Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

Đồng chí Trần Phú, người thầy giáo tài năng, tiêu biểu của Đảng

Đồng chí Trần Phú thuộc thế hệ lãnh tụ tiền bối của Đảng. Trong những ngày đầu vừa mới thành lập; dưới chế độ thống trị của bọn Thực dân phong kiến, Đảng cộng sản Việt Nam đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách sống còn. Trên cương vị là người đứng đầu của Đảng, trọng trách vô cùng nặng nề đối với đồng chí Trần Phú là làm sao để có thể duy trì ảnh hưởng và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Chính sự thành công trong việc đưa đất nước vượt qua bao gềnh thác giành thắng lợi từng bước cho đến thắng lợi hoàn toàn; xoá bỏ chế độ thực dân phong kiến xây dựng chế độ mới từng bước đi lên CNXH đã thể hiện rõ nét sự lãnh đạo tài năng uy tín lớn của Đảng ta nói chung, Tổng bí thư của Đảng nói riêng. Nghiên cứu về Tổng bí thư Trần Phú là một vấn đề rộng lớn trên nhiều phương diện. Tôi chỉ xin trình bày một góc nhỏ trong cuộc đời Trần Phú gần gủi với công việc hàng ngày của chúng ta, đó là việc tìm hiểu một số nét tiêu biểu về tấm gương người thầy giáo của Đảng. 1. Trần Phú là một người thầy luôn biết quan tâm tự học tự tích luỹ. Chúng ta đều biết làm một thầy giáo thì yêu cầu đầu tiên là tích luỹ kiến thức. Các cụ xưa đã dạy “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” nghĩa là dạy một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Ngày xưa chúng ta đã tôn trọng thầy là vậy; bởi vì người thầy muốn dạy được cần phải có chữ. Muốn dạy được tốt thầy càng cần có nhiều chữ, hiểu đầy đủ có nghĩa là muốn làm một thầy giáo tốt, người thầy cần hiểu nhiều biết rộng. Vì thế việc dạy học càng phải gắn liền với tự học, tự tích luỹ vốn kiến thức cho mình. Trần Phú trên phương diện là người thầy đã làm như vậy một cách tiêu biểu. Khi đã xác định được việc học của mình không phải là để làm quan; dù là làm quan lấy chổ nương thân như thân sinh của mình; thì Trần Phú đã sớm chuẩn bị hành trang cho mình làm thầy giáo từ rất sớm. Đó là việc đồng chí cần mẫn tìm tòi tài liệu sách vở để tăng thêm vốn kiến thức và sự hiểu biết. Tìm hiểu về cuộc đời Trần Phú chúng ta được biết mặc dù dưới chế độ thực dân phong kiến hà khắc; đặc biệt chúng kiểm tra chặt chẽ với những học sinh có xu hướng yêu nước. Thế nhưng ngoài thời gian học tập trên ghế nhà trường, Trần Phú đã tự tìm hiểu thêm các loại sách báo khác; đặc biệt là sách báo tiến bộ được truyền bá từ nước ngoài vào Việt nam. Thời gian học tập ở Huế Trần Phú đã tiếp cận sách báo của Mác-Lê nin, sách Người cùng khổ và những bài viết của Nguyễn Ái Quốc được công nhân đem từ nước ngoài về nước. Kết thúc khoá học Trần Phú đã đỗ đầu kỳ thi Thành chung do Trường Quốc học Huế tổ chức. Với kết quả đó con đường làm quan đã rộng mở phía trước. Thế nhưng bằng vốn hiểu biết và những gì tai nghe, mắt thấy ở chốn phồn hoa cung cấm ấy của Triều đình và cảnh cơ cực của người dân lao động đã làm nhen nhóm lên tinh thần yêu nước thương dân trong con người Trần Phú. Anh đã chọn lựa nghề thầy giáo để bước những bước đầu tiên trên con đường đấu tranh cách mạng. Trần Phú được bổ làm giáo học và trở thành thầy giáo dạy học thực thụ tại Trường Cao Xuân Dục, Vinh, Nghệ An. Tại đây Trần Phú vừa dạy học vừa tiếp xúc các bậc đàn anh, bạn bè có xu hướng tiến bộ để tích luỹ kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh; vừa dạy học vừa tham gia hoạt động thực tiễn; để dạy học có hiệu quả hơn. Đến khi được tổ chức chọn đi học trường Đại học Phương Đông của Quốc tễ cộng sản, dù rằng Trần Phú vào học chậm một năm so với bạn học của mình; song Trần Phú vẫn cố gắng tự học để không những theo kịp bạn bè mà còn phấn đấu đạt được học sinh xuất sắc. 2. Trần Phú là một người thầy luôn biết trau dồi và gắn kết kiến thức cả lý thuyết và thực hành. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy chúng ta: “Lý luận mà không có thực hành là lý luận suông, nhưng thực hành mà không có lý luận là thực hành mù quáng”. Chân lý đơn giản ấy giúp cho chúng ta trong quá trình dạy học cảm thụ rõ rệt độ sâu nông khi nghe thuyết trình bài giảng. Một bài giảng nghe hay hữu ích khi thấy giảng viên trình bày dễ hiểu vấn đề lý luận và càng thấm thía hơn khi thấy người trình bày gắn được những thực tiễn cuộc sống đang đặt ra. Một bài giảng thiếu thực tiễn, không gắn được với thực tiễn chắc chắn sẽ làm người nghe sớm mệt mỏi và thiếu sức hấp dẫn thuyết phục. Thấy rõ điều này Trần Phú luôn tìm cách kết hợp giảng dạy cho học sinh cả kiến thức sách vở lẫn kiến thức thực tiễn ngoài đời. Trần Phú là thầy giáo không chỉ chăm lo dạy chữ mà còn biết tìm mọi cách để dạy người; dạy học sinh yêu quê hương đất nước, chống giặc ngoại xâm giành độc lập dân tộc. Để truyền thụ tinh thần yêu nước cho học sinh, trong những ngày dạy học ở Trường Cao Xuân Dục, ngoài việc dạy học trò học chữ, học làm người, Trần Phú còn đưa học trò của mình đi thăm di tích Đại bản doanh của Phan Đình Phùng trên núi Vụ Quang, thăm núi Lam Thành nơi Nguyễn Biểu “ăn cổ đầu người” để tỏ rõ khí phách, không chịu khuất phục tướng nhà Minh là Trương Phụ, thăm núi Dũng Quyết nơi Hoàng đế Quang Trung đặt Phượng Hoàng Trung đô chuẩn bị chống quân xâm lược Mãn Thanh...những lần đi thăm này đã thấm sâu vào tâm thức cả thầy lẫn trò tinh thần yêu nước, anh dũng chống ngoại xâm của các bậc tiền bối, trên mảnh đất quê hương. Điều này được các đồng chí của mình khẳng định trên tờ báo Vô sản ngay khi đồng chí vừa từ trần: “Đồng chí là một người chiến sĩ rất lão luyện về lý thuyết và thực hành cách mạng” (1). 3. Trần Phú là một thầy giáo mẫu mực tận tuỵ với sự nghiệp dạy học. Không chỉ biết chăm lo dạy trò cả lý thuyết và thực hành; bản thân thầy giáo Trần Phú còn là tấm gương mẫu mực đối với học sinh. Trong những năm làm giáo viên ở Vinh, Trần Phú nổi tiếng là một giáo viên dạy giỏi, yêu trò, đoàn kết các đồng nghiệp, khơi đậy trong thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, yêu quê hương và lòng căm thù giặc sâu sắc. Mục tiêu lớn nhất của cuộc đời Trần Phú là hoạt động cách mạng nhằm mang lại quyền lợi độc lập cho đất nước, tự do hạnh phúc cho nhân dân. Bởi vậy dạy học chỉ là phương tiện tạm thời để phục vụ mục tiêu cao cả. Trong quảng đời dạy học Trần Phú không hề có mưu cầu riêng mà chỉ dạy được càng nhiều người, càng nhiều học sinh hiểu biết lẽ sống làm người càng tốt. Trần Phú là một thầy giáo hiền từ, tận tâm, hết mực thương yêu học sinh của mình. Không chỉ lo dạy chữ trên lớp, trong mọi hoàn cảnh Trần phú tìm cách để truyền thụ tinh thần yêu nước, thương dân, biết xả thân vì độc lập dân tộc chọ học sinh. Đêm đêm Trần Phú phải lặn lội trong các xóm thợ, công nhân, nông dân, những người lao động nghèo khổ để tổ chức lớp học dạy chữ quốc ngữ cho họ. Đồng chí sống gần gũi với học sinh và nhân dân lao động, sớm thấu hiểu nỗi cơ cực của công nhân và nông dân. Chính điều này đã làm cho cuộc đời Anh với người lao động nghèo khổ gắn bó với nhau, thấu hiểu nhau hơn. Người học càng trở nên yêu quý và nghe theo những lời giáo huấn của thầy. Biết ơn công lao dạy dỗ của thấy nhiều học sinh đã quyết tâm đi theo chí hướng của thầy. Một số học sinh đã trưởng thành, trở thành những cán bộ xuất sắc của Đảng như Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Châu, Nguyễn Ngọc Ba (người đã cùng Trần Phú xuất dương sang Trung quốc năm 1926). 4. Trần Phú còn là một thầy giáo luôn gắn cuộc đời hoạt động của mình với các tổ chức yêu nước, cách mạng. Từ ảnh hưởng quê hương, gia đình, thời cuộc và chính ngay hoàn cảnh bất hạnh của bản thân từ nhỏ đã sớm thúc đẩy Trần phú trong sự chọn lựa và dấn thân vào con đường tranh đấu. Ngay trong khi còn là học sinh trường Quốc học Huế, Trần Phú đã từng dám phản đối giáo sư người Pháp Dobois khi vị thầy này xúc phạm lòng tự trọng của con người Việt Nam rằng: “A Nam là giống người hạ đẳng”, để ông ta phải thốt lên rằng: “Trò là người đầu tiên làm ta kính nể và e ngại”. Thời gian này Trần Phú còn tham gia xây dựng Tu tiến Hội để giúp nhau học tập và mở mang thêm trí tuệ. Khi đã là thầy giáo Trần Phú tích cực hơn trong các hoạt động yêu nước như tham gia Hội phục Việt-Hội Hưng Nam rồi Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Trần Phú là người làm đơn lấy chữ ký đòi Thực dân Pháp ân xá cho Phan Bội Châu; tổ chức lễ truy điệu Phan Chu Trinh...Trần Phú còn tìm lý do để thôi dạy học ở Vinh sang Lào hoạt động cách mạng theo sự phân công của tổ chức. Từ đây cuộc đời thầy giáo Trần Phú đã có bước chuyển quan trọng trên con đường cách mạng mới. Trần Phú được tổ chức tin cậy chọn lựa đi đào tạo chuẩn bị hành trang cho cuộc chiến đấu mới trên cương vị cán bộ cốt cán của Đảng. Chặng đường mới càng thúc đẩy thêm niềm tin và nghị lực của Trần Phú gắn hặt hơn với tổ chức cách mạng của Đảng cộng sản. Một mặt chính quá trình hoạt động trong các tổ chức đã giúp Trần Phú có thêm rất nhiều hiểu biết thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng tổ chức cách mạng nói chung, xây dựng Đảng nói riêng. Mặt khác có lẽ vì quá trình nổ lực và rèn luyện liên tục trong các hoạt động và tổ chức cách mạng của mình đã cho Trần Phú một ý chí sắt đá khi sa vào tay địch. Trước mọi thủ đoạn kẻ thù từ việc dùng cực hình tra tấn đến dụ dỗ; Trần Phú đã có một câu trả lời sắt đá: “Đừng hỏi làm gì nữa vô ích, ta không thể đem công việc của Đảng ra để nói cho các người nghe”. 5. Một điểm rất quan trọng khác là từ qúa trình làm thầy dạy học, Trần Phú đã chuẩn bị đầy đủ cho mình để trở thành lãnh tụ xuất sắc của Đảng. Một thầy giáo yêu nước nhiệt thành, được tôi luyện trong đấu tranh, hiểu rõ nhu cầu cuộc sống cấp bách của người dân một nước thuộc địa nửa phong kiến, lại được tổ chức tạo điều kiện để tiếp cận đầy đủ học thuyết cách mạng; thêm vào đó là bản thân vốn có tố chất thông minh, cần cù chịu khó và từng trải... đã nâng Trần Phú lên một tầm hiếu biết mới về hoạch định chiến lược cách mạng. Chỉ sau 6 tháng sau khi trở về đất nước, được tổ chức phân công giao nhiệm vụ soạn thảo cương lĩnh của Đảng, Trần Phú đã không quản ngại khó khăn, thử thách. Trần Phú đã không quên tiếp tục nghiên cứu miệt mài các nguyên lý cách mạng theo học thuyết Mác –Lê Nin, những bài học được nghe Nguyễn Ái Quốc trực tiếp truyền thụ đồng thời sắp xếp thời gian để đi nghiên cứu thực tế một số địa phương miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hòn Gai... Trần Phú đã sớm hoàn thành bản thảo Luận cương chính trị của Đảng. Bản Luận cương đã nhanh chóng được Hội nghị Trung ương Đảng thống nhất thông qua và đồng chí đã được Hội nghị Ban chấp hành Trung ương bầu giữ chức Tổng bí thư đầu tiên của Đảng vào tháng 10 năm 1930. Một điều đáng tự hào về thầy giáo Trần Phú là mặc dù 84 năm đã trôi qua nhưng những luận điểm cách mạng cơ bản trong bản Luận cương vẫn mài toả sáng soi rọi cho Đảng ta từng bước trưởng thành và không ngừng lớn mạnh. Như vậy trên phương diện của một thầy giáo đồng chí Trần Phú đã thể hiện rõ việc chuẩn bị cho mình những hành trang quan trọng cần thiết như vốn kiến thức vững chắc; quan tâm việc dạy cho học sinh đồng đều cả về phương diện lý thuyết và thực hành, một người thầy yêu nghề tận tuỵ hôm sớm để truyền thụ kiến thức và lòng yêu quê hương đất nước cho học sinh; tự mình luôn phấn đấu trong tổ chức cách mạng của Đảng để khi trở thành một lãnh tụ của Đảng có đầy đủ những hiểu biết cần thiết làm trụ cột cho Đảng và đồng chí của mình vượt qua gian nan thử thách. Đồng chí Trần phú không chỉ là tấm gương sáng chói về một lãnh tụ tài ba mà còn là một người thấy giáo tiêu biểu của Đảng. Rõ ràng đồng chí “Là một người rất thông minh, hăng hái và cần cù, đồng chí Trần Phú đã làm được nhiều việc quan trọng cho Đảng”(2) như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về Anh. Ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, sự nghiệp cách mạng và đất nước đang bước vào một vận hội mới với xu thế hội nhập và toàn cầu hoá. Đội ngũ cán bộ của Đảng đang đứng trước những thời cơ và thách thức. Yêu cầu mới của công tác đào tạo cán bộ của Đảng đang đòi hỏi rất nhiều ở những người thầy của Đảng. Nhìn vào tấm gương thầy giáo Trần Phú chắc hẳn trong đội ngũ chúng ta không thể không nghĩ tới trách nhiệm của mình trước yêu cầu mới. Cuộc hội thảo khoa học hôm nay sẽ vô cùng có ý nghĩa khi mỗi chúng ta soi vào hình ảnh người thầy giáo Trần Phú- tấm gương sáng chói về một người thầy tiêu biểu của Đảng./. ------------------------------ (1) Võ Bá Quang, Báo Vô sản số 13 , tháng 6,7 năm 1932 (2) T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr. 56-57 Trần Quang Trung 4-2014