Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

Một vài đặc điểm của cuộc khởi nghĩa tháng Tám 1945 tại Hà Tĩnh

Tìm hiểu việc tổ chức chỉ đạo đấu tranh giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám luôn là đề tài bổ ích và lý thú đối với mọi cán bộ nghiên cứu và chỉ đạo thực tiễn. Bởi chính cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 của Hà Tĩnh vẫn có những đặc điểm riêng không giống với nhiều địa phương khác. Trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng, Hà Tĩnh đã nắm chắc tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Đảng, nhằm đúng thời cơ, tổ chức chỉ đạo chặt chẽ sáng tạo, giành thắng lợi trọn vẹn, không có sự đổ máu và diễn ra nhanh chóng. Ngày 18-8-1945, chính quyền cấp tỉnh đã về tay nhân dân. Hà Tĩnh trở thành một trong bốn tỉnh cả nước giành được chính quyền sớm nhất. Trước hết, cuộc khởi nghĩa của Hà Tĩnh nổ ra giữa lúc Đảng bộ đang gặp khó khăn; hệ thống tổ chức Đảng từ tỉnh xuống cơ sở đã bị kẻ địch phá vở hoàn toàn. Hầu hết các đồng chí cán bộ, đảng viên ưu tú bị kẻ địch bắt giam giữ trong các nhà tù sau nhiều đợt vây quét khủng bố khốc liệt. Trong đó phải kể tới những thời kỳ vô cùng khó khăn như những năm sau 1930-1931 kẻ địch khủng bố đàn áp phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Tiếp đến là thời kỳ sau chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định giải tán các tổ chức nghiệp đoàn, cấm các hoạt động của Đảng cộng sản... Đặc biệt là thời kỳ sau cuộc tập kích đồn điền Ferey và việc tổ chức ám sát tên Bang tá Hồ Dũng Tài của Chi bộ Song Con, Cẩm Lĩnh (Hương Sơn) vào tháng 5-1941; kẻ địch càng tăng cường khủng bố. Ở Hương Sơn chỉ sau 2 tháng đã có 170 người bị bắt, 30 người bị xử bắn. Những đảng viên còn lại cùng với các đồng chí vừa thoát khỏi nhà tù đã tận dụng các hình thức hoạt động để khôi phục tổ chức dần cho đến ngày khởi nghĩa. Việc phát động quần chúng nắm bắt thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Tĩnh chịu nhiều hệ thống mặt trận Việt Minh khác nhau. Trong điều kiện hệ thống tổ chức Đảng bị phá vở. Trước ngày khởi nghĩa, Mặt trận Việt Minh được thành lập trong cả nước. Việt Minh đóng vai trò như hệ thống tổ chức do Đảng làm nòng cốt đứng ra lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Trên địa bàn Hà Tĩnh các huyện đã được chia ra nhiều phân khu khác nhau, chịu sự chỉ đạo của nhiều tổ chức Việt Minh khác nhau. Nghi Xuân thuộc phân khu Vinh Bến thủy (Nghệ An); Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê thuộc phân khu La Hương Hương. Các huyện thị còn lại thuộc Phân khu Nam Hà. Đó là những phân khu do Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh phụ trách ngoài ra cuộc khởi nghĩa của các huyện còn có trường hợp nắm bắt thông tin từ Việt Minh Hà Nội để khởi nghĩa giành thắng lợi. Đặc điểm trên mặc dù có xẩy ra những khúc mắc nhỏ, nhưng đã làm cho cuộc Khởi nghĩa Hà Tĩnh tăng thêm tính phong phú, sôi động và thi đua thúc đẩy việc giành chính quyền các địa phương thêm nhanh chóng. Trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Tĩnh cho thấy ý thức cách mạng và tính chủ động của quần chúng nhân dân rất cao. Trong khi kẻ địch ráo riết khủng bố và đàn áp khốc liệt thì nhân dân vẫn không hề nao núng quyết tâm giành chính quyền. Hàng loạt cán bộ và nhân dân bị bắt bớ tù đày, giết hại thảm khốc, song những người còn lại vẫn tin theo Đảng, quyết tâm đi theo cách mạng. Phong trào yêu nước được duy trì dưới mọi hình thức, mọi hoàn cảnh. Mặc dù quần chúng nhân dân vừa phải lo chống đỡ nạn đói, phải thường xuyên đối phó với các thủ đoạn thâm độc của kẻ địch, nhưng vẫn luôn hướng về tiếng gọi của tổ chức, của Đảng. Phong trào cách mạng vẫn có thể thổi bùng lên làm lung lay nhanh chóng uy lực của bộ máy cai trị. Chính vì thế mà không đợi đến ngày toàn quốc khởi nghĩa, không đợi đến việc hoàn chỉnh tổ chức, thời cơ đến vẫn cùng nhau vùng dậy tước chính quyền địch về tay nhân dân. Cuộc khởi nghĩa ở Hà Tĩnh không diễn ra theo một chiều từ trên xuống hoặc dưới lên mà diễn ra nơi có khâu yếu nhất của bộ máy kẻ địch xuất hiện. Việc giành chính quyền được bắt đầu từ huyện lên tỉnh, rồi từ tỉnh xuống huyện. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh được diễn ra nhanh chóng, chỉ trong 5 ngày từ 16 đến 21-8-1945. Trong khi lãnh đạo của Phân khu Nam Hà đang bàn tính kế hoạch giành chính quyền trong toàn tỉnh thì tại Can Lộc một nhóm thanh niên có quan hệ với Việt Minh Hà Nội, sớm thấy được sự chuyển biến mau lẹ của tình hình đã chớp thời cơ tổ chức tấn công, tước vũ khí lính bảo an, bắt giữ tri huyện, đánh chiếm huyện đường giành thắng lợi. Đây chính là khâu đột phá, khích lệ thúc đẩy các địa phương nhanh chóng khởi nghĩa. Sau khởi nghĩa Can Lộc các Phân khu theo chỉ đạo của Việt Minh địa phương liên tục tổ chức biểu dương lực lượng tiến vào chiếm huyện đường từ tay của chính quyền thân Nhật vừa mới dựng lên. Chỉ có Hương Khê là huyện xa Trung tâm nên đã được sự chi viện của Phân khu Nam Hà cũng nhanh chóng giành thắng lợi. Cuối cùng là Cuộc khởi nghĩa ở Hà Tĩnh đã thể hiện rõ sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân khi đã được khơi dậy và tổ chức. Theo kế hoạch của Việt Minh Nam Hà, để hạ uy thế của chính quyền địch và tránh đổ máu, các địa phương tổ chức cho quần chúng nhân dân biểu tình liên tiếp 3 ngày liền trước khi khởi nghĩa. Thế nhưng trong thực tế khi thời cơ đến, hầu hết các địa phương không đợi đến 3 ngày mà ngay khi quần chúng được tổ chức chặt chẽ vùng lên đấu tranh thì bộ máy chính quyền thống trị nhanh chóng sụp đổ. Nhiều nơi binh lính mang theo vũ khí vào đội ngũ biểu tình tiến vào giành chính quyền về tay nhân dân. 68 năm đã qua, người dân Hà Tĩnh với tinh thần cách mạng tháng Tám vẫn tiếp tục phát huy và không ngừng tỏa sáng, góp sức cùng cả nước tiến hành kháng chiến chống ngoại xâm thắng lợi, giành nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới, phấn đấu để Hà Tĩnh sớm trở thành một tỉnh có công nghiệp và dịch vụ phát triển./. Trần Quang Trung 8-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét