Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

Tìm gặp người con của Tổng Bí thư Hà Huy Tập

          TÌM GẶP NGƯỜI CON CỦA TỔNG BÍ THƯ
                                      HÀ HUY TẬP

I-                   BUỔI GẶP GỠ BAN ĐẦU

        Thật may mắn cho tôi, ngay trong dịp chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng bí thư Hà Huy Tập; Trung ương Hội khoa học Lịch sử Việt Nam triệu tập các thành viên về Thành phố Hồ Chí Minh để kỷ niệm 40 năm thành lập Hội và dự hội nghị Ban chấp hành khóa V (lần thứ 2). Đây là dịp vô cùng thuận lợi để tôi thực hiện được ý định tìm gặp người con của Tổng bí thư Hà Huy Tập. Được lãnh đạo tỉnh đồng tình ủng hộ, tôi vui vẻ lên đường vào một ngày đẹp trời cuối tháng 3 năm 2006. Bước xuống sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, giữa chốn đô thành nhộn nhịp và đông đúc với địa chỉ đơn giản trong tay, nhưng để tranh thủ thời gian trước họp, tôi quyết định đi tìm gặp bà Hồng. Một lần nữa tôi lại được phù trợ thuận lợi: sau khi tôi trao đổi nhanh ý định đi gặp bà Hồng, Cục quản trị Trung ương T78 đã bố trí cho tôi chiếc xe sang trọng như muốn giúp tôi thực hiện công việc được trôi chảy hơn. Được giao nhiệm vụ đồng chí lại xe nhiệt tình thật sự: “anh chờ em chút xíu để hỏi đường, địa chỉ này em nhớ không rành nó ở hướng nào”. Vì có xin phép trước nên tôi càng sốt ruột, phần sợ trễ gìơ hẹn, phần muốn gặp được càng đông người càng tốt trong khi bà Hồng cho hay: nhà tôi thường vắng người, chỉ có mình tôi là thường xuyên có mặt chứ mấy đứa ít khi về họp đủ. Hồng Anh và Hồng Liên con gái tôi, người này về ca chiều, người khác lại đi ca đêm. Sau một hồi chen chúc nhau trên đường phố với tốc độ khoảng 6 km/giờ, chúng tôi cũng đã có mặt trước cổng nhà bà ở Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh trễ hẹn chừng vài chục phút. Chuông đổ, một bà cụ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn ra mở cửa mời khách vào, đó là bà Hà Thị Thúy Hồng người con gái duy nhất của cố Tổng bí thư Hà Huy Tập. Sau khi tôi tự giới thiệu và xin được thưa câu chuyện, bà Hồng vui vẻ nhưng đã giới hạn ngay từ đầu: “ tôi thật sự có ít hiểu biết và không có tư liệu, di vật nào của ba tôi để lại”. Thấy bà không được khỏe, tôi thưa luôn: Không sao bác ạ, bác cho con hỏi thăm sức khỏe thôi, không làm tư liệu gì cả. Bà Hồng tỏ ra thông cảm khi biết tôi vừa đi qua chặng đường hơn ngàn cây số tới đây. Bà kể: năm tôi còn rất bé (còn nằm trong bụng má tôi) thì ba tôi đã đi hoạt động. Tôi chưa được gặp ba thì ba tôi đã đi xa, rồi má tôi cũng đi xa. Tôi không có nhiều những hiểu biết về ba tôi, cũng như không còn được cất giữ một kỷ vật nào của ba nữa. Tôi lớn lên được đi học rồi tốt nghiệp Diplome trường Pháp (tương đương với cấp II hiện nay) nhưng lúc bấy giờ còn hiếm và học có kiến thức thực sự. Sau đó tôi theo nghề dạy học cho đến khi nghỉ hưu cách đây cũng đã gần vài chục năm rồi. Năm nay tôi đã 78 tuổi, không tham gia hoạt động được nữa.
       Lâu lắm chắc bác chưa có dịp về thăm Hà Tĩnh, kỳ này muốn mời bác về thăm quê ít hôm có được không ạ ? - tôi thưa.
       Bà Hồng nói rằng: nay ở quê tôi có quen biết ai đâu, tôi chưa về lần nào. Trước đây lãnh đạo tỉnh có đến thăm, nhưng lâu lắm rồi tôi không nhớ nữa. Gần đây có một số anh, chị em đến, có cả những người đến tìm tư liệu nữa nhưng không có gì.
      Vậy lần này bác về làm khách Tỉnh ủy có dược không ạ - tôi thưa.
       Bà Hồng nói: nay tôi  tuổi đã cao, huyết áp cao có lẽ không đi được, thuốc để cả phòng trên, phòng dưới khi cần có mà dùng. Tôi nhanh chóng mở cặp và xin phép có chút quà của lãnh đạo tỉnh gửi thăm sức khỏe bác, kỳ này các anh bận, có lẽ dịp khác sẽ đến thăm. Bà Hồng ái ngại từ chối, tôi vội vàng thưa: đây là việc tỉnh giao đưa tận tay bác chứ có phải của con đâu ạ. Bà Hồng lặng lẽ và cầm lại. Tôi vội điện ngay cho đồng chí Phó bí thư Thường trực để báo tin công việc đã hoàn thành. Đầu bên kia là đồng chí Phó bí thư, tôi đưa máy cho bà. Nhìn bà chăm chú tiếp chuyện lãnh đạo tỉnh, tôi nghĩ như phần nào bà đã thông cảm hơn. Đang dịp thuận lợi tôi ngỏ ý muốn xin bà kiểu ảnh mọi người trong gia đình. Bác cười: chúng nó thế đấy, không thích chụp hình và cho hình. Anh chụp hình tôi thì được. Tôi nhanh chóng chớp lấy tấm ảnh bà Hồng đang xem tờ báo Hà Tĩnh như sợ chậm thời cơ sẽ qua mất. Vừa hỏi chuyện bà Hồng tôi vừa quan sát căn nhà giản dị, đồ đạc khá đơn giản, có phần trống trải. Trời về chiều, ý định tìm gặp bà Hồng đã được thực hiện, tôi tính chuyện rút lui để khỏi làm ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt của bà. Chị Hồng Anh sau khi bưng chén nước mời khách đã rút lui từ lâu. Chị Hồng Liên xuống cầu thang dắt xe đi làm, tôi chào và chị nở một nụ cười chào lại rồi đi.

II-                 BIẾT THÊM VỀ GIA ĐÌNH BÀ HÀ THỊ THÚY HỒNG

      Bà Hà Thị Thúy Hồng là con gái duy nhất của Hà Huy Tập và Nguyễn Thị Giáo. Nhưng sau khi Hà Huy Tập bị bắt rồi hy sinh, bà Giáo phải lận đận đi thêm từng bước nữa. Bà mở trường dạy học, sự gắn bó với nghề đã giúp bà gặp gỡ và rồi sống tri kỷ với người chồng sau tên là Tạ Phước Lai tại Quận Phú Nhuận, Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh). Bà Hồng được sinh ra từ năm 1929, do có điều kiện của mẹ và người bố dượng, bà đã được học hành, thi đỗ và theo nghề dạy học. Sau cách mạng tháng Tám 1945, bà là giáo viên của Trường cấp 1 Chi Lăng, nay là Trường Tiểu học Cao Bá Quát số 92 đường Phan Đăng Lưu, Phường 5, Quận Phú Nhuận. Trong điều kiện Nhà trường gặp nhiều khó khăn lúc bấy giờ, bà đã xin nghỉ theo chế độ hưởng trợ cấp một lần vào năm 1987. Sau khi mẹ và người bố dượng qua đời, gia đình bà Hồng chuyển về sống ở ngôi nhà của bố mẹ để lại hiện nay. Chồng bà Hồng là ông Bùi Quang Hiên, nhiều hơn bà 6 tuổi. Ông cũng là người gắn bó với cách mạng, đã từng hoạt động trong chiến khu từ năm 1947. Về sau ông bị địch bắt và đưa đi tù ở nhà tù Côn Đảo trong suốt mười năm ròng. Năm 1965, ra tù ông Hiên trở về Thành phố hoạt động, làm công tại bể bơi Chi Lăng, rồi mất sau một thời gian nghỉ hưu ngắn ngủi. Bà Hồng cùng chồng sinh được ba người con gái là Hồng Anh, Hồng Vân và Hồng Liên. Năm 1988 ông Bùi Quang Hiên qua đời, Bà Hồng sống chung với hai người con là chị Hồng Anh và Hồng Liên. Cả hai tuy đã và đang bước sang tuổi Tri thiên mệnh, song đều chưa có gia đình riêng. Chị Hồng Anh nay làm việc ở Công ty xuất nhập khẩu Nông-Lâm -Thủy sản Thành phố còn chị Hồng Liên là công nhân, làm việc tại Xí nghiệp in Trần Phú Thành phố Hồ Chí Minh. Các chị sống kín đáo và nghị lực, riêng chị Hồng Liên gần như sáng nào cũng dậy sớm và thường đi bơi ở bể bơi Chi Lăng - nơi trước đây ông Hiên đã từng làm việc nhiều năm. Ngôi nhà 3 phòng giản dị trên mảnh đất khoảng 40 x 20m (gồm một bếp nhỏ, một phòng khách, một phòng gác dùng để ngủ và sân) tại số 45 đường Lam Sơn, khu phố 4, phường 5, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh. Đây là địa chỉ cư trú của ba mẹ con bà Hồng cùng bà con khối phố lâu nay. Sau khi nhận trọn gói chế độ trợ cấp hưu trí một lần, bà Hồng tham gia tích cực mọi hoạt động mà địa phương yêu cầu. Được biết bà đã từng tham gia nhiều tổ chức đoàn thể ở quận và ở phường như: Hội mẹ học sinh, sinh viên của quận đoàn, Hội mẹ truyền thống, Hội người cao tuổi, Mặt trận tổ quốc, Câu lạc bộ kháng chiến của Phường... Hình như để theo đuổi ý tưởng của thân sinh là ông Hà Huy Tập, bà sống vì mọi người. Ở địa phương người ta nói bà Hồng là người sống tốt bụng, thương người,  bà thường sẵn sàng giúp đỡ người nghèo, người gặp khó khăn. Có đồng tiền dành dụm được, ai cần bà cho vay, đã có người vay không trả, bà cười: biết làm sao vậy. Ngay cả khoản tiền tuất của chồng 140 ngàn đồng/ tháng bà cũng hiến luôn cho Hội phụ nữ phường làm quỹ học bổng cho học sinh nghèo. Có lần phòng Thương binh xã hội hỏi để hướng dẫn bà làm chế độ hỗ trợ nhà ở cho cán bộ trước cách mạng, bà chối bảo là các cháu ở quê nó làm rồi.
      Vậy lâu nay bác sống ra sao ạ ? - tôi hỏi.
      Bình thường thôi anh, tôi chỉ có mấy đứa con thôi, chẳng có gì hết. Mấy đứa con đi làm ca, đứa này về đứa kia đi làm, thường ngày tôi ở nhà một mình, xem sách báo cho vui. Lâu nay tôi chẳng có chế độ gì cả, cuộc sống cũng bình thường như mọi người xung quanh thôi.
      Bà Hồng ngừng lời, bất giác tôi nhìn qua cửa sổ, xa xa những tòa nhà cao ốc khổng lồ với hệ thống đèn điện bật sáng như sao sa. Sài gòn đã nhộn nhịp tấp nập về đêm. Những chiếc xe ô tô, mô tô đời mới nối đuôi nhau chạy như mắc cửi giữa thành phố nguy nga, tráng lệ. Tôi trở lại ngắm bà Hồng trong căn nhà nhỏ nhắn, thoáng đảng và vắng lặng mà cảm thấy chạnh lòng. Bởi lâu nay mình đã không có dịp được hỏi chuyện về bà, để biết thêm về bà cũng như những người thân trong gia đình người con gái duy nhất của một Tổng bí thư của Đảng hiện còn và sống tràn đầy nghị lực trong những chặng đường đã qua.
   Không thể ngồi lâu thêm, tôi xin phép chào bà không quên với lời kính chúc bà mạnh khỏe, sống lâu. Ra khỏi nhà bà Hồng tôi đã trở lại gặp lãnh đạo phường bởi còn nhiều điều day dứt mà có lẽ đó cũng là day dứt của những ai đang hướng về 100 năm ngày sinh Tổng bí thư Hà Huy Tập. Khi tôi say sưa kể chuyện với các đồng chí ở phường, các bác, các anh, các chị cũng có chung một điều suy nghĩ rằng lâu nay mình còn quá ít gần gủi với bà. Nhiều điều còn chưa biết về gia đình bà. Nếu có thời gian chắc chắn còn phải tìm hiểu và ghi lại được nhiều điều hơn nữa để phục vụ ban đọc.  Khi tôi cảm ơn và chào tạm biệt những cán bộ ở phường, trong lòng cứ nghĩ hoài về một câu nói không có ý xã giao của đồng chí Ủy viên thường trực Đảng ủy, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân phường 5: "Chính chúng tôi mới là người đáng phải cảm ơn anh" - cảm ơn việc tìm đến của anh, như một lần nhắc chúng tôi tìm đến những người thân còn sống để tỏ lòng biết ơn vong linh những người đã khuất  ./.

                                                                    3/ 2006
                                                           Trần Quang Trung
                                                       Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy
   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét