Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

Về tín ngưỡng đi đền chùa của người Hà Tĩnh

     Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của người Việt nói chung, hàng trăm năm xây dựng và bảo vệ quê hương Hà Tĩnh nói riêng; người Hà Tĩnh trong muôn vàn những thành công góp phần bảo vệ vững chắc nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, nền văn hoá đậm nét bản sắc dân tộc, quê hương.
     Tuy vậy bên cạnh những kỳ tích đạt được con người nơi đây vẫn không khỏi có lúc phải hứng chịu những hy sinh, mất mát lớn, những thiệt thòi trong những bộ phận cộng đồng, thân phận cụ thể, những gia đình cụ thể. Cũng có khi trong sự trưởng thành đã có người gặp được những may mắn, thành công ngoài khả năng và điều kiện hiện có của mình làm cho họ phấn chấn và có những mong muốn thành công hơn... Trong những hoàn cảnh đó người ta thường tìm đến, nương tựa vào sức mạnh, chổ dựa tinh thần đó là những đấng thần linh, thánh hiền, phật tổ siêu nhiên từ các đền, chùa, đình, miếu. Có lẽ tín ngưỡng này không chỉ riêng có của người Hà Tĩnh mà là chung cho mọi người dân Việt.
       Đáng chú ý trong đó là hệ thống đền thờ do người dân dựng nên để thờ các vị thánh hiền có công lao giúp ích cho đời, nêu tấm gương trung, hiếu, trí, dũng trong việc bảo vệ biên cương bờ cõi,  răn dạy đời sau về đạo lý làm người hoặc để ghi nhớ bậc thành hoàng - người có công khai hoang lập ấp, xây nên một cộng đồng dân cư hội tụ sinh sống.  Đây là những địa chỉ thờ tự do con người dựng nên trong suốt chiều dài lịch sử. Người dân đi lễ đền để cầu xin tài lộc, chức tước, sức khoẻ, làm ăn phát đạt, sự bình an hạnh phúc trong đời sống gia đình....Con người đi đến chốn linh thiêng trở về gặp may mắn thì càng lôi cuốn nhiều người cùng đến cầu xin phù hộ, độ trì. Bởi vậy nhiều nơi hàng năm đã tổ chức thành lễ hội với sự tham gia của hàng ngàn hàng vạn người không chỉ có người địa phương mà còn lôi cuốn khách thập phương cùng về lễ hội. Trong số khoảng 8.000 lễ hội toàn quốc hàng năm có không ít lễ hội lớn trên địa bàn Hà Tĩnh. Đây là những hoạt động mang tính cộng đồng đang trở thành những hoạt động tín ngưỡng không thể thiếu của người dân mọi miền tổ quốc.
    Ở Hà Tĩnh ngoài hệ thống chùa cổ nổi tiếng như chùa Hương Tích và nhiều chùa mới được phục dựng thờ phật, còn có rất nhiều ngôi đền được truyền tụng linh thiêng như đền bà Hải, đền bà Chúa Lộc, đền ông Hoàng Mười, đền Võ miếu, Sinh từ.... Nét đặc biệt là hệ thống đền miếu Hà Tĩnh rất phong phú về sự tích nguồn cội. Có đền thờ người có công đánh giặc, hiến kế sách giữ nước như Bà Nguyễn Thị Bích Châu (Đền bà Hải, ở huyện Kỳ Anh); Đền Lộc Hoa công chúa (tam toà thánh mẫu) thờ vị tướng bà (ở huyện Thạch Hà), Đền tướng quân Lê Khôi đánh quân Minh (ở huyện Lộc Hà). Ở Hà Tĩnh có cả đền thờ thờ người tài năng đức độ, có công lớn trong việc giữ gìn sự ổn định đất nước ngay khi người đó còn sống, đó là Sinh từ thờ Tướng quân Hà Tông Mục (ở huyện Can Lộc). Trong sự giao thoa văn hoá phương Đông, đền thờ Hà Tĩnh còn có đền Võ Miếu (ở Thành phố Hà Tĩnh) thờ vị tướng đứng đầu ngũ hổ thời nhà Thục Trung Quốc đó là Quan Văn Trường, một vị tướng được ca ngợi tài ba văn võ, chính liêm, đức độ gây ảnh hưởng lớn cả trong  Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo...
        Dĩ nhiên, cũng phải nói thêm rằng sau nhiều năm chiến tranh tàn phá hệ thống đền, chùa, đình, miếu bị mất mát, hư hỏng nhiều. Trong khi hệ thống đền chùa đang từng bước được bổ sung hoàn thiện; việc tổ chức nghi lễ và điều kiện đảm bảo còn nhiều bất cập thì những kẻ hở cho kẻ xấu lợi dụng, gây lôn xộn, mất trật tự, hủ tục, mê tín, nạn “buôn thần bán thánh”  xuất hiện ở chổ này chổ khác...là điều không trảnh khỏi. Đây là những hành vi trái ngược ở chốn linh thiêng đáng trân trọng, rất cần được chấn chỉnh, tổ chức quản lý càng ngày càng chặt chẽ hơn để người dân yên tâm hành lễ, hay vãn cảnh đền chùa sau những ngày lao động mệt nhọc.
         Một điều nữa là hoạt động tâm linh tín ngưỡng của người dân trong lễ các đền chùa là sự tự do tín ngưỡng được Nhà nước cho phép. Việc tổ chức hành lễ nghiêm trang trước đức phật, thánh thần dù xuất xứ từ đâu không đồng nghĩa với việc thần phục, lệ thuộc quốc gia có xuất xứ thánh thần đó. Một vị thánh linh thiêng có thể được nhiều nơi thờ tự. Chẳng hạn quan Văn Trường, Khổng tử không chỉ có đền thờ ở Hà Tĩnh mà còn nhiều nơi khác.  Hơn nữa một vị tướng tài ba cũng không chỉ có đền thờ trước hết ở mảnh đất quê mình. Có lẽ việc tôn kính thờ tự người tài cao đức dày cũng là một truyền thống đạo lý tốt
của người Việt nói chung, người Hà Tĩnh nói riêng. Điều này hoàn toàn không có ảnh hưởng gì đến vận mệnh, Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia trên thế giới.
        Thiết nghĩ việc đi lễ đền chùa của người Hà Tĩnh là hoạt động tự do tín ngưỡng theo luật pháp của Nhà nước Việt Nam quy định. Từ xưa đến nay ngưởi dân vẫn tự hào: Hà Tĩnh là vùng đất có bề dày trưyền thống Văn hoá và cách mạng./.

                                                                                             2-2014


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét