Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

Biết thêm về máy Điều hoà nhiệt độ

   Khi đời sống vật chất tinh thần được cải thiện, người dân càng ngày càng tiếp cận đến các phương tiện kỷ thuật hiện đại để có cuộc sống sung sướng hơn. Ngày nay việc sử dụng máy điều hoà nhiệt độ (ĐHNĐ) không chỉ là phương tiện phổ biến ở thành phố mà đã được sử dụng nhiều ở các thị trấn, thị tứ và xuất hiện trong các gia đình khá giả ở nông thôn.
     Tuy vậy có rất nhiều những vấn đề mà người sử dụng chưa hề biết. Sau đây là một số điều thú vị mà người sự dụng máy ĐHNĐ rất cần biết trong mùa nắng nóng mệt nhọc.
       1. Máy ĐHNĐ 9000 và 12000 là gì ?
   Quý khách cần máy điều hoà 9000 hay 12000 ? đó là câu hỏi đầu tiên của các cửa hiệu khi gặp khách hàng.  9000 hay 12.000 là phân biệt cho loại máy ĐHNĐ treo tường phổ biến thông dụng hiện nay. Nói đầy đủ đó là máy 9 ngàn hay 12 ngàn BTU/giờ (9000BTU/h hay 12000BTU/h). BTU (từ viết tắt của tiếng Anh British Thermal Unit - đơn vị nhiệt Anh) là một đơn vị năng lượng sử dụng ở Anh-Mỹ.  BTU được sử dụng để mô tả giá trị nhiệt (năng lượng) của nhiên liệu và cũng để mô tả công suất của các hệ thống sưởi ấm và làm lạnh, như lò sưởi, lò sấy, lò nướng và điều hòa nhiệt độ. BTU là đơn vị trong hệ do lường của nước Anh. 1BTU là nhiệt lượng cần thiết để làm 1 pound nước (đơn vị đo 1cân Anh = 0,454kg) nóng lên 1độ F (độ Fahrenheit là thang đo độ của Anh, tương đương 5/9 độ C).  Máy điều hoà 9000BTU còn có khái niệm tương ứng 1 mã lực (sức ngựa), 1 ngựa.  Mã lực là khái niệm đầu tiên của James Watt người Scotland sử dụng đầu tiên vào năm 1782 để so sánh sức mạnh động cơ hơi nước của ông với sức mạnh một chú ngựa trung bình có thể nâng được 33 ngàn cân Anh  lên cao 1 foot (đơn vị đo chiều dài của Anh = 30,48 cm) trong 1 phút. Máy 9000BTU tương đương 2,6KW năng suất lạnh (không phải điện năng tiêu thụ).  Còn 12000BTU lại là đơn vị nhiệt lượng cần thiết để làm tan một short ton (907KG) nước đá chia cho số giây trong một ngày.  Năng suất lạnh 12000BTU = 1tấn lạnh = 3,5 kw
          2. Nên sử dụng loại máy ĐHNĐ nào cho phù hợp ?
      Ngoài hai loại máy điều thông dụng trên đây còn có các loại công suất lạnh lớn hơn cho các hội trường lớn, hoặc một số nước có loại nhỏ 4000, 5000 BTU lắp cho các phòng nhỏ. Đối với chúng ta thông thường người ta căn cứ vào diện tích phòng, hoặc m3 phòng để bố trí máy phù hợp. Với diện tích phòng 15 - 18m2 nên lắp máy điều hòa có năng suất lạnh 9.000 BTU/h tương đương 2,6kW; Phòng từ 20- 24m2 nên lắp máy điều hoà có năng suất lạnh 12.000 BTU/h tương đương 3,5kW. Với thể tích m3 phòng thì theo công thức: số m3  phòng chia cho hệ số 40, thí dụ phòng 4.5m x 3m x cao 3m= 40,5m3 / 40=1  thích hợp với máy 9000BTU/h, phòng có chỉ số trên 1. 3 nên dùng máy 12.000BTU/h
        3. Sử dụng máy ĐHNĐ cần chú ý điều gì ?
      Phong treo máy điều hoà nên kín để tránh thoát nhiệt, phòng càng giảm thoát nhiệt thì máy càng có hiệu quả cao. Cửa kính là vật liệu dễ hấp thụ nhiệt, vì thế đối với phòng có cửa kính thì cần có rèm hoặc ri đo che để cửa kính giảm hấp thụ nhiệt vào phòng
      Máy điều hoà khi đã mát để chế độ 26-28 độ là tích hợp nhất cho cả trẻ em và người lớn; để ở nhiệt độ cao đỡ tốn điện hơn nhiều so với để chế độ rất thấp. Hiện nay máy điều hoà có loại có chế độ biến tần Inverter, là công nghệ làm thay đổi công suất vận hành thông qua việc điều chỉnh tần số. Máy điều hòa không khí Inverter tăng công suất cực đại ngay khi khởi động và đạt tới nhiệt độ cài đặt rất nhanh, làm lạnh phòng nhanh chóng.
Nếu sử dụng loại này không chỉ giúp chúng ta có chế độ cài đặt theo ý muốn mà quan trọng còn giúp tiết kiệm điện có hiệu quả.
       Máy sử dụng một thời gian, nên định kỳ hàng năm gọi thợ lau chù bảo dưỡng để máy sạch và bền. Ở môi trường bụi bẩn, nếu thấy máy ĐHNĐ giảm mát, khi chưa cần đến thợ thì phải nghĩ ngay đến bẩn lọc gió; có thể nhấc vỏ máy lên phía trên, sau đó kéo hai tấm lọc gió xuống dùng bàn chải mềm rửa sạch bụi bẩn trong chậu nước hoặc lấy bơm tay tưới cây xịt sạch bụi, lắp lại máy chạy sẽ mát liền (nhớ tắt Atomats điện trước khi tháo máy)
       Một máy điều hoà của chúng ta hàng ngày tiêu tốn trên dưới 1kw điện trong 1 giờ. Tính ra một máy dùng ít trong khoảng 14 giờ/ ngày (đêm và trưa) thì cũng đã sử dụng tới 600.000đ/tháng. Bởi vậy khi tắt máy điều hoà, hàng ngày (không phải tắt dài ngày) cần tắt Atomats điện, vì sau khi tắt bằng điều khiển máy còn ngốn thêm điện để vận hành đóng máy. Điều này cùng với những chú ý trên sẽ gúp chúng ta góp phần tiết kiệm điện đáng kể mà không mấy người đã biết.
           Rất mong được chia xẻ cùng mọi người để được tận hưởng niềm vui cùng với máy ĐHNĐ thân thiết của mình./.