Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

Mấy vấn đề cần quan tâm để viết lịch sử địa phương, đơn vị.

      Suy cho cùng, mỗi một con người chúng ta sinh ra, lớn lên và trưởng thành không ai không có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của lịch sử. Tuỳ theo vị trí và hoàn cảnh cụ thể mà mức cống hiến nhiều ít có khác nhau, song rốt cuộc đều nằm trong một phạm trù lịch sử. Dẫu công lao to lớn đến mấy, nếu không được chăm lo tốt việc giáo dục truyền thống, không có những tài liệu lịch sử để lại thì các thế hệ sau cũng chỉ biết đến các giai đoạn lịch sử trước như một sự phát triển tất yếu tự nhiên của xã hội. Chính vì vậy Đảng và Nhà nước ta bên cạch việc chăm lo phát triển kinh tế- xã hội nói chung, đã có chủ trương chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm đến việc giáo dục truyền thống, viết lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng từ Trung ương đến các địa phương. Đến nay hầu hết các địa phương cấp tỉnh đã có lịch sử đảng bộ, lịch sử cách mạng. Một số tỉnh đã biên soạn và xuất bản địa chí cấp tỉnh, biên soạn xong lịch sử cấp huyện và đã đầu tư kinh phí cho các xã, phường, thị trấn viết sử.
          Hà Tĩnh là một tỉnh đang trong quá trình phát triển, còn rất nhiều vấn đề phải tập trung giải quyết. Nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp đến nay chúng ta đã tổ chức biên soạn và xuất bản nhiều bộ lịch sử quý như: Lịch sử đảng bộ Hà Tĩnh 3 tập (từ 1930 đến năm 2010), Lịch sử Hà Tĩnh 2 tập (từ 1831 đến 2000). Nhiều sở, ban, ngành đã biên soạn và xuất bản lịch sử truyền thống.  9/12 huyện, thành, thị đã xuất bản lịch sử đảng bộ. Hơn 30% số xã, phương, thị trấn đã xuất bản lịch sử đảng bộ và lịch sử cách mạng. Một số huyện đã biên soạn được địa chí cấp huyện như Kỳ Anh, Đức Thọ, Can lộc…Mặc dù trong số sách đã được xuất bản vẫn không thể tránh khỏi những sạn cát, cá biệt có tài liệu còn thiếu thẩm định khoa học, chưa được sự đồng tình của các đọc giả đã một thời làm nên lịch sử địa phương… nhưng có thể nói việc tổ chức nhiên cứu biên soạn các loại tài liệu lịch sử địa phương vừa qua đã góp phần rất quan trọng trong việc tuyên truyền giáo dục truyền thống đối với các tầng lớp nhân dân, quảng bá hình ảnh Hà Tĩnh đối với bạn bè, đối tác trong và ngoài nước.
       Hiện nay, được biết rất nhiều địa phương, đơn vị rất muốn tổ chức biên soạn lịch sử của mình như không biết bắt đầu từ đâu và làm thế nào. Ở các địa phương thông thường chúng ta gặp phải những khó khăn như sau:
        Trước hết là xác định rõ yêu cầu: viết sử là tái hiện lại lịch sử bằng ngôn ngữ viết, là tổng kết lại lịch sử để rút ra những bài học có ý nghĩa từ lịch sử, tiếp thêm niềm tin sức mạnh giúp các thế hệ sau làm nên những trang sử mới tốt đẹp hơn. Tuy nhiên một cuốn sử dù công phu đến mấy vẫn không thể diễn tả hết lịch sử, may chăng các nhà viết sử chỉ tái hiện được những nét cơ bản nhất, xuyên suốt nhất để người đọc hiểu đúng bản chất của tiến trình lịch sử đã qua. Hơn nữa tuỳ theo tính chất từng loại sử mà mỗi sự kiện, hiện tượng lịch sử được tái hiện theo những góc độ, liều lượng khác nhau. Làm được như thế là việc không dễ, nghiên cứu biên soạn lịch sử là một công việc khoa học vì tất cả mọi lĩnh vực khác rồi cũng đi vào lịch sử. Vì thế Mác mới cho rằng: “chỉ có một khoa học duy nhất đó là khoa học lịch sử”. Trong  sử học cũng có nhiều chuyên ngành khác nhau: khảo cổ, dân tộc, bảo tàng, lịch sử Việt Nam, Lịch sử thế giới, Lịch sử Đảng v.v…Bởi vậy trước hết muốn có cuốn sử, tập thể lãnh đạo địa phương đơn vị phải xác định là viết lịch sử Đảng bộ, lịch sử cách mạng hay biên soạn ghi chép một bản tài liệu có tính lịch sử ? Mỗi loại sách có tiêu chí, yêu cầu, phương pháp trình bày và văn phong riêng.
         Về đội ngũ cán bộ làm sử: những người làm sử cũng chuyên trách theo các loại công việc khác nhau. Có đội ngũ chuyên nghiên cứu biên soạn, sưu tập, trưng bày,  giảng dạy….Do đó mỗi cán bộ lịch sử chỉ được đào tạo chuyên một lĩnh vực nhất định. Nếu chúng ta bố trí, sử dụng không đúng thì chắc chắn họ sẽ gặp nhiều khó khăn ví như thợ mộc đi làm hàn sắt, phóng viên ảnh đi viết phóng sự điều tra vậy. Hiện nay các địa phương rất thiếu cán bộ chuyên trách nghiên cứu biên soạn lịch sử. Vì thế đã thiếu tham mưu chuẩn xác cho lãnh đạo địa phương trong việc biên soạn lịch sử. Thực tế cho thấy đã có địa phương hợp đồng viết sử với cán bộ hưu trí, giáo viên, người viết văn, phóng viên báo chí…dẫn đến cuốn sử bị bế tắc, không hoàn thành, sai lệch bản chất sự kiện, ý nghĩa cuốn sách. Những người đã được đào tạo chuyên viết sử ở các trường đại học Tổng hợp sử (nay là Khoa sử của các trường đại học Khoa học xã hội nhân văn) vẫn phải thường xuyên dự tập huấn nghiệp vụ. Có như vậy mới có thể xử lý được các tình huống phức tạp trong quá trình biên soạn lịch sử. Tại Hội nghị về công tác biên soạn lịch sử tại Kỳ Anh do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức trước đây, đã có điển hình cấp xã báo cáo: để hoàn thành cuốn sử của mình, lãnh đạo xã phải qua hơn hai chục lần hội họp. Kinh nghiệm cho hay đối với những đơn vị không có cán bộ chuyên trách viết sử, muốn biên soạn lịch sử thì tốt nhất là hợp đồng lấy bản thảo với cán bộ chuyên nghiên cứu viết sử. Đơn vị cung cấp tư liệu cho đối tác nghiên cứu biên soạn bản thảo sau đó tổ chức hội thảo để điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện, gửi thẩm định, xuất bản.
         Một khó khăn khác là chúng ta thiếu nguồn kinh phí để thực hiện biên soạn. Theo sự phân công của Ban Bí thư, để thực hiện Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có Hướng dẫn số 04 ngày 15-4-2003: “Kinh phí sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử cách mạng địa phương thuộc ngân sách Nhà nước do UBND các cấp duyệt theo kế hoạch”. Vì vậy các đơn vị cần xây dựng kế hoạch hàng năm một cách chủ động. Ngoài ra còn phải phân công cụ thể để có cán bộ chăm lo khai thác nguồn tài trợ và các nguồn kinh phí khác. Có như vậy mới có thể giải quyết được khi nguồn ngân sách chưa thể đáp ứng thoả mãn.
         Tuy nhiên vẫn có những đơn vị có đầy đủ các yếu tố trên nhưng vẫn không thể tiến hành biên soạn lịch sử được chỉ vì lý do thiếu nguồn tư liệu cần thiết. Có thể nói tư liệu là yếu tố rất cơ bản quyết định đến chất lượng của cuốn sử. Bởi vậy đối với các đơn vị dù đã có hay chưa có lịch sử vẫn phải thường xuyên quan tâm đến công tác sưu tầm xây dựng nguồn tư liệu chính thống của địa phương để chuẩn bị cho việc biên soạn, tái bản lịch sử sau này.  Điều đặc biệt quan trọng là các mốc lịch sử, những thay đổi nhân sự chủ chốt, các sự kiện quan trọng có tác động lớn đến bước phát triển của địa phương, đơn vị… cần được ghi chép lưu lại trong nguồn tư liệu của mình.
        “Ôn cố nhi tri tân” – ôn cũ để biết mới, đó là lời dặn của các thế hệ đã qua; quan tâm đúng mức việc giải quyết những khó khăn trong công tác biên soạn lịch sử, làm cho việc thực hiện chỉ thị 15 của Ban Bí thư có hiệu quả hơn, đó là cách bày tỏ tấm lòng thuỷ chung của thế hệ hôm nay với các bậc tiền nhân của quê hương, đất nước./.
                                                                  Trần Quang Trung
                                                                        12 - 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét