Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

Tướng quân Hà Mại tấm gương trung, hiếu, trí, dũng của hậu duệ họ Hà xứ Nghệ

Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, tấm gương của các bậc tiền nhân là vô cùng quan trọng. Đó là niềm tự hào, tài sản tinh thần vô giá để lại cho các bậc hậu thế làm nguồn vốn sức mạnh nhân lên ý chí quyết tâm phấn đấu nối gót cha anh góp sức xây dựng và bảo vệ đất nước. Đòng họ Hà xứ Nghệ mà thuỷ tổ Hà Mại là một điển hình như thế. Hà Mại tự là Hà Tông Hiếu, sinh ngày mồng 8 tháng 4 năm Giáp tuất (1334) trong một gia đình hào trưởng phía bắc kinh kỳ Thăng Long. Được cha mẹ có điều kiện cho ăn học thấu đáo, Hà Mại đã sớm ý thức được thời cuộc nên ra sức rèn chí luyện tài để giúp ích cho đời. Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh triều đình có những biến cố đặc biệt, Hà Mại được chứng kiến những biến động lớn của đất nước mà nổi lên trong đó là phía bắc nhà Minh đang lăm le xâm chiếm nước ta. Chúng nhiều lần đem quân xuống gần Thăng Long để thăm dò nội triều Đại Viêt. Trong những năm Đại Việt bị hạn hán, lũ lụt lớn, dân tình đói kém, chúng vẫn thường xuyên yêu cầu cống nộp nhiều nhà sư, cây ăn quả để trồng (như mít, hồng, vải, nhãn), lương thảo, nhân lực, thớt voi để dẹp loạn... Đây là sự báo trước một nguy cơ bị tấn công quân sự lâu dài. Phía Nam của đất nước, giặc Chiêm Thành thường xuyên quấy phá, xâm lấn, càn quét cướp bóc của cải dân lành, nhiều lần vào tới kinh đô. Đặc biệt là tình hình trong nước cuối những năm 80 của thế kỷ XIV; trải qua chặng đường đầy vinh quang sau khi đánh bại quân Nguyên Mông, xây dựng và phát triển nền văn minh Đại Việt rực rỡ. Với hào khí Đông A đã kéo dài hơn 100 năm; triều Trần bước vào giai đoạn mạt kỳ đang trên đường suy yếu, mục nát. Các quyền bính trong triều dần dần chuyển vào tay thế lực ngoại triều. Đáng chú ý là vây cánh của Lê Quý Ly (sau lấy lại họ gốc là Hồ Quý Ly) - một người đã biết bám vào vị thế có hai người cô ruột là thân mẫu của 2 vị vua Trần Minh Tông và Trần Nghệ Tông; có cháu gái lấy vua Trần Duệ Tông được phong là Gia Từ hoàng hậu; lại có vợ là công chúa Huy Ninh em vua Trần Nghệ Tông nên được nhà Trần tin dùng giao cho nhiều trọng trách quyền bính. Thế lực Lê Quý Ly ngày một lớn mạnh đang từng bước tiếm quyền nhà Trần vì những quan hệ thân thích đó. Kẻ thù ngoại bang phía Bắc, phía Nam cùng với triều đình như vậy khiến cho tình hình trong nước thêm khó khăn, mất ổn định. Yêu cầu huy động sức người sức của trong dân ngày một cao. Đời sống người dân bị tác động lớn còn do nạn trộm cướp, tội phạm nổi lên khắp nơi buộc triều đình phải thường xuyên điều quân dẹp loạn. Nội triều như vậy đã tác động mạnh mẽ vào hàng ngũ quan chức cận thần vốn một thời trung quân ái quốc đi theo phục vụ triều đình, buộc nhiều tướng lĩnh cận thần có tên tuổi tài năng ly tán, từ bỏ áo quan lui về tìm nơi ẩn dật. Trong số đó có Tư nghiệp Quốc tử Giám Chu Văn An dâng sớ đề nghị “Thất trảm” lên Vua không được trả lời đã treo mũ, áo quan bỏ về; Chương túc quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán nghỉ quan về Côn Sơn Hải Dương, Hà Mại về xứ Tĩnh Thạch phía Nam Thị xã Hồng Lĩnh ngày nay .... Một sự kiện đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong triều Trần là sau khi nhà vua Trần Duệ Tông đại bại vì bất chấp mọi can ngăn của bề tôi, mang quân trực tiếp đi đánh Chiêm Thành. Sử sách còn chép lại rất rõ: khi quân Chiêm thành trá hàng Đại tướng Đỗ Lễ đã can nhà vua rằng: "Nó đã chịu hàng, là muốn bảo toàn đất nước làm đầu. Quan quân vào sâu đánh phá thành giặc là việc bất đắc dĩ. Xin hãy sai một biện sĩ cầm mảnh thư đến hỏi tội, để xem tình hình hư thực của giặc, như kế sách của Hàn Tín phá nước Yên ngày trước, không phải khó nhọc mà thành công. Cổ nhân có nói: "Lòng giặc khó lường". Thần xin bệ hạ hãy xét kỷ lại" (1). Hoặc như: "Chiêm Thành chống lệnh, tội cũng chưa đáng phải giết. Song nó ở tận cõi tây xa xôi, núi sông hiểm trở. Nay bệ hạ vừa mới lên ngôi, đức chính, giáo hóa chưa thấm nhuần được tới phương xa, nên sửa sang văn đức khiến nó tự đến thuần phục. Nếu nó không theo, sẽ sai tướng đi đánh cũng chưa muộn". (2) Mặc dù vậy vua Trần Duệ Tông vẫn quyết không nghe: "Ta mình mặc giáp cứng, tay mang gươm sắc, dãi gió dầm mưa, lội sông trèo núi, vào sâu trong đất giặc, không ai dám đương đầu với ta. Thế là cái cơ trời giúp cho ta đó. Huống chi nay chúa giặc nghe tin đã chạy trốn, không còn lòng dạ đánh nhau. Cổ nhân nói: "Dùng binh quý thần tốc". Nay nếu dừng lại không tiến, thì thực là trời cho mà không lấy, để nó lại cơ mưu khác thì hối sao kịp. Ngươi chính là hạng đàn bà". (3) Nhà vua ra lệnh tấn công, Vua quan Nhà Trần bị Vua Chiêm Chế Bồng Nga liệu kế phục kích, cả Vua và nhiều tướng lĩnh tài ba thân cận bị giết chết. Từ đó gần như cơ đồ, quyền bính Nhà Trần chuyển sang tay Phụ chính Thái sư Lê Quý Ly. Chứng kiến và xẻ chia hoàn cảnh đất nước đã từng bước tạo dựng cho Hà Mại những bước lựa chọn cuộc đời. Do có vốn hiểu biết ban đầu, lại có thêm tư chất thông minh từ gia đình hun đúc; anh hiểu rõ hơn vận nước có thể đi đến đâu. Đây là những tiền đề hết sức quan trọng giúp anh có những quyết định sáng suốt để rèn chí làm người. Nhìn tổng thể cho thấy Hà Mại đã có nhiều sự lựa chọn sáng suốt, làm nổi bật một điển hình về trung, hiếu, trí, dũng: Trước hết đó là việc chuẩn bị cho mình hành trang giữa thời loạn lạc. Sau khi được cha mẹ cho học hành khá chu đáo Anh đã sớm xây dựng niềm đam mê và bước vào tu luyện võ thuật. Năm 17 tuổi, anh dự thi đỗ hạng ưu khoa thi quan võ, được nhà vua bổ nhiệm huấn luyện và chỉ huy đội quân cấm vệ bảo vệ Triều đình. Với tài năng và ưu thế võ nghệ, chỉ 5 năm sau Anh được bổ nhiệm chỉ huy đơn vị bảo vệ Thái thượng hoàng Trần Minh Tông và Thượng hoàng Trần Dụ Tông đi kinh lý biên giới phía Nam nước Đại Việt. Để đảm bảo biên cương vững chắc; Hà Mại đã được giao trú lại Trấn Nghệ An (bao gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay) để xây dựng phòng tuyến biên giới phía Nam Đại Việt chống lại sự quấy phá của quân Chiêm Thành. Cuộc đời cầm quân cái quan trọng hàng đầu là phải trung thành với Vua, với nước, đây là yếu tố tiên quyết để tồn tại và thăng tiến. Được triều đình giao trọng trách, trong mọi hoàn cảnh Hà Mại vẫn quyết tâm, tận tuỵ tìm mọi cách để hoàn thành nhiệm vụ. Ngay cả khi đất nước gặp khó khăn, nhà Vua và nhiều tướng sĩ tử trận; Hà Mại vẫn quyết chí vận động nhân dân, tổ chức lực lượng xây dựng phòng tuyến vệ quốc vững chắc. Mặc dù trong điều kiện phía Bắc nhiều lần quân địch đánh vào tận kinh đô, quan quân Nhà Trần phải rút chạy để kẻ địch phá phách kinh thành sau đó rút lui; thế nhưng trong hơn 13 năm từ 1376 đến 1389 tướng quân Hà Mại đã cùng quân sĩ đánh bại 6 đợt tấn công mãnh liệt của đội quân Chiêm Thành. Đội quân phòng thủ của Hà Mại đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc biên giới phía Nam của đất nước. Với công lao và sự cống hiến cho đất nước của Hà Mại triều đình nhà Trần đã phong tước cho ông: Phụ Quốc, Thượng tướng quân, Thượng vị hầu và bổ làm Trấn thủ Nghệ An Một điều nói lên lòng trung thành với nhà vua và tài năng dũng khí của Hà Mại, là sự đoán biết diễn biến trước của thời cuộc để quyết tâm xây dựng hậu cứ vững mạnh khi có điều kiện tham gia chống gặc lớn phương Bắc. Cuối những năm 80 của thế kỷ XIV, triều đình nhà Trần xảy ra nhiều biến cố phức tạp: Lê Quý Ly từng bước loại bỏ Nhà Trần, tìm cách buộc vua Trần uỷ thác việc triều chính, đến những hành động hèn hạ bố trí giết hại Vua Trần Phế Đế (tháng 12-1388); sau đó là Trần Thuận Tông 1399, chính sự của nhà Trần bắt đầu bị Quý Ly nắm quyền. Đoán trước được sự thanh trừng nội bộ bi thảm do Hồ Quý Ly lộng quyền, trung thành với vua Trần mà một đời mình phụng sự; thấy không thể tiếp nối hầu hạ một vị vua với lòng dạ như thế; tướng quân Hà Mại xin từ quan, về ở ẩn ở vùng núi Hồng lĩnh. Sau này, nơi đây đã trở thành căn cứ địa của cụ Hà Mại và con trai Hà Tông Chính (lúc nhỏ là Hà Dư) cùng nhà Hậu Trần chiến đấu anh dũng chống giặc Minh xâm lược (1407-1413). Lịch sử ghi lại rằng, cuối cùng, toàn bộ vua tôi nhà Hậu Trần đều tử tiết oanh liệt chứ quyết không đầu hàng quân Minh. Có lẽ người đời ngưỡng mộ tướng quân Hà Mại cũng không chỉ sự tài năng thao lược chỉ huy chiến đấu của ông, mà ở ông còn nổi lên một sự nhìn xa trông rộng. Trong khi lo hoàn thành tốt công việc Triều đình, ông còn dày công rèn luyện con trai để lo nối nghiệp làm tướng theo ông. Mối tơ duyên của ông với Lê Thị Quý Yên người con gái một xã trưởng vùng Trấn ải đã cho ông người con trai đầu là Hà Tông Chính (Hà Dư). Ông xem nơi đây là quê hương thứ hai nên cùng vợ sớm lo cho con học hành chu đáo. Ông đặc biệt quan tâm việc rèn đức luyện tài cho con của mình, nên Hà Tông Chính và cháu thứ hai là Hà Sản (con thứ Hà Tông Chính) sớm trưởng thành trở thành cánh tay đắc lực cùng ông xây dựng hậu cứ, tích cực chiến đấu chống quân xâm lược. Được gần gủi và rèn luyện bên cạnh người cha thân yêu, Hà Tông Chính đã sớm bộc lộ tài cầm quân và khí phách hiên ngang của một tướng quân chiến đấu chống quân Chiêm Thành giữ gìn biên cương phía Nam của đất nước Đại việt. Bởi vậy, năm 1396; lúc mới 30 tuổi Hà Tông Chính đã có nhiều thành tích trong chiến đấu và xây dựng lực lượng nên đã được triều Trần phong Hoàng Bảng Đại tướng quân. Trong cuộc chiến chống quân Minh, Hà Tông Chính còn tham gia trận đánh lớn và chiến thắng vang dội ở Bồ Cô tiêu diệt 10 vạn quân địch… Mùa hè năm Quý Tỵ 1413 quân Nhà Minh ồ ạt tấn công Đại Việt. Tướng quân Hà Tông Chính đã là một trong những vị tướng cuối cùng của triều Trần trên mặt trận Nghệ An, dũng cảm ngoan cường chiến đấu chống quân Minh đến giọt máu cuối cùng. Ông đã để lại hình ảnh đẹp trong lòng dân xứ Nghệ về một vị tướng dũng mạnh, trung kiên, không sợ hy sinh vì dân vì nước. Như vậy xét trên tài năng bẩm sinh, năng lực hoàn thành trọng trách của triều đình giao phó, lòng trung thành với nhà vua, sự nhạy cảm thời cuộc đến việc rèn cặp con cháu thì tướng quân Hà Mại không chỉ là thuỷ tổ, người khai sinh ra dòng họ Hà ở đây, mà còn là một tấm gương chuẩn mực cho các thế hệ mai sau. Đây cũng là nhân lõi quan trọng trong khối di sản quý báu mà hậu duệ họ Hà xứ Nghệ mãi mãi lấy làm niềm tự hào nhân lên ý chí sức mạnh nối gót tướng quân xây nên nhiều bậc nhân tài có vị trí lớn qua các triều đại về sau. Thực tế lịch sử đã để lại cho chúng ta những bậc công thần đầy tài năng, cống hiến lớn cho đất nước trên nhiều lĩnh vực được người đời ngưỡng mộ và tôn kính. Tuy nhiên, chiến tranh có quy luật khắc nghiệt của nó; sau khi giặc Minh đặt được ách thống trị lên đất nước ta, cháu chắt Hà Mại phải mai danh ẩn tích đi nhiều nơi tránh sự truy lùng của giặc. Theo quy luật của sự phát triển, con cháu của Hà Mại vẫn sinh sôi nẫy nở cho tới nay đã trên 25 đời; sinh sống hầu hết ở các huyện, thành, thị của tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước và một số nước trên thế giới. Đối với vùng đất xứ Nghệ nói chung, Hà Tĩnh nói riêng rất nhiều người con các thế hệ họ Hà trên từng vùng đất khác nhau, trên mỗi lĩnh vực khác nhau đã làm rạng danh quê hương từ đời này qua đời khác. Có thể kể tới một số danh nhân tiêu biểu mà người đời ngưỡng mộ danh thơm lừng lẩy các bậc tài năng họ Hà sau đây: Hà Công Trình (1434-1511) hậu duệ đời thứ tư của tướng quân Hà Mại thuộc dòng gốc họ Hà ở xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, đây là chiếc nôi họ Hà đầu tiên của Hà Tĩnh. Sau khi Tướng quân Hà Tông Chính tử trận, Hà Nho là con cả Hà Tông Chính, cháu đích tôn Hà Mại về lánh nạn tại vùng bưng biền phía tả ngạn sông Nghèn (xưa là xã Tỉnh Thạch, huyện Thiên Lộc) nay là xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh rồi định cư ở đó cho tới ngày nay. Noi gương các bậc tiên tổ Hà Công Trình hậu duệ đời thứ tư của tướng quân Hà Mại đã học hành thành đạt. Năm Bính Tuất 1466 dưới triều vua Lê Thánh Tông, Hà Công Trình đã thi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ được bổ làm Tri huyện, Tri phủ, Tham chính sứ sau đó được điều về triều nhận chức Thái thường tự khanh, tiêp đến là Nhập thị Kinh Diên với trọng trách giảng sách cho Vua và các Hoàng tử. Với tài năng của mình, Hà Công Trình đã được triều đình giao phó nhiều trong trách lớn như: Thượng thư Bộ Hình, Bộ Binh, Bộ Công và sau cùng là Tế tửu Quốc Tử Giám trông coi việc đào tạo nhân tài cho đất nước một thời hưng thịnh dưới triều Lê. Một nhân tài khác của dòng họ Hà Can Lộc là Tiến sĩ Hà Tông Mục (1653-1707); ông là cháu trùc hệ đời thứ 7 của Hoàng giáp Hà Công Trình. Khi mới sinh ra đã có thiên tư dĩnh ngộ, dáng vẻ khoáng đạt, thông tuệ hơn người. Mới 7, 8 tuổi đã thông thi lễ; 13 tuổi đã thạo văn từ, Hà Tông Mục sớm tỏ ra là người có chí lớn, say me học hành, nên 22 tuổi đã thi đỗ giải thi Hương và 36 tuổi đỗ tiến sĩ. Từ đây, ông trải qua đời làm quan  ở Viện Hàn lâm, làm Đốc đồng ở Tuyên Quang và Hưng hoá, làm Tuần phủ ở tỉnh An Biên. Năm Chính Hoà 14 ông nhậm chức Lại khoa, Nội tán, Thuỷ sư rồi tham gia biên soạn sách Đại Việt sử ký tục biên. Năm 1797 ông giữ chức Phủ doãn Phủ Phụng Thiên. Năm1699 ông được giao đi kinh lý Bảo Lạc dàn xếp chuyện Biên giới với quân Thanh. Tướng quân nhà Thanh Trì Phượng buộc phải hổ thẹn, tạ lỗi và xin rút quân về, biên giới bình yên trở lại. Ông được vua Khang Hy trọng nể và tặng bức Đại tự mang dòng chữ “ Nhược Xung Hiên” biểu thị việc tôn vinh ông là người tài đức trọn vẹn. Vì tài đức như thế, nên ông đã trở thành một hiện tượng hiếm có trong lịch sử là khi còn sống được nhân dân quý trọng yêu thương mà lập đền thờ gọi là Sinh từ. Trong tấm bia Sùng chỉ ở đền thờ có đoạn viết: “Công (tức Hà Tông Mục) đối với quê hương ơn sâu, đức dày, có nhiều công ngăn trừ tai hoạ, xóm làng đều bội phục, xin tôn thờ Công và phu nhân làm hương tổ phụ mẫu...”. Đáp lại thịnh tình này, Hà Tông Mục nói: « Việc trung cần đối với nước, việc hiếu thuận đối với nhà, ăn ở hoà mục với dân làng là chức phận đương nhiên của tôi vậy ». Vào đầu thế kỷ XX, dòng họ Hà xứ Kim Nặc, Tổng Thổ Ngoạ (nay là xã Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên Hà Tĩnh) xuất hiện một nhân vật có tên tuổi lớn đó là Hà Huy Tập (1906-1941). Ông là hậu duệ thứ 21 của tướng quân Hà Mại, sinh ra trong một gia đình nhà nho, thân phụ là Hà Huy Tường từng đỗ Cử nhân nhưng không ra làm quan mà chỉ dạy học kiêm bốc thuốc chữa bệnh ở địa phương. Chứng kiến cảnh đời của người dân nô lệ thực dân phong kiến, khiến Hà Huy Tập mơ ước được dấn thân vào con đường cứu dân cứu nước. Là một người thông minh nên sớm nhận thức được thời cuộc, sau khi tốt nghiệp trường Quốc học Huế, Hà Huy Tập đã theo nghề dạy học để vừa có chổ nương thân hoạt động, đồng thời có điều kiện để giáo dục giác ngộ học sinh theo hướng yêu nước, chống áp bước, bất công. Năm 19 tuổi ông đã tham gia tổ chức Hội Phục việt, một tổ chức yêu nước, sau này là Tân việt cách mạng Đảng và là một bộ phận tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam. Do hoạt động tích cực Hà Huy Tập được tổ chức cách mạng ở nước ngoài chọn đưa đi học tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản. Sau khi học xong Hà Huy Tập đã được bố trí tham gia Thư ký Ban Hải ngoại của Đảng. Đồng chí là người trực tiếp chuẩn bị và tổ chức Đại hội lần thứ nhất của Đảng (27/3 đến 31/3/1935) . Được tổ chức phân công Hà Huy Tập đã về nước khôi phục Ban Trung ương lâm thời và đã chính thức đảm nhiệm chức vụ Tổng Bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam vào tháng 3 năm 1936. Với trọng trách của mình, Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã có quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược quan trọng cho Đảng trong thời kỳ đấu tranh dân chủ (1936-1939). Đồng chí còn để lại nhiều tác phẩm có giá trị lý luận và thực tiễn cho Đảng như Sơ thảo Lịch sử của Đảng cộng sản Đông Dương ; Vì sao cần ủng hộ Mặt trận Bình dân bên Pháp; Thư ngõ về Đại hội Đông Dương....Khi sa vào tay giặc đồng chí đã giữ trọn khí tiết người cộng sản và trả lời dứt khoát với trạng sư bào chữa trước khi bị kẻ thù kết án tử hình: «Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống tôi sẽ tiếp tục hoạt động!» Do cuộc sống mưu sinh và nhiều lý do khác nhau dòng họ Hà Tùng Lộc còn thiên di đi nhiều nơi trong tỉnh như Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Hương Sơn, Đức Thọ, ngoại tỉnh như Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương, tp Vinh thuộc Nghệ An, xa hơn như Thanh hóa, Hà Nội, Quảng Ninh, một số tỉnh thành phía Nam nước Việt và một số vùng miền trên thế giới. Tiếp nối truyền thống cha ông con cháu hậu duệ họ Hà khắp mọi miền đều có người thành đạt rạng danh tên tuổi trên các lĩnh vực. Có thể kể đến như Bảng nhãn Hà Tông Huân (1697 – 1765), đỗ đầu khoa thi Tiến sĩ năm 1724 là người nổi tiếng vào thời bấy giờ ở tài năng và đức độ. Ông đã từng gữ chức Thượng thư bộ Binh, Tham tụng (Tể tướng), được phong hàm Đại tướng đi đánh giặc dẹp loạn thắng lợi. Hà Tông Huân là tác giả nhiều bộ sách giáo khoa thời bấy giờ. Cháu của ông là Hà Tông Quyền (1798 – 1839), Tiến sĩ khoa thi năm 1822 thời Nguyễn. Thời Cần vương có Hà Văn Mỹ (Hà Văn Côn) là tướng quân thuộc quyền Phan Đình Phùng, chỉ huy đội quân Xuân thứ (bao gồm toàn bộ lực lượng nghĩa quân và nhân dân vùng Nghi Xuân Hà Tĩnh). Về học hành khoa cử còn có nhiều người đỗ đạt như Hà Tông Tuấn, Hà Tông Giao, Hà Nguyễn Tiến, Hà Bảo, Hà Văn Gia (Hà Văn Gia là tác giả một số bản Gia phả họ Hà đang được lưu giữ tại viện Hán – Nôm), Tiêu biểu thời trước trước cách mạng tháng 8 năm 1945 có Hương cống Hà Huy Sào, Hà Huy Quang, Hà Huy Kiểu, Hà Huy Phẩm, Hà Huy Nhiếp, Hà Học Văn. Hà Học Hải, Hà Từ. Khi có Đảng Cộng sản sau Cố TBT Hà Huy Tập còn có Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hà Quang Tập (1941), Hà Uyên (1949), các UVTW Đảng Hà Huy Giáp, Hà Xuân Trường, Hà Học Trạc; Nhiều người nổi tiếng đã có những đóng góp đáng kể vào sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ tổ quốc tiêu biểu như Hà Học Hợi, Hà Văn Tấn, Hà Huy Khoái, Hà Huy Khôi, Hà Huy Vui, Hà Học Ngô, Hà Huy Kế, Hà Huy Cương, Hà Huy Tâm, Hà Huy Tiến, Hà Huy Thông, Hà Huy Tuấn, Hà Huy Tài, Hà Văn Hạp, Hà Văn Mạo, Hà Văn Ngạc, Hà Văn Quyết, Hà Văn Hùng, Hà Thị Mỹ Hương, Hà Anh Đào, Hà Mai Hiên, Hà Minh Hùng … Con cháu hậu duệ các đời tiếp theo, dù ở đâu cũng đều cố gắng học hành, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, nhiều người có công với nước làm rạng danh họ Hà noi theo tấm gương trung, hiếu, trí, dũng của Tướng quân Hà Mại kính yêu./. -------------------------------------------- (1) Xem Đại Việt Sử ký toàn thư-Bản kỷ-quyển VII trang 269 (2) Xem Đại Việt Sử ký toàn thư-Bản kỷ-quyển VII trang 270 (3) Xem Khâm Định Việt sử thông giám cương mục- Chính biên – Quyển X- trang 298