Thứ Năm, 9 tháng 4, 2020

Giỗ tổ Vua Hùng những điều nên biết


    Lễ hội giỗ tổ Vua Hùng là một hoạt động để chúng ta thấu hiểu hơn công lao to lớn của các bậc tiền nhân đã có công  dựng  nước. Lễ hội cũng là một dịp tốt để chúng ta khơi dậy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”; cùng nhau chung sức chung lòng xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.
               Từ xa xưa người dân nước Việt ta vẫn luôn khuyên nhau:
                                    “Dù ai đi ngược về xuôi
                            Nhớ ngày giỗ tổ mòng mười tháng ba”
          Thế nhưng có bao nhiêu đời vua Hùng  và tại sao lại lấy ngày 10 tháng 3 làm ngày giỗ tổ thì không phải mọi người đã biết.?
         Theo sách "Thế thứ các triều vua Việt Nam" của tác giả Nguyễn Khắc Thuần thì các triều đại Vua Hùng từ khoảng năm 2.879 TCN (trước công  nguyên) đến năm 258 TCN  có ghi danh 18 vị Vua Hùng như sau: Kinh Dương Vương; Hùng Hiền vương (còn được gọi là Lạc Long Quân. Huý là Sùng Lãm); Hùng Lân vương; Hùng Diệp vương; Hùng Hi vương1; Hùng Huy vương; Hùng Chiêu vương; Hùng Vĩ vương; Hùng Định vương; Hùng Hi vương 2 (nhưng chữ "hi" trong tên gọi này và tên gọi ở trên khác nhau về tự dạng và ý nghĩa); Hùng Trinh vương;  Hùng Vũ vương;  Hùng Việt vương;  Hùng Anh vương;  Hùng Triệu vương;  Hùng Tạo vương;  Hùng Nghị vương và Hùng Duệ vương. Cuối sách tác giả cũng đã khuyên chúng ta rằng 18 vị vua Hùng không phải là 18 người cụ thể, mà là 18 chi (nhánh/ngành), mỗi chi này có nhiều vị vua thay phiên nhau trị vì và dùng chung vương hiệu.
         Trong bản Thần tích xã Vi Cương (Phú Thọ) ghi chép khá rõ về các đời vua với những thông tin liên quan, theo đó 18 ngành vua Hùng có tất cả 180 đời vua nối nhau trị vì: "Tính trong 18 chi đời vua Hùng truyền ngôi đại bảo cho 180 đời đế vương, sơn hà quy về một mối, kiến lập  được 122 thành điện. Tổng cộng các năm của 18 đời Thánh vương di truyền ngôi cho các triều thánh tử thần tôn là 2.622 năm…, sinh được 986 chi, các hoàng tử công chúa sinh được 14.378 cháu chắt miêu duệ, cai trị khắp đầu non góc biển trong nước, vạn cổ trường tồn, mãi mãi không bao giờ dứt".
   Theo Ngọc phả Hùng Vương chép vào thời Hồng Đức hậu Lê thì: từ thời nhà Đinhnhà Tiền Lênhà Lýnhà Trần rồi đến Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền, ở đất tổ. Nhân dân toàn quốc đều đến lễ bái để tưởng nhớ công lao của các đấng Thánh Tổ xưa. Ngày giỗ Hùng Vương đã được các triều đại phong kiến công nhận là một trong những ngày quốc lễ của Việt Nam. Từ thời xưa, các triều đại quân chủ và phong kiến Việt Nam đã quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ.  Đổi lại, dân địa phương được triều đình miễn cho những khoản như  thuế ruộng,  sưu dịch và việc sung vào lính.
  Chính vì các triều đại Vua Hùng tồn tại khá dài như vậy nên việc thờ cúng ngày giỗ tổ về sau cũng được tổ chức khá rầm rộ kéo dài kèm theo lễ hội.  Người dân địa phương tổ chức lễ hội qua nhiều ngày triền miên để tận hưởng niềm vui, tỏ lòng biết ơn công lao các đức thánh tổ để lại. Có nơi lễ hội diễn ra hàng tuần kèm theo các hoạt động vui chơi, văn hóa cộng đồng mà tập trung nhất là từ ngày 8 đến ngày 11.  Xét thấy điều này không phù hợp, Tuần phủ Phú Thọ ông Lê Trung Ngọc vào năm 1917 (Niên hiệu Khải Định năm thứ nhất) đã làm bản tấu trình lên Bộ Lễ, xin định lệ lấy ngày 10/3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế (tế lễ của cả nước) .
Từ đó về sau, cứ vào ngày 10/3 nhân dân cả nước lại hướng về vùng đất Cội nguồn - xã Hy Cương, Lâm Thao, Phú Thọ để tôn vinh công lao của các vị vua Hùng.
  Sau khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi dự lễ giỗ tổ Hùng vương. Chính phủ đã  ra Sắc lệnh, xem ngày 10 tháng Ba là một trong những ngày lễ chính thức của quốc gia.
Năm 1946, thừa ủy quyền Chủ tịch Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Chính phủ lên làm lễ dâng hương tại Đền Hùng, đã dâng 1 tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và 1 thanh gươm quý nhằm tế cáo với Tổ tiên về đất nước đang bị thực dân Pháp xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
      Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối; bên cạnh việc tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh và từng  bước xây dựng cơ sở vật chất cho một xã hội mới; Chính phủ đã lo tới việc tổ chức giỗ tổ hàng năm sao cho tương xứng với tầm vóc của một ngày lễ trọng.
     Từ năm 2001, Chính phủ ra nghị định 82/2001/NĐ-CP về việc quy ước lễ hội đền Hùng, giỗ tổ Hùng Vương là ngày quốc lễ. Năm 2007, Quốc hội đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
  Ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
       Việc tổ chức lễ hội vào các năm chẵn, năm lẻ và chế độ đãi ngộ đối với người làm việc ngày giỗ tổ cũng được quy định ngày càng cụ thể để thuận tiện cho các địa phương và nhân dân cả nước có điều kiện tham gia ngày hội lớn của dân tộc – ngày giỗ tổ Vua Hùng.  
           Tham gia lễ hội giỗ tổ Hùng Vương không chỉ là việc làm cần thiết, tỏ lòng tri ân các vị Vua Hùng đã có công xây dựng đất nước và để lại cho chúng ta hôm nay; mà còn thể hiện việc ghi nhớ lời căn dặn linh thiêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vua Hùng đã có công dựng nước- Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” ./.
                                                                                               3-2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét