Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

Về tín ngưỡng đi đền chùa của người Hà Tĩnh

     Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của người Việt nói chung, hàng trăm năm xây dựng và bảo vệ quê hương Hà Tĩnh nói riêng; người Hà Tĩnh trong muôn vàn những thành công góp phần bảo vệ vững chắc nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, nền văn hoá đậm nét bản sắc dân tộc, quê hương.
     Tuy vậy bên cạnh những kỳ tích đạt được con người nơi đây vẫn không khỏi có lúc phải hứng chịu những hy sinh, mất mát lớn, những thiệt thòi trong những bộ phận cộng đồng, thân phận cụ thể, những gia đình cụ thể. Cũng có khi trong sự trưởng thành đã có người gặp được những may mắn, thành công ngoài khả năng và điều kiện hiện có của mình làm cho họ phấn chấn và có những mong muốn thành công hơn... Trong những hoàn cảnh đó người ta thường tìm đến, nương tựa vào sức mạnh, chổ dựa tinh thần đó là những đấng thần linh, thánh hiền, phật tổ siêu nhiên từ các đền, chùa, đình, miếu. Có lẽ tín ngưỡng này không chỉ riêng có của người Hà Tĩnh mà là chung cho mọi người dân Việt.
       Đáng chú ý trong đó là hệ thống đền thờ do người dân dựng nên để thờ các vị thánh hiền có công lao giúp ích cho đời, nêu tấm gương trung, hiếu, trí, dũng trong việc bảo vệ biên cương bờ cõi,  răn dạy đời sau về đạo lý làm người hoặc để ghi nhớ bậc thành hoàng - người có công khai hoang lập ấp, xây nên một cộng đồng dân cư hội tụ sinh sống.  Đây là những địa chỉ thờ tự do con người dựng nên trong suốt chiều dài lịch sử. Người dân đi lễ đền để cầu xin tài lộc, chức tước, sức khoẻ, làm ăn phát đạt, sự bình an hạnh phúc trong đời sống gia đình....Con người đi đến chốn linh thiêng trở về gặp may mắn thì càng lôi cuốn nhiều người cùng đến cầu xin phù hộ, độ trì. Bởi vậy nhiều nơi hàng năm đã tổ chức thành lễ hội với sự tham gia của hàng ngàn hàng vạn người không chỉ có người địa phương mà còn lôi cuốn khách thập phương cùng về lễ hội. Trong số khoảng 8.000 lễ hội toàn quốc hàng năm có không ít lễ hội lớn trên địa bàn Hà Tĩnh. Đây là những hoạt động mang tính cộng đồng đang trở thành những hoạt động tín ngưỡng không thể thiếu của người dân mọi miền tổ quốc.
    Ở Hà Tĩnh ngoài hệ thống chùa cổ nổi tiếng như chùa Hương Tích và nhiều chùa mới được phục dựng thờ phật, còn có rất nhiều ngôi đền được truyền tụng linh thiêng như đền bà Hải, đền bà Chúa Lộc, đền ông Hoàng Mười, đền Võ miếu, Sinh từ.... Nét đặc biệt là hệ thống đền miếu Hà Tĩnh rất phong phú về sự tích nguồn cội. Có đền thờ người có công đánh giặc, hiến kế sách giữ nước như Bà Nguyễn Thị Bích Châu (Đền bà Hải, ở huyện Kỳ Anh); Đền Lộc Hoa công chúa (tam toà thánh mẫu) thờ vị tướng bà (ở huyện Thạch Hà), Đền tướng quân Lê Khôi đánh quân Minh (ở huyện Lộc Hà). Ở Hà Tĩnh có cả đền thờ thờ người tài năng đức độ, có công lớn trong việc giữ gìn sự ổn định đất nước ngay khi người đó còn sống, đó là Sinh từ thờ Tướng quân Hà Tông Mục (ở huyện Can Lộc). Trong sự giao thoa văn hoá phương Đông, đền thờ Hà Tĩnh còn có đền Võ Miếu (ở Thành phố Hà Tĩnh) thờ vị tướng đứng đầu ngũ hổ thời nhà Thục Trung Quốc đó là Quan Văn Trường, một vị tướng được ca ngợi tài ba văn võ, chính liêm, đức độ gây ảnh hưởng lớn cả trong  Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo...
        Dĩ nhiên, cũng phải nói thêm rằng sau nhiều năm chiến tranh tàn phá hệ thống đền, chùa, đình, miếu bị mất mát, hư hỏng nhiều. Trong khi hệ thống đền chùa đang từng bước được bổ sung hoàn thiện; việc tổ chức nghi lễ và điều kiện đảm bảo còn nhiều bất cập thì những kẻ hở cho kẻ xấu lợi dụng, gây lôn xộn, mất trật tự, hủ tục, mê tín, nạn “buôn thần bán thánh”  xuất hiện ở chổ này chổ khác...là điều không trảnh khỏi. Đây là những hành vi trái ngược ở chốn linh thiêng đáng trân trọng, rất cần được chấn chỉnh, tổ chức quản lý càng ngày càng chặt chẽ hơn để người dân yên tâm hành lễ, hay vãn cảnh đền chùa sau những ngày lao động mệt nhọc.
         Một điều nữa là hoạt động tâm linh tín ngưỡng của người dân trong lễ các đền chùa là sự tự do tín ngưỡng được Nhà nước cho phép. Việc tổ chức hành lễ nghiêm trang trước đức phật, thánh thần dù xuất xứ từ đâu không đồng nghĩa với việc thần phục, lệ thuộc quốc gia có xuất xứ thánh thần đó. Một vị thánh linh thiêng có thể được nhiều nơi thờ tự. Chẳng hạn quan Văn Trường, Khổng tử không chỉ có đền thờ ở Hà Tĩnh mà còn nhiều nơi khác.  Hơn nữa một vị tướng tài ba cũng không chỉ có đền thờ trước hết ở mảnh đất quê mình. Có lẽ việc tôn kính thờ tự người tài cao đức dày cũng là một truyền thống đạo lý tốt
của người Việt nói chung, người Hà Tĩnh nói riêng. Điều này hoàn toàn không có ảnh hưởng gì đến vận mệnh, Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia trên thế giới.
        Thiết nghĩ việc đi lễ đền chùa của người Hà Tĩnh là hoạt động tự do tín ngưỡng theo luật pháp của Nhà nước Việt Nam quy định. Từ xưa đến nay ngưởi dân vẫn tự hào: Hà Tĩnh là vùng đất có bề dày trưyền thống Văn hoá và cách mạng./.

                                                                                             2-2014


Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

Một số quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh đối với thanh niên

         Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng cộng sản Việt Nam đã khẳng định: Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác Lê Nin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại.  Xuyên suốt trong hệ thống tư tưởng ấy vấn đề đối với thế hệ trẻ bao gồm cả đội ngũ thanh, thiếu niên và nhi đồng luôn được Người xem là lực lượng hậu bị quan trọng quyết định vận mệnh và tương lai của dân tộc. Đặc biệt đội ngũ đoàn viên và thanh niên là “cánh tay phải của Đảng”, lực lượng hậu bị trực tiếp của cách mạng. Đội ngũ hiện có là nguồn lực báo trước cho những bước phát triển của đất nước nói chung, nhân loại nói riêng. Chủ tịch đã rất tin tưởng và gửi gắm niềm tin vào thế hệ trẻ khi nói rằng: “ Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội” (1).
        Trước hết  Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò, vị thế của đoàn viên thanh niên, bởi đội ngũ này có rất nhiều thế mạnh. Thanh niên là đội ngũ đang trưởng thành ở độ sung sức nhất của cuộc đời, có thể lực sức khoẻ tốt, nhanh nhạy, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn. Thanh niên có thể dám xông pha, đảm nhiệm những công việc nặng nhọc đòi hỏi thử thách khó khăn nhất. Theo suốt chiều dài lịch sử thì thanh niên vừa được tiếp sức bởi những kinh nghiệm tinh tuý trong truyền thống cha ông vừa lại được tiếp nhận những tinh hoa văn hoá và khoa học kỷ thuật tiên tiến hiện đại của nhân loại. Số lượng thanh niên ngày một đông thêm với sự phát triển cả về trí tuệ và thể lực thì họ không những chỉ đảm đương sứ mệnh xã hội hiện tại mà còn có thể kết nối khăng khít giữa thế hệ quá khứ với tương lai. Người nói: “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách, dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai”(2). Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”, “nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên”(3).
       Tuy nhiên để phát huy được vai trò và vị thế của mình theo Hồ Chí Minh đoàn viên và thanh niên không thể chỉ ngồi đợi mà phải nổ lực không ngừng, phấn đấu không mệt mỏi. “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đòi hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã là gì cho nước nhà ?. Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn ?. Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào ? ” (4). Nói một cách đơn giản là đoàn viên thanh niên phải xác định rõ trách nhiệm phấn đấu của mình, có bước đi cụ thể để đạt được mục tiêu lý tưởng, xứng đáng chủ nhân tương lai đất nước. Theo Hồ Chí Minh tuổi trẻ trước hết phải chăm lo học tập để nâng cao trình độ hiểu biết về chính trị, văn hoá, khoa học kỷ thuật, nghiệp vụ để tiến bộ mãi, để sẵn sàng trở thành cán bộ tốt, đảng viên tốt. Có hiểu biết là rất quan trọng nhưng muốn biến được hiểu biết thành kết quả trong hành động, thanh niên cần xây dựng được kế hoạch, có bước đi phù hợp. Hồ Chí Minh khuyên thanh niên: “Chớ đặt những chương trình kế hoạch mêng mông, đọc nghe sướng tai nhưng không làm được. Việc gì cũng cần phải thiết thực: nói được, làm được. Việc gì cũng từ chổ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hiện được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được”(5). Thấu hiểu sâu sắc tâm lý tuổi trẻ Hồ Chí Minh khuyên thanh niên dầu có thành tích và thành công trong công việc tuyệt đối không được “kiêu ngạo, tự mãn, tự túc, nên nói ít, làm nhiều”. “Các sự hy sinh khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn sự sung sướng thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước (tiên thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc)”.  Thanh niên cần xác định cho mình những đam mê trong trách nhiệm: “Ham làm những công việc ích quốc lợi dân. Không ham địa vị và công danh phú quý”. “Các việc đáng làm thì có khó mấy cũng quyết tâm làm cho kỳ được”. (6)
      Nói như vậy không có nghĩa là chỉ cần xác định được trách nhiệm chính trị thanh niên có thể làm được mọi việc theo ý muốn. Trong quan niệm Hồ Chí Minh một nét biện chứng rất cần được quan tâm, đó là trách nhiệm đúng phải được đặt trong một môi trường tốt thuận lợi. Môi trường sẽ là điểm tựa, là yếu tố có tác động mạnh mẽ tới kết quả phấn đấu và trưởng thành của tuổi trẻ nói chung, đoàn viên thanh niên nói riêng. Có ba yếu tố tạo nên một môi trường tốt cho thanh niên đó là tác động của xã hội đang sống, tác động của đội ngũ những người đi trước và sự tự thân vận động trãi nghiệm qua thực tiễn của chính đội ngũ thanh niên. Vì thế để có một môi trường tốt cho thanh niên thì trước hết xã hội cần phải chăm lo giáo dục tốt. Giáo dục toàn diện bao gồm cả thể dục, trí dục, mỹ dục, đức dục. Trong đó đức dục gồm 5 cái yêu: “yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công”(7) . Phải giáo dục tốt cho thanh niên để “ Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Tuy nhiên giáo dục nhà trường cũng chỉ là là việc chuẩn bị nền tảng đầu tiên cơ bản cho thanh niên. Có một tác động giáo dục rất lớn thường xuyên diễn ra đó là tấm gương của những lớp người đi trước, của thế hệ đàn anh. “Một tá cương lĩnh không bằng một tý hành động”, vì chính hành động của những cán bộ, đảng viên đi trước sẽ thu hút việc làm theo của thế hệ trẻ. Lớp người đi trước phải là những tấm gương sáng về mọi mặt để làm mục tiêu và niềm tin vững chắc cho các thế hệ thanh niên tự rèn luyện, vượt qua thử thách chính mình mà nối bước và trưởng thành.
           Theo Hồ Chí Minh, để thanh niên có điều kiện phát huy hết tiềm năng thế mạnh của mình thì không thể không nói tới vai trò của tổ chức Đảng.  Đương thời Người thường xuyên nhắc nhở cấp uỷ Đảng các cấp phải “Phải củng cố tổ chức Đoàn, phải đoàn kết nội bộ thật chặt chẽ và phải đoàn kết rộng rãi các tầng lớp thanh niên” (8). Chủ tịch thường xuyên phê phán gay gắt tư tưởng hẹp hòi, thủ cựu đối với thanh niên. Người yêu cầu cần bồi dưỡng, bố trí, đề bạt cán bộ trẻ, vì có như vậy mới xây dựng đội ngũ kế cận lớp người đi trước,  Người từng nói: “trẻ 30 tuổi cũng đã già” . Tổ chức Đảng phải xây dựng kế hoạch để từng bước đưa cán bộ trẻ vào các vị trí quan trọng trong Đảng. Đây là bước đi quan trọng nhất để thanh niên phát huy cao nhất vai trò và thế mạnh của mình trong sự nghiệp cách mạng mới. Trong Di chúc để lại cho muôn đời sau Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “ Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.
      Hiện nay toàn Đảng đang đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với chủ đề “về trung thực, trách nhiệm; gắn bó với nhân dân; đoàn kết xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh”. Khắp nơi đang bước vào đợt sinh hoạt chính trị sôi động hướng tới Đại hội Đảng các cấp. Chắc chắn những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thanh niên đang mở cho chúng ta những chìa khoá cần thiết để dẫn thanh niên bước vào vận hội mới trên con đường xây dựng đất nước quê hương giàu đẹp./.
                                                                          

Chú thích:
(1) Hồ Chí Minh về  đạo đức cách mạng, Nxb CTQG, HN, 1993, trang 195
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, T4, Nxb CTQG, HN, 1995, trang 315
(3) Hồ Chí Minh: Về giáo dục thanh niên, Nxb Thanh niên, HN, 1980, tr.82, 84.
(4) Hồ Chí Minh về  đạo đức cách mạng. Nxb CTQG. HN 1993. trang 200
(5)(6) (7)                 nt                                                            trang 197, 198, 201
(8) Hồ Chí Minh: Về giáo dục thanh niên, Nxb Thanh niên, HN, 1980, trang 165   



Xuân về khắp néo đường quê đổi mới

         Được đi cùng những đoàn chia xẻ kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của Liên hiệp các hội Khoa học & kỷ thuật, tôi mới có dịp xuống biển lên rừng khắp các miền quê nông thôn Hà Tĩnh để ngắm nhìn những đổi thay nhanh chóng của quê hương sau những năm đổi mới.
        Đã lâu rồi trong tiềm thức mỗi con người yêu mến vùng đất này thì Hà Tĩnh là một vùng đất hẹp luôn hứng chịu sự tàn phá của thiên nhiên khắc nghiệt và sự ác liệt của các cuộc chiến tranh. Biết bao người đã từng xót xa khi nghe tin hạn hán, bão lũ tàn phá vùng đất này cuốn trôi cả làng ra sông ra biển. Người dân nơi đây đã từng phải nai lưng chống trời với cái nắng như thiêu như đốt để mưu cầu cuộc sống dưới tán những chiếc áo tơi... Hay như trong chiến tranh đã có những vùng quê mà mồi mét vuông đất phải hứng chịu 3- 4 quả bom... người dân phải dỡ nhà lát đường cho xe ra tiền tuyến, hàng ngàn người con ưu tú của quê hương phải ra đi không trở lại...Lực lượng sản xuất do đó bị bào mòn, để rồi năm lại năm phải nhờ Trung ương giúp đỡ.
         Vậy mà chỉ sau gần 30 năm đổi mới, đặc biệt là sau 4 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vùng quê Hà Tĩnh đã có những đổi thay kỳ diệu. Gần như ai cũng thấy rằng muốn đi lên phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nguồn thu nhập để cải thiện sức sản xuất. Nhưng chuyển dịch thế nào, bắt đầu từ đâu là một bài toán không hề đơn giản. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2005-2010 đã có bước khởi đầu quan trọng: “ kêu gọi toàn thể đảng viên, cán bộ, công nhân, viên chức, cán bộ và chiến sỹ trong các lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà ... đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Hà Tĩnh từ một tỉnh nông nghiệp sớm trở thành một tỉnh có công nghiệp và dịch vụ phát triển ...” (1)
          Không khí thành công của Đại hội Đảng bộ như một luồng gió mới thúc đẩy sự biến động trong mỗi bộ óc con người, mỗi tầng lớp nhân dân, mỗi lĩnh vực hoạt động đến mỗi vùng quê phố phường thôn xóm. Trên tầm vĩ mô nhiều chủ trương lớn đã được triễn khai như trải thảm đỏ thu hút nhân tài, đẩy mạnh truyền thông, mở liên tục các cuộc xúc tiến kêu gọi đầu tư trên tinh thần cở mở, hợp tác và cùng có lợi. Khâu đột phá được chọn là xây dựng các khu kinh tế công nghiệp trọng điểm như Vũng Áng, Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, thuỷ lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, mỏ sắt.... Một chiến dịch lớn với sự tham gia của cả hệ thống chính trị được triễn khai để xây dựng các khu tái định cư, giải phóng mặt bằng nhường chổ cho hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng trên hàng ngàn héc ta đất. Các khu kinh tế này được xem như con chim đầu đàn về kinh tế của tỉnh dẫn đường cất cánh cho toàn bộ sự phát triển của tỉnh. Cùng với việc đẩy mạnh vùng kinh tế trọng điểm, tỉnh dồn sức chỉ đạo tập trung phát huy cao nhất sức mạnh nội lực xây dựng nông thôn mới. Có lẽ vì vậy mà giờ đây những quả ngọt đầu tiên đã ra hoa kết trái.
          Đi trên những con đường thôn bằng phẳng thêng thang ta cảm nhận ra nhiều hương vị mới. Đường thôn được mở rộng ra cho xe ô tô như nhỏ lại. Tết đến xuân về mà chẳng còn phải vội đi sắm thêm đôi ủng để đạp bùn sang thăm nhà hàng xóm. Nếu xưa kia nói đến Hà Tĩnh là nói đến kẹo Cu đơ, cá mát thì giờ đây phong phú hơn nhiều. Bạn bè gần xa đã từng được thưởng thức thú vị với đặc sản bưởi Phúc Trạch, Nhung hươu, mực nhảy, rượu trắng Hương bộc, Tuyết Mai, cam Khe Mây, cá chim trắng, ba ba, chim trĩ...và mới hơn nữa là nhiều sản phẩm thú vị từ rau sạch trồng trên cát.  Hương thơm vị ngọt đầu tiên đang làm gương mặt mọi người thêm rạng rỡ. Nếu năm 2005 toàn tỉnh thu ngân sách đạt 445 tỷ đồng thì nay đạt tới 11. 500 tỷ đồng,(2) bình quân đầu người từ 4,58 triệu đồng nay ước đạt 34 triệu đồng.  Những nguồn lực ấy đang thúc đẩy, nhân lên sức mạnh nội lực làm biến đổi quê hương từ thành thị đến các vùng quê xa xôi hẻo lánh. Phong trào xây dựng Nông thôn mới đang diễn ra sôi động, toàn tỉnh đã huy động được hơn 28. 000 tỷ đồng trong đó dân đóng góp chiếm hơn 11%. Đã có 5.649 mô hình sản xuất lớn nhỏ ra đời với nhiều nếp nghĩ cách làm hay, sảng tạo làm thay đổi tư duy nếp nghĩ của mỗi người dân. Ở xã Xuân Viên (Nghi Xuân) đã có những nông dân dám mua một con lợn giống (lợn bò) giá 14 triệu đồng. Thật là mát mắt và thú vị khi có một thôn xóm trồng tới 16 cây số hành rào mạn hảo bao quanh các tuyến đường xanh sạch đẹp, lại có những vùng quê văn hoá như ở Hương Trà (Hương Khê) dám nêu khẩu hiệu: Ai vứt rác bừa bãi ra đường người đó không phải là dân của xã...v.v.
     Dọc theo chuyến hành trình, đâu đâu cũng vậy, sau những cái bắt tay nồng ấm là sự hồ hởi giải bày về các hạng mục đạt tiêu chí quốc gia. Ban chỉ đao xây dựng nông thôn mới của tỉnh(3) cho hay toàn tỉnh đã có 95,7% số xã đạt tiêu chí bưu điện;   79,9% đạt tiêu chí điện chiếu sáng; 5,6% đạt tiêu chí quy hoạch chợ đạt chuẩn; 37,2% đạt tiêu chí trường học; 31,6% đạt tiêu chí thuỷ lợi; 29,5% đạt tiêu chí nhà ở dân cư; 15,4% đạt tiêu chí giao thông; 12,4% đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hoá...  Đến nay Hà Tĩnh đã có 11,11% số xã về đích Nông thôn mới. Hơn 62 % số xã đã đạt từ 7 đến 12 tiêu chí đây là dấu hiệu khả quan cho việc hoàn thành chỉ tiêu 20% số xã đạt nông thôn mới vào cuối nhiệm kỳ.
       Tết là vui, là xuân; có xuân là có tết; bên chén rượu nồng hương thơm lan toả từ các làng biển đến rừng và trong những vùng tái định cư mới lạ; ai đó còn phân vân, nếu không vì đạt chuẩn mà sang nợ cho con cháu mai sau, thì xin hãy cùng “dô” để đón nhận hương sắc mùa xuân đang lan toả trên khắp mọi nẻo đường quê đổi mới./.


(1)  Nghi quyết Đại hội XVI. Văn kiện Đại hội đảng bộ Khoá XVI trang 131
(2)  Báo cáo tại kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khoá XVI tháng 12 năm 2014
(3)  Báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới tháng 12 năm 2014, tổng hợp biểu 6