Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

Bài học lớn từ Chính quyền Xô viết Nghệ Tĩnh




        Trong cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản thế giới, mục tiêu cơ bản nhất là làm sao giành được chính quyền. Thế nhưng chính quyền ấy có giữ được lâu dài hay không là một vấn đề còn tùy thuộc vào điều kiện lịch sử cụ thể.  Chính quyền Xô Viết Nghệ Tĩnh chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng hình ảnh và ý nghĩa của nó mãi mãi không phai nhạt trong trái tim của những người cách mạng.
       Vào đầu thế kỷ XX, phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân Việt Nam chịu những tác động sâu sắc của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Thực dân Pháp đẩy mạnh cuộc khai thác thuộc địa làm cho người dân chịu cảnh khốn cùng vì sưu cao thuế nặng. Thêm vào đó là sau cuộc bạo động của Việt Nam quốc dân Đảng ở Yên Bái kẻ địch dồn sức tấn công tìm diệt những nhân tố khởi nghĩa đã thúc đẩy làn sóng cách mạng của người dân Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng lên cao. Trong bối cảnh ấy Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, như một sự đáp ứng nhu cầu định hướng lãnh đạo cuộc đấu tranh yêu nước trong hoàn cảnh mới. Nhân ngày Quốc tế lao động, Đảng đã phát động một phong trào đấu tranh trên quy mô toàn quốc. Từ quê hương cách mạng của các bậc tiền bối như Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, nắm bắt được trào lưu cách mạng mới, các tầng lớp công nhân, nông dân, trí thức... đã nhanh chóng xây dựng lực lượng và tổ chức đấu tranh hưởng ứng cuộc đấu tranh do Đảng phát động một cách quyết liệt nhất. Chỉ riêng trong tháng 5/1930 ở Bắc kỳ có 4 cuộc đấu tranh, Nam Kỳ có 12 cuộc thì Trung kỳ có tới 21 cuộc. Rất nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân  có quy mô lớn lôi cuốn hàng ngàn người tham gia như cuộc bài công của 4.000 công nhân khuôn vác cảng Bến Thủy; cuộc biểu tình của 3.000 nông dân và học sinh Thanh Chương tháng 6/1930; cuộc biểu tình của 5000 nông dân Anh Sơn, 500 nông dân Can Lộc vào tháng 8/1930. Phong trào phát triển mạnh sang tháng 9/1930, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn như 3000 nông dân Can Lộc ngày 7/9; 1000 nông dân Thạch Hà, 1000 nông dân Cẩm Xuyên ngày 8/9; 1000 nông dân Kỳ Anh ngày 9/9.... Đặc biệt là cuộc biểu tình có quy mô lớn tới hàng vạn người của Hưng Nguyên, Nam Đàn ngày 12/9 đã bị kẻ thù dùng vũ khí, máy bay ném bom đàn áp đẩm máu làm 174 người thiệt mạng, 300 người bị thương. Khơi dậy lòng căm thù và quyết tâm cách mạng Xứ ủy Trung kỳ đã kịp thời phát động một phong trào rộng lớn vạch trần tội ác kẻ thù và kêu gọi công nông  nổi dậy mạnh liệt hơn nữa. Chính trong ngọn lửa rục sôi cách mạng ấy nhiều nơi đã làm vô hiệu hóa bộ máy cai trị của hào lý, chánh phó tổng, người dân tuân theo chỉ đạo của thôn, xã Bộ nông. Nhiều Lý trưởng bỏ trống nhiệm sở, đem con dấu đến nộp cho xã Bộ nông hoặc trả cho Tri phủ, Tri huyện. Một số tri phủ, Tri huyện nằm im không dám hoạt động; một số có cảm tình với cách mạng, thậm chí ở Can Lộc có Lý trưởng đứng ra dẫn đầu đoàn biểu tình cùng với nhân dân. Những địa phương bộ máy cai trị tan rã; Thôn, xã Bộ nông đứng ra điều hành công việc. Môt bộ máy nhà nước kiểu mới theo mô hình Xô Viết ra đời. Phong trào cách mạng 1930-1931 đã đạt tới đỉnh cao của nó. Sau 10 tháng hiện diện, Hà Tĩnh đã có 170 làng xô viết; xô viết ra đời đầu tiên ở Đỉnh lự (nay là Tân lộc huyện Can lộc).
      Mặc dù ngọn lửa của phong trào cách mạng đã bùng lên mạnh mẽ, nhưng do điều kiện lịch sử chưa chín muồi. Kẻ địch đã đưa ra kế hoạch khá toàn diện để xóa bỏ thành quả cách mạng. Chính quyền cách mạng non trẻ bị kẻ thù bóp chết sau đợt khủng bố khốc liệt; song hình ảnh tốt đẹp của một chính quyền cách mạng mới vẫn in đậm trong niềm tin những người cộng sản và người dân bị áp bức. Chính niềm tin vững chắc ấy đã giúp người dân chúng ta giành lại chính quyền khi điều kiện lịch sử cho phép, tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa thành công vào tháng Tám năm 1945
       Tám mươi bảy năm đã qua, cao trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh vẫn là một mốc son sáng chói trong pho sử vàng của Đảng. Sự tồn tại của chính quyền Xô Viết trong cao trào cách mạng những ngày đầu có Đảng đã để lại cho chúng ta không chỉ là niềm tự hào về niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng mà còn cho chúng ta một bài học lớn về xây dựng một nhà nước kiểu mới tiến bộ.
    Xô Viết là một kiểu Nhà nước của dân do người dân thiết lập. Ngay khi bộ máy thống trị rệu rã, chính những tổ chức nông dân đã đứng ra nắm lấy quyền điều hành dân chúng. Năng lực điều hành của các Xô viết rất đa dạng. Nói chung việc nắm quyền của những Ban chấp hành nông hội đỏ đều có sự lãnh đạo của chi bộ Đảng. Thế nhưng có nơi chi bộ chỉ có ít đảng viên, có nơi chưa có đảng viên  nên cần có đảng viên của Xô viết bên cạnh đến giúp sức hướng dẫn hoạt động. Hình thức hoạt động điều hành của các Xô viết cũng còn khác nhau. Có nơi Xô viết được tổ chức bầu cử công khai tại đình làng, nhưng có nơi còn do nông hội chỉ định.
      Công lao to lớn đầu tiên của Xô viết là ngay khi ra đời đã chăm lo mưu cầu hạnh phúc cho người dân. Ban bố quyền tự do dân chủ, nam nữ bình đẳng. Xô viết đứng ra tổ chức việc chia lại ruộng công, tuyên bố xóa thuế chợ, thuế đò, hòa giải các vụ tranh chấp; tổ chức việc “vay” thóc địa chủ để cứu đói cho dân; tổ chức tuyên truyền, đọc sách báo cách mạng, bài trừ tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống mới, xây dựng tình làng nghĩa xóm; dạy chữ quốc ngữ cho những người hăng hái theo học.
      Các Xô viết nhờ đó tồn tại trong sự bảo vệ của người dân khi bị địch khủng bố. Bởi vậy có nơi khi bị địch khủng bố thì tan luôn, nhưng cũng có nơi chỉ tạm lắng xuống rồi khôi phục trở lại.
      Trong cuộc đấu tranh để thiết lập các Xô viết thì công lao to lớn, tiên phong  của những người công sản đã được thể hiện rõ nét nhất và có sức lôi cuốn mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân. Những người cộng sản đã khởi xướng, đưa ra khẩu hiệu, dẫn đầu và diễn thuyết trong các cuộc bãi công biểu tình. Họ là những cốt cán trong các đội cảm tử, những người hy sinh hàng đầu và trở về sau cùng sau mỗi cuộc đấu

tranh.  “Chỉ những sự kiện ấy cũng đủ nói lên tinh thần anh dũng của các đồng chí chúng ta trong cuộc đấu tranh” (1) thiết lập các Xô viết.
       Xô Viết Nghệ Tĩnh đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930-1931, dù thời gian đã lùi sâu vào quá khứ; song trong mỗi trái tim của người dân xứ Nghệ nói chung Hà Tĩnh nói riêng vẫn khắc sâu hình ảnh đẹp về một kiểu nhà nước mới. Một Nhà nước đơn sơ, ngắn ngủi nhưng phán ánh đầy đủ tính chất của một nhà nước tiến bộ của dân, do dân và vì dân. Một hình ảnh luôn được tỏa sáng trên con đường đổi mới của sự nghiệp cách mạng nước ta do Đảng lãnh đạo./.


(1) Hà Huy Tập  Bước ngoặt vĩ đại của lịch sử Cách mạng Việt Nam. HN. 1961. trang 92

                                                                                    9-2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét