Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

Tư tưởng chính trị cội nguồn, nền tảng của đạo đức, lối sống
   
    Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ Tư của Đảng đã và đang được triển khai sâu rộng. Quan tâm đầy đủ hơn mối quan hệ giữa Tư tưởng chính trị với đạo đức, lối sống sẽ giúp chúng ta nhìn nhận đúng và khắc phục có hiệu quả vấn đề suy thoái cấp bách trong Đảng hiện nay.
     Theo Đại từ điển tiếng Việt(1) thì có thể hiểu rằng: Tư tưởng chính trị (TTCT) là quan điểm, ý nghĩ, suy nghĩ, niềm tin của con người vào lý tưởng, mục tiêu định hướng, sự lãnh đạo, điều hành của một chính đảng, nhà nước của giai cấp. Suy thoái TTCT trong cán bộ, đảng viên có thể hiểu cái căn bản là sự sa sút, giảm dần niềm tin, ý chí phấn đấu cho lý tưởng mục tiêu của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà mình đã từng chấp nhận. Dù ở mức độ nào, sự suy thoái đó phải được bộc lộ trong thực tiễn dưới các dạng khác nhau. Trong khi triển khai Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị thể hiện ở chỗ: phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, dao động, thiếu niềm tin, sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức sai, quan điểm lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng”(2). Như vậy có thể hiểu vắn tắt suy thoái TTCT là không còn giữ được mức độ niềm tin lý tưởng, ý chí phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng như lúc ban đầu. Đây chính là nguồn gốc sâu xa của việc biến đổi về quan niệm, hành vi đạo đức, lối sống hàng ngày. Trong kháng chiến với niềm tin và ý chí chiến thắng, chúng ta đã: "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ"(3). Lúc đó mỗi người đều thấy có trách nhiệm và vinh dự khi được ra trận, sẵn sàng được hy sinh thay cho đồng đội. "Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác"(4). "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù
(5).v.v.
.... Bước vào sự nghiệp đổi mới, mục tiêu lý tưởng của chúng ta là phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam : "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Như vậy mục tiêu đặt lên hàng đầu cho mỗi cán bộ, đảng viên là phải phấn đấu vì dân, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, làm cho dân giàu lên trong đó có bản thân mình. Trong sự nghiệp ấy cần lắm những sự hy sinh một phần lợi ích cá nhân, bộ phận trong cán bộ, đảng viên vì sự phát triển của cộng đồng, làm gương cho quần chúng. Làm được như vậy chắc chắn Đảng ta ngày càng mạnh, dân ta ngày càng giàu có, niềm tin uy tín của Đảng ngày càng cao. Thế nhưng điều đáng tiếc là sau gần 30 năm đất nước đi vào công cuộc đổi mới; bên cạnh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa; chúng ta đã không tránh khỏi những sai lầm khuyết điểm. Trong đó điều đáng quan tâm là những yếu kém khuyết điểm trong Đảng. Một vấn đề trở nên cấp bách là sự suy thoái TTCT của "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp"(6). Có thể nói rằng chính sự suy thoái này đã kéo theo sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội. Từ chổ giảm niềm tin lý tưởng dẫn đến lệch lạc phương hướng, động lực phấn đấu; cán bộ đã chạy theo lợi ích cá nhân, lối sống thực dụng, chịu sự chi phối của đồng tiền, không dám xả thân, hy sinh lợi ích vì sự nghiệp; không kiên quyết giữ gìn và bảo vệ kỷ cương của Đảng, tranh thủ hưởng thụ, tìm cách khai thác chổ hở của luật pháp, thậm chí coi thường cả luật pháp, quay lưng với lợi ích cộng đồng, của sự nghiệp; tham nhũng, tham ô, hủ hóa, tham quyền, chạy chức, vi phạm pháp luật; không dám bảo vệ lẽ phải, thấy sai không dám đấu tranh, lo nghĩ làm giàu cho mình, cho lợi ích cục bộ... Nếu không hiểu được TTCT là cội nguồn của đạo đức lối sống thì mọi cuộc tự phê bình và phê bình dù nghiêm túc đến mấy cũng không thể tìm thấy mức độ suy thoái TTCT ở chính mình, ở trong tổ chức Đảng nơi mình đang hoạt động. Không thể nói một cán bộ, đảng viên vi phạm đạo đức lối sống, vi phạm luật pháp về những hành vi không phải đột xuất, vi phạm những điều đảng viên không được làm... lại vững vàng về lập trường TTCT. Cũng như không thể chỉ chăm lo uốn nắn về đạo đức lối sống mà thiếu quan tâm bồi dưỡng, sàng lọc, xem xét nghiêm khắc, nâng cao niềm tin lý tưởng cho cán bộ, đảng viên tạo sự đồng thuận trong xã hội. Trong khi tiến hành tự phê và phê bình trong Đảng có một thực tế mâu thuẩn là: thừa nhận tình trạng suy thoái TTCT trong Đảng nhưng không hề tìm thấy và chỉ ra ở bất cứ nơi đâu. Ai cũng xin nhận phần ngọn khuyết điểm trong chức trách nhiệm vụ, trình độ năng lực, phẩm chất, lối sống... nhưng không dám nhìn tới gốc rễ, không dám quy về mức độ suy thoái TTCT. Như thế chắc chắn sự vực dậy niềm tin lý tưởng trong Đảng sẽ trở nên chậm trễ, hiệu quả thấp và mức độ suy thoái càng thêm trầm trọng.
      Toàn Đảng đang triển khai thực hiện Nghị quyết trung ương 4, mong rằng góp thêm một suy nghĩ nhỏ về mối quan hệ giữa TTCT với đạo đức lối sống để việc thực hành xây dựng và chỉnh đốn Đảng có thêm hiệu quả mới./.
                                                                                        Trần Quang Trung
                                                                                               7 - 2012
Chú thích:
(1) Xem Đại từ điển tiếng Việt. Nxb văn hóa Thông tin. HN 1999. Trang 369 và trang 1757
(2) Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng Phát biểu khai mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức tại Hà Nội vào ngày 27-2-2012
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập. tập 3. Nxb Chính trị Quốc gia. Hà nội 2000. Trang 480
(4) Trích Lời của Lý Tự Trọng
(5) Trích lời của Lê Mã lương
(6) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Khóa XI. Trang 22

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét