Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

Kỷ niệm 500 năm ngày mất Danh nhân Văn hoá Trần Dực (4/1512 – 4/2012)
                                  
         Trần Dực - Danh thơm toả ngát muôn đời

      Con người Hà Tĩnh xưa nay vẫn nổi tiếng cần cù vượt khó thành đạt, song từ một người đi ở, thi đỗ tiến sĩ, được triều đình bổ làm quan to trở thành Danh nhân Văn hoá làm rạng danh vùng đất Hồng Lam thì quả là đáng kính muôn đời .
     Theo gia phả dòng họ thì Trần Dực được sinh ra trong một gia đình nghèo thuộc hạng bạch đinh ở đất Ngãi Lăng, huyện La Sơn xưa, (nay là Thị trấn Đức thọ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Lớn lên trong một gia đình đông con, không có điều kiện được đi học như những con em các gia đình bình thường khác, Trần Dực phải kiếm sống bằng việc đi ở làm thuê, chăn trâu, cắt cỏ cho người giàu. Vốn người thông minh, ham học hỏi, hàng ngày dù phải làm việc lam lũ nhưng anh vẫn tranh thủ mượn sách vở bạn bè để chăm chú học bài. Bà con làng xóm thương yêu một con người hiếu học nên nhiều người đã giúp anh hạt gạo, bát cơm. Chính trong sự yêu thương đó mà anh càng thêm quyết tâm tích luỹ kiến thức, càng học càng sáng dạ. Hơn 30 tuổi sau những lần dự thi tứ trường, khảo hạch của quan lại địa phương thành công; anh bước vào thi Hương với một ý chí thầm lặng. Anh xin dự thi và gồng gánh phục vụ đi cùng con một thầy đồ gia chủ vào trường thi, vì là cơ hội để anh thử sức vốn hiểu biết ban đầu. Trong kỳ thi ấy Trần Dực đã đỗ đầu kỳ thi Hương cống. Đây là một mốc dấu quan trọng của cuộc đời để thúc dục anh tiến bước xa hơn. Biết tin anh trở thành Hương cống xuất sắc, thầy đồ nhận giúp đỡ kèm cặp việc học của anh, giúp anh có thể tiến xa hơn. Sử cũ còn chép lại: trên đường tới trường thi Hội, anh phải thay áo, thay tên làm quen và tận tình phục vụ cho một thí sinh giàu có, lấy đó làm chổ nương thân. Vào trường thi anh lo dọn chổ dựng lều bạt cho thí sinh nhà giàu, xong đâu đó mới trở về tìm chổ dựng lều thi cho mình. Kết quả kỳ thi Hội, khoa Nhâm tuất (năm 1502 Niên hiệu Cảnh Thống đời Lê Hiến Tông) anh đỗ Đệ Nhị giáp Tiến sĩ ở độ tuổi 37. Bạn thi sau khi biết tin tìm về bái tạ và chính từ đây con đường mới của Trần Dực bắt đầu toả sáng. Sau đó Trần Dực còn được dự kỳ thi Đông Các, kỳ thi của Triều đình nhằm việc chọn người tài để sữa chữa văn bản cho Nhà Vua trước khi ban hành. Ở kỳ thi này Trần Dực được đứng thứ ba sau Đông Các Đại học sĩ và Đông Các Học sĩ. Anh được phong danh hiệu Đông Các hiệu thư. Đã có lần nhà vua yêu cầu các đại thần đến hoạ thơ bằng tiếng Việt và chỉ có Đông Các Hiệu thư Trần Dực là hoạ hợp cách, nên được Vua ban thưởng... Với tài năng và nghị lực của mình Trần Dực được bổ làm quan tới chức Tả thị lang Bộ Hộ (Phụ trách nhiều phần công việc như Thứ trưởng Bộ Tài chính ngày nay) kiêm Đông Các Hiệu thư
       Có một điều rất may mắn là Trần Dực được lớn lên trong bối cảnh đất nước trọng dụng thực tài. Dưới ảnh hưởng tích cực của Nho giáo thời Minh: “Cả thiên hạ là một nhà”(1). Với quan điểm “Hiền tài là nguyên khí Quốc gia”, triều đại vua Lê có nhiều chủ trương tích cực trong giáo dục và khoa cử. Nhà nước chấn chỉnh lại việc thi cử: các quan địa phương cử người đi thi phải qua Khảo hạch ở địa phương; Trường thi rộng xét thực tài; Con em bất kể giàu nghèo, tuổi tác, nếu đủ tài đức đều được dự thi và làm quan. Quan coi thi, chấm thi nếu có con cháu đi thi phải loại bỏ; Trường thi được chia 8 ô, giữa trung tâm gành cho Giám thị trường thi; thí sinh có cửa vào dự thi và cửa ra khi hoàn thành việc làm bài, có giám thị trường thi chặt chẽ. Nhà nước chủ trương xây Điện Đại thành ở Văn miếu (có giảng đường Đông-Tây, nhà bia, phòng học của học sinh), dựng bia tiến sĩ ở Văn miếu Quốc Tử Giám để nêu gương người tài... Trần Dực đã thành danh trong môi trường như thế. Đỗ đạt làm quan ông không quên về nơi chôn nhau cắt rốn, bắc cầu Khóng (cầu Thị Lang) ở quê khơi thông khe nước cho đời sau làm ruộng được thuân lợi; để lại ngày nay:
                              “Qua lại, người người lòng ngẫm nghĩ
                                   Nhìn bia, nhớ kẻ đã qua đời” (2)
          Sách Đại Việt sử ký toàn thư - Bản kỷ - quyển XV còn chép lại rằng: mùa hè, tháng tư, năm 1512, ở Nghệ An có bọn Lê Hy, Trịnh Hưng, Lê Minh làm phiến loạn, Vua sai Khang quận công Trần Nghi và Đông Các Hiệu Thư Trần Dực dẫn thuyền đến Cửa Hội dẹp giặc. Do thế giặc quá mạnh ông phải cho thuyền ra khơi lánh nạn, không may gặp giông tố lớn làm đắm thuyền, ông hy sinh cùng đồng đội ở độ tuổi 47 tràn trề sinh lực.
      500 năm trôi qua, con cháu quê hương ông nhiều người đã ra đi làm nên cơ nghiệp lớn rạng danh vùng đất “gạo trắng nước trong”. Nay quê hương đang trên đường đổi mới vẫn đang rất cần những con người đầy nghị lực và trí tuệ. Bởi thế, cứ mỗi lần nhìn về tấm bia Tiến sĩ Trần Dực nơi Văn miếu Quốc Tử Giám thì hình bóng của ông vẫn hiện lên như một tấm gương đẹp mà tiếng thơm toả ngát muôn đời./.                                                              
                                                                          Trần Quang Trung
                                                                                               
(1) Xem Văn miếu Quốc Tử Giám. Hà Nội 1998. trang 20
(2) Xem Phong Thổ ký các huyện tỉnh Hà Tĩnh. Sở VHTT Hà Tĩnh 2001. trang 22

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét