Thứ Hai, 2 tháng 7, 2018

Mãi mãi vẹn nguyên tinh thần thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh



      Bảy mươi năm đã trôi qua, nhưng Lời kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn để lại cho hậu thế những vấn đề then chốt, sống mãi trong phong trào thi đua thời đại mới.
     Chiến dịch Thu Đông năm 1947 thực sự đã đưa cuộc kháng chiến chống thực dân của dân tộc ta bước vào giai đoạn mới. Qua chiến dịch, chúng ta loại khỏi vòng chiến đấu một lực lượng lớn hơn 6.000 quân địch. Cơ quan đầu não của cách mạng được bảo toàn, lực lượng quân đội cách mạng được bảo tồn và phát triển có lợi cho ta. Chiến dịch còn cho thấy khả năng chúng ta có thể đánh bại những cuộc tiến công lớn của địch và điều đặc biệt quan trọng là chúng ta đã buộc địch phải chuyển từ chiến lược đánh nhanh thắng nhanh sang đánh lâu dài.
    Để phát huy thêm nguồn sức mạnh cho cách mạng, sau 1.000 ngày toàn quốc kháng chiến; ngày 11/6/1948, tại bản Là Nọn, xã Phú Bình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Không chỉ là kết quả thành công của phong trào thi đua yêu nước lúc bấy giờ đã phát huy cao độ nguồn lực sức mạnh từ phong trào, đưa cuộc kháng chiến đến thành công; mà đọc lại lời Kêu gọi của Bác trong nội dung chỉ vẻn vẹn 441 chữ chúng ta thấy được cả một khối lượng lớn về những vấn đề cơ bản  then chốt để tổ chức một phong trào thi đua rộng lớn trong toàn quốc.
     Trước hết để phát động một phong trào thi đua thì việc xác định rõ mục đích của phong trào là vô cùng quan trọng. Bởi mục đích rõ sẽ quyết định việc thu hút sự tham gia hưởng ứng của đông đảo quần chúng nhân dân. Mục đích của phong trào sẽ thể hiện tính chất của phong trào và quy định việc tổ chức thực hiện, kết quả thực hiện và tầm ảnh hưởng của nó. Trong lời kêu gọi Bác nói rõ mục đích của thi đua ái quốc là: “Diệt giặc đói khổ,  Diệt giặc dốt nát, Diệt giặc ngoại xâm.”
   Thực hiện điều ấy có nghĩa là kêu gọi toàn dân, toàn quân trong cả nước thực hiện cho được mục đích cụ thể: “Toàn dân đủ ăn đủ mặc. Toàn dân sẽ biết đọc biết viết. Toàn bộ đội sẽ đầy đủ lương thực, khí giới, để giết giặc ngoại xâm. Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn”.
       Bác cho rằng một phong trào thi đua muốn có kết quả tốt phải có nội dung thi đua cụ thể, phù hợp. Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực”.  Theo Bác “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua”. Vì thế nội dung thi đua không phải là việc đưa ra những cái xa xôi, không phù hợp với thực tiễn. Thi đua phải thiết thực, gắn với công việc hàng ngày của mỗi người, đem lại lợi ích cho cá nhân, cho cộng đồng và cho đất nước. Người viết: “Tưởng lầm rằng thi đua là một công việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”. 
 Thi đua có nghĩa là mọi người hãy làm tốt công việc của mình đã được tổ chức giao phó, xã hội phân công: “Đồng bào công thương thi đua mở mang doanh nghiệp; Đồng bào công nông thi đua sản xuất; Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh; Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc phụng sự nhân dân; Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng”. “Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn”.Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc”.
“Bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua. Làm cho mau, Làm cho tốt, Làm cho nhiều”. 
         Với mục đích và nội dung như vậy Bác đã chỉ ra cách thức tổ chức thực hiện cuộc thi đua ái quốc là phải dựa vào “Lực lượng của dân, Tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân”. Một phong trào thi đua muốn thu kết quả tốt phải được mọi người hưởng ứng tham gia. Người người thi đua, ngành ngành thi đua. Thi đua là một cách làm cho mọi người tiến bộ, đoàn kết, tiết kiệm…
    Người còn căn dặn: “Thi đua Phải có kế hoạch tỉ mỉ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm… Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực”.  Kế hoạch đó không chỉ dừng lại ở người điều hành mà phải thấm sâu tường tận trong mỗi người tham gia thi đua.  Người đặc biệt quan tâm và coi trọng sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên. “Nói thì phải làm”, “Cán bộ đi trước, Làng nước theo sau”.
    “Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi”. Nhiều nơi có kinh nghiệm, hoặc kinh nghiệm thành công hoặc kinh nghiệm thất bại, nhưng không biết trao đổi cho nơi khác, để tránh cái dở, học cái hay của nhau. Điều cần thiết nhất, là phải giải thích kỹ càng cho mọi người dân hiểu rõ ràng… Mỗi người dân đều hiểu rõ thì tất cả mọi khó khăn đều giải quyết được, tất cả mọi khuyết điểm đều sửa chữa được”. Trong các việc thi đua ái quốc, cần phải nêu rõ tinh thần cần, kiệm, liêm, chính…
  Người đi đến kết luận: “Thi đua không phải là ganh đua, giấu nghề”, mà là “người đi trước hiểu biết, dẫn dắt người đi sau”; “Thi đua có nghĩa là mọi người phát triển tài năng, sáng kiến của mình, học hỏi điều hay, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm để cùng nhau tiến bộ”...
      Từ lời kêu gọi của Bác, phong trào thi đua yêu nước đã được khơi dậy và phát triển rộng khắp các vùng miền và thu hút tầng tầng, lớp lớp nhân dân tham gia. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp các phong trào thi đua như: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Bình dân học vụ”, “Hũ gạo kháng chiến”… đã cuốn hút, cổ vũ, động viên đông đảo đồng bào và chiến sĩ cả nước hăng say lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm chống giặc đói; thi đua học tập xóa nạn mù chữ, chống giặc dốt và dũng cảm ngoan cường trong chiến đấu diệt giặc ngoại xâm làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, các phong trào thi đua tiếp tục được duy trì và nở rộ trên khắp các lĩnh vực, các vùng, miền trong cả nước, như: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” ở miền Bắc; phong trào thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công ở miền Nam. Phong trào “Sóng Duyên hải” trong sản xuất công nghiệp; “Gió Đại phong” trong sản xuất nông nghiệp; “Cờ Ba nhất” trong quân đội; “Trống Bắc lý” trong giáo dục; “Thanh niên Ba sẵn sàng”; “Phụ nữ Ba đảm đang”….đã tạo nên nguồn sức mạnh to lớn đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thành công. Non sông thu về một mối, cả nước tiến lên con đường xây dựng xã hội mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
    Đi theo tiếng gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã liên tục nổ lực phấn đấu và giành nhiều thành tích vang dội. Hà Tĩnh đã từng được Bác Khen về thành tích đi đầu trong phong trào “Bình dân học vụ”, kiểu mẫu trong phong trào “Thi đua ái quốc”; Ký sắc lệnh tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh. Trong kháng chiến chống Mỹ Bác đã nhiều lần gửi thư khen Hà Tĩnh khi chúng ta bắn rơi chiếc máy bay thứ 100, thứ 200 trên bầu trời miền Bắc…
    Trong công cuộc xây dựng mới, tiếp nối truyền thống Thi đua ái quốc,  Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh vẫn luôn giữ vững hình ảnh đẹp, phấn đấu và gành nhiều kỳ tích mới. Hà Tĩnh là một trong những tỉnh đi đầu trong nhiều phong trào như “Giúp nhau xóa đói giảm ngèo”, “Xóa nhà tranh tre dột nát”, “xóa mù và phổ cập giáo dục tiểu học”, “ Xây dựng trường học đạt chuẩn”…Đặc biệt Hà Tĩnh đang từng bước khởi sắc khi chuyển dần từ nền kinh tế thuần nông sang phát triển công nghiệp và dịch vụ, là tỉnh sớm gia nhập câu lạc bộ nghìn tỷ. Hà Tĩnh còn là điểm sáng trong phong trào “Xây dựng nông thôn mới” thành công và sáng tạo.….
        Sau bảy mươi năm nhìn lại, đâu đó vẫn chưa thể tránh hết những khiếm khuyết cụ thể trong việc tổ chức thực hiện các phong trào thi đua. Hiện tượng phô trương hình thức, lảng phí tiền của, đạt và được công nhận danh hiệu nhưng không giữ nổi phong trào. Khen thưởng, tôn vinh danh hiệu theo chiều chia lượt, ưu tiên lãnh đạo, chưa quan tâm đúng mức sự cống hiến của người lao động trực tiếp…  thì việc tìm hiểu lại một cách thấu đáo những vấn đề then chốt, cơ bản về tinh thần “Thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân “Ngày Truyền thống thi đua yêu nước”, chúng ta càng tự hào về những giá trị vẹn nguyên về những giáo huấn vô cùng quý báu của Người./.

                                                                                                    6-2018



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét