Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2018

Những điều cần biết trong tổ chức biên soạn Lịch sử Đảng bộ


      Mỗi một con người chúng ta sinh ra, lớn lên và trưởng thành không ai không có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của lịch sử. Dẫu công lao to lớn đến mấy, nếu không được chăm lo tốt việc giáo dục truyền thống, không có những tài liệu lịch sử để lại thì các thế hệ sau cũng chỉ biết đến các giai đoạn lịch sử trước như một sự phát triển tất yếu tự nhiên của xã hội.
      Đảng và Nhà nước ta bên cạch việc chăm lo phát triển kinh tế- xã hội nói chung, đã có chủ trương chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm đến việc giáo dục truyền thống, viết lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng từ Trung ương đến các địa phương.
       Hà Tĩnh là một tỉnh đang trong quá trình phát triển, còn rất nhiều vấn đề phải tập trung giải quyết. Nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp đến nay chúng ta đã tổ chức biên soạn và xuất bản nhiều bộ lịch sử quý như: Lịch sử đảng bộ Hà Tĩnh 3 tập (từ 1930 đến năm 2010), Lịch sử Hà Tĩnh 2 tập (từ 1831 đến 2000). Hầu hết các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, thị xã đã biên soạn và xuất bản lịch sử. Hơn 60% số xã, phương, thị trấn đã xuất bản lịch sử đảng bộ và lịch sử cách mạng.  Có thể nói việc tổ chức nhiên cứu biên soạn các loại tài liệu lịch sử địa phương vừa qua đã góp phần rất quan trọng trong việc tuyên truyền giáo dục truyền thống đối với các tầng lớp nhân dân, quảng bá hình ảnh Hà Tĩnh đối với bạn bè, đối tác trong và ngoài nước. Tuy vậy trong quá trình tổ chức nghiên cứu, biên soạn , xuất bản do thiếu những hiểu biết cần thiết đã không ít trường hợp gặp phải những khó khăn trở ngại kể cả việc thất thoát tiền bạc để lại dấu ấn không tốt trong các đơn vị. Trong số sách đã được xuất bản vẫn không thể tránh khỏi những sạn cát, cá biệt có tài liệu còn thiếu thẩm định khoa học, chưa được sự đồng tình của các đọc giả đã một thời làm nên lịch sử địa phương…
     Ngày 18-1-2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có chỉ thị số 20 yêu cầu “Các cấp uỷ, trực tiếp và thường xuyên là thường trực cấp uỷ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác lịch sử Đảng. Quan tâm việc sưu tầm, khai thác tư liệu, nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng có kiến thức chuyên ngành sâu rộng, có bản lĩnh chính trị và tinh thần trách nhiệm cao”; “bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, tính khách quan, khoa học của các công trình lịch sử Đảng ở các cấp”…. 
     Từ thực tiễn làm công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ chúng tôi nhận thấy để đảm bảo chất lượng và yêu cầu của mỗi cuốn sách Lịch sử Đảng bộ mỗi đơn vị cần quan tâm đày đủ một số vấn đề cơ bản sau đây.
     1. Trước hết phải xem làm sử là một công việc khoa học, đòi hỏi phải được đối xử khoa học. Muốn có một cuốn sử đảng bộ tốt, nhất thiết cần phải được những người có hiểu biết về khoa học lịch sử Đảng tham gia. Viết sử là dựng lại lịch sử một cách chân thực để các thế hệ sau hiểu đúng bản chất của lịch sử đã diễn ra, giúp người đọc nhận ra được chổ đứng của mình để nhìn lại lịch sử một cách đúng đắn. Qua lịch sử người đọc không phải chỉ hiểu các sự kiện lịch sử đã diễn ra  như một sự liệt kê chắp nối, mà điều quan trọng là chổ người đọc có thể  hiểu được vì sao có được những sự kiện như vậy, bản chất của những sự kiện đó là gì và giữa các sự kiện lịch sử có mối quan hệ với nhau như thế nào; để từ đó rút ra cho mình những điều bổ ích nhất cho cuộc sống hiện tại. Để có thể dựng lại lịch sử một cách chân thực người viết cần có những hiểu biết cơ bản, toàn diện trên nhiều lĩnh vực khoa học; có phương pháp xem xét, chọn lựa và thể hiện của bộ môn khoa học lịch sử, không mảy may vì danh, lợi cá nhân trong khi nghiên cứu biên soạn lịch sử. Một cuốn sử viết sai bản chất vấn đề có thể gây nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ; ngược lại một cuốn sử tốt có thể khơi dậy sức mạnh và niềm tự hào của một cộng đồng, hoặc cả dân tộc. Vì thế những người làm sử chân chính thường có bản chất trung thực, có bản lĩnh và lòng dũng cảm trong quá trình tái tạo lại lịch sử. Dù rằng các Đảng bộ hoạt động đều do cấp ủy cấp trên lãnh đạo nhưng không có nghĩa là lịch sử diễn ra như nhau; các sự kiện diễn ra giống nhau; mà kết quả trong lịch sử tùy thuộc năng lực, trình độ, uy tín, phương pháp lãnh đạo… của từng cấp ủy khác nhau; ý thức, tâm lý, nhận thức, tập quán.…của quần chúng từng địa phương khác nhau; các mốc lịch sử của từng địa phương khác nhau.v.v …do vậy không thể viết Lịch sử các Đảng bộ giống tựa nhau.
        2. Về tổ chức Ban biên soạn, đã có những Ban chỉ đạo địa phương do suy nghĩ giản đơn đã tìm đến người viết không có chuyên môn nghiệp vụ Lịch sử Đảng, lại chưa từng biết Phương pháp luận Lịch sử Đảng là gì, chưa hề tham dự tập huấn nghiệp vụ nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng nên đã cho ra đời những cuốn sách không đáp ứng của một cuốn Lịch sử Đảng bộ.  Một cuốn sử tốt chắc chắn tùy thuộc vào Ban biên soạn. Ban biên soạn không phải là một ban cơ cấu thành phần có các bộ phân của Đảng bộ mà là một lực lượng cầm bút viết sách thực sự. Trong bộ phận trực tiếp biên soạn không thể thiếu  những người đã được đào tạo viết Lịch sử Đảng, đã có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức phương pháp viết lịch sử Đảng. Bởi cứ chọn những người văn hay, chữ tốt đi viết lịch sử Đảng bộ thì chưa đủ, điều đó cũng giống như đưa phóng viên ảnh đi viết xã luận, đưa thợ gỗ đi làm nghề sắt mà thôi…
3. Để viết một cuốn sử nhất thiết cần có nguồn tư liệu phong phú. Thời gian càng lùi xa nguồn tư liệu càng trở nên hiếm và quý, vì vậy người viết sử phải tổ chức đi sưu tầm, khai thác, xác minh, thẩm định tư liệu. Tư liệu càng chính xác thì việc thể hiện vào sử mới có sức thuyết phục cao. Việc khai thác tư liệu, sử dụng tư liệu các nguồn khác nhau, sử dụng tư liệu hồi ký, đưa tên các nhân vật vào lịch sử thế nào để cho một cuốn sử ra đời có giá trị lâu dài…là điều không hề đơn giản. Để chuẩn bị cho việc Biên soạn lịch sử Đảng bộ chúng ta cần chuẩn bị thật tốt tư liệu bao gồm các chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động, biên bản Đại hội, hội nghị, báo cáo kết quả thường năm, nhiệm kỳ; những ký kiến cấp trên liên quan Đảng bộ, thành tích khen thưởng kỷ luật tập thể, cá nhân…của Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong Đảng bộ và đội ngũ chủ chốt của Đảng bộ qua các thời kỳ. Những tư liệu trên đây ở thời kỳ đầu của Đảng bộ sẽ không còn nhiều. Chúng ta chỉ có thể khai thác qua tài liệu lưu trử nhà nước một phần và tiến hành tổ chức thẩm định khoa học với các nguồn tài liệu cá nhân còn lưu giữ. Sử dụng nguồn tài liệu này phải có các nhà chuyên môn thống nhất với các cấp ủy Đảng. Đối với các tài liệu hồi ký, tài liệu chưa thẩm định, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tài liệu lấy từ kẻ địch.…đều chỉ được phép dùng để đối chiếu tham khảo chứ không thể lấy đó làm tài liệu gốc căn cứ viết lịch sử Đảng bộ.
4. Ban chỉ đạo cần chuẩn bị chu đáo và thống nhất trong cấp ủy về những mốc lịch sử quan trọng của Đảng bộ, mà từ những dấu mốc sự kiện đó làm chuyển biến đáng kể hoạt động của Đảng bộ. Đây là điều phân biệt và không thể giống nhau trong các cuốn lịch sử các Đảng bộ được tổ chức biên soạn
5. Về thời gian hoạt động của Đảng bộ được tổ chức biên soạn tái hiện trong lịch sử, thông thường nên để trống một vài nhiệm kỳ mới nhất. Điều này thể hiện được tính khách quan khoa học cho việc tổng kết hoạt động của Đảng bộ; đảm bảo điều kiện cho cấp ủy sau có đủ thì giờ nhìn nhận rõ hơn, khách quan hơn những cái được và chưa được đã qua, tránh được sự chỉ đạo muốn thể hiện dấu ấn của nhiệm kỳ mình vào cuốn sách.
6. Viết Lịch sử Đảng là tổng kết lại hoạt động của Đảng, vì vậy viết bài học kinh nghiệm  của Đảng bộ là một vấn đề khó và quan trọng, nó không giống như bài học trong một bản báo cáo. Bài học kinh nghiệm của một chặng đường dài hoạt động Đảng bộ phải gắn kết và được thể hiện trong lịch sử. Nó không phải chỉ viết một câu kinh nghiệm giản đơn để rồi Đảng bộ nào cũng giống nhau. Những người có nghiệp vụ thường thể hiện được bài học xuyên suốt của từng Đảng bộ một cách sâu sắc quý giá của riêng từng Đảng bộ mà không phải người viết nào cũng thể hiện được.
 7. Tổ chức thẩm định, nghiệm thu bản thảo: Đã có những cuốn sách phải tổ chức hội thảo lấy ý kiến rất nhiều lần, nhưng rồi sau khi hoàn thành vẫn để lại nhiều dư âm không tốt. Chỉ cần một suy luận chủ quan trong biên soạn đã gây bất bình cho người đọc. Bởi vậy viết sử Đảng là phải dựa vào các văn bản tư liệu của Đảng. Tuy nhiên tư liệu không thể thay thế được nhân chứng lịch sử, vì vậy cần tổ chức tốt việc lấy ý kiến tham gia bản thảo. Phải tổ chức lấy ý kiến thật rộng rãi các nhà nghiên cứu, các đồng chí lãnh đạo cũng như các nhân chứng lịch sử qua cá thời kỳ để tiếp thu bổ sung thêm cho sự phong phú và chính xác. Đối với những vấn đề còn lại chưa thống nhất thì chỉ nên để lại cho bộ phận hẹp bao gồm những nhà chuyên môn và lãnh đạo để xử lý quyết định. Vì không thể cứ tổ chức thảo luận mãi mà không có hồi kết.
               “Ôn cố nhi tri tân” – ôn cũ để biết mới, đó là lời dặn của các thế hệ đã qua; Quan tâm đúng mức công tác lịch sử Đảng là biểu hiện của lòng thuỷ chung với dân tộc, với sự nghiệp các bậc tiền bối của Đảng, là nhân tố quan trọng góp phần tạo nên sức mạnh của cả cộng  đồng quê hương, dân tộc trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay ./.

                                                                                            6-2018


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét