Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Lý Tự Trọng

CUỘC ĐỜI HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA LÝ TỰ TRỌNG


        Dưới chế độ thực dân, phong kiến, nhân dân ta vô cùng khổ cực. Biết bao người dân lương thiện đã phải từ giã quê hương phiêu bạt khắp nơi kiếm sống. Vùng Đông Bắc Thái Lan là một trong những nơi có nhiều Việt kiều từ các tỉnh Nhệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... đến đây cư trú làm ăn. Lê Trọng (tức Lý Tự Trọng ) đã sinh ra từ đó.
        Thân phụ Lý Tự Trọng là cụ Lê Khoan ( tức Lê Hữu Đạt) quê gốc Việt Xuyên, Thạch Hà , Hà Tĩnh. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Sờm, một Việt kiều quê ở Ốc Nhiêu (nay thuộc xã Trung Lộc), Can Lộc, Hà Tĩnh.
         Gia đình cụ Lê Khoan sinh được 7 người con đó là: Lê Trọng, Lê Đại, Lê Thị Quý, Lê Anh, Lê Lợi, Lê Thị Sáu và Lê Thị Bảy. Cuộc sống khổ cực của người dân xa quê luôn luôn là nguồn lực thúc đẩy gia đình Lý Tự Trọng hướng về quê hương, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước. Gia đình Lý Tự Trọng là một trong những cơ sở cách mạng, nơi tụ họp đàm đạo của những người yêu nước Việt Nam khi qua Thái Lan. Lý Tự Trọng vốn khoẻ mạnh, thông minh, lanh lợi, vui vẻ và không thích chiều chuộng. Sau  hai năm học tiếng quốc ngữ trong bản ở Thái Lan, Trọng đã đọc thông viết thạo. Bố mẹ cho anh theo học tiếp 3 năm trong một trường Hoa Kiều ở Xiêm, anh là một học sinh xuất sắc. Với vốn hiểu biết cơ bản ấy, Trọng có thể xem truyện, đọc sách báo, nghe các bậc đàn anh kể  về gương các bậc tiền bối đã từng hy sinh cứu nước. Lý Tự Trọng sớm xác định cho mình một ý chí tự lập, một quyết tâm tiếp bước cha anh.
        Được đoàn thể dẫn dắt và Nguyễn Ái Quốc đỡ đầu, Lý Tự Trọng vào học Trường Đại học Tôn Trung Sơn ở Trung Quốc. Tại đây anh rất vui khi được học tập và rèn luyện bên cạnh những nhà yêu nước cùng chung chí lớn. Mặc dầu với vóc người nhỏ nhắn (được cán bộ nhà trường và anh em quen gọi là “ Trọng con”) song Lý Tự Trọng tỏ ra là một người cần mẫn, chăm học, chăm làm, có năng khiếu ngoại ngữ. Anh nói viết giỏi tiếng Thái, tiếng Trung Quốc và tiếng Anh. Nhờ đó , anh có điều kiện để tiếp xúc, trao đổi với nhiều lớp người và làm tốt mọi nhiệm vụ của đoàn thể giao cho.
        Mùa hè năm 1929, khi được về nước hoạt động, anh rất xông xáo và tích cực, vừa gây dựng cơ sở trong thanh niên vừa làm liên lạc giữa Trung ương với Xứ uỷ cũng như giữa Đảng ta với các nước trên thế giới. Anh thường xuyên than gia các hoạt động như rải truyền đơn, tuyên truyền, dự mít tin kêu gọi nhan dân đấu tranh. Mùa xuân 1931, Lý Tự Trọng đã sa vào tay địch sau khi anh bắn chết tên thanh tra mật thám Pháp. Cuộc chiến đấu của anh bước sang một hoàn cảnh mới- sinh mạng nằm trong tay kẻ thù, một lần nữa khí phách người thanh niên cộng sản Lý Tự Trọng lại ngời sáng hơn bao giờ hết.. Hàng ngày trong xà lim án chém anh vẫn chuyên cần tập thể dục, đọc truyện Kiều, để nâng cao thể lực và trí lực. Qua những lần kể địch tra tấn, người ta luôn thấy ở đôi mắt anh lúc nào cũng “ toả ra một thứ hào quang rực lửa căm thù”. Trước mặt kẻ thù anh khẳng định: Tôi còn nhỏ tuổi, nhưng trí khôn của tôi đủ để tôi hiểu rằng: "Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng mà không thể có con đường nào khác". Không tra tấn doạ nạt được anh, chúng chuyển sang dụ dỗ, hứa hảo, mua chuộc anh: nào là vợ đẹp con khôn, nhà cao cửa rộng.v.v.. Lý Tự Trọng đã chửi thẳng vào mặt kẻ thù: “ Ta sinh ra không phải để ăn các thứ cơm ấy". Gần Ba trăm ngày đêm chịu đựng những đòn roi thử thách; kẻ địch không một mảy may nào khai thác được ở anh những bí mật của tổ chức cách mạng; song có một điều mà bọn chúng hiểu rất rõ về anh: “ một con người gang thép”, một cậu bé : “có đầu óc vĩ đại”. Phẫn nộ điên cuồng đối với người chiến sĩ trẻ, kẻ thù buộc phải đưa anh ra xử án. Toà Thống đốc Nam Kỳ đã ra thông cáo của chính phủ về việc xử án Lý Tự Trọng. Phiên toà đại hình ngày 15-4-1931 có lính tây thuộc trung đoàn 11 RIC gác từ ngoài cổng vào tận cầu thang. Nhiều báo chí hồi bấy giờ đã tường thuật vụ án, có báo còn đăng cả ký hoạ chân dung Lý Tự Trọng lên trang nhất. Báo Anh Pac-xi-an ngày16-4-1931 viết: “ Tất cả sự huy động binh lực này là để tôn vinh dự của nhân vật lớn là Huy (tức Lý Tự Trọng).
          Lý Tự Trọng chấp nhận cái chết một cách thanh thản. Anh ung dung bước lên máy chém miệng hô vang những khẩu hiệu và hát bài quốc tế ca để vĩnh biệt đồng chí, đồng bào thân yêu.
         Khi kẻ thù đã cướp đi cuộc đời quá ngắn ngủi của Lý Tự Trọng, nhưng chúng không thể giết chết được Lý tưởng của anh. Tổ chức Đảng lúc đó đã kêu gọi mọi người hướng về anh- một con người tận tâm với sự nghiệp, “ Không giờ nào, phút nào rung động ngã trí quyết tâm theo con đường giải phóng chúng ta đến cùng”.
        Ngày nay trước những bước chuyển lớn của thời đại, của sự nghiệp cách mạng; tuổi trẻ chúng ta đứng trước biết bao thử thách đối với lý tưởng, ý chí và cả cuộc sống đời thường. Chúng ta càng tự hào ngưỡng mộ những giá trị lớn lao về tấm gương chiến đấu hy sinh của người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi ngày đầu thời đại mới. Tấm gương đã minh chứng cho một chân lý bình dị: “Giá trị con người không phải đợi số năm đã sống”.

                                                                   Trần Quang Trung
                                                             
                                                          Báo Hà Tĩnh 18 / 10 / 1994

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét