Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

Những đóng góp quan trọng của đồng chí Nguyễn Thiếp với Đảng bộ và nhân dân trong thời kỳ cách mạng 1930-1931 ở Hà Tĩnh

Trong pho sử vàng truyền thống của Đảng bộ Hà Tĩnh có không ít những đồng chí cán bộ, đảng viên trung kiên của Đảng đã để lại công lao to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân. Mặc dù trước chính sách thống trị tàn bạo của kẻ thù họ không có được nhiều thời gian để cùng nhân dân làm nên sự nghiệp lớn; song những đóng góp của quan trọng vào sự nghiệp cách mạng để làm nên chiến thắng thì lịch sử mãi mãi không bao giờ phai nhạt. Đồng chí Nguyễn Thiếp là một trong số tấm gương tiêu biểu đó. I- Bối cảnh xuất thân Đồng chí Nguyễn Thiếp (bí danh là Nguyễn Châu, Kim Đơn, Nguyễn Cầu, Nguyễn Hữu Diên) sinh ngày 01- 6 -1894 tại làng Phù Việt (nay là xã Thạch Việt) huyện Thạch Hà, Tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước và học hành khoa cử. Ông nội Nguyễn Thiếp là Nguyễn Nhân (1826-1889) từng là Ấm sinh Quốc Tử Giám ở Huế và sau trở thành danh y. Cha của đồng chí là cụ Nguyễn Xác (1860- 1897), một người thông thạo “tứ thư”, “ngũ kinh”, đậu hai kỳ thi Hương, nhưng đã tạ thế lúc đang độ phát triển chín muồi ở tuổi 38. Mẹ ông, cụ bà Lê Thị Bình (1857- 1937) là con thứ năm cụ Lê Văn Kích, quê Thạch Minh, Thạch Hà, là cô ruột của Ông Lê Hữu Đạt (tức Lê Khoan) thân sinh anh hùng Lý Tự Trọng. Sinh ra trong một gia đình như vậy trên một vùng đất được gọi là “địa linh nhân kiệt”; Nguyễn Thiếp sớm tiếp cận với nhiều tấm gương sáng về tinh thân hiếu học và tinh thần cách mạng bất khuất kiên trung của các bậc tiền nhân như La Sơn phu tử, Nguyễn Biểu, Lê Ninh, Phan Đình phùng, Cao Thắng .... Đặc biệt là tiếng vang của các bậc đàn anh đầu thế kỷ như Phan Bội châu, Phan Chu Trinh ở xứ Nghệ với những phong trào cách mạng sôi nổi tìm đường khai hóa cho đất nước thoát khỏi sự thống trị của thực dân đế quốc, đã khơi dậy trong ông một tinh thân yêu nước dám xả thân vì sự nghiệp cách mạng vì vận mệnh của đất nước và nhân dân. Bản thân Nguyễn Thiếp thuở nhỏ đã tỏ ra là một cậu bé thông minh, ham học; bố mất từ lúc lên 3 tuối, được mẹ nuôi dưỡng và sớm tiếp cận cuộc sống kham khổ nên Nguyễn Thiếp sớm có tinh thần tự lập, sống khí khái, thương yêu người ngèo khổ và có nhiều khát vọng lớn. Tiếp thế hệ và cùng thời với Nguyền Thiếp trên quê hương Ngệ Tĩnh đã có nhiều người tham gia sôi nổi các hoạt động yêu nước tiến bộ như Nguyễn Tất Thành, Trần Phú, Hà Huy Tập ... đã thôi thúc Nguyễn Thiếp sớm bước vào con đường cách mạng. Chính vì vậy mà ở độ tuổi 20 đầy nhiệt huyết, ngay sau khi đậu sơ học, Nguyễn Thiếp đã trở về quê nhà dạy học để có điều kiện tham gia hoạt động yêu nước. Tuy nhiên do sự tàn bạo của chính sách thực dân, trong điều kiện ảnh hưởng của luồng gió cách mạng mới còn đang nhỏ bé; những nổ lực phấn đấu và cống hiến cho sự ngiệp cách mạng và khát vọng, mơ ước của tuổi trẻ Nguyễn Thiếp cũng như nhiều đồng chí đồng nghiệp; anh đã sớm bị kẻ thù tìm cách đàn áp. Nguyễn Thiếp đã vĩnh viễn ra đi ở đội tuổi sung sức nhất, để lại phí sau những hoài bão lớn lao và những đóng góp quan trọng, vô cùng có ý nghĩa cho phong trào cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đầu thế kỷ XX. II- Một số đóng góp quan trọng: Nguyễn Thiếp là nhân tố tích cực giác ngộ cách mạng trong thanh niên. Vơí tư chất thông minh, lại được tiếp nối tri thức của quê hương, gia đình đặc biệt là ảnh hưởng của tư tưởng mới - cách mạng vô sản theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin thông qua việc truyền bá của các nhà yêu nước. Đặc biệt là sự tác động sâu sắc sau khi được tham dự lớp huấn luyện bồi dưỡng lý luận cộng sản do đồng chí Trần Hữu Thiều tổ chức tại làng Phù Việt cùng với các thanh niên tiên tiến khác trong tổ chức Tân Việt như Mai Kính, Võ Quê, Trần Hưng...Nguyễn Thiếp trở thành nhân tố tích cực truyền bá tinh thần yêu nước trong thanh niên. Có thể nói đây là hoạt động có sức thu hút thanh niên mạnh mẽ nhất vì chỉ sau khi có những hiểu biết về lý luận cách mạng thì mới có thể tạo nên được phong trào cách mạng, Nhờ có những hoạt động tích cực ban đầu này mà Nguyễn Thiếp đã cùng với các thanh niên nòng cốt sớm tập hợp được đông đảo thanh niên ưu tú cùng tham gia hoạt động cách mạng. Trong số đó ta thấy có rất nhiều những người bạn của ông đã sát cánh trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù như Hà Huy Tập, Nguyễn Sỹ sách, Nguyễn Huy Lung... Không chỉ tích cực vận động và truyền bá tinh thần yêu nước, Nguyễn Thiếp còn là tấm gương hoạt động xuất sắc trong các tổ chức đầu thế kỷ XX. Nguyễn Thiếp là người tham gia Hội Phục Việt do cụ Lê Huân tổ chức tại núi Con mèo, Bến Thủy, sau đó đổi tên là Hội Hưng Nam, Đảng Tân việt. Trong tổ chức, Nguyễn Thiếp đã cùng các Hội viên tham gia ra truyền đơn đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu; kêu gọi nhân dân đấu tranh chống ách đô hộ của thực dân phong kiến. Vừa là một thầy giáo, vừa là người tham gia hoạt động, Thầy giáo Nguyễn Thiếp còn hướng dẫn bà con nhân dân, tìm cách dây dưa, khất lần, hoãn việc đóng thuế; viết đơn tố cáo bọn quan lại hào lý nhũng nhiều, đục khoét tiền của, đồng bào. Vì công việc đòi hỏi nhiều thời gian vắng nhà, Nguyễn Thiếp đã phải bỏ việc day học để tham gia hoạt động. Ngay cả khi bọn quan lại và Chánh Tổng làng Phù Việt bố trí người theo dõi và ngăn cấm, Nguyễn Thiếp vẫn không hề sợ hãi càng tích cực hoạt động và ví trí của Nguyễn Thiếp càng ngày càng lớn trong tổ chức của mình. Sau một thời gian hoạt động, đồng chí Nguyễn Thiếp đã được phân công phụ trách Đại tổ Tân việt huyện, rồi Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tân Việt tỉnh Hà Tĩnh. Khi Đảng Tân Việt chuyển thành Đông Dương cộng sản liên đoàn, đồng chí là thành viên tích cực hoạt động để xây dựng tổ chức yêu nước chân chính ở địa phương. Tháng 3-1930 Đại hội thành lập Đảng bộ Lâm thời Hà Tĩnh, đồng chí đã được bầu vào Ban chấp hành lâm thời, phụ trách các huyện phía Nam của tỉnh. Với uy tín của mình, Đồng chí Nguyễn Thiếp đã được Đại hội chính thức của Đảng bộ Hà Tĩnh 9-1930 bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy; đây là tiền đề quan trọng để đồng chí tiếp tục tham gia Ban Chấp hành xứ ủy, rồi Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung kỳ của Đảng cộng sản Việt Nam. Nguyễn Thiếp là một tấm gương xây dựng tổ chức của Đảng. Khi nói đến hiệu quả hoạt động của Đảng trước hết phải nhìn vào hệ thống tổ chức cơ sở của Đảng. Hơn ai hết với cương vị Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Thiếp thấy rõ sự cần thiết việc mở rộng mạng lưới cơ sở Đảng. Bất chấp sự ngăn cấm của kẻ thù, đồng chí đã tích cực lăn lộn trong phong trào quần chúng để xây dựng cơ sở Đảng. Bằng vốn hiểu biết và kinh nghiệm hoạt động của mình, đồng chí đã sử dụng nhiều bí danh khác nhau với nhiều hình thức phong phú để có thể che mắt địch như việc dạy học, cho thuốc chữa bệnh...Đồng chí đã xuống tận các cơ sở quần chúng, vận động nhân dân tham gia các tổ chức quần chúng, tổ chức biểu tình, đấu tranh; vì đây chính là nguồn bổ sung nguồn nhân tố tích cực cho nòng cốt của Đảng. Để tập hợp quần chúng đồng chí còn hướng dẫn nhân dân “vay” thóc lúa của nhà giàu chia cho dân nghèo cứu đói; khi có điều kiện thì tước ấn tín của bọn Lý trưởng, Chánh tổng để lập nên các Xô viết...Tuy nhiên muốn làm cho hoạt động của nhân dân có hiệu quả, trước hết cần có những nòng cốt lãnh đạo đó là các cơ sở Đảng. Việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng là công việc không tách rời với việc xây dựng các tổ chức quần chúng. Bằng những nổ lực phấn đấu của mình, chỉ sau 7 tháng phụ trách, các huyện phía Nam đã xây dựng được 30 chi bộ Đảng cộng sản với hơn 100 đảng viên; một số phủ ủy, huyện ủy được thành lập đây là nhân tố quan trọng để thúc đẩy phong trào cách mạng phía Nam Hà Tĩnh ngày càng phát triển. Chính nhờ những nổ lực của Nguyễn Thiếp và các đồng chí của mình mà đến thời điểm điễn ra Đại hội, Đảng bộ đã có số đảng viên lên tới gần 500 đảng viên cùng hàng ngàn hội viên các tổ chức quần chúng cách mạng khác.Với kết quả này đồng chí Nguyễn Thiếp đã cung cấp cho Đảng những kinh nghiệm thành công trong việc xây dựng tổ chức cơ sở của Đảng ngay trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Về chỉ đạo phát tiển kinh tế: Nguyễn Thiếp là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, anh vốn rất gần gủi với các tổ chức phường nghề, thủ công truyền thống của địa phương, đây chính là những nhân tố đầu tiên cho Nguyễn Thiếp hình thành ý thức hoạt động tập thể. Từ thực tiễn địa phương Nguyễn Thiếp đã bỏ công nghiên cứu và vận động nhân dân xây dựng và triển khai tổ chức dưới hình thức lao động tập thể. Các thôn xã Bộ nông sau khi ra đời được sự chỉ đạo mới một mặt duy trì và phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống như làm nón, làm chiếu, đánh cá...mặt khác tích cực mở mang việc dạy thêm nghề mới như nghề may, làm thuốc chữa bệnh; xây dựng các công trình có tính cộng đồng cao hơn để phát triển hiệu quả lâu dài. Từ đó các địa phương đã dấy lên phong trào chung sức lao động; tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, giúp đỡ nhau làm mùa; sữa sang đường làng ngõ xóm; cùng nhau đào mương, đắp đập chống hạn. Từ chỉ đạo của đồng chí một số công trình của địa phương đã phát huy hiệu quả như đập Hói Dát, đập Khố Nội, đường lên núi Mô... thực sự đã giúp nhân dân có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế văn hóa của địa phương. Về xây dựng đời sống văn hóa mới tiến bộ: một đóng góp quan trọng khác rất có ý nghĩa của Nguyễn Thiếp đối với nhân dân là việc truyền bá và tổ chức xây dựng cuộc sống mới văn minh, tiến bộ. Lớn lên ở một vùng quê nghèo, Nguyễn Thiếp hiểu rõ sự cần thiết thúc đẩy phát triển kinh tế luôn gắn liền với việc xây dựng cuộc sống văn hóa, văn minh, tiến bộ. Trên cương vị của người Bí thư Cấp ủy Nguyễn Thiếp là người đưa ra nhiều chủ trương được các thôn xã đồng tình cao. Trong điều kiện các xô viết của công nông mới ra đời, Nguyễn Thiếp là một trong những người tích cực đưa ra các chủ trương cải cách đời sống văn hóa, bài trừ hủ tục ở địa phương. Thực hiện chỉ đạo của đồng chí nhiều nơi bên cạnh việc tổ chức học chữ quốc ngữ nâng cao hiểu biết, đã thực hiện việc bài trừ các hủ tục như ma chay, đồng bóng; thực hiện việc cưới việc tang do các đoàn thể quần chúng đứng ra lo liệu; các hoạt động vui chơi tập thể, cá loại hình văn nghệ như tuồng, chèo, kịch gắn với nội dung giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng được khuyến khích. Để giúp dân có điều kiện phòng chống dịch bệnh Đồng chí Nguyễn Thiếp còn phát động nhân dân đào giếng để dùng nước sạch, đắp đập, đào mương, làm đường sá phong quang sạch sẽ để nhân dân đi lại sinh hoạt tốt hơn. Những đổi mới trong đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư càng thúc đẩy nhân dân tăng thêm niềm phấn khởi và tin tưởng vào con đường cách mạng do Đảng lãnh đạo. Trong những đóng góp của Nguyễn Thiếp có một điều quan trọng nữa là đồng chí đã nêu một tấm gương sáng về sự kiên trung, lòng dũng cảm của một người chiến sĩ cách mạng, một cán bộ đảng viên trung thành tuyệt đối với Đảng với nhân dân. Cả cuộc đời hoạt động của Nguyễn Thiếp từ khi lớn lên đến phút hy sinh ông luôn thể hiện một con người kiên nghị vì nước vì dân. Dù kẻ thù đã không cho ông có nhiều thời gian hơn để ông còn cống hiến được nhiều hơn nữa; song chừng ấy cũng cho thấy ông sống vì dân vì sự nghiệp mà không có một phút tính toán cá nhân nào. Ông tham gia tổ chức yêu nước chống lại kẻ thù là vì dân. Ông làn cán bộ, tham gia cấp uỷ là do sự phấn đấu và kết quả hoạt động của ông được đồng chí nhân dân tôn vinh tín nhiệm. Vì mục tiêu lớn chống lại ách áp bức bóc lột của kẻ thù, giải phóng xiềng xích nô lệ, ông không sợ hy sinh, bất chấp mọi đe xọa, ngăn cấm của chính quyền địch. Khi sa vào tay địch và trước những ngón đòn tra tấn dã man của chúng ông không hề run sợ; cho đến lúc kẻ thù đã làm cho thân thể của ông tiều tụy, đôi chân không còn nâng nổi cơ thể, ông vẫn một mực trung thành với Đảng với đồng chí của mình. Không thể sống nổi trước sự tàn bạo của các thế lực thống trị, Nguyễn Thiếp đã trút hơi thở cuối cùng để lại tấm gương sáng chói và niềm tiếc thưng vô hạn với đồng chí và nhân dân về một cuộc đời cống hiến trọn vẹn của một người con quê hương, người Bí thư Đảng bộ những ngày đầu tiên của Đảng. 120 năm đã qua, Nguyễn Thiếp đã về nơi an nghỉ vĩnh hằng; tiếp nối mục tiêu và lý tưởng của đồng chí, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã không ngừng phát triển và lớn mạnh. Trong từng chặng đường đi lên ấy chúng ta càng thấu hiểu những giá trị to lớn về những đóng góp trên nhiều mặt của đồng chí đối với đảng bộ. Tấm gương Bí thư Nguyễn Thiếp sẽ sống mãi trong lòng cán bộ nhân dân Hà Tĩnh về một con người tận tụy hy sinh, kiên cường dũng cảm, luôn luôn gắn bó mật thiết với nhân dân vì nhân dân mà trọn đời suy tư trăn trở, hoạt động, cống hiến cho sự ngiệp cách mạng./. Trần Quang Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét