Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2018

Hà Tĩnh phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu chống đế quốc Mỹ và trong giai đoạn hiện nay.


Hà Tĩnh một vùng đất hẹp chắn ngang giữa hai miền Nam Bắc nước Việt. Là vùng đất giao hòa khí hậu của hai miền Nam Bắc, vừa cận núi vừa gần biển, Hà Tĩnh trở thành nơi có ví trí xung yếu của đất nước xét về mặt chính trị, đồng thời lại chịu ảnh hưởng của khí hậu khắc nghiệt của vùng đất nhiệt đới gió mùa. Con người Hà Tĩnh vừa phải thường xuyên đối phó với thử thách thiên nhiên lại vừa phải đương đầu với những cuộc đọ sức quyết liệt của nhiều cuộc chiến tranh qua các triều đại.
      Sinh tồn trong điều kiện ấy đã buộc con người Hà Tĩnh phải thường xuyên rèn luyện một tinh thần chiến đấu, lao động kiên cường, dũng cảm, bền bỉ và luôn sáng tạo. Người Hà Tĩnh phải luôn có ý thức xây dựng sức mạnh cộng đồng, cố kết, với ý thức tổ chức kỷ luật cao. Để vượt qua mọi gian lao thử thách con người Hà Tĩnh phải xây dựng niềm tin sắt đá với mục tiêu lý tưởng, luôn biết chắt chiu tiết kiệm, hiếu học, sáng tạo và tiếp cận cái mới một cách nhanh nhạy để bứt phá mọi gian khó đi lên. Chính những phẩm chất quý giá này hình thành từ con người Hà Tĩnh đã được các thế hệ nối tiếp nhau giữ gìn và phát huy một cách có hiệu quả. Đây là nhân lõi vô cùng quan trong để tạo nên truyền thống tốt đẹp của con người Hà Tĩnh. Truyền thống ấy lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một hệ ý thức bất biến của người Hà Tĩnh, một thứ chủ nghĩa tốt đẹp được Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là chủ nghĩa anh hùng cách mạng(1) của chúng ta.
     Theo kết quả của nghiên cứu khảo cổ học thì Hà Tĩnh là một trong những vùng đất con người có mặt sớm, bởi thế Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trở thành vốn quý lâu đời của Hà Tĩnh. Xuất phát từ việc luôn phải đương đầu với thiên tai, địch họa, người Hà Tĩnh đã luôn phải trăn trở để tồn tại, tìm cách vượt mọi trở ngại khó khăn bằng cách đi của riêng mình. Phải chăng đó cũng là một lẽ thường tình như chính Lê Nin đã từng khẳng định:  "nghĩa là thế giới không thỏa mãn con người và con người quyết định biến đổi thế giới bằng hành động của mình". Trải qua hàng ngàn năm chống giặc ngoại xâm, Hà Tĩnh là quê hương dấy binh của những thủ lĩnh kiên cường như Mai thúc Loan, Đặng Tất, Đặng Dung, Phan Đình Phùng, Cao Thắng.... Trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm đã có những tướng lĩnh chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để khi trở về chỉ còn đầu treo trên lưngg ngựa như tướng quân Hà Tông Chính. Ở đây có cả những người dám "ăn cỗ đầu người", dám xả thân nhảy vào lấp lỗ châu mai, làm quân thù run sợ. Sự đột phá đi lên của người Hà Tĩnh còn để lại muôn đời sau được biết đây là quê hương của Xô Viết Nghệ Tĩnh; một địa phương có chính quyền công nông đầu tiên sau cách mạng tháng Tám và cũng là nơi không để kẻ thù đứng chân nỗi một ngày đêm trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp….

      Không chỉ trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm để giữ gìn bờ cõi mà trong công cuộc xây dựng quê hương trên các lĩnh vực,  nhiều danh nhân người Hà Tĩnh đã sống mãi với thời gian như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Phan Chánh, Lê Hữu Trác....và cả những lãnh tụ của Đảng như Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Duẩn đều có quê hương gốc rễ từ đây.
       Song cái gần gủi nhất đối với chúng ta, niềm tự hào to lớn đang còn nóng bỏng đối với mỗi con người trong thế hệ hôm nay đó là Hà Tĩnh đã và đang phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ và trong  thời kỳ đổi mới hôm nay.
            A- Trong cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ.
      Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của dân tộc ta kéo dài hơn hai mươi năm; trong thời gian ấy Hà Tĩnh vừa là hậu phương lớn của Miền Nam, vừa là tiền tuyến lớn của miền Bắc. Hà Tĩnh như chiếc cầu nối giữa một vùng rộng lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa với miền Nam đang trong chế độ thuộc địa kiểu mới của đế quốc. Để cuộc đấu tranh đi đến thống nhất nước nhà Hà Tĩnh phải đồng thời làm tròn nhiệm vụ của hai trách nhiệm lớn: vừa lo xây dựng quê hương vừa lo đáp ứng nhu cầu chi viện của Miền Bắc đối với cách mạng miền Nam. Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân pháp kết thúc, hòa bình lập lại; Hà Tĩnh đã cùng nhân dân miền Bắc nhanh chóng tiến hành công cuộc xây dựng cơ sở vật chất kỷ thuật của chủ nghĩa xã hội để làm hậu thuẩn cho cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam. Thực hiện kế hoach 5 năm lần thứ nhất, Hà Tĩnh đã dấy lên nhiều phong trào sôi nổi như phát triển Hợp tác xã nông nghiệp; phong trào làm hồ đập thủy lợi cải tạo đồng ruộng, đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp; phong trào thi đua giữa các tầng lớp nhân dân…. Đến giữa năm 1965 Hà Tĩnh đã có 92% số hộ nông dân vào Hợp tác xã, xây dựng gần 300 Hợp tác xã thủ công nghiệp; đồng thời triễn khai xây dựng hơn 20 công trình thủy lợi lớn nhỏ, trong đó có một số công trình lớn như Đập Khe Lang, Hồ chứa nước Thượng Tuy, Trạm bơm Linh Cảm ….
         Chúng ta có thể thấy rõ hơn sự phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Hà Tĩnh trong cuộc chiến đấu chống Mỹ và thời kỳ đổi mới hiện nay qua một số vấn đề cụ thể như sau:
1.     Xây dựng quê hương trong điều kiện chiến tranh
 Ngay sau khi Đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc; Hà Tĩnh đã nhanh chóng cùng cả nước chuyển từ thời bình sang thời chiến. “Vừa sản xuất, vừa chiến đấu” đó là mệnh lệnh không chỉ từ đường lối của Đảng mà chính ngay từ trái tim của mỗi người dân yêu nước Hà Tĩnh. Nhiều phong trào thi đua có sức lan tỏa lớn như: “Ba sẵn sàng” của thanh niên, “Ba đảm đang” của phụ nữ cùng với những khẩu hiệu hành động được chăng lên mọi nơi mọi không gian có thể; đó là “Chắc tay cày vững tay súng”, “Chắc tay búa vững tay súng”, Chắc tay bút vững tay súng”…thể hiện sự quyết tâm sắt đá của mọi tầng lớp nhân dân nhằm đánh thắng  đế quốc Mỹ xâm lược. Trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, bão lũ, hạn hán xẩy ra thường xuyên. Người Hà Tĩnh lo cái ăn cái mặc đã là khó, lại càng khó là lo chi viện sức người, sức của cho chiến trường. Thực hiện chỉ thị của  đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng đầu năm 1968 khi đoàn công tác của Trung ương vào thăm Hà Tĩnh: “Hà Tĩnh tự túc được lương thực là thắng Mỹ”. Đảng bộ và nhân dân đã tập trung cao cho việc phát triển nông nghiệp để nhằm giải quyết cơ bản nhu cầu lương thực, thực phẩm cho địa phương. Tỉnh đã chủ trương đổi mới quản lý trong nông nghiệp, tăng cường đầu tư kỷ thuật, cải tiến công cụ, thâm canh, giống mới, xây dựng mô hình ruộng cao sản, áp dụng cấy lúa thẳng hàng…..cùng với việc đẩy mạnh sản xuất là thực hành tiết kiệm. Phong trào “Hũ gạo tiết kiệm chống Mỹ cứu nước” do Mặt trận tổ quốc phát động đã được toàn quân toàn dân hưởng ứng, cho đến cuối năm 1965 đã có 9 vạn hộ dân, 196 bếp ăn tập thể thường xuyên thực hiện.
     Với những quyết tâm và hành động như trên Hà Tĩnh đã không chỉ đảm bảo được lương thực, thực phẩm tại chổ mà còn góp phần huy động chi viện chiến trường. Năm 1967 Hà Tĩnh đã huy động đột xuất được 5.000 tấn gạo, 1000 tấn thịt lợn và 300 tấn hàng nhu yếu phẩm cung cấp cho bộ đội chủ lực tham gia chiến trường Trị -Thiên. (2)  Có thể nói rằng đây là kết quả của sự nổ lược vô cùng lớn của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh trong chiến tranh.
2.     Đảm bảo giao thông, chi viện chiến trường
     Một trong những vấn đề then chốt trong cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ là làm sao đem được sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa miền Bắc tiếp sức cho cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam. Đặc biệt từ sau thất bại trong chiến dịch xuân Mậu Thân năm 1968, đế quốc Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra. Thực chất đây là sự điều chỉnh kế hoạch chiến tranh của Mỹ nhằm tập trung binh lực đánh vào vùng trọng điểm từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 20 nhằm cắt đứt sự chi viện của miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Chỉ trong 7 tháng địch ném bom hạn chế (từ tháng 4 đến tháng 10/1968) máy bay mỹ đã có hơn 2 vạn lần đánh phá Hà Tĩnh chiếm 71% tổng số lần đánh phá cả thời kỳ chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1965-1968). Đặc biệt sau khi địch cắt đứt tuyến vận tải đường quốc lộ 1, thì Ngả ba Đồng Lộc nằm trên tuyến đường 15A, trở thành điểm quyết chiến trên mặt trận giao thông vận tải giữa ta với địch. Mảnh đất Đồng Lộc với diện tích 0,6 Km2 đã phải chịu sự thử thách ác liệt chưa từng thấy. Tính ra mỗi mét vuông đất hứng chịu 3 quả bom Mỹ. Việc điều chỉnh khu vực tấn công tập trung của địch đã làm hạn chế rõ rệt khối lượng vận chuyển hàng hóa từ Bắc vào Nam  đi qua Hà Tĩnh. Từ tháng 4/1968 là 6.500 tấn đến tháng 6/ 1968 chỉ còn 1.430 tấn (3).  Đảm bảo sự vận tải  thông suốt Bắc Nam đã đặt lên vai Hà Tĩnh một trách nhiệm nặng nề, một thử thách quyết liệt, quyết định sự thắng bại trong cuộc chiến đấu. Thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, toàn dân Hà Tĩnh đã phát huy cao độ sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của cả hệ thống chính  trị. Với khẩu hiệu hành động: “ Máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”, “Đứt đường như đứt ruột, gãy cầu như gãy xương”; “ Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “địch phá một thì ta làm mười”; “Xe chưa qua nhà không tiếc”. Hàng ngàn người dân với hàng vạn ngày công cùng tất cả các loại phương tiện như ôtô, ca nô, sà lan, thuyền biển, thuyền nan, xe đạp thồ….đã được huy động cho việc đảm bảo giao thông vận tải. Làng Hạ Lôi, xã Tiến Lộc trong một đêm đã phát động được 100 hộ dân phá nhà làm đường cho 130 xe vận tải ra chiến trường. Có người còn hiến cả bộ ván gỗ hậu sự cho chiến dịch có một không hai này. Đây thật sự là một kỳ tích lịch sử. Với tất cả đó chúng ta đã chuyển toàn bộ sức mạnh của miền bắc góp sức cho chiến dịch toàn thắng của đồng bào miền Nam.
3.     Dũng cảm đánh địch trên mọi chiến trường.
      Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế trong điều kiện chiến tranh, đảm bảo giao thông thông suốt cho việc vận tải Bắc Nam, Hà Tĩnh còn phải lo đánh giặc ngay trên quê hương mình. Khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, rất nhiều cơ sở chính trị, kinh tế, văn hóa với 100% số xã của Hà Tĩnh đã bị kẻ địch đánh phá. Đặc biệt trong chiến dịch 7 tháng ném bom hạn chế, với sự huy động phương tiện và vũ khí hiện đại của địch,  đã có gần 30 vạn quả bom, 15 vạn quả đạn dội xuống Hà Tĩnh làm chết gần 13.000 người, bị thương 12.800 người(4). Hà Tĩnh trở thành mặt trận nóng bỏng. Lịch sử Đảng bộ mãi mãi ghi dấu ấn sâu sắc về trận thắng đầu tiên của quân dân Hà Tĩnh trong chiến đấu chống Mỹ ở núi Nài ngày 26-3-1965. Bộ đội cao xạ cùng lực lượng dân quân Thị xã Hà Tĩnh đã dùng mưu kế nghi binh, bắn rơi 9 chiếc máy bay Mỹ. Hà Tĩnh được Đảng và Bác Hồ động viên kịp thời khi  bắn rơi chiếc máy bay thứ 100 của Mỹ và được xếp vào tốp 5 tỉnh “Kiện tướng” diệt máy bay Mỹ. Cả Hà Tĩnh như một chiến trường đánh Mỹ suốt ngày đêm. Nhiều địa chỉ trở thành điểm đọ sức với bom đạn địch như Bến Thủy, Linh Cảm, Thượng Gia, Hạ Vàng, Đồng Lộc, Địa lợi, Lộc Yên, Ngả ba Thình Thình…Thực hiện lời kêu gọi của Hồ chủ tịch: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” Hà Tĩnh đã kiên cường trong đánh gặc. Nhiều tên tuổi của các đơn vị , cá nhân trở thành Anh hùng được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận như tiểu đội Mười cô gái Đồng Lộc, tiểu đội dân quân gái Kỳ Phương, tiểu đội mười cô gái núi Nài…cùng rất nhiều cá nhân anh hùng khác tiêu biểu như Dương Chí Uyển, La Thị Tám, Nguyễn Tiến Tuẫn, Uông Xuân Lý.v.v….đã làm rạng danh con người Hà Tĩnh tại một vùng trọng điểm chiến tranh.
       Sau  4 năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, quân và dân Hà Tĩnh đã chiến đấu dũng cảm, mưu trí bắn rơi 267 máy bay, bắn cháy 34 tàu chiến các loại và bắt sống nhiều gặc lái của địch để lại biểu tượng không thể phai mờ trong lòng mọi người dân yêu nước và bạn bè quốc tế hình ảnh:
                      “O du kích nhỏ gương cao súng
                   Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu”.
     Không chỉ đánh địch trên quê hương, hàng vạn thanh niên con em Hà Tĩnh với hơn 10% lao động chính đã được huy động chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên các chiến trường miền Nam và nước bạn Lào. Người Hà Tĩnh đã  để lại tình cảm và ấn tượng sâu sắc về chủ nghĩa anh hùng cách mạng ngời sáng cho các thế hệ mai sau học tập.

 B- Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong giai đoạn hiện nay.     Sau khi kết thúc cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ, hòa bình được lập lại, đất nước thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ đổi mới. Một thách thức rất lớn đối với Hà Tĩnh là cơ sở vật chất, hạ tầng, lực lượng lao động bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Nền tảng kinh tế xã hội để tiến hành công cuộc xây dựng mới đang nằm ở trình độ rất thấp. Thực hiện công cuộc đổi mới với ý chí và quyết tâm cao chưa đủ. Hà Tĩnh còn phải biết tận dụng cơ hội, xác định đúng hướng đi với lộ trình phù hợp.
        Công việc đầu tiên của Hà Tĩnh trong thời kỳ đổi mới là phát huy cao độ sức mạnh nội lực nhanh chóng khôi phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân làm nền tảng cho bước đi mới. Một mặt Hà Tĩnh đã tìm cách nâng cao dân trí, tập trung tạo nguồn nhân lực cho cuộc xây dựng mới, đây là hướng đi cơ bản chuẩn bị cho bước đi lâu dài. Toàn tỉnh đã tập trung chăm lo lĩnh vực giáo dục, từng bước thực hiện xóa mù, chuẩn hóa trình độ giáo dục phổ cập tiểu học, trung học, đảm bảo cơ sở vật chất trường học… phong trào xây dựng trường học cao tầng đã được triễn khai trong toàn tỉnh. Để tạo điều kiện cho người dân ổn đinh cuộc sống; một chủ trương vô cùng quan trọng được phát động rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân; mọi tổ chức chính trị, xã hội trong tỉnh đó là “Xóa nhà tranh tre dột nát”; “Giúp nhau xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm”. Chính nhờ sức lan tỏa mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân đã nhanh chóng đưa Hà Tĩnh từ chổ  quanh năm nhờ vào sự giúp đỡ của trung ương với gần 50% hộ nghèo sau ngày tách tỉnh 1991, tới việc tự lo cuộc sống và tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 10% hiện nay. Hà Tĩnh còn  là tỉnh được công nhận hoàn thành việc xóa nhà tranh tre dột nát đầu tiên trong cả nước vào năm 2003.
        Sau ngày tách tỉnh để giải quyết vấn đề lương thực Hà Tĩnh đã triển khai quyết liệt việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỷ thuật trong nông nghiệp. Chương trình cải tạo đồng ruộng, xây sựng hệ thống kênh mương thủy lợi và thực hiện chuyển dịch mùa vụ kết hợp việc triển khai đồng bộ phổ cập giống mới đã thực sự mang lại hiệu quả. Tuy nhiên để Công cuộc đổi mới có kết quả Hà Tĩnh không chỉ dừng lại từ hướng đi nông nghiệp mà còn phải đẩy mạnh việc chuyển dịch kinh tế sang phát triển công nghiệp. Đảng bộ Hà Tĩnh đã sớm xác định mục tiêu xây dựng các mũi kinh tế trọng điểm phấn đấu sớm trở thành một tỉnh có nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ phát triển. Để giải quyết hướng đi mới, Hà Tĩnh đã đẩy mạnh việc thu hút kêu gọi đầu tư phát huy sức mạnh ngoại lực. Tỉnh đã sớm ban hành chính sách thu hút nhân tài kêu gọi con em Hà Tĩnh trở về xây dựng quê hương. Một loạt hoạt động tổ chức tiếp cận các doanh nghiệp ngoài nước, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư đã được triển khai. Từ một chủ trương đúng, Hà Tĩnh đã nhanh chóng huy động ngoại lực, nâng cao vị thế năng lực phát triển; đã có lúc chỉ số năng lực cạnh tranh của Hà Tĩnh đứng thứ 3 cả nước. Một số khu kinh tế trọng điểm của tỉnh được ra đời, trong đó đáng chú ý là khu kinh tế Vũng Áng phía Nam của tỉnh trở thành một trong 8 khu kinh tế lớn của cả nước. Từ những khu kinh tế mới đã thu hút hàng trăm dự án, với nguồn vốn đầu tư của nước ngoài lên đến hàng chục tỷ USD. Có thể nói rằng với sức mạnh từ nội lực và ngoại lực đã mở ra cho Hà Tĩnh những cơ hội mới và diện mạo mới. Việc phát triển kinh tế đã thúc đẩy nhanh sự hình thành những đơn vị hành chính mới:  huyện Vũ Quang, Lộc Hà, Thị xã Hồng Lĩnh, thị xã Kỳ Anh đã ra đời. Tổng thu ngân sách trên địa bàn Hà Tĩnh sau hơn 25 năm từ ngày tái lập tỉnh) đã tăng từ  28 tỷ 428 triệu đồng (1991)(5) lên tới 8.900 tỷ đồng (2017) có năm đạt kỷ lục hơn 11 ngàn tỷ đồng. Bình quân thu nhập đầu người từ 188 USD(1991)- nằm trong tốp thấp nhất cả nước, lên 1.770 USD (2017). Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, cả Hà Tĩnh đang dồn sức làm thay đổi cuộc sống vật chất tinh thần của người dân nông nghiệp lâu đời. Với cách làm quyết liệt và đầy sáng tạo, không chỉ trông chờ vào Nhà nước, các địa phương còn huy động mọi nguồn lực trong đó có cả sức dân lên tới hàng trăm tỷ đồng. Vượt lên mọi trở lực, Hà Tĩnh không chỉ phấn đấu cho các chỉ tiêu quốc gia mà còn bổ sung thêm tiêu chí xây dựng Khu dân cư kiểu mẫu, Vườn mẫu. Đến nay toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đều đạt trên 10 tiêu chí. Tỉnh đã tổ chức vinh danh đợt 1 cho 34 Khu dân cư kiểu mẫu và 31 Vườn mẫu. Hà Tĩnh đang trở thành điểm sáng của toàn quốc về phong trào xây dựng nông thôn mới; là nơi hội tụ sự quan tâm của các địa phương trong cả nước và các nước trong khu vực. Cùng với những thành công trong công cuộc xây dựng mới, Hà Tĩnh năm 2017 còn giành nhiều thành quả đáng tự hào trên các lĩnh vực khác, giáo dục đứng thứ 3 toàn quốc về học sinh gỏi, thể thao thành tích cao giành 8 huy chương quốc tế, Mộc bản Trường lưu được tổ chức quốc tế công nhận là di sản ký ức thế giới.v.v…
       Rõ ràng chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Hà Tĩnh không chỉ được thể hiện trong quá khứ đấu tranh cách mạng, mà ngày nay đang được phát huy mạnh mẽ, trở thành nguồn sức mạnh to lớn trong toàn Đảng toàn dân, không ngừng tiếp sức và nâng tầm cho Hà Tĩnh vươn tới những mục tiêu cao đẹp hơn trong thời đại mới./.
       




-----------------------------
(1) Xem bản gốc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh nói về nội dung Chủ    
                         nghĩa anh hùng cách mạng  tháng  4-1966
(2) Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh tập 2, nxb CTQG. HN.2014. trang 123
(3) Sách đã dẫn                                                                      trang 130
(4) Sách đã dẫn                                                                      trang 139
(5) Niên giám thống kê tháng 10-1995                                  trang  25


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét