Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Niềm tin yêu của cử tri gửi vào người đại biểu


     Qua mỗi kỳ bầu cử, chúng ta lại cầm lá phiếu lựa chọn những người tài đức  làm đại biểu cho mình để hàng ngày đứng ra chăm lo giải quyết những vấn đề từ lớn đến nhỏ liên quan đến lợi ích cử tri. Tuy nhiên việc tiến hành bầu cử do cử tri không có điều kiện để hiểu biết tất cả mọi ứng viên nên phải thay vào đó là các cơ quan nhân sự, các cuộc hiệp thương bầu cử để có được danh sách tối ưu cho cử tri lựa chọn theo khu vực. Khi người đại biểu được bầu, thì đồng nghĩa với việc cử tri đã phó thác vận mệnh của mình vào người đại biểu. Còn người đại biểu có đáp ứng được niềm tin cậy của cử tri hay không lại phụ thuộc rất nhiều ở sự nổ lực hoạt động của họ. Cử tri có thể theo dõi hoạt động thực tiễn, nghe người khác nói lại, theo dõi sự xuất hiện trước công chúng hoặc những ứng xử tích cực trong các kỳ họp... mà gửi gắm, thể hiện mức độ tín nhiệm của mình với người đại biểu. Thông qua việc theo dõi hoạt động của người đại biểu, niềm tin, hay sự tín nhiệm sẽ tuỳ thuộc vào lợi ích từ kết quả nổ lực hoạt động của người đại biểu mang lại.  Thực tế cho thấy có nhiều đại biểu được cử tri nơi khác bầu lên, nhưng do hoạt động thực tiễn tích cực, những cử tri dù không trực tiếp bầu từ lá phiếu của mình vẫn luôn ngưỡng mộ và tin tưởng.
      Chung lại, những cử tri chân chính luôn mong muốn và gửi niềm tin yêu của mình tới người đại biểu mà họ luôn theo dõi và thấy hiện rõ một số vấn đề như sau:
     Trước hết, người đại biểu có cuộc sống lành mạnh; dù ở cương vị nào, dù có mức sống cao thấp ra sao cũng cần gắn mình vào cuộc sống thường nhật của cộng đồng. Chỉ khi người đại biểu có am hiểu tường tận và gắn mình được với cuộc sống của số đông cử tri thì khi đó mới có thể phát huy cao tinh thần trách nhiệm và phấn đấu vì lợi ích của cử tri.  Khi người đại biểu thấy được mình là người đại diện của cử tri, sẽ không còn nghĩ tới việc mình có quyền cao, chức trọng cần được quan tâm, ưu tiên và là cử tri đứng trên của mọi người. Có lẽ vì điều này mà Chủ tịch Hồ Chí Minh có lời phát biểu sâu sắc: “Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào uỷ thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui” (1). Thực tế đã không phải không có những đại biểu sau khi trúng cử đã trở thành một người hoàn toàn khác: quan cách, khó gần, khi nào cũng thấy mình là người quan trọng không muốn nghe, muốn biết những điều cụ thể. Mọi việc lớn bé đều trông chờ cán bộ tham mưu và bộ phận giúp việc giải quyết; tự cho mình có mọi quyền hành, sống cuộc sống khác và có quyền ban phát quyền lợi cho mọi người. Những vị đại biểu như vậy chắc chắn sẽ có độ tín nhiệm thấp.
      Người đại biểu hiểu được tâm tư nguyện vọng của cử tri. Dù bất luận trong hoàn cảnh nào; có thể đáp ứng hay chưa đáp ứng thì vấn đề cử tri quan tâm nhất thiết người đại biểu phải quan tâm. Quan tâm chia xẻ nguyện vọng với cộng đồng, đó mới chính là người đại biểu thực thụ của cử tri. Khi người đại biểu thờ ơ với điều cử tri đang quan tâm thì chắc chắn cử tri sẽ quay lưng với người đại biểu. Điều này cho thấy việc tổ chức tiếp xúc cử tri theo định kỳ là cần thiết nhưng chưa đủ. Người đại biểu có trách nhiệm cao cần giành thời gian thoả đáng để hiểu tường tận hơn những vấn đề cử tri đặt ra. Tận tâm chia xẻ cùng cử tri mọi vấn đề về cả đời sống vật chất lẫn tinh thần. Ngày nay trong cơ chế thị trường, sự đa dạng trong nhu cầu cuộc sống và sự bùng nổ thông tin đa chiều. Bên cạnh nguồn thông tin chuẩn mực, chính xác cao vẫn còn không ít những thông tin ảo không sát thực tiễn. Đây là những thách thức phức tạp cho người đại biểu khi tiếp nhận cần một sự sàng lọc, kiểm định tốt mới có thể xử lý hiệu quả. Khi đã nắm bắt được nguyện vọng của người dân thì phải tích cực tham gia giải quyết; kết quả xử lý thế nào cần phản hồi trở lại, Không nên để tồn đọng kéo dài tới tận những nhiệm kỳ sau. Nếu đại biểu thường xuyên “xin tiếp thu ý kiến để phản ánh lên trên” mà không có kết quả phản hồi thì cử tri sẽ mất dần niềm tin và lần sau không còn quan tâm nữa.
       Để có được sự đồng thuận và gửi gắm niềm tin từ cử tri, người đại biểu chân chính cần có bản lĩnh và trí tuệ và lòng dũng cảm. Người đại biểu dám nghe và dám mang tiếng nói của cử tri vào nghị trường, “nói tiếng nói của người dân” trong diễn đàn đại biểu; nói và làm luôn đi đôi với nhau. Đây là vấn đề hết sức quan trọng vì không phải mọi vấn đề được nêu ra, một người đại biểu có thể đáp ứng được, cũng như không phải ý kiến nào của cử tri đều bày tỏ đúng mức; trong khi cuộc sống lại đặt ra rất nhiều yêu cầu bức thiết và không loại trừ những vấn đề liên quan đến đại biểu cấp cao. Hơn thế có nhiều vấn đề chỉ diễn ra bức xúc, hay phù hợp chỗ này mà không phải ở chổ khác. Bất cứ người cử tri nào cũng đều mong muốn mọi người đại biểu phải bám sát cuộc sống, mang được yêu cầu, hơi thở cuộc sống của cử tri đến công đường, nghi sự. Số đông cử tri, người lao động không quan tâm nhiều đến chức tước, địa vị của người đại biểu mà chỉ thực sự quan tâm khi được thấy người đại biểu bàn định và giải quyết hữu ích nhất những vấn đề liên quan đến cuộc sống của người dân. Khi đó cử tri sẽ không còn nghĩ đến ai bầu ra người đại biểu nữa, mà chỉ còn biết đồng tình ủng hộ và gửi niềm tin vào người đại biểu ấy.
       Một đại biểu có tín nhiệm cao phải là một cử tri mẫu mực, trước và sau khi bầu cử, người đại biểu luôn nhớ mình còn phần trách nhiệm người cử tri trong nhiều mối quan hệ khác, chứ chưa phải đã hết mọi trách nhiệm cử tri. Điều này đòi hỏi người đại biểu luôn phải cố gắng hoàn thành tốt phần việc chuyên môn của mình và mọi công việc được giao; bởi đại biểu là nhất thời, cử tri là vĩnh viễn. Đây là sự công bằng trong một xã hội dân chủ, bởi trong xã hội ấy mọi người phải ra sức làm việc để cùng hưởng lợi. Người đại biểu hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn cũng có nghĩa người đại biểu ấy là một công dân tiêu biểu, xứng đáng là đại biểu của dân, để đứng ra lo cái lo của dân, hưởng cái dân được hưởng.
       Một đại biểu thể hiện rõ nét những tố chất trên chắc chắn sẽ quy tụ được niềm tin yêu và sự ủng hộ lớn của đại đa số cử tri.  Đây chinh là cở sở quan trọng để người đại biểu đưa ra được những quyết sách hợp lòng dân và luôn thực hiện thành công trong thực tiễn./.

                                                                                 

(1)  Hồ Chí Minh. Trả lời nhà báo nước ngoài. Tuyển tập II. nxb CTQG. H. 2002. trang 46


                                                                       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét