Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

Một số quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh đối với thanh niên

         Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng cộng sản Việt Nam đã khẳng định: Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác Lê Nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại.  Xuyên suốt trong hệ thống tư tưởng ấy vấn đề đối với thế hệ trẻ bao gồm cả đội ngũ thanh, thiếu niên và nhi đồng luôn được Người xem là lực lượng hậu bị quan trọng quyết định vận mệnh và tương lai của dân tộc. Đặc biệt đội ngũ đoàn viên và thanh niên là “cánh tay phải của Đảng”, lực lượng hậu bị trực tiếp của cách mạng. Đội ngũ hiện có là nguồn lực báo trước cho những bước phát triển của đất nước nói chung, nhân loại nói riêng. Chủ tịch đã rất tin tưởng và gửi gắm niềm tin vào thế hệ trẻ khi nói rằng: “ Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội” (1).
        Trước hết  Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò, vị thế của đoàn viên thanh niên, bởi đội ngũ này có rất nhiều thế mạnh. Thanh niên là đội ngũ đang trưởng thành ở độ sung sức nhất của cuộc đời, có thể lực sức khoẻ tốt, nhanh nhạy, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn. Thanh niên có thể dám xông pha, đảm nhiệm những công việc nặng nhọc đòi hỏi thử thách khó khăn nhất. Theo suốt chiều dài lịch sử thì thanh niên vừa được tiếp sức bởi những kinh nghiệm tinh tuý trong truyền thống cha ông vừa lại được tiếp nhận những tinh hoa văn hoá và khoa học kỷ thuật tiên tiến hiện đại của nhân loại. Số lượng thanh niên ngày một đông thêm với sự phát triển cả về trí tuệ và thể lực thì họ không những chỉ đảm đương sứ mệnh xã hội hiện tại mà còn có thể kết nối khăng khít giữa thế hệ quá khứ với tương lai. Người nói: “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách, dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai”(2). Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”, “nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên”(3).
       Tuy nhiên để phát huy được vai trò và vị thế của mình theo Hồ Chí Minh đoàn viên và thanh niên không thể chỉ ngồi đợi mà phải nổ lực không ngừng, phấn đấu không mệt mỏi. “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đòi hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã là gì cho nước nhà ?. Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn ?. Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào ? ” (4). Nói một cách đơn giản là đoàn viên thanh niên phải xác định rõ trách nhiệm phấn đấu của mình, có bước đi cụ thể để đạt được mục tiêu lý tưởng, xứng đáng chủ nhân tương lai đất nước. Theo Hồ Chí Minh tuổi trẻ trước hết phải chăm lo học tập để nâng cao trình độ hiểu biết về chính trị, văn hoá, khoa học kỷ thuật, nghiệp vụ để tiến bộ mãi, để sẵn sàng trở thành cán bộ tốt, đảng viên tốt. Có hiểu biết là rất quan trọng nhưng muốn biến được hiểu biết thành kết quả trong hành động, thanh niên cần xây dựng được kế hoạch, có bước đi phù hợp. Hồ Chí Minh khuyên thanh niên: “Chớ đặt những chương trình kế hoạch mêng mông, đọc nghe sướng tai nhưng không làm được. Việc gì cũng cần phải thiết thực: nói được, làm được. Việc gì cũng từ chổ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hiện được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được”(5). Thấu hiểu sâu sắc tâm lý tuổi trẻ Hồ Chí Minh khuyên thanh niên dầu có thành tích và thành công trong công việc tuyệt đối không được “kiêu ngạo, tự mãn, tự túc, nên nói ít, làm nhiều”. “Các sự hy sinh khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn sự sung sướng thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước (tiên thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc)”.  Thanh niên cần xác định cho mình những đam mê trong trách nhiệm: “Ham làm những công việc ích quốc lợi dân. Không ham địa vị và công danh phú quý”. “Các việc đáng làm thì có khó mấy cũng quyết tâm làm cho kỳ được”. (6)
      Nói như vậy không có nghĩa là chỉ cần xác định được trách nhiệm chính trị thanh niên có thể làm được mọi việc theo ý muốn. Trong quan niệm Hồ Chí Minh một nét biện chứng rất cần được quan tâm, đó là trách nhiệm đúng phải được đặt trong một môi trường tốt thuận lợi. Môi trường sẽ là điểm tựa, là yếu tố có tác động mạnh mẽ tới kết quả phấn đấu và trưởng thành của tuổi trẻ nói chung, đoàn viên thanh niên nói riêng. Có ba yếu tố tạo nên một môi trường tốt cho thanh niên đó là tác động của xã hội đang sống, tác động của đội ngũ những người đi trước và sự tự thân vận động trãi nghiệm qua thực tiễn của chính đội ngũ thanh niên. Vì thế để có một môi trường tốt cho thanh niên thì trước hết xã hội cần phải chăm lo giáo dục tốt. Giáo dục toàn diện bao gồm cả thể dục, trí dục, mỹ dục, đức dục. Trong đó đức dục gồm 5 cái yêu: “yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công”(7) . Phải giáo dục tốt cho thanh niên để “ Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Tuy nhiên giáo dục nhà trường cũng chỉ là là việc chuẩn bị nền tảng đầu tiên cơ bản cho thanh niên. Có một tác động giáo dục rất lớn thường xuyên diễn ra đó là tấm gương của những lớp người đi trước, của thế hệ đàn anh. “Một tá cương lĩnh không bằng một tý hành động”, vì chính hành động của những cán bộ, đảng viên đi trước sẽ thu hút việc làm theo của thế hệ trẻ. Lớp người đi trước phải là những tấm gương sáng về mọi mặt để làm mục tiêu và niềm tin vững chắc cho các thế hệ thanh niên tự rèn luyện, vượt qua thử thách chính mình mà nối bước và trưởng thành.
           Theo Hồ Chí Minh, để thanh niên có điều kiện phát huy hết tiềm năng thế mạnh của mình thì không thể không nói tới vai trò của tổ chức Đảng.  Đương thời Người thường xuyên nhắc nhở cấp uỷ Đảng các cấp phải “Phải củng cố tổ chức Đoàn, phải đoàn kết nội bộ thật chặt chẽ và phải đoàn kết rộng rãi các tầng lớp thanh niên” (8). Chủ tịch thường xuyên phê phán gay gắt tư tưởng hẹp hòi, thủ cựu đối với thanh niên. Người yêu cầu cần bồi dưỡng, bố trí, đề bạt cán bộ trẻ, vì có như vậy mới xây dựng đội ngũ kế cận lớp người đi trước,  Người từng nói: “trẻ 30 tuổi cũng đã già” . Tổ chức Đảng phải xây dựng kế hoạch để từng bước đưa cán bộ trẻ vào các vị trí quan trọng trong Đảng. Đây là bước đi quan trọng nhất để thanh niên phát huy cao nhất vai trò và thế mạnh của mình trong sự nghiệp cách mạng mới. Trong Di chúc để lại cho muôn đời sau Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “ Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.
      Hiện nay toàn Đảng đang đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với chủ đề “về trung thực, trách nhiệm; gắn bó với nhân dân; đoàn kết xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh”. Khắp nơi đang bước vào đợt sinh hoạt chính trị sôi động hướng tới Đại hội Đảng các cấp. Chắc chắn những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thanh niên đang mở cho chúng ta những chìa khoá cần thiết để dẫn thanh niên bước vào vận hội mới trên con đường xây dựng đất nước quê hương giàu đẹp./.
                                                                          

Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh về  đạo đức cách mạng, Nxb CTQG, HN, 1993, trang 195
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, T4, Nxb CTQG, HN, 1995, trang 315
(3) Hồ Chí Minh: Về giáo dục thanh niên, Nxb Thanh niên, HN, 1980, tr.82, 84.
(4) Hồ Chí Minh về  đạo đức cách mạng. Nxb CTQG. HN 1993. trang 200
(5)(6) (7)                 nt                                                            trang 197, 198, 201
(8) Hồ Chí Minh: Về giáo dục thanh niên, Nxb Thanh niên, HN, 1980, trang 165   



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét