Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

Xuân về khắp néo đường quê đổi mới

         Được đi cùng những đoàn chia xẻ kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của Liên hiệp các hội Khoa học & kỷ thuật, tôi mới có dịp xuống biển lên rừng khắp các miền quê nông thôn Hà Tĩnh để ngắm nhìn những đổi thay nhanh chóng của quê hương sau những năm đổi mới.
        Đã lâu rồi trong tiềm thức mỗi con người yêu mến vùng đất này thì Hà Tĩnh là một vùng đất hẹp luôn hứng chịu sự tàn phá của thiên nhiên khắc nghiệt và sự ác liệt của các cuộc chiến tranh. Biết bao người đã từng xót xa khi nghe tin hạn hán, bão lũ tàn phá vùng đất này cuốn trôi cả làng ra sông ra biển. Người dân nơi đây đã từng phải nai lưng chống trời với cái nắng như thiêu như đốt để mưu cầu cuộc sống dưới tán những chiếc áo tơi... Hay như trong chiến tranh đã có những vùng quê mà mồi mét vuông đất phải hứng chịu 3- 4 quả bom... người dân phải dỡ nhà lát đường cho xe ra tiền tuyến, hàng ngàn người con ưu tú của quê hương phải ra đi không trở lại...Lực lượng sản xuất do đó bị bào mòn, để rồi năm lại năm phải nhờ Trung ương giúp đỡ.
         Vậy mà chỉ sau gần 30 năm đổi mới, đặc biệt là sau 4 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vùng quê Hà Tĩnh đã có những đổi thay kỳ diệu. Gần như ai cũng thấy rằng muốn đi lên phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nguồn thu nhập để cải thiện sức sản xuất. Nhưng chuyển dịch thế nào, bắt đầu từ đâu là một bài toán không hề đơn giản. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2005-2010 đã có bước khởi đầu quan trọng: “ kêu gọi toàn thể đảng viên, cán bộ, công nhân, viên chức, cán bộ và chiến sỹ trong các lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà ... đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Hà Tĩnh từ một tỉnh nông nghiệp sớm trở thành một tỉnh có công nghiệp và dịch vụ phát triển ...” (1)
          Không khí thành công của Đại hội Đảng bộ như một luồng gió mới thúc đẩy sự biến động trong mỗi bộ óc con người, mỗi tầng lớp nhân dân, mỗi lĩnh vực hoạt động đến mỗi vùng quê phố phường thôn xóm. Trên tầm vĩ mô nhiều chủ trương lớn đã được triễn khai như trải thảm đỏ thu hút nhân tài, đẩy mạnh truyền thông, mở liên tục các cuộc xúc tiến kêu gọi đầu tư trên tinh thần cở mở, hợp tác và cùng có lợi. Khâu đột phá được chọn là xây dựng các khu kinh tế công nghiệp trọng điểm như Vũng Áng, Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, thuỷ lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, mỏ sắt.... Một chiến dịch lớn với sự tham gia của cả hệ thống chính trị được triễn khai để xây dựng các khu tái định cư, giải phóng mặt bằng nhường chổ cho hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng trên hàng ngàn héc ta đất. Các khu kinh tế này được xem như con chim đầu đàn về kinh tế của tỉnh dẫn đường cất cánh cho toàn bộ sự phát triển của tỉnh. Cùng với việc đẩy mạnh vùng kinh tế trọng điểm, tỉnh dồn sức chỉ đạo tập trung phát huy cao nhất sức mạnh nội lực xây dựng nông thôn mới. Có lẽ vì vậy mà giờ đây những quả ngọt đầu tiên đã ra hoa kết trái.
          Đi trên những con đường thôn bằng phẳng thêng thang ta cảm nhận ra nhiều hương vị mới. Đường thôn được mở rộng ra cho xe ô tô như nhỏ lại. Tết đến xuân về mà chẳng còn phải vội đi sắm thêm đôi ủng để đạp bùn sang thăm nhà hàng xóm. Nếu xưa kia nói đến Hà Tĩnh là nói đến kẹo Cu đơ, cá mát thì giờ đây phong phú hơn nhiều. Bạn bè gần xa đã từng được thưởng thức thú vị với đặc sản bưởi Phúc Trạch, Nhung hươu, mực nhảy, rượu trắng Hương bộc, Tuyết Mai, cam Khe Mây, cá chim trắng, ba ba, chim trĩ...và mới hơn nữa là nhiều sản phẩm thú vị từ rau sạch trồng trên cát.  Hương thơm vị ngọt đầu tiên đang làm gương mặt mọi người thêm rạng rỡ. Nếu năm 2005 toàn tỉnh thu ngân sách đạt 445 tỷ đồng thì nay đạt tới 11. 500 tỷ đồng,(2) bình quân đầu người từ 4,58 triệu đồng nay ước đạt 34 triệu đồng.  Những nguồn lực ấy đang thúc đẩy, nhân lên sức mạnh nội lực làm biến đổi quê hương từ thành thị đến các vùng quê xa xôi hẻo lánh. Phong trào xây dựng Nông thôn mới đang diễn ra sôi động, toàn tỉnh đã huy động được hơn 28. 000 tỷ đồng trong đó dân đóng góp chiếm hơn 11%. Đã có 5.649 mô hình sản xuất lớn nhỏ ra đời với nhiều nếp nghĩ cách làm hay, sảng tạo làm thay đổi tư duy nếp nghĩ của mỗi người dân. Ở xã Xuân Viên (Nghi Xuân) đã có những nông dân dám mua một con lợn giống (lợn bò) giá 14 triệu đồng. Thật là mát mắt và thú vị khi có một thôn xóm trồng tới 16 cây số hành rào mạn hảo bao quanh các tuyến đường xanh sạch đẹp, lại có những vùng quê văn hoá như ở Hương Trà (Hương Khê) dám nêu khẩu hiệu: Ai vứt rác bừa bãi ra đường người đó không phải là dân của xã...v.v.
     Dọc theo chuyến hành trình, đâu đâu cũng vậy, sau những cái bắt tay nồng ấm là sự hồ hởi giải bày về các hạng mục đạt tiêu chí quốc gia. Ban chỉ đao xây dựng nông thôn mới của tỉnh(3) cho hay toàn tỉnh đã có 95,7% số xã đạt tiêu chí bưu điện;   79,9% đạt tiêu chí điện chiếu sáng; 5,6% đạt tiêu chí quy hoạch chợ đạt chuẩn; 37,2% đạt tiêu chí trường học; 31,6% đạt tiêu chí thuỷ lợi; 29,5% đạt tiêu chí nhà ở dân cư; 15,4% đạt tiêu chí giao thông; 12,4% đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hoá...  Đến nay Hà Tĩnh đã có 11,11% số xã về đích Nông thôn mới. Hơn 62 % số xã đã đạt từ 7 đến 12 tiêu chí đây là dấu hiệu khả quan cho việc hoàn thành chỉ tiêu 20% số xã đạt nông thôn mới vào cuối nhiệm kỳ.
       Tết là vui, là xuân; có xuân là có tết; bên chén rượu nồng hương thơm lan toả từ các làng biển đến rừng và trong những vùng tái định cư mới lạ; ai đó còn phân vân, nếu không vì đạt chuẩn mà sang nợ cho con cháu mai sau, thì xin hãy cùng “dô” để đón nhận hương sắc mùa xuân đang lan toả trên khắp mọi nẻo đường quê đổi mới./.


(1)  Nghi quyết Đại hội XVI. Văn kiện Đại hội đảng bộ Khoá XVI trang 131
(2)  Báo cáo tại kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khoá XVI tháng 12 năm 2014
(3)  Báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới tháng 12 năm 2014, tổng hợp biểu 6


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét