Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Tìm về cội nguồn nhân cách người cộng sản Trần Phú

Đồng chí Trần Phú- Tổng bí thư đầu tiên của Đảng ta là một tấm gương sáng chói về khí tiết người cộng sản. Thời gian đảm nhận trọng trách chưa đầy một năm, hy sinh khi tuổi còn rất trẻ, nhưng những công lao và cống hiến của đồng chí đối với Đảng và cách mạng Việt nam là rất to lớn. Nghiên cứu tiểu sử và sự nghiệp của đồng chí chắc chắn phải là những đề tài khoa học công phu. Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí, bài viết này chỉ trình bày đôi điều suy ngẫm về cội nguồn của nhân cách người cộng sản Trần Phú. 1. Trần Phú sinh ra trong một gia đình trí thức phong kiến. Cả ông nội và thân phụ của đồng chí đều là những người theo Nho học và đỗ đạt. Cụ Trần Viết Tiến-ông nội của Trần Phú là người từng đỗ Tú tài kép. Cụ Trần Văn Phổ- thân phụ của Trần Phú là người thi đỗ Giải nguyên năm 1898, được bổ nhiệm làm Giáo thụ- chức quan trông coi việc học hành tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; sau đó cụ được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm làm Tri huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Cụ bà Hoàng Thị Cát- thân mẫu Trần Phú là con một nhà nho ở Châu Dương, Nghi Lộc, Nghệ An. Có thể nói, cả họ nội và họ ngoại của đồng chí Trần Phú đều là những gia đình có học, có nền nếp. Đây là những nhân tố đầu tiên tác động tới Trần Phú và các anh, chị, em trong gia đình; là môi trường giáo dục tốt giúp họ sớm ý thức được việc gắng sức học hành để sau này lập nghiệp, giúp ích cho người, cho đời. Anh em Trần Phú (ông Trần Đường, Trần Ngọc Danh...) đều là những người thông minh, có học đã minh chứng cho nhận định này. Trần Phú là người phải bươn trải từ khi còn thơ ấu. Năm 1908, quan Tri huyện Trần Văn Phổ đã quyên sinh vì bất lực trước cảnh dân tộc bị ngoại xâm giày xéo, vì không tìm ra biện pháp để giúp đỡ đồng bào mình đang bị đoạ đày đau khổ do sưu cao, thuế nặng. Cụ quyên sinh còn là để thể hiện sự bất hợp tác của mình với chính quyền thực dân phong kiến. Bà Hoàng Thị Cát- thân mầu Trần Phú sớm bị đuổi khỏi huyện đường sau khi quan Tri huyện Trần Văn Phổ qua đời. Mẹ con sống qua ngày nhờ quán nước hoặc gánh hàng rong. Bà qua đời trong nghèo khó khi Trần Phú mới 6 tuổi (1910). Tuổi thơ của Trần Phú sống nhờ sự cưu mang đùm bọc của anh chị em và những người thân. Hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, buộc họ sớm có ý thức chịu đựng gian khổ, cần cù, tự lực. Nhưng điều lớn hơn là trong tâm thức họ càng nhận rõ sự áp bức bất công của chế độ thực dân phong kiến; sớm ý thức được tinh thần đoàn kết cộng đồng trong cuộc đấu tranh đòi quyền sống, tự do, bình đẳng. 2. Thủa nhỏ, Trần Phú ít có điều kiện gắn bó với quê cha đất tổ - xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh; nhưng không phải vì thế mà quê hương không ảnh hưởng gì tới quá trình hình thành nhân cách của đồng chí. Một số vị lão thành cách mạng và bậc cao niên ở Hà Tĩnh và Nghệ An cho biết: thời gian Trần Phú làm thầy giáo ở Trường tiểu học Cao Xuân Dục, Vinh những năm 1922-1925 là thời gian Trần Phú rất gắn bó không chỉ với Đức Thọ quê hương mà cả Thành phố Vinh và vùng phụ cận, vùng “địa linh”, nơi sản sinh và hội tụ của nhiều nhân tài trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của người dân nước Việt. Quê hương Trần Phú- Tùng Ảnh, xưa thuộc thôn Yên Hạ là nơi có ngã ba sông (Tam soa), hội tụ của hai con sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố, nơi dừng chân của một trong 99 con chim phượng hoàng bay qua. Có lẽ cũng rất ít nơi có nhà thờ Khổng Tử(1) như làng Tùng Ảnh. Theo “Phong thổ chí” của Bùi Dương Lịch nửa đầu thế kỷ XVII thì đây là nơi tụ hội của khí đất khí trời, mạch nước, con người. Đây là nơi con người sinh ra được hưởng mạch nước trong, khí hậu tốt, “khí chung đức rất trong”, cho nên ở đây “con trai thông minh, con gái thì trinh tiết, đôn hậu, chuộng thi, thư, trọng lễ tiết, giao tiếp lịch sự, khiêm tốn, trên dưới vui vẻ, ai nấy đều đối xử với nhau bằng lễ nghĩa....đáng gọi là đất văn nhã của Hoan châu”(2). Nói rộng hơn, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh một vùng đất hẹp, dốc thoải từ Tây sang Đông, là cầu nối giữa hai miền Nam Bắc nước ta. Điều kiện địa lý đã đặt ra cho con người ở đây luôn phải đương đầu với thiên tai, địch hoạ. Muốn tồn tại con người phải ý thức được trách nhiệm cộng đồng, có chí vươn lên. Chính đặc điểm này qua quá trình tiến hoá của lịch sử đã vun đắp, hình thành nên những nét đẹp truyền thống của quê hương Trần Phú. Con người ở đây luôn thích hành động, làm việc cần mẫn, chịu khó, cần cù trong lao động sản xuất. Quá trình chống thiên tai và chống ngoại xâm còn hun đúc cho con người nơi đây truyền thống yêu quê hương đất nước, kiên cường dũng cảm, không chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược. Hà Tĩnh là quê hương của Mai Thúc Loan, Đặng Tất, Đặng Dung; là nơi có căn cứ Sơn phòng của Vua Hàm Nghi; có cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng- Cao Thắng; nơi Lê Ninh, Nguyễn Biểu, Nguyễn Thiếp...một lòng lo việc nước. Đặc biệt con người vùng đất này thường đặt việc đại sự quốc gia lên trên hết. Bùi Dương Lịch dù một thời hầu hạ Lê Chiêu Thống, nhưng khi ông này bỏ nước ra đi theo giặc, ông đã tìm cách lẫn trốn để về quê làm nghề dạy học. Nguyễn Thiếp tài ba cũng đi sống ẩn giật chờ thời giúp Quang Trung đánh giặc. Quê hương Trần Phú cũng là nơi nổi tiếng về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Nhiều người học hành thành đạt, danh tiếng lẫy lừng trên nhiều lĩnh vực. Nhà nghiên cứu người Pháp Raulan Bulato đã từng viết trong cuốn Tỉnh Hà Tĩnh (La Province de Ha Tinh) xuất bản năm 1925 như sau: “ nhân dân Hà Tĩnh cũng như Nghệ An có tiếng hiếu học. Nhiều nơi, đặc biệt là vùng Đức Thọ, Nghi Xuân đã sinh ra nhiều bậc học giả, trí thức có tiếng tăm, có danh vị lớn được cả nước biết tiếng”(3). Hà Tĩnh còn là quê hương của nhiều danh nhân, bác học như: Nguyễn Huy Tự, Phan Huy Ích, Phan Kính, Đại thi hào Nguyễn Du, Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác, Nhà quân sự , nhà thơ, nhà kinh tế Nguyễn Công Trứ... Từ trong cuộc sống và mưu cầu sự trường tồn, từ những nhu cầu bức thiết của cuộc chiến đấu chống thiên tai địch hoạ, con người nơi đây đã xích gần lại với nhau, gắn kết với nhau chặt chẽ. Bởi vậy con người Hà Tĩnh rất trọng đạo lý, lẽ phải, sống thuỷ chung tình nghĩa. Có thể nói truyền thống quê hương, chất người Hà Tĩnh và những tấm gương anh hùng bất khuất trong các cuộc đấu tranh chống xâm lược trên mảnh đất này đã có những tác động rất to lớn trong quá trình hình thành tinh thần yêu nước của Trần Phú. Trong những ngày dạy học ở Trường Cao Xuân Dục, ngoài việc dạy học trò học chữ, học làm người, Trần Phú còn đưa học trò của mình đi thăm di tích Đại bản doanh của Phan Đình Phùng trên núi Vụ Quang, thăm núi Lam Thành nơi Nguyễn Biểu “ăn cổ đầu người” để tỏ rõ khí phách, không chịu khuất phục tướng nhà Minh là Trương Phụ, thăm núi Dũng Quyết nơi Hoàng đế Quang Trung đặt Phượng Hoàng Trung đô chuẩn bị chống quân xâm lược Mãn Thanh...những lần đi thăm này đã thấm sâu vào tâm thức cả thầy lẫn trò tinh thần yêu nước, anh dũng chống ngoại xâm của các bậc tiền bối, trên mảnh đất quê hương. Một số học trò của Trần Phú sau này dã trưởng thành, tiêu biểu là đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai.... người phụ nữ anh hùng của cách mạng Việt Nam. 3. Xem xét quá trình hình thành quan điểm, tư tưởng, nhân cách của một nhà chính trị thì điều không thể không nói tới là những yếu tố của thời đại. Trần Phú sinh ra và lớn lên khi Chủ nghĩa Tư bản đã bước vào giai đoạn phát triển sang Chủ nghĩa Đế quốc. Những thủ đoạn bóc lột của đế quốc thực dân đã làm dấy lên phong trào đấu tranh mạnh mẽ của những người lao động bị áp bức. Những cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và phong trào cách mạng vô sản đã bùng nổ khắp nơi. Thắng lợi của Cuộc cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại là sự mở đầu một thời đại mới trong lịch sử nhân loại. Sự ra đời của Quốc tế Cộng sản tháng 3 năm 1919 sau đó là sự xuất hiện các Đảng cộng sản của một số nước trên thế giới trong đó có sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam càng thúc đẩy phong trào cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ. Khi Trần Phú đang còn là một thanh niên yêu nước, một thầy giáo thì Nguyễn Ái Quốc đã là một chiến sĩ cộng sản hoạt động từng trải và đang thực hiện một công việc cực kỳ trọng đại- truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lê Nin vào trong nước. Những sách báo cách mạng do Người và Quốc tế cộng sản gửi về đã thức tỉnh và lôi cuốn một bộ phận thanh niên yêu nước Việt nam theo lý tưởng thời đại. Trần Phú là một người trong số đó. Đồng chí tham gia sáng lập Hội Phục Việt- một tổ chức của thanh niên trí thức cấp tiến, sau này chịu ảnh hưởng tư tưởng quan điểm của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên- một tổ chức có xu hướng cộng sản do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và lãnh đạo. Trần Phú đã trở thành học trò của Nguyễn Ái Quốc tại lớp huấn luyện chính trị do Người tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) năm 1926. Tại lớp huấn luyện này, Trần Phú đã được truyền thụ những bài học sơ giản về Chủ nghĩa Mác – Lê Nin, về cách mạng vô sản và con đường cứu nước, giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Năm 1927, Trần Phú được Hội Việt nam Cách mạng Thanh niên và Nguyễn Ái Quốc giới thiệu sang học tại Trường Đại học Phương Đông ở Matxcơva. Đồng chí đã có điều kiện học tập, nghiên cứu lý luận Mác –Lê Nin một cách chính quy, bài bản; càng củng cố lòng tin vào con đường mà người thầy cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn và truyền thụ. Đây là nhân tố quyết định trực tiếp để Trần Phú từ một người yêu nước trở thành một chiến sĩ cộng sản. 4. Điều sau cùng chúng tôi muốn nói là yếu tố nội tại trong con người Trần Phú đã góp phần quan trọng trong việc hình thành nhân cách người chiến sĩ cộng sản kiên cường. Trước hết, ở Trần Phú thể hiện rõ nét một con người thông minh, say mê học tập, một thầy giáo tận tuỵ, sớm nuôi chí lớn giúp dân giúp nước. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho học, nhưng từ nhỏ Trần Phú đã gặp nhiều bất hạnh. Cha mất sớm, mẹ con tần tảo nuôi nhau, rồi tiếp đến mẹ qua đời, cuộc sống khổ cực dưới chế độ Thực dân, đế quốc càng tạo cho Anh ý chí tự lập. Được sự giúp đỡ của những người thân, những ngày được cắp sách đến trường Trần Phú đã miệt mài học tập. Mùa hè năm 1922 Trần Phú đỗ đầu kỳ thi Thành chung tại trường Quốc học Huế. Anh đã từ chối việc làm quan mong “vinh thân tề gia” để bước vào đời với nghề dạy học. Đây cũng là con đường mà những người thân trong gia đình Anh đã đi. Vì thế Anh đã biết kế thừa và vươn lên những tầm hiểu biết mới. Thầy giáo Võ Liêm Sơn, người rất quý mến Anh đã khuyên: “ Thầy mãi 25 tuổi mới đỗ Thành chung. Con đã đỗ sớm hơn thầy nhiều. Nhưng thầy hy vọng con sẽ có con đường đi khác với con đường mà lớp người như thân sinh con đã đi” (4). Từ trong hoạt động thực tiễn, Anh được tổ chức cử đi học nước ngoài. Đây là cơ hội tốt để Trần Phú thực hiện ước mơ cao cả của mình. Trước khi lên đường Trần Phú đã bày tỏ với người anh trai một điều hệ trọng: “Em đi tìm “vàng”, khi nào có kết quả em sẽ về thăm anh chị”(5). Trần Phú được tham dự lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu do Nguyễn Aí Quốc tổ chức, sau đó được cử đi học ở Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản. Đến đây dù vào học muộn, Anh vẫn tỏ rõ là một học viên xuất sắc, được tổ chức tin tưởng giao làm Bí thư nhóm học viên Việt Nam ở trường. Như vậy có thể thấy rằng ở đâu Trần Phú cũng thể hiện rõ tư chất một con người thông minh, hiếu học, nuôi chí lớn để lập thân lập nghiệp. Hai là: Trần Phú sớm tiếp thu tinh thần yêu nước, căm thù giặc, phát huy truyền thống bất khuất, đấu tranh chống ngoại xâm của quê hương. Là người con của quê hương có truyền thống yêu nước, lại thêm chứng kiến cảnh uất ức của gia đình, chứng kiến cuộc sống cơ cực hàng ngày của người dân, Trần Phú đã sớm nuôi dưỡng tinh thần yêu nước căm thù giặc. Theo gương truyền thống gia đình và những bậc tiền bối quê hương, Trần Phú càng nung nấu quyết tâm “trả thù nhà, đền nợ nước”. Những người thân trong gia đình cũng nhận thấy điều đó ở Anh từ rất sơm.: “Trần Phú tuy còn ít tuổi, nhưng đã có chí hướng trả thù nhà, đền nợ nước, thể hiện tư cách con của một gia đình có nền nếp, một con người có chí lớn, tiếp thu truyền thống của gia đình” (6). Thời gian làm thầy giáo Trần Phú không chỉ dạy chữ mà còn chăm lo dạy người. Anh lăn lộn trong đội ngũ những người lao động, tuyên truyền vận động trong các xóm thợ ở Trường Thi, Bến Thuỷ. Anh truyền cảm tâm huyết cho học sinh về đạo làm người, về lòng nhiệt thành cách mạng, tinh thần yêu nước, truyền thống chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc. Một số học sinh của Anh đã trở thành những cán bộ lãnh đạo, những bậc tiền bối của Đảng. Công việc dạy học đã giúp Anh có thêm điều kiện tiếp xúc và tham gia hoạt động xã hội. Những ngày còn đi học, rồi đến khi đi dạy học, Trần Phú luôn hăng hái tham gia các tổ chức chính trị: Thanh niên Tu tiến Hội, Hội Phục Việt...Vốn có thực tiễn từ phong trào đấu tranh, lại được thêm lý luận cách mạng soi sáng, Trần Phú đã nhanh chóng trở thành một chiến sĩ cách mạng xuất sắc. Mặc dù biết kẻ thù đã kết án tử hình vắng mặt, sau khi học xong Anh vẫn tình nguyện xin về nước để hoạt động cách mạng bất chấp hiểm nguy. Chính đức tính cần cù, chịu khó, không ngại gian khổ hiểm nguy, phát huy truyền thống quê hương đã giúp Anh sớm trưởng thành. Được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng là sự kiện quan trọng thể hiện bước trưởng thành lớn trong cuộc đời Trần Phú và phía trước biết bao khó khăn nguy hiểm đang chờ đợi. Song Trần Phú không đắn đo suy tính, bởi mục đích cao nhất của Anh là làm cách mạng. Kiên định con đường cách mạng, Anh sẵn sàng cống hiến sức mình cho Đảng. Ngay từ những ngày Đảng mới ra đời, Trần Phú đã cùng Trung ương lãnh đạo cao trào cách mạng rộng lớn trong cả nước. Kết quả phong trào ấy là vùng Nghệ Tĩnh đã thiết lập nên một kiểu Nhà nước Vô sản đầu tiên ở Đông Nam Á. Giữa lúc cách mạng đang phát triển, biết Anh là người giữ cương vị cao nhất của Đảng, kẻ thù đã lùng tìm ráo riết và bắt được Anh. Chúng đã dùng mọi thủ đoạn và cự hình tra tấn để mong sao khuất phục được Anh. Đối mặt với những tên thực dân khét tiếng, Trần Phú hiên ngang thừa nhận mình là Tổng bí thư của Đảng. Mặc đòn roi, cùng các thủ đoạn thâm độc và bệnh tật hiểm ngèo, những bí mật của Đảng vẫn được Anh kiên cường bảo vệ. Trước giờ phút lâm chung Anh chỉ mong sao các đồng chí của mình “Hãy giữ vừng chí khí chiến đấu”. Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú và 83 năm Anh về chốn vĩnh hằng; một lần nữa chúng ta càng thấy rõ sức sống lý tưởng của Trần Phú vẫn mãi mãi trường tồn cùng non sông đất nước. Ngày nay trong bộn bề của công cuộc đổi mới, nghĩ tới hình ảnh cao đẹp về đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, chúng ta càng thấy tự hào; bởi không chỉ sự nghiệp cách mạng Anh để lại đang ngày càng ra hoa kết trái mà còn thấy trong nhân cách của Anh đã kết tinh trọn vẹn những tinh hoa của truyền thống gia đình, quê hương, hài hoà trong bối cảnh chung của thời đại ./. ----------------- (1) Xem Làng cổ Hà Tĩnh. Hội LH Văn học NT và Sở Văn hoá TT Hà Tĩnh, 2000, trang 380 (2) Bùi Dương Lịch. Yên Hội thôn chí, Bản dịch của Bùi Thanh Hà, Sở Văn hoá TT Hà Tĩnh, 2000, trang 25 (3) Raulan Bulato, Tỉnh Hà Tĩnh, năm 1925, bản dịch của Ban Tuyên giáo Hà Tĩnh (4) Xem Địa chí Huyện Đức Thọ, nxb Lao động, Hà nội 2004, trang 638 (5) Tổng Bí thư Trần Phú với quê hương Đức Thọ. Huyện uỷ Đức Thọ. 2004. Trang 151 (6) Sđd trang 149

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét