưu quê hương ông đã trở thành một làng khoa bảng, làng quan và là một trung tâm học vấn lúc bấy giờ.
        Biết về nhà giáo Nguyễn Huy Oánh chúng ta không thể không nói đến ông còn là một Nhà văn hoá, Nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực. Ông am hiểu sâu sắc cả Nho, thơ, văn, y, sử, địa...Trong kho sách đồ sộ của ông để lại cho hậu thế đã có hơn 40 trước tác có giá trị, tiêu biểu trên các lĩnh vực. Giáo dục có: Sơ học chỉ nam; giáo dục giới tính có: Huấn nữ tử ca; Văn hoá du lịch đối ngoại có: Bắc di tập lãm; Thơ có: Thạc Đình di cảo; Lịch sử có: Quốc sử toản yếu; Y học có: Dược tính ca quát... Nguyễn Huy Oánh cũng là người khởi xướng từ rất sớm ý tưởng và thực hành xây dựng mô hình Làng văn hoá. Thông thường người ta về hưu thì tính chuyện nghỉ ngơi, thư giản; ngược lại ông xin về hưu để chăm lo xây dựng quê hương bản quán. Ông đã bỏ nhiều công sức và xây dựng thành công ngôi làng của mình ở Trường Lưu với tám cảnh đẹp. Trong làng của ông có có chợ Quan, núi Phượng, chùa Hân, kho Nghĩa, miếu cổ, hồ sen, trang hoa, giếng Thục. Với Trường Lưu bát cảnh, làng của ông trở thành làng văn hoá vào loại bậc nhất xứ Nghệ cuối thế kỷ XVIII.
     Không chỉ là Nhà giáo, Nhà văn hoá, Nguyễn Huy Oánh còn là một Nhà ngoại giáo có tài ứng đối. Với uy tín và tài năng của mình, ông đã được triều đình ban hàm Tam phẩm đón tiếp sứ Thanh năm 1761 và chỉ sau mấy năm ông đã được cử sang làm Chánh sứ ở nhà Thanh (Trung Hoa). Chặng đường đi sứ Thanh còn được ông để lại qua nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Hoàng hoa sứ trình đồ; Phụng sứ yên kinh Tổng ca. Với hơn 120 bài thơ, trong đó có 470 câu lục bát phần đầu tập Tổng ca là nhật ký hành trình đi sứ của ông. Nó không chỉ là sự ghi lại cảm nhận những địa danh vừa xa xôi vừa đẹp đẽ của những vùng đất khách tác giả vừa đặt chân qua, mà ông còn có ý thức rõ ràng muốn ghi lại để tặng cho các bạn đồng niên thêm hiểu biết về Trung Quốc.
      Nói đến Nguyễn Huy Oánh, hậu thế vẫn không quên ông đã từng cùng các tướng lĩnh cầm quân dẹp phá Bàu Giang (căn cứ của Nguyễn Hữu Cầu); tham gia đánh dẹp nhiều vùng nổi loạn chống triều đình. Ông là một bậc hiền tài trung quân, văn võ song toàn. Theo ông một nhà Nho chân chính, trước hết phải có tấm lòng trung thành với Vua, với nước. Vua cần người làm tướng, nhà Nho phải biết làm tướng. Vì vậy nhà Nho vừa phải mài dũa văn chương, vừa phải luyện tập võ nghệ, nhưng không vì mưu đồ phú quý mà để:
              “Đeo đuổi một nổi niềm ái quốc, trung quân.
                     Đâu dám mưu cầu điền địa, cửa nhà”
       Dẫu chưa có điều kiện để tìm hiểu nhiều những kiến thức, tư duy về y học , lịch sử, địa lý, kinh tế... của ông, nhưng những điều trên đây cho thấy Nguyễn Huy Oánh là một Nhà nho, Nhà Giáo đa tài. Cái quý ngàn lần của ông là để lại cho hậu thế di sản vô giá về một quan niệm sống, một phong cách nhà giáo mẫu mực hết mình vì sự nghiệp. Ngẫm về ông, nhìn vào tấm gương ông; mỗi nhà giáo hôm nay chắc không nỡ nào không góp thêm chút sinh lực cho “Cuộc vận động Hai không” với 4 nội dung của Bộ Giáo dục- Đào tạo tiến về bến thành công./.

                                                                                     Trần Quang Trung
                                                                                             2003

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét